Ngủ một mạch đến trưa, sau khi tỉnh dậy Phó Nhuận Nghi còn nằm ườn trên giường thêm mấy phút, ngây người nhìn trần nhà chờ đầu óc từ từ hoạt động lại. Sau đó cô vươn vai duỗi lưng, cảm giác như cơ thể vừa lột bỏ lớp vỏ ve sầu vô hình, nhẹ nhõm và khoan khoái như được tái sinh.
Chỉ là có một chỗ trên cơ thể là có chút cảm giác kỳ lạ chưa từng có.
Phó Nhuận Nghi không mất nhiều thời gian để nhớ lại chuyện đêm qua, giống như một bộ phim từng xem qua, chỉ cần liếc nhìn trang bìa là đã biết được nội dung, không cần phải ngẫm nghĩ thêm.
Cô cảm thấy có lẽ mình cần tắm trước, nhưng chẳng mấy chốc lại nghĩ đến một chuyện quan trọng hơn, chút buồn ngủ cuối cùng cũng hoàn toàn bị xua tan.
Phó Nhuận Nghi hất tung lớp chăn mỏng, tìm mãi không thấy bộ đồ ngủ mình mặc tối qua.
Không phải do cô cởi.
Cô cũng không biết bị Nguyên Duy để ở đâu.
Tìm đại một chiếc váy ngủ mặc vào người, Phó Nhuận Nghi vội vàng đi chân trần chạy ra ban công, nhìn thấy chú mèo con đang vui vẻ thoải mái, trong bát thức ăn còn dư lại thức ăn cho mèo, cô mới thở phào nhẹ nhõm.
May là mèo con không bị đói.
Tối qua về gấp quá, cô quên cho nó ăn.
Phó Nhuận Nghi ngồi xổm xuống, vuốt ve đầu chú mèo con, giọng nói lộ ra niềm vui nho nhỏ: “Em biết ai cho em ăn không?”
Chú mèo con kêu “meo” một tiếng nhỏ.
Phó Nhuận Nghi không ngờ tối qua trước khi rời đi Nguyên Duy còn giúp cô cho mèo ăn, cô cứ tưởng anh chỉ vào phòng tắm rửa mặt rồi đi luôn.
Nghĩ đến phòng tắm, Phó Nhuận Nghi lại vội vàng đứng dậy như gặp phải chuyện lớn.
Cô sợ cái món đồ chơi ngâm trong bồn tắm cả đêm bị hỏng.
Đợi đến lúc đứng trong phòng tắm, cô lại phải đối mặt với một tình huống còn đáng sợ hơn chuyện ‘đồ chơi bị hỏng’: món đồ chơi đó không hề bị ngâm cả đêm. Không biết nó đã được vớt lên từ lúc nào, khô ráo nước nằm yên trên kệ rửa mặt.
Trên nền bồn rửa mặt trắng tinh là một màu hồng chói mắt.
Cô chẳng cần phải hỏi rằng mày biết là ai đã vớt mày lên không? Trừ Nguyên Duy ra thì còn có thể là ai nữa?
Phó Nhuận Nghi cố gắng tự an ủi bản thân.
Đây là đồ dùng của con gái, hơn nữa hình dáng của nó cũng không giống với kiểu đồ chơi mô phỏng hay giả hình nhìn qua là biết công dụng, thoạt nhìn sẽ chỉ cho rằng đây là một chú chim nhỏ màu hồng dễ thương.
Chắc là Nguyên Duy tốt bụng vớt lên, cứ tưởng đây là đồ trang trí trong phòng tắm của cô, vì vậy anh mới đặt nó lại cho cô.
Cô cố nhịn cảm giác ngượng ngùng để tự tẩy não.
Nhưng ngay sau đó, ngón tay táy máy lại vô tình nhấn vào công tắc, con chim nhỏ dễ thương kia lập tức phát ra tiếng rung bất thường.
Cảm giác xấu hổ muốn độn thổ lập tức xông thẳng lên não.
Phó Nhuận Nghi không dám nghĩ, tối qua lúc Nguyên Duy vớt nó lên có phải cũng vô tình bấm nhầm hay tò mò về thứ đồ này không.
Nếu ở trên tay Nguyên Duy cũng xuất hiện tiếng rung như vậy, Phó Nhuận Nghi hy vọng anh chỉ cho rằng đồ trang trí mà cô mua kém chất lượng, có thể do nhiễm điện nên mới xuất hiện tình trạng rung lên bần bật, sau đó anh cảm thấy chẳng có gì thú vị bèn đặt nó sang một bên.
Tắm rửa xong xuôi, cô âm thầm kiểm tra bản thân.
Hình như có hơi sưng, nhưng không có cảm giác đau đớn rõ ràng.
Sau khi chỉnh trang lại bản thân xong, Phó Nhuận Nghi xõa mái tóc dài còn hơi ướt, mở tủ lạnh ra, cắn một miếng bánh mì sandwich, tập trung tinh thần đếm số lượng trà Ô Long trong khay mát. Sau khi chắc chắn về số lượng, cũng chắc chắn Nguyên Duy đã lấy một chai đi, cô mỉm cười nhai bánh mì rồi từ từ nuốt xuống.
Trong tủ lạnh chỉ còn đồ uống và nửa ổ bánh mì sandwich, nhưng hôm nay Phó Nhuận Nghi không muốn ra ngoài lắm. Cô dọn dẹp mảnh vỡ của lọ hoa trong thùng rác ở phòng khách rồi gói lại, tránh để công nhân vệ sinh bị thương khi đổ rác.
Mèo con do Phó Nhuận Nghi nhặt về lúc đầu rất nhút nhát, dù Phó Nhuận Nghi có ôm nó ra phòng khách thì nó cũng tranh thủ lúc cô không để ý mà chui vào đống đồ lộn xộn ở góc tường. Lặp đi lặp lại mấy lần, Phó Nhuận Nghi đành bó tay.
Cô nghĩ, có lẽ nó là một bé mèo yêu tự do, đợi đến lúc cơ thể khỏe mạnh sẽ tự ý rời đi từ ban công tầng hai chẳng hề cao chút nào, thế nên mới không muốn ở trong nhà của con người.
Sau đó tình hình khả quan hơn, mèo con cũng chịu ra phòng khách chơi đùa, chỉ là nó vô cùng tò mò với những thứ làm bằng thủy tinh.
Phó Nhuận Nghi không nhịn được mắng chú mèo con đang đi đến bên chân mình.
“Đây là chiếc bình hoa thứ hai em làm vỡ rồi đấy, biết không hả?”
Sau đó cô nhớ ra một chuyện, nếu tối qua không phải do mèo con làm vỡ bình hoa phát ra tiếng động lớn, có lẽ Nguyên Duy đã chẳng xuất hiện.
Phó Nhuận Nghi vội vàng đổi giọng: “Chị không trách em đâu, có chút sở thích đập phá bình hoa cũng đâu có gì quá đáng, em là một bé mèo ngoan mà.”
Mèo con như thể hiểu được lời khen, kêu meo meo một tiếng, dùng cái đầu nhỏ đầy lông cọ vào mắt cá chân trắng nõn của Phó Nhuận Nghi.
Thế nhưng khi cúi đầu xuống nhìn, cô lại phát hiện trên mắt cá chân của mình có một vết bầm tím lớn hơn ngón tay cái một chút, là do ngón tay cái của một người khác ấn vào.
Phó Nhuận Nghi vẫn còn nhớ rất rõ.
Tư thế hai chân hướng lên trần nhà thật sự khiến người ta rất ngượng ngùng, hai chân cũng mỏi nhừ, nhưng sự phản kháng yếu ớt của cô còn không lớn bằng động tác xóc nảy, có lẽ Nguyên Duy không hề nhận ra, cứ thế siết chặt lấy rất lâu.
Lúc ấy chẳng thấy đau, không ngờ lại để lại dấu vết. Đúng lúc này chuông cửa bỗng vang lên.
Nhà Phó Nhuận Nghi rất ít khách đến chơi, có vài người bấm chuông cửa thì cũng chẳng gọi là khách được, ví dụ như người đàn ông khoảng ba mươi tuổi đang đứng ngoài cửa nở nụ cười giả tạo gọi cô là “cô Phó” này. Anh ta đeo kính, là hàng xóm mới chuyển đến tầng trên hồi đầu năm nay.
“Buổi sáng tôi có gõ cửa nhưng không có ai trả lời, cô đang ngủ à?” Thấy Phó Nhuận Nghi không có ý định đáp lại, người đàn ông vẫn giữ nguyên nụ cười, sau đó lại nói tiếp, “Nghĩ là đến trưa cô sẽ dậy nên tôi lại ghé qua lần nữa.”
Phó Nhuận Nghi chỉ mở hé cửa, bản thân đứng trong khe hở, không muốn để người lạ nhìn thấy hình ảnh trong nhà mình, cô lạnh nhạt đáp: “Ờ, có việc gì không?”
“Thật ngại quá.” Người đàn ông lập tức xin lỗi, “Tôi phơi quần áo bất cẩn nên lại làm rơi quần áo xuống ban công nhà cô rồi.”
Lại?
Đã là lần thứ ba rồi đấy.
Phó Nhuận Nghi không có thói quen xung đột trực diện với người khác, cũng không muốn cãi nhau với người khác, cho dù cô là người có lý thì cô cũng không muốn lãng phí thời gian với những kẻ và những việc đáng ghét.
Nhưng lần này cô thật sự không nhịn được nữa, từ áo len dày đầu xuân đến áo thun ngắn tay mùa hè, rớt dễ như thế sao anh không tự nhảy từ trên lầu ba
xuống luôn đi? Như thế cho xong chuyện, khỏi phải cố tình vứt quần áo xuống rồi nhặt lên nhặt xuống nữa.
“Vậy thì anh đợi chút.” Phó Nhuận Nghi lạnh lùng nói.
Người đàn ông dường như còn muốn nói gì nữa nhưng Phó Nhuận Nghi chẳng thèm quay đầu lại, “ầm” một tiếng đóng sầm cửa lại.
Nửa phút sau, cửa lại mở ra, trên tay Phó Nhuận Nghi là một chiếc móc áo, trên móc treo một chiếc quần đùi nam.
Người đàn ông nhận lấy, cười gượng nói: “Ngại quá, lại làm phiền cô rồi cô Phó.”
“Không có gì.”
Phó Nhuận Nghi định đóng cửa thì đối phương lại vội vàng mở đầu một chủ đề mới: “À đúng rồi cô Phó, tối qua cô có nghe thấy âm thanh kỳ lạ gì không?”
Phó Nhuận Nghi trả lời: “Không có, tôi ngủ sớm.” “Cô Phó, tôi nhắc cô một chút——”
Người đàn ông ra vẻ muốn nói chuyện tế nhị, hạ thấp giọng: “Anh trai ở đối diện nhà cô hình như không được đàng hoàng lắm đâu. Tôi đã thấy anh ta dẫn vài cô gái khác nhau về rồi. Nói thật lòng thì tôi hơi lo cho cô, hay là chúng ta trao đổi cách liên lạc đi? Nhà trên nhà dưới, lỡ như cô có chuyện gì tôi cũng có thể kịp thời giúp đỡ.”
Phó Nhuận Nghi thẳng thừng từ chối: “Không cần đâu.”
Điện thoại của người đàn ông kia đã lăm lăm trên tay, miệng còn muốn nói gì đó.
“Anh phơi đồ của anh cho cẩn thận đi, đừng làm phiền người khác nữa.” Lần này Phó Nhuận Nghi trực tiếp đóng sập cửa lại.
Chiều đến bụng đói, mấy miếng bánh mì sandwich cũng chẳng thấm vào đâu, Phó Nhuận Nghi cảm thấy phải xuống lầu kiếm chút đồ ăn để no bụng.
Phó Nhuận Nghi không biết nấu ăn, ngay cả nấu mì gói cũng không canh được lửa và lượng nước cho chuẩn, luôn làm dở hơn người khác.
Cô lại không thích tiếng gõ cửa, bởi vì khi chìm đắm trong thế giới riêng, căn nhà nhỏ mà bà ngoại để lại sẽ trở thành ranh giới phân chia cô với thế giới bên ngoài. Cô không thích bị quấy rầy, cho dù đó là nhân viên giao đồ ăn.
Thế nên cô rất ít khi gọi đồ ăn về nhà. Phần lớn thời gian hoặc là xuống mấy quán cơm ven đường ăn tạm, hoặc là qua loa tạm bợ bằng những món ăn nửa sống nửa chín mà bà dì cô chuẩn bị cho.
Ăn tối xong, Phó Nhuận Nghi vừa về đến nhà thì nhận được cuộc gọi của A Đồng, cậu phấn khích nói rằng ngày mai cậu sẽ vào thành phố.
Phó Nhuận Nghi hỏi cậu đi như thế nào.
Hồi nhỏ A Đồng bị sốt cao nên ảnh hưởng tới não bộ, lớn lên tuy chân tay không có gì khác thường, thậm chí thừa hưởng gen tốt còn có ngoại hình cân đối và gương mặt sáng sủa, song trí tuệ lại bị ảnh hưởng rất lớn, dù đã trưởng thành nhưng vẫn như đứa trẻ con.
Bà dì cô không bao giờ để A Đồng ra ngoài một mình.
A Đồng líu lo không ngớt, thao thao bất tuyệt kể với Phó Nhuận Nghi: “Chú Văn Huy muốn vào thành phố bán đào, chú ấy nói cho em đi theo. Nhuận Nghi à, lâu rồi chị không về, công việc của chị có vất vả lắm không? Chị có ăn uống đàng hoàng không? Chị có muốn ăn cá đù chiên không? Bà nội chuẩn bị nhiều đồ lắm, bảo mai em mang hết cho chị, toàn là đồ của chị thôi đó!”
“Được, chị muốn ăn cá đù chiên, vậy chị đợi em nhé.”
Phó Nhuận Nghi lại hỏi: “Bà dì có nói mấy giờ chị đưa em về không, bà dì đâu rồi? Có ở bên cạnh em không?”
A Đồng rất thích tự lập làm mọi việc, thậm chí cả việc chăm sóc người khác, Phó Nhuận Nghi nói như vậy sẽ khiến cậu cảm thấy buồn.
Cậu nói với Phó Nhuận Nghi: “Không cần chị đưa về đâu! Ngày mai bác sĩ Hứa lên thị trấn khám bệnh tình nguyện, anh ấy sẽ đưa em về.”
Bác sĩ Hứa là người tốt, dù lúc nào cũng bảo là chuyện nhỏ thôi nhưng Phó Nhuận Nghi vẫn cảm nhận được sự giúp đỡ không thể ngờ tới.
Cô không thích dây dưa tình cảm quá sâu với bất kì ai ngoài mấy người bạn thân.
Nhưng nhận ơn của người mà không báo đáp thì cũng không được. Điều này rất phiền phức.
“A Đồng, chúng ta đừng làm phiền bác sĩ Hứa nữa. Chị cũng có thể đưa em về mà.”
“Em không cần chị đưa về! Em không muốn chị vất vả!”
Phó Nhuận Nghi bật cười: “Bác sĩ Hứa đưa em về thì anh ấy cũng vất vả vậy.”
A Đồng tự có suy nghĩ riêng, cậu hồn nhiên nói: “Không sao cả, đợi qua một thời gian nữa đào chín, chúng ta tặng bác sĩ Hứa nhiều đào là được rồi.”
Trong thế giới của A Đồng, ‘trả ơn’ thật sự rất đơn giản và thuần khiết. Cậu và bà dì sống ở thị trấn, có canh tác một vườn đào lớn. Hàng xóm láng giềng ai giúp đỡ dù chỉ một chút bà dì cũng đều ghi nhớ, đợi tháng Sáu đào chín lại dẫn A Đồng đi khắp nơi tặng lại ân tình.
“Thôi vậy.”
Phó Nhuận Nghi không tranh cãi với A Đồng nữa, chỉ dặn cậu là khi đi nhớ xách đồ cẩn thận, dọc đường phải ngoan ngoãn không được cáu kỉnh.
Hôm sau khi A Đồng đến thì đã qua giờ cơm trưa.
Phó Nhuận Nghi ra bến xe gần nhà đón cậu, trong tay cầm hai bao thuốc lá vừa mua ở cửa hàng tiện lợi để tặng cho chú Văn Huy đã đưa A Đồng đến.
Lúc nãy ở trong cửa hàng tiện lợi, Phó Nhuận Nghi bỗng thấy hơi ngượng ngùng. Bình thường cô đứng ở quầy thu ngân chưa bao giờ đảo mắt nhìn lung tung, nhưng hôm nay lại cảm thấy quầy hàng kế bên dù rất tiện tay, song dù gì cũng không nên bày biện lộ liễu như vậy.
Cô nhân viên thu ngân liếc nhìn, lên tiếng hỏi thăm: “Chị cần gì thêm không ạ? Bây giờ đang có chương trình mua hai hộp được giảm giá 20% đấy ạ.”
Phó Nhuận Nghi vội vàng dời tầm mắt, lắc đầu nguầy nguậy nói không cần, sau đó cầm hai gói thuốc lá đi ra ngoài, hướng về phía trạm xe buýt.
Vừa vào nhà, A Đồng đã đặt xuống đất nào túi lớn túi nhỏ trên tay, tỉ mỉ giới thiệu cho Phó Nhuận Nghi về từng món đồ một.
Phó Nhuận Nghi muốn giúp một tay, nhưng cậu kiên quyết không cho cô nhúng tay vào, một mình phân loại đồ đông lạnh và đồ tươi sống rồi cất ra đâu vào đấy. Những điều này đều là do bà nội đã dạy đi dạy lại rất nhiều lần, cậu ghi nhớ rất rõ ràng, làm việc cũng rất hăng hái.
A Đồng rất khéo tay, những cuốn sách ảnh Phó Nhuận Nghi mua cho cậu đều được cậu xem như nhiệm vụ mà lần lượt đọc qua, mấy lúc khác cậu còn thích tự làm đồ thủ công. A Đồng lấy một bộ quần áo nhỏ may cho mèo con trong chiếc túi đeo bên người ra, sau đó mới buồn bã phát hiện bây giờ đã vào hè rồi, trời ngày càng nóng, mèo con mà mặc áo len là sẽ bị rôm sảy mất.
May mà vẫn còn một chiếc mũ nhỏ hình hoa hướng dương có thể đội tạm được, cậu bèn đưa đến trước mặt Phó Nhuận Nghi, hỏi cô có đẹp không?
Phó Nhuận Nghi nói đẹp.
A Đồng rất vui vẻ, chơi với mèo con một lúc.
Sau đó mọi việc lại như thường lệ, A Đồng thành thạo lấy chiếc tạp dề mà Phó Nhuận Nghi mua nồi được tặng kèm ra đeo vào cho mình, đầu tiên là đi rửa sạch bát ăn và đệm lót trong ổ mèo, sau đó lại cầm cây lau nhà lau sạch từng kẽ hở trên sàn nhà, cứ thấy việc là làm. Phó Nhuận Nghi cắt một đĩa dưa hấu, bảo cậu đến ăn trước đã rồi làm, nhưng có khuyên thế nào cũng không nghe.
Lúc điện thoại nhận được cuộc gọi đến từ số lạ hiển thị vị trí ở thành phố Sùng Bắc, Phó Nhuận Nghi đang dạy A Đồng cách bóc măng cụt, ngón tay dính nước ngọt, cô cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều, mút ngón tay cái rồi dùng ngón áp út sạch sẽ nhấn nút nghe.
Giọng một người đàn ông có phần lạnh nhạt vang lên từ đầu dây bên kia: “Em có ở nhà không? Hình như tôi để quên đồng hồ ở nhà em rồi.”
Phó Nhuận Nghi nhất thời chưa nhận ra đối phương là ai.
Đầu bên kia bèn đưa ra phương án giải quyết: “Nếu hôm nay em không tiện thì hôm khác cũng được, tôi cũng không cần dùng gấp cái đồng hồ đó.”
Lúc này Phó Nhuận Nghi mới phản ứng lại, ngập ngừng lên tiếng: “Anh… Anh là Nguyên Duy?”
“Không thì là ai?”
Anh có vẻ hơi bất mãn, không biết có phải do Phó Nhuận Nghi tự mình đa tình hay không, chợt nghe thấy Nguyên Duy nói: “Còn có ai từng tháo đồng hồ ở nhà em à?”
“…Không có.”
Thậm chí hình như sau đó Phó Nhuận Nghi cũng không nhìn thấy cái đồng hồ của Nguyên Duy nữa.
Tối hôm trước có phải đã bị bỏ quên ở nhà cô không nhỉ?
Rõ ràng Nguyên Duy nói là bỏ quên ở nhà cô, anh còn cung cấp một chút thông tin gợi ý là sau khi anh tháo đồng hồ ra đã tiện tay để trên tủ đầu giường nhà cô.
“Nếu em tìm thấy rồi thì lát nữa tôi ghé qua lấy luôn.” Nguyên Duy dò hỏi: “Khoảng mấy giờ em có ở nhà?”
Phó Nhuận Nghi đáp: “Hôm nay tôi ở nhà cả ngày, lúc nào cũng rảnh.”
Cuộc trò chuyện kết thúc, Phó Nhuận Nghi cũng chẳng còn tâm trạng ăn hoa quả nữa.
Cô vội vàng đứng dậy chạy vào phòng ngủ, tìm kiếm khắp nơi.
Quả nhiên trong khe hở của tủ đầu giường có một chiếc đồng hồ màu đen, rơi trên tấm thảm, bên trong mặt đồng hồ cơ chạm rỗng là logo AP bằng gốm đen. Phó Nhuận Nghi có ấn tượng với nó, bởi vì nó từng xuất hiện trên cổ tay Nguyên Duy, xem xét kỹ lưỡng thì không thấy có vết xước hay hư hỏng nào bằng mắt thường có thể nhìn thấy được.
Phó Nhuận Nghi thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn không yên tâm.
A Đồng cầm một miếng dưa hấu đi theo sau, thấy Phó Nhuận Nghi cầm chiếc đồng hồ với vẻ mặt ưu sầu, cậu lo lắng hỏi: “Nhuận Nghi, chị sao thế?”
“A Đồng, em không hiểu đâu.”
Đồng hồ rõ ràng để trên tủ đầu giường, sao lại rơi xuống đất được cơ chứ? Vừa rồi trong điện thoại hình như Nguyên Duy cũng không hiểu tại sao chiếc đồng hồ lại tự dưng không cánh mà bay.
Phó Nhuận Nghi thật sự lo lắng, không biết Nguyên Duy có hiểu lầm là cô cố ý giữ lại đồng hồ của anh để tạo cơ hội gặp mặt nữa hay không.
Chuyện này thoạt nhìn giống như cố ý vậy.
Phó Nhuận Nghi hoàn toàn không thể nào giải thích được tại sao lại trùng hợp đến như vậy?
Nghe giọng điệu đầy ưu tư của Phó Nhuận Nghi, A Đồng càng lúc càng khó hiểu, nhưng vì đầu óc đơn giản lại biết nghe lời không làm phiền đến Phó Nhuận Nghi, cho nên cậu cũng không nói gì nữa, chỉ nhíu mày gặm dưa, cùng thể hiện vẻ sầu não y hệt Phó Nhuận Nghi, nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ đen có vẻ ngoài rất phức tạp.
Cứ như thể mọi người cùng lo lắng thì phiền não sẽ mau chóng tan biến vậy. –
[Lời tác giả]
Nhật báo Tân Loan.
——Mục Tìm đồ thất lạc:
Chiếc đồng hồ không cánh mà bay: Rốt cuộc là kẻ nào đã khiến tôi biến mất thế hả? Khiến Nhuận Nghi phải phiền não lo lắng thế hả! Nguyên Duy, anh hư lắm anh biết không? Lần này anh làm rất tốt, lần sau cố gắng tiếp tục phát huy nhá!
Đắm Mình Trong Mưa Xuân - Giảo Chi Lục
Chương 10
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương