Ký Ức Tựa Mùa Rơi

Chương 6: Một khắc hoan ca



Một ngày đầu tháng hai, tôi ngồi trong lớp, mắt nhìn học trò tập trung làm kiểm tra còn tâm trí thực ra đang ở một hành tinh nào đó ngoài hệ mặt trời.

Tháng trước, sau khi xin được số người kia, tôi suy nghĩ nát óc mà vẫn không tìm được hình thức cảm ơn nào phù hợp, thế là đành làm liều gọi đại, tùy cơ ứng biến. Gọi hai lần đều không có người nhấc máy, tôi thở phào nhẹ nhỏm, gửi qua cho anh ta một tin nhắn “Chào anh. Em là Thư. Cảm ơn anh hôm trước đưa em đi bệnh viện. Em gọi điện muốn mời anh đi ăn một bữa để cảm ơn mà chắc anh đang bận. Khi nào anh rãnh thì nói lại, em mời.”

Tin nhắn gửi đi, hình như mấy tiếng sau anh ta mới đọc, ngay sau đó liền gọi lại cho tôi. Tôi nhìn màn hình điện thoại đang nhấp nháy, cố tình không nghe máy, giả bộ như mình không biết. Chuông ngừng, qua mấy phút liền có tin nhắn đến “Không có gì. Không cần ăn uống gì đâu. Em khỏe lại chưa?”

Tôi chỉ đọc tin nhắn mà không trả lời, đến hôm nay lòng vẫn còn lấn cấn. Nếu tôi trả lời, những tin nhắn qua lại như thế sẽ tiếp tục nhiều hơn. Tôi không phải là người khéo léo, càng nói sẽ càng lộ ra cái không duyên. Tự dưng, tôi sợ anh ta biết mình là cô gái khô khan như thế.

Đám học trò thấy tôi thẩn thờ, tiếng trao đổi bài dần lớn hơn. Tôi hắng giọng, quắc mắt nhìn xuống răn đe. Yên lặng lập lại. Chúng vẫn đang âm thầm trao đổi bài. Có đứa mắt lấm lét, có đứa dùng tay ra hiệu, lại có đứa cầm phao hí hoáy tô đáp án. Tôi thấy hết, mỉm cười nhớ thời học sinh.

Học sinh thời nào mà chẳng thế này, thậm chí lớp tôi ngày trước còn lỳ lợm hơn. Trừ mấy môn tự luận, phần lớn bài kiểm tra trắc nghiệm, cả lớp đều đuợc điểm cao. Nếu cô dễ, đáp án sẽ được lớp phó viết ra giấy rồi chuyền đi một vòng quanh lớp. Nếu cô khó, đáp án được người đằng sau viết hờ lên lưng người đằng trước, kiên trì chỉ nhau làm hết cả bài trắc nghiệm. Cứ thế đoàn kết, giấu diếm cho nhau.

Làm giáo viên rồi tôi mới biết, thực ra ngày ấy thầy cô đã du di bỏ qua tất cả. Ngồi trên bục giảng, chỉ cần để ý hơn một ít, mỗi hành động nào của học trò cũng đều thu hết vào tầm mắt dù là hành động nhỏ.

Người giáo viên như tôi, trừ lúc coi thi học kỳ bị ban giám hiệu giám sát khắt khe, tôi không dám qua loa, còn những lúc kiểm tra mười lăn phút hay một tiết thế này, tôi thường bỏ qua những trao đổi nhỏ. Lớp tôi dạy có học lực đồng đều và thành tích khá tốt, điểm số thực so với việc trao đổi cũng chẳng chênh lệch nhiều. Ra đời, đi làm rồi tôi mới hiểu, những con điểm ấy thực ra chả có ý nghĩa gì. Còn các em, bây giờ đang sống vì điểm số và nhìn vào điểm số mà phấn đấu. Tôi nghĩ mình không nên quá khó với các em.

Hôm nay đã là tiết dạy cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết âm lịch. Thu bài xong, tôi cố tình nán lại một lát:

- Ăn Tết vui nha mấy đứa.

- Dạ!

- Vậy thôi ha.

Tôi đang định xách giỏ đi thì thấy mấy đứa nhỏ nhao nhao lên hỏi:

- Cô ơi, Tết tụi em đến nhà cô chơi nha?

- Cô về nhà dưới huyện, không có trên này đâu.

- Cô ở đâu tụi em xuống…

- Không được, xe cộ nguy hiểm lắm. Đợi ra Tết cô lên dẫn mấy đứa đi đạp xe đạp, chịu không?

- Chịu…

Tôi ra về. Niềm yêu đời, phấn chấn đột ngột tăng cao. Lâu rồi tinh thần mới tốt thế này. Tôi thường gánh vác những thứ tình cảm vô nghĩa, nhưng sự yêu mến nhận được này, tuyệt đối không vô nghĩa. Làm giáo viên, còn gì quý hơn điều đó nữa.

***

Gần Tết, gió mùa về mang theo cái lạnh hanh hao, những cây Mai anh đào đã nở hồng rực rỡ, không khí mùa xuân về ở khắp mọi nơi.

Chờ mãi, cuối cùng ngày mai tôi cũng được chính thức nghỉ Tết rồi. Nếu không phải tối nay còn tham gia tiệc Tất niên của trường thì sau buổi họp ban trưa tôi đã về nhà ngay.

Buổi chiều ngủ dậy, nhìn đồng hồ mới chỉ hơn ba giờ, tôi nằm lười không ra khỏi giường, tay mò mẫm tìm cái điều khiển bật tivi. Theo thói quen cứ bấm từ kênh đầu tiên đến hết, tôi bấm mấy liền lượt như thế mới dừng lại ở một chương trình thực tế Hàn Quốc tên Mẹ vắng nhà - ba là siêu nhân, tên gốc là Superman return. Mỗi lần xem chương trình này tôi đều tưởng tượng vài năm nữa mình sẽ có một ông chồng đẹp trai, sau đó sanh một đứa con xinh xắn, rồi cả gia đình cùng nhau sống hạnh phúc, thuận hòa.

Đang xem đến đoạn bố Ingook gọt táo cho con, tôi bỗng kích động, nhảy phắt xuống giường chạy đến tủ lạnh lấy quả táo với con dao, rồi ra ghế lười ngồi trước tivi. Tôi muốn tập gọt táo theo kiểu Hàn Quốc, kiểu gọt ngược từ ngoài vào trong.

Khó khăn lắm tôi mới gọt xong nửa quả thì… đứt tay. Tôi không phải đứa vụng về, trước giờ hiếm khi nào làm bếp mà bị thương. Nhưng đây là lần đầu gọt táo kiểu này, vì cầm dao không thoải mái nên chỉ hơi mạnh tay một tí liền không may làm dao sượt trúng tay trái đang cầm táo.

Tôi vội chạy vào nhà tắm, đưa tay đang chảy máu xuống dưới vòi nước. Ngón tay cái của tôi bị cắt vào sâu hoắm, giờ nước dội vào làm tôi buốt tận não, miệng không ngừng xuýt xoa. Xả một lúc cho sạch vết thương, tôi lại trở ra băng bó.

Vì vết cắt khá dài, băng cá nhân không che đi được hết miệng vết thương, tôi đành dùng bông gòn và băng gạc quấn lại. Ai mà nhìn thấy ngón tay bị quấn một cục của tôi chắc lại tưởng tôi bị thương nghiêm trọng lắm. Tôi đưa ngón tay lên sát mặt nhìn rồi thở dài, khi không lại làm trò vớ vẩn để giờ thương tích thế này.

Sáu giờ tối, tôi mang ngón tay khoa trương thương tích của mình đi ăn Tất niên. Trường tôi đặt tiệc ở một nhà hàng gần chợ, từ chỗ tôi đến đấy chỉ vài cây. Hôm nay lại là chủ nhật, chợ đêm chặn đường, tôi quyết định đi bộ. Vì dù có đi xe máy tôi vẫn phải gửi xe ở ngoài rồi đi bộ vào trong khu chợ, thế chẳng thà đi bộ luôn, chỉ mất thêm ít thời gian. Tuổi trẻ, cái gì cũng thiếu, chỉ không thiếu thời gian. Vậy nên dùng ít thời gian này đi bộ thể dục, tăng cường sức khỏe cũng không lãng phí.

Tôi đi bộ hết nửa tiếng thì đến nơi. Giáo viên và nhân viên trong trường cũng đã gần đông đủ. Cô chủ nhiệm thấy tôi đang ngơ ngác liền đứng dậy vẩy tay, kêu tôi ngồi vào bàn cô đang ngồi. Tôi đến đứng cạnh cô, lịch sự chào những giáo viên khác trong bàn rồi chỉ ngồi yên lặng lắng nghe các cô nói chuyện.

Môi trường làm việc nào cũng có cái phức tạp riêng của nó, ở trường học toàn là giáo viên nữ nên lại càng phức tạp hơn. Tôi không phải là người khéo léo, lại không muốn vướng phải những chuyện không hay nên dù đi dạy cũng được gần nửa năm, tôi vẫn giữ khoảng cách với thầy cô và đồng nghiệp trong trường. Bởi vì mình từng là học sinh của thầy cô, đã là trò, mãi mãi là trò, phải luôn lễ phép và lịch sự. Còn những giáo viên cùng lứa khác, tôi không quen thân với họ, chỉ luôn giữ ở mức đồng nghiệp xã giao.

Khi buổi Tất niên bắt đầu không lâu, cô hiệu trưởng vội vã ra ngoài. Ít phút sau cô quay lại, dẫn theo một nhóm khách ba người, trong đó có người kia. Cô đưa họ đến bàn của mấy vị lãnh đạo trên Sở, giới thiệu một vòng rồi xắp xếp chỗ ngồi cho họ, sau lại bắt đầu mời rượu một vòng.

Một khi tiệc rượu đã bắt đầu, dường như sẽ không có dầu hiệu nào ngừng lại. Bình thường thầy cô luôn điềm đạm, khó gần, hôm nay rượu vào, trong ai cũng hoạt bát, ham vui. Bàn này mời kia, người này mời người kia, cứ thế dây dưa mãi.

Tôi bị mời rượu, không thể không uống. Dù không chịu uống hay giả vờ không uống được cũng bị ép cho uống bằng được mới thôi. Uống vài ly mặt tôi liền nóng lên, hai má hồng hồng, tinh thần phấn chấn. Tiếp đó ai mời tôi cũng uống, mời bao nhiêu ly uống mấy nhiêu ly. Càng lúc càng khẳng khái, nam tính vô cùng.

Lúc này, một vị khách đi cùng người kia đang đứng mãi ở bàn tôi, ép mọi người uống hết mới chịu rời đi. Sợ tôi say, cô chủ nhiệm cản không cho tôi uống tiếp, nói khéo với vị khách đó:

- Thôi, có người uống đáp lại cậu là được rồi. Ở đây toàn chị em phụ nữ, đô thấp, uống không nổi nữa đâu.

- Không được! Lần đầu gặp mà, có duyên mới gặp, phải uống một ly chứ, uống đi em.

Tôi quay sang cô, cười trấn an. Lấy ly rượu định uống quách cho xong, nào ngờ chưa uống thì vị khách ấy bị người kia chạy đến lôi đi.

- Về bàn đi ông, say cái đi phá người khác không.

Trước khi quay đi, anh ta có nhìn tôi một cái, trong đáy mắt ẩn hiện điều gì đó khó nói nên lời.

***

Tám rưỡi đêm, tiệc tàn. Tôi đi chào thầy cô một lượt, ai trông thấy tôi cũng sẽ kéo lại hỏi han cái tay một chút, nói qua nói lại vài câu, vất vả hồi lâu, khi tôi về thì mọi người cũng đã về gần hết.

Trời đã về đêm, khí lạnh mang sương xuống vây quanh những bóng đèn đường, ánh sáng vàng vốn yếu ớt, trong màn sương đặc trông càng mờ ảo hơn. Cũng may tầm này khu phố đi bộ vẫn đang đông đúc, nếu không cảnh vật hẳn sẽ ảm đạm vô cùng.

Lúc này, trên con đường trước cổng nhà hàng vẫn còn một nhóm ba, bốn người đang đứng. Lại gần tôi mới biết là nhóm của người kia. Họ đang nói gì đó tôi không nghe rõ, chỉ thấy anh ta vừa nói vừa lắc đầu, cố gắng từ chối điều gì đó. Thấy có người đi qua, anh ta nhướn mắt nhìn sang. Bị nhìn trúng, tôi đành gật đầu chào anh ta lấy lệ.

Hôm trước tôi không trả lời tin nhắn, không biết anh ta nghĩ gì. Nếu tôi là anh ta, chắc tôi sẽ ngồi sỉ vả bảy bảy, chin chín ngày mới hả dạ. Hôm nay gặp lại, lần nào anh ta cũng nhìn tôi một cách kỳ quặc, hẳn là không tốt lành gì, có khi còn quy kết tôi vong ân bội nghĩa ấy chứ. Tôi chán nản quấn lại khăn quàng cổ, nhanh chân đi về hướng chợ đêm.

Đi đến bậc thang lối xuống khu chợ, tôi ghé vào quán kem tươi bên cạnh mua lấy một cây. Vì uống rượu hơi nhiều, bây giờ miệng tôi vừa khô vừa đắng, ăn kem là một sự lựa chọn tuyệt vời. Vị ngọt béo mát lạnh quẩn quanh đầu lưỡi làm tôi dễ chịu hơn, hơi men cũng không còn nhiều nữa.

Đang vừa ăn vừa đi xuống chợ thì bên cạnh tôi có một người bước song song cách một quãng. Tôi không để ý, tiếp tục đêm hết tâm tình đặt vào cây kem. Sau khi xuống hết bậc thang, tôi đổi hướng ra khỏi chợ, người lúc nãy cũng bước theo tương tự. Tôi quay sang, nhìn rõ thì ra là người kia. Vừa khéo, anh ta cũng nhìn tôi, miệng cười mỉm, hột gạo hai bên mép lún vào sâu hoắm, mắt híp lại.

Tôi giật mình, tay cầm kem sắp đưa đến miệng thì dừng lại, mặt nghệt ra nhìn chằm chằm anh ta. Sao tự dưng anh ta lại ở đây? Nhìn cây kem của tôi làm gì? Thèm thì tự mua mà ăn chứ!

- Chào anh…

- Ờ chào em.

Tôi bước tiếp, anh ta vẫn đi bên cạnh. Đầu tôi rỗng tuếch, không hiểu nổi tình hình, cây kem cầm trên tay quên ăn đã bắt đầu chảy nước.

- Em ăn nhanh đi nó chảy rồi kìa.

Tôi đáp bừa “à” một tiếng rồi im lặng ăn ngấu nghiến. Ăn xong mới nhận ra tay đang dính kem nhòe nhoẹt, vừa bẩn vừa rít, đã thế lại không có gì để lau sạch.

Nhìn thấy tôi khổ sở loay hoay tìm cách giải quyết cái tay bị bẩn, người kia cười hắt ra một tiếng, sau đó mở cái cặp táp đang cầm trên tay, lấy một bịch khăn giấy nhỏ, lôi ra đưa cho tôi mấy tờ.

- Cảm ơn anh.

Tôi mừng như mèo mù vớ được chuột chết, nhanh tay cầm lấy, lau lau chùi chùi. Một hồi sau, tôi hài lòng với bàn tay đã được làm sạch của mình, đem giấy bẩn bỏ vô thùng rác bên vệ đường.

Suốt quá trình đó, người kia chỉ im lặng nhìn tôi bận rộn, tôi đi thì anh ta đi, tôi đứng bỏ rác thì anh ta đứng đợi, tôi đi tiếp anh ta cũng bước theo. Tôi không khỏi tò mò, can đảm mở miệng hỏi:

- Anh đang đi đâu vậy?

- Đi về.

- Nhà anh hướng này à?

Anh ta gật đầu thay cho câu trả lời, nét cười vẫn giữ nguyên trong ánh mắt từ lúc gặp tôi trong chợ.

- Sao anh không đi xe?

- Nãy đi nhờ bạn. Giờ tụi nó đi tăng hai rồi. Còn em?

- Em lười gửi xe.

- Nhà anh ở đâu?

- Ngã năm.

- Hả?

Tôi trợn mắt quay sang nhìn anh ta. Khuôn mặt anh ta tĩnh lặng, chỉ có đôi mắt giống như đang có rất nhiều ý nghĩ đáp lại tôi. Tôi mất kiên nhẫn, hỏi dồn:

- Xa lắc. Sao anh lại đi bộ? Sao không đi taxi hoặc xe ôm?

- Anh quên ví tiền.

Một đáp án hợp lý, ngắn gọn, đơn giản. Tôi thấy mình hơi lố. Rượu vô người thật nhiều tác hại, phấn khích hơn, nói nhiều hơn. Nhưng mà cũng may có rượu, nếu không, bình thường mà đi cạnh anh ta thế này, hẳn tôi sẽ như con hến, quê mùa cục mịch.

- Em khỏi hẳn bệnh chưa?

Tôi chột dạ, cố nhân nói quả không sai, “chạy đâu cho trời khỏi nắng” ư, nắng bây giờ là nắng to, nắng nóng nhất duyên hải miền Trung luôn chứ không phải đùa.

- A, cũng hơi hơi. Hôm nào mời anh…

- Không cần mời gì đâu, khỏe là được rồi. Còn chân?

- Mọc móng rồi.

- Còn tay?

Nói rồi, anh ta nhìn xuống bàn tay đang để trong túi áo khoác của tôi. Không biết anh ta thấy từ lúc nào, lúc tôi cầm ly rượu định uống, lúc quấn khăn quàng cổ hay lúc lau tay dính kem. Anh ta là đang kiếm chuyện để nói cho đỡ buồn, hay là quan tâm tôi. Tim tôi bỗng đập nhanh hơn. Tôi sợ mình lại tự đa tình…

Im lặng hồi lâu, tôi thành thật nói:

- Hồi chiều gọt táo bị đứt tay, hì.

- Lần nào gặp, toàn thấy em hoặc bị cảm hoặc bị thương nhỉ.

- Ha ha…

Tôi cười ngu, mặt vốn đỏ vì rượu lại càng nóng hơn. Anh ta nói cũng đúng. Nếu không phải vì lần bệnh nặng đó, chắc giờ tôi với anh ta chỉ như hai người có biết mà không có quen, không hơn.

Chúng tôi đi một đoạn bờ hồ rồi rẽ lên con dốc bên cạnh sân gold. Qua đoạn đường này, người đã thưa thớt hẳn. Trong không gian tĩnh mịch chỉ có tiếng bước chân của hai người và tiếng thông reo, thỉnh thoảng có vài chiếc xe máy rồ ga lướt qua rồi im bặt.

Tôi cùng người kia luôn bước song song, thỉnh thoảng nói vài câu. Tôi không còn ngượng với anh ta nữa, cũng không khó chịu vì sự yên lặng này. Ngược lại là một sự dễ chịu, bình yên đến lạ. Tôi thích thú nhìn hai cái bóng chạy trên đường, lúc dài lúc ngắn, lúc gần lúc xa. Đi một lúc đã đến nhà.

- Chào anh!

- Ừ, bai.

- Bai bai.

Người kia vẫy tay chào mấy cái, sau đứng im nhìn tôi sang đường. Tôi mở cổng nhà bước vào trong, nhìn ra mới thấy anh ta đi tiếp. Bóng dáng cô đơn, bước những bước thật dài.

Từ chỗ nhà hàng về ngã năm có nhiều con đường ngắn hơn đường này. Hình như anh ta cố tình đi cùng tôi thì phải. Anh ta có ý gì?

Tôi nhìn bóng dáng ngày càng xa ấy, nghĩ rằng sau hôm nay, chúng tôi chắc chẳng còn gặp lại. Vụ kiện trên trường đã xong. Mời anh ta một bữa thì anh từ chối, tôi cũng không nên làm phiền nữa.

Khoảnh khắc vẫy tay chào nhau vừa rồi, chính là lúc chúng tôi lại trở thành xa lạ. Phải không?
Chương trước Chương tiếp
Maxvin

W88

Game bài nhiều người chơi
Tele: @erictran21
Loading...