Kính Vạn Hoa - Tập 24 - Giải Thưởng Lớn

Chương 02



Chương 2

Tưởng vậy là thôi, nào ngờ sáng hôm sau, vừa vào lớp, tụi bạn lại nhìn thấy hai câu thơ khác trên bảng.

Lần này Lâm không châm chích Đặng Đạo, mà “tấn công” thẳng vào lớp trưởng Xuyến Chi và lớp phó văn thể mỹ Vành Khuyên.

Hai câu thơ viết: “Nếu còn quen thói bao che. Thì làm sao nói ai nghe hở trời!” Lúc Lâm viết hai câu này, Quới Lương đứng bên cạnh hơi hốt. Nó giật tay bạn:

- Thôi đi mày! Đừng đụng vào mấy con nhỏ này!

- Sợ gì chứ? - Lâm giằng tay ra - Tao cứ viết!

Quốc Ân và Hải Quắn ngồi dưới nhao nhao:

- Đúng rồi! Cứ viết đi Lâm! Hai bà chằn đó chẳng làm gì được mày đâu!

Quới Lương quay lại:

- Tụi nó nổi sùng tụi nó méc cô Trinh thì khốn!

Quốc Ân cười hề hề:

- Nhưng trước khi cô Trinh vào lớp, thằng Lâm đã xóa sạch “tang chứng” rồi còn đâu!

Lâm ném viên phấn vào chân tường, xoa xoa tay, gật gù ngắm nghía hai câu thơ vừa viết:

- Hôm nay hai con nhỏ Xuyến Chi và Vành Khuyên chắc chắn sẽ bầm gan!

Quả như dự liệu của Lâm, vừa ôm cặp bước qua khỏi cửa, thấy bạn bè xì xào, nhỏ Vành Khuyên vội đưa mắt nhìn lên bảng.

Hai câu thơ châm chích của thằng Lâm làm mắt nó tối sầm. Nó ngoảnh phắt lại, nhìn xoáy vào mặt “thủ phạm”:

- Lại Lâm nữa phải không?

Lâm nhếch mép:

- Việc gì tới bạn mà hỏi? Bộ bạn tự nhận mình là người “quen thói bao che” trong câu thơ hả?

So với lớp trưởng Xuyến Chi và lớp phó học tập Hạnh, Vành Khuyên là con nhỏ “mềm yếu” nhất trong ban cán sự lớp. Thằng Lâm mới chọc tức một câu, nó đã lúng túng không biết đáp trả thế nào. Đã thế mắt nó lại còn muốn ngân ngấn nước.

May sao, nhỏ Xuyến Chi kịp thời xuất hiện. Vừa bước vào lớp, đảo mắt một vòng, Xuyến Chi đã hiểu ngay cớ sự.

Nó quắc mắt nhìn Lâm, giọng hăm dọa:

- Chẳng lẽ bạn không xem nội quy kỷ luật ra gì sao?

Lâm hừ mũi:

- Tôi chẳng làm gì vi phạm nội quy kỷ luật! Bạn đừng có vu oan!

Bọn Qưới Lương, Quốc Ân và Hải quắn lập tức hùa theo:

- Vu oan! Đúng là vu oan!

Nhỏ Xuyến Chi không thèm để ý đến ba đứa a dua kia. Nó chỉ tay lên bảng, mặt nghiêm lại:

- Hôm qua bạn giễu cợt Đặng Đạo, hôm nay bạn châm chọc tôi và Vành Khuyên, bạn gây mất đoàn kết trong lớp như vậy mà bảo là không vi phạm nội quy nhà trường hả?

- Tôi không châm chọc! - Lâm ngoác miệng cãi - Tôi chỉ phê bình góp ý!

- Không ai góp ý bằng cách đặt vè rồi viết lên bảng! - Nhỏ Xuyến Chi chưa kịp bắt bẻ, giọng nhỏ Lan Kiều ở tổ 2 thình lình vang lên - Đó chỉ là chọc phá thôi!

Lâm vừa oang oang bào chữa vừa quay lại phía có tiếng nói. Nhận ra người lên tiếng phản đối là Lan Kiều, mắt nó nheo lại:

- Thì ra nhà thơ của trường ta! Bạn làm thơ hay, bạn được in bài lên báo Khăn Quàng Đỏ, tôi làm thơ dở, tôi đành in lên… tấm bảng của lớp mình. Chẳng lẽ như vậy bạn cũng ghen tị sao?

Lối ăn nói khiêu khích của Lâm khiến nhỏ Lan Kiều không kịp nghĩ ra cách đối phó. Mặt đỏ lên, nó chỉ biết buông một câu hậm hực:

- Tôi không thèm tranh cãi với bạn nữa!

Đúng lúc này, nhỏ Hạnh, Quý ròm và Tiểu Long lục tục bước vào. Hôm qua, bọn Quý ròm vô trễ nên không tận mắt chứng kiến cảnh thằng Lâm đặt vè trêu Đặng Đạo và sau đó cãi nhau tóe lửa với Xuyến Chi và Vành Khuyên.

Nhưng chỉ cần hỏi qua Vành Khuyên vài câu, bọn Quý ròm đã biết ngay mọi chuyện. Nhỏ Hạnh đưa mắt đọc hai câu thơ trên bảng rồi quay nhìn Lâm, chậm rãi:

- Lâm sai rồi!

Lâm nhìn ra cửa, “xì” một tiếng:

- Bạn sai thì có! Bạn ở trong ban cán sự lớp nên cố tình bênh vực Xuyến Chi và Vành Khuyên chứ gì!

Nhỏ Hạnh thản nhiên:

Nhỏ Hạnh thản nhiên:

- Hạnh chẳng bênh vực cho ai hết. Nhưng nếu bạn bè có khuyết điểm, tại sao Lâm không góp ý trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm? Đặt vè chọc ghẹo như thế này rõ ràng là một hành vi ác ý!

Nhỏ Hạnh phân tích có lý có tình khiến Lâm nghẹn họng. Nó rất muốn gỡ tội nhưng chẳng biết nói sao, đành gào lên oan ức:

- Tôi không hề ác ý! Bạn đừng có vu khống!

Chỉ đợi có vậy, Quốc Ân, Hải quắn và Quới Lương ngoác miệng lu loa theo:

- Vu khống! Không được vu khống!

Lớp trưởng Xuyến Chi liếc nhỏ Hạnh:

- Bạn đừng nói lý lẽ với bọn họ nữa! Lát nữa tôi sẽ báo với cô Trinh để cô phân xử! Thái độ kiên quyết của Xuyến Chi khiến băng “tứ quậy” chột dạ.

Quới Lương phóc ra khỏi bàn, lao thẳng lên bảng. Nhoáng một cái, nó đã xóa sạch hai câu thơ.

Nhỏ Xuyến Chi nhếch môi:

- Chả ăn thua đâu! Cả lớp đều tròng thấy, các bạn đừng hòng chạy tội!

- Tôi sẽ làm chứng! - Nhỏ Lan Kiều sốt sắng - Tôi đã thuộc lòng hai câu thơ khi nãy rồi!

Tần hăng hái vung tay:

- Còn tôi, tôi sẽ đọc cho cô Trinh nghe hai câu thơ bạn Lâm chế giễu bạn Đặng Đạo hôm qua!

Nhỏ Hiền Hòa cũng không chịu kém:

- Tôi cũng thuộc! Tôi thuộc cả bốn câu!

Thấy tình thế càng lúc càng bất lợi, bang “tứ quậy” lo lắng nhìn nhau. Quới Lương cằn nhằn:

- Hồi sáng tao đã cản rồi, ai bảo tụi mày không nghe! Đụng vào hai bà chằn kia thế nào cũng sinh lắm chuyện!

Lâm nhìn Xuyến Chi, cười giả lả:

- Đùa chơi một tẹo thôi mà, có gì phải méc cô!

Nhỏ Xuyến Chi nhướn mắt:

- Bộ Lâm hết chuyện đùa rồi hả?

Lâm gãi đầu:

- Đây chỉ là làm thơ cho vui thôi!

Nhỏ Hạnh nhún vai:

- Những câu thơ quậy phá của Lâm chẳng làm ai vui nổi đâu! Lâm có giỏi thì làm thơ như Quý kia kìa!

- Trời đất - Lâm nhìn sững Quý ròm một lát rồi quay sang nhỏ Hạnh - Bộ Hạnh kêu tôi làm những câu thơ kiểu như “Nhà em có một người bà. Tiếp theo là mẹ kế là ba em” như “thi sĩ Bình Minh” đây hả?

- Không phải! Không phải! - Nhỏ Hạnh quên phắt chuyện tụi bạn trong lớp đã biết tỏng “thi sĩ Bình Minh” là Quý ròm, bây giờ nghe thằng Lâm ông ổng, nó giật thót và vội vàng đính chính - Ý của Hạnh là…

Nhỏ Hạnh chưa nói hết câu, Lâm đã láu táu cắt ngang:

- Hay là ý Hạnh muốn nói đến bài thơ “Lớp em - Làm bài - Thật là - Chính xác - Lớp em - Ca hát - Thật là - Hay ho”…

Thằng Lâm đọc tới đâu, cả lớp cười bò ra tới đó. Còn Quý ròm thì tái xạm mặt. Nó không ngờ mọi chuyện lại xoay ra như vậy. Chuyện xảy ra trong lớp sáng nay chẳng liên quan gì đến nó, tự nhiên nhỏ Hạnh nhắc đến chuyện thơ thẩn của nó khiến thằng Lâm có cớ lôi những bài thơ con cóc trước đây của nó ra làm trò cười cho thiên hạ.

Mà ai chứ thằng Lâm “thi sĩ Hoàng Hôn” này hễ vớ được dịp trêu ghẹo “thi sĩ Bình Minh” là nó dứt khoát không chịu buông tha. Lâm lại cười hê hê:

- Hay là làm thơ theo kiểu “Thơ thương nhớ ai. Mà thơ bắt chước. Thơ thương nhớ ai. Thơ vắt trên cành. Thơ thương nhớ ai. Thơ chạy loanh quanh”.

- Thôi, đủ rồi nghe! - Tới đây thì Quý ròm hết nhịn nổi. Nó gầm lên - Tao không giỡn với mày nghe Lâm!

- Tao đâu có giỡn! - Lâm làm mặt tỉnh - Tại Hạnh kêu tao bắt chước thơ của mày, tao phải…

- Dẹp mày đi!

Quý ròm gầm lên lần thứ hai. Rồi quay sang nhỏ Hạnh, nó nghiến răng trèo trẹo:

- Còn Hạnh nữa! Sao tự nhiên Hạnh lôi tôi vào đây? Bộ Hạnh muốn hại thằng bạn ròm này hả?

- Quý đừng hiểu lầm! - Nhỏ Hạnh nhăn nhó - Ý của Hạnh không phải vậy đâu!

- Chứ ý Hạnh sao? - Quý ròm tức muốn nảy đom đóm mắt, nó hỏi mà như quát.

Biết thằng ròm đang nổi cơn lôi đình, nhỏ Hạnh không trả lời thẳng. Nó quay sang thằng Lâm, từ tốn giải thích:

Biết thằng ròm đang nổi cơn lôi đình, nhỏ Hạnh không trả lời thẳng. Nó quay sang thằng Lâm, từ tốn giải thích:

- Lâm đừng xem thường Quý! Ngoài những bài thơ đó ra, Quý còn lại những bài thơ về học tập rất hay…

- Cái gì là “thơ học tập”? - Lâm toét miệng cười - A ha, vụ này mới à nha! Trước đây tôi chỉ nghe nói đến thơ vịnh cảnh, thơ trữ tình… chứ chưa bao giờ nghe nói đến “thơ học tập” à!

Nhỏ Hạnh vẫn bình tĩnh:

- Đó là tại Lâm chưa biết đó thôi. Chính nhờ những bài thơ học tập của Quý, em gái Quý và em gái Tiểu Long học hành tiến bộ trông thấy đấy!

- Có chuyện đó sao? - Nhỏ Xuyến Chi tò mò - Những bài thơ đó như thế nào, Hạnh đọc thử một bài nghe xem!

Nhỏ Hạnh chưa kịp đọc, Tiểu Long đã nhanh nhẩu:

- Muốn tìm diện tích hình thang

Đáy trên đáy dưới ta mang cộng vào

Rồi đem nhân với chiều cao

Chia hai dứt khoát thế nào cũng ra

Tiểu Long vừa đọc dứt, cả lớp vỗ tay rần rần:

- Hay quá! Hay quá!

- Thơ thế mới là thơ chứ!

- Bài thơ này do “thi sĩ Bình Minh” sáng tác hả?

Tụi bạn nhao nhao làm Quý ròm sướng rơn. Nó không ngờ cuộc đời lại xoay chuyển vùn vụt như thế.

Vừa rồi thằng Lâm lôi những bài thơ con cóc của nó ra giễu cợt, tụi bạn còn ôm bụng cười ngặt nghẽo, vậy mà bây giờ nghe Tiểu Long đọc “bài thơ hình thang” ngắn ngủn của nó, cả lớp lập tức xoay sang đồng thanh tán thưởng, khen ngợi, bảo nó không ngạc nhiên sao được!

Quý ròm ngượng ngập một cách khoái chí. Nó gãi gãi đầu, thấy bốn chữ “thi sĩ Bình Minh” không còn vẻ bôi bác như trước đây nữa.

Tiểu Long sung sướng không thua gì Quý ròm. Nó ưỡn ngực:

- Tất nhiên bài này do Quý ròm sáng tác! Mà nó không chỉ sáng tác một bài đâu nhé!

Nghe vậy, tụi bạn lại háo hức:

- Thế còn bài nào nữa? Đọc tiếp đi!

Tiểu Long không đợi giục lần thứ hai. Nhỏ Diệp em Quý ròm chép những bài thơ này cho nhỏ Oanh học và nó từng lấy ra… ôn ké, vì vậy nó thuộc nằm lòng:

- Lũy thừa của một lũy thừa

Tưởng đem cơ số nhân bừa được sao

Có bao số mũ trên đầu

Ta đem nhân chúng với nhau được rồi

- Ối chà! - Thằng Dưỡng xuýt xoa. Ngay cả toán đại số mà cũng làm thành thơ được, giỏi quá ta!

- Ừ, hay thật đấy! - Nhỏ Hiền Hòa phụ họa.

Ngay cả Quốc Ân cũng buột miệng trầm trồ:

- Nếu toán lớp tám cũng biến được thành thơ tuốt tuột như thế này, tụi mình đỡ khổ biết mấy!

Nãy giờ nghe tụi bạn xúm vào khen lấy khen để tài nghệ của “thi sĩ Bình Minh”, “thi sĩ Hoàng Hôn” đã bực bội lắm rồi. Nhưng không muốn để lộ sự ghen tị, nó cố bấm bụng làm thinh. Nhưng đến khi một thành viên trong băng “tứ quậy” là thằng Quốc Ân cũng lốp xốp lên tiếng ca ngợi tài nghệ của Quý ròm thì “thi sĩ Hoàng Hôn” không tài nào nhịn nổi.

- Chả có gì hay ho cả - Lâm khịt mũi, oang oang chê bai - Thơ gì mà “lũy thừa” với “cơ số” loạn xị! Cái đó đâu phải là thơ!

Nhỏ Xuyến Chi bĩu môi:

- Chẳng lẽ ba thứ vè châm chích người khác của bạn mới là thơ chắc?

Bị Xuyến Chi kê nguyên một cái tủ buýp-phê to đùng vô miệng, Lâm lúng túng có đến ba mươi giây. Nhưng nó không phải là đứa dễ đầu hàng. Đến giây thứ ba mươi mốt, nó nghĩ ra một kế, thản nhiên đáp:

- Tất nhiên những câu vè của tôi không phải là thơ! Nhưng những bài vừa rồi của Quý ròm cũng không phải là thơ nốt!

Lâm chơi đòn “lưỡng bại câu thương”. Nó không chấp nhận việc thơ của nó bị lên án tối tăm mặt mày, còn thơ của Quý ròm lại được tán tụng tận mây xanh. “Thi sĩ Hoàng Hôn” thà chết, và kéo “thi sĩ Bình Minh” chết theo.

Nhỏ Vành Khuyên vọt miệng “chất vấn”:

- Thế thơ như thế nào mới là thơ?

Chỉ đợi có vậy, Lâm ung dung chỉ tay về phía Lan Kiều ngồi:

- Thơ của Lan Kiều mới là thơ thứ thiệt!

- Thơ của Lan Kiều mới là thơ thứ thiệt!

Thấy thăng Lâm tinh quái lôi mình ra làm bằng chứng chống lại Quý ròm, Lan Kiều chớp mắt ấp úng:

- Nhưng thơ của Quý ròm cũng… hay lắm! Lại có ích cho việc học tập nữa!

Sự gượng gạo trong lời khen của Lan Kiều không qua được mắt Quý ròm. Thật ra Quý ròm thừa biết mình không có năng khiếu thi ca. Trước đây thấy lan Kiều làm thơ đăng báo Khăn Quàng Đỏ, nó tưởng thơ là món dễ xơi. Nhưng sau khi gò lưng sáng tác và gặt hết thất bại này đến thất bại khác, nó mới hiểu ra làm thơ quả không giống chút gì với… làm toán!

Hai bài thơ Tiểu Long quảng cáo rôm rả nãy giờ, Quý ròm tự biết đó không phải là thơ đúng nghĩa. Đó chỉ là những bài vần vèo giúp cho nhỏ Diệp dễ nhớ các công thức toán mà thôi.

Vì vậy, nghe thằng Lâm chê bai, nó không giận. Ngược lại, nghe Lan Kiều khen thơ hay, nó cảm thấy áy náy làm sao!

- Bạn Lâm nói đúng đấy! - Quý ròm hắng giọng - Những bài vừa rồi thực ra chẳng phải là thơ đâu!

Lan Kiều khăng khăng:

- Nhưng nó vẫn có ích cho việc học tập!

Tần “đế” luôn:

- Có ích hơn hẳn mấy câu vè của bạn Lâm!

- Không nên nói như thế! - Nhỏ Xuyến Chi gật gù - Thơ của Quý là “thơ giúp đời”, còn thơ của Lâm là “thơ báo đời” làm sao so sánh được!

- Cái gì là “thơ báo đời”?

Lâm giãy nảy, suýt chút nữa nó đã khóc thét. Nãy giờ nó đã chịu hết nổi sự tấn công tới tấp của tụi bạn. Sự xụi lơ của mấy đứa trong băng “tứ quậy” càng khiến nó thêm điên tiết.

- Chứ không phải sao? - Nhỏ Hạnh nheo mắt nhìn Lâm - Bạn tài sao bạn không làm thơ về học tập như Quý đi! Chỉ giỏi chọc ghẹo người khác!

- Tưởng gì! - Lâm bĩu môi “xì” một tiếng - Thơ thẩn như thế ai làm chả được. Đây chỉ không thèm làm thôi!

- Chỉ toàn nói phét!

Dưỡng bắt chước Lâm bĩu môi “xì” một tiếng rõ to khiến mặt thằng này tím lại:

- Ai bảo mày tao nói phét?

Dưỡng vênh mặt:

- Mọi người đều bảo!

- Được rồi! - Lâm nghiến răng ken két - Đã thế ông làm cho mày coi!

- Ừ, Lâm làm đi! - Nhỏ Hạnh tủm tỉm - Lâm và Quý mỗi người thử làm một bài về cách tìm tỉ số lượng giác của góc nhọn, xem thơ của ai dễ nhớ hơn!

Lâm thu nắm đấm. Nó đấm một phát lên mặt bàn:

- Xong ngay!

Trái với sự sẵn sàng của Lâm, Quý ròm nhìn Hạnh, nhăn nhó:

- Này, sao Hạnh lại…

Nhỏ Hạnh nhoẻn miệng cười:

- Quý đã từng làm hàng chục bài thơ kiểu như thế này rồi, chẳng lẽ lại sợ?

Quý ròm khịt mũi:

- Không phải tôi sợ! Nhưng…

- Không “nhưng nhị” gì cả! - Tần huơ tay, bô bô - “Thi sĩ Bình Minh” nhất định phải cho “thi sĩ Hoàng Hôn” biết thế nào là lễ độ mới được!

Nhỏ Vành Khuyên hăng hái:

- “Bài làm” của Lâm và Quý sẽ được đăng lên báo tường của lớp. Và tất cả chúng ta sẽ làm trọng tài!

- Đúng rồi! Chúng ta sẽ làm trọng tài!

Nhỏ Vành Khuyên vừa tuyên bố xong, tụi bạn đồng thanh reo hò ầm ĩ.

Ba đứa trong băng “tứ quậy” cũng tỏ ra vô cùng hào hứng, nhất là Quới Lương. Quới Lương nãy giờ nơm nớp sợ nhỏ Xuyến Chi đem “tội lỗi” của thằng Lâm méc với cô Trinh, giờ thấy tình thế bỗng nhiên thay đổi, bèn vỗ tay đôm đốp:

- Thi làm thơ về lượng giác, hay lắm!

Lớp trưởng Xuyến Chi có vẻ quên khuấy lời dọa dẫm của mình thật. Hoặc cũng có thể nó nhớ nhưng nó làm bộ quên đó thôi. “Thi sĩ Hoàng Hôn” đã đồng ý “cải tà quy chánh”, nó méc cô cũng chẳng để làm chi. Cho nên nó nói:

- Hai ngày sau, Quý và Lâm nộp bài nghe chưa!
Chương trước Chương tiếp
Maxvin

W88

Game bài nhiều người chơi
Tele: @erictran21
Loading...