Diễm Chi

Chương 2



Mặc dù có những lần mẹ xử án không công mình, thường vô tình hoặc cố ý thiên vị em. Nhưng tôi cũng chỉ giận mẹ lúc đấy rồi sau đó chỉ cần mẹ ôm tôi vào lòng cưng nựng vài câu là tôi lại quên sạch.

Đối với em gái nhỏ cũng vậy, mỗi khi rõ ràng là em sai mà vẫn được mẹ bênh thì tôi rất ghét em. Có lúc còn ghét đến mức ước rằng em chưa từng được sinh ra. Nhưng rồi đến khi bình tĩnh nghĩ lại cộng với nghe phân tích của bố thì tôi hiểu rằng:

- Là do em con nhỏ, em chưa hiểu đúng sai nên mới thế. Em lại chưa biết nói như chúng ta chỉ có thể khóc để biểu đạt cảm xúc. Mà khóc nhiều sẽ mệt vì thế mẹ mới lo lắng khi em khóc. Bố biết có những lần con không sai, nhưng mình là chị mà, mình lớn mình sẽ không chấp nhặt đúng không. Ngày con nhỏ như em con cũng thế, có những lúc bố mẹ chẳng hiểu vì sao con lại khóc suốt cả ngày. Nhưng bây giờ con lớn con hiểu chuyện hơn, cũng đã ngoan hơn nhiều. Thế nên chúng ta cùng nhường em và cho em một chút thời gian nhé.

- Ngày nhỏ con cũng thế thật hả bố.

- Đúng rồi con gái, đứa trẻ nào ngày nhỏ cũng khóc để biểu đạt cảm xúc cả.

Tôi nhăn mũi lắc đầu nói:

- Thế thì xấu tính bố nhỉ.

- Không hẳn là xấu đâu con, vì em bé chưa biết nói, em chưa thể diễn đạt cho chúng ta hiểu nên ngoài khóc em đâu thể làm gì khác.

Bố nói cũng đúng, em làm gì đã biết nói đâu, có những hôm cả nhà đều ngơ ngác không hiểu em đang đòi cái gì đấy thôi. Em nhỏ như thế, thôi thì tôi nhường em một chút cũng được mà.

Vậy là tôi gật đầu cái rụp để đồng ý với bố, tôi sẽ thương em, sẽ cố gắng nhường em hơn chút nữa.

Ngoài mấy lần bị mẹ đánh oan vì em ra thì bố mẹ vẫn chiều tôi, tôi và em chơi cùng nhau khá vui vẻ. Mỗi lần được ai cho gì tôi cũng xin thêm 1 phần để mang về cho em. Dù cho sau đó em nhỏ nên chưa ăn được tôi lại ăn hộ em, nhưng mẹ vẫn luôn khen tôi:

- Chi ngoan quá, biết nhớ đến phần của em.

- Em bé của Chi mà.

- Đúng rồi, gái mẹ là ngoan nhất.

Cuộc sống gia đình tôi cứ êm đềm trôi qua như thế, cho đến khi em lên 1 thì bố mẹ tôi bàn nhau mở rộng thêm trang trại, rồi nuôi thêm lợn vì năm đó lợn đang được giá. Mẹ tôi cũng muốn làm để sau này có kinh tế lo cho chị em tôi tốt hơn, nhưng gia đình nội ngoại hai bên đều khó khăn. Nhà tôi cũng chẳng có nhiều tiền tiết kiệm, bây giờ mà đào ao rồi xây một dãy chuồng lợn tiết kiệm lắm cũng phải hết vài trăm.

Bố thì khác, có lẽ bố đã tính toán kỹ hết mọi thứ nên quả quyết bảo:

- Làm gì có ai làm ăn mà không vay nợ đâu, anh tính rồi, mình cứ vay ngân hàng rồi sau này làm ăn trả dần.

- Liệu người ta có cho mình vay không.

- Người ta vay đầy đấy thôi, tạm thời mình cứ cầm cho người ta cái sổ đỏ. Một hai năm làm ăn có lãi rồi mình rút ra sau.

- Ngộ nhỡ….

Mẹ là chúa hay bàn lùi, bố vừa nghe thấy thế biết mẹ định nói gì nên gạt đi luôn:

- Mình muốn con mình có tương lai hơn thì phải chấp nhận đầu tư. Bây giờ chúng nó còn nhỏ, chưa phải chi tiêu gì thì cố mà làm em ạ. Một vài năm nữa chúng nó đi học cả, rồi bao khoản tiền phải lo mà sức mình lại già không làm được nữa đâu.

Nói là làm, bố mẹ bắt tay đi vay vốn ngân hàng để thực hiện, vì công việc bận rộn hơn trước nên bà nội lên trông chị em tôi để bố mẹ có nhiều thời gian hơn.

Có những lúc tôi thèm được bố kênh kiệu trên vai mà bố mệt nên bảo:

- Chi ra ngoài kia chơi đi để bố nghỉ chút.

Buồn lắm, cứ thế tôi lầm lũi sang giường bà nội nằm, ngay cả đến em Hương bố cũng không còn thời gian tắm cho em như trước. Bố còn bảo:

- Năm nay Chi học lớp 2 rồi, bố sẽ nhờ anh Hùng đưa Chi đi học nhé.

- Con thích bố đưa đi cơ.

- Bố mẹ đang bận mà, con đi chung với anh Hùng rồi sang năm bố mua cho cái xe đạp mới để con tự đi có được không.

Gì chứ nghe thấy được mua xe mới tôi khoái lắm, gật đầu cái rụp mà chẳng suy nghĩ gì thêm. Bố thấy vậy xoa đầu tôi thêm vài cái nữa rồi lại vội vã đi làm.

Năm ấy ngày nào nhà tôi cũng thuê người làm, hôm thì đào ao, lúc lại xây chuồng lợn. Không lúc nào ngớt người ra vào, có những buổi trưa mọi người ăn cơm, rồi nói chuyện ồn đến mức em Hương không ngủ được phải khóc ầm lên. Tới lúc ấy mọi người mới thôi không bàn về công việc nữa mà tranh thủ chợp mắt để chiều còn tiếp tục công việc.

Thế nhưng lúc này bố mẹ tôi lại bắt đầu bất đồng quan điểm, mẹ thì muốn xây tạm 1 dãy chuồng lợn nho nhỏ đẻ nuôi thử nếu thuận lợi mới tiếp tục làm lớn. Nhưng bố lại không chịu bố bảo:

- Đã làm thì làm luôn, làm cái bé lụp xụp lợn sẽ dễ bị bệnh, rồi sau này đập bỏ đi cũng phí, thôi tiện công cứ làm cẩn thận luôn.

- Nhưng vấn đề là vợ chồng mình có vốn đâu, toàn bộ đi vay ngân hàng, làm lớn nguyên cái tiền lãi hàng tháng cũng chết.

- Em buồn cười thật, cũng cái công làm thì làm một thể, làm nhắt nhắt tính ra còn tốn kém hơn.

Mẹ bực tức lườm bố rồi bảo:

- Đàn ông các anh lúc nào cũng vung tay quá trán, đã không có tiền nhưng cái gì cũng phải làm thật lớn.

- Đàn bà bọn em mới là bủn xỉn đó, đằng nào cũng mất công làm, mất công thuê người, giờ làm nhỏ xong mai làm lại bơn ra mất 2 lần thuê người tính ra không tốn kém hơn hay sao.

- Cái tiền ấy bù vào cái tiền lãi anh trả ngân hàng đó, mình chưa có lại mới làm lần đầu thì làm thử xem có hợp không. Hợp thì sau khi trả hết nợ lại làm tiếp có sao. Nhà thì bao thứ chi tiêu rồi thêm đống lãi nữa anh không thấy lo hay sao.

- Tóm lại là vật liệu anh mua rồi, em có không đồng ý thì vẫn làm. Làm gì có ai làm ăn mà không nợ, em toàn lo hão huyền.

Đó là lần đầu tiên tôi thấy bố mẹ to tiếng với nhau, và cũng là bắt đầu cho những cuộc cãi vã nhiều hơn sau này.

- ------*------*------

Lần đó bố vẫn quyết tâm làm cái chuồng lợn thật lớn, cái chuồng đó có thể nuôi cùng lúc cả trăm con lợn. Mẹ thì vẫn giữ quan điểm của nên hai người giận nhau gần tháng trời. Bà nội bênh con trai nên trách mẹ:

- Cái con này, chồng nó làm ăn chứ ăn chơi phá phách đâu mà mày giận với chả dỗi.

- Mẹ xem, khi không ôm cả đống nợ ngân hàng ai chẳng lo.

- Nó vay làm ăn, mày không động viên thì thôi hạch sách cái gì. Mày xem nhà người ta chồng lười biếng rồi ăn chơi phá phách thì sao. Đằng này mày chồng tu chí làm ăn, biết phấn đấu lo cho gia đình như thế mày còn đòi cái gì.

Mẹ thở dài giải thích:

- Con cũng chỉ lo cho gia đình thôi, mình mới làm thì làm nho nhỏ thử xem thế nào đã chứ. Độp một cái làm lớn như thế, ngộ không hợp thì sao.

- Con này mày chỉ độc nói gở mồm, ngộ cãi gì mà ngộ, thiên hạ người ta chăn nuôi đầy ra riêng nhà mày đâu mà ngộ với nhỡ.

- Thì chính vì người ta nuôi nhiều rồi mình mới phải làm từ từ thôi mà học hỏi kinh nghiệm. Nội nguyên cái ao cá với cái vườn kia hai vợ chồng đã làm không hết việc rồi, giờ thêm cái chuồng lợn này thì chăm sao nổi.

- Nó làm thì nó tự khắc tính toán được, mày cứ giận dỗi như thế có ngày chồng nó chán thì đừng kêu tao.

Mẹ cũng hiểu là bà nội sẽ chẳng đời nào bênh mẹ nên thôi không phân tích thêm nữa mà đi chuẩn bị cơm cho thợ.

- ------*--------*------

Phải mất gần 1 năm gia đình tôi mới hoàn thành được toàn bộ công việc gồm: đào ao, mở rộng vườn, và xây một dãy chuồng lợn khá to. Cứ tưởng công việc xong xuôi thì bố mẹ tôi sẽ hòa thuận như xưa, nhưng hình như không phải vậy.

Bà nội vẫn thường hay thở dài bảo:

- Hai cái đứa này, ngày nào chúng nó cũng phải kiếm chuyện cãi nhau chúng nó mới vui hay sao.

Còn tôi đến bây giờ nghĩ lại, tôi đoán có thể do bây giờ công việc vất vả, lại thêm đống nợ trên đầu bởi thế ngày nào bố mẹ cũng lo lắng. Mà khi con người ta lo lắng, mệt mỏi thì tính khí cũng hay cáu gắt hơn. Đó mới chính là nguyên nhân khiến bố mẹ tôi cãi nhau ngày càng nhiều.

Bà nội thì vẫn thế, vẫn bênh bố tôi dù cho có lần rõ ràng là bố sai mà bà vẫn mắng mẹ:

- Cái con này, chồng nó làm quần quật cả ngày mày không thương thì thôi, suốt ngày đay nghiến nó.

- Anh ấy làm thì con cũng làm, mệt thì cũng đâu mình anh ấy mệt mà mẹ lúc nào cũng bênh.

- Thằng Chiến nó hiền chứ phải tao tao cho vài cái bạt tai lâu rồi.

Câu nói ấy của bà đã phá vỡ sự nhẫn nhịn bấy lâu nay của mẹ, mẹ uất ức nhìn bà mà trách:

- Mẹ thấy rõ ràng là anh ấy sai, ao thì vừa mới đào, chưa khử chua, chưa lọc nước đã thả cá ngay làm sao được mà anh ấy đi mua cả chục triệu tiền cá giống về thả. Mẹ đã chẳng khuyên bảo anh ấy giúp con mà còn bênh anh ấy vô lối như vậy.

- Cái con này, tao làm cái gì mà mày trách tao, chúng mày làm ăn thì phải bảo ban nhau chứ tao ăn cái gì của chúng mày mà mày gây sự.

- Vậy tại sao con phân tích cho anh ấy hiểu thì mẹ lại chửi con, còn bảo anh ấy đánh con.

Bà cũng chẳng vừa, bà trợn mắt lên mà chửi mẹ:

- Tao bảo nó đánh mày lúc nào hả cái con này, tai nào mày nghe thấy tao bảo nó đánh mày.

- Mẹ hỏi con trai mẹ thì biết.

Bố cãi nhau với mẹ đã mệt mỏi, giờ lại chứng kiến cảnh mẹ chồng nàng dâu gây nhau nên bực dọc quát:

- Có thôi cả đi không, còn chưa đủ đau đầu hay sao mà cãi nhau?

Thế nhưng bà mặc kệ, bà đang tức nên bà phải nói chó thỏa cơn giận cái đã:

- Tao việc gì phải hỏi ai, mồm tao nói chẳng lẽ tao không nhớ. Tao thương chúng mày nhiều việc nên qua đây ở trông đỡ con cho chúng mày, mày đã không được lời cảm ơn thì thôi bây giờ còn kiếm cớ à. Mẹ sư cha mày chứ, hay là mày thấy tao ăn cơm nhà mày thì mày nghĩ là mày có thể ngồi lên đầu lên cổ tao, thứ con dâu mất nết.

Mẹ lau vội giọt nước mắt trực tràn mà nói lại:

- Rõ ràng mẹ bảo là chồng con hiền chứ là mẹ thì mẹ tát cho mấy cái. Mẹ không nói thẳng ra nhưng nói thế cũng có khác nào vẽ đường cho hươu chạy còn gì. Mẹ ra bế con cho bọn con, con cảm ơn, nhưng mẹ cũng bảo việc làm ăn cùa bọn con mẹ không biết thì con xin mẹ, mẹ làm ơn mỗi lần mà bọn con bàn tính với nhau kể cả có to tiếng một chút mẹ cũng đừng xen vào. Lần nào mẹ cũng bênh anh ấy chẳng cần biết đúng sai nên càng ngày anh ấy càng cố chấp, cứ tự làm theo ý mình. Người đi trước người ta đã hướng dẫn như thế, không nghe cứ cố chấp mua cá giống rồi mai kia có làm sao thì thế nào. Một đống nợ còn chưa đủ hay sao mà còn làm bừa.

- Cái con ranh này, ý mày là lỗi là của tao chứ gì, tao bế con cho mày là tao sai à, tao hầu hạ nhà mày là tao sai à, được nếu thế thì tao không ở đây nữa.

Bà nói rồi giận dỗi bỏ ra ngoài nhà, bà thấy chị em tôi đang ôm chặt nhau vì sợ nhưng cũng mặc kệ. Bà ngồi phịch xuống giường rồi lầm bẩm chửi mẹ. Tiếng chửi của bà nhỏ nên bị mấy câu quát nạt vợ của bố át cả đi:

- Cô có im cái mồm đi không, cái thứ đàn bà lắm mồm.

- Nếu anh làm đúng thì việc đ.éo gì tôi phải nói nhiều cho mệt người. Đấy còn anh, còn tôi, cái ao cá mà thế nào thì để xem anh nói với tôi ra làm sao.

- Tao làm tao tự biết tính, đ.éo phải lèo nhèo.

- Vâng, anh tính giỏi quá, xây cái chuồng lợn cho to vào, giờ không có tiền mà mua lợn giống nữa. Mẹ con anh thì lúc nào chả giỏi hơn…

Bốp…

Mẹ còn chưa nói hết câu đã ăn trọn cái tát cháy má từ bố. Bố mẹ cãi nhau nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên bố đánh mẹ. Tôi không dám nhìn thằng vàog mắt mẹ, chỉ ôm chặt lấy em rồi khóc. Tôi khóc, cái Hương cũng khóc, nhưng bố vẫn không ngừng chửi:

- Câm mồm, ra kia ghị con đi. Mày mà còn hỗn lão nữa tao đánh bỏ mẹ mày.

Tôi không biết lúc đó mẹ sợ, mẹ tủi thân hay vì thương chị em tôi đang khóc mà không nói gì nữa. Lặng lẽ lại gần ôm chặt chị em tôi vào lòng, nước mắt mẹ nhỏ cả xuống đỉnh đầu tôi nóng hổi.

Thương mẹ, tôi dặt tay lên bên má trái đang bỏng rát kia mà hỏi:

- Mẹ có đau không.

- Mẹ không sao.

- Mẹ đừng khóc nữa, bà nội bênh bố thì con bênh mẹ, mẹ đừng buồn nữa.

Tôi an ủi mẹ, mà mẹ lại càng khóc to hơn, tôi chẳng hiểu mình đã nói sai cái gì mà làm mẹ buồn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là bà bênh bố rồi thì tôi sẽ bênh mẹ để mẹ bớt tủi thân. Bởi tôi hiểu cái cảm giác mình không sai nhưng lại bị mắng là như thế nào. Mỗi lần tôi bị mẹ đánh oan vì không nhường em tôi cũng ấm ức y như mẹ bây giờ.

Tôi thương mẹ, hứa sẽ bênh mẹ, vậy tại sao mẹ lại khóc?

Em Hương khóc nhiều mệt quá nên đã ngủ thiếp trong lòng mẹ, bà cũng đã lên giường còn bố thì đang hút thuốc ngoài sân. Chỉ có tôi và mẹ còn thức, tôi không biết mẹ đang suy nghĩ gì mà chưa ngủ. Còn tôi, chưa ngủ là vì không hiểu vì sao càng ngày bố mẹ lại cãi nhau nhiều hơn. Vì bà bênh bố hơn khiến mẹ ghen tị, hay vì chị em tôi chưa ngoan?
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...