Hoàng Tử Bé
Chương 6: Phần 21 - 25
XXIChính vào lúc đó con cáo xuất hiện.– Chúc một ngày tốt lành, con cáo nói.– Chúc một ngày tốt lành, ông hoàng nhỏ đáp lại lịch sự, em quay lại nhưng chẳng thấy gì cả.– Tớ đây này, giọng nói cất lên, ở dưới cây táo– Cậu là ai thế? Ông hoàng nhỏ nói, cậu thật là xinh.– Tớ là một con cáo, con cáo nói.– Đến chơi với mình đi, ông hoàng nhỏ rủ cáo. Mình buồn quá..– Tớ không chơi với cậu được. Tớ chưa được cảm hoá.– à! Xin lỗi, ông hoàng nhỏ nói.Nhưng sau khi suy nghĩ, em hỏi thêm– Thế nào gọi là "cảm hoá"?– Cậu không phải dân ở đây. Cậu đi tìm cái gì?– Tớ đi tìm những con người, ông hoàng nhỏ nói. Thế nào gọi là "cảm hoá"?– Loài người, cáo nói, họ có súng và họ. Phiền lắm. Họ cũng nuôi gà nữa. Đó là cái duy nhất hấp dẫn ở họ. Cậu đi kiếm gà phải không?– Không! Ông hoàng nhỏ nói, mình kiếm bạn. Thế nào gọi là "cảm hoá"?– ấy là một điều bị lãng quên quá rồi, cáo nói. Nó có nghĩa là " tạo lên những liên hệ.."– Tạo lên những liên hệ?– Đúng như vậy, con cáo nói. Đối với tớ hiện giờ cậu chỉ là một cậu bé hoàn toàn giống trăm nghìn cậu bé khác. Và tớ chẳng cần gì ở cậu. Và cậu cũng chẳng cần gì ở tớ. Tớ đối đối với cậu chỉ là một con cáo giống như trăm nghìn con cáo. Nhưng, nếu cậu cảm hoá tớ, cậu sẽ là duy nhất trên đời...– Tớ bắt đầu hiểu, ông hoàng nhỏ nói. Có một bông hoa...tớ nghĩ là nàng cảm hoá tớ...– Có thể lắm, cáo nói. Có thể gặp mọi sự trên trái đất này...– ồ! Không phải trên trái trái đất này đâu, ông hoàng nhỏ nói.Con cáo có vẻ chú ý:– Trên một hành tinh khác à?– Phải.– Trên hành tinh ấy, có thợ săn không?– Không.– Thế thì hay đấy. Thế còn gà?– Không.– Chả có điều gì là hoàn hảo cả! Cáo thở dài.Nhưng rồi cáo trở lại với ý nghĩ của nó:– Đời tớ tẻ nhạt. Tớ săn gà, người săn tớ. Tất cả loài gà đều giống nhau, và tất cả loài người đều giống nhau. Vì thế, tớ hơi chán. Nhưng nếu cậu cảm tớ, đời tớ sẽ rực nắng. Tớ sẽ nhận ra một bước chân khác hẳn mọi bước chân khác. Các bước chân khác sẽ làm cho tớ chui ngay xuống đất. Nhưng bước chân của cậu lại sẽ gọi tớ từ hang chạy ra, như là một điệu nhạc. Và cậu hãy nhìn kia! Cậu thấy không, ở kia, những đồng lúa mì ấy? Tớ không ăn bánh mì. Lúa mì đối với tớ là vô dụng. Các cánh đồng lúa mì đối với tớ chẳng có gì khêu gợi. Cái đó buồn lắm. Nhưng cậu có mái tóc mầu vàng kim. Thế thì sẽ rất tuyệt một khi cậu cảm hoá tớ! Lúa mì, vốn màu vàng kim, sẽ gợi cho tớ kỷ niệm về cậu. Và tớ sẽ yêu tiếng gió reo trong lúa mì...Cáo im lặng và nhìn ông hoàng nhỏ một lúc lâu:– Nếu cậu vui lòng, hãy cảm hoá tớ đi, cáo nói!– Tớ cũng muốn thế lắm, ông hoàng nhỏ trả lời, nhưng tớ không có nhiều thì giờ. Tớ cần tìm kiếm nhiều bạn và tìm hiểu bao nhiêu sự vật.– Người ta chỉ hiểu được những vật người ta đã cảm hoá, cáo nói. Loài người bây giờ không còn đủ thì giờ hiểu cái gì hết. Họ mua những vật làm sẵn ở các nhà buôn. Nhưng không ở đâu có nhà buôn bạn, con người không có bạn nữa. Nếu cậu muốn có một người bạn, hãy cảm hoá tớ!– Phải làm sao? ông hoàng nhỏ hỏi.– Phải thật kiên nhẫn, cáo trả lời. Ban đầu cậu hãy ngồi hơi xa tớ một tí, như thế, ở trong cỏ. Tớ dưa mắt liếc nhìn cậu, và cậu chẳng nói gì cả. Ngôn ngữ là nguồn gốc của ngộ nhận. Nhưng mỗi ngày, cậu có thể ngồi gần một tí...Ngày hôm sau, ông hoàng nhỏ trở lại.– Tốt hơn là nên đến đúng giờ như hôm trước, cáo nói. Nếu cậu đến, chẳng hạn như lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ, mình đã cảm thấy hạnh phúc. Thời khắc càng trôi, mình lại càng hạnh phúc. Đến bốn giờ thì mình phát cuồng lên và lo lắng; và mình sẽ hiểu cái giá của hạnh phúc! Nhưng nếu cậu đến bất cứ lúc nào, mình không biết lúc nào thì nên trang phục cho cõi lòng mình... Phải có nghi thức chứ.– Nghi thức là cái gì? ông hoàng nhỏ hỏi.– Đó cũng là cái bị quên lâu quá rồi, cáo nói. Đó cũng là cái gì làm ột ngày trở nên khác những ngày khác, một giờ trở nên khác những giờ khác. Có một nghi thức, chẳng hạn của bọn thợ săn của tớ. Mỗi thứ năm, họ khiêu vũ với các cô gái trong làng. Thế thì thứ năm là một ngày kỳ diệu! Hôm ấy tớ có thể rong chơi đến tận vườn nho. Nếu bọn thợ săn mà khiêu vũ bất cứ ngày nào, thì ngày nào cũng như ngày nào, tớ sẽ chẳng có ngày nào được nghỉ nữa.Thế là ông hoàng nhỏ cảm hoá con cáo. Và giờ ra đi đã đến:– A! Cáo nói, tớ sắp khóc lên đây.– Đó là lỗi tại cậu, ông hoàng nhỏ nói. Mình tuyệt chẳng muốn cậu khổ, cậu lại cứ muốn mình cảm hoá cậu.– Đúng thế, cáo nói.– Nhưng cậu sẽ khóc! ông hoàng nhỏ nói.– Đúng thế, cáo nói.– Thế thì cậu chẳng được gì cả!– Được chứ, cáo nói, là do cái màu vàng của lúa mì ấy.Rồi nó nói thêm:– Hãy trở lại thăm những đoá hồng đi. Cậu sẽ thấy đoá hoa của cậu là duy nhất trên đời. Rồi cậu hãy lại đây từ biệt tớ, tớ sẽ làm quà cho cậu một điều bí mật.Ông hoàng nhỏ đi thăm lại những đoá hoa hồng.– Các cô chẳng giống chút nào với đoá hồng của tôi, các cô chưa là gì cả, em bảo các bông hồng. Chưa ai cảm hoá các cô, các cô cũng chưa cảm hoá ai. Các cô giống như con cáo của tôi trước kia. Nó chỉ là một con cáo giống như trăm nghìn con cáo. Song tôi đã làm cho nó trở thành bạn tôi, và bây giờ nó trở nên duy nhất trên đời.Và các bông hồng hết sức lúng túng.– Các cô đẹp, nhưng các cô trống rỗng, em nói với họ. Người ta không thể chết vì các cô được. Phải, đoá hồng của tôi, một người qua đường tầm thường tưởng là nàng giống các cô. Nhưng đối với tôi thì nàng quan trọng hơn tất cả các cô, bởi vì chính là nàng mà tay tôi đã tưới. Bởi vì chính là nàng mà tôi đã đặt chính dưới bầu kính. Bởi vì chính là nàng mà tôi đã che bằng tấm bình phong. Bởi vì là nàng mà tôi đã bắt những con sâu (trừ hai ba con dành để thành bướm). Bởi vì chính là nàng mà tôi đã ngồi nghe than thở, hay tán hươu tán vượn, hay đôi khi cả lặng im nữa. Bởi vì đó là đoá hồng của tôi.Rồi em trở lại chỗ con cáo:– Từ biệt, em nói.– Từ biệt, cáo nói. Đây là cái bí mật của tớ. Nó đơn giản thôi: người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy.– Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy, ông hoàng nhỏ lặp lại, để mà ghi nhớ.– Chính thời giờ cậu đã mất, cho đoá hồng của cậu làm cho đoá hồng của cậu trở nên quan trọng đến thế.– Chính thời giờ tôi đã mất cho bông hồng của tôi... ông hoàng nhỏ nói, để mà ghi nhớ.– Loài người đã quên mất chân lý này, cáo nói. Nhưng cậu không được quên. Cậu trở nên mãi mãi có trách nhiệm về những gì cậu đã cảm hoá. Cậu có trách nhiệm đối với hoa hồng của cậu.– Tôi có trách nhiệm với hoa hồng của tôi... ông hoàng nhỏ lặp lại để mà ghi nhớ. XXII – Xin chào, ông hoàng nhỏ nói.– Xin chào, người bẻ ghi nói.– Ông làm gì ở đây? Ông hoàng nhỏ hỏi.– Ta xếp hành khách, thành từng gói nghìn người một, người bẻ ghi nói. Ta hướng dẫn những chuyến tàu trở chúng đi, lúc về bên phải, lúc về bên trái.Rồi một con tàu nhanh sáng choang, gầm như sấm, làm căn phòng gác ghi rung lên.– Họ vội quá, ông hoàng nhỏ nói. Họ tìm cái gì vậy?– Chính người lái tàu cũng không biết, người gác ghi nói..Và lại gầm lên, từ hướng ngược lại, một chuyến tàu nhanh thứ hai sáng choang.– Họ đã trở về rồi ư? ông hoàng nhỏ hỏi...– Không phải những người khi nãy. Họ đổi chỗ đấy.– Họ không bằng lòng chỗ của họ?– Người ta không bao giờ bằng lòng chỗ của mình cả! Người bẻ ghi nói.Và lại tiếng ầm ầm của chiếc tàu nhanh thứ ba sáng choang.– Họ đuổi theo những hành khách lúc nãy phải không? ông hoàng nhỏ hỏi.– Họ chẳng đuổi theo cái gì hết, người bẻ ghi nói. Họ ngủ gật hoặc ngồi ngáp vặt trong đó. Chỉ có những đứa trẻ là dán mũi vào cửa kính thôi.– Chỉ có những đứa trẻ là biết mình tìm cái gì, ông hoàng nhỏ nói, chúng mất thì giờ vì một con búp bê bằng giẻ rách, và con búp bê ấy trở nên quan trọng lắm, ai lấy đi của chúng, chúng sẽ khóc...– Chúng thật may mắn, người bẻ ghi nói. XXIII – Xin chào, ông hoàng nhỏ nói.– Xin chào, người lái buôn nói.ấy là một người bán loại thuốc có thể làm cho đỡ khát. Mỗi lần uống một viên, và người ta sẽ thấy không cần phải uống nước nữa.– Tại sao ông bán thứ đó? ông hoàng nhỏ hỏi.– Đây là một sự tiết kiệm lớn về thời giờ, người lái buôn nói. Các nhà chuyên môn đã có tính toán. Mỗi tuần lễ ta sẽ tiết kiệm được năm mươi ba phút.– Thế người ta dùng năm mươi ba phút ấy để làm gì?– Muốn làm gì thì làm..."Ta, ông hoàng nhỏ nghĩ thầm, nếu ta có năm mươi ba phút để làm gì thì làm, ta sẽ bước thật nhẹ nhàng đến một cái nguồn nước..." XXIVLúc đó là ngày thứ tám từ khi tôi bị hỏng máy trong sa mạc, và tôi vừa nghe câu chuyện người lái buôn vừa uống giọt nước cuối cùng trong số nước dự trữ.– A! Tôi nói với ông hoàng nhỏ, các kỷ niệm của em thật là đẹp, nhưng anh vẫn chưa chữa được máy bay của anh, anh chẳng còn gì để uống nữa, và anh cũng sẽ hạnh phúc lắm đấy, nếu bây giờ anh cũng có thể bước thật nhẹ nhàng đến một cái nguồn nước!– Bạn cáo của tôi ơi, em nói...– Chú em bé bỏng ơi, bây giờ còn chồn cáo gì nữa!– Sao thế?– Bởi vì ta sắp chết khát...Em không hiểu lý lẽ của tôi, em trả lời tôi:– Có được một người bạn là tuyệt chứ, dù cho ta sắp chết đi nữa. Tôi, tôi rất hài lòng được có bạn cáo của tôi...Em không lường được hiểm nguy, tôi nghĩ thầm. Em không hề đói hay khát. Một chút mặt trời cũng đủ cho em rồi.Nhưng em nhìn tôi và trả lời điều tôi vừa nghĩ:– Tôi cũng đang khát... ta đi tìm một cái giếng đi...Tôi phác một cử chỉ mệt mỏi: thật là phi lý khi đi tìm một cái giếng, một cách hú hoạ, ở trong sa mạc mênh mông. Tuy thế, chúng tôi vẫn bước đi.Khi chúng tôi bước đi, im lặng, giờ này qua giờ khác, màn đêm buông xuống và các vì sao bắt đầu toả sáng. Tôi nhìn mọi vật như trong cơn mê, đầu nóng bừng vì khát. Những lời ông hoàng bé nhỏ nói nhảy múa trong trí nhớ tôi.– Em, em cũng khát hay sao? Tôi hỏi em.Nhưng em không trả lời câu tôi hỏi. Em chỉ nói giản dị:– Nước cũng có thể tốt lành cho trái tim...Tôi không hiểu câu em đáp nhưng tôi im lặng... tôi biết là không nên hỏi em.Em thấy mệt. Em ngồi xuống. Tôi ngồi xuống cạnh em. Và sau một lát im lặng, em lại nói:– Các ngôi sao đẹp, là do ở đó có một bông hoa mà người ta không nhìn thấy...Tôi đáp lại "Đúng thế" và tôi nhìn, không nói, những gợn sóng của cát dưới ánh trăng.– Sa mạc thật đẹp, em nói thêm...Điều này đúng. Bao giờ tôi cũng yêu sa mạc. Ta ngồi trên một đụn cát. Ta không trông thấy gì hết. Ta không nghe thấy gì hết. Nhưng có một cái gì đó toả sáng trong lặng lẽ...– Cái đã tô điểm cho sa mạc, ông hoàng nhỏ nói, là nó ẩn giấu một cái giếng ở nơi nào đó...Tôi kinh ngạc vì bỗng nhiên hiểu ra cái ánh sáng huyền bí ấycủa cát. Khi còn là một cậu bé tôi ở trong một ngôi nhà cổ, và có một truyền thuyết là ở ngôi nhà cổ này có chôn một kho báu. Tất nhiên, chưa ai tìm ra kho báu đó, có lẽ cũng chưa ai thử đi tìm. Nhưng nó đã làm cho ngôi nhà trở nên thành tiên. Cái nhà của tôi có giấu trong đáy trái tim của nó một điều bí mật...– Phải, tôi nói với ông hoàng nhỏ. Dù là ngôi nhà, ngôi sao hay sa mạc, cái làm chúng ta trở nên đẹp thì không thể nhìn thấy!– Tôi rất hài lòng, em nói, vì ông cũng đồng ý với bạn cáo của tôi.Khi ông hoàng nhỏ bé thiu thiu ngủ, tôi bế em lên vòng tay và lại lên đường. Lòng tôi xúc động. Tôi có cảm giác như đang giữ một kho báu mong manh. Tôi có cảm giác như trên Trái Đất này không có gì mong manh hơn. Tôi nhìn, dưới ánh sáng trăng, vầng trán xanh xao ấy, đôi mắt nhắm nghiền, những lọn tóc run rẩy trước gió, và tôi nghĩ thầm: cái mà ta thấy đây chỉ là một cái vỏ. Cái quan trọng nhất thì không nhìn thấy được...Khi đôi môi hé mở của em thoáng một nụ cười, tôi lại tự nhủ: cái làm cho ta xúc động mạnh đến thế về ông hoàng bé nhỏ đang ngủ này, đó là lòng chung thuỷ của em đối với một đoá hoa hồng, ấy là hình ảnh một đoá hồng rực sáng nơi em như một ngọn đèn, cả trong khi em ngủ... Và tôi càng thấy em còn mong manh hơn. Ta phải hết sức che chở cho những ngọn đèn: một ngọn gió có thể thổi tắt được...Và, cứ bước đi như vậy, tôi tìm ra cái giếng vào lúc rạng đông. XXV – Con người, ông hoàng nhỏ nói, họ chui vào các chuyến tàu nhanh, nhưng họ chẳng biết mình tìm kiếm thứ gì. Thế mà họ cứ cuống quít lên và quay cuồng...Và em nói thêm:– Nào có ích gì...Cái giếng mà chúng tôi đến, nó không giống các giếng ở sa mạc Sahara. Các giếng Sahara chỉ đơn giản là những cái lỗ đào trong cát. Còn cái này giống như giếng làng. Nhưng ở đấy chẳng có ngôi làng nào, và tôi tưởng mình đang mơ.– Lạ thật, tôi nói với ông hoàng nhỏ, mọi cái đều có sẵn: cái ròng rọc, cái gầu và sợi dây...Em cười, sờ sợi dây, lăn cái ròng rọc. Và cái ròng rọc liền rên một tiếng, giống như tiếng rên của cái chong chóng chỉ hướng gió sau một hồi gió ngủ yên lâu quá.– Ông nghe thấy không, ông hoàng nhỏ nói, ta đánh thức cái giếng này và nó hát...Tôi không muốn em gắng sức:– Để anh, tôi nói, nó nặng quá đối với em.Chậm rãi, tôi kéo gàu lên thành giếng. Tôi đặt nó chắc chắn trên đó. Trong tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng hát của cái ròng rọc, và trong nước vẫn còn run rẩy, tôi thấy mặt trời run lên.– Tôi khát thứ nước này đây, ông hoàng nhỏ nói. Cho tôi uống đi...Và tôi hiểu ra em tìm kiếm cái gì.Tôi nhắc chiếc gầu lên kề môi em. Em uống, hai mắt nhắm nghiền. Êm đềm như một ngày hội. Thứ nước này còn là một cái gì khác hơn mọt thứ nước uống. Nó sinh ra từ cuộc đi bộ dưới trời sao, từ tiếng hát của cái ròng rọc, từ sự gắng sức của cánh tay tôi. Nó tốt lành cho tim ta, như một món quà tặng. Ngày tôi còn là một cậu bé, ánh sáng của cây Noel, tiếng nhạc của buổi lễ nửa đêm, những nụ cười dịu dàng cũng đã làm nên sự rực rỡ của món quà Noel mà tôi được nhận.– Loài người nơi ông, ông hoàng nhỏ nói, trồng năm nghìn hoa hồng cũng trong một khu vườn...thế mà họ chẳng tìm thấy cái họ tìm...– Họ chẳng tìm thấy đâu, tôi nói...– Trong khi cái họ muốn tìm lại có thể gặp trong chỉ một đoá hồng hoặc chỉ một ít nước...– Đúng thế, tôi nói.Và ông hoàng nhỏ nói thêm:– Con mắt vốn mù loà. Phải tìm kiếm với trái tim.Tôi đã uống. Tôi đã nghỉ ngơi thoả thuê. Vào lúc tinh mơ, cát một màu mật ong. Tôi thấy sung sướng cả vì cái màu mật ong ấy nữa. Tại sao tôi cứ phải khổ sở...– Ông phải giữ lời hứa, ông hoàng nhỏ bây giờ lại ngồi xuống bên tôi, nhẹ nhàng nói.– Lời hứa nào?– Ông biết đấy... Một cái rọ mõm cho con cừu của tôi... Tôi chịu trách nhiệm về cái hoa ấy!Tôi rút từ trong túi áo ra các bản vẽ phác của tôi. Ông hoàng nhỏ trông thấy các bức vẽ bèn cười bảo:– Các cây baobap của ông, trông giống như các cây cải hoa ấy...– ồ!Tôi vốn tự hào biết bao với bức vẽ các cây bao bap!– Con cáo của ông... hai tai nó...trông giống như hai cái sừng...và lại dài quá!Và em lại cười nữa.– Cậu không công bằng, cậu nhỏ ơi, tôi vốn chỉ biết vẽ trăn kín với chăn mở thôi mà!– ồ! Được cả thôi, em nói, trẻ con chúng hiểu hết.Thế là tôi dùng bút chì phác một cái rọ mõm. Và lòng tôi se lại khi đưa cái rọ mõm đó cho em:– Em có những sự định mà tôi không được rõ...Nhưng em chẳng trả lời tôi. Em bảo tôi:– Ông biết không, ngày tôi rơi xuống Trái Đất... mai đã là tròn một năm...Rồi, sau một lát im lặng, em lại nói:– Tôi rơi xuống ngay gần đây...Và em đỏ mặt.Và một lần nữa, chẳng hiểu tại sao, tôi cảm thấy buồn bã một cách kỳ lạ. Khi ấy tôi bỗng buột miệng hỏi:– Thế ra không phải là ngẫu nhiên mà, buổi sáng ấy, tôi gặp em, cách đây tám ngày, em lang thang một mình một nghìn dặm cách mọi vùng có người ở! Em trở lại nơi em rơi xuống hay sao?Ông hoàng nhỏ lại đỏ mặt.Và tôi nói thêm, ngập ngừng:– Là vì, có lẽ, vì ngày kỷ niệm chăng?Ông hoàng lại đỏ mặt lần nữa. Em không bao giờ trả lời các câu hỏi, nhưng khi người ta đỏ mặt, như thế có nghĩa là "phải", phải không?– A, tôi nói, tôi sợ...Nhưng em trả lời tôi:– Bây giờ ông phải làm việc thôi. Ông phải trở về chỗ cái máy của ông. Tôi đợi ông ở đây. Chiều mai ông hãy đến...Song tôi không yên tâm. Tôi nhớ chuyện con cáo. Có nguy cơ là ta có thể khóc một tí nếu ta lỡ để cho ai cảm hoá mình...
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương