Gặp Gỡ Vương Lịch Xuyên

Chương 3



Lúc tôi tan ca về tới ký túc xá, đã 12 giờ rưỡi. Nghe nói đúng 10 giờ đêm trường sẽ tắt đèn, lúc tôi lên cầu thang, vẫn còn người đi lại ngoài hành lang . Tôi rón ra rón rén đi đến được cửa phòng thì phát hiện cửa đã bị khóa trái. Tôi nhẹ nhàng gõ cửa, rất lâu sau cũng không ai mở. Tôi tiếp tục gõ, một phút sau đột nhiên cửa mở, Ninh An An mặc váy ngủ, lạnh lùng nhìn tôi, hỏi “Sao lại gõ cửa? Chẳng lẽ cậu không có chìa khóa?”

“Cửa bị khóa trái.”

Ninh An An vẫn lạnh lùng như cũ “Chẳng lẽ cậu không biết năm rồi khu này có vụ án hiếp dâm? Không khóa trái cửa, lỡ xảy ra chuyện gì thì sao? Sau này nếu cậu quyết định đi chơi tới sau 10 giờ mới về thì nên ngủ ở ngoài sáng hôm sau hãy về.” Tôi tự biết mình đuối lý, đêm hôm khuya khoắt, cũng không muốn tranh cãi với cô ta. Đành phải giải thích:

“Tôi không đi chơi, tôi mới tìm được việc làm thêm, phải làm tới 12 giờ mới tan ca.” Tôi thấy uất ức trong lòng, nước mắt chực trào ra, nhưng mặt vẫn tỏ ra cứng cỏi, cắn chặt môi, không để cô ta nhận ra.

Cô ta hơi sửng sốt, liền “à” một tiếng, kéo tôi vào cửa, hỏi “Cậu không đủ tiền tiêu à?”

Tôi mím môi, không trả lời.

“Haiz.” Cô ta nhìn tôi, thở dài, nói “Đi ngủ đi. Sau này tôi bảo họ không khóa trái cửa.”

Tôi không dám rửa mặt, cũng không dám đánh răng, lặng lẽ leo lên giường, chui vào mền.

Tiểu Đồng nói tôi biết chọn đúng thời gian đi làm. Vì ông chủ thường phát lương vào giữa tháng, tôi chỉ cần làm hai tuần là có thể lãnh được tháng lương đầu tiên.

Hôm sau, tôi dậy sớm ra sân thể dục vừa chạy bộ, vừa học từ mới. Phùng Tĩnh Nhi đang đứng trên sân, bên cạnh là một nam sinh cao ráo.

Lúc tôi chạy ngang qua họ, người nam sinh đó mỉm cười “Hi” với tôi. Anh ta chỉ mặc một chiếc áo ba lỗ màu trắng, lộ ra cơ ngực rắn chắc, thoáng nhìn tôi thấy anh ta đẹp trai to cao, có vẻ là sinh viên Khoa Thể Dục.

“Hôm nay cậu có dự tiết đọc hiểu không?” Thấy tôi chạy ngang qua, Phùng Tĩnh Nhi bắt chuyện.

“Đi.”

“Điểm thi đại học môn ngoại ngữ của cậu là bao nhiêu?” Cô ta đột nhiên hỏi.

“Chín mươi lăm.” Tôi nói.

Mặt cô ta hơi tái, nhìn tôi nghi ngờ “Thật à?”

“Ừ.”

“Nghe nói trường cấp 3 quê cậu ngày nào cũng làm kiểm tra. Vừa mới khai giảng là bắt đầu lo thi đại học. Không có môn âm nhạc, không có môn hội họa, cũng không có môn thể dục.”

Trong cuộc sống bạn sẽ gặp những người như vậy. Họ không tin rằng trên đời có người thông minh hơn mình, chỉ có người cực khổ hơn mình mà thôi. Việc gì phải phá giấc mộng đẹp của người ta? Tôi đành gật đầu: “Trường cấp 3 quê tôi là vậy đó.”

“Bố tớ là giảng viên Khoa Ngữ Văn Anh.” Cô ta nói “Ông không dạy môn đọc hiểu. Khi nào lên năm tư, cậu có thể đăng ký môn “Tiểu thuyết Anh đương đại” của bố tớ. Ông chủ yếu chỉ giảng dạy cho sinh viên sau đại học thôi.”

“Vậy hả? Bố cậu là giáo sư?” Tôi trợn to mắt.

“Giáo sư Phùng chỉ hướng dẫn nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ thôi.” Anh sinh viên nói thêm vào.

“Cậu gọi thầy Phùng là được rồi.”

Tôi cười nhạt.

“Bố cậu làm nghề gì?” Cô ta đột nhiên hỏi.

“Ba tôi cũng là giáo viên, dạy cấp 3.” Tôi nói.

“Đây là Lộ Tiệp.”

“Chào cậu. Xin hỏi cậu học khoa nào?”

“Khoa Kinh Tế Quốc Tế.”

“Cậu ấy là thủ khoa của trường tôi.” Phùng Tĩnh Nhi nhìn anh ta rất ngọt ngào “Rõ ràng có thể đậu vào Đại học Bắc Kinh, nhưng nhất quyết học Đại học Sư Phạm. Người này, hoàn toàn không xem đại học ra gì mà.”

“Khoa Kinh Tế Quốc Tế của Đại học Sư Phạm cũng rất có tiếng mà.”

“Lúc lên lớp 12, cậu ấy thi TOEFL được 600 điểm đó.”

“À!” Tôi vô thức trả lời.

“Không làm phiền cậu tập thể dục buổi sáng, lên lớp gặp!” Nhìn vẻ mặt kinh ngạc lẫn khâm phục của tôi, Phùng Tĩnh Nhi cười mỹ mãn.

Học kỳ này tôi chọn 5 môn, cơ bản là ngày nào cũng có tiết học. Đặc biệt là thứ ba, buổi sáng một môn, buổi chiều một môn. Tan học đã là 4 giờ. Tôi vội vàng ăn cơm chiều, đến quán cà phê với tốc độ nhanh nhất.

Tiểu Đồng nhìn thấy tôi, nói nhỏ “Hôm nay đừng chọc Tiểu Diệp, tâm trạng chị ấy không tốt.”

“Sao vậy?”

“Trước giờ người trong lòng của chị ấy thường đến quán lúc 5 giờ rưỡi, nhưng hôm nay lại chưa tới.”

“Bây giờ còn chưa tới 6 giờ mà.”

“Người đó rất đúng giờ. Lần nào cũng đến lúc 5 giờ rưỡi.”

Tiểu Đồng nói đúng. Buổi tối đó người thanh niên mặc đồ vest kia không hề xuất hiện. Tiểu Diệp cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, Tiểu Đồng đành kêu chị lau bàn, quét dọn, nấu cà phê; nhưng không dám để chị pha đồ uống, lại càng không dám để chị thu tiền. Tiểu Diệp cũng không ngại gì, cứ lau bàn một cách máy móc, đến mức toàn bộ bàn ghế đều sáng bóng như gương.

Suốt hai tuần kế tiếp, người thanh niên kia cũng không hề xuất hiện. Tiểu Diệp từ hồn vía trên mây, dần dần chuyển sang lo lắng bất an. Chẳng mấy chốc chị trở thành đề tài “tám” buổi tối của Tiểu Đồng.

Dần dần tôi cũng hơi lo lắng, nghi ngờ sự biến mất của người có liên quan đến việc tôi vô ý làm đổ cà phê lên người anh. Có thể vì sự sơ ý của tôi, khiến cho anh ta không thích quán cà phê này nữa. Ở Bắc Kinh có đến hàng trăm, hàng ngàn quán cà phê, chỉ riêng khu này đã có hơn 10 quán. Giá càng mắc thì chất lượng phục vụ càng tốt. Anh ta không nhất thiết ngày nào cũng phải đến quán này.

Cuối tuần thứ hai, Tiểu Diệp bị cảm nên xin nghỉ một ngày. Hôm sau khi nhận ca, nhân viên ca sáng cho Tiểu Diệp biết họ nhìn thấy người thanh niên mặc đồ vest kia.

Có lẽ là anh ta thay đổi thói quen, buổi tối không tới quán uống cà phê nữa. Vì vậy, Tiểu Diệp liền xin đổi sang ca sáng.

Nhưng ngay buổi tối ngày Tiểu Diệp đổi ca, tôi lại thấy người thanh niên kia.

Anh vẫn mặc bộ đồ vest đen, đường cắt may rất tinh xảo, vừa vặn. Anh vẫn dùng cây gậy chống màu đen, trên lưng đeo một chiếc túi da khá cũ.

Sau bảy giờ là thời gian quán đông khách nhất. Có 7, 8 người đang xếp hàng đợi. Người thanh niên mặc đồ vest không đi tới bàn cạnh cửa sổ như bình thường, mà nghiêm chỉnh đứng vào cuối hàng. Anh biết rõ khi nào được phục vụ đặc biệt, khi nào không.

Trong thời gian tất bật như lúc này, hiển nhiên là anh không muốn làm phiền chúng tôi.

Đứng được vài giây, bỗng nhiên anh ta bước nhanh ra cửa.

Nhìn theo hướng đi của anh, tôi thấy ngoài cửa kiếng có một cụ già quắc thước, gương mặt hồng hào, mặc đồ vest thẳng thớm giống anh, đang đi về phía quán. Anh đi đến cửa vừa đúng lúc, liền mở cửa thay ông.

“Lịch Xuyên!” Cụ già vừa cười, vừa đi vào cửa, bắt tay với anh.

“Bác Cung.” Anh lễ phép chào hỏi.

“Lâu rồi không gặp. Bố cậu khỏe không?”

“Khỏe lắm ạ.”

“Cậu thì sao?” Ông ta nhìn người thanh niên, vẻ mặt hiền từ.

“Cháu cũng rất khỏe. Có thể mời bác uống một ly cà phê không?”

“Được.”

“Bác muốn thêm sữa vào cà phê không?”

“À, không cần. Cà phê đen không đường.”

“Mời bác qua bên này. Cháu biết một chỗ cạnh cửa sổ, rất yên tĩnh.”

Anh dẫn cụ già đến bàn cạnh cửa sổ, đặt túi của mình xuống, rồi trở lại trước quầy đứng xếp hàng.

Thì ra tên anh là “Lịch Xuyên”.

Anh xếp hàng khoảng 3 phút, cuối cùng cũng tới trước mặt tôi.

“Xin chào!” Tôi nói. Khuôn mặt của anh lấp lánh như được ánh mặt trời chiếu rọi, giọng nói của tôi bất giác hơi run.

“Could I have one venti ice skinny Latte, whipped cream, with a touch of cinnamon on the top and one venti black coffee, no sugar?”[1]

[1] Có thể cho tôi một ly Latte đá ít bọt cỡ lớn với kem đánh, rắc một chút bột quế lên mặt, và một ly cà phê đen không đường cỡ lớn, được không?

Tiếng Anh giọng Mỹ nhanh như súng liên thanh. Tôi đứng hình.

Anh ta cười cười, nhìn tôi thoáng vẻ đùa cợt “I thought you prefer me to speak English…”[2]

“Đồ điên!” tôi nghĩ thầm trong lòng. Chỉ đổ cà phê lên người anh ta một lần , có cần trả thù lại không?

“Of course.”[3] Tôi bình tĩnh nói “Please have a seat. I’ll bring the coffee to you.”[4]

“No need, take your time. I’ll stay here waiting.”[5] Anh một mực làm khó, chắc là muốn thấy tôi bẽ mặt.

[2] Tôi nghĩ em thích tôi nói tiếng Anh hơn.

[3] Đương nhiên rồi.

[4] Mời anh ngồi, tôi sẽ bưng cà phê đến bàn anh.

[5] Không cần đâu. Không làm mất thời gian của em. Tôi sẽ đợi ở đây.

“Tổng cộng 37 tệ.” Cuối cùng tôi đành chuyển sang nói tiếng Trung.

Anh đưa cho tôi 100 tệ. Tôi thối tiền lại cho anh.

Anh trả lại cho tôi một tờ tiền “Dư 10 tệ.”

“Xin lỗi anh.”

Tiểu Đồng đứng bên cạnh hỏi nhỏ “Anh ta uống gì?”

Đầu óc tôi trống rỗng, đỏ mặt nói “Phức tạp quá, nhất thời không nhớ ra.”

“What?!”[6] Tiểu Đồng la nhỏ.

“I am sorry. What’s your order? Could you say that again?”[7]

“Sure. One venti ice skinny Latte, whipped cream, with a touch of cinnamon on the top. One venti black coffee, no sugar.”[8]

“Got it, thanks.”[9]

[6] Cái gì?

[7] Thật xin lỗi, lúc nãy anh gọi gì? Anh có thể nhắc lại không?

[8] Được chứ. Một ly Latte đá ít bọt cỡ lớn với kem đánh, rắc một chút bột quế lên mặt. Thêm một ly cà phê đen không đường cỡ lớn.

[9] Tôi nhớ rồi, cảm ơn.

Tôi quay đầu nói với Tiểu Đồng “Một ly Latte đá cỡ lớn, bên trên bỏ kem đánh và một chút bột quế, thêm một ly cà phê đen cỡ lớn, không đường.”

Tiểu Đồng thần tốc pha cà phê. Tôi đặt mấy thứ anh gọi lên khay, một tay anh bưng khay, một tay chống gậy, đi ngay về bàn mình. Tôi cảm thấy anh đi khập khiễng hơn thường ngày, lo anh đi chưa được nửa đường cà phê sẽ đổ ra. Đối với người chân có tật mà nói, bưng thức uống là một hành động nguy hiểm. Nhưng cuối cùng anh cũng bưng cà phê về bàn an toàn.

Hai người ngồi bên cửa sổ nhỏ giọng trò chuyện khoảng 30 phút, cụ già đứng dậy chào tạm biệt. Người thanh niên tên “Lịch Xuyên” vẫn tiễn ông ra tận cửa, mở cửa giúp ông, nhìn ông rời đi. Sau đó anh quay về chỗ ngồi của mình, mở máy tính ra, bắt đầu làm việc.

Suốt buổi tối, anh gọi một phần sandwich cá ngừ, một phần salad hoa quả, hai ly Latte. Mãi tới khi tôi tan ca, anh vẫn ngồi một chỗ không nhúc nhích, mắt nhìn màn hình laptop, liên tục gõ chữ, giống như có rất nhiều việc chưa làm xong.

Tôi đột nhiên nhận ra vì sao anh thích chỗ này.

Tất cả các quán Starbucks đều cho lên mạng miễn phí, nhưng lên mạng miễn phí đương nhiên cũng không hấp dẫn gì đối với anh. Chắc là anh sống rất cô đơn, những người như vậy đều thích quán cà phê. Trong quán cà phê luôn có người, tuy rằng không có quan hệ gì với nhau.

Lúc tan ca, tôi thay đồng phục làm việc ra, mặc lại áo thun ngắn tay thường mặc, rời khỏi quán.

Đêm khuya ở Bắc Kinh thời tiết hanh khô, quê tôi thì ẩm ướt quanh năm. Tôi hít sâu một hơi, đi bộ dưới ánh đèn tù mù. Trạm xe buýt cách quán không xa lắm, xe đêm mỗi tiếng có một chuyến. Tôi thường trễ chuyến xe 12 giờ, đành đứng ở chỗ ngã tư đường lạnh lẽo đợi khoảng 50 phút mới tới chuyến tiếp theo. Tôi định mua một chiếc xe đạp, nhưng Tiểu Đồng nhắc nhở, nói đêm hôm khuya khoắt con gái đi xe buýt an toàn hơn xe đạp nhiều.

May là tôi có thể học từ vựng mới trong lúc chờ. Ngoại trừ lúc rửa mặt, đánh răng, đi toilet, tôi tranh thủ tất cả thời gian có được để học từ mới. Lấy sách từ mới ra, dưới ngọn đèn tù mù, tôi bắt đầu đọc thành tiếng.

Tôi học khoảng chừng nửa tiếng, một chiếc xe bỗng dưng dừng trước mặt tôi. Một người nhô đầu ra, nói “Hi” với tôi.

Là người thanh niên tên “Lịch Xuyên”.

“Hi.” Tôi ngẩng đầu nhìn anh ta, có chút ngạc nhiên.

“Lên xe đi, tôi chở em về.” Anh nói, sau đó mở cửa ra.

Tôi như bị ma xui quỷ khiến leo lên xe. Ghế bằng da thật, thoải mái vô cùng.

“Em ở chỗ nào?”

“Ký túc xá Đại học Sư phạm S.”

“Gài dây an toàn đi.”

Tôi loay hoay mãi không được, mới hỏi anh “Gài như thế nào?”

Anh mở cửa xe, chống gậy nhảy xuống, đi qua phía cửa tôi ngồi, cúi người giúp tôi tìm chỗ gài, “cạch” thế là xong. Sau đó anh quay về chỗ ngồi của mình.

“Cám ơn.” Tôi nhỏ giọng nói.

“Không có gì.” Anh ta khởi động xe, chạy về phía trước.

Ngồi cạnh trai đẹp, tôi chỉ còn đủ sức để thở. Khoảng 5 phút sau, không ai nói gì.

“Em học khoa Ngữ Văn Anh?” Cuối cùng anh ta cũng bắt chuyện trước.

“Nếu tôi trả lời câu hỏi này của anh, thì anh phải trả lời một câu hỏi của tôi.” Tôi nói “Anh thật sự muốn biết câu trả lời chứ?”

Anh ta hơi ngạc nhiên, nhìn tôi, gật đầu.

“Năm thứ nhất khoa Ngữ Văn Anh.” Tôi nói “Vậy tới lượt tôi hỏi. Anh tên gì?”

Anh giật mình “Hình như tôi đâu có hỏi tuổi của em, sao em muốn biết tên tôi?”

“Để công bằng mà.”

“Vương Lịch Xuyên,” Anh ta nói “Quê em ở đâu?”

“Tôi là người tỉnh khác. Tôi không thích người Bắc Kinh.”

Anh cười.

“Anh thì sao?”

“Tôi không phải người Bắc Kinh.”

“Anh nói giọng Bắc Kinh.”

“Ông nội, bà nội tôi đều là người Bắc Kinh. Hoặc có thể nói là người Bắc Bình[10]” Anh hỏi tiếp “Em không có người thân, bạn bè nào ở Bắc Kinh?”

[10] Tên cũ của Bắc Kinh trong khoảng thời gian từ năm 1928 đến năm 1949.

“Không có. Họ hàng tám đời cũng không có.”

“Như vậy, người nhà em yên tâm để em sống xa nhà một mình?”

“Tôi là người trưởng thành. Có thể chọn lựa cuộc sống cho chính mình.”

“Ừ, mấy câu này hình như người Mỹ hay nói thì phải.”

Tôi cười khoái trá “Anh vừa hỏi tôi hai vấn đề, bây giờ tới phiên tôi hỏi anh.”

“Vậy à? Tôi hỏi hai vấn đề rồi?”

“Đúng vậy.”

“Được rồi.”

“Anh có thích Bắc Kinh không?”

“Hơi hơi.”

“Vì sao anh đặc biệt thích tới quán cà phê này?”

“Bởi vì…” Anh nghĩ ngợi một chút “Đậu xe dễ dàng.”

Tôi nhớ lại chỗ đậu xe cho người tàn tật thường để trống kia, liền nhìn qua chân anh. Chân phải của anh ta hoàn toàn không thể cử động, lúc lên xe, anh nâng bên chân không thể cử động lên trên xe trước, sau đó dùng sức nắm tay vịn trên xe, dùng lực của hai cánh tay, đưa cả người lên trên ghế ngồi. Toàn bộ quá trình nhìn hơi mất thời gian, nhưng anh làm xong trong chớp mắt.

“Em còn vấn đề gì muốn hỏi?” Anh ta quay đầu, nhìn tôi bằng ánh mắt là lạ.

Tôi không dám nhìn thẳng mặt anh, chỉ cần liếc sơ cũng làm tôi choáng váng. Anh có khuôn mặt rất cá tính, không chê vào đâu được. Mặc dù chỉ nhìn một bên, cũng rất hoàn mỹ, có thể làm mẫu để khắc lên tiền xu.

“Hết rồi.” Tôi giơ hai tay lên.

“Sự hiếu kỳ của em với người lạ chỉ có nhiêu đó thôi sao?”

“Chỉ có như vậy thôi. Rất tiếc” Tôi không thể không nói: “Nãy giờ anh luôn chạy quá tốc độ.”

“Em sợ tốc độ cao?”

“Tôi sợ cảnh sát.”

“Giờ này không có cảnh sát.” Anh thản nhiên nói. Hiển nhiên, anh thường xuyên chạy quá tốc độ.

Xe chạy không tới 10 phút là tới cổng trường tôi. Ngay cổng lớn có cửa bảo vệ, không cho xe hơi vào.

“Cảm ơn anh, dừng ở đây được rồi.” Tôi vội vàng nói.

“Chỗ em ở cách cổng xa không?”

“Không xa, đi một chút là tới rồi.” Tôi không muốn làm phiền anh.

Anh ta tìm chỗ đậu xe lại, sau đó xuống xe

“Nếu em không ngại, tôi có thể đưa em tới cửa ký túc xá được không? Bây giờ quá khuya, cho dù ở trong trường cũng không an toàn.” Nếu là người khác nói câu này, chắc sẽ ra vẻ ân cần quan tâm, nhưng anh lại nói hết sức thản nhiên, dáng vẻ rất ga lăng.

“Không cần, không cần đâu… thật sự không cần!” Từ trước tới nay chưa từng được người khác chăm sóc quá mức, tôi kinh ngạc, liên tục xua tay.

“Em có biết, nếu tôi đưa em tới đây, sau đó bỗng dưng em mất tích, thì theo pháp luật mà nói, tôi chính là nghi phạm số một không?”

Tôi nhìn anh, cười không ra tiếng.

Đi vài bước, anh còn nói thêm “Có thể tôi sẽ đi hơi chậm, có ngại không? Tôi biết em chạy vài bước là tới nơi. Nhưng con đường phía trước tối đen, hai bên đều là rừng cây. Tôi thà để em dành chút kiên nhẫn đi từ từ với tôi.”

Sao người này lúc nào cũng khách sáo như vậy?

Tôi lớn tiếng đáp lại “Đương nhiên không ngại.”

Thật ra anh đi cũng không chậm lắm, nhưng rõ ràng đây không phải tốc độ anh thường đi.

“Anh từng tới trường tôi chưa?” Tôi hỏi.

“Chưa.”

“Nhưng mà, chắc chắn anh đã học đại học, đúng không?” Tôi lại hỏi.

“Tại sao? Không lẽ nhìn tôi giống dân trí thức à?”

“Ừm… cũng không phải. Tiếng Anh của anh rất hay.”

“Tôi học ở nước ngoài.”

“À. Vậy tại sao anh lại quay về? Theo tôi biết, trong nước có rất nhiều người chỉ sợ không được đi nước ngoài.”

“Có lẽ tôi thuộc số ít cá biệt.”

Tôi muốn hỏi anh nhiều điều, nhưng mấy vấn đề này không thích hợp hỏi người mới quen biết lần đầu. Nên tôi đành phải kiềm chế sự tò mò của mình.

Tôi hy vọng con đường này mãi mãi không kết thúc, tiếc rằng, cuối cùng cũng tới kí túc xá.

“Cám ơn anh đã đưa tôi về.” Tôi chân thành nói lời cảm ơn.

“Ngủ ngon.” Anh thản nhiên nói.

Anh nhìn tôi đi vào cửa ký túc xá, sau đó xoay người rời đi. Tôi biết anh phải đi một mình hơn nửa tiếng mới ra tới cổng.

Đột nhiên lòng tôi dâng lên nỗi xúc động muốn tiễn anh về. Nhưng tôi kiềm chế được.
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...