Đợi Anh Ở Toronto

Chương 25: Chuyện Nghề Nghiệp



Tuần sau đó, Vi bận ngập đầu với công việc. Cô không thể ngờ cái nghề kiểm toán này lại vất vả đến thế. Mới đầu còn lâng lâng sung sướng với niềm vui kiếm được việc làm ở một trong những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, Vi không để ý đến khối lượng công việc mà cô phải đảm đương mỗi ngày. Mà khi đó, dù có biết là vất vả đi chăng nữa, cô cũng sẵn sàng tự nguyện giơ lưng ra cho “bọn” tư bản tha hồ bóc lột. Nhưng trải qua vài tháng làm việc cô mới thấm thía cái gọi là “cái giá của đồng tiền”. Công việc được giao khoán với một khối lượng nhằm để tận dụng tối đa sức lực của người lao động. Vi luôn phải vắt chân lên cổ mà chạy mới có thể đuổi kịp deadline. Nhưng nếu ngay cả khi “vắt chân lên cổ” cũng chưa ăn thua, thì đương nhiên cô phải san sẻ khoảng thời gian cá nhân ít ỏi của mình cho công việc. Chẳng mấy chốc Vi đã nhận thấy thời gian làm việc của cô ngày càng kéo dài, thời gian ở nhà ngày càng rút ngắn lại. Vào mùa bận, có những ngày mười một, mười hai giờ khuya Vi mới rời khỏi văn phòng, thân thể rã rời, tinh thần kiệt quệ. Về đến nhà cô chỉ kịp thay bộ quần áo ngủ rồi cứ thế lăn lên giường, để sáng hôm sau lại bắt đầu lặp lại cái vòng quay ấy. Thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ tết nhiều khi cũng không phải ngoại lệ. Công ty trả tiền cho nhân viên làm việc, nên phải tận dụng tối đa sức lao động của họ cho xứng đáng với những đồng tiền đã trả, khách hàng trả tiền cho công ty kiểm toán theo giờ nên cũng ra sức ép công ty phải nhanh chóng cho ra kết quả để tiết kiệm tối đa chi phí phải bỏ ra. Cuối cùng, toàn bộ mấy tầng sức ép đó đều dồn hết lên cái nền móng dưới cùng, tức là lên lưng những người lao động làm công ăn lương như Vi. Nhưng bù lại, Vi đã được tôi luyện để trưởng thành hơn rất nhiều từ một môi trường khắc nghiệt như vậy. Cô học hỏi được nhiều điều: từ phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, đến khả năng phối hợp làm việc nhóm; từ kỹ năng chuyên môn, đến những kỹ năng mềm khác như giao tiếp, trình bày, thuyết phục; từ tác phong kỷ luật, thói quen đúng giờ đến cách làm việc trong một môi trường đa văn hóa… Nhưng một trong những may mắn nữa của cô phải kể đến chính là Nam, người đã giúp cô rất nhiều trong chặng đường chinh phục những nhà tuyển dụng khó tính ở NKT khi đó, và cũng giúp đỡ cô rất nhiều trong công việc bây giờ. Sau khi được nhận vào vị trí summer student của công ty, Vi được phân về cùng một văn phòng với Nam ở downtown Toronto.

Ngày đầu đi làm còn bỡ ngỡ, Vi mừng như bắt được vàng khi gặp anh ở căng tin của công ty. Buổi trưa hôm đó, khi Vi còn đang lơ ngơ ló mặt vào nhà ăn, tìm kiếm xung quanh xem chỗ để microwave ở đâu để hâm nóng hộp cơm cô mang theo từ nhà, thì anh bỗng xuất hiện trước mặt cô với một nụ cười thân thiện: “Welcome em! Ngày đầu tiên đi làm thế nào?”. Rồi thấy cô lóng ngóng với hộp đựng cơm trưa trong tay, anh sốt sắng hỏi: “Tìm microwave hả, ở đằng kia kìa”. Anh vừa chỉ cho cô chỗ để microwave vừa xếp hàng sau lưng cô chờ hâm nóng thức ăn của mình. “Ôi, anh Nam – Cô reo lên mừng rỡ – Ngày đầu tiên chưa làm lụng gì đâu ạ, em mới chỉ được đưa đi giới thiệu với mọi người trong phòng thôi, nhưng sáng nay không thấy anh ở văn phòng, em tưởng là anh đi công tác rồi”. “À, sáng nay anh đến chỗ khách hàng nên không ở văn phòng” – Anh giải thích. “Anh cũng tự nấu ăn à?” – Cô hỏi khi nhìn thấy hộp cơm trong tay anh. “Ừ, Vietnamese mà, vẫn cứ phải cơm mới chịu được em ạ”, anh nhìn cô cười thật tươi.

– Lần trước khi nhận được tin báo trúng tuyển, em đã định mời anh đi ăn cơm nhưng anh lại đang ở Mỹ. Vậy lúc nào anh có thời gian thì em mời nhé. Em cũng còn nhiều vấn đề cần phải hỏi anh lắm đấy! – Vi nói khi anh và cô đã ngồi xuống bàn.

– Ừ, anh cũng đang định đòi nợ em đây – Anh cười – Nhưng chuẩn bị tinh thần đi nhé, công việc ở đây không dễ nhằn đâu.

– Khó lắm hả anh? – Vi hỏi.

– Không phải khó về chuyên môn, mà khó về nhiều thứ khác, nhất là đối với những người như bọn mình, tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ và không quen thuộc với văn hóa của người phương Tây – Anh đáp – Em cứ vào làm một thời gian sẽ hiểu.

Do dự một chút rồi anh cười:

– Nhưng đừng lo, đây cũng là một môi trường tốt. Có gì cần giúp đỡ thì cứ tìm anh, anh lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Chắc trong tháng tới em sẽ được training[1]. Em đã nhận được lịch làm việc chưa?

[1] Học việc.

– Dạ rồi ạ… Đúng là phải cảm ơn anh nhiều lắm. Đây là công việc đầu tiên của em, vẫn còn rất nhiều bỡ ngỡ. Có gì anh giúp đỡ em với nhé – Vi ngập ngừng nói thêm.

– Có gì đâu, không cần phải khách sáo thế. Gặp đồng hương ở đây đã là quý rồi, giúp gì được em anh đều rất sẵn lòng, đừng ngại.

Nói là không cần phải khách sáo như vậy, nhưng Vi cũng không thể tùy tiện thân mật với anh được, vì trong công ty anh là sếp của cô. Hiện tại cấp bậc của anh là manager. Sau thời gian học việc, trong job[2] đầu tiên, Vi may mắn được phân vào cùng nhóm với anh. Vì vậy, với sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của Nam, Vi đã hoàn thành công việc đầu tiên rất suôn sẻ, thuận lợi. Nhưng sự vất vả có lẽ mới chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Vi không bao giờ nghĩ được rằng, ngay cả trong những tập đoàn lớn như thế này, môi trường làm việc chuyên nghiệp như thế này, nơi toàn những con người lịch sự, đẹp đẽ trong những bộ comple, cà vạt như thế này… cũng vẫn ngấm ngầm tồn tại sự ganh ghét, đố kị, kèn cựa, chơi xấu, hạ bệ lẫn nhau. Không hề có một chút kinh nghiệm nào, Vi chỉ thấy mọi đồng nghiệp của cô luôn dễ mến, lịch thiệp, luôn sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng va vấp đầu tiên trong cuộc đời đi làm đã giúp Vi rút ra được một bài học rằng không bao giờ nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài của họ.

[2] Trường hợp này là chỉ dự án kiểm toán mà Vi tham gia.

Job thứ hai của Vi là kiểm toán cho một chuỗi nhà hàng franchise[3]. Nhóm của cô có tất cả năm người, bao gồm một manager[4], hai senior associate[5] và hai associate[6]. May mắn thay cho cô, manager của job này cũng vẫn là Nam. Hai senior associate kia vào trước cô một năm, một anh người Canada chính gốc, còn một chị người gốc Kenya. Gọi là chị cho lịch sự thế thôi, chứ thật ra cô người Kenya này cũng chỉ xấp xỉ tuổi Vi là cùng… Một trong những đặc trưng của công việc kiểm toán là kiểm toán viên luôn luôn phải tìm đến để phục vụ khách hàng ở ngay tại văn phòng của họ, ít khi được ngồi một chỗ. Khối lượng công việc thì lớn, lại mất rất nhiều thời gian để di chuyển giữa các văn phòng, chính vì thế, nhóm của Vi thường xuyên phải chia ra làm hai để có thể cùng một lúc giải quyết được các việc khác nhau một cách hiệu quả. Vi được phân công vào cùng nhóm với cô bạn Nicole (cô bạn người Kenya), còn anh Joe và bạn Julita (người Hong Kong) ở cùng một nhóm khác. Manager thì có nhiệm vụ đôn đốc, quản lý công việc và chạy đi chạy lại giữa hai nhóm, để đảm bảo cho công việc được thông suốt và đáp ứng được deadline. Hôm đó, Vi và Nicole phải đi kiểm kho cho công ty này ở tận Missisauga. Vi không biết lái xe, còn Nicole thì lại không có ô tô, nên hai cô gái đã thống nhất là sẽ gọi taxi để đi gặp khách hàng. Nhưng hôm đó, Nam cũng có việc cần trao đổi với manager của công ty khách hàng, nên tiện đường anh bảo anh sẽ chở hai cô cùng đi.

[3] Chuỗi nhà hàng mang cùng một thương hiệu.

[4] Trong trường hợp này tạm dịch là trưởng nhóm.

[5] Chỉ nhân viên đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành kiểm toán.

[6] Là chức danh nhân viên khởi điểm khi mới vào nghề kiểm toán.

Nicole luôn tỏ ra là một cô gái cởi mở, nhanh nhẹn và tháo vát. Lần đầu tiên Vi được giới thiệu với Nicole trong buổi đầu đi làm, Nicole đã đón chào cô một cách hết sức nhiệt tình. Những ngày sau đó, thi thoảng gặp nhau ở văn phòng hoặc ở nhà ăn, Vi cũng thường dừng lại trò chuyện với Nicole vài phút. Trong những lần đó, lần nào Nicole cũng nhắc đi nhắc lại rằng nếu có chuyện gì cô có thể giúp được Vi thì cô luôn sẵn sàng. Cô còn nhấn mạnh thêm với một thái độ hết sức chân thành rằng cô vào trước Vi một năm, nên có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết hơn về hệ thống công ty, cô sẽ luôn sẵn lòng chỉ bảo cho Vi những điều có thể Vi chưa biết. Rồi với một nụ cười hết sức ngọt ngào, Nicole nói thêm một cách thân tình rằng bất cứ khi nào có gì cần hỏi thì Vi đã biết phải tìm ai rồi đấy. Cảm động trước sự quan tâm của cô bạn đồng nghiệp, Vi cũng rất cởi mở với Nicole đến mức thậm chí đã có lúc tâm sự với cô bạn luôn cả những thắc mắc và quan điểm cá nhân của mình về công việc, về lương bổng, về những dự định tương lai… Nicole tỏ ra một người bạn hết sức nhạy bén, luôn lắng nghe, chia sẻ và đồng tình với Vi. Đặc biệt, cô cũng chính là nguồn thông tấn xã “vỉa hè” của Vi về những chuyện “phía sau hậu trường”. Có một mối quan hệ tốt đẹp như vậy với Nicole, nên suốt hơn nửa tiếng ngồi cạnh nhau trên xe Nam để xuống văn phòng của khách hàng, Vi rất chịu khó lắng nghe Nicole than thở về những khó khăn, vất vả của công việc, của cuộc sống hiện tại. Rồi hạ giọng thì thầm, Nicole còn kể cho Vi nghe rằng mấy hôm nay cô đang rất stress vì mối quan hệ với bạn trai cô không được suôn sẻ. Anh bạn trai (hiện đang sống cùng nhà) vừa mới hôm qua thôi đã cãi nhau với cô chỉ vì cô không thể nhớ rằng hôm đó là sinh nhật của anh, đã thế lại còn mặt nặng mày nhẹ với cô chỉ vì cô bận rộn không có thời gian trả lời điện thoại anh gọi đến. Mặc dù tối hôm đó cô có về nhà hơi muộn thật và chỉ uống có một chút rượu nhưng cũng đâu có gì nghiêm trọng đến mức anh phải làm ầm lên như thể có chuyện gì ghê gớm lắm. Mà có phải là không có lý do chính đáng đâu – Nicole phân trần với vẻ mặt vô cùng bức xúc. Ai chẳng biết công việc kiểm toán là công việc khổ sai nhất trên đời, đến ngay cả sinh nhật của mình có khi cô cũng không có thời gian mà nhớ đến chứ đừng nói là sinh nhật người khác. Còn việc cô uống chút rượu cũng là do làm việc căng thẳng quá, lại có mấy người bạn rủ cô đi bar để xả stress. Hơn thế nữa, công việc dạo này của cô cũng không được xuôi chèo mát mái. Nói đến đây cô lại hạ giọng thêm một bậc nữa sau khi đã liếc lên kiểm tra để đảm bảo rằng Nam đang không chú ý lắng nghe. Một manager khác chịu trách nhiệm về job cô vừa làm xong không hài lòng với phần việc mà Nicole đảm trách nên đã đánh giá công việc của cô trong job đó không tốt. Mà sai sót trong báo cáo của job đó là có nguyên nhân khách quan của nó, do hệ thống kế toán của khách hàng hết sức lởm khởm, chứ đâu phải là trách nhiệm của một mình cô. Vậy mà vị manager này lại đổ toàn bộ trách nhiệm lên đầu cô, lại đánh giá cô không hoàn thành phần việc của mình một cách hết sức thiếu công bằng. Khi kể về vấn đề này, Nicole thậm chí đã rơm rớm nước mắt. Vi vội vàng ra sức an ủi cô bạn rằng chẳng việc gì mà phải đau lòng thế, ai mà chẳng có lúc này, lúc khác. Cuộc đời có phải lúc nào cũng công bằng được đâu. Nếu mình thực sự có năng lực thì có gì mà phải sợ, nếu vị manager kia không hiểu thì rồi những người khác cũng sẽ hiểu, sẽ thấy và sẽ công nhận thôi. Lần sau mình rút kinh nghiệm, cẩn thận hơn là được… Thực ra Vi chỉ muốn an ủi bằng những lời lẽ chung chung như vậy cho Nicole nguôi ngoai nỗi buồn, chứ cô cũng chẳng dám bày tỏ ý kiến của mình về việc phán xét bên nào đúng, bên nào sai (cô cũng hơi hơi cảm thấy ý kiến của Nicole về vị manager kia là mang tính chủ quan, nhưng lại không muốn nói ra vì sợ đổ thêm dầu vào lửa). Nicole có vẻ cũng chưa được thỏa mãn lắm với màn an ủi thiếu tính thuyết phục của Vi. Cô cứ hỏi đi hỏi lại rằng có phải do cô là người da màu nên trong công ty cô luôn luôn phải hứng chịu thiệt thòi hay không? Theo ý kiến của cô thì rõ ràng vị manager kia có tư tưởng phân biệt chủng tộc sâu sắc. Xem chừng vấn đề đã có vẻ trở nên nghiêm trọng hơn Vi tưởng, nên Vi vội vàng gạt phắt đi, bảo rằng chắc chắn không có chuyện đó đâu, rằng cô không nên để tâm đến những chuyện như vậy làm gì cho đau đầu… Mặc dù vẫn còn ấm ức, nhưng sau một hồi trút bầu tâm sự lên Vi, tâm trạng Nicole có vẻ được giải tỏa nên đã khá hơn đôi chút. Hôm ấy, để giảm bớt cảm giác áy náy vì thiếu nhiệt tình trong vai trò an ủi, khích lệ tinh thần của cô bạn, nên cô đã lụi hụi một mình cả buổi để đếm từng miếng thịt bò trong kho của khách hàng thay cả phần việc của Nicole, để cho cô bạn có thời gian thở ngắn than dài cả trong thế giới thực lẫn trong thế giới ảo (update status trên Facebook, kèm theo vài kiểu ảnh tự sướng làm tư liệu minh họa).

Nhưng sự việc không đơn giản chỉ dừng lại ở đó. Vi không bao giờ có thể ngờ rằng lòng tốt nhiều khi cũng đem lại cho cô sự phiền toái, và lần này chỉ xém chút nữa đã trở thành tai họa. Buổi tối trở về, sau khi đã thả Nicole xuống bến tàu điện ngầm gần nhà cô, trên xe chỉ còn lại Vi và Nam. Cô bảo Nam cứ thả cô xuống bến tàu điện ngầm cùng với Nicole cũng được, nhưng anh nói tiện đường nên sẽ chở Vi thêm một đoạn nữa. Dọc đường anh hỏi Vi về buổi làm việc chiều nay. Vi cũng vui vẻ kể cho anh nghe cô đã đếm thịt bò trong kho như thế nào, không ngờ kiểm toán viên cũng phải làm những công việc tay chân như vậy! Rồi vui chuyện, cô cũng kể luôn với anh mối ưu phiền trong công việc của cô bạn Nicole, nhân tiện hỏi xem anh nghĩ thế nào về vị manager nọ. Nhưng Nam chỉ nhún vai bảo rằng anh ít khi làm việc cùng và cũng không chơi thân với người đó nên không thể cho ý kiến. Chủ đề câu chuyện được chuyển sang vấn đề thời tiết, giao thông… rồi quay trở lại công việc của Vi đang làm với khách hàng hiện tại. Chẳng mấy chốc đã đến bến tàu điện ngầm mà Vi muốn xuống. Trước khi cô mở cửa xe, Nam bỗng quay sang nhìn cô nhẹ nhàng nói: “Anh muốn cho em một lời khuyên, như một người đi trước có kinh nghiệm: Gossip[7] không bao giờ mang lại điều gì tốt đẹp, nhất là trong môi trường làm việc phức tạp và cạnh tranh như ở đây. Em hiểu ý anh chứ?”. Vi hơi ngạc nhiên, chỉ khẽ “vâng” một tiếng, nhưng thực ra cô chưa hiểu ý anh muốn ám chỉ điều gì. Lúc này cô chẳng có đủ thời gian và cũng thấy không tiện để hỏi lại cho rõ ràng. Và có lẽ cô cũng sẽ nhanh chóng lãng quên lời khuyên của anh nếu như mọi chuyện không trở nên rắc rối chỉ vài tuần sau đó.

[7] Tạm dịch: Ngồi lê đôi mách.

Quãng vài tuần sau, công việc kiểm toán chuỗi nhà hàng franchise kết thúc. Vi thấy nhẹ cả người, một phần vì công việc đã hoàn thành, cô lại có chút ít thời gian thoải mái trước khi bắt đầu lao vào một job mới. Một lý do nữa (rất quan trọng) là phần việc của Vi được đánh giá rất tốt, cô thậm chí được cả một cái thumbs up[8] là một cặp vé xem phim. Buổi trưa gặp Nicole ở căng tin, Vi mời cô bạn sau khi tan làm đi uống cà phê. Nhưng trước sự ngạc nhiên của Vi, thái độ của Nicole đối với cô quay ngoắt một trăm tám mươi độ. Không những không vồn vã, niềm nở như thường thấy, Nicole thậm chí còn ném cho Vi một ánh mắt có phần hằn học sau khi từ chối gọn lỏn “No, I have no time for that”[9], ngay cả một lời cảm ơn xã giao cũng không có. Vi hơi sững sờ, không hiểu mình có làm gì quá đáng khiến cô bạn phật lòng hay không, nhưng rồi cô chỉ cho rằng có lẽ tâm trạng của Nicole hôm nay không được tốt. Vì vậy, cô cũng thôi không suy nghĩ về vấn đề này nữa.

[8] Thumbs up là một phần thưởng nhỏ dành cho nhân viên xuất sắc sau mỗi job, mà công ty dùng để khích lệ tinh thần người lao động.

[9] Tạm dịch: Không, tôi không có thời gian.

Nhưng ngay buổi chiều hôm đó, trước lúc Vi đang chuẩn bị ra về, cô bỗng nhận được một email yêu cầu lên gặp trực tiếp coach[10] của Nicole. Vi cảm thấy hơi lo ngại, không hiểu có vấn đề gì mà lại có cuộc gặp mặt bất thường như thế này. Nhưng linh tính đã mách bảo cô: đây chắc chắn chẳng phải là chuyện gì tốt đẹp. Chị Michelle, tên của chị senior manager – coach của Nicole – nhẹ nhàng chìa ra trước mặt Vi một tờ giấy. Chị giải thích ngắn gọn đây là lá thư Nicole viết để khiếu nại về việc bị xếp loại không hoàn thành công việc trong job kiểm toán chuỗi nhà hàng franchise vừa qua. “À, ra thế – Vi thầm nghĩ – Thảo nào mà tâm trạng Nicole lại tồi tệ đến thế”. Nhưng Vi vẫn thắc mắc không biết kết quả công việc của Nicole tốt hay xấu thì có liên quan gì đến cô mà coach của cô bạn lại lôi cô vào chuyện này. Không phải đợi lâu, thắc mắc của Vi đã có lời giải đáp ngay tức khắc. Số là trong job vừa qua, sau khi biết tin kết quả đánh giá phần việc của mình không đạt yêu cầu, Nicole cảm thấy không hài lòng với kết quả này. Cô cho rằng, có một số nguyên nhân khiến cho hiệu quả công việc của cô không được như ý muốn, rằng việc đánh giá về công việc của cô như vậy là hoàn toàn không công bằng. Mà nguyên nhân chính của “nỗi oan Thị Mầu” này, theo như trình bày của Nicole, chính là do Vi. Vi ngỡ ngàng đọc lá thư Nicole viết, đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt, rồi tức giận đỏ cả mặt mũi. Theo lá thư, cô bạn cho rằng, trong quá trình làm việc cùng nhau, Vi thường xuyên làm phiền Nicole bằng những câu chuyện ngồi lê đôi mách, không những thế, trong cách dùng từ, nói chuyện, trao đổi công việc, Vi tỏ thái độ sỉ nhục và phân biệt chủng tộc đối với Nicole, khiến cho cô bị căng thẳng, gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm việc. Bên cạnh đó, thứ tiếng Anh mà Vi sử dụng cũng không được chuẩn, nhiều khi tạo ra sự hiểu lầm làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc của Nicole. Cuối cùng, để bào chữa cho khả năng làm việc yếu kém của mình, lá thư “tố khổ” của Nicole được khép lại bằng một lý do kết tội manager của nhóm (là Nam) đã dành cho Vi quá nhiều ưu ái và đối xử không công bằng với những người còn lại trong nhóm. Đặt lá thư xuống, Vi tức sôi gan, không thể ngờ người mà cô vẫn tin tưởng như bạn lại có thể trắng trợn dựng chuyện để chơi cô một vố đau đến thế. Hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, Vi tự nhủ mình phải thật bình tĩnh, không được phép manh động trong lúc này. Cố gắng hết sức giữ cho âm điệu giọng nói ở mức vừa phải, Vi bắt đầu trình bày lại sự việc, bác bỏ những điều mà theo cô là sản phẩm của trí tưởng tượng của Nicole. Michelle sau một hồi lắng nghe cô chăm chú, cuối cùng chỉ bảo cô về văn bản hóa những điều cô vừa nói rồi gửi lại cho chị.

[10] Coach là người hướng dẫn, kèm cặp cho các nhân viên trong quá trình làm việc, thúc đẩy suy nghĩ, tạo động lực giúp nhân viên tối đa hóa những tiềm năng cá nhân và làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.

Rời khỏi phòng Michelle, Vi vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Cô lo ngại về vụ việc thì ít mà cảm thấy thất vọng và bị tổn thương thì nhiều. Cô tự trách mình quá ngây thơ trong việc đánh giá con người. Chỉ căn cứ vào vẻ bề ngoài niềm nở, thái độ nhiệt tình, hồ hởi giả tạo, và mấy câu xã giao đầu môi chót lưỡi của Nicole mà cô đã vội vàng tin tưởng đến mức có thể tâm sự hết những suy nghĩ của mình. Cũng may mà những điều cô nói chưa có gì đáng giá để khai thác được. Đây sẽ là một bài học đắt giá cho Vi trong mối quan hệ giữa con người với con người ở xứ sở xa lạ này. Có lẽ một phần do cô ngây thơ nghĩ rằng ai cũng như mình cả, cảm xúc cứ phơi hết ra, không hề biết che giấu. “Đúng là mình ngu thật – Cô thầm trách bản thân – Người trong cùng một nước còn chẳng hiểu nhau được, nữa là người đến từ những nền văn hóa khác nhau”. Hay có lẽ tại cô không am hiểu sâu sắc văn hóa Tây phương? Người ta xã giao mà cô cứ tưởng thật lòng. Người ta khen cô “so sweet”[11] cô lại cứ tin người ta nghĩ cô “sweet” thật, người ta gật gù “excellent”[12] cô lại tưởng bở người ta đang công nhận mình giỏi giang. Bây giờ cô mới chợt nhớ đến lời khuyên của Nam ở bến tàu điện ngầm hôm trước. Hóa ra anh có ý nhắc nhở cô về chuyện này mà lúc đó cô không hiểu. Đang nghĩ đến đây thì Vi bỗng đâm sầm vào anh.

[11] Khen ai đó ngọt ngào, đáng yêu.

[12] Khen ai đó giỏi, xuất sắc, tuyệt vời.

– Em chưa về à? – Anh hỏi.

– Chưa ạ – Cô khẽ lắc đầu.

– Có chuyện gì vậy? – Anh ân cần khi nhìn thấy vẻ mặt rầu rĩ của cô.

– Có lẽ tối nay chắc lại khuya em mới được về.

– Sao, anh tưởng em chưa có job mới mà?

– Em phải viết tường trình – Cô nói.

– Gì cơ? – Anh nhìn cô ngạc nhiên.

– Về chuyện của Nicole… – Nói đến đây, nỗi tủi thân bỗng trào lên khiến cho cô rơm rớm nước mắt.

– Nicole làm sao? – Anh nhìn đôi mắt đỏ hoe của cô, bối rối.

– Anh đánh giá performance[13] của Nicole loại D phải không?

[13] Trường hợp này hiểu là đánh giá kết quả làm việc.

– Đúng – Vi thấy anh có vẻ ngập ngừng – Sao em lại biết?

– Em vừa phải lên gặp coach của Nicole. Nicole viết một lá thư cho rằng em là nguyên nhân khiến Nicole bị xếp loại D.

Rồi cô kể cho Nam nghe toàn bộ câu chuyện. Khi nói đến nội dung của lá thư, nước mắt Vi bỗng nhiên nhỏ xuống. Cô không thèm che giấu cảm xúc của mình nữa. Bao nhiêu uất ức, bao nhiêu tủi hổ đều được dịp tuôn trào ra trong giây phút này. Nam bỗng dưng trở thành chỗ cho Vi trút bầu tâm sự. Nhưng anh thích nghi với hoàn cảnh rất nhanh. Anh kéo cô lại căn tin, ấn cô ngồi xuống một chiếc ghế rồi đẩy hộp khăn giấy đến trước mặt cô.

– Lau mặt đi em – Anh nói như dỗ dành – Anh không ngờ lại có chuyện đó…

– Em cũng không ngờ một người như Nicole lại có thể như thế – Vi cắt ngang lời anh với vẻ ấm ức.

– Môi trường làm việc ở đây tương đối phức tạp. Em nên cẩn thận và kín kẽ hơn khi làm việc với những người khác. Anh nghĩ có lẽ em nên trao đổi với coach của em về vấn đề này. Nếu đã liên quan đến coach thì nên để cho các coach làm việc với nhau – Anh khuyên cô chân thành.

– Xui xẻo quá, lại còn làm liên lụy đến cả anh nữa.

– Chuyện bình thường thôi, trên đời cũng có nhiều loại người khác nhau mà. Anh nghĩ chuyện này cũng sẽ không ảnh hưởng gì nhiều. Nicole không có bằng chứng thì chẳng giải quyết được việc gì.

– Em vẫn không hiểu, em đã làm gì khiến Nicole ghét em đến thế – Vi đập tay vào trán. Cô suy nghĩ mãi vẫn không thể chấp nhận nổi cái sự thực phũ phàng này.

– Anh tưởng con gái bọn em phải nhạy cảm với vấn đề này hơn chứ – Anh khẽ cười – Có thể chỉ là ghen ghét, đố kị, có thể do Nicole muốn vớt vát kết quả đánh giá performance để cứu vãn cơ hội được lên senior associate năm tới. Nếu performance của Nicole job nào cũng tệ như thế thì cô nàng chắc phải tiếp tục thêm một năm ở vị trí cũ, mà không chừng có thể bị sa thải. Thực ra, anh cũng không muốn đánh giá Nicole ở mức D, nhưng với kết quả phần việc mà Nicole đã làm, anh không thể đánh giá khác được.

Vi vẫn cúi mặt, cảm giác trống rỗng, hoang mang bởi sự đổ vỡ niềm tin đang tràn ngập lòng cô. Cô cứ nghĩ ở một công ty như thế này hẳn là toàn những người tử tế, hay ít nhất thì họ cũng nên cư xử một cách đúng mực chứ. Chẳng phải những người làm công việc như cô luôn tự hào vì đã được đào tạo bài bản, luôn tự hào về đạo đức nghề nghiệp của mình đó sao? Chợt nhớ ra còn phải viết bản tường trình, Vi chán nản đứng dậy:

– Cứ tưởng hôm nay được về sớm, ai ngờ lại vướng phải cái của nợ này. Thôi anh về trước đi, em làm xong bản tường trình rồi mới về được. Cảm ơn anh đã ngồi nghe em kể lể.

– Kệ nó đi. Em chưa ăn tối phải không? Giờ đi ăn luôn thôi – Anh rủ.

Thấy Vi vẫn còn có vẻ do dự, anh đứng dậy, kéo tay cô:

– Vội gì đâu, em còn phải gặp coach của em xin ý kiến nữa cơ mà. Bây giờ cũng muộn rồi, cứ phải đảm bảo cho cái dạ dày của mình trước đã.

Có người khuyến khích, Vi chặt lưỡi đứng lên. Một ngày xui xẻo như thế này là quá đủ rồi. Hôm nay không phải lủi thủi ăn tối một mình cũng đã là một hạnh phúc đối với cô, và chẳng việc gì cô phải từ chối cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy chỉ vì một người không xứng đáng là bạn.

Mấy hôm sau, một cuộc họp kín được triệu tập để giải quyết vấn đề khúc mắc giữa Nicole và Vi. Thành phần cuộc họp này bao gồm coach của Nicole, coach của Vi, Nam và hai đương sự của vụ việc. Cuộc họp mở đầu với “bản cáo trạng” mà Nicole viết nhằm hạ bệ Vi. Sau đó đến lượt Vi phản bác lại. Nam trình ra những chứng cứ không thể chối cãi về kết quả công việc của Nicole. Còn phía Nicole, do không thể lấy được ý kiến làm chứng của những người khác trong nhóm, nên “lời buộc tội” đối với Nam coi như vô giá trị. Luận điệu “phân biệt chủng tộc” mà Nicole đưa ra làm cái cớ để bào chữa cho khả năng làm việc yếu kém của mình cũng không thuyết phục được ai. Câu chuyện đáng lẽ ra có thể chấm dứt ở đây với một kết thúc có hậu: chiến thắng thuộc về người tốt, kẻ xấu phải bị trừng trị. Nhưng, thật không may cho Vi là coach của Nicole và coach của cô lại vốn dĩ không ưa gì nhau, từ lâu đã ngấm ngầm bằng mặt mà không bằng lòng. Vì vậy, “cuộc chiến” của cô và Nicole đã châm ngòi cho một cuộc chiến có quy mô lớn hơn giữa các coach với nhau. Mặc dù Nicole không có bằng chứng gì chứng tỏ Vi đã “sỉ nhục” hay “miệt thị” gây tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho Nicole, nhưng mặt khác, Vi cũng không thể chứng minh được là những điều cô trao đổi với Nicole chỉ thuần túy công việc. Vin vào cớ đó, coach của Nicole vẫn nhất quyết đòi phải xem xét lại mức xếp loại công việc cho Nicole, và đánh giá lại mức xếp loại của Vi. Vậy là cuộc họp này kết thúc chỉ để mở ra một cuộc họp khác, được ấn định một tuần sau đó, cho các bên có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nhằm bảo vệ quan điểm của mình. “Em đừng lo, rồi sẽ đâu vào đó cả thôi” – Nam an ủi cô sau khi ra khỏi phòng họp. Chẳng lo thì Vi cũng đã hứng chịu quá đủ rắc rối bởi tai họa này rồi.

Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Cuộc họp tuần sau, nhờ có sự can thiệp của một partner trong công ty nên đã nhanh chóng đi đến thống nhất bằng một biện pháp hòa giải: Mọi kết quả đánh giá công việc vẫn được giữ nguyên, nhưng hai bên được khuyến khích để hòa giải với nhau theo tinh thần tự giác. Chẳng nói ra thì ai cũng biết rõ ràng đây là một chiến thắng của phía Vi. Tất nhiên, chiến thắng này mang đậm dấu ấn người phụ trách của Vi: nhờ mối quan hệ và sự khéo léo của chị nên vụ việc mới nhận được sự can thiệp của vị partner nọ. Từ trải nghiệm này, Vi đã hoàn toàn tỉnh mộng. Hóa ra phe cánh là một phần không thể thiếu của sự đấu tranh sinh tồn, dù ở bất cứ một môi trường nào, kể cả môi trường được coi là lành mạnh và chuyên nghiệp như trong tập đoàn mà cô đang làm việc. Sau bài học này, lòng tin đối với con người của Vi đã giảm đi mất một nửa. Chẳng bi quan thì chắc chắn Vi cũng sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn tin tưởng hay trải lòng mình với một ai được nữa.

Kể từ sau vụ việc đó, Vi bắt đầu nhìn mọi người với con mắt cảnh giác và dè dặt hơn. Cô không muốn lại bị dính líu vào rắc rối thêm một lần nữa. Đến văn phòng, Vi chỉ tập trung vào công việc, chẳng còn nhiệt tình để kết giao với các đồng nghiệp. Mặc dù biết rằng như vậy là cô đã bỏ qua một phần quan trọng trong chiến lược phát triển sự nghiệp, nhưng cú sốc vừa rồi vẫn còn khá đậm nét khiến cho Vi chưa thể có can đảm bắt đầu lại từ đầu. Cũng may còn có Nam ở công ty, nếu không Vi đã cảm thấy cô đơn đến mức đôi lần nghĩ tới chuyện chuyển việc. Thêm vào đó, gần hai tháng nay cô không liên lạc được với Quân, cho dù cô cố gắng gọi cho anh bao nhiêu lần đi chăng nữa. Thậm chí, cô còn băn khoăn không biết có phải anh đã bỏ số điện thoại cũ rồi hay không? Gọi cho anh Minh để hỏi thì anh cũng chỉ biết là Quân hiện vẫn đang ở Vancouver chưa về. Vi cảm thấy áy náy không yên. Cô luôn cho rằng chính mình là nguyên nhân khiến Quân rời khỏi Toronto. Cô nhất định phải tìm cách gặp Quân để bày tỏ cho rõ ràng.
Chương trước Chương tiếp
Maxvin

W88

Game bài nhiều người chơi
Tele: @erictran21
Loading...