Kính Vạn Hoa - Tập 13 - Khu Vườn Trên Mái Nhà

Tập 13-Khu Vườn Trên Mái Nhà - Chương 01-02



Chương 1

Ba nhỏ Hạnh là nhà báo. Mẹ nhỏ Hạnh cũng là nhà báo. Nhưng mẹ làm ở một tờ báo khác. Mẹ cũng không viết bài như ba. Mẹ không phải là phóng viên. Ở toà soạn, mẹ làm nhiệm vụ trực tổng đài điện thoại. Nhưng dù vậy những người chung quanh vẫn gọi mẹ là nhà báo.

Không hiểu có phải vì nhà báo là những người có đầu óc độc lập và thích đấu khẩu hay không mà nhỏ Hạnh thấy hai nhà báo sống với nhau trong một nhà gặp chuyện gì cũng tranh cãi.

Từ hồi có con Tai To “ba màu” về sống chung, không khí “tranh luận” trong nhà có lắng dịu đi một chút. Nhưng như vậy không có nghĩa là ba mẹ Hạnh đã có thể nhất trí với nhau về mọi thứ. Như chuyện về khu vườn mới đây chẳng hạn.

Chả là phía dưới cửa sổ phòng học của Hạnh, dọc theo hành lang dẫn xuống căn bếp của dì Khuê có một mái tôn lửng.

Đó là mái tôn căn hộ tầng trệt dùng che phân nửa khoảnh sân lộ thiên vốn được thiết kế ở các chung cư để mỗi tầng nhà đều có thể đón ánh sáng từ trên chiếu xuống.

Xưa nay chẳng ai chú ý đến mái tôn đó. Bỗng một hôm ba nói:

- Tại sao ta không kiếm cây cối về trồng trên mái tôn này nhỉ?

Lời đề nghị của ba nhanh chóng được nhỏ Hạnh và Tùng tán thưởng:

- Đúng rồi đó! Nhà ta ở thành phố, chả có tí cây xanh nào!

- Nhưng làm sao có thể trồng cây trên mái tôn được? – Mẹ thắc mắc.

Ba tươi tỉnh:

- Không sao! Ta sẽ trồng trong chậu!

Rồi ba huơ tay, hào hứng tuyên bố:

- Anh sẽ trồng một cây tre!

- Tre? – Mẹ thốt lên đầy kinh ngạc.

- Ừ, một cây tre chính cống. Nó sẽ đâm măng. Và chẳng bao lâu nhà ta sẽ có một bụi tre! Hệt như ở thôn quê!

Ba xuất thân từ nông thôn. Ba sống ở làng quê từ bé. Tuổi thơ ba gắn liền với con sông, rẫy mía, bờ tre. Vì vậy ý tưởng của ba chẳng có gì là kì quặc. Nhưng mẹ khác ba. Mẹ sinh ra ở thành thị. Và lớn lên cũng ở thành thị. Do đó, mẹ nhìn ba lạ lùng:

- Một bụi tre ngay trong nhà mình? Anh không nằm mơ đấy chứ?

- Không mơ chút nào! – Ba lim dim mắt – Gió sẽ rì rào trên ngọn tre. Và chim nữa. Chim sẽ về làm tổ và hót suốt ngày!

Tùng vỗ tay bôm bốp:

- Hay quá! Con cũng thích nghe chim hót!

Còn mẹ thì thở dài:

- Thôi được, anh và con sẽ được nghe chim hót! Còn em, em sẽ trồng một cây ngọc lan!

Ba tán đồng ngay:

- Tai nghe chim hót, mũi nghe hương ngọc lan, tuyệt vời!

Mẹ liếm môi:

- Em sẽ trồng thêm một cây tường vi!

- Ôi, lại càng tuyệt!

Rồi ba cao hứng ngân nga:

- Năm xưa khi tôi bước chân ra đi, đôi ta cùng đứng bên bờ tường vi, em hứa rằng em sẽ chờ đợi tôi…

Ba đang say sưa với bản “Cô láng giềng” của nhạc sĩ Hoàng Quý thì mẹ mỉm cười cắt ngang:

- Thôi, biểu diễn thế đủ rồi! Em sẽ trồng thêm cây dạ lí hương nữa!

- Dạ lí hương cũng hay! – Đang gật gù, ba bỗng khựng lại, dòm mẹ – Ủa, sao em giành hết phần của anh thế? Anh mới trồng có một cây mà em đã trồng tới ba cây rồi!

Mẹ tủm tỉm:

- Anh trồng một cây, nhưng cây của anh sẽ đâm măng, chẳng mấy chốc sẽ hoá thành một khu rừng! Ba cây của em bì thế nào được!

- Thôi đi, em đừng có ăn gian! – Ba hùng hổ – Không nói năng lôi thôi gì hết! Ngoài cây tre, anh sẽ trồng một cây ổi!

- Ôi, một cây ổi! Ý tưởng hay tuyệt! – Nhỏ Hạnh hớn hở – Con sẽ ăn ổi mệt nghỉ!

Mẹ lườm nhỏ Hạnh. Và nói:

- Em sẽ trồng thêm vài chậu hoa hồng!

Nghe vậy, ba lật đật bổ sung:

- Anh sẽ trồng thêm cây chanh!

- Em sẽ trồng thêm một bụi ngâu! – Mẹ tiếp.

Ba vung tay:

- Anh sẽ trồng thêm cây phượng!

- Thôi đi! – Mẹ gạt ngang – Cây phượng to đùng, không thể trồng trong chậu được!

Ba cười:

- Nếu vậy, anh sẽ trồng giàn thiên lí thay cho cây phượng!

Mẹ không chịu thua:

- Em trồng thêm giàn bông giấy nữa!

Cứ thế, trước vẻ mặt ngơ ngác của nhỏ Hạnh và Tùng, cuộc thi đua trồng trọt của các đấng sinh thành có nguy cơ kéo dài đến vô tận và nếu như trồng tất tần tật những thứ cây cối hoa cỏ hai người hăng hái liệt kê nãy giờ, chắc phải cần đến vài mẫu đất.

Thoạt đầu, nhỏ Hạnh còn hào hứng theo dõi. Sau, nó buồn cười quá. Do đó, khi mẹ lại nói:

- Em sẽ trồng thêm…

Nó liền vọt miệng cắt ngang:

- Nhưng cái mái tôn này nhỏ xíu à, mẹ ơi!

Trong khi mẹ ngớ ra thì ba cười hì hì:

- Ữ nhỉ, nếu cứ cái đà này, mái tôn sẽ sập xuống đè người ta bẹp dúm mất!

Rồi ba nhún vai:

Rồi ba nhún vai:

- Phải bỏ bớt một số cây đi thôi!

- Đúng rồi! – Mẹ gật đầu – Nhất là những loại cây to lớn như cây tre, cây ổi chẳng hạn!

- Uý, không được đâu! – Ba nhảy nhổm như bị ong đốt – Một khu vườn mà chẳng có tre, chanh, ổi thì chẳng còn là vườn!

Thế là ba mẹ lại lao vào tranh cãi, người nào cũng quyết bảo vệ những loại cây cỏ của mình.

Sau cuộc bàn thảo và thương lượng gay go kéo dài gần cả tiếng đồng hồ, rốt cuộc câu chuyện về khu vườn cũng ngã ngũ. Ba được giữ lại các cây tre, ổi, chanh và giàn thiên lí, còn các loại cây đề nghị thêm về sau như cau, dừa, mận… đều bị gạt khỏi danh sách. Mẹ được giữ nguyên các loại hoa, vào phút chót còn được thêm cây chuỗi ngọc, dâm bụt và cây hoa sứ. Đối với mẹ, kết quả như thế có thể được xem là một thắng lợi quá sức rực rỡ.

Nhưng dù sao đó cũng chỉ mới là thắng lợi bước đầu. Bước tiếp theo mới thật sự gian nan.

Hôm đầu tiên, mẹ đem chậu chuỗi ngọc về mới đặt lên mái tôn, đang xoay ngang xoay dọc lựa thế, đã nghe tiếng la lối từ dưới đất vọng lên:

- Này, này, các ông các bà làm gì thế? Coi chừng sập nhà tôi bây giờ!

Ngoảnh dòm, thấy cô Bốn Loan chủ nhân căn hộ phía dưới đang đứng chống nạnh ngó lên, mẹ nhỏ nhẹ:

- Dạ, tụi em đặt chậu hoa…

- Không được! Dứt khoát không được! – Cô Bốn Loan ngắt ngang, giọng kiên quyết – Chỗ đó đâu phải là chỗ cho chị trồng hoa!

Mẹ chỉ hay tranh cãi với ba. Với người ngoài, mẹ không thích đôi co. Vì vậy thấy cô Bốn Loan tỏ vẻ khó chịu, mẹ bưng ngay chậu chuỗi ngọc vào nhà.

Tối, ba về, mẹ nói ngay:

- Kế hoạch trồng cây của nhà ta phá sản rồi anh ạ!

- Sao thế? – Ba ngạc nhiên.

Mẹ thở dài:

- Chị Bốn Loan không đồng ý cho mình đặt các chậu hoa lên mái tôn!

Ba tặc lưỡi:

- Chà, gay quá nhỉ!

- Gay quá đi chứ lại! Chậu chuỗi ngọc còn không có chỗ đặt, nói gì đến cây tre, cây ổi!

- Không sao! – Ba xoa cằm – Ta sẽ tính cách khác!

- Cách gì?

- Từ từ anh nghĩ!

Ăn cơm tối xong, ba tươi tỉnh bảo:

- Anh nghĩ ra cách rồi! Cách này tuyệt lắm!

Mẹ hồi hộp:

- Cách gì thế?

- Đặt các chậu cây trên mái tôn!

- Anh đùa đấy hả?

- Chẳng đùa tí ti nào! – Ba nghiêm nghị – Nhưng đây chẳng phải là mái nhà của chị Bốn Loan! Mình sẽ lắp một mái tôn riêng để trồng cây!

Mẹ vẫn chưa hiểu:

- Lắp một mái tôn?

- Ừ!

- Lắp ở đâu?

Ba khịt mũi:

- Ở ngay bên trên mái tôn của chị Bốn Loan ấy!

Mẹ không hỏi nữa. Mà gục gặc đầu. Ờ, như thế thì mình không sợ sẽ làm hỏng mái nhà của căn hộ bên dưới! Và chị Bốn Loan chẳng có lí do gì để phản đối chuyện trồng cây của mình nữa! Đang gật gù, mẹ bỗng khựng lại, mặt ngẩn ra:

- Ôi, thế sao ta không đúc một tấm bê-tông? Ta làm mái bằng giống như một cái sân thượng ấy!

- Anh cũng đã nghĩ tới chuyện đó rồi! – Ba chép miệng – Nhưng như vậy sẽ tốn rất nhiều tiền! Hơn nữa, đúc mái bê-tông rất phức tạp, buộc phải đào cột và dỡ mái tôn của căn hộ bên dưới, chưa chắc chị Bốn Loan đã đồng ý!

Nghe ba nói vậy, mẹ không đòi làm mái bê-tông nữa. Nhớ đến thái độ gay gắt của chị Bốn Loan hồi chiều, mẹ biết không dễ gì thương lượng chuyện đào cột và dỡ mái. Lắp mái tôn dù sao cũng đơn giản hơn nhiều, lại chẳng đụng chạm gì đến tầng trệt. Chỉ cần bắt những thanh gỗ thật chắc làm đà và lợp tôn lên là xong.

Ngày mái tôn lắp xong, cả nhà vui như mở hội.

Thằng Tùng nhảy cẫng:

- A ha, thế là từ nay nhà ta có một khu vườn!

Nhỏ Hạnh nguýt yêu em:

- Làm gì mà em nhảy loi choi thế?

Tùng hớn hở:

- Em sẽ được nghe hoạ mi hót!

Nhỏ Hạnh “xì” một tiếng:

- Ở đó mà hoạ mi! Chim se sẻ thì có!

Tùng vẫn mơ màng:

- Không chỉ hoạ mi, chim vàng anh cũng về hót suốt ngày! Tụi bạn em chắc chắn sẽ ngẩn ngơ!

Nhỏ Hạnh thực tế hơn:

- Còn chị, chị sẽ được ăn ổi! Mà không phải ổi mua ngoài chợ đâu nhé! Ổi hái từ trên cây xuống đàng hoàng!

- Chanh nữa chi! – Tùng trêu chị – Chị sẽ được ăn chanh chua méo mặt!

- Ờ chanh nữa! – Nhỏ Hạnh reo lên – Chị sẽ ngâm một thẩu chanh muối! Và không cho em rớ vào!

Tùng tính cà khịa nhỏ Hạnh, không ngờ bị bà chị khều lại, đành tìm cách gỡ gạc:

- Nhưng chắc gì cây chanh của ba sẽ ra trái!

- Nhưng chắc gì cây chanh của ba sẽ ra trái!

- Em đừng có nói xui! Chị méc ba bây giờ!

Nghe bà chị doạ, Tùng biết mình bị hớ, liền im ru.

Nhưng khu vườn của hai chị em nhỏ Hạnh chưa có cây chanh ngay.

Ngay ngày đầu tiên mái tôn được lắp xong, chậu chuỗi ngọc được mang ra trước tiên.

Ngày hôm sau đến các chậu hồng, tường vi và hoa giấy. Tiếp nữa là cây ngọc lan với những nụ hoa trắng muốt.

Mẹ là phụ nữ, được ưu tiên. Đến ngày thứ tư mới đến các loại cây của ba. Cây tre, cây ổi và cây chanh hí hửng rủ nhau về nhà.

Những loại cây ba yêu thích đều to lớn trồng trong những chiếc chậu cũng to lớn, do đó chỉ được đặt ở các góc “vườn” để mái tôn không bị oằn dưới sức nặng của chúng.

Quả như ba nói, từ khi các thứ cây của ba kéo nhau về, khu vườn đột nhiên mang một bộ mặt khác hẳn. Đã đành cây ngọc lan và cây tường vi của mẹ cũng cao lớn, cây chuỗi ngọc và cây hoa giấy cũng lá phủ loà xoà nhưng không hiểu sao phải đợi đến khi bóng dáng của cây chanh, cây ổi và đặc biệt là cây tre xuất hiện, đám cây cỏ hoa lá kia mới thực sự mang dáng dấp của một khu vườn.

Ba đứng ngắm một hồi, xoa tay giọng cảm khái:

- Khu vườn nhà ta đẹp không thua tranh vẽ!

Nhỏ Hạnh mỉm cười:

- Nhưng tranh ai vẽ? Nếu tranh do thằng Tùng nhà mình vẽ thì dứt khoát không đẹp rồi!

Tùng đứng bên hừ mũi:

- Chị làm như chị vẽ đẹp lắm đấy!

- Nhưng chắc chắn là hơn em! – Nhỏ Hạnh chun mũi – Chị chẳng bao giờ bị điểm 4 môn tập vẽ như em cả!

Bị nhỏ Hạnh chọc, Từng tức anh ách nhưng đành làm thinh. Trong các môn học, Tùng khá nhất môn văn và dở nhất môn vẽ, do đó nó chả dại gì để mình lún sâu vào đề tài bất lợi này.

Loay hoay một hồi chẳng nghĩ ra kế nào trả đũa, Tùng bèn nhìn ba, đánh trống lảng:

- Thế ba đã phân công ai chăm sóc khu vườn chưa?

- Dĩ nhiên là con với chị Hạnh! Mỗi buổi chiều, hai chị em sẽ thay phiên nhau tưới nước, tỉa lá, bắt sâu!

Nghe ba nói vậy, Tùng mừng rơn. Nó không bỏ lỡ dịp may “hãm hại” bà chị:

- Con sẽ phụ trách phần tỉa lá và tưới nước cho! Bắt sâu là phần chị Hạnh!

Quả nhiên, nhỏ Hạnh rụt ngay cổ lại:

- Eo ôi, không được đâu! Chị sợ sâu lắm!

Ba cười:

- Nói vậy thôi chứ ba nghĩ khu vườn nhà ta chẳng nhiều sâu lắm đâu!

- Không nhiều nhưng mà vẫn có chứ? – Nhỏ Hạnh chưa hết hồi hộp.

- Con đừng lo! – Ba xoa đầu Hạnh – Nếu con sợ sâu thì để ba bắt cho!

Không “hại” được bà chị, Tùng liền ưỡn ngực ra oai:

- Con bắt cũng được! Con không sợ sâu!

Nói xong, Tùng quay nhìn nhỏ Hạnh, mặt mày vênh vênh váo váo ra vẻ ta đây anh hùng lắm lắm

Chương 2

Biết nhỏ Hạnh sợ sâu, thằng Tùng suốt ngày lo đi “vạch lá tìm sâu”. Nó mong vớ được một con để doạ bà chị nhát cáy của mình chơi.Nhưng dọ dẫm trong vườn suốt hai, ba ngày liền, Tùng chẳng phát hiện được con sâu nào.

Chả thấy sâu, nó chỉ thấy thằng Hưng sún con cô Bốn Loan ngày nào cũng đứng dưới khoảnh sân trống lé mắt trông lên, vẻ tò mò.Thấy có người nhìn, Tùng càng ra dáng tợn. Nó chắp tay sau lưng đi tới đi lui hệt mấy cụ già dạo chơi hòn non bộ, mũi thỉnh thoảng lại hít hít ngửi ngửi ý nói ta đây đang thưởng thức hoa thơm cỏ lạ, nhà ngươi đừng hòng có được cái thú thanh nhã này.

Có lẽ cái “tác phong” của thằng Tùng làm Hưng sún ngứa mắt. Một hôm Tùng đang nhởn nhơ trong vườn, lượn lờ khoe mẽ, Hưng sún ngóc cổ nghiêng ngó một hồi bỗng hắng giọng:

- Nè!

- Gì thế mày?

Tùng ngó xuống, giọng kiêu hãnh. Nó đoán chừng thằng con cô Bốn Loan chắc chịu hết nổi nên mở miệng xin lên thăm thú khu vườn của nó. Nào ngờ Hưng sún phán một câu xanh rờn:

- Mày cứ đi lại sột soạt trên nóc nhà tao hoài làm sao tao ngủ trưa!

Tùng cụt hứng, đứng lại:

- Xạo đi mày! Giờ này ba giờ chiều rồi mà ngủ trưa gì nữa!

Hưng sún hừ giọng:

- Tao ngủ trưa tới bốn giờ lận!

Biết thằng này kiếm cớ gây sự, Tùng hất mặt:

- Kệ mày! Ai bảo mày ngủ trễ ráng chịu!

Thái độ của thằng Tùng làm Hưng sún tức sôi. Nó sầm mặt:

- Không phải chỉ mình tao! Cả mẹ tao cũng ngủ trưa tới bốn giờ!

Tùng không biết Hưng sún nói thật hay bịa chuyện nhưng nghe đối phương đem mẹ ra “hù”, nó không dám giở giọng khiêu khích như khi nãy.

- Mẹ mày cũng ngủ trưa trễ như mày thật hả? – Tùng hạ giọng ngạc nhiên hỏi.

- Ờ, ờ, đúng vậy!

Hưng sún bối rối gãi đầu:

- Nhưng không phải ngày nào mẹ tao cũng ngủ trễ! Chỉ thỉnh thoảng như hôm nay thôi!

Hưng sún nói vừa dứt câu, Tùng sực nhớ nó vừa nhìn thấy cô Bốn Loan xách giỏ đi ngang dưới đường cách đây khoảng một tiếng đồng hồ, cặp mắt liền sáng lên:

- Ha ha! Xạo mà cũng không biết cách xạo! Khi nãy tao mới thấy mẹ mày dưới đường đây mà!

Cú “lật tẩy” của Tùng khiến Hưng sún thoáng lúng túng. Nhưng rồi nó trấn tĩnh ngay.

- Thì tao có bảo là khi nãy mẹ tao không ra đường đâu!

Hưng sún khịt khịt mũi

– Nhưng đi ra ngoài xong, mẹ tao lại quay vào… ngủ tiếp!

– Nhưng đi ra ngoài xong, mẹ tao lại quay vào… ngủ tiếp!

Giọng điệu Hưng sún rõ là giọng dóc tổ. Nhưng Tùng không biết dựa vào đâu để bắt bẻ. Nó ngậm tăm quay vào mà trong bụng tức anh ách.

Nhỏ Hạnh đang ngồi học bài trên gác, thấy thằng Tùng hầm hầm đi lên, tròn mắt hỏi:

- Có chuyện gì mà mặt mày em sa sầm thế?

- Thật tức ơi là tức? – Tùng ngồi phịch xuống ghế.

- Không bắt được con sâu nào để nhát chị nên tức chứ gì?

Đang hậm hực Hưng sún chưa biết trút vào đâu lại bị bà chị cà khịa, Tùng nhăn như bị:

- Ai mà thèm bắt sâu trêu chị! Em tức là tức chuyện khác cơ!

Nhỏ Hạnh không nén được tò mò:

- Chuyện gì thế?

- Thằng Hưng sún!

- Thằng Hưng sún sao?

Giọng Tùng ấm ức:

- Nó không cho em đi trên mái tôn! Nó bảo em đi lại sột soạt làm nhà nó không ai ngủ trưa được!

- Thế rồi sao? – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi.

- Còn sao nữa! – Tùng vò đầu – Nó đã nói vậy chẳng lẽ mình đứng hoài trên đó!

Nhỏ Hạnh bật cười:

- Em mắc lừa nó rồi!

- Em mắc lừa? – Tùng ngớ người.

- Chứ gì nữa! – Nhỏ Hạnh nheo nheo mắt – Mái tôn nhà mình lợp cao hơn mái tôn nhà Hưng sún một quãng, hai mái tôn cách nhau gần nửa thước, em đi trên đó làm sao nó nghe thấy được!

- Đúng rồi! – Tùng bật kêu – Thế mà lúc nãy em chẳng nghĩ ra!

Nói xong, Tùng đùng đùng quay xuống cầu thang khiến nhỏ Hạnh phải gọi giật:

- Em định đi đâu đấy?

- Em ra vườn! Em phải cho thằng Hưng sún một trận! – Tùng gầm gừ.

Nhỏ Hạnh tủm tỉm:

- Em ở trên mái nhà, nó ở dưới đất, làm sao em “cho nó một trận” được?

Tùng ngẩn tò te trước câu hỏi oái oăm của bà chị. Nó gãi cổ một hồi rồi ấp úng chống chế:

- “Cho một trận” ở đây không có nghĩa là đánh nhau! Nhưng em phải nói cho nó biết nó là đứa chơi xấu, lại chuyên bịa chuyện không biết mắc cỡ là gì!

- Này, này…

Thấy ông em có vẻ hăm hở đi gây gổ với thằng con cô Bốn Loan thật, nhỏ Hạnh mở miệng định cản nhưng nó mới thốt được một, hai tiếng, thằng Tùng đã vọt mất.Nhưng khi Tùng ra đến nơi thì Hưng sún đã không còn đứng dưới sân. Chưa nguôi tức, Tùng bước tới bước lui, cố ý dậm chân thình thình nhưng Hưng sún làm như không nghe thấy. Nó cứ ở lì trong nhà.Không “cho Hưng sún được một trận”, Tùng cáu lắm.

Nhưng Tùng chỉ cáu có một ngày. Chiều hôm sau, Hưng sún lại xuất hiện. Nó vẫn đứng dưới sân nghển cổ dòm lên, mắt láo liên dò xét.Lần này, bên cạnh Tùng còn có nhỏ Hạnh. Hai chị em đang lui cui tưới cây nên không trông thấy Hưng sún.Hưng sún đứng dưới thấp ngó lên, lại bị mái tôn che khuất nên cũng chẳng nhìn rõ chị em nhỏ Hạnh đang làm gì. Nó cũng không trông rõ được vườn cây, nhón chân lắm cũng chỉ thấy vài chỏm lá phất phơ trong gió.

Trông ngang ngó ngửa một hồi, Hưng sún nheo mắt gọi:

- Ê!

Nhỏ Hạnh và Tùng nhìn xuống chưa kịp nói gì, Hưng sún đã chống nạnh ra oai:

- Chị em mày làm gì mà lục đục hoài trên mái nhà tao thế?

- Đây không phải là mái nhà mày! – Tùng nhếch môi – Mái nhà mày nằm ở dưới kia kìa!

Hưng sún bướng:

- Nhưng mái tôn này che ngay trên nhà tao xem như là mái nhà tao! Khi nào nó che trên nhà mày thì mới là mái nhà mày!

Tùng “xì” một tiếng:

- Nói vậy mà cũng nói! Mái tôn nhà tao, tao cứ đi, mày không có quyền cấm!

Thấy không làm gì được đối phương, Hưng sún giở mửng cũ:

- Nhưng tụi mày cứ sột soạt hoài nhà tao không ai ngủ được!

- Ha ha! – Đang ấm ức vì chưa “lật tẩy” được Hưng sún, nay thấy thằng này lại giở chiêu “sột soạt”, Tùng khoái trá toét miệng cười – Mái nhà tao cách mái nhà mày gần nửa thước mà mày nghe được tiếng chân tao đi trên này, hay thật đấy!

Bị đối phương điểm ngay yếu huyệt, Hưng sún đỏ bừng mặt. Đã vậy, nó còn đang lóng ngóng chưa nghĩ ra câu gì để lấp liếm, Tùng đã cao giọng chế nhạo:

- Thế là lòi đuôi rồi nhé! Từ nay đừng có mà kiếm chuyện nữa đấy!

Khiến mặt nó càng thêm sa sầm. Hưng sún ấm ức rít qua kẽ răng:

- Nhưng gì thì gì, tao cũng không muốn ai đi qua đi lại trên đầu tao!

Tới đây thì nhỏ Hạnh biết mình không thể khoanh tay đứng yên được nữa. Nó nhìn Hưng sún, cố tỏ ra dịu dàng:

- Em không nên nói vậy! Nhà chung cư, người ở trên người ở dưới là chuyện bình thường. Ai cũng muốn ở dưới thấp chứ có ai muốn ở trên cao đâu!

- Ừ, phải đấy! – Tùng bô bô hùa theo – Nếu mày muốn thì kêu mẹ mày đổi! Nhà mày lên nhà tao, nhà tao xuống nhà mày!

Đề nghị cắc cớ của thằng Tùng làm Hưng sún tắc tị. Nó định nói “Ai dại gì chuyển từ dưới thấp lên cao!” nhưng sực nhớ nói như vậy có khác nào tự mình chống lại mình, nó bèn làm thinh ngó lơ chỗ khác.

Sau cuộc đụng độ đó, Hưng sún bặt tăm suốt một thời gian dài. Chiều chiều ra vườn tưới nước, hai chị em nhỏ Hạnh không còn nhìn thấy nó lảng vảng ở bên dưới dòm lên nữa

Tùng xoa tay nói:

- Nó sợ rồi!

- Mình có làm gì đâu mà nó sợ? – Nhỏ Hạnh nguýt em.

Tùng cười hì hì:- Nó sợ mình gạ nó đổi nhà!

Câu nói của Tùng khiến nhỏ Hạnh dù cố làm nghiêm rốt cuộc cũng phải phì cười.
Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...