Sáng sớm hôm sau, thị trấn tỉnh giấc trong màn sương sớm.
Bác tài xế taxi là người quen của thị trấn, đã đỗ xe trước cửa nhà A Đồng từ sớm, ngồi tán gẫu với mấy người hàng xóm đang bưng bát cơm ra ngoài ăn sáng.
Ông dượng bình thường ít nói, đứng ở cửa hút thuốc, chủ yếu là nghe mọi người nói chuyện với nhau. Bà dì tất bật chạy ra chạy vào, thấy đồ ăn gì ngon là lại lấy túi bỏ vào, nhét đầy cốp xe.
Phó Nhuận Nghi sau khi rửa mặt xong vẫn còn ngái ngủ, uể oải nói với bà dì: “Không cần mang nhiều vậy đâu bà dì ơi, đồ đạc lần trước bà bảo A Đồng mang lên cháu còn chưa ăn hết nữa.”
A Đồng rót một cốc nước ấm cho Phó Nhuận Nghi uống.
Phó Nhuận Nghi ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ, vừa nhâm nhi ly nước vừa cố gắng tỉnh ngủ. A Đồng ngồi xổm bên cạnh, tay xoay xoay quả bóng rổ, lo lắng
hỏi Phó Nhuận Nghi rằng có phải không khỏe ở đâu không. Phó Nhuận Nghi nói: “Hơi buồn ngủ thôi.”
A Đồng bèn vỗ vai cô, bảo Phó Nhuận Nghi dựa vào người cậu mà nghỉ ngơi.
Trong đám người đang trò chuyện ở cửa có một bà cô giọng the thé, thấy cảnh này bèn cười cợt: “A Đồng năm nay cũng hai mươi tuổi rồi nhỉ, thêm hai năm nữa là có thể cưới vợ rồi. Ông Lý này, ông cũng nên chuẩn bị đi là vừa, ‘gái hơn ba tuổi ôm vàng thỏi*’, Nhuận Nghi hơn A Đồng sáu tuổi, vừa khéo, hahaha, ôm hai thỏi luôn!”
(*là một câu tục ngữ được lưu truyền trong dân gian, có nghĩa là khi nam giới chọn bạn đời, nếu chọn được người phụ nữ hơn mình ba tuổi thì người phụ nữ ấy sẽ chín chắn hơn phái nam, đồng thời cũng biết cách chăm sóc và vun vén gia đình hơn.)
Ông dượng lập tức sa sầm mặt, ném mẩu thuốc lá sắp tàn vào chân bà cô kia làm tàn lửa bắn tung tóe: “Bà rảnh rỗi quá thì kiếm chuyện gì làm cho có ích đi, suốt ngày cứ nói linh ta linh tinh, cũng không biết tích đức cho con cháu sau này.”
Bà cô kia buồn bực bỏ đi, không khí trở nên ngượng ngập, một lúc sau những người ở cửa cũng giải tán.
Bà dì trở vào nhà, ngồi xuống thở dài, nói với Phó Nhuận Nghi: “Chuyện này cũng không phải lần đầu.”
Trước đây bà cô kia từng nhờ người mai mối, muốn gả Phó Nhuận Nghi cho con trai lớn nhà bà ta. Nghe đâu con trai bà ta đang làm ông chủ ở ngoài, tiền thì chẳng kiếm được bao nhiêu mà trước kia toàn làm chuyện xấu xa thất đức.
Gia đình bà dì cho rằng nhà đó không phải người tốt.
Tính tình Phó Nhuận Nghi lại hiền lành, không cha không mẹ lại chẳng có có ai che chở, không thích hợp, thế này lúc đó bà đã từ chối thẳng.
Thế nên đã đắc tội với bà ta.
Từ đó về sau, bà cô lắm lời này gặp ai cũng nói bóng nói gió vài câu, bảo là vợ chồng nhà họ Lý kia trông thì có vẻ hiền lành chất phác thế thôi nhưng thực chất lòng dạ đen tối, vì đứa cháu ngốc nghếch của mình mà bày mưu tính kế, tưởng ai không biết chắc, cố tình không cho Phó Nhuận Nghi đi xem mắt con trai nhà bà ta. Con gái nhà người ta xinh đẹp như hoa như ngọc, cứ thế mà bị họ trì hoãn, làm lỡ dở cả tuổi xuân.
Lời lẽ khó nghe nào cũng có.
Bà dì cúi đầu, khâu lại chiếc bao tay bị rách, giọng nói nhỏ nhẹ.
“Cháu cũng biết tính bà với ông dượng cháu rồi đấy, ông bà nào có suy nghĩ đó. Sợ A Đồng đi học sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác mà ông bà còn không cho nó
đi học nữa là. Ông bà đối xử tốt với nó cũng là vì sợ nó làm hại người khác, chỉ cần bình an khỏe mạnh là được, còn cầu mong gì hơn. Số tiền tiết kiệm được bao nhiêu năm qua cộng với tiền bảo hiểm của bố mẹ nó cũng đủ cho nó sống cả đời rồi, bây giờ chỉ cần tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, cháu cũng đừng coi A Đồng là gánh nặng của mình. Nói cho cùng hai đứa cháu cũng đâu phải họ hàng gì, cháu không có trách nhiệm lo lắng cho nó.”
Mắt bà dì đã kém, xâu kim rất khó khăn.
Phó Nhuận Nghi không giỏi ăn nói, cô im lặng ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ cạnh chân bà dì, tay không ngừng nhặt từng chiếc kim lớn nhỏ trong hộp đựng xà phòng rồi xâu qua từng sợi chỉ, để bà dì cần dùng lúc nào là có ngay.
Bà dì cả đời tiết kiệm quen rồi, đồ đạc cũ hỏng cũng không nỡ vứt bỏ, sửa đi sửa lại là chuyện thường tình. Trong mắt bà dì thì những thứ này vẫn còn tốt, bao tay cũ, áo cũ, còn có cô và A Đồng nữa, đều tốt cả.
Bà dì cắt đoạn chỉ thừa, cất hộp kim chỉ đi, nói: “Cháu cũng không còn nhỏ nữa Nhuận Nghi à, mẹ cháu đã không còn, nếu có đối tượng nào phù hợp thì cứ dẫn về ra mắt đi, bà với ông dượng cháu cũng làm chủ cho cháu được mà.”
Phó Nhuận Nghi lắc đầu: “Chưa có ạ.”
“Chưa có mới phải tìm.” Bà dì cười, xoa đầu Phó Nhuận Nghi, “Cô bé nhà chúng ta tốt thế này cơ mà, lo gì không tìm được đối tượng?”
Đợi ăn cháo khoai lang xong, Phó Nhuận Nghi uể oải dẫn theo A Đồng tràn đầy sức sống lên xe vào thành phố.
Mèo con được bỏ vào trong túi, không thể chơi đùa, trên đường đi A Đồng dùng ngón tay gõ vào nắp trong suốt, hiếm khi lộ ra vẻ mặt ưu tư.
Phó Nhuận Nghi hỏi cậu làm sao vậy.
A Đồng hỏi: “Nhuận Nghi, kết hôn là làm gì?”
Phó Nhuận Nghi ngẫm nghĩ giây lát rồi lắc đầu nói: “Chị cũng không rõ, có thể là hai người sẽ luôn ở bên nhau chăng?”
“Vậy không kết hôn thì không thể ở bên nhau à?” Phó Nhuận Nghi đáp: “Hình như, cũng có thể.”
A Đồng rút ra kết luận: “Vậy kết hôn làm gì cho thừa thãi.” Phó Nhuận Nghi ủ rũ phụ họa: “Chắc vậy.”
A Đồng cảm thấy mình rất thông minh, tiếp tục dựa trên kết luận của mình để triển khai suy nghĩ: “Giống như…. thoa kem vậy, rửa mặt xong phải thoa kem mới được ra ngoài chơi, kỳ thực không thoa kem cũng có thể ra ngoài chơi mà, thật là thừa thãi.”
Phó Nhuận Nghi lập tức “này” một tiếng, kịp thời giáo dục A Đồng, giúp cậu củng cố thói quen tốt: “Cái này không đúng, thoa kem không thừa thãi, là để bảo vệ da mặt.”
A Đồng lại tổng kết ra kết luận mới: “Vậy kết hôn còn vô dụng hơn cả thoa kem, em không thích.”
Đối với Phó Nhuận Nghi, hôn nhân và gia đình đều thuộc về những thứ xa vời, mơ hồ và chẳng mấy tốt đẹp. Cô bỗng dưng cảm thấy hơi đau đầu, không biết phải phản bác lại thế nào.
Nghĩ ngợi một hồi cũng không nghĩ ra.
Phó Nhuận Nghi lựa chọn dặn dò A Đồng: “Em có thể tạm thời nghĩ như vậy, nhưng đừng nói ra ngoài, cứ tự nghĩ trong lòng là được rồi, bởi vì có thể người khác sẽ không nghĩ như em.”
“Được, em nghe lời Nhuận Nghi.”
Hai người về đến nhà thì dọn dẹp qua loa đồ đạc mang về. Trước khi xuất phát đến công viên Văn Hy, Phó Nhuận Nghi lại không kìm được mà dặn dò A Đồng: “A Đồng, lát nữa chơi bóng nếu có chuyện gì cần em cứ nói với chị, tuyệt đối không được nổi giận với anh trai kia nhé. Anh trai kia là người rất quan trọng với chị.”
A Đồng nghiêm túc ghé sát lại hỏi: “Là người như thế nào?”
Nghẹn lời một lúc lâu, Phó Nhuận Nghi lựa chọn trả lời đáp án mà A Đồng dễ hiểu nhất: “Thì là… người rất tốt.”
“Được, em biết rồi.” A Đồng hành động dứt khoát, lập tức quay người lại. Phó Nhuận Nghi hỏi cậu muốn làm gì, cậu bèn chạy thẳng đến phòng bếp, để lại một câu: “Vậy chúng ta mang đào cho anh ấy!”
Phó Nhuận Nghi đuổi theo khuyên nhủ: “Không được! Thùng đó là của người ta! Là của anh hàng xóm!”
A Đồng phiền não, xòe hai tay ra: “Vậy chúng ta cho anh ấy cái gì đây? Không có đào, cũng không có bánh ngọt.”
“Chuyện này…em không cần lo.” Phó Nhuận Nghi lúng túng nói, “Để chị tự suy nghĩ.”
Phó Nhuận Nghi mang theo bình nước A Đồng thường dùng, lại xách thêm hai chai nước lấy từ trong tủ lạnh, đi đến công viên Văn Hy.
Sáng nay không phải cuối tuần, sân bãi gần như vắng vẻ.
Cô và A Đồng đến trước, ngồi trên ghế nhựa bạc màu đợi mười phút. Nguyên Duy đến đúng giờ hẹn.
A Đồng còn nhiệt tình hơn tưởng tượng, chưa để Phó Nhuận Nghi kịp phản ứng cậu đã đứng bật dậy, giơ cao tay vẫy vẫy: “Anh ơi, bọn em ở đây!”
Cách xưng hô bất ngờ lại thân mật này khiến Nguyên Duy không khỏi nổi da gà, ngón tay hết siết chặt rồi lại thả lỏng. Anh khẽ cau mày mỉm cười, nét mặt sinh động, toát ra vài phần khí chất thiếu niên.
Hôm nay anh mặc giày thể thao phối màu xám trắng, áo phông ngắn tay màu xám đậm kết hợp với quần short bóng rổ màu xám nhạt, tay cầm một đôi băng bảo vệ đầu gối màu đen, hơi nghiêng đầu sải bước đi tới. Dưới ánh nắng mặt trời, vẻ tinh nghịch và ngông cuồng lại có phần phù hợp với khí chất ăn mặc của anh hôm nay.
Phó Nhuận Nghi đợi anh đến gần mới chào hỏi.
Nguyên Duy nhìn cô, hỏi cô đã ăn sáng chưa, A Đồng bên cạnh giành trả lời: “Ăn rồi ạ, tối qua bọn em còn đi ngủ rất sớm!”
“Thật sao?” Nguyên Duy cười nhạt một tiếng, vẫn nhìn Phó Nhuận Nghi, “Sao trông em như không được nghỉ ngơi đầy đủ vậy?”
Nghĩ đến việc đêm qua mình bị mất ngủ, Phó Nhuận Nghi có chút chột dạ nói đã nghỉ ngơi đủ rồi, sau đó lại hỏi Nguyên Duy: “Anh ăn sáng chưa?”
“Ăn rồi.” Ăn ở nhà cậu anh, còn lấy của Minh Thành Kiệt một cái băng bảo vệ đầu gối mới. Nguyên Duy đưa đồ cho A Đồng, “Tặng em, đeo cái này vào đầu gối, biết chứ?”
A Đồng sửng sốt, ngơ ngác.
Nguyên Duy nhìn cậu, hỏi lại lần nữa: “Có biết đeo không?”
A Đồng gật đầu, nhưng không lập tức nhận lấy mà quay đầu lại, hai mắt sáng rực hỏi Phó Nhuận Nghi: “Nhuận Nghi, em nhận được không?”
Người nhà đã dặn dò cậu muôn vàn lần là không được tùy tiện ăn đồ người khác cho, cũng không được tùy tiện lấy đồ của người khác.
Đợi Phó Nhuận Nghi nói được, A Đồng mới vui mừng khôn xiết nhận lấy, nói cảm ơn với Nguyên Duy rồi ngồi xuống ghế bên cạnh đeo vào.
Phó Nhuận Nghi lấy một chai nước trong túi ra, muốn mở nắp đưa cho Nguyên Duy để tỏ ý cảm ơn, nhưng nắp chai vặn mãi không ra.
Một bàn tay to lớn đưa đến trước mặt cô. “Để tôi làm cho.”
Phó Nhuận Nghi không từ chối, đưa cho Nguyên Duy, nói: “Lấy cho anh đấy.”
Nguyên Duy cũng không khách sáo, anh vặn nắp uống một hớp, cúi đầu nhìn thấy bao bì trà Ô Long quen thuộc, khóe miệng khẽ cong lên.
Phó Nhuận Nghi không hiểu nụ cười của anh, bèn hỏi: “Sao vậy?”
Nguyên Duy hỏi: “Cách em cảm ơn người khác là mời người ta uống trà Ô Long sao?”
“A Đồng vốn bảo tôi mang cho anh một thùng đào…”
“Cái gì?” Nguyên Duy không nghe rõ lắm, khẽ nhướng mày.
A Đồng đã thay băng bảo vệ đầu gối xong, cắt ngang cuộc trò chuyện của họ. “Em xong rồi! Anh ơi, chúng ta mau học chơi bóng thôi?”
Nguyên Duy không truy hỏi nữa, anh đặt chai nước xuống, đi theo A Đồng đang phấn khích đến sân bóng rổ. Nguyên Duy nhắc nhở cậu phải khởi động trước, nếu không sẽ dễ bị căng cơ.
“Sau này em tự chơi bóng ở nhà cũng phải chú ý những điều này, cổ tay, cổ chân đều phải vận động cho linh hoạt.”
Với người mình tin phục, A Đồng rất nghe lời, về cơ bản Nguyên Duy bảo cậu làm gì là cậu đều ngoan ngoãn làm theo.
Nguyên Duy bắt đầu dạy từ những động tác rê bóng cơ bản nhất, không nói nhiều, cũng không bàn về lý thuyết mà thiên về thị phạm và uốn nắn hơn.
A Đồng không có tật xấu về phối hợp tay chân, chỉ là khả năng tiếp thu không bằng người thường, cho nên rất dễ làm sai hay thậm chí còn làm ngược lại một số chỉ dẫn của Nguyên Duy. Nguyên Duy cũng không tỏ vẻ khó chịu, anh nhặt quả bóng rổ chạy xa trở về, thị phạm lại một lần nữa.
Tập rê bóng xong thì bắt đầu giảng về lực cổ tay khi ném bóng, lại luyện tập thêm một lúc nữa, sau đó Nguyên Duy nói nghỉ ngơi giải lao. A Đồng trề môi, đi lấy bình nước của mình uống nước.
Phó Nhuận Nghi đưa khăn ướt lau mồ hôi, để A Đồng tự lau, sau đó lặng lẽ kéo Nguyên Duy sang một bên, không muốn tỏ ra quá ân cần, chỉ đưa gói khăn ướt cho anh.
Nguyên Duy rút một tờ lau trán và thái dương, đánh giá ý tứ tránh né của Phó Nhuận Nghi, hỏi: “Lau mồ hôi thôi mà cũng phải thần thần bí bí như vậy à?”
Phó Nhuận Nghi rất nghiêm túc cân nhắc từ ngữ: “Anh rất tốt, cực kỳ tốt, nhưng mà có hơi nghiêm túc một chút.”
“Tôi nghiêm túc sao? Tôi có nói gì nặng lời à?”
“Không có.” Phó Nhuận Nghi lắc đầu, “Không có nói nặng lời, nhưng mà…. anh cũng không hề động viên gì cả. Thi thoảng, thi thoảng anh cũng nên nói mấy câu kiểu như ‘Làm tốt lắm’ chứ, nếu không A Đồng sẽ cảm thấy mình làm không đúng.”
Cô hy vọng Nguyên Duy có thể khen ngợi A Đồng một chút. Nguyên Duy tỏ vẻ đã hiểu: “Ồ, cần phải động viên.”
“Ừm, nhưng mà đừng có qua loa lấy lệ, bởi vì A Đồng bây giờ cũng hơi khôn rồi, có thể nhận ra được một số ngữ điệu nói chuyện, sẽ cảm thấy người khác đang nói dối.” Nói xong, Phó Nhuận Nghi có chút ngại ngùng, vốn dĩ là nhờ người ta giúp đỡ, bây giờ còn yêu cầu người ta cung cấp giá trị tinh thần nữa, “… Có phải tôi yêu cầu anh quá nhiều rồi không?”
Nguyên Duy uống hết chai nước, nhún vai nói: “Đâu có, yêu cầu của em rất dễ thực hiện.”
Thế là khi bọn họ quay lại sân bóng rổ, Phó Nhuận Nghi ngồi trên ghế khán giả ở chỗ râm mát bắt đầu nghe thấy Nguyên Duy nói với A Đồng những câu như “Làm tốt lắm”, “Có tiến bộ”, “Vừa rồi như vậy rất tốt”.
Tâm trạng của A Đồng rõ ràng cũng vui vẻ hẳn lên, ngay cả việc nhặt bóng cũng hăng hái hơn.
Phó Nhuận Nghi rất vui vì A Đồng thấy vui vẻ, nhưng khi ánh mắt rơi vào người Nguyên Duy, cô lại chợt nghĩ, những lời khen ngợi của anh không hề bộc lộ cảm xúc, A Đồng không hiểu nhưng cô lại hiểu, trong đó có thể là miễn cưỡng làm theo.
Có điều, A Đồng vui vẻ là được rồi.
Phó Nhuận Nghi nở nụ cười, sau khi A Đồng ném trúng một quả bóng, cô vỗ tay gọi: “A Đồng giỏi quá!”
Ba tiếng đồng hồ vận động vào buổi sáng đã tiêu hao hết toàn bộ thể lực của A Đồng, Phó Nhuận Nghi chưa từng thấy A Đồng kiệt sức như vậy. Mấy quán ăn ở dưới lầu hương vị cũng bình thường, cô bèn gọi đồ ăn của một nhà hàng Trung Quốc ở xa hơn một chút nhưng có dịch vụ giao hàng tận nơi.
Lúc A Đồng tắm rửa xong đồ ăn vẫn chưa được giao đến, cậu dùng máy tính bảng của Phó Nhuận Nghi xem trận đấu bóng rổ, chưa được bao lâu thì đã nằm dài trên ghế sofa ngủ thiếp đi.
Phó Nhuận Nghi chỉ từng thấy A Đồng tràn đầy năng lượng, dường như năng lượng không bao giờ cạn kiệt, còn A Đồng phiên bản hết pin như này thì đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy.
Cô có chút lo lắng, đặt cốc nước ép đã vắt xong lên bàn, đi tới ngồi xổm bên cạnh ghế sofa nhỏ, sờ trán A Đồng.
Nguyên Duy từ phòng tắm đi ra, nhìn thấy vậy bèn nói: “Không sao đâu, chỉ là mệt thôi.”
Phó Nhuận Nghi “Ồ” một tiếng, yên tâm đứng dậy, đưa cốc nước ép trên bàn cho Nguyên Duy. Cô hạ thấp âm lượng, thì thầm: “Vậy anh có mệt không?”
Nguyên Duy ngẫm nghĩ giây lát, trên mặt thoáng qua ý cười, nhưng nhìn kỹ lại thì dường như không có. Sau đó anh nhìn thẳng vào Phó Nhuận Nghi, gật đầu nói: “Mệt.”
Phó Nhuận Nghi ngẩn người, gò má bỗng chốc nóng ran, cảm thấy Nguyên Duy có thể đang lừa cô.
Anh vừa mới tắm xong, sữa tắm hương gỗ rửa trôi mồ hôi nóng bức, mùi hương này vốn dĩ rất đỗi quen thuộc với Phó Nhuận Nghi, nhưng từ trên người Nguyên Duy tỏa ra dường như lại rất khác so với mùi hương mà cô thường ngửi thấy trên người mình.
Cô gần như vô thức ngửi thêm chút nữa.
Nguyên Duy cũng khịt mũi, hỏi: “Phó Nhuận Nghi, em đang rán gì thế?” Phó Nhuận Nghi lập tức chạy về phía nhà bếp.
Quả nhiên, với một người như cô thì cách để thể hiện sự tôn trọng dành cho nhà bếp là cố gắng tránh xa nhà bếp hết mức có thể. Bà dì có mang cho cô một ít cá đù chiên giòn và bánh củ sen kẹp thịt đã chiên sơ qua một lần rồi, bình thường muốn ăn thì lấy trong tủ lạnh ra chiên lại là được.
Mặc dù cũng có lúc không canh được nhiệt độ dầu khiến thức ăn bị cháy, nhưng nhìn chung thao tác không quá khó.
Vừa hay Nguyên Duy đi tắm, đồ ăn ngoài vẫn chưa đến, Phó Nhuận Nghi bèn nghĩ hay là làm thêm một món chiên rán nữa.
Không ngờ vừa ra khỏi bếp đã quên béng mất.
Nhiệt độ dầu quá cao, cuối cùng bánh củ sen kẹp thịt vớt ra có màu sắc quá đậm.
Phó Nhuận Nghi bưng đĩa ra, cúi đầu liếc nhìn, cố gắng giữ thể diện nói: “Thật ra cũng có thể ăn được.”
Nguyên Duy nhìn cô, cầm một miếng lên ăn thử, sau đó nói: “Tay nghề của bà dì em rất khá, vị ngon, còn tay nghề của em —”
Phó Nhuận Nghi đang dùng hai tay bưng khay bỗng có chút căng thẳng khi sắp được nghe nhận xét về mình.
Nguyên Duy trêu chọc: “Cũng không đến mức phá hỏng tất cả.”
Phó Nhuận Nghi phồng má, vẻ mặt ngượng ngùng như thể bị chọc cười.
Đắm Mình Trong Mưa Xuân - Giảo Chi Lục
Chương 20
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương