Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 60: Diên Châu



Bên trong Tống phủ, cảnh tượng bận rộn tưng bừng, không ai lưu tâm đến động tĩnh của Thi Yến Vi, càng không ai phát hiện điều bất thường ở viện Phù Thúy. Mọi chuyện diễn ra êm thấm, thần không biết, quỷ không hay.

Đến giữa trưa, Thôi Giác vận hỉ phục viên lĩnh đỏ thẫm, cưỡi trên thất ngựa uy dũng, dẫn đầu đoàn phù rể rầm rộ kéo về Tống phủ. 

Ngựa dừng lại trước cổng Tống phủ, Thôi Giác tung người nhảy xuống ngựa, bước nhanh vào phủ. Trước tiên, hắn đặt đôi chim nhạn tự tay săn được ở chính đường để hoàn thành lễ Điện nhạn, [1] sau đó mới cùng đội phù rể tiến về Đông phòng, nơi Tống Thanh Hòa đang trang điểm. 

[1] lễ Điện nhạn: là một nghi thức trong hôn lễ truyền thống Trung Hoa, đặc biệt phổ biến trong các gia đình quý tộc và văn nhân thời phong kiến. Trong lễ này, chú rể mang một đôi ngỗng (nhạn) đến nhà cô dâu để trao tặng. Ngỗng (nhạn) được chọn vì đây là loài chim thường sống thành đôi và có tính thủy chung cao. Việc tặng đôi ngỗng trong lễ cưới mang ý nghĩa cầu chúc cho hôn nhân bền vững, hòa hợp và trọn đời bên nhau. Ngoài ra, ngỗng còn tượng trưng cho sự hiền hòa và sự gắn bó giữa hai gia đình, vì loài chim này thường đi theo bầy đàn và biết đoàn kết.

Thôi Giác kiên nhẫn đợi ở sương phòng gần một canh giờ mà vẫn không thấy tân nương bước ra nên khó lòng tránh khỏi nôn nóng. Hắn đứng dậy bước ra ngoài chính phòng, cao giọng thúc giục.

Thế nhưng nhóm phù dâu đang đứng dưới hàng lang lại không chút nể nang, thẳng tay ngăn hắn ngoài cửa, không thèm đáp lời. 

Thôi Giác bất mãn bỏ đi. Lại thêm nửa canh giờ trôi qua, hắn đứng dậy lần nữa, bước xuống thềm, cất giọng ngâm bài thơ giục cưới. [2]

[2] bài thơ giục cưới: “Thôi trang thi” (推妆诗) là một loại thơ trong văn hóa cưới hỏi cổ xưa của Trung Quốc, thường được chú rể hoặc người đại diện của chú rể sử dụng để “thúc giục” cô dâu chuẩn bị xong và ra khỏi phòng trang điểm vào ngày cưới. Trong lễ cưới truyền thống, cô dâu thường phải trải qua quá trình trang điểm, mặc trang phục và đeo trang sức rất cầu kỳ, và thời gian này có thể kéo dài, tạo ra sự chờ đợi. Để thêm phần trang trọng và cũng là một hình thức giao lưu văn chương, chú rể hoặc đoàn tân khách có thể ngâm “thôi trang thi” bên ngoài phòng trang điểm nhằm bày tỏ sự nôn nóng, mong mỏi gặp mặt tân nương, hoặc thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn trọng.

Không giống như lần trước, Họa Bình vận váy áo đỏ nhạt bước ra từ cửa, mỉm cười nói: “Tân nương chuẩn bị cài trâm, mong rằng lang quân chớ vội.”

Thôi Giác nghe thấy, cùng mấy phù rể cúi mình thi lễ, cung kính đáp: “Đa tạ nương tử đã báo tin.”

Giọng nói đầy chân thành của Thôi Giác lọt vào tai. Tống Thanh Hòa đang khoác lên mình bộ váy lục hoa quế, trong lòng không khỏi hồi hộp, bàn tay nắm chặt khăn lụa cũng rịn mồ hôi. Tân nương ngồi trước gương đồng, mái tóc vấn cao, dung nhan như họa, đôi má ửng hồng thẹn thùng, trâm vàng óng ả trên tóc cùng đóa điền mai diễm lệ đỏ tươi khiến nàng đẹp đến nao lòng.

Một lúc sau, lại có tỳ nữ bưng khay gỗ đàn tiến đến. Cao phu nhân đích thân gỡ mũ hoa, cài vào giữa búi tóc, rồi dùng một đôi trâm vàng cánh sen và bộ diêu bằng ngọc nạm vàng cài hai bên tóc mai, xen kẽ cùng mười cây trâm hoa vàng đính lưu ly. 

Họa Bình chỉ nhìn qua đã biết kiểu tóc này hẳn là rất nặng, liền cùng Tiểu Phiến đỡ nàng đứng dậy. 

Tống Thanh Hòa ngân ngấn nước mắt, lần lượt từ biệt Cao phu nhân và Tiết phu nhân, sau đó lại cùng Tổ Giang Lan nói chuyện một hồi. Nàng còn đang tìm kiếm bóng dáng Thi Yến Vi giữa đám đông thì ngoài phòng lại vang lên giọng ngâm bài thơ giục cưới của Thôi Giác. 

Chưa kịp nói câu nào thì bàn tay đã được nhét vào một cây quạt tròn từ lúc nào không hay. Cao phu nhân giục nàng dùng quạt che mặt, Tống Thanh Hòa luống cuống làm theo, chớp mắt đã bị đám tỳ nữ bà tử vây quanh rời khỏi phòng.

Trong viện Phù Thúy, Giang Nghiên là người tỉnh lại đầu tiên.

Lúc này trời đã vào đêm, vầng trăng vươn lên, lấp ló nơi đầu cành. Khoảng sân rộng lớn chẳng có lấy một ánh đèn, tĩnh lặng đến nỗi nghe rõ cả tiếng lá rơi. Giang Nghiên chớp mắt, đầu óc vẫn còn mơ hồ, ký ức ngắt quãng dừng đúng lúc hắn uống cạn hai bát rượu thù du to.

Đã là canh giờ nào rồi? Giang Nghiên tỉnh táo hẳn, mở to mắt, vội bước ra khỏi ghế dài, mò mẫm trong bóng tối tiến tới bên cửa sổ. Nhìn ra ngoài, chỉ thấy trên bầu trời là vầng trăng khuyết xanh lơ và vài ngôi sao mờ nhạt. Ánh trăng thanh khiết, ánh sao thì nhạt nhòa.

Suốt cả chiều nay, hắn đã làm gì? Đầu óc nhức nhối kinh khủng, khắp viện yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy cả tiếng kim rơi. Giang Nghiên mở cửa sổ để ánh trăng chiếu vào, quay đầu nhìn lại thì thấy mấy người kia vẫn đang ngủ rất say.

Hỏng rồi. Tim Giang Nghiên bỗng đập thình thịch, chẳng để ý gì đến mấy đồng liêu đang gục trên bàn, ba bước gộp làm hai lao đến chính phòng của Thi Yến Vi, đẩy cửa bước vào, ánh mắt quét một lượt khắp phòng: không một bóng người.

Hắn lại cuống cuồng chạy đến phòng bên cạnh, chỉ thấy vài ba tỳ nữ bà mụ ngã gục quanh bàn, dường như còn ngủ say hơn cả bọn họ.

Nam nữ khác biệt, Giang Nghiên không tiện chạm vào từng người, đành rót một chén trà rồi lần lượt hất nước lên từng người một để đánh thức.

Lưu mụ còn đang mơ màng, vuốt mặt một cái, thấy bóng người trước mặt định quát lên, nhưng chợt cảm thấy điều gì đó bất thường. Bà lập tức bật dậy, mở to mắt nhìn quanh. Dương nương tử đã biến mất không còn một dấu vết.

Chẳng lẽ… Dương nương tử đã bỏ thuốc mê cho bọn họ rồi tự mình bỏ trốn? Lưu mụ nghĩ đến khả năng ấy, toàn thân rùng mình, hai chân mềm nhũn.

Những người khác cũng lần lượt tỉnh lại.

Quất Bạch yếu ớt xoa xoa trán, cố trấn tĩnh để sắp xếp dòng suy nghĩ đứt đoạn: “Là Đông Tuyết, trước khi ngất đi, ta thấy các người ngất trước… là chén rượu ấy, đúng rồi, ta chưa uống, chén rượu ấy… chắc chắn là chén rượu ấy, Đông Tuyết sợ ta kêu lên nên đã đánh ngất ta.”

Rượu ư? Giang Nghiên bước tới, mở nắp bình rượu, đưa lên mũi ngửi thử, đích thực là rượu thù du.

Các tỳ nữ và bà mụ hầu hạ Dương nương tử đều uống loại rượu này.

Dương nương tử xưa nay hiếm khi ra ngoài, dù có xuống phố dạo chơi thì cũng đều dưới sự theo dõi sát sao, căn bản không thể kiếm được thuốc mê, huống hồ còn cho vào trong rượu.

Tỳ nữ tên Đông Tuyết vốn không phải là người hầu ở viện Phù Thúy, nay người của viện Phù Thúy đều ở đây, chỉ riêng Đông Tuyết là không thấy. Nếu Dương nương tử thật sự bỏ trốn, vậy kẻ tiếp tay không ai khác chính là Đông Tuyết.

Nàng ta có thể ra tay chuẩn xác đánh ngất người khác, hẳn là biết chút võ công.

Giang Nghiên nhíu chặt mày, vội chạy tới nhà dưới đánh thức các thị vệ khác dậy, rồi sốt sắng tới Thối Hàn cư tìm Phùng Quý thông báo tình hình.

Phùng Quý vừa đun xong nước nóng, định sau khi rửa mặt sẽ nghỉ ngơi sớm, nào ngờ lại nhận được tin như sét đánh ngang tai, nhất thời không thể hoàn hồn.

Khi nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc, hắn bỗng cuống cuồng, cơn buồn ngủ cũng lập tức bay biến. 

Một buổi chiều là quá đủ để Dương nương tử rời khỏi Thái Nguyên, bỏ sang các huyện lân cận.

Bọn họ chẳng qua là kẻ hầu của chủ tử thì sao có thể huy động quan binh trong thành lùng sục Dương nương tử một cách công khai?

Hơn nữa nếu đúng như lời Giang Nghiên nói, lần này Dương nương tử được người khác tương trợ, nếu nàng còn cải trang kỹ càng thì việc truy tìm ắt sẽ càng gian nan.

Rốt cuộc là ai to gan đến mức dám thả người trong lòng gia chủ? Phùng Quý thầm nghĩ, phút chốc liền nhớ đến một người.

Chẳng ai khác ngoài Tam lang quân, em trai ruột của gia chủ, Tống Duật.

Tam lang quân xưa nay đối nhân xử thế hiền hòa, rất trọng tình nghĩa, mà a huynh của Dương nương tử, Dương Duyên, từng vì cứu ngài mà mất mạng, trước lúc lâm chung lại đích thân nhờ cậy, gửi gắm Dương nương tử cho ngài, hẳn là ngài vẫn luôn thấy mắc nợ với Dương nương tử.

Nếu như tình ý của Dương nương tử đối với gia chủ bấy lâu chỉ là giả vờ, trong thâm tâm vẫn luôn tìm cách rời xa gia chủ, chiếu theo tính tình của Tam lang quân, nếu ngài biết được ý định thật của nàng thì việc ra tay giúp nàng trốn thoát cũng là điều hợp tình hợp lý.

Tam lang quân tinh tế nhạy bén, đã có lòng thả nàng đi thì hẳn đã chuẩn bị chu toàn, e rằng ngay cả giấy thông hành và hộ tịch cũng đều đã sắp đặt sẵn cho cả hai người họ…

Nghĩ đến đây, Phùng Quý không khỏi tự trách, không kìm được hút một ngụm khí lạnh, tâm tình như chìm xuống đáy cốc, thầm trách bản thân đã không cảnh giác với Tam lang quân nhiều hơn.

Gia chủ còn đang ở tiền tuyến đánh trận, mà hắn ngay cả nữ lang được gia chủ trân trọng yêu thương nhất cũng không thể trông giữ nổi, khiến nàng lại một lần nữa không để lại dấu vết, phản bội gia chủ rời đi, thực có lỗi với sự phó thác của gia chủ.

Phùng Quý thậm chí không dám tưởng tượng cảnh gia chủ sau khi thắng trận, thúc ngựa không kể ngày đêm trở về Thái Nguyên chỉ để nhanh chóng gặp lại Dương nương tử, thế mà điều đón chờ ngài chỉ là căn phòng trống rỗng quạnh hiu thì ngài sẽ đau lòng và giận dữ đến nhường nào.

Lần này, gia chủ sẽ giết người thật mất.

Trận chiến lần này, gia chủ nắm chắc phần thắng, từ đó thuận lợi đăng cơ, xưng đế tại Lạc Dương, đạt ngôi chí tôn, làm chủ thiên hạ. Uy nghi của ngài sao có thể dung thứ cho một nữ nhân nhỏ nhoi dám chà đạp?

Dù trung thành với Tống Hành, nhưng trước một nữ lang luôn đối xử ôn hòa và chân thành với mọi người, hắn cũng có vài phần cảm tình lẫn không đành lòng. 

Đến tận hôm nay, trước sự kiên cường của Dương nương tử, hắn thực lòng có chút khâm phục nàng.

Bây giờ việc quan trọng nhất là phải tìm hiểu xem nàng đi về phương nào rồi nhanh chóng truy tìm nàng về. Nghĩa đến đây, Phùng Quý lập tức bước nhanh ra ngoài, đi tìm Tống Duật.

Hôm nay, Tống Duật uống vài chén rượu, tắm rửa xong liền sang phòng của Tổ Giang Lan. Thấy nàng đang ôm bé Tống Lân bụ bẫm ru ngủ, vì sợ nàng mệt nên nhanh chân tiến lên đón lấy Tống Lân, vỗ nhẹ vào má bé.

Tống Lân lim dim sắp ngủ, bị vỗ nhẹ nên tỉnh hẳn, lập tức khóc òa. Tổ Giang Lan hốt hoảng ôm bé lại vào lòng, liếc mắt trách hắn: “Tam lang này, tật vụng về của chàng cũng nên sửa ngay đi. Nếu cứ thế này, chẳng phải là chỉ giúp thiếp thêm phiền thôi sao?”

Nói xong lại hướng ánh nhìn trìu mến về khuôn mặt mũm mĩm, trắng hồng của Tống Lân, vỗ nhẹ lưng bé, ân cần dỗ dành: “Tề Nô ngoan, phụ thân con cũng không cố ý làm con thức giấc đâu, Tề Nô đừng giận phụ thân nhé?”

Tống Lân mới tám tháng, dĩ nhiên không hiểu những lời của mẫu thân, đôi mắt tròn xoe tò mò nhìn đôi môi mấp máy đỏ mọng của nàng, nhìn một lát không thấy gì thú vị, bé lại khóc nấc lên. 

Tiếng khóc của ấu tử làm Tống Duật chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ đến chuyện của Thi Yến Vi. Hắn hớt hải đi tìm chiếc trống bỏi và con hổ vải mà Tống Lân yêu thích.

Con hổ vải là do Tống Duật tự tay làm trong lúc rảnh rỗi, nhờ tú nương dạy cách may, dù đường chỉ có phần lệch lạc nhưng Tống Lân lại rất thích, thường cầm trong tay chơi đùa.

Một nhà ba người đầm ấm hòa hợp, dùng xong bữa tối thì trời đã nhá nhem, Tống Lân được nhũ nương bồng đi bú sữa, Tống Duật mới có dịp ngồi bên Tổ Giang Lan, ôm nàng ngồi trong lòng, bóp vai đấm chân cho nàng.

Vì mải nghĩ đến chuyện Thi Yến Vi bỏ đi, hắn mất tập trung, nhất thời mạnh tay khiến Tổ Giang Lan rên nhẹ thành tiếng. Tống Duật hoàn hồn, đang định xin lỗi thì bất ngờ nghe tỳ nữ báo tin, Phùng lang quân ở bên ngoài cầu kiến nhưng lại không chịu vào viện. 

“Đã là Phùng Quý bên cạnh Nhị lang tìm đến, hẳn là việc quan trọng. Thập Nhất cứ nghỉ ngơi trước, không cần đợi ta.” Nói xong, hắn liền ra ngoài.

Tống Duật vừa thấy vẻ mặt tối tăm khó đoán của Phùng Quý, hắn ngầm hiểu rằng Kiếm Sương hẳn đã hoàn thành sự tình như dự tính.

Phùng Quý dẫn hắn tới sau giả sơn, quỳ sụp xuống trước mặt Tống Duật, nói thẳng: “Dương nương tử đã mất dấu nửa ngày, có phải lang quân đã thả nàng đi không?”

Tống Duật sớm biết không thể giấu được hắn và Nhị huynh, nên cũng không định biện hộ, khom lưng đỡ hắn dậy, thẳng thắn thừa nhận: “Việc này, quả thực là do mỗ dày công sắp xếp. Người thả Dương nương tử đi chính là mỗ, không sai.”

Dù đã bao lần tưởng tượng ra viễn cảnh này nhưng Phùng Quý vẫn không khỏi tròn mắt kinh ngạc khi nghe Tống Duật đáp lại với vẻ nhẹ tênh, cứ như người bị thả chỉ là một con chim nhỏ bình thường ở trong lồng.

“Lang quân rõ ràng biết gia chủ muốn nạp nàng làm nhũ nhân, chuyện này cũng do Dương nương tử tự miệng đồng ý, sao ngài có thể hành sự như vậy được!”

Tống Duật chỉ cười lạnh, trầm giọng hỏi ngược lại: “Thật ư? Nhưng Dương nương tử từng đích thân nói với mỗ rằng, nàng không muốn làm nhũ nhân của Nhị lang. Mỗ không biết các ngươi đã dùng thủ đoạn gì để ép nàng, chỉ biết rằng, nàng là muội muội ruột duy nhất của Dương lang trên đời này, mỗ tuyệt sẽ không để yên. Nhị lang tương lai muốn thành đại nghiệp, sao có thể làm loại chuyện tiểu nhân này! Ngươi nên hiểu, mỗ làm như vậy cũng là vì tốt cho Nhị lang.”

Phùng Quý đối diện với hắn, thấy hắn đưa tay ra nhưng làm như không thấy, vẫn quỳ trên mặt đất, không chịu đứng lên. “Lang quân hành sự quyết liệt như vậy, chẳng lẽ không sợ tổn thương tình cảm huynh đệ với gia chủ hay sao?”

“Tính cách của gia chủ thế nào, ta và ngài đều rõ, nếu sự việc bại lộ, Dương nương tử bị gia chủ tìm lại chỉ sợ sống không bằng chết; nếu ngài chịu dừng lại, kịp thời ngăn lại đường đi của Dương nương tử, sự tình vẫn còn cách cứu vãn.”

Tống Duật thản nhiên liếc hắn một cái, ánh mắt kiên quyết lắc đầu, “Không còn cơ hội nào để xoay chuyển nữa đâu. Giấy thông hành có chừa lại chỗ trống, mỗ cũng không biết Dương nương tử sẽ đi đâu; còn về nhân mã trong thành, cũng sẽ không dấy động chỉ để tìm kiếm một nữ nhân.”

“Nhị lang hiện đang chinh chiến bên ngoài, sao có thể phân tâm vì việc vụn vặt này? Ngươi đã theo Nhị lang bao năm, trong lòng hẳn tự biết quyết định nào là đúng đắn.” 

Dứt lời, hắn phất áo bỏ đi, để mặc Phùng Quý tiếp tục quỳ. Dứt lời, không ngoảnh lại mà rời khỏi nơi này, tìm đến Giang Nghiên và những người khác, dặn họ phải lấy đại cục làm trọng, tạm thời không báo tin này cho Tấn vương ở Kì Châu. Lại bảo người đi tìm quản sự trong phủ, lệnh hộ vệ tăng cường phòng bị, nếu không có lệnh của hắn, không ai được phép ra khỏi phủ, cũng không được lén chuyển đồ ra ngoài.

Thúy Trúc cư.

Phùng Quý mang đầy tâm sự bước tới bậc thềm, thấy Lưu mụ từ trong nhà bước ra.

Sắc mặt bà cũng nặng nề, có lẽ vừa báo việc Dương nương tử bỏ trốn cho Thái phu nhân.

Lưu mụ mặt lạnh bước xuống bậc, liếc nhìn hắn một cái, “Chuyện Dương nương tử bỏ trốn, lão thân vừa bẩm báo với Thái phu nhân, Thái phu nhân không bận tâm lắm, dường như không muốn can thiệp vào; hơn nữa, Thái phu nhân nói rằng thân thể mệt mỏi, vừa dặn dò sẽ không tiếp bất kỳ ai.”

Phùng Quý đâu dễ bỏ cuộc, không màng đến lời khuyên can của Lưu mụ, bước lên bậc đá định gõ cửa thì Hoán Trúc từ trong nhà đẩy cửa đi ra, lắc đầu với hắn.

Hoán Trúc dẫn hắn vào góc, khuyên nhủ: “Chuyện Dương nương tử bỏ trốn, Thái phu nhân bên ngoài thì thờ ơ, nhưng trong lòng thì đang giận lắm, người vừa sai Sơ Vũ lấy mộc chùy tới, giờ này sẽ không gặp ai đâu.”

Tâm phúc của Tiết phu nhân ở Thúy Trúc cơ chỉ có ba người là Sơ Vũ, Đống Tuyết và Thụy Thánh. Nay Đống Tuyết chuyển sang viện Phù Thúy nên đã nâng Hoán Trúc lên làm nhất đẳng tỳ nữ, hầu hạ bên cạnh cùng Sơ Vũ. 

Được nàng khuyên giải thêm lần nữa, lúc này Phùng Quý mới thôi ý định cầu kiến Tiết phu nhân, cùng nàng hàn huyên thêm một hai câu rồi xoay người rời đi. 

Một lúc sau, lại có hạ nhân xách hộp đồ ăn tiến vào.

Tiết phu nhân giờ vẫn đang nóng giận, Hoán Trúc sợ nàng vô tình khơi mào cơn giận của chủ tử, bèn chỉ tay ra cửa nhíu mày lắc nhẹ đầu, ngụ ý tâm trạng của Thái phu nhân không tốt, nàng đừng nên lại gần.

Hoán Trúc giơ tay đón lấy hộp thức ăn rồi nói, “Em lui xuống nghỉ ngơi đi, để ta thay lần này cho.”

Nữ lang nghe vậy liền chắp tay trước ngực thi lễ, gật đầu rón rén lui về. 

Hoán Trúc mang hộp thức ăn vào phòng, lấy chén canh an thần, hai tay dâng lên Tiết phu nhân: “Thái phu nhân dùng chút canh an thần nhé.”

Tiết phu nhân dừng động tác gõ mộc chùy, dùng ánh mắt hiệu cho Hoán Trúc đặt chén canh xuống, chậm rãi hỏi: “Ngươi đã khuyên được hắn đi rồi?”

Hoán Trúc gật đầu, “Dạ.”

Tiết phu nhân thở dài thành tiếng, buồn bã nói: “Vừa nghe chuyện ấy, quả thật lão thân giận lắm, chỉ trách Dương nương tử đã ba lần bảy lượt bội bạc Nhị lang. Nhưng nghĩ kỹ lại, tình cảm nam nữ vốn chẳng thể cưỡng cầu bằng quyền thế. Nếu nàng không có tình ý gì với Nhị lang, thì dù Nhị lang có dốc hết tâm sức, thủ đoạn cũng chẳng thể đổi lấy được nửa phần chân tình từ nàng. Thôi thì để nàng tự do, cũng chẳng cần tốn công tìm lại. Người làm đại sự không được câu nệ tiểu tiết, sao phải gò mình vào chuyện nữ nhi tầm thường? Nhị lang nhiều lần vì nàng mà mất đi thể diện, phá vỡ khuôn phép, thật là không nên. Nay nàng tự ý bỏ đi, thiết nghĩ, Nhị lang sau khi trở về biết được chuyện này, ắt sẽ tỉnh ngộ ngay thôi.”

Hoán Trúc chợt nghĩ. Giả như nàng không thích Phùng Quý, liệu có vì hắn là kẻ được gia chủ tín nhiệm, trong phủ lại có chút thể diện mà thuận theo hắn hay không?

Nhưng trên đời chẳng có chuyện giá như.

“Thái phu nhân dạy phải.”

Cùng lúc ấy, ở Kì Châu cách xa vạn dặm.

Trình Diễm nhảy xuống ngựa, cấp tốc bước vào trong trướng.

Tống Hành bỏ cây bút chu sa trong tay xuống, đứng dậy, đi đến trước mặt Trình Diễm, cúi đầu nhìn thành trì trên sa bàn, điềm tĩnh hỏi: “Việc di tản dân cư trong thành đã làm đến đâu rồi?”

Trình Diễm đáp: “Bẩm Tiết soái, gần chín phần đã chuyển tới phía sau thành. Nhà cửa ven đường đã được dọn sạch theo lệnh Tiết soái, ngày mai có thể mở cổng thành nghênh chiến.”

Tống Hành đặt tay phải lên sa bàn, mắt nhìn về vị trí của Trần Thương, rồi nói: “Vệ Tuân và Tiết Phụng đã rời thành theo đường nhỏ vào đêm qua, tính ra giờ này cũng sắp tới Phượng Châu rồi.”

Nghe vậy, Trình Diễm trầm tư trong giây lát, đáp: “Theo tốc độ hành quân của quân Hà Đông, có lẽ chiều mai sẽ đến được Hưng Châu.”

Nói rồi, Tống Hành nhấc một tượng lính làm bằng đất nung, chậm rãi di chuyển đến vị trí của Trần Thương, nhẩm tính: “Mỗi ngày điều thêm khoảng hai trăm binh lính đi theo đường mòn tới Trần Thương, lão tặc Vương Sùng ắt sẽ nghĩ rằng lần này Bùi Trinh xuất binh là để đoạt lại Trần Thương, nhưng kỳ thực là đánh úp Hưng Châu, mở đường công phá Tây Nam.”

Ánh mắt của Trình Diễm di chuyển theo hướng tay của Tống Hành, lập tức hiểu được ý định, liền chuyển sang bàn về các vấn đề khác.

Bàn bạc xong, Tống Hành nhìn vào đồng hồ nước trên án, nhận ra đã quá canh nhất (19h) mộtlúc lâu, liền bảo với Trình Diễm: “Truyền lệnh xuống, tối nay quân doanh tắt đèn nghỉ sớm một canh giờ, binh sĩ tuần tra chia làm ba tốp thay phiên canh gác.”

Trình Diễm lĩnh mệnh, xoay người lui ra ngoài.

Tống Hành lấy khăn nhúng ít nước lau mặt, cởi áo choàng cùng giày vớ, thổi tắt đèn, gối đầu nằm nghỉ.

Hôm nay vốn là ngày đại hôn của Tống Thanh Hòa, song gần đây vì bận rộn việc quân trong thành, nhất thời đã quên mất chuyện nàng sắp phải xuất giá. Trái lại, chiếc áo lót và khăn tay từng dùng của Thi Yến Vi, lại được hắn cất giữ cẩn thận ở doanh trướng, lúc này lấy từ dưới gối ra nâng niu trong lòng bàn tay, ngắm nhìn một hồi, lại không kiềm được mà vuốt ve mấy lượt, sau đó mới chịu cất vào trong vạt áo.

Lớp vải mềm mại áp sát ngực, khiến hắn có cảm giác như Thi Yến Vi đang kề cận bên hắn, thân tâm mệt nhoài dần được thả lỏng. 

Có lẽ vật thuộc về nàng khiến hắn cảm thấy yên tâm nên chẳng mấy chốc đã chìm vào giấc ngủ, hoàn toàn không hay biết gì về chuyện nữ lang hắn hằng đêm mong nhớ giờ này đã cao chạy xa bay. 

Màn đêm buông xuống, ánh trăng nhu hòa trải dài khắp cánh đồng hoang vu vô tận, vạn vật như được dát thêm một lớp sương bàng bạc. 

Trên quan đạo ngoài huyện Cổ Giao, cùng tiếng “hú” kéo dài, một chiếc xe ngựa cũ kỹ không mấy nổi bật dừng lại trước một quán trọ lâu đời. Kiếm Sương và Thi Yến Vi lần lượt xách hành lý xuống xe, dắt ngựa cột dưới gốc liễu giữa sân rồi bước vào sảnh chính. Sau khi trả tiền và đăng ký bằng tên giả, hai người gọi một ấm trà hoa và hai bát hoành thánh, sai tiểu nhị đưa tới tận phòng.

Kiếm Sương dùng hỏa chiết đốt sáng cây nến trên giá, cẩn thận đặt tay nải lên đầu giường.

Thi Yến Vi đói cả một ngày, bụng reo òng ọc, ăn hết bát hoành thánh rồi lấy dư đồ từ trong tay nải ra xem xét kỹ lưỡng, nhẩm tính: nếu mỗi ngày đi trăm dặm, sáng mai khởi hành vào lúc tờ mờ sáng thì có thể tới huyện Lâu Phiền trước khi mặt trời lặn.

Đi liên tục trăm dặm mỗi ngày, chưa bàn đến ngựa có chịu nổi không, ngay cả thân mình nàng cũng mà trụ được. 

Khi đến Yên Châu chia tay Kiếm Sương, nàng sẽ đổi sang cưỡi ngựa, vừa có thể tăng tốc mà ngựa chỉ chở mỗi mình nàng cũng đỡ mệt, không đến mức đuối sức rồi đổ bệnh. 

Thi Yến Vi gỡ bỏ những suy tính trong đầu, cơn buồn ngủ cũng bất giác kéo tới. Nàng xếp lại dư đồ, đặt vào hành lý, rửa mặt qua loa, sau đó cởi áo thổi tắt đèn, dò dẫm nằm lên giường, ôm chặt túi tiền cũng cũng vật quan trọng khác vào ngực, mê man tiến vào mộng đẹp.

Kiếm Sương đặt thanh kiếm bên gối, một tay đặt lên vỏ lạnh lẽo của kiếm. Chỉ khi cảm nhận được hơi lạnh từ thanh kiếm, nàng mới có thể yên tâm đôi chút, đi vào giấc ngủ chập chờn. 

Sáng sớm hôm sau, Thi Yến Vi dậy đúng giờ Mão, lúc ấy trời vẫn còn tối, ánh nắng ban mai cũng chưa kịp ló dạng.

Kiếm Sương thu xếp gọn gàng rồi ra thanh toán tiền phòng và lấy xe.

Thi Yến Vi đội mũ có màn che, xuống lầu mua hai cái bánh bao, nhờ người gói bằng giấy vàng, sau khi trả tiền liền ngồi lên xe ngựa, tiếp tục dọc theo quan đạo tiến về huyện Lâu Phiền.

Phùng Quý, Giang Nghiên cùng một số người khác đều bị đội thị vệ mà Tống Duật điều đến giám sát chặt chẽ, không thể dấy lên chút sóng gió nào.

Gia nhân trong phủ đều nhận được lệnh không được bàn tán đến việc này.

Cứ như vậy, chỉ trong một ngày ngắn ngủi, phủ đệ tựa như chưa từng có người nào tên là Dương nương tử. Ai nấy đều trở về công việc của mình, khiến nàng dần rơi vào quên lãng.

Vài ngày sau, đến tiết Trùng Dương, tại thành Kì Châu.

Vương Ngũ nhận được tin mật, biết rằng Bùi Trinh đã chia quân chi viện cho Trần Thương hơn nửa tháng nay, quân số ước chừng không dưới năm nghìn, tất cả đều là tinh binh Phượng Tường, mỗi người có thể địch ba.

Tham quân tâu rằng thành Kì Châu đã bị vây khốn gần một tháng nay, lương thảo đã cạn, nay lại là tiết Trùng Dương, tướng sĩ quân dân trong thành không thể ra ngoài ngắm cảnh, lại thêm chiến sự bất lợi, ắt sẽ sinh lòng chán nản, ngay cả tướng thủ thành cũng không hề ra ngoài khiêu chiến, nếu đêm mai bất ngờ tập kích, ắt có thể làm ít hưởng nhiều, đoạt được thành mà không phải hao tổn quá nhiều sức lực. 

Vương Vũ nghe xong, dù rất tán thành nhưng lại không yên lòng về Trần Thương. Vùng đất quý giá này đâu dễ gì chiếm được, làm sao có thể để mất lần nữa.

Ngoài trướng, bóng chiều dần ngả, ánh tà dương qua khung cửa nhỏ chiếu vào, đọng trên gương mặt tròn, bên tóc mai đã hoa râm của Vương Vũ, những nếp nhăn trên trán và giữa lông mày hiện rõ. Vương Sùng nhận ra tâm sự và sự lo lắng của phụ thân, chắp tay nói: “Nếu cha tin tưởng Nhị lang, tối nay Nhị lang có thể dẫn binh công thành, chắc chắn sẽ sớm hạ thành Kì Châu. Nếu lòng cha không yên về Trần Thương, thì có thể dẫn một đội quân trở về phòng bị.”

Vương Vũ nghe vậy, trong lòng tràn đầy cảm giác “đúng là con trai ta,” liền giãn mày, đứng dậy bước đến vỗ vai Vương Sùng, cao giọng: “Nhị lang chiếm Trần Thương chỉ mất vài ngày, cha đương nhiên tin con.”

Nói xong, ông quay sang nhìn tham quân cùng những người khác, giao phó việc hạ thành Kì Châu cho Vương Sùng và tham quân, sau đó kiểm tra binh mã, lập tức trở về Trần Thương đề phòng Bùi Trinh đoạt thành.

Hai ngày sau, tiếng chém giết vang dội khắp ngoài thành Kì Châu.

Vương Sùng dẫn hàng vạn quân Vũ Định công thành, quân Phượng Tường trong thành quyết tử thủ, trên lầu thành lửa cháy ngút trời, quân Phượng Tường tay cầm đao kiếm chém thẳng vào những binh sĩ áo giáp ồ ạt tràn lên từ thang mây. 

Thế quân Vũ Định áp đảo, quân Phượng Tường dần rơi vào thế yếu, đến canh ba thì cổng thành đã bị phá.

Thấy cổng thành đã mở, Vương Sùng trong lòng mừng rỡ, giương thương lớn tiếng hô to: “Các tướng sĩ nghe lệnh, theo ta tiến vào thành, chém đầu lập công, ban thưởng một bậc, phong làm phó úy Chiêu Vũ!” Lệnh vừa ban ra, quân tâm phấn chấn, người thì tràn qua cổng, kẻ trèo lên thang mây, chỉ trong chốc lát, thành Kỳ Châu đã đầy rẫy quân Vũ Định.

Mọi thứ dường như tiến triển quá thuận lợi, chỉ thấy nhà cửa, hàng quán trong thành đều đóng cửa kín bưng, đường phố vắng tanh không bóng người, gió thu len lỏi qua ngõ phố, mang theo mùi tanh nồng nặc. Mũi thương của Vương Sùng vẫn còn đọng máu, từng giọt lại từng giọt nhỏ xuống, Vương Sùng chợt nắm chặt thương, cảm giác có điều gì đó không ổn. 

Thần kinh căng như dây đàn, đôi mắt diều hâu sắc bén nhìn quanh. Bỗng nghe tiếng vó ngựa vang lên từ xa, một bóng đen khổng lồ nhanh chóng lọt vào tầm mắt. Người ấy vừa từ đầu hẻm phóng ra, thân hình cao lớn vững chãi như núi, vai rộng như che cả bầu trời. Vừa thoáng thấy, Vương Sùng bỗng nhớ ngay đến lời người đương thời từng mô tả về Tống Hành.

Không thể như thế được, chẳng phải phụ thân nói hắn bị trọng thương không thể dậy nổi ư? Vương Sùng rối bời, nhưng tham quân bên cạnh đã kịp phản ứng, gấp gáp hô một chữ “Rút!”

Tống Hành kẹp chặt bụng ngựa, thúc ngựa lao tới, giọng vang như sấm: “Quân Hà Đông theo ngô xông pha giết địch, thề chết bảo hộ Kì Châu!” 

Chỉ trong chớp mắt, từ sau những cánh cửa gỗ lao ra, đen nghịt một vùng, tiếng hét vang trời.

Dưới ánh trăng mờ ảo, Tống Hành vung đao liên tiếp, giết sạch vài binh lính Vũ Định, thẳng hướng Vương Sùng mà lao tới.

Vương Sùng từ nhỏ đã tập võ, bao năm theo Vương Vũ chinh chiến Kim Thương, Kinh Nam, Kiềm Trung, toàn thắng nhiều phen, bỏ qua thân phận thứ tử của Vương Vũ thì hắn cũng được xem là một mãnh tướng.

Chỉ trong mấy chục nhịp thở, Tống Hành đã tới trước mặt Vương Sùng. Phó tướng Triệu Khải thấy vậy, ra sức thoát khỏi vòng vây quân Hà Đông, phi thân tới ném một thanh kiếm ngăn cú chém của Tống Hành.

Tống Hành nhíu mày, sát ý càng đậm, dồn lực một lần nữa đâm kiếm thẳng về phía Vương Sùng.

Vương Sùng vội vàng giơ trường thương trong tay lên chặn lưỡi kiếm của hắn.

Tống Hành lực đạo kinh người, thanh kiếm của hắn dài hơn kiếm thường không ít, ngay cả sức nặng cũng vượt xa bảo kiếm bình thường. Trường thương của Vương Vũ dù chắc chắn đến đâu thì vẫn bị trọng kiếm huyền thiết của Tống Hành chém rạn thành vết nứt sâu.

Một tiếng “keng” khác vang lên, chẳng biết từ đâu, Triệu Khải lại vớ được một thanh trường đao khác, chém mạnh vào lưỡi kiếm của Tống Hành.

Lưỡi kiếm nảy nhẹ lên. Tống Hành vận sức nắm chặt kiếm, cơ bắp trên cánh tay càng nổi rõ, chỉ sau hai hơi thở ngắn ngủi, lưỡi kiếm lại bắt đầu ép sát về phía Vương Sùng và Triệu Khải.

Triệu Khải gồng hết sức mình chống đỡ, mồ hôi nhễ nhại, gân xanh nổi lên, hắn hét lớn: “Đại cục làm trọng, lang quân mau đi đi!”

Vương Sùng cắn răng, hạ quyết tâm, vội thu thương quay ngựa về phía cổng thành bỏ chạy.

Giữa đám đông, có người quát lớn, cầm thương đuổi theo Vương Sùng, “Tên chó nhà họ Vương, chạy đâu cho thoát!”

Thấy người đó đuổi theo, Vương Sùng vội ghìm cương quay lại đỡ đòn. Người kia không địch nổi Vương Sùng, suýt thì bị Vương Sùng đả thương. May sao Tống Hành chém gục Triệu Khải đúng lúc, kịp thời chạy tới giải nguy. 

Vương Sùng trừng mắt nhìn Tống Hành, phun ra một bãi nước bọt, rồi nghiến răng giận dữ mắng: “Oắt con Tống Hành, hôm nay ngươi dám giết ta, cha ta bao năm tung hoành ở Tây Nam, nhất định không tha cho ngươi!”

Tống Hành vung kiếm mạnh mẽ chém xuống ngực hắn, Vương Sùng kịp phản ứng, đưa cán thương lên đỡ, chỉ nghe một tiếng “choang”, cán thương bị lưỡi kiếm chém gãy làm đôi.

Thấy hắn đang giết đỏ cả mắt, lòng Vương Sùng hoảng loạn, thúc ngựa bỏ chạy.

Phía sau hắn bỗng truyền tới ngữ điệu đầy khinh miệt của Tống Hành, “Giết ngươi thì đã sao? Về phần cha ngươi, mỗ cũng sẽ tiễn hắn xuống hoàng tuyền!”

Vương Sùng nghe xong hồn xiêu phách lạc, một lòng chỉ muốn chạy thoát thân, giục ngựa chạy thục mạng.

Tống Hành ghì chặt dây cương, một tay cầm kiếm đuổi theo, con ngựa của hắn lao đi tựa mũi tên rời cung, ngang nhiên chém giết đám quân Vũ Định yểm hộ cho Vương Sùng, một đường giết thẳng ra ngoài, đuổi đến ngoài thành, chặn đường thoát của Vương Sùng.

Đêm nay trăng sáng vô ngần, ánh nguyệt quang như dải lụa mềm phủ lên đất trời, tinh hà lấp lánh ôm lấy bóng trăng huyền ảo. Cảnh sắc yên bình và đẹp đẽ, cực kỳ tương phản với khung cảnh tàn khốc máu chảy thành sông trong thành Kì Châu.

Vương Sùng từng nếm trải thủ đoạn của Tống Hành, giờ chỉ còn một đoạn tàn thương trong tay, lòng hắn ngập tràn tuyệt vọng. Thay vì để Tống Hành giết chết, chi bằng tự kết liễu còn hơn. Nghĩ thế, hắn giơ trường thương lên định tự vẫn, nào ngờ Tống Hành nghiêng kiếm lên chặn lại.

“Lũ chuột nhắt các ngươi ở Trần Thương tàn sát quân dân Phượng Tường, tội ác không thể dung thứ. Hôm nay mỗ sẽ đích thân lấy mạng ngươi, để an ủi linh hồn họ nơi chín suối!” Tống Hành dứt lời, lưỡi kiếm theo đó giáng xuống, chớp mắt đã đâm thẳng vào tim Vương Sùng. Vương Sùng dù đã ôm tâm thế chịu chết, nhưng theo bản năng vẫn giơ thương ra đỡ.

Tống Hành chỉ dùng chưa đến bảy phần lực, vậy mà cũng đủ khiến mẩu thương gãy văng ra khỏi tay Vương Sùng, trong ánh mắt bàng hoàng tột cùng của Vương Sùng, kết thúc sinh mạng hắn.

Máu nóng từ vết thương tuôn trào, nhuộm đỏ lưỡi kiếm của Tống Hành, không biết là lần thứ bao nhiêu. 

Sắc mặt của Vương Sùng vặn vẹo đau đớn, còn Tống Hành thì vẻ mặt lạnh tanh, rút kiếm, để mặc thi thể hắn rơi khỏi lưng ngựa. 

Ánh mắt của Tống Hành thoáng qua như đang ngó một con kiến hôi, quay đầu lại, hắn ba lần hô vang rằng Vương Sùng đã bị hắn giết chết, quân Hà Đông tiến lên càng lúc càng đông, truy đuổi quan địch ra ngoài thành.

Chẳng bao lâu, một binh sĩ mắt tinh nhận ra Vương Sùng trên đất vẫn chưa tắt thở, bèn chặt đầu hắn, cắm lên đầu thương, phấn khích reo vang: “Tiết soái đã giết chủ soái quân địch, Tiết soái đã giết chủ soái quân địch!”

Quân Vũ Định tận mắt nhìn thấy thủ cấp Vương Sùng, nhuệ khí rã rời, bỏ chạy như ong vỡ tổ. 

Quân Hà Đông dưới sự chỉ huy của Trần Thắng theo đà truy kích, thế như chẻ tre phá tan đội hình phía sau của quân Vũ Định. Quân Vũ Định mất chủ soái, chủ tướng lại lần lượt bỏ mạng dưới kiếm Tống Hành. Quân Vũ Định đại bại, chỉ mới qua canh tư, kẻ chết thì chết, kẻ hàng thì hàng.

Tống Hành lệnh kiểm kê lương thực còn lại trong kho của Vũ Định quân, chia đều cho quân dân trong thành.

Gạo chất trong kho hạt nào hạt nấy chắc mẩy tròn trịa, đủ để thấy đất Thục phì nhiêu, sản vật phong phú đến nhường nào. 

Tống Hành bốc một nắm gạo trong tay, trong đầu hiện lên những câu từng đọc thuở nhỏ: “Ích Châu hiểm trở, đồng bằng ngàn dặm, điều kiện tự nhiên trù phú.” muốn dựng nghiệp lớn thống nhất thiên hạ, tuyệt không thể thiếu lương thảo dồi dào. Chỉ cần chiếm lấy Ích Châu, nguồn cung ứng sẽ không bao giờ đứt đoạn.

Giờ đây, nguy cơ tại Kì Châu đã được giải trừ, ưu tiên trước mắt là nghỉ ngơi dưỡng sức. Tống Hành không muốn tàn sát tù binh, chỉ lệnh thu hồi binh khí, cởi bỏ giáp trụ, lưu lại nghìn quân Hà Đông quản thúc, lại sai đám tù binh xây dựng tường thành, sửa sang nhà cửa, dọn dẹp lòng sông, khai hoang trồng trọt.

Trận chiến này khiến quân Phượng Tường càng thêm kính ngưỡng Tống Hành.

Sau khi thăm hỏi, an ủi các tướng sĩ bị thương, Tống Hành dùng một chiếc khăn thô nhúng nước lau qua mặt, vén chăn chợp mắt một chút. Bên ngoài trời đã tảng sáng.

Chẳng mấy chốc đã đến trung tuần tháng Chín, Tiết độ sứ Hồ Nam tự lập tại Đàm Châu, quốc hiệu Nam Sở.

Vài ngày sau, Tống Hành công phá Phượng Châu, nghỉ ngơi tại chỗ hai ngày rồi dẫn quân tiến dần về phía Tây Nam, thẳng đến Hưng Châu.

Thu tàn đông đến, đất Bắc mỗi ngày một lạnh hơn.

Thi Yến Vi đưa tờ thông hành cho cho thành môn lang xem xét, thuận lợi vào được thành Diên Châu.

Kiếm Sương đánh xe ngựa tìm đến một khách điếm bình thường, hỏi Thi Yến Vi có muốn ra chợ mua thêm y phục và ít lương khô không. Thi Yến Vi cũng chưa vội mua sắm vì trong lòng còn việc hệ trọng khác. Chừng nào chưa có câu trả lời thỏa đáng, nàng sẽ không thể an tâm.

Hai người đem đồ đạc cất vào phòng khách, xuống lầu gọi tiểu nhị đến chọn một ấm trà cùng hai món xào, một mặn một chay.

Thi Yến Vi vén góc rèm, dùng xong cơm trưa, nhỏ nhẹ nói: “Ta muốn ghé qua một y quán gần đây.”

Kiếm Sương chỉ nghĩ là nàng mệt mỏi vì bôn ba đường xa, lại thêm ra khỏi Hà Đông chưa quen thổ nhưỡng nên mới sinh bệnh, bèn quan tâm hỏi: “Nương tử có chỗ nào không khỏe sao?”

Thi Yến Vi lắc đầu, “Chỉ là bệnh cũ đã nhiều năm, nay đã vào thành thì tiện thể đến y quán xem thế nào, nếu không sao thì cũng đỡ lo hơn.”

Kiếm Sương vô cùng nhanh nhẹn, nghe nàng nói thế liền đi tính tiền cơm, ra ngoài lấy xe ngựa đậu sẵn trước cửa, nhắc nàng cẩn thận dưới chân, chờ nàng lên xe rồi mới đánh xe đi.

Xe ngựa dừng trước một y quán gia truyền, Thi Yến Vi đội mũ sa xuống xe, tự mình đi vào, trong khi Kiếm Sương kiên nhẫn chờ bên ngoài.

Thi Yến Vi cũng chẳng vòng vo, yêu cầu y công bắt mạch, xem có phải là hỉ mạch hay không.

Y công đặt một chiếc khăn mỏng lên tay nàng, cẩn thận bắt mạch, một lát sau rời tay khỏi cổ tay nàng, cau mày nói: “Nữ lang không có thai, hơn nữa thân thể nữ lang dường như không khỏe mạnh như những nữ lang khác, có thể tháo mũ cho lão phu nhìn thử sắc mặt không?”

Vì đã rời khỏi Hà Đông, lại có mũ che mặt, nên hôm nay nàng không thoa phấn vàng. Thi Yến Vi làm theo lời y công, tháo mũ che mặt, lộ ra một gương mặt mộc thanh khiết.

Trải qua bốn bước vọng, văn, vấn, thiết, y công nói: “Quả nhiên đúng như nương tử nói, nương tử thường xuyên dùng canh tị tự suốt bốn tháng, lại chưa điều dưỡng kịp thời, mỗi ngày dẫm trên băng lạnh gần một khắc đồng hồ, kéo dài suốt ba tháng, tinh thần u uất không được giải tỏa, e rằng khí huyết ứ trệ, tử cung hàn lãnh, về sau e rằng khó có con.”

“Khó mà có con” chứ không phải triệt để mất đi khả năng sinh nở khiến Thi Yến Vi không khỏi cảm thấy vướng bận. Nếu có thể nghĩ đến phương diện tồi tệ nhất, nàng thà nghe rằng mình vĩnh viễn không thể mang thai.

Cả đời này, nàng đã quyết sẽ không tái giá, huống hồ là ở thời cổ đại với điều kiện y học kém cỏi, nàng càng không muốn vì sinh con mà liều mạng bước vào Quỷ Môn quan. 

Những loại thuốc phổ biến như trị phong hàn và bầm tím đều đã được Tống Duật Tống Duật chu đáo chuẩn bị sẵn trong xe ngựa nên không phải mua thêm. Thi Yến Vi trả xong chẩn phí liền không nhắc đến chuyện điều dưỡng thân thể, ngược lại nhẹ bước rời khỏi y quán.

Kiếm Sương thấy nàng ra, tiến lên hỏi thăm tình hình sức khỏe.

Thi Yến Vi nhoẻn cười, ung dung đáp: “Y công đã xem qua, nói rằng không có gì đáng ngại, thậm chí không cần uống thuốc nên đừng lo lắng quá. Chúng ta vất vả lắm mới vào được thành, cũng nên mua thêm một con ngựa nữa.”

Lời vừa dứt, Kiếm Sương cảm thấy có điều gì đó không đúng, nhưng chẳng biết rõ rốt cuộc sai ở đâu. Nàng sóng bước bên cạnh Thi Yến Vi, dè dặt hỏi lại: “Phải chăng nương tử cảm thấy tốc độ của một con ngựa hơi chậm nên mới định dùng một đôi ngựa để kéo xe?”

Thi Yến Vi dừng bước, nhấc nhẹ mành sa để lộ đôi mắt sáng ngời, nhìn thẳng vào Kiếm Sương, giọng điệu nhẹ bẫng: “Kiếm Sương, thế gian này vẫn còn rất nhiều cảnh đẹp mà cô chưa từng thấy, nhiều người, việc, vật mà cô chưa từng biết. Như là hoang mạc ngút ngàn ở Tây Bắc, ruộng sen bát ngát ở Giang Nam, sóng biển lấp lánh ở Hải Châu, hay thảo nguyên bạt ngàn của Tái Bắc. Lẽ nào cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sống vì chính mình một lần sao?”
Chương trước Chương tiếp
Vietwriter; Bongdaso; Bongdapro; Keonhacaivip; W88; NEW88; NEW88;
Tele: @erictran21
Loading...