Hồi Đáo Lê Triều

Chương 24: Anh Hùng Khó Qua Ải Mỹ Nhân



Bị giọng nói sát bên tai làm cho giật mình, Thu Đào vội mở mắt ra nhìn theo phản xạ tự nhiên. Lê Tuấn sau khi cúi đầu xuống thì thầm vào tai nàng xong cũng đã đứng thẳng người lên, vẫn là nét mặt tinh nghịch cợt nhã luôn dành cho Thu Đào mỗi khi xuất hiện trước mặt nàng. Có ánh nhìn của ai đó xoáy vào làm tim nhói lên một nhịp, có cơn gió nào lùa vào đôi mắt Thu Đào khiến sống mũi cay cay. Nụ cười dịu dàng, ánh mắt si mê mong chờ của Lê Tuấn xuất hiện rõ ràng trước mắt, một loại cảm xúc hỗn tạp khiến Thu Đào ngồi yên bất động. Trái tim bảo hãy nhào đến ôm lấy chàng, ôm lấy nhớ mong bao tháng ngày qua đi! Nhưng lý trí giữ thân thể nàng dính chặt lấy chiếc xích đu, nó bắt nàng phải trả lời vô vàn câu hỏi:

- Tại sao ta phải vui mừng khi gặp lại chàng? Tại sao giờ phút này chàng xuất hiện thì khoảng trống tim ta lập tức được lấp đầy? Đây là thứ tình cảm vốn không nên có! Ta đã tự hứa nhất quyết phải như người không quen biết cơ mà? Chính chàng đã tự động biến mất tăm bấy lâu nay, ta không muốn là kẻ đơn phương mong chờ..

Đoạn Thu Đào cố nặng ra một gương mặt lạnh lùng "giả trân", nàng vờ nhìn sang mấy đóa trà my mà nói:

- Nhớ ai chứ? Ta chỉ ra đây ngắm cảnh cho đỡ ngột ngạt thôi!

Ai đã từng yêu mới hiểu, một khi hai trái tim trót cùng nhịp đập, tự nhiên đôi bên sẽ hiểu thấu tâm tình của nhau chỉ qua ánh mắt, cử chỉ. Dù có cố tình nói lời vô tình, nhưng tâm hữu ý thì cửa sổ tâm hồn sẽ nói lên tất cả. Lê Tuấn tất nhiên là đọc được hết những mong chờ, giận hờn trong đôi mắt ý trung nhân, chàng bước đến gần hơn rồi hạ giọng nhận lỗi:

- Thời gian vừa qua ta có công vụ không thể thường xuyên đến thăm nàng! Nhưng ta có đi tìm lúc biết nàng gặp nạn, ta..

Thu Đào nghe đến đây thì ấm ức lắm! Rõ ràng chỉ có Lê Hạo đi tìm nàng, rõ ràng người tìm ra nàng lúc sắp chết dưới gốc cây là Hoàng Thượng, tên chết tiệt này đã ở đâu trong khi nàng cần hắn nhất. Lồng ngực Thu Đào bị nổ tung bởi bao cảm xúc hờn giận, trách móc để rồi bất giác tuông trào thành lời nói, nàng đứng phắt dậy chì chiết:

- Người tìm ra ta lúc sắp chết là Hoàng Thượng..

Trong lúc tức giận Thu Đào quên mất lòng bàn chân vết thương chưa lành, bất ngờ bị cả thân thể hơn bốn mươi ký đè lên nên nhói buốt khiến nàng vì đau quá mà co một chân lên trong khi chưa kịp giữ thăng bằng. Thu Đào chới với sắp ngã lăn ra thì Lê Tuấn kịp thời dang hai tay đón lấy nàng kéo vào lòng, đỡ được cho Thu Đào một cú ngã đau trông thấy. Thu Đào nằm gọn trong vòng tay Lê Tuấn, tai áp sát vào ngực trái, nàng nghe rõ tiếng thình thịch nhịp nhanh gấp gáp. Mùi hoa hồng khô dễ chịu lan tỏa khắp thân thể như muốn trói chặt Thu Đào không cho rời nửa bước. "Một, hai, ba, năm.." chắc nàng đã đánh rơi mất một nhịp nào giống như ca sỹ Bích Phương đã hát rồi.

Thẹn thùng, Thu Đào với tay bám vào dây xích đu để đứng cho vững rồi đẩy Lê Tuấn ra. Lê Tuấn cũng cảm thấy tình huống này quả đúng khiến người ta phải ngượng đỏ mặt, chàng vờ ho lên vài tiếng rồi nói một câu cho không khí đỡ gượng gạo:

- Ừ thì.. ta cũng có đi tìm nàng cùng Hoàng Thượng..

Trong lúc ngập ngừng định nói tiếp, Lê Tuấn bỗng nhiên nhìn nàng cười tủm tỉm vì nhận ra Thu Đào thật lòng trông ngóng chàng, trông ngóng tên ngự tiền thị vệ giả mạo Lê Tuấn, chứ chẳng mảy may để ý đến Hoàng Đế Đại Việt. Thân phận nào có quan trọng gì đâu! Biết được yêu bởi chính con người mình, Lê Tuấn cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Chàng lại hóm hỉnh buông lời trêu ghẹo như thường khi:

- Còn bảo là không nhớ ta! Nàng trách ta không bên cạnh lúc nàng cần nhất đúng không?

Thu Đào bị nói trúng tim đen cảm thấy ngượng vô cùng, chỉ ước lúc này đất nứt ra để nàng có chỗ mà chui xuống. Thẹn quá hóa giận, nàng mắng:

- Chàng lúc nào cũng trêu tức ta, sau này làm Chiêu Nghi rồi ta sẽ bảo Hoàng Thượng chém đầu chàng cho xong!

Lê Tuấn bật cười ha hả trước câu nói ngây ngô của Thu Đào. Đoạn chàng lại hỏi:

- Hoàng Thượng dành nhiều hậu ái cho nàng như thế, nàng thật chẳng cảm động chút nào sao?

Thật ra chính Thu Đào cũng chẳng hiểu tại sao vị vua này lại thích mình dù chưa một lần gặp mặt, mà nếu thích mình như thế thì tại sao chưa bao giờ cho diện kiến? Thu Đào không trả lời câu hỏi của Lê Tuấn, chỉ biết im lặng ngước nhìn chàng một lúc rồi thở dài nói giọng châm biếm:

- Chẳng trách Hoàng Thượng lại chọn chàng làm ngự tiền thị vệ, cả hai người hợp nhau lắm đấy! Đều khó hiểu như nhau cả!

- Ta thì khó hiểu chỗ nào đâu chứ? – Lê Tuấn hỏi lại.

Lúc ấy, chẳng hiểu Thu Đào đột nhiên lấy đâu ra can đảm mà nhìn thẳng vào chàng một thời gian đủ lâu để cả hai không nói cũng tự hiểu tình ý trong mắt nhau, rồi nàng dùng giọng nghiêm túc trước giờ chưa từng có mà hỏi:

- Thời gian qua chàng đã ở đâu?

Câu hỏi của Thu Đào như ngầm xác nhận rằng bấy lâu nay nàng đúng là vẫn ngóng trông tin tức về Lê Tuấn, lòng chàng lại lần nữa dâng lên nhiềm vui sướng khó tả, xem như từng bước đã xác định được tình cảm của người trong mộng. Lê Tuấn cũng bỏ đi cái thái độ cợt nhã trước nay mà trả lời nàng một cách chân thành:

- Ta xin lỗi vì đã để nàng trông ngóng! Thật ra ta vẫn luôn bên cạnh để bảo vệ nàng, trước nay vẫn thế, sau này vẫn sẽ như thế! Cứ yên tâm theo học lễ nghi đi, ta hứa sẽ..

Chàng bỏ lửng câu nói trước sự tò mò của Thu Đào:

- Sẽ thế nào? – Nàng tròn mắt hỏi.

* * * Sẽ không để nàng phải gả cho người mình không yêu!

Trước lời tuyên bố chắc nịch của Lê Tuấn, dẫu nghĩ rằng lại chỉ là một câu bông đùa của chàng, Thu Đào nguýt một cái rõ dài rồi lặng lẽ ngồi xuống xích đu ngắm những đóa hoa trà đang nở rộ. Tuy vậy, lòng Thu Đào lại thấy ấm áp lạ thường, cảm giác an toàn khi bên cạnh chàng chưa bao giờ thay đổi. Trong khoảnh khắc, Thu Đào chỉ muốn thời gian ngưng đọng vĩnh viễn ở giây phút này, để chẳng còn lo lắng cho tương lai của mình khi làm Chiêu Nghi của Nhân Tông, để chẳng phải muộn phiền khi đối mặt cùng Lê Hạo, càng không cần trở về thời hiện đại rồi lao vào cuộc sống mệt mỏi nữa..

Cuối thu, hoa lê tuy chưa nở nhưng hàng mộc lan đã làm đỏ rực khắp một góc trời. Hương theo gió bay xa, tình theo tâm dần lớn, người cũng theo duyên mà tương ngộ. Dòng thời gian dẫu xuôi dẫu ngược, quan trọng là nếu được quay lại phút ban đầu, ta có vì ai mà tình nguyện tìm về hay không?

* * *

Từ lúc thích sát Lê Nghi Dân trong đêm Trung Thu thất bại, trận chiến Bồn Man binh đao hỗn loạn như thế vẫn không có cơ hội ra tay lấy mạng hắn, Tuyên Từ Thái Hậu biết phương án bất ngờ đoạt mạng sẽ khó thực hiện, bởi hắn sẽ có đề phòng sau nhiều lần gặp nạn, thêm nữa sẽ khó mà tìm lời giải thích thõa đáng cho sự ra đi đột ngột của một vương gia đương triều. Bởi thế, bà từ việc chủ động tấn công chuyển sang cẩn thận điều tra để nắm điểm yếu của Nghi Dân mà phòng thủ sớm. Bà sai Lê Đắc Ninh thăm dò binh lực thực tế Nghi Dân đang nắm trong tay, vì hắn cũng là đội trưởng Cấm Vệ Quân, chức vụ cũng thuận tiện để tìm hiểu những việc liên quan đến quân sự. Và tất nhiên mọi suy tính của Tuyên Từ Thái Hậu giờ đây đều bị Lê Nghi Dân nắm rõ, vì thế hắn đã sớm đề phòng, chẳng mảy may để lại chút manh mối tạo phản nào. Tình thế đang nghiêng hẳn về Hoàng Đế đương triều, Lê Nhân Tông và Tuyên Từ Thái Hậu có văn võ bá quan, lê dân bá tánh đều thần phục, đại thần nắm binh quyền như Đinh Liệt, Nguyễn Đức Trung lại hết mực trung thành. Trong khi Lê Nghi Dân chỉ có mỗi tên nội gián Lê Đắc Ninh và vài trăm quân tinh nhuệ tại vùng Lạng Sơn nhỏ bé. Tự biết mình căn cơ chưa vững, Nghi Dân ngày đêm lo nghĩ làm cách nào để lôi kéo thêm vây cánh.

Quốc gia đang buổi thái bình thịnh thế, Lê Nhân Tông lại là vị vua cần chính yêu dân nên việc lớn của xã tắc xem như đã ổn. Cả triều đình nhân lúc bình yên ai nấy đều thúc giục Hoàng Đế sớm lập hậu phi để sớm có hậu duệ kế thừa đại thống. Vì thế, việc tuyển tú sẽ trở thành vấn đề chính được mang ra nói ở buổi thiết triều hôm nay. Trời còn chưa sáng, Nghi Dân đã dậy chuẩn bị áo mũ để vào hoàng thành nghe ngóng xem những vị tú nữ nhà nào sẽ có cơ hội hầu hạ bên Lê Tuấn, cốt sao xếp đặt cho được một quân cờ là hồng nhan tri kỷ bên cạnh Hoàng Đế, hòng dùng mỹ nhân làm lay chuyển giang sơn như cổ kim vẫn thường thấy.

Quan trọng hơn cả, Lê Nghi Dân muốn xem thái độ của Lê Hạo thế nào khi tận mắt thấy Thu Đào sắp trở thành Chiêu Nghi của Nhân Tông.

- Nếu ngươi thật sự không qua được ải mỹ nhân thì đây sẽ là quân cờ tốt nhất của bổn vương!

Nghi Dân cười nham hiểm rồi nâng tách trà uống cạn. Kế ly gián của hắn lần này chẳng nằm ngoài mục đích lôi kéo Lê Hạo. Dựa vào giao tình của Lê Hạo và đại tướng quân Đinh Liệt, có được Lê Hạo đồng nghĩa Lê Nghi Dân sẽ nắm trong tay năm vạn đại quân, muốn tạo phản chẳng có gì khó nữa!

* * *

Năm cánh cổng Nam Môn rộng mở đón triều thần các nơi về chầu.

Trời đã mờ sáng nhưng sương mù dày đặc, đi bộ vài bước chân là hai hàng mi đã nặng trĩu ướt át. Lê Hạo bước từng bước chậm chạp qua cổng chính Nam Môn, tiến vào lối đi đến điện Thái Hòa. Chàng không như bao kẻ khác cứ chốc chốc lại dùng ống tay áo gạt bớt lớp sương mù trắng xóa để nhìn thấy lối đi, mà chỉ chầm chầm bước một bước thì nhìn một bước như sợ hãi phải đến nơi, phải đứng giữa triều mà nghe tuyên chỉ tấn phong hậu cung của Lê Tuấn.

Điện Thái Hòa được phủ lớp ngói thanh lưu ly dần hiện ra trước mắt, tấm thảm xanh ngọc thêu long phụng trãi dài từ ngai vàng trong đại sảnh cho đến hết chín bậc cầu thang ở giữa sân. Tay vịn hai bên cầu thang được làm bằng tượng rồng đá chạm trỗ tinh xảo, đầu rồng hướng lên trên, thân uốn lượn đúng chín lần đều đặn theo chín nấc thang. Quân vệ binh của cấm thành bố trí lớp trong lớp ngoài nghiêm ngặt, văn võ bá quan hơn trăm người xếp hàng hai bên trái phải chờ Hoàng Đế thượng triều.

Lê Nhân Tông mặc hoàng bào bước đến ngai vàng, chàng ngồi xuống trong tiếng tung hô vang dội khắp các ngõ ngách của hoàng thành. Sau sự việc xảy ra với Thu Đào, Lê Nhân Tông đã hạ chỉ kiểm soát nghiêm ngặt tất cả các hoạt động giao thương với Minh triều, tuyệt đối nghiêm cấm buôn người sang bên kia biên giới, ai tắc trách làm hại bá tánh Đại Việt phải tha phương làm nô lệ đều bị xếp vào hàng đại tội với quốc gia, nhẹ thì tù ngục cả đời, nặng thì chịu án chém đầu. Chiếu chỉ tuyên đọc xong, triều thần nhất loạt tung hô vạn tuế, ai nấy đều ca tụng Nhân Tông là bậc minh quân yêu dân hết mực. Lê Hạo đứng ở vị trí đầu dành cho các vương gia cũng ngước nhìn bội phục tài đức của huynh trưởng, chàng bất giác nở một nụ cười thể hiện nhiều cảm xúc hỗn tạp. Chí lớn trong lòng nhưng đại cục đã định, muốn góp công sức cho quốc gia chưa hẳn phải ngồi ở vị trí cửu ngũ chí tôn (*), chàng nguyện phò tá vị vua hiền cùng mang lại thái bình cho Đại Việt.

- Ngôi cao lòng này không còn mơ tưởng, nhưng..

Lê Hạo chua chát nghĩ đến Thu Đào khi nội giám quan tuyên đọc danh sách các tú nữ vào cung học lễ nghi, chuẩn bị để Lê Nhân Tông và Thái Hậu lựa chọn mà tấn phong phi tần, hoặc tuyển vương phi thê thiếp cho các vương gia.

Vốn đã chuẩn bị sẵn tâm lý nghe quyết định ngày làm điển lễ (*), sắc phong trực tiếp Thu Đào làm Chiêu Nghi, nào ngờ sau khi đọc hết danh sách mời sáu vị tú nữ con của các quan đại thần trong triều, Lê Hạo thấy nội giám quan chẳng nói gì thêm, chỉ xếp chiếu chỉ lại rồi lui ra. Lê Nhân Tông lúc ấy mới đứng lên đích thân tuyên bố ý định, giải đi thắc mắc của hết thảy triều thần:

- Trẫm tự xét mình có lỗi với xã tắc vì để xảy ra trận chiến với Bồn Man, làm hại dân chúng sổ sở vì nạn binh đao, nay tự phạt trong vòng một năm không làm hỷ sự, giảm thuế, đại xá cho các tội nhân không phạm trọng tội. Vậy, việc tổ chức đại điển sách phong Chiêu Nghi tạm hoãn một năm. Tuy nhiên, Trẫm vẫn ban Diên Ninh Cung cho Nguyễn đại tiểu thư làm nơi ở mà học lễ nghi.

Tiếng bàn luận xôn xao vang lên, cục diện triều thần chia thành hai luồng ý kiến, người tán thưởng cho vị vua luôn biết tự xét lỗi mình, kẻ phản đối vì mong Hoàng Đế sớm có hậu duệ. Cuộc tranh luận chưa kịp có hồi kết thì Nhân Tông lại tiếp:

- Trong mười sáu vị tú nữ vào cung, Trẫm chỉ duy nhất chọn Nguyễn Đại tiểu thư của phủ Điện Tiền, một năm sau tấn phong Chiêu Nghi. Còn lại mười lăm vị sẽ được học lễ nghi để tuyển làm Vương phi cho các Vương gia. Trẫm hết lòng vì xã tắc, mong các vị ái khanh thấu hiểu cho Trẫm một lần này thôi!

Nhân Tông vừa dứt lời thì cuộc tranh luận quyết liệt giữa các triều thần nổ ra như một lẽ tất nhiên. Việc Hoàng Đế quyết định một năm sau mới tuyển phi tần vẫn xem như có thể chấp nhận được, nhưng bậc quân chủ một nước mà hậu cung chỉ có một người khiến Nhân Tông vấp phải sự ngăn cản quyết liệt của các vị đại thần có công phò tá lên ngôi như Đinh Liệt, Lê Thụ, Lê Khả. Ngay cả Nguyễn Đức Trung dù có nữ nhi được sửng ái hết mực cũng không cảm thấy vui, ông cũng góp lời can gián:

- Bẩm Hoàng Thượng, thần thiết nghĩ việc lập hậu phi để có hậu duệ kế thừa đại thống cũng thuộc quốc gia đại sự, không thể chỉ có một phi tử được, xin Hoàng Thượng nghĩ lại!

Bị Nguyễn Đức Trung lấy lý do liên quan đến việc nước ra khuyên nhủ, Nhân Tông nhất thời đuối lý chỉ biết im lặng lắng nghe. Đoạn chàng dùng thái độ ôn hòa để xoa dịu quần thần:

- Trẫm đồng ý nghe theo can gián của các vị ái khanh mà suy nghĩ lại việc này, tuy nhiên một năm sau mới ra quyết định cuối cùng! Các vị tú nữ cứ an tâm vào cung học lễ nghi, chờ Trẫm thu xếp xong tự sẽ có dặn dò!

Không khí tranh luận tạm thời lắng xuống, nhưng tiếng xì xầm vẫn chưa dứt được. Buổi chầu sáng kết thúc với một vấn đề lớn còn bỏ ngỏ, các quan lại ra về mà cứ hai ba người một nhóm không ngớt lời nghị luận.

Lê Nghi Dân cố tình đi sóng đôi cùng Lê Hạo để thăm dò ý tứ như bao lần khác. Hắn mở lời:

- Cổ nhân nói hồng nhan họa thủy (*) quả không sai, nay Hoàng Thượng lại vì một nữ nhi mà chống đối lại quần thần, Thu Đào đúng là không phải tầm thường!

Lê Hạo biết Nghi Dân có ý khiêu khích mình chống đối lại Hoàng Thượng, nhưng cũng không tiện ra mặt bênh vực, bèn nói:

- Hoàng Thượng có lẽ là nhất thời mê đắm một nữ nhi thôi, hậu cung ba nghìn giai lệ, các vị tú nữ lại nhan sắc khuynh thành, chắc chắn Người sẽ đổi ý!

Vốn muốn nghe lời thật lòng của Lê Hạo, nên Nghi Dân cảm thấy thất vọng và bực mình khi nghe một câu "nước đôi" vô thưởng vô phạt, không thể nào nhìn rõ tâm ý của Lê Hạo được, hắn chỉ cười trừ rồi tiếp tục khiêu khích:

- Đúng rồi, có quyền lực trong tay thì muốn gì mà chẳng được! Chỉ là nữ nhân thôi mà! Muốn ai, muốn bao nhiêu cũng có!

Rồi hắn lén nhìn Lê Hạo dò xét thái độ, thấy chàng vẫn thản nhiên như không bèn chốt hạ một câu đầy ẩn ý:

- Tứ đệ! Nếu đệ có trong tay quyền lực, chắc chắn sẽ không để mất người mình yêu đâu đúng không!

Lê Hạo như bị đâm trúng một nhát vào tim, chàng khựng lại sau câu nói của Nghi Dân, đoạn cố nặn ra nét mặt bình thản gượng gạo nhìn hắn một lúc rồi lặng lẽ đi tiếp không nói gì thêm. Nghi Dân biết mình đã đánh trúng đích, hắn cố tình đi chậm lại để quan sát Lê Hạo từ sau lưng, hắn cười nham hiểm tự đắc:

- Muốn đối phó với ngươi quả nhiên chỉ có thể dùng nữ nhân này! Lê Hạo ơi Lê Hạo, ngươi có Đinh Liệt làm hậu thuẫn mà không muốn làm việc lớn, quả thật ngu muội! Vậy thì việc tốt này cứ để cho ta hưởng vậy!

Như cách dùng Lê Đắc Hoàng làm con cờ để khống chế được Lê Đắc Ninh, Nghi Dân bắt đầu bày mưu kế đánh vào tình cảm của Lê Hạo dành cho Thu Đào, buộc Lê Hạo vì muốn cuớp lại nàng từ tay Nhân Tông mà lôi kéo Đinh Liệt cùng hắn lật đổ đương kiêm Hoàng Thượng.

* * *

Nhận được tin báo Lê Tuấn đứng trước văn võ bá quan tuyên bố chỉ nạp duy nhất Thu Đào làm Chiêu Nghi, Tuyên Từ Thái Hậu nhíu đôi mày ngài (*) hỏi Lê Đắc Ninh đang đứng hầu bên cạnh:

- Ngươi có gặp qua Nguyễn tú nữ chưa? Dung mạo thế nào?

- Bẩm Thái Hậu, nàng quả thật có chút nhan sắc! - Lê Đắc Ninh trả lời.

Thái Hậu ngồi tựa một tay trên chiếc gối mềm, mắt lim dim định nghỉ trưa, nghe Lê Đắc Ninh nói xong thì cười nhẹ một cái rồi ngồi lên, đưa một tay ra trước mặt ra hiệu cho cung nữ lấy trà. Người cung nữ hiểu ý vội bỏ chiếc quạt lông công xuống, khúm núm dùng hai tay lấy tách trà sâm để vào lòng bàn tay cho bà. Thái Hậu chậm rãi hớp một ngụm rồi ngước nhìn Lê Đắc Ninh:

- Trong cung không thiếu mỹ nhân tuyệt sắc, nếu chỉ có nhan sắc thôi chưa chắc đã làm Hoàng Thượng nhất mực chung tình như vậy!

Đoạn bà đứng lên đi tới gần Lê Đắc Ninh ra lệnh:

- Ngươi điều tra rõ hơn về Nguyễn tú nữ cho ta, tất cả những gì liên quan đến nàng ta!

Lê Đắc Ninh tuân lệnh rồi lui ra.

Thái Hậu đặt tách trà xuống bàn rồi lệnh cho cung nữ:

- Khởi giá đến Diên Ninh Cung!

Lập đông, cúc họa mi trong hoa viên đã bắt đầu nở. Thân xanh mướt cao chạm gối, từng khóm lá thon dài mỏng manh chen chút những đóa hoa tròn xoe trắng muốt.

Mười ngày trôi qua, vết thương của Thu Đào đã hoàn toàn bình phục. Dạo gần đây cứ cách một hai ngày là Lê Tuấn lại đến thăm nàng để theo dõi việc thuốc thang điều dưỡng, chàng còn mang đến quả cầu lông chim từ phủ Điện Tiền cho nàng giải trí những lúc rãnh rỗi. Việc học lễ nghi thì phải chờ khi cả mười lăm vị tú nữ khác từ khắp nơi trên cả nước vào cung đủ mới bắt đầu được, nên suốt ngày Thu Đào gần như chỉ có ăn uống rồi quanh quẩn trong Diên Ninh Cung. Thời gian thong thả, nàng ngày ngày đều tập đá cầu giải khuây, đến hôm nay tài nghệ đã tiến bộ rất nhiều. Bây giờ mỗi lượt Thu Đào đều đá được hơn một trăm lần, nàng ước có Xuân Mai bên cạnh để trổ tài cho nàng ta xem, đã lâu lắm rồi không gặp, Thu Đào rất nhớ cô tỳ nữ ngoan ngoãn chu đáo ấy. Thu Đào cầm quả cầu lông chim lên và nói chuyện với nó cho thõa nỗi mong chờ:

- Đợi vài hôm nữa chính thức là một tú nữ thì có thể mang Xuân Mai vào làm cung nữ bồi giá (*) rồi!

Đoạn nàng tung quả cầu lên cao rồi tiếp tục đá.

Một, hai, ba..

Năm mươi lăm, năm mươi sáu..

Tuyên Từ Thái Hậu theo lời các cung nữ của Diên Ninh Cung mà ra hoa viên tìm Thu Đào. Sau hàng cúc họa mi, một người con gái mảnh mai trong bộ váy áo màu tím nhạt chân thoăn thoắt đưa lên hạ xuống theo nhịp nhảy nhót của quả cầu lông vũ, chốc chốc nàng đưa tay lên vén những sợ tóc mai bị gió thổi vào mặt làm cản tầm nhìn, nụ cười tươi tắn quen thuộc ấy làm hình ảnh cố nhân trong tâm trí Thái Hậu hiện về rõ mồn một.

- Trên đời sao lại có người giống nhau như vậy!

Thái Hậu cảm thán thốt lên rồi nhanh chân đi đến chỗ Thu Đào trong tiếng hô của thái giám Diên Ninh Cung:

- Thái Hậu giá đáo!

Thu Đào nghe thấy hai từ "Thái Hậu" như có luồng điện chạy dọc sống lưng! Nàng cứng đơ người mặc cho quả cầu rơi xuống đánh "bẹp" trước mặt. Sau phút "đứng hình" vì lại gặp phải một nhân vật lịch sử nổi tiếng, người được cho là nghi phạm số một gây ra huyết án Lệ Chi Viên, Thu Đào mới luống cuống quỳ sụp xuống lắp bắp:

- Thái Hậu.. vạn phúc!

Thái Hậu nhìn trân trân vào mặt Thu Đào một lúc lâu trong sự hoang mang của nàng, đoạn bà dùng một thái độ đầy nghi hoặc hỏi:

- Ngươi là gì của Lê Mỹ Nhàn?

Nghe đến cái tên lạ hoắc, Thu Đào ngẩng đầu lên ngơ ngác đáp:

- Tiểu nữ không biết Lê Mỹ Nhàn là ai!

Thái Hậu bước đến nâng cằm Thu Đào lên để nhìn cho kỹ. Tuy không phải là giống nhau hoàn toàn, nhưng chỉ có thể là mẹ con ruột hoặc người trong gia tộc mới có thể giống nhau đến như vậy. Ai thì bà có thể nhận nhầm, chứ Lê Mỹ Nhàn - một nghĩa nữ của dì ruột suýt chút đã tiến cung làm phi, đoạt mất vinh hoa phú quý của mình - thì làm sao Thái Hậu có thể quên được!

Năm xưa khi Thái Tông tuyển tú, Lê Mỹ Nhàn là con gái nhà quan nổi danh đoan trang xinh đẹp nên được chọn tiến cung. Nguyễn Thị Anh (*) đã dùng quỷ kế bỏ độc vào son phấn hại Mỹ Nhàn mặt nổi đầy mụn đỏ và bị loại, sau đó nghiễm nhiên được tiến cung thay chị hầu hạ thánh thượng. Về sau, nhờ may mối Mỹ Nhàn đã được gả về làm thiếp thứ năm của công thần Nguyễn Trãi, cũng chính là người thê thiếp đang mang thai may mắn được Nguyễn Đức Trung cứu ra rồi hạ sinh một người con gái tại phủ Điện Tiền..

* * * Hết chương 24 ----

Chú thích:

1. (*) Cửu ngũ chí tôn: Chỉ ngôi vua

2. (*) Điển lễ: Nghi lễ - Đây là từ dùng để chỉ các buổi nghi lễ sắc phong cho cung tần thời phong kiến.

3. (*) Hồng nhan họa thủy: Chỉ những người đẹp làm vua say mê dẫn đến mất nước.

4. (*) Bồi giá: Từ cổ chỉ những người hầu được gả theo chủ về làm dâu.

5. (*) Nguyễn Thị Anh: Tên thật của Tuyên Từ Thái Hậu.
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...