Con Gái Gian Thần

Chương 108: Tội phạm công nghệ cao



LỜ MỜ KHÔNG RÕ.

Lý Ấu Gia dựa vào chức Kinh Triệu doãn mà sống, dạo một vòng lớn lại được quay trở về vị trí này, vô cùng thỏa mãn. Nhờ kinh nghiệm ngồi ngây ngẩn vị trí này nhiều năm, lại có Trịnh Tĩnh Nghiệp nâng đỡ, Lý Ấu Gia càng làm Kinh Triệu doãn càng thuận, ít khi gặp phiền phức, dù trong thành nhiều huân quý, quan lớn đầy đường. Biết bao nhiêu kẻ vinh hiển muốn làm chuyện gì ở kinh thành mà không thiếu ông ta một cái nhân tình làm việc suôn sẻ cơ chứ?

Hai năm qua Lý Ấu Gia cứ thấy lâng lâng, ngay cả Đông cung cũng bị đầu sỏ Trịnh Tĩnh Nghiệp nhà ông cho rơi đài, lại là tâm phúc chủ chốt của Trịnh Tĩnh Nghiệp, còn gì mà lo nữa?

Được vậy thì quá tốt! Nhưng không, phiền toái tới rồi.

Báo chữ to và quảng cáo rao vặt, trước nay chưa từng là đặc sảnriêng của bất kì thời đại nào, từ lúc sinh ra, chúng đã được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới, sách sử không ngừng ghi. Hễ có chuyện gì lớn, có thể thấy đồng dao, lời tiên tri, đồn đại, thư khẩn bay đi vèo vèo. Lúc này, đang liên quan tới lập trữ, chư vương tranh chấp, việc xuất hiện thư nặc danh cũng là chuyện trong dự liệu. Phế Thái tử mà không có lời đồn đãi nào thì mới là biểu hiện không bình thường.

Đã nhắm vào trữ vị, thì mục tiêu của dư luận chỉ có một: Ảnh hưởng tới Hoàng đế. Thư nặc danh xuất hiện ở kinh thành thì quá bình thường.

Kinh thành, là nơi Trịnh đảng chiếm cứ mấy chục năm qua. Lý Ấu Gia vừa tỉnh dậy, thấy rất nhiều thư nặc danh xuất hiện trên khắp phố lớn ngõ nhỏ, phê phán Tề vương, hai mắt kèm nhèm lập tức trợn trừng, đầu óc tỉnh táo hẳn. Liên quan đến hoàng tử vốn không phải chuyện nhỏ, nay lại ngay thời điểm lập trữ quan trọng thế này. Theo luật, có đích lập đích, không đích lập trưởng, Hoàng đế không có con trai trưởng, Phế Thái tử là thứ trưởng tử, phế anh ta, Tề vương là người lớn tuổi nhất trong chư vương, thời điểm thư nặc danh xuất hiện thế này cũng thật là khéo!

Lý Ấu Gia quyết định dứt khoát: “Đi, xem thử tại sao có thư nặc danh này, thu hồi hết về đây!” Thư nặc danh, theo phán quyết trong điều khoản luật pháp, là phi pháp, sở hữu thư nặc danh, nếu chỉ là vạch trần tình tiết vụ án, kiểm tra có chứng cứ xác thật mới không bị hỏi tội. Chuyện này không bình thường, Lý Ấu Gia đoán không sai, thư nặc danh bay đầy trời, ảnh hưởng đến trị an quốc gia, nhiễu loại trật tự xã hội!

Lý Ấu Gia tạm dừng không xử lý, cho người đi dọn sạch mớ thư kia, tự chạy đến Trịnh phủ đưa thiếp cầu kiến Trịnh Tĩnh Nghiệp để xin ý kiến. Vừa đến Trịnh gia, khiến cho tên gác cổng sợ hết hồn, đang giữa đông, thế mà trên đầu Lý Ấu Gia lại bốc một làn khói trắng, cứ như tiền bối cao nhân dùng nội công trị thương, truyền công lực cả đời cho một tên tiểu tử có vận c*t chó rớt xuống đầu như trong tiểu thuyết võ hiệp.

Mã nghênh tiến lên vái, hỏi: “Kinh Triệu có gì gấp thế ạ?” Chậc, lăn lộn bậc cao đã lâu, mã nghênh nói chuyện cũng có vẻ nho nhã.

Nếu là bình thường, Lý Ấu Gia sẽ đùa giỡn với hắn một hai câu, bây giờ đang sốt ruột, không cười, trợn mắt nhìn mã nghênh: “Giờ không phải lúc dài dòng! Tướng công đâu?”

Mã nghênh đáp: “Hôm qua Tướng công nghỉ qua đêm ở chỗ Cố tiên sinh, không về nhà.”

Lý Ấu Gia ôm đùi: “Sao lại ngay lúc này chứ?”

“Có việc gì gấp sao? Không phải Tướng công thì không được à? Trừ Tướng công, bây giờ Phu nhân cũng đang ở nhà đấy.”

Lý Ấu Gia vội vã nói: “Chuyện này nhất định phải báo với tướng công, nói với ngươi cũng không tiện, chờ khi mặt trời lên thì cả thành đều biết chuyện hết rồi – đêm qua có kẻ tranh thủ tối khuya rải thư nặc danh, nói Tề vương làm chuyện phạm pháp – ngươi mau báo chuyện này với Phu nhân, ta đi tìm Tướng công…”

“Đi tìm ở đâu, tìm đến lúc nào nữa? Có lẽ Tướng công đã vào triều rồi, các tiểu lang quân vừa ra khỏi cửa đó, ngài không gặp à? Hay là ngài – chạy tới chạy lui như vậy, không xem giờ sao? Nếu không lên triều sớm, e rằng ngài cũng gặp rắc rối.” Mã nghênh tốt bụng nhắc nhở.

Lý Ấu Gia cởi mũ ngẩng đầu lên, không phải chứ, lúc vừa ra ngoài thì trời còn mờ mờ, bây giờ mặt trời đã bắt đầu nhô lên. Trễ rồi, ông ta đã bị muộn! Lý Ấu Gia giật lấy dây cương, phóng lên ngựa, chắp tay nói: “Ta đến cung Đại Chính, ngươi nhất định phải bẩm với phu nhân, chuyện này không nhỏ đâu.”

Mã nghên nói: “Tiểu nhân hiểu.”

Lý Ấu Gia quay đầu ngựa chạy vào cung, mã nghênh cũng xoay người chạy ra sau tìm báo cho Đỗ thị.

Dậy sớm là phẩm chất tốt, Trịnh Diễm cảm thấy mình sinh ra ở trong nhà này, nhất định không thể không làm chuyện xấu, với lại dù gì cũng làm rồi, với chẳng đến mức sa đọa gì mấy. Nhưng dẫu sao cũng phải tự nhắc nhở mình rằng – Tiêu diệt Thái tử là bị ép buộc, bản chất mình vẫn là một người trong sáng – nàng vẫn rất tuân thủ lễ tiết.

Thức dậy sớm, đi gặp cha mẹ. Đêm qua cha không về, nàng phải đi tìm mẹ nói chuyện. Đỗ thị đang cho dọn bữa sáng, thấy Trịnh Diễm đến, càu nhàu nói với Triệu thị: “Xem nó thông minh ghê chưa, biết chỗ ta có ăn thì mò tới ngay.”

Triệu thị cúi đầu mỉm cười, cũng không ngừng tay, xếp đũa cho mẹ chồng, Đỗ thị ra hiệu rồi mới ngồi xuống. Chồng đã đi làm từ sớm, mẹ chồng con dâu ăn sáng với nhau để tăng tình cảm. Quy củ Trịnh gia vừa phải, không có tật xấu bắt con dâu nhất định phải hầu hạ suốt bữa ăn, có ý tứ, tỏ ra lập trường là được, Đỗ thị sẽ không trách móc nặng nề con dâu.

Trịnh Diễm chào hỏi ba người chị dâu, không khách khí tìm ghế ngồi xuống: “Hai mẹ con ta thì lạ lẫm gì nhau nữa ạ?”

Sáng sớm tâm tình Đỗ thị tốt, không tính toán với nàng: “Uống miếng canh trước rồi hẵng ăn, Tam nương Ngũ nương Lục nương cũng đừng nhìn nữa, ngồi xuống ăn cơm đi.” Nói rồi gắp đũa đầu tiên.

Trịnh Diễm cắn miếng bánh táo, thấy rất ngon, nhai nuốt, hỏi Triệu thị: “Hôm nay nếm thử thấy ngọt hơn trước, sửa công thức ạ?”

Triệu thị ghét nhất là nói chuyện khi ăn, có điều nếp nhà Trịnh gia như thế, chị đành buông đũa. May là đang ăn cháo, chỉ cần nuốt xuống là được. Mở mồm định đáp, mã nghênh chạy từ ngoài vào báo tin: “Kinh Triệu doãn tới tìm Tướng công, thấy Tướng công không có ở nhà, vừa vội chạy vào cung rồi. Nói rằng trong kinh xuất hiện thư nặc danh tố Tề vương làm chuyện phạm pháp, việc trong phủ xin nhờ Phu nhân xem xét.”

Cho dù là đàn bà sau bếp, nhưng hễ nói đến chuyện liên quan đến Tề vương đều mất bình tĩnh. Triệu thị, Quách thị, Tiêu thị nhìn nhau, khó nuốt trôi cơm, Triệu thị hiểu biết hơn, biết chuyện hiện nay không ổn, Quách thị Tiêu thị đều là thân thích với Hoàng đế, tranh ngôi báu, họ hàng này đấu với thân thích kia, tâm tình càng tệ. Đỗ thị cũng biết nhà mình không liên quan đến Tề vương, nhưng dẫu chuyện không liên quan đến mình thì tâm trạng cũng sa sút hẳn.

Chỉ có Trịnh Diễm, vẫn ăn ăn uống uống, cực kì bình tĩnh: “Mọi người sao thế? Tề vương, là con ruột Thánh nhân, Thánh nhân không để lời đồn ảnh hưởng đến anh ta đâu.”

Tiêu thị nghĩ bụng, vì là con của Hoàng đế nên mới có chuyện! Loạn cả rồi. Quách thị nhìn em chồng lại quay sang mẹ chồng, bao nhiêu lời dồn nén vào cái bụng vẫn đang mang thai đứa bé chưa chào đời. Hai chị em dâu Triệu thị và Trịnh Diễm ở chung với nhau lâu nhất, hiểu rõ cô em chồng của mình là người mưu trí, không phải nói qua loa ngoài miệng, vẫn một bộ oai phong lẫm liệt. Được rồi, dù gì cũng đã có muội quyết, bọn ta không nói gì nữa.

Đỗ thị hỏi con gái: “Có thật sẽ không sao không?”

“Chúng ta không sao, Tề vương cũng không có chuyện gì đâu.” Nàng nói Tề vương, không phải Tiêu Lệnh Nghiệp, một khi Tiêu Lệnh Nghiệp không muốn làm Tề vương nữa, thì lúc đó sẽ gặp phiền phức to.

Trịnh Diễm vừa nghe tin thì chớp mắt đã nghĩ ra, hẳn vì có người muốn thượng vị, muốn đá bay chướng ngại vật Tề vương này. Kẻ thất đức vậy, sao có thể làm Thái tử? Có điều không biết ai làm? Chậc chậc, lần này đá phải cửa sắt rồi. Dù gì thì Hoàng đế cũng đã loại Tề vương ra ngoài rồi đó thôi? Lúc trước Hoàng đế đưa Tề vương ra xa là vì muốn bảo vệ con trai, tránh để anh ta có xung đột mâu thuẫn với Phế Thái tử, e rằng sẽ rướt họa sát thân. Là để bảo toàn tính mạng, không phải đưa đến cơ sở địa phương để tôi luyện thui rèn gì đâu. Nếu đã muốn cân nhắc xem xét Tề vương, dù chỉ một chút thôi thì chẳng ném anh ta ra ngoài mà không gọi về thế rồi!

Ra tay với một người như vậy, lại khiến dư luận xôn xao, có thể vì nguyên nhân gì? Chẳng qua vì sự tồn tại của Tề vương là chướng ngại, có người muốn xử lý Tề vương, không hại chết cũng phải bôi xấu bằng được, để anh ta mất tư cách cạnh tranh hoàn toàn mà thôi.

Thật ra đây cũng là nước cờ hay, vấn đề là, sao không xuống tay với lão Tam Triệu vương, loại bỏ Tề vương thì có ích lợi gì? Chẳng lẽ tiếp theo là Triệu vương? Sau đó đó lần luợt Tần vương, Ngụy vương sao, hòng lòi ra một ‘Trưởng tử’ đủ tiêu chuẩn? Tưởng đây là trò chơi điện tử chắc?

Hoàng đế không phải NPC có trí tuệ nhân tạo đâu à! Chậc chậc, chuyện này, chỉ sợ nếu bí mật điều tra, phát hiện hoàng tử nào giở trò quỷ thì đúng là xong đời! Trịnh Diễm rất hi vọng kẻ đó là chư vương lớn tuổi như Triệu vương, Ngụy vương làm: Bọn họ toi thì mới có lợi cho Trịnh gia.

Lời của Trịnh Diễm khiến tâm trạng Đỗ thị đỡ hơn: “Nếu đã vậy, trong nhà ta không cần ai ra ngoài tranh cãi gì cả! Nên làm gì thì làm đó, chớ lan truyền lời đồn.”

Dâu lẫn con đều tuân mệnh, lại truyền lệnh cho tôi tớ trong nhà chú ý, Trịnh Diễm cũng cho người đi báo cho trong nhà Trì Tu Chi: “Có lời đồn, người trong nhà nghe nhưng chớ tin, nghi ngờ nhưng không được phép lan truyền.” Hôm qua Trì Tu Chi ở tại Cố trạch, chưa kịp về nhà, chỉ e không kịp thu xếp việc này, đây là thời điểm quan trọng, dù là chuyện gì thì cũng không thể không cẩn thận, thêm một chuyện không bằng bớt một chuyện.

Phân phó xong, lại quay sang nói với Đỗ thị: “Nhà ngoại Trì lang ở góa, cả hai đều không màng chuyện đời, không quản được tôi tớ trong nhà, ngược lại có khi sinh chuyện, con định ra ngoài một chuyến, cũng tiện nghe ngóng chút tin tức.”

Đỗ thị thở dài: “Con đi đi, đi đường nhớ cẩn thận.”

Trịnh Diễm ngênh ngang ngồi xe ra ngoài, đường phố hai bên không đổi, nhà cửa chẳng khác, cái cây bên đường vẫn trụi lủi như hôm qua, vậy mà không hiểu sao lại làm cho người ta cảm thấy có một bầu không khí rất căng thẳng. Đến nơi, chuyện an bài đương nhiên không cần phải nói. Dù là nhà Trì Tu Chi hay nhà Trì bà ngoại, tôi tớ nô bộc đều rất nghe lời của nàng, ngoan ngoãn đóng cửa không ra ngoài. Trên đường về Trịnh Diễm gặp Lý Ấu Gia, vị Kinh Triệu doãn này cứ vội vội vàng vàng, làm người ta rất thông cảm.

Lý Ấu Gia cũng là người tỉ mỉ, trong kinh thế nào đã rất quen thuộc, chuyện cần nhớ thì chắc chắn không quên, liếc mắt một cái liền nhận ra kẻ ngồi ở càng xe đối diện là tôi tớ Trịnh gia, thấy xe nọ theo quy chế Quận quân, liền biết Trịnh Diễm đang ngồi trong.

Không để nha lại quát dẹp đường, Lý Ấu Gia giục ngựa chạy tới, chắp tay nói: “Kinh Triệu doãn Lý Ấu Gia, đằng trước có phải Quận quân phủ Trịnh tướng công chăng?” Trong lòng đã chắc đến chín phần.

Quả nhiên, có tiếng nói phát ra từ trước: “Đúng thế” Là người làm đáp.

Lý Ấu Gia quất roi, con ngựa đốm xám giẫm chân tiến dần về trước, tới gần cửa xe nhỏ giọng nói: “Quận quân, ta đã nhờ người của quý phủ báo tin cho trong nhà, đã nghe chưa?”

Trịnh Diễm nói: “Nếu là chuyện thư nặc danh về Tề vương thì đã nghe rồi.”

“Sao Quận quân còn ra ngoài?”

“Sao lại không thể ra? Chuyện này trước sau không quan hệ với chúng ta, lúc này càng phải vững vàng.”

Lý Ấu Gia nói: “Phu nhân cũng nói vậy à?”

“Trong nhà đều nghĩ vậy.” Trịnh Diễm đáp qua loa.

Lý Ấu Gia bảo: “Vậy thì tốt rồi, Tướng công cũng nói thế.”

Có thể nhận ra, so với dáng vẻ như trời sắp sập ban sáng thì bây giờ giọng điệu của Lý Ấu Gia bình tĩnh hơn nhiều, có lẽ vì đã có chỗ dựa. “Chuyện xảy ra ở Kinh Triệu, ngài bận làm việc, không tiện quấy rầy, cũng vừa hay, ta đang định tìm A Hoàn.”

“Quận quân cứ tự nhiên, không chê tiểu nữ là tốt rồi.”

“Sao chê được chứ? A Hoàn rất dễ thương.”

***

Lý Ấu Gia đã được Trịnh Tĩnh Nghiệp khai sáng, Trịnh Tĩnh Nghiệp nghe ông ta kể về thư nặc danh, sao lại không biết điều mờ ám trong cơ chứ? Chỉ cần là chính khách đều có thể nhận ra, trong khoảng thời gian ngắn, chư vương đều bị nghi ngờ. Chỉ trong số các hoàng tử đã trưởng thành thôi, phản ứng đầu tiên là cứ theo luật mà làm.

Quan hệ giữa Trịnh Tĩnh Nghiệp và Tề vương cũng không tốt, bảo Lý Ấu Gia thuật lại nội dung của thư nặc danh, vuốt râu nói: “Trong này có chỗ thổi phồng, nhưng không phải hoàn toàn sai sự thật! Những chuyện như dung túng cho tôi tớ làm càn, chửi bới Thái tử đều có cả.” Lý Ấu Gia nói thầm trong bụng, đương nhiên ta biết đây là sự thật, không phải chính ngài đã phái người điều tra đó sao? Ở đây vẫn còn bằng chứng ta tự tay đưa cho ngài này.

“Chớ nên kinh hoảng, mũi kiếm đang chỉa vào Tề vương, hừ, chả ai ngốc đâu. Chẳng qua ông phải nhớ kĩ, không để người khác gây ảnh hưởng mới được!”

“Xin ân tướng nói rõ.”

“Chuyện này e rằng manh mối đều ở chỗ ông, lão phu chỉ lo trong đám người đi điều tra của ông có kẻ là thủ phạm. Chậc chậc, có điều đây là chuyện về Tề vương, lại có bằng chứng xác thực. Chỉ một câu, ăn lộc vua, phải cùng chia sẻ ưu tư, không cần giấu Thánh nhân. Nếu không thể quyết định thì ông hãy dâng chứng cứ cho Thánh nhân, xin thánh phán. Còn nữa, không được luống cuống tay chân! Hôm nay phải thật bình tĩnh.”

Lý Ấu Gia vừa nghe đã hiểu: Thứ nhất, chuyện xấu của Tề vương đã lên báo; Thứ hai, tin quảng cáo được lan truyền ở quy mô lớn thế này thì phải điều tra bằng được; Thứ ba, Trịnh đảng không nên dính vào chuyện này. Lý Ấu Gia có lý do để tin, Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng muốn Tề vương gặp xui xẻo, bằng không thì chẳng nhắc tới những bằng chứng về các chuyện phạm pháp Tề vương đã gây ra, nhưng điểm quan trọng ở đây có người phát tán tin trái phép.

Đương nhiên Hoàng đế không ngớ ngẩn, lão nhân gia như ngài liếc mắt cũng nhìn rõ mục đích của chuyện này, nổi cơn tại chỗ, đập bàn rầm rầm: “Hoang đường! Đáng xấu hổ! Trong kinh thế mà lại có thư nặc danh sao!!! Lý Ấu Gia, rốt cuộc chuyện gì xảy ra?!”

Lý Ấu Gia nói thầm trong bụng, sao ta biết? Toát mồ hôi lạnh, cầm thủ hốt, Lý Ấu Gia bước ra khỏi hàng thưa: “Đây là phạm pháp!” Giọng nói như chém đinh chặt sắt, không ít triều thần liếc qua, Lý Ấu Gia vẫn không thèm để ý, dõng dạc tiếp: “Trong luật có ghi rõ! Gieo rắc thư nặc danh là tội, dùng thủ đoạn như vậy, là coi thường luật pháp quốc gia, miệt thị triều đình! Dù Tề vương có sai hay không, trong một đêm mà phát ra hơn một ngàn tờ, con số quá lớn! Tề vương là Thân vương cao quý, nhưng vương tử phạm pháp, tội như thứ dân, Thánh nhân chăm lo việc nước, chí công vô tư, sao lại có thể thiên vị Tề vương?”

Hoàng đế tâm phiền ý loạn, mấy lời xã giao qua quýt Lý Ấu Gia nói không qua mặt được ngài, cơn giận đi qua, kịch chính phải để họp kín sau giờ thiết triều. Hoàng đế nghe Lý Ấu Gia nói xong thì chỉ tay mà nói: “Chuyện xảy ra ở trong kinh, chuyện này giao cho khanh, tra bằng được manh mối cho ta.” Có nghĩa là phải tìm cho ra, không được lấp liếm, có thể thấy Hoàng đế không bị cơn giận làm cho hồ đồ.

Tâm tình các triều thần rất phức tạp, không tự chủ lại dùng dư quang đi xà nẹo chư vương. Chuyện đến nước này ai lại không muốn đi gặp thí sinh cho chức Tân Thái tử sớm hơn một chút chứ? Không nói về tư tâm, đây là suy nghĩ cho quốc gia, không thể để một kẻ mưu mô như thế làm tân quân được! Nhân phẩm không tốt thì có mà làm Hoàng cmn đế ấy, đúng là áp lực như núi!

Còn chư vương, khi những tay mưu mô chân chính đang cố kiềm chế sự hồi hộp và hưng phấn thì những người khác không khỏi thầm kêu khổ, khổ nhất là Triệu vương.

Triệu vương Tiêu Lệnh Minh, đứng thứ ba, sau khi lão Đại bị phế, lão Nhị bị rải thư nặc danh, sau hai người này, anh ta đứng đầu trong đám thứ tử, bị nghi ngờ nhiều nhất. Triệu vương muốn chết, anh ta đang đứng đầu chư vương, tuy rằng không nhìn được ra sau, nhưng cũng hiểu mình vừa bị đâm một cái thật đau vào lưng. Anh ta bị oan! Mẹ kiếp! Rốt cuộc là ai hại lão Nhị? Sớm không hại trễ không làm, sau cái hố này, không phải còn một cái hố nữa đó sao? Ai mà chẳng biết lão Nhị rơi đài vì chuyện gì? Ta nói, các em ơi, ai làm thì nhận đi, đừng có làm liên lụy đến người khác mà.

Rất tiếc, không ai nhận.

Triệu vương căm chết được, nhưng lại không thể bước ra nói mình bị oan. Nói, người ta sẽ hỏi, không phải ngươi làm, kêu làm chi? Chẳng lẽ lại dở hơi mà thưa: “Ta biết các người đang nghi ngờ ta, hai ông anh toi đời, cơ hội làm Thái tử của ta là lớn nhất.”? Không sợ bị đập sao?

Nháy mắt, triều thần trên điện rất kinh hãi, ôi, đúng là một nước cờ hay, chỉ cần người ra tay không phải Triệu vương, thì kẻ dùng mưu này đúng là cực kì thông minh, thoáng cái đã xử được cả hai!

Một công đôi việc, ngoài ra các triều thần có nghe Trịnh Tĩnh Nghiệp khởi tấu, rằng phiên quốc (nước thuộc địa) xin được đưa sứ giả tới tham dự thiên triều chính đán, à, còn mang điềm lành đến, rùa trắng nai trắng chim trắng gì gì đó nữa.

Buổi thiết triều, giống cảnh như trong TV, ít khi bàn chuyện. Chuyện chính thường là sau khi tan họp kìa. Chỉ lát sau, buổi triều chấm dứt, mở hội nhỏ.

Lý Ấu Gia bị giữ lại, Hoàng đế ân cần bảo ban: “Khanh, đi điều tra rõ cho trẫm, chỉ cần tra thôi. Làm việc bí mật!” Hoàng đế cũng hoài nghi, ngài có không ít con, nhưng ít cha mẹ nào thừa nhận con mình bị ngu cả. Hoàng đế là một người sáng suốt, thừa nhận thằng con số mười bị ngốc đã là quá hạn, không thể tin rằng đứa con thứ ba cũng dốt như thế. Nhưng nếu không phải Triệu vương, thì là một đứa con khác, giống như bóng ma u ám ở góc phòng, dùng con mắt xanh biếc nhìn trừng vào ngai vàng dưới thân ngài.

Tra, nhất định phải tra cho ra!

Lý Ấu Gia nhận mệnh đi làm.

Hoàng đế hỏi ba vị Tể tướng: “Các khanh thấy sao?”

Kỳ thật cả ba cũng không biết là ai, đều cảm thấy không phải Triệu vương, dù sao bình thường Triệu vương hay giấu núi diếm sông (ngấm ngầm, không để lộ gì), không giống người có ý muốn tranh giành, hơi đầu gỗ, nhưng không phải là kẻ ngốc. Nhưng không phải anh ta, thế thì có thể là ai? Chẳng lẽ kẻ đó che giấu quá tốt sao?

Lấy tư cách là thân thích của người tranh vị, đương nhiên Tưởng Tiến Hiền hy vọng đó là Yến vương. Như vậy thì đối thủ cạnh tranh sẽ giảm hơn nửa, còn các chư vương nhỏ tuổi, Tưởng Tiến Hiền không thấy uy hiếp, Hoàng đế đã lớn tuổi, chẳng phải quốc lại trường quân sao? Hơn nữa, chuyện lớn như vậy, Tưởng Tiến Hiền cũng không nghe tin tức gì, ông ta không tin phe Thục phi, phía Thục phi ra tay thì phải nói qua với ông.

Vi Tri Miễn cũng phạm thượng mà suy nghĩ, con của ông ta đang làm Trường sử trong phủ Hoàng Tứ tử Tần vương, đương nhiên hi vọng Tần vương được lợi. Con của ông ta đâu nói Tần vương có thủ đoạn này, chắc là không phải, thế thì ai? Vi Tri Miễn ngẫm nghĩ, khóe mắt lộ vẻ nghi ngờ nhìn Tưởng Tiến Hiền.

Tâm trạng khổ sở của Tưởng Tiến Hiền cũng như Triệu vương vậy.

Chỉ có Trịnh Tĩnh Nghiệp là bình thản nhất, chắp tay nói với Hoàng đế: “Thánh nhân, trước tiên phải tra được chân tướng rồi hẵng nói tiếp.”

Khiến hai người Tưởng, Vi giật mình, Hoàng đế không hỏi ý kiến của họ nữa, cứ thế mà chấp nhận ý kiến của Trịnh Tĩnh Nghiệp: “Già rồi, mệt rồi, chư khanh đi làm việc cả đi, sắp tới chính đán (tết) rồi, là lúc bận nhất.”

Hai người phân tích mổ xẻ câu nói của Trịnh Tĩnh Nghiệp, không nhận thấy có gì cao minh, nhưng nếu không phải ba phải, không muốn đánh quyền thái bình, thì sao lại không cao minh thế kia? Sao Thánh nhân lại không nói gì nữa? Sao không hỏi quan điểm của bọn ta thế nào?

Bọn họ đâu biết rằng, Hoàng đế sợ, người từng tàn sát anh em, chưa chắc sẽ thích con nhà mình cũng làm vậy. Thật ra, Hoàng đế làm đà điểu, ngài nghi ngờ, nhưng lại không muốn thừa nhận con mình không bằng cầm thú. Thà ôm mối nghi chờ đợi, hi vọng Lý Ấu Gia có thể điều tra cho ngài một kết quả hài lòng, dù cho quá trình có quanh co rắc rối thế nào, đừng để ngài quá đau lòng là được.

Tể tướng rời đi, Hoàng đế ngồi dựa người vào ghế, mãi lúc lâu vẫn không phục hồi tinh thần. Mở một cái hộp, bên trong là các thẻ bằng ngà voi, xếp từng cây từng cây lại. Hoàng đế chậm rãi dò từng thẻ, cầm một cây lên, nhìn, rồi lại ném vào trông hộp, cầm hai thẻ khác, rồi cũng bỏ vào. Lại lấy thêm, tay khựng lại, nhưng không ném đi? Hoàng đế đang phân vân.

Trước khi Lý Ấu Gia đến, Thập Nhất lang đã mang chuyện thư nặc danh đến nói cho ngài, lúc ấy Hoàng đế cũng đã nổi giận, mắng con trai hành động không suy xét, suýt nữa là sai người chuyển lời mấy lời mắng chửi cho Tề vương nghe rồi. Sau đó, ngài bình tĩnh trở lại. Tề vương có làm chuyện sai hay không thì chẳng quan trọng, quan trọng là ở số thư nặc danh kìa.

Thời này thuật in ấn chưa thông dụng, tỷ lệ biết chữ không nhiều, giấy bút là vật hiếm, một ngàn tờ, lại còn chép rất rõ ràng, không phải chuyện người thường có thể nghĩ ra. Tiêu hao lớn như vậy, cũng chẳng phải ngày một ngày hay là chuẩn bị xong.

Mưu kế quá đáng sợ!

Hoàng đế thà tin rằng đây là do gián điệp ngoại quốc làm! Đúng vậy, nhất định là vậy, lão Nhị ở nơi xa sát biên giới, nhất định là lão Nhị có tài gì đó khiến lũ man di e sợ …

“Ôi!” Hoàng đế để thẻ xuống, tâm phiền ý loạn.

***

Khả năng của Lý Ấu Gia không tệ, chưa tới nửa tháng, đã điều tra được cho Hoàng đế.

Hoàng đế thấy kết quả, thẳng tay vớ lấy ống bút trên bàn ném vào Lý Ấu Gia: “Khốn nạn! Ngươi tin à? Nó ngu sao? Giết người mà làm giữa ban ngày à!”

Khuôn mặt Lý Ấu Gia đau khổ thưa: “Không phải thần tin hay không, nhưng đúng là thần điều tra ra như thế. Chỗ của Tần vương quả có thiếu một xấp giấy…”

“Từng chữ trên từng tờ rơi đó đều giống nhau như đúc, sau đó cha ta mới phát hiện ra, là được in. Vừa vặn trong phủ Tần vương có gọi một thợ ở tiệm vải nọ trong chợ đi, nghe nói là thợ thủ công, rồi từ đó về sau không gặp người này nữa…” Lý Hoàn nương cũng báo lại với Trịnh Diễm như vậy.

Đậu xanh ra má, in bằng bản khắc! Trịnh Diễm ngạc nhiên: “Quả thật, làm chuyện xấu phải cần phải có trình độ kĩ thuật!” Nàng có thể tưởng tượng ra quy trình: Chỉ cần một thợ điêu khắc, xong việc rồi giết diệt khẩu hay tiếp tục sử dụng cũng tốt, một người là đủ, cũng chẳng chiếm đất mấy; sau đó mang in, căn bản cũng không cần bao nhiêu người, chỉ cần đủ giấy và mực in là ổn, cuối cùng hủy bản khắc, nếu là bản gỗ, đốt là xong, đang đại đông, càng tiện.

Ở thời đại này, thì đây đúng là phạm tội công nghệ cao.

Nhưng Trịnh Diễm vẫn không tin là Tần vương làm, cho dù là Ngụy vương, cũng không thể là anh ta. Hoàng đế không ngốc, người khác cũng chẳng khờ, sẽ biết là có điều tra. Coi như có tìm ra người thợ đó cũng như không, chẳng qua vì người thợ đó làm nghề khắc bản in lên vải hoa. Không chừng có người giả mạo danh nghĩa của Tần vương để mang người đi.

109. A DIỄM ĐÃ ĐOÁN SAI

[Nguyên]

TRIỆU VƯƠNG, ĐÀNH PHẢI LÀM MÀN CHE.

“Rốt cuộc ai làm chuyện này? A Đường, cô thấy thế nào?” Điệu bộ nghiêng đầu cắn móng tay của Vu Vi rất dễ thương, nhưng câu hỏi lại thương không dễ chút nào. Tất nhiên, cô hỏi vậy không phải để tám phét về ba chuyện tầm phào mà là muốn tìm ra một kết quả rõ ràng, mở đầu chủ đề quan trọng của ngày hôm nay.

Gián điệp Lý Hoàn nương mang tin tình báo từ trong nhà ra, một đám tiểu nha đầu tụm lại trao đổi. Cha của Đường Ất Tú được coi là chuyên gia điều tra, người ngoài thấy cô có gốc gác gia đình học cao biết rộng, nhưng rất không may, bạn nhỏ Đường Ất Tú không có hứng thú với chuyện phóng hỏa giết người, cô bé thích cầm kỳ thư họa, Vu Vi hỏi cô cũng như không. Thế nhưng, may mà lại có chút hứng thú về chuyện thư nặc danh kia nên cũng biết chút ít: “Cha ta ở nhà im lặng không nói, các anh trai cũng không dám hỏi, xem ra liên can nhiều lắm.”

Lâm Dung cả gan đặt giả thuyết: “Chẳng lẽ cho Tề vương tự làm?”

Từ Hân cười nhạo: “Thế mục đích là gì? Hễ dính vào chuyện vậy rồi thì sẽ mất sạch thanh danh.”

Vu Vi lại có suy nghĩ mới: “Dù thế nào, cuối cùng Tề vương cũng đã làm cho mọi người nhớ tới, về kinh trước rồi có gì nói sau.” Mặc kệ có phải Tề vương làm hay không, nhưng với lý luận đơn thuần ‘về kinh nói sau’ của cô, có thể nhận ra cô gái này có phần đơn bào, nhìn trước không nghĩ sau.

Lý Hoàn nương nói: “Đúng là ai cũng đáng nghi, nhưng chẳng thấy trong chư vương có gì thay đổi cả.” Sự thay đổi này, chắc chắn không phải về tướng mạo, mà ý nói đến xác suất làm Thái tử.

[Dám thảo luận chuyện lập trữ công khai, các cô em cũng hung hãn quá rồi đấy. Không phải con gái thì nên nói về taobao, bàn tới anime, trang điểm hay ăn mặc hợp mốt sao?] Trịnh Diễm nghĩ thầm, hóa ra bản thân nàng cũng không phải nhân vật đặc biệt duy nhất. Hoàn toàn quên rằng chính mình là đầu sỏ của đám con gái này.

Lý Hoàn nương là người của Thất nương, thấy Trịnh Diễm không nói gì, liền không chịu để nàng được bỏ quên, hỏi Trịnh Diễm: “Thất nương thấy sao? Đây là vu oan hãm hại hay còn có gì khác?”

Trịnh Diễm cười tủm tỉm hỏi: “Tang chứng đâu?” Xuyên suốt vụ này, chỗ mấu chốt nhất là đây. Tề vương làm chuyện xấu là thật, không phải bị vu oan. Mà thợ thủ công, bản khắc kia thì chưa được tìm ra, chẳng tính là ‘tang chứng’.

Dù chỗ Tần vương gia thiếu giấy, nhưng nếu anh ta nói rảnh quá không có chuyện gì làm nên xé chơi, hoặc lấy làm giấy vệ sinh rồi thì bạn có thể làm gì được? Bảo Tần vương đi lục rác tìm lại chắc?

Theo lời Tần vương nói thì: “Người gây án suy tính tỉ mỉ, nếu là nhi thần, sao có thể để lại sơ hở lớn như vậy? Thần là thân vương, sao lại để ý đến ngọn cỏ tờ giấy trong phủ chứ? Sao có thể biết trong phủ thiếu món gì? Nhi thần xin hỏi Thánh nhân, người có biết nội khố trong cung có gì? Có đúng như trong sổ sách không?” Tần vương nói vậy cũng vì biết rằng, có rất nhiều chuyện dối trên nhưng không lừa nổi dưới. Tần vương biết, chưa chắc Hoàng đế hay. Tần vương còn đưa ví dụ, chẳng như mờ ám trong ‘trao đổi buôn bán’, hay thương khố thất thoát.

Hoàng đế tin. Thế là nội khố lại có một màn gió tanh mưa máu, thành ra đã dời đi lực chú ý của dân chúng rất nhiều.

“Chuyện này không thể cứ thế mà qua được, rốt cuộc, Tề vương phạm pháp, vụ thư nặc danh này vẫn không có manh mối gì sao?” Lý Hoàn nương không ngây thơ, biết việc này không nhỏ.

Đường Ất Tú cũng có lí giải riêng: “Thế nào cũng có người đứng ra gánh, nhưng rốt cuộc có phải thủ phạm hay không thì chẳng biết được.”

“Lại có chuyện thế sao?” Vu Vi cũng nhòi người tới, “Ta biết vài chuyện đúng là bị oan, nhưng hung thủ là ai thì mọi người đều biết cả. Còn chuyện này vẫn chưa rõ ràng, thế thì coi là gì?”

“Miếu nào lại không có quỷ chết oan?” Trịnh Diễm thờ ơ nói, “Gánh tội cũng chưa chắc không tốt – chỉ cần không có ý đó, thanh danh bị ảnh hưởng cũng không phải không tốt đối với chư vương. Tái ông mất ngựa, nào biết phải phúc hay không?”

Đường Ất Tú quẳng chuyện thư nặc danh qua một bên, hỏi Trịnh Diễm: “Tái ông mất ngựa, điển cố nào thế?”

Trịnh Diễm khựng lại một chút, quên mất đây là thế giới ở thời không khác, cười nói: “Đây là chuyện vô tình nghe được thôi, về một ông lão nọ, bị mất ngựa…” Kể lại điển cố về Tái ông mất ngựa, “Thế mới nói, trong phúc có họa, trong họa có phúc.”

Đường Ất Tú vỗ cái chách vào đầu gối tán thưởng: “Truyện này hay quá.”

Lý Hoàn nương vẫn rất ngoan cố, chăm chăm vào chuyện thư nặc danh không bỏ qua, hỏi Trịnh Diễm: “Thế ai mất ngựa? Họa gì phúc gì?”

Trịnh Diễm nói: “Với người này là tốt, nhưng kẻ khác thì không, ta thấy là phúc, nhưng có khi người khác lại nghĩ là họa. Mỗi người một ý.”

Lý Hoàn nương nghe chỉ hiểu một nửa, đành bỏ cuộc: “Để ta về nhà nghe ngóng thêm.”

Trịnh Diễm cười bảo: “Cô đừng tiến sâu thêm vào, nếu tiếp tục, không phải người cô có thể dò la đâu, là Thánh nhân đấy.”

Không phải nàng thừa nước đục thả câu, nhưng quả thật trong chuyện này còn rất nhiều điểm đáng ngờ, nàng không thể đoán hết được. Mấy năm nay tuy nói là thịnh thế phồng hoa, dân cư đông đúc, nhưng so với tình cảnh Trung Quốc, Trịnh Diễm chỉ có thể cười nhạo mọi người đúng là dế nhũi. Tính ra thì vẫn là cảnh đất rộng người thưa, chôn xác người ở trong núi, trừ khi được ông trời giúp đỡ, nếu không xương cốt rã vụn cũng vẫn chưa tìm ra. Chôn người mất tích, gói đồ (nếu còn), chỉ là chuyện nhỏ.

Trịnh Diễm không có hứng thú với chuyện phá án, trừ khi tìm ra người thợ kia, tìm được kẻ đã đưa hắn đi, hoặc tên phát giấy, người biết nội tình tố giác, bằng không thì nào dễ dàng vậy được?

Các thiếu nữ bàn mãi không có kết quả, thất vọng giải tán.

Hôm sau lại tụ nhau lại, Lý Hoàn nương hưng phấn báo với Trịnh Diễm: “Có bằng chứng rồi này! Hôm nay, có người báo, phát hiện thấy chó hoang đào bới cạnh biệt nghiệp ở ngoại thành của Triệu vương, vốn không để ý, không ngờ đi dạo một vòng quay lại thì thấy đám chó hoang đang vây quanh một xác chết, gào toáng lên, mọi người chạy đến, đuổi chó, báo quan, Thất nương đoán đi, ai chết?”

“Hẳn là thợ khắc bản!” Trịnh Diễm tỉnh táo. Nàng cũng bị giật mình, vừa bảo khó tìm ra tang vật, thế mà nay đã có manh mối rồi. Đúng là trên đời lắm chuyện bất ngờ!

Thảo nào, không tìm ra thợ thủ công, trước khi xảy ra chuyện đã đưa người đi, mất tích, nay thì đã chết. Sợ chuyện không đủ lớn, người khác sẽ không nghi ngờ sao? Nhân chứng quan trọng đã chết, cách hơn nửa tháng lúc xảy ra sự việc, lại còn có thể nhận ra thi thể đó là ai, đúng là một kế hoạch đã được sắp xếp sẵn!

“Triệu vương có thể sẽ rút lui để thoát thân.” Trịnh Diễm quả quyết. Dù có phải Triệu vương làm hay không nhưng chuyện đến nước này thì chỉ còn đổ lên đầu anh ta thôi. Mọi người đều nghĩ là anh ta làm, có cãi cũng vô dụng. Trừ khi được Hoàng đế ủng hộ, hoặc đại thần cùng bảo vệ - mà vốn chuyện này là không thể - từ đây về sau anh ta sẽ bị mất tên trong số những người ứng tuyển, lại còn trở thành kẻ thù với Tề vương.

Quan trọng nhất là, bằng chứng ở đây là thế, nếu không phải Triệu vương, thì là kẻ khác: muốn tố cáo Tề vương, lại muốn phá thanh danh Triệu vương, tính kế với cả hai hoàng tử lớn nhất, con chim sẻ này là ai (*)? Hoàng đế sẽ phải công bố với thiên hạ, con trai nhà mình chẳng những có hành vi không tốt (Tề vương) mà còn có dã tâm, dù ngài gạt bỏ tình cảm để điều tra cho rõ thì cũng chẳng muốn công khai.

(*) Nhắc tới câu ‘Bọ ngựa bắt ve, chim sẻ chực sau’.

Triệu vương, đành phải làm màn che.

***

Trịnh Diễm đoán không sai, Hoàng đế vô cùng tức giận, trực tiếp nhận định Triệu vương là hung thủ: “Trói thằng súc sinh tới đây gặp ta!”

Lý Ấu Gia nghiêm túc nói: “Thần là Kinh Triệu doãn, không thể bắt trói thân vương.”

Hoàng đế chỉ vào Tiêu Thâm: “Cháu, tìm Tông chính (*Tên chức quan), mang người theo, đi trói thằng súc sinh tới đây!”

Tiêu Thâm đáp ngắn gọn một chữ ‘Vâng’, quay người đi ngay, không nửa lời thừa thải, nửa khu trước cung Đại Chính là nơi làm việc, cậu không cần đi quá xa, bối phận của người giữ chức Tông chính tính ra còn cao hơn Hoàng đế một bậc, cũng là thân thích Tiêu Thâm, chưa già lắm – chỉ mới năm mươi mà đã ngồi chức này thì coi như vẫn còn trẻ - Tiêu Thâm cung kính mời vị tiền bối này vào phòng nói chuyện.

Tông chính hỏi: “Sao phải bí mật vậy?”

Tiêu Thâm trầm giọng: “Thánh nhân lệnh Tông chính cho người đưa Triệu vương vào cung.”

Tông chính hoảng hốt: “Là nó thật sao?”

Tiêu Thâm ngậm chặt miệng, gương mặt tuấn tú sa sầm thành mặt táo bón: “Cháu cũng không biết. Xin hãy tuân mệnh.”

Tông chính vội vàng chọn người, đưa một đội người ngựa theo Tiêu Thâm, thật ra người của ông ta không cần ra sức gì, Tiêu Thâm cũng đã tự mang một đội tinh nhuệ theo, chẳng qua muốn dựa vào danh tiếng của Tông chính thôi. Triệu vương đang lo ngay ngáy ở nhà, em trai Tần vương của anh ta bị điều tra rằng ‘có thể’ liên can, đã chọc anh ta mắng chửi một hồi, nay lại lo mình không rửa hết tội.

Tông chính tới, thôi thì cũng khỏi lo lắng hơn, trực tiếp đối mặt với sự thật vậy.

Dọc đường đi, dù Triệu vương có hỏi thế nào, Tông chính và Tiêu Thâm vẫn không chịu để lộ một chữ. Triệu vương hỏi hai lần, không tự rước thêm nhục nữa, trong lòng thầm hận: Sớm biết thế khi phế Thái tử cũng tự xin được đến đất phong! Rồi lại hối: Sao lại hồ đồ như thế, tưởng rằng mình trơ mặt trong kinh, Tề vương ở xa thì bản thân ‘có thể’ có hi vọng nhòm ngó đại vị sao?

Trong lòng có xuất hiện đủ loại tâm trạng, thế nhưng trên mặt Triệu vương vẫn rất bình tĩnh.

Đến cung Đại Chính, Hoàng đế vừa gặp liền bạo hành gia đình, hễ bốc được cái gì thì đều ném vào người Triệu vương: “Súc sinh! Cầm thú! Heo chó!” Dù là gì thì Triệu vương cũng không phải là người.

Trịnh Diễm vẫn đoán sai, mấy năm nay Hoàng đế tuy đa nghi, nhưng cũng coi là chất phác, ngài không nghĩ sâu vào những chuyện như các con không quan tâm đến anh em, hãm hại đối phương, đứa nào cũng muốn tranh vị này nọ. Làm cha, luôn thấy các con rất ngoan. Hậu Hắc Học (*), luận âm mưu, ở thời này, cho dù ở trong cung, cũng không phải chuyện gì cũng lôi ra tra xét cho ra nhẽ. Ngài hỏi tội Triệu vương, vì những bằng chứng hiện tại đều nhằm về phía Triệu vương, không hẳn vì không có tình cha con mà nhất định phải hi sinh anh ta.

(*) Hậu Hắc Học: một bộ sách lý luận chế giễu một cách sâu cay sự đen tối của một số chế độ chính trị với những bệnh tật, thói hư tật xấu trong chốn quan trường của xã hội Trung Quốc cũ.

Bằng chứng rành rành, xác của người thợ kia bên cạnh biệt nghiệp Triệu vương, Hoàng đế còn sai người lục soát, đào xung quanh thì phát hiện một bản khắc đã bị thiêu hủy, một số mực in chưa dùng hết, còn gì để nói nữa đây? Theo như luật, hủy thi diệt tích, tiêu hủy bằng chứng hoặc gây án, không khác những trường hợp phạm tội quen thuộc là mấy. Vậy thì khó đây, cho dù muốn đẩy ra xa, nhất định cũng phải chọn một nơi sung túc một chút để con trai đóng đô – Triệu vương tái nhợt phản bác ‘Cho dù là con làm thì cũng chẳng chôn ngay cạnh biệt nghiệp mình như thế’ không được chấp nhận.

Lời Hình bộ thượng thư nói ra suýt nữa bị Triệu vương trừng mắt đến chết!

Lễ không xuống thứ dân, hình không lên quan quyền (*), Triệu vương bị Hoàng đế đưa đi để Hình bộ thượng thư, Tông chính, Đại lý tự, Tể tướng cùng thẩm định, còn phái Tiêu Thâm, Trì Tu Chi làm dự thính.

(*) Lễ không xuống thứ dân: Lễ nhạc chỉ dùng trong giai cấp thống trị, tức là giới quý tộc, thứ dân không được áp dụng. Hình không lên quan quyền: Khi giới quý tộc, quan quyền phạm pháp và bị định tội, thì luật cho phép họ dùng tiền để chuộc tội, không phải chịu hình.

Hình bộ thượng thư làm chủ thẩm, nghe Triệu vương phản biện, Hình bộ thượng thư họ Sở, là thân thích với Tần vương phi, đương nhiên cũng là thân thích với Thục phi (Thục phi là mẹ của Ngụy vương), Triệu vương còn cho con trai lấy con gái Sở gia làm vợ (Đều thuộc Sở thị cả).Đôi khi, quan hệ thân thích như vậy có thể khiến người ta phát điên: Căn bản bạn không biết hắn đứng ở bên nào. Làm cho bạn cảm thấy hắn và mình đang có quan hệ tốt là thế, nói không chừng chớp mắt đã bán đứng bạn mất rồi.

Những gì Sở thượng thư nói đều là thật, nhưng Triệu vương nghe thấy rất chói tai! Ngồi trên ghế mà nhảy dựng lên, xông tới trước mặt Sở thượng thư. Tiêu Thâm nhanh nhẹn, xông lên trước cản lại: “Tam lang!”

Triệu vương có chết cũng không nhận tội, chúng thần bất đắc dĩ, báo lên chờ thánh phán, không ai chịu đụng vào. Hoàng đế cũng không muốn tra xét nữa, xử luôn: Phẩm hạnh Tề vương không đúng đắn, giáng làm Quận vương; trong lòng Triệu vương có quỷ, giáng làm Quận vương.

Thế thì đến phiên Tần vương khoe khoang?

Sai!

Tần vương lấy chuyện nội khố làm ví dụ, đương nhiên bị các thái giám nội khố, tiểu lại, thậm chí cả cung tỳ ghi hận, chính lúc này danh tiếng bất trung bất nghĩa của Tần vương truyền vang khắp trong ngoài cung. Tiếp đó, có thái giám có chút tư lịch lôi bản án cũ, mẹ ruột Tần vương thấp kém, năm đó từng làm cung tỳ quản sự trong cung, có dính lúy đến nội khố, trong tay thái giám có sổ sách cũ, lôi mẹ ruột Tần vương ra, thiếu thứ gì đều đổ hết cho mẹ của Tần vương. Tần vương tố giác, thế mà thành ra bóc trần việc làm của mẹ ruột năm xưa. Vô cùng náo nhiệt!

Vinh An công chúa nhìn gương đồng, cười đến vô cùng xinh đẹp kiều diễm: “Ai nói con gái không bằng con trai?” Chuyện cô ta làm, không hề nói với mẹ ruột anh em, huống chi là chồng mình. Vươn ngón trỏ, chỉ vào mặt gương: “Ngũ lang, người kế tiếp là huynh.”

(*) Công chúa Vinh An là em gái cùng mẹ của Hoàng Lục tử Yến vương, cưới Phạm Trường Tiệp, con trai Tể tướng đã chết, Phạm Đại Dư.

Mẹ Tần vương vẫn còn sống, tuy chỉ là một Tài tử, nhưng có con trai là Thân vương, gặp Hoàng đế theo theo tháng, mỗi tháng có thể được gặp một lần. Vì con trai, phụ nữ có thể nổi điên. Còn mẹ của Triệu vương, cũng là con gái thế gia, lực lượng sau lưng không nhỏ. Hoàng đế có thể không tin Triệu vương, dù có chứng cứ trước mặt, mẹ của Triệu vương, Thục nghi vẫn trợn mắt mà tin con trai bị oan.

Rút tay về, công chúa Vinh An khép nụ cười lại: “Người đâu, chuẩn bị vào cung thỉnh an.”

Mưa gió trong ngoài triều, làm con gái, lo mẹ ở một mình trong cung, lý do của công chúa Vinh An cực kì chính đáng. Đến điện Thừa Gia, đang có dì Thẩm tiệp dư ở đó. Công chúa Vinh An nghe hai người phụ nữ suy đoán: ‘Rốt cuộc là ai đây?’ thì cười thầm trong bụng, nhưng vẫn giả vờ ưu sầu mà nói: “Nhị lang, Tam lang, Tứ lang đều có chỗ thiếu xót, cha răn dạy nghiêm khắc, lần này Ngũ lang nổi bật lên rồi, dù là ai làm thì Ngũ lang cũng là người được lợi. Ngũ lang lợi, tương lai của Thục phi ở điện Duyên An coi như cũng có phúc.”

Chân mày Thẩm tiệp dư chau lại: “Sốt ruột thì cũng phải là A Miêu kìa.” Mức độ thù hận của Miêu phi đối với Thục phi chắc chắn cao hơn chị em Hiền phi nhiều.

Cuộc đối thoại ở điện Thừa gia, tam sao thất bản, đến tai mẹ của Tần vương, Phong tài tử. Phong tài tử vừa nghe nói ‘có thể’ có người bọ ngựa bắt ve, chim sẻ chực sau, Tề vương, Triệu vương, Tần vương đều bị người khác tính kế, khóc lóc chạy tới hậu viện chiêu nghi của mẹ Tề vương, Phong tài tử và Hàn chiêu nghi, coi như cũng có giao tình.

Ba người phụ nữ bàn tính, nhắm nòng pháo vào phe Thục phi. Đàn bà không quan tâm chứng cứ, không phải các người tung thư nặc danh sao? Chúng ta sẽ tung tin đồn! Trong vòng một ngày, trong cung tràn ngập lời đồn đãi rằng phe Thục phi âm mưu hãm hại ba bị Thân vương.

Đánh trâu cách núi (*), chiêu này của công chúa Vinh An quả rất lợi hại. Hoàng đế đột nhiên phát hiện, chỉ trong một đêm, người ngài chung sống suốt mấy chục năm, con trai ngài nuôi dạy suốt mấy mươi năm, đều đã thành trứng thối, giận đến muốn giết người.
Chương trước Chương tiếp
Vietwriter; Bongdaso; Bongdapro; Keonhacaivip; W88; NEW88; NEW88;
Tele: @erictran21
Loading...