*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Dạo gần đây, hầu như ngày nào hắn cũng cùng nàng chung giường. Thi Yến Vi vốn còn lo lắng kỳ nguyệt sự lần này sẽ khiến nàng đau bụng, không biết phải làm sao giấu diếm hắn. May mắn thay, hắn sắp phải rời khỏi Lạc Dương để đến Trường An trong vòng nửa tháng, chẳng phải trời cao cũng giúp nàng hay sao?
Thi Yến Vi là người biết co biết duỗi, trong lòng âm thầm vui mừng, lập tức quên hết mọi điều không vui vừa xảy ra, gật mạnh đầu, chỉ nói vỏn vẹn một chữ: “Được.”
Tống Hành ôm nàng đi vào trong phòng, cặp mắt đen thâm thúy có chút không nỡ, ngữ điệu đạm mạc: “Nếu không phải vì thân thể của nương tử yếu ớt, không chịu nổi bôn ba dọc đường, ta thật sự không đành lòng để nàng lại một mình.”
Thi Yến Vi chỉ mong hắn lập tức biến đi cho khuất mắt, nhưng vẫn phải bộ làm tịch an ủi: “Quốc gia đại sự là trên hết, nơi này đã có Lưu mụ và những người khác chăm sóc ta, Tấn vương không cần phải lo lắng.”
Tống Hành cẩn thận đặt nàng xuống giường, nhẹ nhàng véo một cái vào má nàng, dịu dàng nói: “Nàng thật hiểu chuyện, nhưng ta lại muốn nghe nàng nói rằng nàng không nỡ xa ta, muốn đi cùng ta.”
“Đau.” Thi Yến Vi rên nhẹ thành tiếng, làm Tống Hành hoảng hốt buông tay, sau đó còn cẩn thận kiểm tra chỗ vừa bị hắn véo.
Tuy hắn không dùng lực, nhưng chỗ đó vẫn hiện lên vết đỏ.
“Ta không cố ý làm đau nàng đâu.” Tống Hành cúi người, luống cuống nhìn nàng, ánh mắt tràn ngập áy náy.
Người này có phải là Quỳ Ngưu hóa sinh trong xác phàm không đấy? Làm gì cũng mạnh tay như vậy. Thi Yến Vi như quên mất cơ thể đang mệt mỏi, bật dậy đấm vào ngực hắn, mở miệng trách móc: “Tống Hành, ngài bắt nạt ta quá rồi đấy!”
Tống Hành nhìn bộ dạng giương nanh múa vuốt của nàng, bị nàng đánh hơn mười cái chẳng những không tức giận mà ngược lại còn thấy thích thú vô cùng.
“Nếu tay trần đánh ta mà đau quá thì để ta lấy sách cho nương tử cầm nhé?” Tống Hành giữ lấy tay nàng, ép nàng dừng lại, rồi nhẹ nhàng vuốt ve bàn tay nàng giữa lòng bàn tay, vẻ mặt hết sức hưởng thụ.
Câu nói điên rồ đó vừa thốt ra, Thi Yến Vi lập tức sững lại, nhìn hắn như thể đang nhìn một người mắc bệnh tâm thần. Muốn nàng dùng sách đánh hắn? Lần tới có khi nào lại bảo nàng lấy roi mây ra đánh không?
Thi Yến Vi tự thấy mình không có cái sở thích kỳ quặc đó, liền rút tay ra với vẻ chán ghét, quay lưng lại với hắn, chui vào chăn lười biếng nói: “Ta mệt rồi muốn đi ngủ trước, Tấn vương cứ tự nhiên.”
Tống Hành không chịu buông tha, tiến sát lại gần, xoay mặt nàng về phía hắn để xem xét kỹ lưỡng, chỉ thấy chỗ hắn vừa véo đã đỏ hơn chút nữa, dường như còn hơi sưng lên.
“Mới qua canh nhất thôi, còn sớm quá, coi chừng ngủ nhiều sáng mai dậy lại đau đầu.” Tống Hành vừa nói, vừa kéo nàng dậy, giọng điệu có chút bí ẩn: “Nương tử có biết nhũ danh của ta là gì không?”
Thi Yến Vi hờ hững đáp: “Không biết.”
Tống Hành im lặng một lúc rồi thấp giọng nói ra ba chữ: “Quỳ Ngưu Nô.” [1]
Cái nhũ danh này nghe thật hợp, có lẽ vì từ nhỏ hắn đã khỏe như trâu, nếu chỉ gọi là “Ngưu Nô” thì hơi khó nghe, nên mới thêm vào một chữ để trở thành tên một loại thần thú trong “Sơn Hải Kinh”, vừa hay hơn vừa có ý nghĩa biểu trưng cho điềm lành.
[1] Quỳ Ngưu là sinh vật được ghi chép trong Thượng Cổ Dị Thú Thần Thú. Trong truyền thuyết, Qùy sống trên một ngọn núi gọi là Lưu Bộc, ở nước Đông Hải. Qùy có hình dạng và phần đầu giống trâu, nhưng lại chỉ có một chân, cả thân mình đều có màu xanh đen. Cả người Qùy tỏa ra ánh sáng, tiếng gầm như sấm sét. Trong trận chiến giữa Hiên Viên Hoàng Đế và Xi Vưu, Hoàng Đế đã bắt được Qùy, lột da nó làm trống và dùng xương làm dùi. Tiếng trống này tương truyền vang khắp 500 dặm, cổ động sĩ khí vô cùng. Nguồn chú thích: https://gamek.vn
Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương.
Đang suy nghĩ, bỗng nghe Tống Hành tiếp tục nói: “Từ khi mẹ ta qua đời, không còn ai gọi ta bằng cái nhũ danh này nữa. Nương tử có thể gọi ta một tiếng Quỳ Ngưu Nô không?”
Thi Yến Vi nhớ lại những danh xưng mà nàng đã gọi hắn: gia chủ, Tống Tiết sử, Tống Hành, Tấn vương… Nếu giờ thêm cả Quỳ Ngưu Nô vào nữa, chẳng phải là nàng đã gọi hắn bằng năm cái tên rồi sao?
Thấy nàng đang mải suy nghĩ mà vẫn chưa trả lời, Tống Hành liền vỗ nhẹ một cái vào mông nàng, ánh mắt chăm chú nhìn nàng, giọng đầy khẩn thiết thúc giục: “Dương Sở Âm, mau gọi ta đi.”
Bị ánh mắt như diều hâu săn mồi của hắn nhìn chằm chặp, Thi Yến Vi cũng không thể thấy thoải mái, không muốn tranh cãi thêm nữa, hai phiến môi hết khép lại mở, rề rà nói ra mấy chữ: “Quỳ Ngưu Nô.”
Gọi xong lại thấy không quen, cũng thấy buồn cười nên bất giác cúi đầu, cười khẽ.
Nụ cười thoáng qua đó lại làm tâm trí Tống Hành như bị cuốn đi, hắn nắm lấy cổ tay nàng, muốn nàng gọi lại lần nữa.
Thi Yến Vi cố nhịn cười, gọi thêm lần nữa: “Quỳ Ngưu Nô.”
Tống Hành như được thỏa mãn tinh thần, ôm lấy nàng vào lòng, liên tục gọi nàng là “Âm Nương”.
Mới đầu Thi Yến Vi còn chưa kịp hiểu gì, nhưng Tống Hành cố chấp cứ lặp đi lặp lại, khó khăn lắm nàng mới nhận ra được rồi mơ màng đáp lại, tránh cho hắn cứ lải nhải như một con ruồi bay vo ve bên tai nàng.
Đêm đến, sau khi tắm rửa sạch sẽ, thay y phục ngủ, Tống Hành mới dám trèo lên giường nàng.
Tống Hành không khỏi buồn rầu, khoảng cách tuổi tác giữa hắn và nàng quá lớn, hơn nữa nàng lại nhỏ bé như vậy nên thật khó để hòa hợp.
Thi Yến Vi nắm lấy vạt áo hắn, vò thành một mớ nhăn nhúm.
Sau khi thổi tắt ngọn nến cuối cùng, Tống Hành ngang ngược ôm lấy Thi Yến Vi đi vào giấc ngủ. Nhiệt độ từ người hắn làm nàng nóng đến khó chịu. Đợi khi hơi thở hắn dần trở nên đều đặn, nàng mới ngồi dậy, định bước qua người hắn để lấy quạt cầm tay.
Thi Yến Vi không có khả năng nhìn trong đêm như Tống Hành, gần như mò mẫm trong bóng tối, dù đã cố gắng bước dài hơn để tránh hắn ra nhưng vẫn bị chân hắn vướng phải, suýt chút nữa thì ngã chúi đầu xuống.
May thay, Tống Hành kịp tỉnh lại, kéo nàng về.
Toàn thân nàng ép chặt vào người Tống Hành, hai bàn tay nhỏ chống lên eo hắn, tư thế này quá đỗi thân mật và đáng xấu hổ. Hai má và vành tai nàng chỉ trong nháy mắt đã nhuộm vào của áng mây hồng.
Thi Yến Vi sợ đến kinh hồn bạt vía, nàng thở dốc, vội vàng muốn đứng dậy nhưng không ngờ Tống Hành đã nhanh tay ấn eo nàng xuống, không để cho nàng rời đi.
Tống Hành đưa tay vuốt ve mái tóc đen mềm của nàng, nhẹ trách: “Nương tử nằm ngủ mà còn nghịch như thế? Nếu không có ta kéo lại, có lẽ giờ trán nàng đã sưng lên một cục rồi.”
Thi Yến Vi tỏ vẻ ghét bỏ, phản bác: “Rõ ràng là người ngài quá nóng, ta chịu không nổi.”
Tống Hành cười khẽ, trêu nàng: “Nàng đúng là một tiểu tiên vô dụng, đã sợ nóng mà cũng dám bước vào trướng của ta để dụ dỗ ta, không sợ bị dương khí của ta đốt cho tan ra sao?”
Rõ ràng là hắn ép buộc nàng như lại nói như thể nàng tự nguyện dâng mình cho hắn. Quả là hắn rất giỏi trong việc đổi trắng thay đen, điêu luyện đến mức khó ai bì kịp được.
“Buông ta ra.” Thi Yến Vi gắng sức giãy dụa, tức giận nói với hắn.
Thi Yến Vi thực sự bị hắn dọa sợ, bực mình mắng: “Tống Hành, ngài thật đê tiện!”
Nàng nói xong, nóng giận đến đỏ bừng mặt, càng ra sức muốn thoát ra khỏi người hắn.
Tống Hành chẳng tốn chút sức lực nào đã dễ dàng áp nàng xuống dưới thân mình, thở dài nói: “Ta vừa giúp nương tử, nương tử đã không có lấy một tiếng cảm ơn thì thôi lại còn luôn miệng mắng ta, thật khiến lòng ta lạnh buốt.”
Thi Yến Vi hoảng sợ nhìn bóng đen phía trên, đôi tay vô thức run rẩy, giọng lắp bắp: “Ngươi thả ta ra.”
Hắn chỉ mong nhận được một lời cảm kích từ nàng, nhưng trong đầu nàng chỉ toàn sự đề phòng và sợ hãi đối với hắn thì sao hắn không bốc hỏa cho được, giọng điệu tức giận cao vút: “Ta đã nói là sẽ làm gì nàng chưa? Nàng thật sự xem ta là cầm thú sao?!”
Tống Hành gần như nghiến răng nói hết câu, lập tức vén chăn bước nhanh vài bước ra ngoài. Hắn mở cửa sổ, đứng đầu ngọn gió để xua tan cái nóng trong lòng.
Thi Yến Vi bị hành động bất thình lình của hắn làm cho tỉnh ngủ, lo lắng không biết hắn có thực sự nổi giận rồi làm ra những việc quá đáng với nàng không.
Khoảnh khắc đó, trong phòng tĩnh lặng đến mức chỉ còn tiếng gió rì rào cùng tiếng côn trùng văng vẳng đâu đây.
Một lát sau, Tống Hành lặng lẽ trở về.
Thi Yến Vi cảm thấy thân hình cao lớn của hắn tiến đến gần, nàng co rúm người lại, lui sâu vào trong, quay lưng về phía hắn, chẳng nói chẳng rằng.
Tống Hành sắc mặt âm trầm, chui vào chăn riêng, cũng không nói gì với nàng mà lẳng lặng dùng quạt tròn phẩy gió cho nàng, giúp nàng xua đi cái nóng.
Làn gió mát rượi thổi đến, mồ hôi trên vai và cổ nàng cũng dần bớt đi, không còn cảm giác nóng nực như trước nữa, lòng nàng dần lắng xuống, cơn buồn ngủ chẳng mấy chốc cũng ập đến.
Ngày hôm sau, Thi Yến Vi ngủ một mạch đến khi mặt trời đã lên cao ba sào, không nhớ rõ đêm qua nàng đã ngủ từ lúc nào, cũng chẳng hay Tống Hành đã rời đi từ khi nào.
Chỉ cần nghĩ đến chuyện từ hôm nay trở đi, ít nhất trong nửa tháng nữa sẽ không phải gặp lại hắn, tâm tình Thi Yến Vi cũng trở nên phấn chấn, thậm chí sáng hôm đó nàng còn dành nhiều thời gian để chăm chút bản thân hơn thường lệ.
Ba ngày sau, nguyệt tín mà Thi Yến Vi mong chờ cuối cùng cũng đã đến.
Lần này trễ hẳn nửa tháng, lượng cũng không nhiều bằng trước nhưng lại đau đến quằn quại.
May sao hôm đầu tiên Lưu mụ có việc phải đi vắng, Luyện Nhi tận tâm chăm sóc, còn hứa với nàng sẽ không hé răng nửa lời.
Sang ngày thứ hai, cơn đau đã thuyên giảm đôi chút, Thì Yến Vi cố gắng chịu đựng, giả vờ như đó chỉ là cảm giác khó chịu thông thường. Dẫu sao Lưu mụ cũng chỉ tới hai lần vào mỗi bữa sáng chiều, nên cũng không khó để qua mắt bà ấy.
Vào ngày thứ mười bảy kể từ khi Tống Hành rời đi, tin tức Định Đào Vương bị kẻ gian đầu độc ở Tào Châu đã lan truyền khắp phố phường Lạc Dương.
Thời điểm đó, Tống Hành đang dẫn quân tiến vào địa giới Ngụy Châu.
Tiết độ sứ Thái Ninh là Giả Sùng bị kẹp giữa Tống Hành và Giang Tiều, vẫn chần chừ không dám tỏ rõ lập trường. Nghe tin phế đế của tiền triều bị hại chết ở Tào Châu, hắn ta hết sức kinh hãi. Hai ngày sau, khi Tống Hành cùng quân Lạc Dương đến Tào Châu, Giả Sùng hoảng loạn thanh minh rằng việc này không hề liên quan gì đến hắn, mà rất có thể là do gian thần ở Nam Ngụy hãm hại Định Đào vương.
Tống Hành lợi dụng nỗi sợ của Giả Sùng, dùng chút thủ đoạn đe dọa và dụ dỗ, khiến Giả Sùng tức khắc mang tổ tiên nhà họ Giả và cùng tính mạng toàn tộc già trẻ lớn bé ra thề độc, nguyện từ nay trở đi sẽ tận trung vì Tấn vương.
Đoàn người chỉ lưu lại Tào Châu một ngày, sau khi cho người lo liệu việc khâm liệm và mai táng cho Định Đào vương thì ngay lập tức khởi hành trở về Trường An, mang theo lời giải thích thỏa đáng nhất cho tông thất và sĩ tộc trong kinh.
Tống Hành lệnh Trình Diễm đi qua Ngụy Bác, Chiêu Nghĩa và Hà Trung để trở về Trường An. Còn hắn thì có việc cần vòng qua Hà Đông, hẹn bảy ngày sau hội quân tại Hoa Châu.
Con ngựa thanh truy dưới thân lao nhanh như chớp, theo cùng hắn chỉ có hơn mười kỵ binh tinh nhuệ của Hà Đông quân.
Hai ngày sau, Tống Hành đến Thái Nguyên nhưng không về Tống phủ mà dừng chân ở khách điếm để tắm gội nghỉ ngơi. Sau đó, hắn lại một mình cưỡi ngựa đến Tam Thanh quan, tự tay đốt hương, tế bái linh vị của Dương Duyên và Bạch thị.
Hắn lưu lại đạo quán một ngày, nhờ đạo trưởng lập đàn làm pháp sự, cúng thêm tiền hương khói, đồng thời xin cho Thi Yến Vi một lá bùa bình an. Hôm sau, khi Tống Hành trở về từ đạo quán, trên người vẫn còn thoang thoảng mùi nhang và tro giấy của vàng mã vừa đốt. Đoàn người theo chân hắn cũng nghỉ lại khách điếm hai ngày. Việc Tống Hành không đến nha môn, không vào quân doanh, thậm chí chẳng ghé về Tống phủ mà lại ở lại đạo quán một ngày khiến ai nấy đều lấy làm khó hiểu.
Tống Hành giục ngựa không ngừng nghỉ, cuối cùng lại đến Hoa Châu trước Trình Diễm một ngày. Hai bên hội ngộ, rồi cùng nhau trở về Trường An.
Khâm Thiên Giám đã chọn ngày an táng, Tống Hành cùng hoàng tộc đến hoàng lăng đưa tang, truy phong thụy hiệu là Ai đế.
Bận rộn lo liệu chuyện trong kinh thành xong, thoáng chốc đã qua hơn một tháng. Tống Hành trở lại Lạc Dương, thời tiết cũng lặng lẽ chuyển mình từ cuối hạ sang đến đầu thu.
Tính ra thì tháng sau Tống Thanh Hòa sẽ xuất giá.
Tống Hành lòng như lửa đốt, chỉ trong hai ngày đã từ Trường An phi nhanh một mạch về đến Lạc Dương.
Tới trước cổng phủ, ngoài trời vẫn còn sáng rõ. Tống Hành rời khỏi bàn đạp nhảy xuống ngựa, sải bước dài vội vàng tiến vào trong.
Lúc ấy, Thi Yến Vi đang dựa vào gối thêu thùa. Tống Hành không báo trước, lặng lẽ bước qua bậu cửa, đứng sau lưng nàng, lặng lẽ quan sát nàng cầm kim.
Quả nhiên, nàng không thạo nữ công gia chánh, đã hai lần suýt nữa thì tự đâm kim vào tay. Cái quần này nhờ vào các tú nương ở phường thêu chỉ dẫn nên coi như đã ra hình ra dáng, chỉ còn bước cuối cùng là khâu viền.
Mãi một lúc sau, Thì Yến Vi mới phát hiện có người ở sau lưng. Nàng muốn quay đầu lại nhìn nhưng không cẩn thận bị kim đâm vào đầu ngón tay, một giọt máu đỏ thẫm rỉ ra.
Tống Hành trông thấy, vội vàng ngồi xuống cạnh nàng, lấy kim chỉ cùng vải vóc trong tay nàng đặt gọn vào rổ thêu trên bàn. Hắn cúi xuống hút đi giọt máu, ân cần hỏi nàng có đau không.
Sự xuất hiện đột ngột của hắn khiến Thi Yến Vi bị dọa đến giật mình. Đến khi nhận ra đó là hắn, nàng mới ngơ ngác lắc đầu, gương mặt điềm tĩnh như một đầm nước đọng.
Tống Hành thổi nhẹ lên đầu ngón tay nàng thêm vài lần, xác nhận máu đã ngừng chảy, lúc này mới yên tâm phần nào. Hắn lấy ra lá bùa bình an đã cầu được, rồi đặt vào tay Thi Yến Vi.
“Lần này ra ngoài, ta đã vòng qua Thái Nguyên một chuyến, đến Tam Thanh quan viếng tế mẫu thân và huynh trưởng của nàng. Ta cũng đã nhờ đạo sĩ làm phép, xin bùa bình an này cho nàng. Nàng giữ lại bên mình, ắt hẳn sẽ tránh được tai ương.”
Từ Lạc Dương đến Trường An, khoảng cách đã vài trăm dặm, nếu còn vòng qua Thái Nguyên, ít nhất cũng cả ngàn dặm đường. Hắn thực sự lặn lội đường xa như vậy chỉ vì muốn thắp hương cho huynh trưởng và mẫu thân nàng, giúp nàng xin lá bùa bình an?
Thi Yến Vi đăm chiêu nhìn hắn bằng ánh mắt phức tạp, trong lòng đầy những nghi hoặc, nhất thời không thể hiểu rõ suy nghĩ và thái độ mà hắn dành cho nàng vốn là gì?
“Nếu ta nhớ không nhầm, Nhị nương từng nói với ta rằng Tấn vương không tin vào quỷ thần, sao lần này ngài lại phải hao công tốn sức đến Thái Nguyên tế bái nương và anh ta?” Thi Yến Vi thử hỏi hắn.
Tống Hành ôm lấy nàng vào lòng, cằm tựa lên tóc nàng, chậm rãi đáp: “Tuy ta không tin, nhưng nếu việc đó khiến nàng thấy yên tâm hơn thì ta đều sẵn sàng làm.”
Nghe vậy, Thì Yến Vi siết chặt lá bùa trong tay, ngước lên nhìn hắn. Ánh mắt hai người chạm nhau, nàng liền đổi cách xưng hô, đánh bạo hỏi: “Tống Hành, ngài đã động lòng với ta rồi sao?”
Nàng đã dứt lời nhưng Tống Hành cũng không phủ nhận. Hắn chỉ ngẩn ra trong giây lát, nhìn lại thì thấy nàng đã cúi đầu, say sưa ngắm nghía lá bùa bình an kia.
“Lá bùa này là ta thành tâm thành ý xin cho nàng ở Tam Thanh quan, nếu nương và anh nàng trên trời có linh thì nhất định sẽ bảo hộ nàng một đời bình an, thọ mệnh lâu dài.” Tống Hành cất cao giọng nói.
Thành tâm thành ý. Người như hắn mà cũng dám nói bốn chữ đó trước mặt nàng ư? Giờ phút này, e là hắn cũng đang bị hành động của bản thân làm cảm động.
Thi Yến Vi nghe xong chỉ cười nhạt, giọng điệu đầy vẻ mỉa mai: “Ta sợ rằng đời ta quá nhiều trắc trở, dù có lá bùa này cũng không thể bình an hỉ nhạc, trường mệnh vô ưu.”
Nghe nàng nói toàn những lời không may, Tống Hành vội vàng gói lá bùa vào mảnh vải đỏ, nắm chặt tay nàng trong lòng bàn tay, nghiêm túc nói: “Đừng có nói bậy, nương tử phải ở bên ta dài lâu, bình an vô sự. Ta sẽ cho nàng phú quý bất tận và vinh hoa mà người khác dù cầu cũng không thể có được, sao nỡ để nàng chịu cảnh long đong?”
Nhìn nam nhân đã gây cho mình biết bao đau khổ, Thi Yến Vi bỗng rất muốn hỏi ngược lại hắn một câu rằng: Ngài nguyện ý cho ta tất cả thì ta phải từ bỏ tự do, tôn nghiêm và nhân cách, dùng thân xác này để đổi lấy hay sao?
Nàng đã rất vất vả mới có thể duy trì dáng vẻ ngoan ngoãn phục tùng trước mặt Tống Hành, tuyệt đối không thể vì một chút tức giận nhất thời mà cãi nhau với hắn, nếu làm vậy sẽ chỉ khiến hắn sinh lòng cảnh giác, càng không phải là hành động khôn ngoan.
Thi Yến Vi lập tức thả lỏng sắc mặt, giọng điệu cũng thùy mị hơn. Nàng nhìn sâu vào mắt hắn, vừa nũng nịu vừa có chút rụt rè: “Lời của Tấn vương là thật lòng sao?”
Đôi mắt nàng trong veo, sóng sánh như bóng trăng chìm nổi nên mặt suối, như muốn nhìn xuyên vào tâm can hắn.
“Tất nhiên là thật lòng,” Tống Hành đáp, “chỉ cần nàng nguyện ý, từ nay bình an sống cùng ta, ta vẫn sẵn lòng đón nàng vào phủ, cho nàng danh phận nhũ nhân.”
Lời vừa dứt, trái tim hắn không khỏi đập nhanh, cổ họng đột nhiên khô rát, muốn ho vài tiếng để làm dịu cảm giác nhưng không sao ho ra được, chỉ có thể nuốt xuống, yết hầu theo đó nhấp nhô.
Thi Yến Vi nhìn thấy đáy mắt Tống Hành ánh lên sự khao khát, khiến nàng nhớ lại những đêm đầu tiên sau khi hắn đi xa thì đều trói buộc nàng, truy đuổi như một con thú bị bỏ đói lâu ngày, hai chân nàng cũng vì thế mà bất giác run rẩy.
Nhìn thấy dáng vẻ sợ hãi pha lẫn sự đề phòng của nàng, Tống Hành cũng thoáng nhói lòng. Hắn cất tạm chiếc bùa bình an ở gian ngoài rồi trở lại ôm nàng, dìu vào trong trướng, kéo rũ màn che, vuốt ve mái tóc đen bóng của nàng, nhẹ giọng an ủi: “Nương tử đừng sợ, từ nay về sau ta sẽ không như trước nữa.”
Vừa nói, hắn vừa cởi thắt lưng điệp tiệp.
Có lẽ do đường xa mệt mỏi, mấy ngày qua Tống Hành chưa kịp cạo râu, trên cằm đã lún phún vài sợi râu xanh. Thi Yến Vi cau mày, không chút khách khí đẩy tay hắn ra, vẻ mặt ghét bỏ mà nói: “Đi tắm trước đi đã.”
Dù Tống Hành đã gấp biết mấy thì nàng vẫn không chịu để hắn đụng vào. Không còn cách nào khác, hắn đành phải đi lấy nước lạnh trong phòng tắm dội xuống.
Chưa đầy một khắc sau, Tống Hành đã khoác áo ngoài lỏng lẻo trở lại phòng.
Thi Yến Vi như mảnh lục bình lẻ loi giữa cơn bão, dập dềnh theo ngọn sóng, chẳng biết sẽ vô định về đâu. Nàng chỉ biết phải vịn chặt lấy bả vai hắn, tìm cho mình chốn nương náu tạm thời.
“Tống Hành…”
Nước mắt đong đầy trong đôi mắt đỏ hoe của Thì Yến Vi, như những viên ngọc châu rơi xuống, nàng thì thào gọi hắn đừng nóng vội mà hãy dịu dàng một chút với nàng.
Nàng chưa nói thì thôi, nhưng một tiếng “Tống Hành” vừa yếu ớt vừa đáng thương ấy lại như một liều thuốc kích thích, khiến Tống Hành không sao kiềm chế nổi.
Bất chợt, ánh mắt hắn chạm phải ánh mắt ngấn lệ mơ màng của nàng, dù thế nào cũng thể nhẫn tâm, chỉ có thể ép bản thân nhượng bộ thêm chút nữa, gắng gượng đến mức mồ hôi rịn ra thấm ướt trên trán, cất giọng khàn khàn: “Nương tử ngoan, gọi ta là Quỳ Ngưu nô có được không?”
Đêm nay, là hắn tự chuốc khổ.
Mãi đến khi tiếng khóc của Thì Yến Vi dần nhỏ lại, nước mắt đã ngừng rơi, Tống Hành mới dám buông thả đôi chút. Hắn lau đi những giọt mồ hôi và nước mắt nơi thái dương nàng rồi hôn xuống từng chút, từng chút một, như giọt mực thấm dần vào trang giấy, như vũng nước hóa thành những giọt sương.
Đến khi trời đã gần canh ba, trong phòng mới dần yên tĩnh lai. Tống Hành đưa tay xoa nhẹ bụng nàng, rồi sai người mang nước ấm vào.
*
Vài canh giờ trước, ở Biện Châu.
Bên trong cung điện, Giang Tiều khoác trên mình bộ trường bào viên lĩnh màu hoàng sắc, thêu hình kim long ngũ trảo. [2]
[2] kim long ngũ trảo: hình thêu rồng năm móng. Thời phong kiến cũng quy định rõ là chỉ vua mới được thêu rồng 5 móng lên trên áo bào.
Nội thị tay cầm phất trần, khom lưng gõ nhẹ vào cửa điện, cung kính truyền lời vào trong: “Khởi bẩm Thánh nhân, Thẩm tướng quân cầu kiến.”
Giang Tiều đặt bút son xuống, cho phép để người bước vào.
Nội thị đẩy cửa ra, Thẩm Kính An cất bước tiến vào trong điện.
Giang Tiều nhìn hắn bằng con mắt hơi lồi, hỏi về tình hình Thái Ninh.
“Hồi bẩm Thánh nhân, Tiết độ sứ Lưu Nhân đã quy thuận dưới trướng Tống Hành.”
Việc Lưu Nhân đưa ra quyết định này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Thế cục hiện giờ chỉ còn Giang Tiều và Tống Hành là hùng mạnh. Tuy rằng Tiết độ sứ Hồ Nam vẫn nắm giữ binh lực ở Quế Châu và hai trấn Lĩnh Nam Đông Đạo, nhưng đó đều là những đội quân thiếu kinh nghiệm thực chiến, kỷ luật lỏng lẻo, căn bản không đáng lo ngại. Còn về phía Tây Đạo Sơn Nam, địa thế dễ thủ khó công, tinh binh ít được thao luyện, do vậy cũng không đủ sức khuấy lên sóng lớn.
Giang Tiều đáp nhẹ một tiếng, đứng dậy bước đến bên Thẩm Kính An, sắc mặt dần hòa hoãn, giọng điệu bình thản hỏi: “Người mà Tri Dật phái đến phương Bắc có báo tin tức gì mới về a tỷ ngươi không?”
Nghe vậy, Thẩm Kính An cúi đầu, ánh mắt lộ vẻ u ám. Y đáp bằng giọng chán nản: “Thần và a tỷ đã nhiều năm không gặp, tỷ ấy thân thể yếu nhược, lại thêm nỗi đau mất chồng và bị gia tộc bên ngoại ruồng bỏ, trong lòng thần đã sớm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Chỉ không ngờ rằng, Tam lang mất sớm; Nhị nương hẳn vẫn còn đó, nhưng Tam lang yên nghỉ chưa được bao lâu thì nàng đã bị một đội ngũ rầm rộ gồm hơn mười người đón đi, cũng không biết là đã đi đâu, cần phải dò la kỹ càng.”
Giang Tiều nâng tay vỗ nhẹ vai Thẩm Kính An, an ủi y: “Người chết không thể sống lại, Tri Dật đừng quá đau lòng. Về phần cháu gái đang lưu lạc bên ngoài của ngươi, ngô sẽ sai người tìm kiếm khắp nơi.”
Hiện giờ Giang Tiều đã không còn là Tiết độ sứ Tuyên Võ hay Ngụy vương như ngày trước, mà là thiên tử của cả một quốc gia. Chung quy lại, sự khác biệt giữa vua và thần vốn không thể coi thường, y không thể chỉ xem người như chúa công hoặc ân nhân đơn thuần được nữa.
Thẩm Kính An nhất thời bừng tỉnh, tự biết đã vô tình làm rối loạn tôn ti, cuống cuồng chắp tay trước ngực thi lễ, sắc mặt khôi phục như thường, cung kính nói: “Thần tạ Thánh thượng đã quan tâm.”
Thấy hắn không còn u sầu như vừa nãy, Giang Tiều lại tiếp lời: “Việc cấp bách trước mắt là phải nhanh chóng chiếm được Trì Châu, thu về hai trấn Tuyên Hấp và Trấn Hải cho Nam Ngụy.”
“Thần nguyện lãnh binh đi trước.” Thẩm Kính An lập tức quỳ xuống đất thỉnh mệnh.
Giang Triều đích thân đỡ hắn đứng lên, ôn tồn nói: “Ngô luôn tin tưởng Tri Dật. Sáng mai lâm triều, ngô sẽ ban cho ngươi năm vạn binh mã để xuất chinh. Nếu lần này Tri Dật có thể thuận lợi hạ được Trì Châu, ngô sẽ lấy công phong hầu cho ngươi. Đến lúc đó, đám lão thần theo ngô bấy lâu hẳn cũng không dám ý kiến gì.”
Thẩm Kính An lại chắp tay hành quân lễ với Giang Tiều, ánh mắt kiên định: “Thần quyết không phụ sự kỳ vọng của Thánh thượng.”
Rời khỏi hoàng cung, y đi thẳng về biệt phủ ở ngoại thành.
Lúc này, Lý Lệnh Nghi đang ngồi trên đệm hương bồ, cầm bút đề chữ.
Cửa sổ hơi hé, gió thu se lạnh.
Những lọn tóc mai lay động theo gió.
Thẩm Kính An không cho người vào thông truyền trước, vừa bước vào thủy tạ liền thấy cảnh tượng ấy.
“Tiết thu bên hồ lạnh lẽo, công chúa cứ để gió thổi như vậy, không sợ cảm lạnh sao?” Y cung kính thi lễ, giọng điệu rõ là có ý nhắc nhở.
“Triều đại trước đã không còn tồn tại, danh xưng công chúa của ta cũng chẳng còn nữa, Thẩm lang quân cứ gọi ta Lệnh Nghi là được.”
Thẩm Kính An ngồi xuống một chiếc ghế đẩu đối diện với nàng, tự rót một chén trà, bình thản nói: “Trong lòng mỗ, bất kể triều trước còn hay mất, người vẫn luôn là công chúa Tuyên Thành danh tiếng lẫy lừng. Thánh thượng đã lệnh để mỗ Đông chinh, đợi hạ được Trì Châu, thu phục hai trấn Tuyên Hấp và Trấn Hải, nếu công chúa còn muốn trở lại Kính Đình Sơn, mỗ sẽ sai người đưa người về.”
Lý Lệnh Nghi viết nốt hàng chữ cuối cùng rồi hạ bút, ngước mắt nhìn y, “Ta đã quen sống ở Kính Đình Sơn, tất nhiên là muốn về đó. Thời gian qua đa tạ Thẩm lang quân đã quan tâm đến ta, nếu không, e rằng đã phát sinh thêm nhiều biến cố.”
Thẩm Kính An nhấp một ngụm trà, thu lại ánh mắt nhìn lướt qua tờ giấy Tuyên đang đặt trước mặt nàng, trên đó đề mấy dòng chữ: “Thuỷ liên u trúc sơn song hạ, Bất cải thanh âm, đãi ngã quy.” [3]
[3] Hai câu trích trong bài: Mộ xuân quy cố sơn thảo đường (Cuối xuân, về nhà tranh ở núi cũ). Tác giả hình như là Đỗ Phủ (?)
Dịch nghĩa: Chỉ thương khóm trúc u ẩn bên cửa sổ nhìn ra núi/ Không đổi sắc xanh âm u, đứng chờ ta về. (Nguồn chú thích: thivien.net)
Khóm trúc. Thẩm Kính An ngẫm nghĩ về hai chữ ấy, chỉ cảm thấy vị nữ lang trước mắt quả thực có tính cách thanh nhã, giống như cốt cách của trúc xanh.
“Công chúa thực sự không muốn phục quốc sao?”
Lý Lệnh Nghi khẽ lắc đầu, trầm mặc một lúc rồi bình tĩnh nói: “Thiên hạ đại thế hợp lâu tất phân, phân lâu tất hợp, vương triều thay đổi là thuận theo lẽ tự nhiên. Ta chỉ mong có người sớm kết thúc loạn thế, để muôn dân trăm họ không còn phải chịu cảnh binh đao. Những kẻ mượn danh nghĩa ta để chiêu binh mãi mã thực chất chỉ muốn khuếch trương thế lực, mưu đồ dùng thiên tử hiệu triệu chư hầu, danh nghĩa đường hoàng nhưng xảo trá khó lường. Nếu những kẻ như vậy trở thành đế vương, khổ nạn vẫn là dân chúng.”
Nàng luôn có thể chậm rãi nói ra những lời khiến người nghe phải suy ngẫm và thán phục. Tim Thẩm Kính An không khỏi đập nhanh, cố nén sự xao động lướt qua tận đáy lòng, điềm nhiên như thường mà đáp: “Công chúa tuy là nữ nhi, nhưng tầm nhìn và sự hiểu biết về thế sự lại không thua kém đấng nam nhi nào trên đời, nếu người là nam tử ắt hẳn đã tạo nên nghiệp lớn.”
“Trên đời này, không phải chỉ có kiến công lập nghiệp mới gọi là nghiệp lớn. Như các y quán, phường buôn, phường thêu hay phường thủ công… đều có thể tạo ra những thành tựu riêng trong lĩnh vực của mình. Dù không có thanh danh vang dội, nhưng chữa bệnh cứu người, buôn bán hàng hóa, làm ra quần áo che thân chống rét, chẳng phải đều là việc tốt, có ích cho dân cho nước hay sao?”
Nghe vậy, Thẩm Kính An mới nhận ra những lời nói vừa rồi của mình quá mức hạn hẹp, bèn vội chắp tay trước ngực: “Công chúa nói rất đúng, Thẩm mỗ xin được thụ giáo.”
Hai người trò chuyện thêm một lúc, Thẩm Kính An dặn dò nhóm tỳ nữ trong phủ phải chăm sóc nàng thật chu đáo, nếu có thiếu thốn gì, cứ đến phủ của y mà lấy. Nhóm tỳ nữ gật đầu vâng lệnh, lúc này y mới rời khỏi biệt phủ.
Sáng hôm sau tại Minh Đường, đúng như dự báo, Giang Tiều ban chiếu, lệnh Thẩm Kính An dẫn binh tiên phong, lên đường Đông chinh.
…
Ánh nắng ban mai nhẹ nhàng chiếu lên gương mặt, Thì Yến Vi chậm rãi tỉnh dậy. Tống Hành hiếm khi ngủ nướng, giờ này đã sớm đến nha môn xử lý công vụ.
Khi Tống Hành trở về phủ, hắn bước nhanh vào sân thì vừa hay trông thấy Thi Yến Vi đứng một mình tựa vào khung cửa, mắt không chớp nhìn Luyện Nhi đang cầm một cọng lông vũ, trêu đùa con mèo mắt xanh vừa tròn nửa năm tuổi.
Gió thu se lạnh thổi ùa qua cửa sổ, cuốn bay làn váy trắng tinh của Thi Yến Vi, thuần khiết như cánh hoa lê mùa xuân đang đúng kỳ nở rộ.
Luyện Nhi thấy vậy, rối rít quỳ xuống hành lễ, tuân theo lệnh Tống Hành ôm con mèo kia rời đi.
Tống Hành bế Thi Yến Vi lên, thân hình nàng nhỏ bé đến nỗi bị che khuất hoàn toàn trong vòng tay hắn, như thể hắn có thể ôm hai người như nàng cùng một lúc vậy.
Hắn đặt nàng xuống giường La Hán, dù biết nàng chẳng mấy để tâm nhưng Tống Hành vẫn luôn kiên nhẫn để bắt chuyện trước với nàng: “Hai mươi tám cuối tháng này là ngày Nhị nương xuất giá. Tính ra thì nương tử cũng đã hơn một năm chưa gặp con bé rồi đúng không nhỉ?”
Vì là nhắc đến Tống Thanh Hòa nên Thi Yến Vi mới nhướn mày đáp lại.
“Nhị nương sắp phải xuất giá sao?”
Thi Yến Vi bấm đốt ngón tay, thầm nghĩ nàng ấy mới có mười bảy tuổi, nếu ở hiện đại thì chẳng phải chính là cái tuổi đang học trung học đó sao?
Trong lòng nàng trào dâng một cảm xúc khó tả, tựa như không thể nào chấp nhận nổi sự thật này.
Ngay lúc ấy, trên đỉnh đầu vang lên giọng nói trầm thấp của Tống Hành:
“Con bé cũng mười bảy rồi, đâu còn nhỏ nữa. Nương tử có muốn cùng ta về Thái Nguyên tiễn Nhị nương không?”
Lời này vừa hay chính là những gì Thi Yến Vi muốn. Nàng đang định tìm một cái cớ rời khỏi để Lạc Dương quay về Thái Nguyên, nhờ đó tạm thoát khỏi tầm kiểm soát chặt chẽ của Tống Hành. Nào ngờ, hắn lại vô tình dâng lên lý do hoàn hảo này.
“Đương nhiên là muốn chứ.” Thi Yến Vi đáp một cách dứt khoát, phớt lờ bàn tay không mấy an phận kia.
Dường như Tống Hành cũng có ý chờ câu trả lời này của nàng, cánh môi mỏng nhưng đầy đặn bỗng gợn lên ý cười, ngữ điệu mang hàm ý sâu xa: “Nhị nương luôn nghĩ nương tử âm thầm rời khỏi Thái Nguyên để đến Trường An, nếu lần này nương tử cùng ta trở về Thái Nguyên, không biết nàng định dùng thân phận gì để xuất hiện trước mặt Nhị nương hay định ứng đối thế nào đây nếu nhỡ may con bé hỏi đến?”
Hắn nói đến nước này nên dù không muốn thì vẫn phải hiểu. Tống Hành chẳng qua là đang chờ nàng mở lời trước, nói nàng muốn trở thành nhũ nhân của hắn.
Nhưng nếu nàng đồng ý nhanh quá thì rất có thể sẽ khiến hắn sinh nghi.
Thi Yến Vi trầm ngâm một lúc, rũ mắt rồi ngượng ngùng nói: “Thì cứ nói là gặp nhau ở Trường An, ta nghe tin Nhị nương sắp sửa thành hôn nên mới đi theo Tấn vương trở về Thái Nguyên.”
Khuôn mặt nàng bỗng đỏ lên, không phải vì xấu hổ mà là do quá lo lắng và kích động. Chỉ cần Tống Hành đồng ý để nàng ở lại Thái Nguyên, nàng sẽ có cơ hội trốn thoát từ một nơi mà nàng khá quen thuộc là Tống phủ.
“Ý nương tử là ta mang theo nàng trở về Thái Nguyên, sau đó phải trơ mắt nhìn nàng mà không thể gần gũi, thậm chí trước mặt người khác thì vẫn phải giữ gìn quy củ, đối đãi với nàng như khách quý trong phủ?” Thanh âm Tống Hành bỗng chốc nặng nề, ý cười trên mặt ngưng lại thành băng, giọng điệu cao vút mà không hề báo trước: “Dương Sở Âm, giờ mà nàng vẫn còn dám mơ tưởng! Thế thì thà để nàng ở lại Lạc Dương còn hơn.”
“Đừng mà, ta không muốn ở lại Lạc Dương một mình…” Thi Yến Vi vội vàng phản đối, hai tay chống lên ngực hắn, ngồi thẳng dậy trên đùi hắn, đôi mắt trong veo ngước nhìn hắn, dùng tư thái hạ thấp của một tiểu nữ nhi.
Giọng nói yểu điệu của nàng lại vang lên: “Năm ngoái lúc còn ở Tống phủ, Nhị nương đối đãi với ta rất thân thiết. Giờ nàng sắp phải xuất giá nên ta cũng muốn được gặp lại nàng.”
Bóng hoa hắt lên màn cửa sổ làm bằng lụa mỏng chập chờn lay động, như bức tranh thủy mặc điểm nét phồn hoa, nhành cây theo cơn gió chiều khẽ đung đưa, sống động như vừa được tiếp thêm sinh khí.
Tống Hành hít nhẹ hương hoa thoang thoảng, bàn tay nhẹ nhàng nâng lấy khuôn mặt ngọc ngà trắng nõn của Thi Yến Vi, giọng nói trầm ấm pha chút mê hoặc: “Nương tử ngoan, hãy ngẫm kỹ lại những điều ta vừa nói. Nếu nàng hiểu được lòng ta, không chỉ một lần mà về sau nàng muốn gặp bao nhiêu lần mà chẳng được.”
Thi Yến Vi suy tư một lúc, ánh mắt sáng lên vẻ ngạc nhiên pha lẫn kỳ vọng, rồi thoáng chau mày, dò hỏi: “Tấn vương đã nói muốn đón ta làm nhũ nhân, không biết có định giữ lời chăng?”
Tống Hành không hề lẩn tránh, nghe theo tiếng lòng mà khẳng định chắc nịch, giọng đầy quả quyết: “Đương nhiên là giữ lời.”
Một lúc lâu sau, Thi Yến Vi mới hùa theo ý hắn: “Đợi Nhị nương xuất giá xong, Tấn vương hãy quay về Lạc Dương xử lý chính sự, sau đó mời người chọn ngày lành tháng tốt, đón ta từ Thái Nguyên về Lạc Dương? Ta không có người thân ở Lạc Dương, thực chẳng biết nên xuất giá từ đâu.”
Nàng thầm tính toán, chỉ cần Tống Hành đồng ý để nàng ở lại Thái Nguyên đợi gả, nàng sẽ nhân cơ hội đó, bỏ trốn từ một nơi quen thuộc như Tống phủ. Còn về giấy tờ và thân phận, chỉ cần thoát được ra ngoài, nàng sẽ nghĩ cách đi đường thủy cách xa Thái Nguyên, sau đó tìm một thôn trấn xa xôi để ẩn náu.
Hiện tại, Ai đế của tiền triều đã được an táng ở hoàng lăng. Chuyện Tống Hành lập triều ở Lạc Dương e cũng chẳng còn bao lâu nữa, nếu mọi việc thuận lợi thì chỉ mất khoảng chừng một năm rưỡi đến hai năm.
Đến lúc đó, hắn sẽ ngày đêm bận rộn với quốc sự, làm gì có đủ thời gian để mà truy tìm tung tích nàng. Huống chi Tiết phu nhân dù tuổi đã cao nhưng đầu óc vẫn còn rất minh mẫn, chắc chắn sẽ khuyên nhủ hắn sớm lập hoàng hậu, mở rộng hậu cung, khai chi tán diệp cho dòng dõi Tống thị.
Quân vương rải đều mưa móc, có ái thê mỹ thiếp bầu bạn thì liệu Tống Hành còn mấy phần tâm tư để mà nhớ đến nàng?
Thi Yến Vi còn đang miên man suy nghĩ thì chợt nghe Tống Hành mở miệng. Hắn híp cặp mắt phượng, nhìn thẳng mắt nàng bằng ánh mắt dò xét: “Vậy nương tử nói xem, từ nay về sau nàng có cam tâm tình nguyện ở bên cạnh ta, vĩnh viễn không rời?”
Thi Yến Vi vốn không tin vào những chuyện quỷ thần hư ảo, nhưng từ khi nàng bất ngờ xuyên vào thân thể này rồi được trọng sinh, chủ nghĩa duy vật trong lòng nàng đã đôi ba phần bị ảnh hưởng.
Nhưng dù vậy, khát khao được thoát ra khỏi lòng bàn tay Tống Hành đã chiến thắng tất cả. Vì để trấn an hắn, không còn cách nào khác ngoài cắn răng, miễn cưỡng thề thốt: “Nếu ta không thật tâm muốn làm nhũ nhân của Tấn vương thì sẽ không nói ra những lời này. Còn nếu Tấn vương vẫn chưa thể tin ta, ta xin thề ngay bây giờ: Cả đời này ta nguyện cùng Tấn vương sánh bước, quyết không phụ lòng. Nếu sau này có trái lời thề, nguyện đời này không được chết tử…”
Chữ cuối còn chưa kịp thốt ra, Tống Hành đã bất ngờ đưa tay bịt kín đôi môi đỏ mọng của nàng. Hắn nhíu mày, vẻ mặt nghiêm nghị: “Nương tử ngoan nào, ta chưa từng nói muốn nàng lập lời thề độc. Dù nàng có bản lĩnh lên trời xuống đất lần nữa trốn khỏi tay ta, ta cũng sẽ dùng mọi cách để tìm về. Ta cần một người sống, chứ một người chết thì có ích gì? Ta chỉ cần nàng thôi, đừng bao giờ nói những lời hồ đồ đó nữa.”
Lúc này Thi Yến Vi mới vội gật đầu, tỏ ý sẽ không nói những lời như thế nữa. Tống Hành cũng thu tay, rũ mắt cúi đầu, nhìn thẳng vào mắt nàng.
Trong mắt của mỗi người đều phản chiếu hình bóng đối phương. Ngọn gió đêm lạnh lẽo thổi qua, tà áo nhẹ nhàng phất phơ nhưng không mảy may chạm đến hình bóng đó.
Mọi thứ xung quanh như chìm sâu vào yên tĩnh, chỉ còn tiếng gió vi vút bên ngoài cửa cùng tiếng ve nho nhỏ của một đêm cuối hè. Thi Yến Vi liền tựa vào vai hắn, hỏi: “Tấn vương đồng ý với ta rồi đúng không?”
Tống Hành khẽ gật đầu, chân mày giãn ra, nhẹ giọng đáp: “Nương tử suy nghĩ chu toàn, ta há lại không đáp ứng. Ở Lạc Dương nàng không thân không thích, cũng không thể để nàng bước ra khỏi cửa phủ rồi liền vào thẳng phòng ta? Tuy nàng lớn lên ở Văn Thủy thuộc phủ Thái Nguyên, nhưng thân nhân của nàng đều đã không còn. Nàng đã quyết ý gả cho ta, làm nhũ nương của ta, từ nay về sau, Nhị nương và a bà chính là người thân của nàng. Có hai người họ ở bên chăm sóc nàng, ta cũng sẽ an lòng hơn. Hơn nữa, nàng xuất giá từ Tống phủ trong vẻ vang, cả phương Bắc lẫn Lạc Dương đều sẽ biết ta trân trọng nàng đến nhường nào. Dù tương lai chính phi có nhập phủ thì không một ai dám cả gan khinh thường nàng.”
Thi Yến Vi cúi xuống, móc vào đầu ngón út của hắn như một đứa trẻ, dáng vẻ hoạt bát lanh lợi: “Được, vậy cứ thế mà làm. Lần này Tấn vương không được gạt ta nữa đâu đấy. Gạt người sẽ biến thành cún con!”
Tống Hành hiểu nàng vẫn còn canh cánh trong lòng về ước hẹn ba năm, cho rằng hắn đã lừa gạt và đùa bỡn nàng, nhưng biết sao được, kể từ khi hắn có được nàng thì không tài nào buông ra được nữa. Hắn cũng từng tự trách bản thân, song sau bao lần cố nén cảm xúc đều không thành, rốt cuộc hắn chọn đầu hàng, trở thành kẻ lật lọng vô liêm sỉ trước mặt nàng.
Dù chỉ là trò đùa trẻ con, nhưng vì người đó là nàng, Tống Hành vẫn vui vẻ phối hợp, đưa ngón út lên móc vào tay nàng: “Nương tử ngoan, từ nay về sau, ta sẽ không bao giờ… lừa dối nàng nữa, càng không bao giờ bội tín với nàng. Những gì khiến nàng không vui hãy để nó trở thành quá khứ. Ta sẽ bù đắp, yêu chiều nàng gấp bội. Chỉ cần nàng không rời bỏ ta, khắp Bắc địa và đất Lạc Dương này, nàng muốn làm gì cũng được. Trên đời này ngoài ta ra, không ai dám cấm cản nàng, càng không ai dám khiến nàng phải chịu ấm ức.”
Nói tới nói lui, ý hắn là nàng chỉ cần phục tùng một vị chủ nhân duy nhất là hắn, sau đó nàng sẽ được phép “cáo mượn oai hùm”, “mượn gió bẻ măng”.
Có lẽ trong mắt hắn, đó đã là ân huệ lớn nhất dành cho nàng rồi.
Tống Hành không cần biết nàng đang nghĩ gì, cúi đầu hôn lên phiến môi đỏ như chu sa rồi ép nàng hé mở miệng thơm, ngay cả dưỡng khí xung quanh cũng đều bị hắn đoạt lấy, hơi thở chậm rãi đứt đoạn.
Sáng nay hắn đã cạo sạch râu, không còn đâm lởm chởm vào mặt nàng như tối qua nữa.
Đêm ấy, Tống Hành giữ đúng mực, ôm nàng ngủ yên, không làm điều gì vượt quá giới hạn.
Vài ngày sau, thời tiết đột ngột thay đổi. Mây mù giăng kín khắp bầu trời Lạc Dương, báo hiệu trận mưa lớn sắp đến.
Gần đến giờ Tý, khi Thi Yến Vi đang say ngủ trong vòng tay ấm áp của Tống Hành thì bất chợt bị tiếng gõ cửa dồn dập đánh thức. Tiếp theo đó, tiếng gọi khẩn thiết của Phùng Quý vang lên, báo rằng Trình Tư mã vừa đến, dự đoán rằng thành Lạc Dương sắp đón trận mưa lớn hiếm gặp trong suốt mười năm, thỉnh Tống Hành mau chóng dời đến vùng cao để tránh lũ.
Nghe vậy, Tống Hành vội giúp Thi Yến Vi mặc lại xiêm y, còn bản thân hắn thì chỉ kịp khoác áo bào phủ lên lớp y phục xộc xệch. Hắn lớn tiếng gọi người chuẩn bị xe, một tay bế Thi Yến Vi vào lòng, tay kia nhận lấy ô giấy dầu từ tay Phùng Quý, lội qua dòng nước đưa nàng lên xe ngựa rồi đặt một nụ hôn nhẹ lên trán nàng.
“Nương tử cứ yên tâm đi theo Phùng Quý, bách tính Lạc Dương đã là con dân do ta bảo hộ, không có lý nào ta lại bỏ mặc họ mà chạy trước. Nương tử cũng không cần lo lắng cho ta. Con người ta xưa nay phúc lớn mệnh dày, bao lần thập tử nhất sinh trên chiến trường mà cũng không chết nổi. Nương tử chỉ cần kiên nhẫn đợi ta về là được.”
Vừa dứt lời, mưa đã bắt đầu nặng hạt hơn. Đối diện với thiên tai ập tới, trái tim Thi Yến Vi bỗng treo lơ lửng. Nghe hắn nói sẽ đích thân chỉ huy việc chống lũ lụt, chẳng hiểu sao giờ phút này nàng không còn cảm giác căm ghét hay bài xích hắn như trước, chỉ mong sao hắn có thể làm tròn trách nhiệm, giảm bớt thương vong.
Nghĩ đến đây, Thi Yến Vi dùng sức gật mạnh đầu, lần đầu tiên nàng vỗ nhẹ lên mu bàn tay hắn, “Được, ta sẽ chờ ngài.”
Tống Hành được những lời này của nàng, không trì hoãn thêm nữa, cũng không kịp nhìn theo bóng xe chở Thi Yến Vi rời đi, hắn nhanh chóng khoác áo tơi, đội đấu lạp, cưỡi ngựa băng qua màn mưa, thẳng đến quan thự.
Hắn sai người vung roi giục ngựa thông báo tới các thôn trấn lân cận, đồng thời lệnh quân Hà Đông hỗ trợ quan sai trong thành cùng các phường đinh sơ tán dân chúng. Nếu có lương thực mang theo được thì dùng xe chuyển đi. Những người già yếu, bệnh tật sẽ được ưu tiên ngồi lên xe ngựa, ai không có chỗ ngồi thì sẽ được chiến mã của quân Hà Đông cõng trên lưng.
Mưa kéo dài suốt ba ngày mới dứt, và cõi lòng Thi Yến Vi cũng bị nhấc lên suốt ba ngày.
Đêm ấy canh ba, Tống Hành bỗng quay về, toàn thân mệt mỏi rã rời.
Sợ phiền đến giấc ngủ của Thi Yến Vi, hắn chỉ trải một tấm chăn cách xa giường để ngủ.
Thi Yến Vi vẫn luôn thấp thỏm vì tình hình thiên tai nên mấy đêm liền cũng không thể ngủ ngon, nàng vừa chợp mắt đã bị động tĩnh rất nhỏ của hắn đánh thức.
“Tống Hành.” Thi Yến Vi khẽ gọi tên hắn.
Giọng nói quen thuộc của nàng lọt vào tai, Tống Hành lập tức tỉnh táo lại, nhìn về phía giường nơi nàng đang nằm.
“Ta đây. Nương tử đừng lo, mưa đã tạnh, không còn nguy hiểm gì nữa. Giờ Mẹo sáng mai ta còn phải ra ngoài kiểm tra thiệt hại về nhà cửa trong thành, dọn dẹp bờ đê, bến cảng. Ta sợ làm phiền giấc ngủ của nàng nên nằm dưới đất ngủ cũng được.”
Thi Yến Vi nghe xong, lòng bất giác nghĩ rằng hắn có đủ tư cách để được xem là một chúa công giàu trách nhiệm. Nếu như hắn chưa từng làm những chuyện đó với nàng, có lẽ trong mắt nàng, hắn cũng sẽ được trọng vọng như cách mà những binh lính và dân chúng ngoài kia kính trọng hắn.
“Không sao, hai ngày nay ta ở đây cũng không làm được gì, đã ngủ đủ rồi. Ngài vất vả mấy ngày liền, lên giường ngủ đi, mai còn phải ra ngoài, nhất định phải giữ tinh thần tốt.”
Những lời này của nàng quá mức mê người, Tống Hành không nỡ bỏ lỡ cơ hội, hắn liên tục gật gù, chỉ vài bước mà đã chạy đến giường, cẩn thận nhấc một góc chăn chui vào.
Chiếc giường này không rộng bằng giường ở quý phủ, chăn cũng không đủ ấm áp, Tống Hành phải ôm chặt lấy nàng thì mới không thấy chật.
Tống Hành ôm nàng, cảm nhận hơi ấm từ cơ thể nàng, bàn tay to lớn rất có khuôn phép, chỉ vòng qua eo nàng, trầm giọng nói: “Nơi này không bì được với quý phủ, khiến nàng phải chịu khổ rồi.”
Thi Yến Vi lắc lắc đầu “Ta được người của ngài bảo vệ, có phải chịu khổ gì đâu. Người thực sự chịu khổ là bách tính ngoài kia. Ngài nghỉ sớm đi, làm tốt những việc sắp tới mới là điều quan trọng nhất.”
“Được, ta nghe Âm Nương, ngủ ngay đây.” Tống Hành đã lâu không được chợp mắt nên giờ đã thấm mệt. Hắn nhắm mắt, cảm nhận hơi thở bình yên của nàng, chỉ một thoáng sau đã từ từ ngủ say.
*
Chú thích hình ảnh:
[1] Thần thú Quỳ Ngưu:
Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên
Chương 55: Quỳ Ngưu Nô
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương