Kiếm Lai - Phong Hỏa Hí Chư Hầu

Chương 51: Đối mặt



Con vượn già núi Chính Dương trở lại đường Phúc Lộc, giao đấu một trận hời hợt với phiên vương Đại Ly Tống Trường Kính, sau đó cũng không ở lại Lý gia quá lâu, nhanh chóng chạy như bay ra khỏi trấn. Lão dừng lại một lúc ở nơi thiếu niên giày cỏ đi vào núi, tiếp đó lui về chỗ mình xuất quyền lúc trước, cẩn thận quan sát dấu chân sâu cạn của thiếu niên trên đất.

Trừ thứ này ra, trong tầm mắt của con vượn già còn có một hàng dấu chân nhàn nhạt của người trưởng thành. Lão suy đoán có lẽ là kiếm tu trẻ tuổi của vườn Phong Lôi kia lưu lại, lúc mình xuất quyền với thiếu niên ngõ Nê Bình, tên kia rõ ràng muốn thừa nước đục thả câu, có một khoảnh khắc kiếm khí tràn ra ngoài. Mặc dù kiếm khí này nhanh chóng biến mất, ẩn giấu khá sâu, nhưng con vượn già vốn đã trải qua rất nhiều trận chiến, lại tu hành ngàn năm ở núi Chính Dương “kiếm khí tung hoành phá Bảo Bình”, thật sự quá quen thuộc với kiếm khí kiếm ý.

Con vượn hộ sơn núi Chính Dương này đã sống rất lâu, cho nên kiến thức rộng rãi, đã từng nhìn thấy kiếm tiên chuyên nuôi dưỡng phi kiếm thượng thừa. Trong đó có người sở hữu mấy chục thanh phi kiếm linh hoạt giấu trong tay áo, tất cả đều nhỏ như sợi tóc lông trâu. Cũng từng thấy phi kiếm bản mệnh lớn như ngọn núi, một kiếm chém xuống cắt đứt sông ngòi.

Con vượn già tập trung suy nghĩ một lúc, sau đó tiếp tục đi về phía trước. Sau khi vào núi lập tức nhìn thấy cỏ dại rậm rạp, tiếp đó là một mảnh rừng trúc. Trên đất có nhiều lá khô chồng chất từ thu đông năm ngoái, nhưng vì ở gần trấn nhỏ nên rừng trúc không có vẻ hoang vu lộn xộn. Một đường men theo dấu chân không dễ nhận ra, con vượn già phát hiện mình đã sắp rời khỏi rừng trúc.

Lão cũng không đi thẳng ra khỏi rừng trúc, lại nhìn khắp bốn phía, vẫn không thấy trên đất có dấu chân của thiếu niên. Ánh mắt di chuyển lên trên, trúc xanh chung quanh cũng không có dấu vết rõ ràng. Nhưng con vượn già vẫn không đuổi thẳng lên núi, lại nhảy vọt lên, một chân đạp lên đầu một cây trúc xanh to khỏe, tăng sức một chút, thân thể nghiêng về hướng trên núi. Cây trúc theo đó cong lại, lúc sắp gãy đột nhiên lão lại thả lỏng người, thân thể cường tráng giống như lông vũ nhẹ bay, trúc xanh không còn bị đè ép lập tức bắn ngược trở nên thẳng tắp. Ông lão giống như tiên nhân ngự gió đứng trên đỉnh trúc xanh, thân hình khẽ đung đưa theo cây trúc. Sau khi nhìn khắp bốn phía, lại cúi đầu nhìn xuống dưới, cuối cùng đã phát hiện ra dấu vết. Lão nhếch khóe miệng, nhìn về phía xa bên tay trái, cẩn thận lắng tai nghe, loáng thoáng nghe được tiếng nước suối chảy.

Con vượn già cười lạnh nói:

- Quả nhiên vẫn gian xảo như trước.

Lão đạp lên từng cây trúc xanh, chạy về hướng khe suối nhỏ bên tay trái, trên đường không biết đã đạp gãy bao nhiêu cây trúc. Sau khi đến bên khe suối, con vượn già nhất thời cảm thấy đắn đo, không biết thiếu niên giày cỏ đã men theo dòng suối đi vào núi sâu rừng thẳm, hay là đã chạy trốn xuống hạ du. Lão ngồi xuống bên khe suối, nhíu mày cảm thấy rất bực bội. Nếu là ở thế giới bên ngoài, chỉ cần là núi non có một chút linh khí, con vượn già tiện tay chụp một cái là có thể cưỡng ép Thổ Địa thần đã mất chỗ dựa phải ra ngoài, hỏi một lần là biết hướng đi của thiếu niên.

Đây cũng coi là một trong số thần thông bản mệnh của vượn Bàn Sơn. Những tu sĩ khác cho dù pháp thuật thông thiên, uy danh hiển hách, chắc chắn cũng không thể dễ dàng chỉ tay ra lệnh cho thần linh của khu vực này, từ đó đạt được mục đích. Đây giống như quan trường nha môn của vương triều thế tục, Binh bộ thượng thư cũng rất khó tùy ý sai khiến một Hộ bộ viên ngoại lang nho nhỏ (1), bảo viên ngoại lang làm này làm nọ, quan trọng nhất là vị Binh bộ thượng thư và viên ngoại lang này còn không ở cùng triều đình một nước.

Con vượn già nghe tiếng nước chảy, lâm vào trầm tư.

Dựa theo lẽ thường, thân thủ và thể lực của thiếu niên kia tám phần là rèn luyên từ nhỏ lên núi xuống nước, nói không chừng còn nghiên cứu tập luyện thuật hít thở đơn giản. Nhờ đó mới có được thân thể khác với người thường, thân nhẹ xương cứng, khí huyết khoẻ mạnh, đến mức có thể chơi trò mèo bắt chuột với con vượn già trên nóc nhà ngõ nhỏ. Nói như vậy, thiếu niên quen đường ẩn nấp vào sâu trong rừng rậm sẽ hợp tình hợp lý. Còn nếu tâm tính thiếu niên đơn thuần, lúc trước chỉ dựa vào một bụng nhiệt huyết muốn báo thù, sau khi nếm thử nặng nhẹ lợi hại, dần dần bình tĩnh, dĩ nhiên sẽ bắt đầu nghĩ lại mà sợ. Khi đó hắn sẽ chạy đến tiệm rèn phía nam tìm Nguyễn sư che chở, điều này cũng hợp tình hợp lý.

Trường hợp đầu chỉ là hao tốn thời gian, còn trường hợp sau lại phải hao tốn sức lực tinh thần, thậm chí còn sẽ tiêu hao tình minh ước của núi Chính Dương.

Con vượn già thuận theo bản tâm, buột miệng nói:

- Thiếu niên này nhất định phải chết.

Nói xong câu này, con vượn già không còn hoài nghi nữa, lựa chọn truy đuổi về hướng hạ du.

- --------

Phía nam trấn nhỏ có một con đường nhỏ đất vàng quanh co ngoằn ngoèo, hai bên đều là đồng ruộng của dân chúng trấn nhỏ. Nửa đường có một ngôi miếu nhỏ đổ nát tường trắng ngói đen, nói là miếu nhưng thực ra là một chỗ cho dân chúng dừng chân nghỉ ngơi. Nhất là vào ngày mùa, trời hè nóng bức hoặc mưa lớn, có một chỗ để che nắng ngăn mưa sẽ rất khác biệt.

Lúc này Trần Bình An và Ninh Diêu đang nghỉ ngơi bàn bạc ở đây.

Ninh Diêu trời sinh kiếm tâm sáng ngời, nhìn vật ban đêm dễ như trở bàn tay. Nàng phát hiện trên vách tường đổ nát đầy những hàng chữ nguệch ngoạc bằng bút than của trẻ con, phần lớn là tên người. Chỗ thấp phần nhiều đã loang lổ không rõ, bị người khác bôi sửa, hoặc là chồng chất lên nhau. Nhưng ở chỗ cao hơn thì còn một số tên có thể nhìn thấy rõ ràng, Tống Tập Tân, Trĩ Khuê, Triệu Dao, Tạ Thực, Tào Hi... một hàng rất dài. Đoán chừng là năm xưa đám trẻ cưỡi trên cổ nhau, thậm chí là đứng trên vai đồng bạn để viết. Thậm chí Ninh Diêu còn nhìn thấy tên của ba người Lưu Tiện Dương, Trần Bình An và Cố Xán, tập trung ở nơi cao nhất góc trên bên trái, có vẻ không được hòa đồng lắm.

Ninh Diêu dời mắt đi, hỏi:

- Dù thế nào thì cũng đã làm được bước đầu tiên, buộc con vượn già phải lấy hơi một lần. Kế tiếp ngươi muốn đến trấn nhỏ lấy lại cung gỗ sao? Có mạo hiểm quá không? Lỡ may con vượn già rất cẩn thận, không lên núi tìm kiếm ngươi, chẳng phải ngươi sẽ giống như dê vào miệng cọp?

Thiếu niên giày cỏ vẫn luôn yên lặng hít thở, hô hấp nặng nhẹ dài ngắn cũng không theo quy trình nào, tất cả chỉ xem cảm giác, theo đuổi trạng thái “thoải mái nhất”. Sau khi nghe vậy, ánh mắt của hắn kiên nghị nói:

- Không có cách nào, nhất định phải lấy lại cung gỗ, nếu không những gì chúng ta làm trước đó chỉ uổng phí thời gian! Hơn nữa ở ngõ Nê Bình ta đã bắn một mũi tên vào đầu con vượn già, quả thật giống như Ninh cô nương nói, cho dù ở khoảng cách gần như vậy, chỉ cần không bắn trúng con ngươi của lão, tổn thương gây nên đều chẳng đáng kể gì.

Ninh Diêu hơi nổi nóng:

- Đã sớm nói rồi, chút tài mọn kia của ngươi chẳng có tác dụng gì đâu! Lúc trước ngươi không tin, lại không nghe khuyên bảo, được, ta mặc kệ ngươi. Nhưng bây giờ ngươi đã tin rồi, cũng nên làm theo cách của ta chứ?

Thực ra làm sao để đối phó với con vượn già núi Chính Dương, khi đó thiếu niên và thiếu nữ ở cầu mái che đã thương nghị chuyện này, quyết định ban đầu là ai làm việc nấy. Trần Bình An chỉ nói thiếu nữ hãy chờ hắn trở về trấn nhỏ tìm ba người, nhưng sau đó thiếu niên bỗng thay đổi chủ ý, đuổi kịp Ninh Diêu trước khi nàng đi xuống bậc thềm phía bắc cầu mái che.

Sau đó hai người xuất hiện bất đồng lớn. Lúc đầu thiếu nữ đeo đao đeo kiếm rất kiên định, Trần Bình An ngươi cũng không phải người tu hành, thậm chí còn không biết quyền pháp, cứ ở một bên xem trò vui là được, nhiều nhất là giúp phất cờ hò reo, để nàng đi giết con vượn già báo thù cho Lưu Tiện Dương, trút được mối hận trong lòng. Nhưng khi Trần Bình An hỏi nàng làm thế nào để giết con vượn già, Ninh Diêu lại khăng khăng không cho biết, chỉ nói nàng có tuyệt chiêu đặc biệt, muốn đi lại thiên hạ, lên núi xuống núi, một mình một bóng, không có vài đòn sát thủ gia truyền thì làm sao đi được.

Trần Bình An không đồng ý.

Do vậy mới có ba lần tìm người của Trần Bình An sau đó.

Trần Bình An đứng lên, vặn vặn hông, gần như không bị vướng víu trở ngại nữa, bèn nói:

- Tôi nghỉ ngơi đủ rồi.

Ninh Diêu ngạc nhiên nói:

- Thuốc của tiệm Dương gia hữu dụng vậy sao?

Ánh mắt Trần Bình An thoáng hiện lên vẻ ảm đạm, nhưng rất nhanh lại gật đầu cười nói:

- Rất hữu dụng.

Ninh Diêu hỏi:

- Có khi nào con vượn già nhìn thấu đường chạy trốn của ngươi không?

Trần Bình An ngẫm nghĩ, cẩn thận đáp:

- Không chừng là có.

Ninh Diêu dùng vỏ đao vẽ hai cái vòng và một đường thẳng dưới đất, hỏi:

- Đây là tuyến đường giữa miếu nhỏ và Lý gia ở đường Phúc Lộc, cung gỗ của ngươi giấu ở bên nào?

Trần Bình An cũng ngồi xuống vẽ một vòng:

- Ở gần phía đông, đại khái là nơi này, cách ngõ Nê Bình không quá xa.

Ninh Diêu gật đầu nói:

- Được, cho dù con vượn già chạy thẳng tới chỗ miếu nhỏ này, ta cũng sẽ cầm chân lão, tranh thủ đủ thời gian cho ngươi.

Trần Bình An lại dùng ngón tay vẽ một vòng nhỏ ở giữa tuyến đường kia:

- Nếu tình hình gay go đến như vậy, Ninh cô nương, cô có thể dụ lão tới chỗ này không? Chính là chỗ lúc trước tôi vào núi, như vậy tôi lấy được cung gỗ chạy tới cũng không mất bao lâu.

Thiếu nữ mặc một bộ áo bào màu xanh sẫm dùng đao chống xuống đất, ngạo nghễ nói:

- Nói không chừng đến lúc đó ta sẽ xách đầu con vượn già tới chỗ ngươi.

Trần Bình An lắc đầu nói:

- Đừng cậy mạnh, phải cẩn thận!

Ninh Diêu hận không thể cầm vỏ đao gõ vào đầu đối phương, rốt cuộc là ai cậy mạnh vậy?

Nàng trợn mắt nói:

- Này! Người đứng bên cạnh ngươi là Ninh Diêu ta, kiếm tiên đứng đầu toàn thiên hạ trong tương lai, được chưa?

Thiếu niên đứng lên, cúi đầu kiểm tra hai túi vải bên hông một chút, cột chặt lần nữa để phòng ngừa sự cố, sau đó ngẩng đầu cười nói:

- Biết rồi, biết rồi. Cho nên đừng chết ở cái nơi nhỏ bé này, nếu không thì lỗ nặng đấy. Sau này chờ cô trở thành nhân vật lớn như vậy, ta là bằng hữu cũng sẽ được thơm lây.

Ninh Diêu cảm khái nói:

- Trần Bình An, ngươi lề mề thiếu quyết đoán như vậy, khuyên ngươi sau này đừng nên cưới vợ nữa, cứ tùy tiện tìm một cô gái gả đi cho rồi.

Thiếu niên mỉm cười, cũng không phản bác. Hắn vừa định rời khòi miếu, Ninh Diêu lại nói:

- Để ta đưa ngươi tới chỗ khe suối nhỏ trước, sau đó ta sẽ đi về hướng tây bắc một đoạn. Phòng ngừa con vượn già vì lo lắng cho an nguy của bé gái kia, sau khi rời khỏi rừng trúc không lâu, không phát hiện được tung tích của ngươi sẽ quyết định từ bỏ truy bắt, quay đầu trở về trấn nhỏ.

Trần Bình An ngẫm nghĩ, cũng không từ chối.

Thiếu niên và thiếu nữ cùng nhau chạy về phía khe suối nhỏ. Thiếu nữ vô hình trung hít thở như sông lớn suối lớn, nước sâu yên lặng, nước ngầm cuộn trào. Thiếu niên thì hít thở như nước ở trong khe, dòng nhỏ chảy dài.

Cảnh tượng khác nhau.

Ninh Diêu đột nhiên không nhịn được hỏi:

- Loại thuốc bôi lên mũi tên cung gỗ mà ngươi nói, thật sự có tác dụng sao?

Thiếu niên đáp:

- Dù sao đã có tác dụng với heo rừng hơn hai trăm cân, chắc cũng có tác dụng với con vượn già kia.

Ninh Diêu không nói gì thêm.

Hai người tới gần khe suối nhỏ, chính là chỗ lúc trước thiếu niên giày cỏ lên bờ. Thiếu niên và thiếu nữ gần như đồng thời phát lực đạp chân xuống đất, vươn người lên nhảy qua bờ bên kia.

Sau khi thiếu nữ đáp xuống đất thì tay cầm vỏ kiếm, bước chân chậm lại. Thiếu niên thì lao tới lấy đà, nhảy qua bên kia sông, sau khi đáp xuống lại tiếp tục chạy nhanh, liền mạch lưu loát, trong nháy mắt đi sát qua vai thiếu nữ. Trần Bình An vừa định quay đầu, thiếu nữ liền nói:

- Ngươi đến trấn nhỏ trước, không cần lo cho ta.

Thiếu niên tiếp tục chạy về phía trước, vừa chạy vừa quay đầu nhắc nhở:

- Tôi sẽ đi một vòng nhỏ, chọn một con ngõ yên lặng tiến vào trấn nhỏ, có thể sẽ chậm một chút.

Ninh Diêu gật đầu. Sau khi bóng dáng Trần Bình An biến mất, nàng lại buông chuôi kiếm ra, bắt đầu chậm rãi đi về hướng tây.

Không lâu sau thân hình thiếu nữ bỗng dừng lại, híp mắt nhìn về thượng du dòng suối phía xa.

Một bóng dáng cao lớn đột nhiên từ tảng đá trong dòng suối bắn về phía bờ bắc, đáp xuống trước người thiếu nữ hơn hai mươi bước, vênh váo hung hăng.

Con vượn già hơi nghi hoặc, chung quanh cũng không có khí tức của thiếu niên đang ẩn nấp. Lão không biết vô tình hay cố ý liếc nhìn trường kiếm vỏ trắng bên hông thiếu nữ, cười nói:

- Tiểu cô nương, lúc trước người đến đường Phúc Lộc quấy rối là cô đúng không?

Hai tay thiếu nữ ấn lên chuôi đao chuôi kiếm, im lặng không trả lời.

Con vượn già tò mò hỏi:

- Tiểu cô nương, khi trước trên đường tới trấn nhỏ, mặc dù cô vẫn luôn giấu đầu giấu đuôi, nhưng ta biết lai lịch của cô không đơn giản, chắc chắn không phải loại rác rưởi như thành Thanh Phong và thành Lão Long. Có điều ta rất khó hiểu, giữa cô và ta có ân oán gì, tại sao phải làm như vậy? Hay là gia tộc sư môn của cô có hiềm khích với núi Chính Dương?

Ninh Diêu không nói lời nào, đao kiếm bên hông đồng thời ra khỏi vỏ, thân hình nhoáng lên rồi biến mất.

Đao hẹp tới trước, chém xuống đầu vị lão tổ hộ sơn của núi Chính Dương kia. Con vượn già chỉ tùy ý giơ tay lên, dùng cánh tay cứng rắn gạt văng một đao sắc bén này.

Thiếu nữ mượn thế thân hình xoay tròn, kiếm quét ngang vào cổ con vượn già.

Con vượn già lại dùng cánh tay cậy mạnh đập văng mũi kiếm.

Hai chiêu chủ động của thiếu nữ không thể thành công, cũng không ở gần quá lâu, lập tức kéo giãn khoảng cách với con vượn già, chậm rãi di chuyển.

Sau khi con vượn già dùng thân thể cực kỳ mạnh mẽ đánh giá mức độ sắc bén của hai thanh binh khí, cũng không đếm xỉa tới rãnh máu bị cắt ra bên ngoài cánh tay, cười nói:

- Binh khí đúng là không tệ, hơn nữa dám mang theo hai thanh bên người, vừa nhìn đã biết là con cháu thế gia ngàn năm trên núi, nếu không thì cũng là con cháu đích truyền của hào phiệt hàng đầu dưới núi. Thiếu chút nữa ta đã cho rằng cô là một kiếm tu khác của vườn Phong Lôi nấp trong bóng tối rồi.

Con vượn già di chuyển theo bước chân nhìn như thờ ơ của thiếu nữ, ánh mắt cũng hơi dời theo thân hình của nàng, trầm giọng nói:

- Tiểu cô nương, ta biết cho dù sắp tới gặp phải khó khăn, cô cũng sẽ không hết hi vọng. Lão phu cho cô một cơ hội cuối cùng để báo ra thân thế sư môn, nếu không cô có bị lão phu đánh chết, núi Chính Dương cũng sẽ không nhận sai, càng sẽ không quan tâm cô tới từ phương nào, sư môn họ hàng là ai.

Ninh Diêu nghe vậy chỉ để ngoài tai, vẫn luôn tìm kiếm khúc xương mềm thật sự của con vượn già này.

Dù sao nàng cũng không phải là vị phiên vương Đại Ly đã chạm tới ngưỡng cửa cảnh giới thứ mười, có thể chính diện đấu cứng với một con vượn Bàn Sơn.

Con vượn già tự thấy đã nhân nhượng quá nhiều, bèn cười lạnh nói:

- Đã không biết điều, vậy thì tùy ngươi.

- --------

Chú thích:

(1) Viên ngoại lang: một chức quan của Trung Quốc thời xưa. Vào Tùy triều thì hai mươi bốn ty đều có một viên ngoại lang, được xem như phó ty.
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...