Liêu Trai Chí Dị II
Quyển 5 - Chương 82: Hồ Đùa Giỡn (Hồ Hài)
Vạn Phúc tự Tử Tường là người huyện Bác Hưng (tỉnh Sơn Đông). Từ nhỏ theo đòi nghiệp nho, nhà cũng hơi khá giả nhưng thi cử lận đận, hơn hai mươi tuổi vẫn không đỗ đạt gì. Ở quê có lệ xấu là bắt các nhà giàu ra làm lý dịch, có người phải khuynh gia bại sản. Vạn bị ép làm chức ấy, sợ quá trốn tới Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) vào nhà trọ ở. Đêm có cô gái tới khêu gợi, cũng khá xinh đẹp, Vạn thích bèn giao hoan. Hỏi họ tên, cô gái nói “Nói thật ta là hồ, nhưng không làm hại chàng đâu”. Vạn mừng rỡ không ngờ vực gì, nàng dặn đừng ở chung với ai, từ đó ngày nào cũng tới ăn ở cùng phòng, phàm mọi chi dùng hàng ngày đều do hồ chu cấp. Không bao lâu có vài người quen tới thăm chơi, thường ngủ lại không về. Vạn chán ghét nhưng không nỡ cự tuyệt, bất đắc dĩ phải nói thật. Khách xin được chiêm ngưỡng dung nhan người tiên một lần, Vạn nói với hồ, hồ nói với khách “Gặp ta làm gì? Ta cũng như mọi người thôi”, nghe tiếng nói rõ ràng trước mắt, nhưng nhìn quanh thì không thấy đâu. Khách có người tên Tôn Đắc Ngôn giỏi khôi hài, cố xin được thấy mặt, lại nói được nghe giọng oanh, thần hồn điên đảo, sao lại tiếc không cho thấy dung nhan khiến người ta nghe tiếng mà tương tư. Hồ cười đáp "Cháu hiền muốn vẽ bức tranh hành lạc* cho bà cố à?", khách khứa đều cười. *Bức tranh hành lạc: nguyên văn là "hành lạc đồ", vẽ những hình ảnh trai gái giao hoan, đại khái là loại tranh ảnh khiêu dâm. Hồ nói "Ta là hồ, xin kể chuyện hồ cho khách nghe, chịu không?". Mọi người đều ừ, hồ kể "Xưa ở quán trọ làng nọ có nhiều hồ, thường ra quấy phá khách trọ, khách khứa qua lại biết được, dặn nhau đừng trọ ở đó. Nửa năm sau hàng quán vắng vẻ, chủ trọ lo lắm, rất kiêng nói tới hồ. Chợt có người khách từ xa tới, tự nói là người nước ngoài, thấy quán trọ nên vào nghỉ. Chủ trọ mừng lắm mời vào, liền có người đi đường lén nói với khách rằng “Nhà này có hồ”. Khách sợ, nói rõ với chủ trọ rồi định qua trọ chỗ khác, chủ trọ ra sức phân trần rằng đó là lời bịa đặt. Khách bèn ở lại, vào phòng vừa nằm xuống thì thấy bầy chuột từ gầm giường chạy ra, khiếp đảm nhào ra ngoài la hoảng "Có hồ". Chủ nhân sợ hãi hỏi han, khách oán trách nói “Hồ làm hang ở đây, sao nói dối ta là không có". Chủ nhân lại hỏi thấy hình thù nó thế nào, khách đáp "Ta nay mới thấy, nó ngắn ngắn nhỏ nhỏ, không phải hồ con ắt là hồ cháu”. Vừa dứt lời thì khách khứa đều cười ầm. Tôn nói "Nếu không cho thấy mặt thì bọn ta sẽ ngủ lại, mà ai đó cũng đừng đi mà bỏ lỡ giấc mộng Dương Đài"*. Hồ cười đáp "Cứ ngủ lại không sao, nếu có hơi xúc phạm thì xin đừng để bụng". Khách sợ bị chơi ác bèn cùng tan về. *Giấc mộng Dương Đài: bài tựa Cao Đường phú của Tống Ngọc viết vua Sở ra chơi đầm Vân Mộng, đêm mộng thấy một người con gái tới xin hầu chăn gối, khi chia tay nàng ấy nói "Thiếp là thần nữ ở núi Vu Sơn sớm làm mây, tối làm mưa, sáng sáng chiều chiều ở dưới Dương Đài”, sau người ta thường dùng tích này để chỉ việc ái ân trai gái. Kế cứ vài ngày lại tới, đòi hồ trêu cợt. Hồ rất giỏi khôi hài, cứ lên tiếng là khách cười nghiêng ngửa, nhưng kẻ có tài hoạt kê cũng không thể hơn được, mọi người đùa gọi là Hồ nương tử. Một hôm bày tiệc họp mặt, Vạn ngồi ghế chủ, Tôn và hai người khách nữa chia ngồi hai bên, đặt một cái giường phía sau mời hồ, hồ từ chối là không hay rượu. Có người xin cứ ngồi nói chuyện, hồ ưng thuận. Rượu được vài tuần, mọi người bày trò gieo xúc xắc làm tửu lệnh "qua man”*, khách trúng mặt dưa bị phạt, đùa đưa chén qua giường nói "Hồ nương tử là bậc đại tỉnh, xin uống giùm một chén". Hồ cười đáp "Ta vốn không uống được, xin kể một câu chuyện góp vui với các vị". Tôn bịt tai ra vẻ không muốn nghe, mọi người đều nói "Nếu chửi xỏ người thì phải chịu phạt đấy”. Hồ cười hỏi “Thế ta chửi xỏ hồ được không?", mọi người đáp “Được", rồi lắng tai nghe. *"Qua man": nghĩa đen là dây dưa bò lan, chưa rõ thể thức luật chơi cụ thể. Hồ kể "Xưa có một ông quan lớn đi sứ nước Hồng Mao*” đội mũ lông hồ vào yết kiến quốc vương nước ấy. Quốc vương thấy cái mũ lạ, hỏi lông gì mà vừa dày vừa mềm như thế. Ông quan lớn ấy thưa là lông hồ. Quốc vương nói bình sinh chưa từng nghe nói tới, vậy chữ “hồ" viết ra sao? Ông quan lớn bèn lấy tay vạch lên không, tâu “Bên phải là một qua lớn, bên trái là một khuyển nhỏ**", chủ khách lại cười ầm. *Nước Hồng Mao: tức Anh. **Bên phải... nhỏ: đây là theo lối chiết tự trong chữ Hán, hồ có ý nói xỏ người khách ngồi bên trái Vạn tức Tôn là “khuyển” (chó), vì người bên phải đã gieo trúng mặt “qua" (dưa). Hai người khách kia là hai anh em họ Trần, một tên Sở Kiến, một tên Sở Văn, thấy Tôn bị áp đảo quá bèn nói "Hồ đực đâu mà để hồ cái ác hại thế này?". Hồ nói “Có một câu chuyện kể chưa xong đã bị sủa loạn làm ngắt quãng, xin kể nốt. Quốc vương Hồng Mao thấy sứ thần cưỡi một con la, rất lạ lùng. Sứ thần thưa "Đây là do con ngựa đẻ ra” quốc vương lại càng lấy làm lạ. Sứ thần nói ở Trung Quốc thì con ngựa đẻ ra con la, con la đẻ ra con ngựa choai”. Quốc vương hỏi kỹ hình dạng, sứ thần đáp "Ngựa đẻ ra la là thần sở kiến, la đẻ ngựa choai là thần sở văn*", cử tọa lại cười ầm. * Ngựa đẻ... sở văn: sở kiến nghĩa đen là "vốn thấy", sở văn nghĩa đen là “vốn nghe", nhưng cũng là tên hai anh em họ Trần, nên câu này có ý nói xỏ hai người là la và ngựa choai. Mọi người biết không địch nổi mồm mép của hồ, liền giao hẹn trở đi nếu ai khơi chuyện ngạo ngược thì phải đứng ra làm chủ, bỏ tiền mua rượu. Giây lát rượu ngà ngà, Tôn nói đùa với Vạn “Có vế đối thách ông đối lại”, Vạn hỏi câu gì, Tôn đọc “Kỹ nữ xuất môn phỏng tình nhân, lai thời vạn phúc, khứ thời vạn phúc*” cả bàn nghĩ mãi không ai đối được. *Kỹ nữ... vạn phúc: nghĩa đen là "Kỹ nữ ra cửa thăm tình nhân, lúc tới thưa vạn phúc, lúc đi thưa vạn phúc", “vạn phúc" là lời chúc tụng nhưng cũng là tên của Vạn Phúc, nên đoạn sau còn có thể hiểu là "tới cũng Vạn Phúc, đi cũng Vạn Phúc", có ý đùa là Vạn Phúc chuyên tới kỹ viện chơi bời. Hồ cười nói "Ta có câu rồi đây", mọi người lắng tai nghe, hồ đọc “Long vương hạ chiếu cầu trực gián, miết dã đắc ngôn, quy dã đắc ngôn*” tất cả lại cười bò ra. Tôn bực lắm, nói “Đã giao hẹn rồi, sao lại phạm?”. Hồ cười đáp “Đúng là ta có lỗi, nhưng nếu không thế thì không đối cho sát được. Sáng mai xin đặt tiệc để chuộc lỗi”, chủ khách cùng cười rồi chia tay. Hồ khôi hài đại loại như thế, không sao kể hết được. *Long vương... đắc ngôn: nghĩa đen là “Long vương xuống chiếu cầu lời thẳng, vích cũng được nói, rùa cũng được nói", “được nói” (đắc ngôn) cũng là tên của Đắc Ngôn, nên đoạn sau còn có thể hiểu là “... vích là Đắc Ngôn, rùa là Đắc Ngôn", có ý nói xỏ Tôn Đắc Ngôn là con rùa. Rùa là một giống vật được người Trung Hoa ví với kẻ hạ tiện dâm đãng. Được vài tháng, hồ cùng Vạn về quê. Tới địa giới Bác Hưng, hồ nói với Vạn “Ở đây ta có người họ hàng xa, đã lâu không qua lại, không thể không ghé thăm. Vả lại trời cũng đã tối, chàng cứ đi cùng tới đó ngủ lại, sáng mai đi cũng được”. Vạn hỏi ở đâu, hồ chỉ nói không xa. Vạn ngờ vì trước nay khu này vốn không có làng xóm gì, nhưng cũng đi theo. Khoảng hai dặm quả thấy một gia trang, bình sinh chưa đi ngang lần nào. Hồ gõ cổng thì có một người hầu ra mở, vào trong thấy cửa liền gác nối, rõ ràng là nhà thế gia. Giây lát tới chỗ chủ nhân, có hai ông bà già, vái chào Vạn rồi mời ngồi, bày tiệc linh đình tiếp đãi như con rể, kế hai người nghỉ lại đó. Sáng sớm hồ nói "Ta về ngay cùng chàng, sợ người nhà sợ hãi. Chàng cứ về trước, ta sẽ theo tới ngay”. Vạn theo lời về trước nói rõ với gia nhân. Không bao lâu hồ tới, nói cười với Vạn, mọi người đều nghe rõ nhưng không nhìn thấy người. Năm sau Vạn lại có việc đi Tế Nam, hồ cũng đi cùng. Chợt có mấy người tới, hồ theo ra trò chuyện thăm hỏi rồi nói với Vạn “Ta vốn gốc gác ở Thiểm Trung (tỉnh Thiểm Tây), cùng chàng có mối túc duyên nên theo nhau bấy lâu, nay anh em ta đã tới, ta phải theo về, không theo hầu chàng trọn đời được”. Vạn cố giữ lại không được, kế hồ ra đi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương