Bát Tiên Đắc Đạo
Chương 95: Chống Dị Đoan, Văn Công Công Kích Đạo Giáo Giáng Mưa Lành, Tương Tử Hiển Thần Thông
Đây nói chuyện Hàn Tương Tử thác sinh vào nhà họ Hàn, thấm thoát đã được hơn mười năm. Từ hồi cậu bé mới lên năm, cha cậu là Hàn Hội thấy con trai thông minh xuất chúng, mới nói với em trai là Hàn Dũ :- Thằng bé Tương Tử có thiên tư rất tốt, sau này có hy vọng là một nhân tài, chúng ta phải mời một ông thầy giỏi, dạy nó đọc sách mới được.Hàn Dũ nghe anh nói, để ý tìm kiếm khắp nơi, trước sau mời được vài vị tiên sinh nổi tiếng uyên bác, về dạy cho một mình Tương Tử. Không ngờ Tương Tử bẩm sinh thông tuệ, bất cứ kinh sách nào, hễ cậu xem qua một lượt là đọc ra vanh vách, chẳng phiền thầy giáo giảng giải, mà cậu còn hiểu thấu những chỗ cao siêu áo diệu trong sách nữa. Có những chỗ ông thầy chỉ dẫn không rõ ràng, Tương Tử liền viện dẫn điển cố và những chứng cứ ngoài sách vở, nói ra những đạo lý vô cùng chính xác, khiến mấy ông tự than mình không bằng học trò, dạy được một thời gian, đành xin thôi. Vì thế, lúc Tương Tử được mười hai tuổi, đã thay đổi tới bốn, năm vị tiên sinh, đều có tiếng tăm.Trong vòng một trăm dặm, ai cũng nghe nói vị công tử nhà họ Hàn chính thật thần đồng, các vị lão sư túc nho, tự nhận mình tài giỏi, rất sợ đụng phải tay thần đồng này, rồi đến mất hết danh tiếng một đời, chẳng ai chịu nhận lời mời. Tìm kiếm đã lâu, không mời được vị danh sư nào, Hàn Hội nói với Hàn Dũ :- Xem ra những vị tự xưng danh túc đời nay, bản lãnh cũng chỉ thường thường thế thôi. Nếu không, tại sao không vượt qua nổi thằng bé nhà ta ?Hàn Dũ nghiêm sắc mặt, nói :- Huynh trưởng đừng nói vậy. Trẻ thơ, dù có chút thông minh chăng nữa, cũng chỉ hiểu biết hời hợt thôi. Đến chỗ uyên ảo của cổ nhân, chẳng biết kiến giải của nó đúng hay sai, huynh trưởng đã vội đánh giá nó cao như thế là không được. Còn những vị tiên sinh trước đây chúng ta mời về, theo tiểu đệ biết, đều có học thức vững chắc, bản lãnh rất cao. Các ông ấy bẩm chất thông minh, dẫu không bằng Tương Tử chăng nữa cũng đều có chân tài, thực học.Khoan nói chuyện gì khác, chỉ nói tới việc các ông khổ công đèn sách mấy chục năm, quyết nhiên một đứa trẻ mới học có năm, ba năm, tí toét vài ba chữ, sao có thể sánh kịp ? Sở dĩ các ông từ chối xin về, hoặc giả vì cảm thấy tinh thần không ổn định, sợ làm hỏng tương lai của đệ tử, hoặc giả vì Tương Tử cậy mình thông minh, không khỏi có những lời cuồng vọng, tự cao tự đại, mà các ông nể mặt anh em ta, không tiện nói ra chân tình, đành xin chia tay. Huynh trưởng sao lại quá tin Tương Tử có tài học vượt qua các vị danh túc . Những lời nói như vậy rất không nên để thằng bé nghe được. Nó còn trẻ tuổi, không biết trời cao đất dầy, nếu nghe được, càng thêm cuồng phóng, tự tôn, mật cao hơn trán. Đến nông nỗi đó huynh trưởng ơi, chỉ sợ một chút thông minh chẳng phải điều phúc lợi, hoặc giả giống như lời Mạnh Tử phê bình nhân vật Bổn Thành Quát 1 mà thôi. Điều đó chẳng những không phải phúc cho thằng bé, còn là họa cho nhà họ Hàn chúng ta.Hàn Hội nghe vậy, lặng yên không nói.Ba tháng mùa đông sắp qua, mùa xuân đang tới, chính là lúc cần thiết cho Tương Tử học tập, mà tìm hoài không ra một vị tiên sinh. Anh em nhà họ Hàn thường bàn tới chuyện này, thấy là vấn đề không dễ giải quyết. Ai ngờ vào cuối tháng chạp, bỗng có một người thanh niên tìm tới nhà, đưa danh thiếp xin gặp hai vị lão đạo nhân. Hai anh em nhìn danh thiếp, thấy đề ba chữ "Lã Cốc Bằng" liền lục lọi trí nhớ, mà không nhớ ra có người bạn nào có tên gọi đó, cùng sửa lại quần áo ra tiếp kiến, thấy người này chưa đầy ba mươi tuổi, mặt đẹp như ngọc, môi tựa thoa son, anh tuấn khác thường. Hai anh em đều kinh ngạc, thấy từ xa đến nay chưa bao giờ được gặp một nhân vật tuấn nhã như thế. Trong lòng nghĩ vậy ngoài mặt lộ vẻ mười phần mến mộ. Nói chuyện một hồi, mới biết người này là một tú tài thi rớt, tự tin mình học rộng tài cao, không trúng ý khảo quan, nên chẳng nghĩ chuyện kiếm công danh nữa, chỉ lo mở mang mối học sẵn có, truyền đạt cho đám hậu sinh.Nghe công tử trong quí phủ thông minh khác thường, nhiều vị danh túc thấy khó mà rút lui, đến nay vẫn chưa mời được vị sư phó đích đáng nào, tiểu sinh không ngại ngu dốt, tài học kém cỏi, tình nguyện tới đây xin tự giới thiệu, mời công tử ra gặp mặt. Nếu không được tin cậy, tiểu sinh lập tức rút lui.Hai vị lão đại nhân nghe chàng kia nói giọng sang sảng, khí phách khác thường, tin chắc phải là người có lai lịch rất lớn, một mặt ngồi tiếp chuyện, một mặt cho gọi Tương Tử tới, ra mắt Cốc Bằng. Lúc đó Hàn Hội rất sợ Tương Tử kiêu căng, đã từng làm khó được bao vị lão sư túc nho, lại đang lúc trẻ tuổi, thiếu chín chắn, lỡ nói một câu xúc phạm thì phiền. Nào ngờ Tương Tử vừa thấy Cốc Bằng, liền nhìn kỹ để đánh giá, rồi lập tức tiến lại, mỉm cười vái một vái, tự động dập đầu lạy bôm bốp, miệng nói :-Vị này mới đúng là ông thầy của Hàn Tương Tử.Hai anh em thấy tình huống đó, vô cùng ngạc nhiên, mới cười, nói với Cốc Bằng :- Thằng bé này cậy mình thông minh, thường tỏ ra quá quật cường. Mỗi khi mời được một ông thầy tới nhà, chưa bao giờ thấy nó vui lòng và tâm phục như lần này.Cốc Bằng cười, trả lời :- Những tài năng thiếu kiềm chế, phải có cách dạy đặc thù. Có thể là mấy vị lão sư trước đây, tuy tài học rất cao, nhưng chưa từng dạy qua các học trò đặc biệt thông minh, đĩnh ngộ chăng ? Mấy vị đó coi công tử đây là tài năng bình thường, nên đã dạy theo cách dạy các trẻ phổ thông, chẳng trách nào công tử học không vô.Hàn Hội nhân đó nhờ Cốc Bằng khảo nghiệm sức học của Tương Tử, thật tình là muốn xem bản lãnh của ông thầy ra sao. Cốc Bàng thừa biết ý đó, nhưng cũng vui vẻ nhận lời, dựa theo tài học hiện thời của Tương Tử cho cậu nói năng thoải mái. Tương Tử nhận ra mình học thức còn thiển cận, nhờ Cốc Bằng chỉ dẫn, hiểu ra được những điều vi tế, thâm sâu, bất giác hớn hở, nhắc lại ý đã nói trước đây :- Vị này mới thật sư gia chân chính của con ! Ông nói những đạo lý thật bình thường, mà phát giác ra được những chỗ con lấn cấn, không nói ra được. Đủ thấy tiên sinh có công phu chân thật.Hàn Dũ vốn rất sợ Tương Tử cậy mình thông minh, đọc kinh sách theo kiểu hời hợt, coi những trước tác của cổ nhân là quá dễ dàng, nay thấy Cốc Bằng vừa tới, khảo sát bước đầu đã khiến Tương Tử thấy đọc sách là gian khổ, từ đó về sau không dám đem kiến giải nửa vời của mình mà xem thường người khác. Vì thế, ông rất mãn nguyện, hai anh em liền mời Cốc Bằng tiên sinh ở lại nhà, dạy dỗ Tương Tử trong ba năm liền. Tương Tử chẳng những sức học tiến mạnh, mà nhân phẩm cũng nâng cao, vào nề nếp.Bấy giờ Hàn Hội đã qua đời, Hàn Dũ đối với Cốc Bằng tiên sinh vẫn bội phục hoàn toàn, không quan tâm tới việc học của Tương Tử. Ai ngờ về sau phát hiện một sự việc, khiến ông vô cùng bất mãn. Là vì Tương Tử từ khi theo Cốc Bằng đọc sách đến giờ, chỉ ưa thích nghiên cứu sách Đạo học, lại còn học tập những gì là tĩnh tọa, nội công, và kim đan, đại đạo gì gì đó, khiến Hàn Dũ tức giận quá chừng chừng. Ông vốn tự nhận mình là người bảo vệ Khổng giáo, lấy việc truyền đạo, kế thống làm trách nhiệm, nay thấy thằng cháu ruột có xu hướng gia nhập dị giáo, ông còn nói ai nghe đây ? Nhưng khi phát hiện tình hình này, thì đã trể mất ba năm. Theo Tương Tử nói, cậu ta đã toàn tâm toàn ý đặt vào Đạo môn, ngay bây giờ phải rời nhà, đi tu đạo. Hàn Dũ giận quá, cầm cây roi dài, tra xét Tương Tử :- Những học vấn này, ai dạy cho mày? Có phải vị Cốc Bằng tiên sinh đã truyền thụ hay không ?Tương Tử không sợ hãi chút nào, thản nhiên nói:- Tam giáo đều là thánh giáo, tại sao lại cho rằng Phật, Đạo hai phái nhất định phải là mối học dị đoan ? Thúc phụ hủy báng Phật, Đạo hai nhà, chỉ vì thấy trên đời, các vị hòa thượng, đạo sĩ chỉ biết làm bậy, lừa dối người đời đế kiếm ăn, không có một chút học thức nào, nên mới vơ đũa cả nắm đấy thôi. Thật tình, những hạng người như thế chính là giặc của hai phái, chẳng những Khổng giáo không dung, ngay cả Phật, Đạo hai nhà cũng không thừa nhận. Đó là những kẻ giả mạo chiêu bài, mượn tiếng Thần, Phật để kiếm ăn mà thôi. Nếu thúc phụ bình tâm tĩnh khí, đem những lời vi ngôn, áo nghĩa chân chính của hai phái, và Huyền kinh bí tịch ra nghiên cứu kỹ, sẽ thấy trong đó có những điều mà Nho gia cũng không theo kịp.Hàn Dũ nghe vậy, liền đập bàn, giậm chân, lớn tiếng mắng Tương Tử là đồ không chúa, không cha, là hạng di địch, cầm thú, lại nói thêm :- Đó toàn là những sách hay ho của thằng Lã Cốc Bằng đã dạy cho mày đó mà ? Lúc đầu tao đã nghi nghi, sao hắn lại tự giới thiệu, không đợi mời đã đến nhà xin việc ? Từ xưa đến nay, làm gì có ông thầy nào cẩu thả và thiếu tự trọng như thế ? Cũng bởi tại mày là đứa hèn kém bất tài, bao nhiêu ông thầy giỏi, mày đều hỗn láo xem thường xem khinh, chê bai tuốt tuột. Bất đắc dĩ mới phải giữ lại người này, tạm thời dùng thử. Vì thế nên, không rõ người này lai lịch ra sao, đã từng dạy dỗ trẻ con nhà nào, tao đã hồ đồ giữ hắn lại, mà lưu giữ tới ba năm lận. Lỗi cũng tại ta mấy năm nay bận chuyện quốc sự, ít có thời giờ điều tra việc học của mày, không dè mày thiếu tự trọng đến thế, mỗi ngày một lấn sâu vào đường rẽ, ngõ tắt. Tuy rằng trách nhiệm dạy dỗ thuộc về ông thầy, nhưng lỗi cũng tại mày quá quật cường, bất pháp. Bao nhiêu ông thầy đàng hoàng, phép tắc, mày đều chê bai, không học. Vậy mà con người ngông cuồng, trẻ tuổi, nói nhảm làm càn, mày lại hâm mộ, kính trọng, việc gì cũng nghe theo. Xét cho cùng, cũng bởi mày là đứa hèn kém, không chịu học mà ra. Từ nay về sau, nếu mày muốn làm con cháu nhà họ Hàn, thì phải nghe lời thúc phụ chỉ giáo, bao nhiêu mối học dị đoan đã lỡ tiếp thu ba năm qua, phải đem liệng bỏ cho bằng hết. Chẳng những không được nói tới, ngay cả suy nghĩ tới cũng cấm tuyệt ! Cũng may cháu còn trẻ, lại có thiên tư rất tốt, nếu chịu bỏ công cố gắng chừng ba năm nữa, ắt phải thành công, ra ngoài kiếm công danh dễ như trở bàn tay. Nếu không cháu không xứng đáng là con cháu nhà họ Hàn, mà ra ngoài xã hội, cháu cũng không có chỗ đặt chân.Tương Tử thấy chú nói gay gắt như thế, lòng không được vui, chỉ mỉm cười, nói :- Chú có ác cảm với Đạo giáo như thế, chắc hẳn chú coi cháu là một đứa xấu xa, không thể tha thứ chứ gì ? Xin nói thật để chú biết, dù chú coi cháu chẳng ra gì, cháu cũng được sư phụ nói cho biết chú là Quyển Liêm đại tướng trên điện của Ngọc hoàng, vì đắc tội bị đầy xuống phàm trần. Nếu cháu muốn thành đạo, thì việc trước nhất là phải độ thoát cho chú, sau đó cháu mới có thể lên trời nhận chức được. Thưa chú, chú có biết sư phụ của cháu là ai không ? Nhắm chừng chú chuyên tâm lo việc kế thừa các vị thánh nhân trong Khổng giáo, vị tất chú đã biết được những vị kim tiên trong Đạo giáo. Tuy nhiên, cháu không thể không nói với chú một tiếng : vị sư tôn hiện giờ của cháu chính là người có danh vọng rất lớn trong Đạo môn, cũng tỉ như các nhân vật Nhan, Tăng, Mạnh, Tuân 2 trong Khổng môn vậy. Ông ấy họ Lã, tên Nham, tự là Động Tân. Cốc Bằng, tức người bạn trong hang, là ẩn ngữ của Động Tân, người khách trong động. Thưa chú, vị Lã tiên sinh này chính là đại la kim tiên trên trời đó.Tương Tử còn tính đem xuất thân và việc tu đạo của Lã tổ, cùng với tình hình hai người làm thầy trò với nhau trong ba năm qua, báo cáo lại với Hàn Dũ, chẳng dè Hàn Dũ vừa nghe xong mấy câu trên đây, liền tức giận, bịt chặt hai tai, miệng thét lên :- Hỏng rồi, hỏng rồi ! Thằng này nó điên ! Thằng này nó điên !Một mặt vỗ bàn đánh "Chát ?", kêu người đi gọi ông thầy tới. Tương Tử thấy tình trạng tức giận của chú thật đáng tức cười, vội ngăn cản, nói :- Thúc phụ chẳng cần nóng nẩy. Lã sư phụ của cháu đã sớm tính toán, biết hôm nay là ngày hai thầy trò chia tay. Bây giờ chú sai người đi gọi ông ấy, e rằng trễ mất rồi.Hàn Dũ không tin, thôi thúc gia nhân mau tới thư phòng, coi lão sư gia có đây, mời lại đây cho ta. Người gia nhân "dạ !" một tiếng, định đi. Chẳng dè cậu thư đồng ứng trực thư phòng bỗng chạy lại, đụng phải người kia. Hàn Dũ thét mắng, hỏi thư đồng tới đây làm gì? Thư đồng tiến lại vài bước, trình lên một phong thư.Thì ra đó là thư của Lã sư gia gửi cho Hàn Dũ. Hàn Dũ lấy làm lạ, vội mở ra coi. Bên trong đại ý nói : "Cháu của ngài kiếp trước vốn là kim tiên trên trời, vì để lầm lỡ việc công, bị đầy xuống trần, ở trên bờ sông Tương. Anh ấy vốn là bạch hạc tu thành tiên thể, lần này lại mang xác hạc. Kỳ hạn đi đầy đã mãn, nên được tôi và thầy tôi là Chung Li Quyền Văn Phòng, cùng thu nhận làm đệ tử. Nhân đó, đưa anh ấy xuống dương gian, để tiếp tục việc tu đạo, sau đó mới có thể độ thoát anh ấy lên trời, trở lại bản chân". Lá thư còn nói tới kiếp trước của Hàn Dũ, đúng như lời Tương Tử đã nói.Phần cuối lá thư ghi : "Cháu của ngài bẩm sinh thông tuệ, tu đạo dễ dàng, ba năm sau đã thông hiểu huyền lý, ngay bây giờ nên sớm rời nhà, lên danh sơn tu dưỡng. Hai mươi năm sau đã có thể thành công nho nhỏ, và ba mươi năm sau cậu có thể đích thân độ cho thúc phụ thành đạo". Cuối lá thư còn có một câu cáo biệt.Hàn Dũ xem thư, tức giận không nói nên lời, đưa cả hai tay xé bức thư tan nát. Lạ lùng thay, tờ giấy bị xé liền lại như cũ. Hàn Dũ thấy vậy, vừa kinh hãi vừa tức giận, nói :- Yêu đạo đã dụ dỗ cháu ta, còn dám chọc quê ta nữa sao ?Liền gọi gia nhân đem lửa tới, đốt cháy lá thư. Gia nhân vâng lệnh, đốt lá thư, rõ ràng cháy thành tro than, bay tá lả, nhưng chỉ trong chớp mắt, một tờ giấy hoa tiên lành lặn lại nằm trên mặt bàn. Hàn Dũ ngước mặt lên trời, cất tiếng than :- Yêu nhân tác quái, chung qui chỉ tại ta đức mỏng, kém tài, hoặc giả họ Hàn nhà ta gặp vận trắc trở. Giỏi cho thằng cháu, bị yêu tinh dẫn dụ, phá hỏng mất rồi. Đến nước này, mày tính sao đây? Có phải mày quá tin yêu nhân, nhất định xu hướng đường dị đoan, để sau này lưu độc trung nguyên, di họa cho đám hậu học, mày hãy ra đi cho sớm. Tao cũng không dám lưu giữ mày trong nhà, để làm tội nhân của danh giáo, làm đứa cháu phản lại tổ tông. Với tư cách người chú, tao cũng không nỡ đưa mày lên nha môn trừng trị, hoặc đuổi mày ra ngoài cõi di địch. May cho mày có tiên sư nâng đỡ, đã dự bị sẵn sàng xuất gia, xin cứ tự tiện. Nếu trong lòng mày còn biết có tao là thúc phụ, còn nhớ tới cha mẹ, tổ tiên, hãy nghe lời ta giáo huấn, mau suy nghĩ lại cho chính đáng, đừng có nói nhảm làm càn, mà hãy khôn khéo đọc kinh truyện của thánh hiền, làm đứa cháu ngoan của nhà họ Hàn. Mai sau ứng thí thành danh, làm vinh diệu tổ tông, hãy còn là chuyện nhỏ, ta còn mong ước cháu có thể giúp ta hoàn thành sự nghiệp vĩ đại là tán dương thánh hiền, bảo vệ đạo nữa đó.Nói rồi, không ngó tới lá thư, thở hổn hển mà đi.Ngay trong đêm đó, Tương Tử thảo một lá thư dài, trong đó thuật rõ chí tu đạo của mình, hy vọng thúc phụ hồi tâm chuyển ý, để khỏi rơi vào tai kiếp, lời lẽ vô cùng khẩn thiết. Viết xong, cậu để lại lá thư trong phòng, len lén rời nhà, tìm lên núi Tung Sơn tu đạo.Về phần mình, Hàn Dũ sau khi mắng mỏ Tương Tử một trận, trở về phòng riêng, vẫn còn tức giận, thở không ra hơi. Phu nhân hỏi duyên cớ. Hàn Dũ kể sơ lược tình hình. Phu nhân ngỏ lời oán trách chồng :- Bác cả qua đời, để lại có một thằng con đó thôi. Bác gái yêu quí nó như của báu. Trước đây, bác trai mắng nó vài câu, bác gái liền khóc hu hu. Hôm nay, sao ông lại dạy dỗ nó kiểu nặng nề như thế ? Đứa bé này có tính ngờ nghệch, suốt hai năm qua 3 , cùng vị Lã sư phụ không rời xa trong khoảnh khắc, thân mật vô cùng. Mỗi khi tan khóa học, gặp người nhà, nó thường nói rằng sư phụ nó chính là đại la kim tiên, nói những gì là thần thông quảng đại, học vấn uyên thâm, tự khoe rằng cứ theo thầy học tập như thế, sau này có thể thành tiên. Nó còn nói thúc phụ tuy có công với Nho giáo, nhưng kiếp trước chính là người tiên có tước vị trên điện Linh Tiêu, sau này thế nào cũng quay về với Đạo giáo thôi. Đến lúc đó, còn phải nhờ nó dẫn nhập Đạo nữa. Những lời nói như vậy, chúng tôi nghe đã lâu rồi. Ai cũng cho là lời nói của trẻ con, làm sao hiểu nổi? Đến năm nay, mới thấy nó có nhiều sự việc, đích xác là nó làm những điều kỳ lạ. Nó từ dưới đất nhảy lên không trung, du hành trên mây. Nó còn có thể chui xuống đất, chốc lát biến mất. Theo nó nói, những điều đó đều do sư phụ truyền thụ cho, cũng chẳng đáng kể gì, chẳng qua chỉ là trò chơi nho nhỏ của thần tiên. Còn những mối học chân chính về tính mạng, cùng với thuật trường sinh bất lão, kim đan đại đạo… mới là quan trọng.Phu nhân nói đến đó, Hàn Dũ liền nóng nẩy, giậm chân đập bàn, đứng dậy, trách mắng phu nhân một trận, nói những chuyện như thế bà không nên ẩn giấu đến tận bây giờ, để đến nỗi nuôi dưỡng nhược điểm cho thằng bé. Hàn Dũ nghĩ thầm : "Thằng bé này dầu sao cũng còn trẻ, được ta giáo huấn một trận vừa rồi, nó sẽ hiểu ra. Lại may là sư phụ nó đi rồi, từ nay ta chịu phí chút công sức uốn nắn, quản lý nó chặt chẽ, sẽ tốt thôi". Ông trầm ngâm suy nghĩ một hồi, chợt mắc công vụ, phải đi ra ngoài. Đi chưa bao lâu, bỗng được tin Tương Tử đã rời nhà, ông liền đổ mồ hôi lạnh khắp châu thân, vội vã trở về nhà. Đến nơi, thấy cả nhà đang ầm ĩ lên, mọi người xúm vào mà trách móc ông. Hàn Dù chỉ biết thở dài, không nghĩ ra được một biện pháp nào để giải quyết.Ba năm sau, Tương Tử có nhờ người làng gửi một bức thư thăm hỏi gia đình một lần, tất nhiên là cả nhà mừng rỡ, chẳng cần phải nói. Lại mươi năm nữa, Tương Tử được Văn Phòng tiên sinh ban cho cuốn sách "Thiên Cung Mỹ Vựng", chàng ra công luyện tập, năm năm sau đã thông hiểu được đại ý. Đúng lúc đó, Lã tổ hạ giáng núi Tung Sơn, bảo Tương Tử xuống núi, điểm hóa cho thúc phụ. Tương Tử ăn mặc theo lối đạo sĩ, cưỡi mây bay tới kinh thành, về nhà gặp mẹ là Từ phu nhân. Phu nhân thấy mặt Tương Tử, mừng như bắt được của báu từ trên trời rơi xuống.Tương Tử quì gối, dâng lên mẹ và thím mỗi bà một viên thuốc. Bấy giờ hai bà phu nhân đều đã ngoài năm mươi, suy nhược, lắm bệnh, vừa uống thuốc vào, tinh thần chuyển thành mạnh mẽ, như hồi còn trẻ vậy.Tương Tử ra mắt chú, Hàn Dũ vẫn còn giận dữ, hỏi cháu ở ngoài học được những gì ? Tương Tử kể đại lược vài câu. Hàn Dũ nổi giận, sai người xúm vào lột bỏ áo đạo của Tương Tử. Tương Tử tuyệt nhiên không chống cự, mặc cho mấy người kia ra sức lột áo. Chẳng dè chiếc áo đạo như thể dính chặt vào da thịt, lột nửa ngày không xong. Đang lúc ồn ào như thế, chợt nghe có thánh chỉ tới.Thì ra là thiên tử thấy hạn hán đã lâu, dân tình khổ sở, phái Hàn Dũ tới đền thờ xã tắc, lên đàn cầu mưa. Hàn Dũ chẳng dám chậm trễ, mặc quần áo, đi liền. Tương Tử mới cười, nói với mẹ và thím :- Thúc phụ đi cầu mưa lần này, cầu tới năm, ba năm cũng không được giọt mưa nào đâu.Bà thím tin tưởng người cháu có đạo pháp, mới nói :- Cháu ngoan, cháu đã nói vậy, hãy đi giúp chú một tay, cũng là lập công đức vậy. Làm như thế cũng khiến thúc thúc tin tưởng vào đạo pháp của cháu, không còn chống đối cháu nữa, chẳng tốt hay sao ?Tương Tử lắc đầu, nói :- Giúp thúc phụ là bổn phận của cháu, còn nói thúc phụ tin Đạo e rằng hơi sớm. Theo cháu thấy, ít ra cũng phải mười tám năm nữa mới được.Nói xong, lắc mình một cái, biến mất. Trong khi đó, Hàn Dũ đang ở trên đài, thành tâm lo lắng, cầu xin Trời ban cho một cơn mưa lành, cho dân bớt khổ. Nào ngờ khẩn cầu từ sáng sớm tới giờ ngọ, vẫn chưa thấy một giọt mưa nào. Ngay cả những đám mây đen cũng chẳng xuất hiện, trời nắng chang chang, ông mặt trời vẫn ra oai, đổ lửa xuống trần gian. Đang lúc Hàn Dũ, lòng nóng như lửa đốt, bỗng thấy một đạo nhân khập khiễng đi tới, đứng ở dưới đài, nhìn lên Hàn Dũ mà cười mỉa. Hàn Dũ giận dữ quá chừng, lập tức sai người xuống lôi đạo nhân lên. Hai bên binh sĩ dạ ran, bắt đạo nhân, lôi lên đài. Hàn Dũ hỏi vì sao mà cười, đạo nhân nói :- Bần đạo chẳng cười chuyện gì khác, chỉ cười đại nhân chỉ biết làm quan, ngay cả bản lãnh cầu mưa cũng không học được chút nào, há chẳng đáng chê cười hay sao ?Hàn Dũ giận dữ nói :- Ngươi là đạo nhân quê mùa nào, ở đâu đến đây ? Đã dám chê cười lão phu, nói ra những lời cuồng vọng, hẳn ngươi phải biết cầu mưa chứ ?Đạo nhân ngang nhiên đáp :- Bản thân không biết, há dám cười ai ?Hàn Dũ liền sai làm thử, nếu không ứng nghiệm, lập tức lôi đi chém đầu. Đạo nhân liền cười, chẳng cần viết tấu chương dâng lên Thượng đế, cũng không dùng bùa chú, chỉ cầm gươm báu chỉ thẳng lên trời, miệng hét to lên :- Thần sấm sét đang ở đâu ?Liền nghe trên không trung có tiếng người nói :- Pháp sư vời gọi tiểu thần, có ý chỉ gì ?Mọi người trên đài liền ngước nhìn lên không trung, thấy ông Sấm Bà Sét, dẫn theo nhiều vị thiên thần, thiên tướng, đứng ở trên mây, hướng về phía đạo nhân thi lễ. Mọi người ngạc nhiên, đứng ngẩn người ra, rồi không ai bảo ai, cùng quì xuống lạy một lượt. Có người còn hướng về phía đạo nhân mà vái, miệng gọi"đại tiên", khiến Hàn Dũ biến sắc mặt, nổi giận đùng đùng, chỉ mặt đạo nhân mà mắng :- Đạo sĩ quê mùa to gan. Bảo ngươi làm mưa, ngươi lại hí lộng pháp thuật gạt người, nhiễu loạn dân tâm hay sao ?Đạo nhân vẫn bình thản, nói với người trên mây :- Nơi đây hạn hán, hoàng thượng hạ chỉ cho quan đại thần tới đây cầu mưa, nhưng ông ấy giữ ý niệm trần tục quá nặng không tìm đại đạo, chẳng được trời thương, ban cho mưa lành. Cầu đảo đã nửa ngày trời, chẳng được giọt nước nào. Bần đạo không nỡ thấy trăm họ chịu tai ương, đã đi Đông Hải cầu xin Long vương cho mượn một gáo nước, dự bị phân phát cho trăm họ. Xin các vị tôn thần mau kéo mây, bần đạo tức khắc tưới nước xuống.Hàn Dũ thấy đạo nhân nói những lời không căn cứ, lại muốn làm khó ông ta. Bỗng nghe giữa không trung một tiếng sét nổ đánh "Đoàng !", tiếp đó chớp lia chớp lịa, mây đen kéo tới kìn kịt, trong khoảnh khắc, trời đất tối tăm, mặt trời mất ánh sáng. Trên bầu trời, những tia chớp loang loáng như những con rắn vàng, khiến mọi người nhìn hoa cả mắt. Dân chúng reo hò, hô to : "Chân tiên ban mưa, may cho dân biết mấy !". Ở trên đài, quan thượng thư già họ Hàn, vốn tính ngang ngạnh, không phục, cũng phải đứng trơ mắt ếch, miệng há hốc, chẳng biết nên làm gì. Đang lúc đó bỗng nhiên một tiếng sấm lại nổ vang trời, mọi người thấy đạo nhân nhảy vọt lên, bay tuốt lên lưng chừng trời, tay cầm một chiếc bình nhỏ, nhắm về khắp bốn hướng mà vẩy nước. Trong chớp mắt, mưa lớn đổ xuống ào ào, thế mạnh không ai đương nổi. Mọi người vội chạy xuống đài, tìm chỗ ẩn núp. Trong khoảng thời gian chừng ăn xong bừa cơm, đạo nhân lại ở trên không trung, hô to :- Dân chúng mượn nước đã đủ chưa ? Hãy nói ta nghe một tiếng, để tránh khỏi nạn lụt lội, còn tai hại hơn hạn hán nữa.Mọi người đều hô :- Đủ rồi, đủ rồi ! Xin đừng tưới thêm. Mời đại tiên xuống đây, để chúng tôi lạy tạ.Đạo nhân nghe nói, cầm kiếm phất một cái, cơn mưa ngưng liền.Mọi người ra khỏi đài, thấy đạo nhân đứng trên đài, hướng về phái Hàn Dũ thi lễ, nói :- May mắn không để nhục mệnh.Dân chúng không quản quần áo ướt sũng, lấm lem, cùng quì xuống một lượt, dập đầu lạy. Hàn Dũ đứng ngẩn ra một hồi, đột nhiên nổi giận, thét mắng đạo nhân, và nói :- Ta vẫn không tin trận mưa này là do ngươi cầu xin được.- Vạn con mắt đều nhìn rõ sự tình, không phải bần đạo cầu xin được, chẳng lẽ lại là đại nhân ? Bần đạo là người đứng ngoài cuộc đời, không cầu công danh, cũng không ham phú quí, chẳng hề có ý tranh công với đại nhân, đại nhân sao phải khổ tâm cãi chầy cãi cối, tỏ ra con người hẹp lượng như thế ?Hàn Dũ nổi giận, nói :- Lấy gì làm bằng cứ ?Dạo nhân cười :- Mọi người đều thấy, chưa phải bằng cứ hay sao ? Nhưng nếu đại nhân còn chưa tin, hãy trở về quí phủ mà coi. Trong sân nhà ngài có một vại nước trống không, nay đã chứa nước ngập sâu tới ba thước, một tấc, bảy phân.Hàn Dũ liền sai người áp giải đạo nhân về nhà ông, đo lượng nước mưa, quả nhiên không sai chút nào. Bỗng nhiên đạo nhân lại quì xuống, nói :- Thưa chú, nay chú đã tin đạo pháp hay chưa ? Xin sớm đi theo cháu, tu đạo đi thôi.Hàn Dũ kinh ngạc, cúi nhìn xuống, thấy đạo nhân chính là Hàn Tương Tử, cháu mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương