Mộng Đổi Đời

Chương 29



Uông Trường Xích dùng hết một bánh xà phòng thơm mới tắm sạch cho Uông Hòe. Cũng có thể là Uông Hòe không bẩn đến độ như thế nhứng Uông Trường Xích lại nghĩ rằng, cần phải dùng hết một bánh xà phòng mới có thể trả lại được thân phận đích thực cho bố mình. Tắm xong, Uông Trường Xích mặc cho Uông Hòe một bộ quần áo sạch, đẩy xe ra khỏi nhà trọ. Trên đường đi, Uông Hòe luôn mồm đặt câu hỏi:

- Mày đưa bố đến bến xe à? Nếu đến bến xe thì tại sao không đưa mẹ mày theo?

- Hay là mày định mời bố uống rượu?

- Có lẽ nào mày lại đưa bố đến lò hỏa thiêu?

- Sao lại quẹo vào đường này? 

- Thì ra là mày đưa bố đi mua quần áo? Cũng không phải…

- Có lẽ nào mày lại đưa bố đến đồn cảnh sát? Cũng không phải…

- Có phải đến thăm bố Hoàng Quỳ không?

Uông Trường Xích không nói không rằng, đẩy xe đi thẳng đến tiệm cắt tóc nằm trên đường phố Tiểu Hà. Vừa trông thấy tấm bảng trên cửa hiệu cắt tóc, Uông Hòe không hỏi nữa mà lại nói:

- Trường Xích à, chuyện gì bố cũng nghe con, duy chỉ có chuyện cắt tóc là không thể được. Đầu tóc của bố cũng giống như mặt của diễn viên, giống như nhãn mác hàng hóa, giống như biển quảng cáo của các cửa hàng, cắt đi rồi thì bố không có thu nhập nữa.

- Thì ra bố muốn làm một người ăn xin suốt đời à?

Uông Hòe kéo mạnh cái phanh của chiếc xe lăn. Chiếc xe kêu rít lên một tiếng rồi đừng khựng lại, hai vệt đen đen hằn rõ trên mặt đường rải nhựa.

- Mày phải biết là với tấm thân tàn ma dại này của bố, ở nông thôn kiếm không được lấy một đồng.

- Ai bảo bố phải đi kiếm tiền?

- Không thể dựa vào mày mà sống. Bố làm như vậy cũng chỉ là muốn giảm bớt gánh nặng cho mày.

- Ngược lại thì đúng hơn, gánh nặng càng nặng thêm.Khi con còn nhỏ, bố đã dạy con những gì, bố còn nhớ không? Thà chết đói còn hơn ăn cơm thừa canh cặn của người khác!

- Ngày ấy bố mày vẫn còn đủ tư cách để nói về đạo làm người, nhưng bây giờ…

- Bây giờ thì sao? Bố không còn hạt gạo nào để bỏ vào nồi nữa rồi sao?

- Bố không muốn thừa nhận mình đã trở thành đồ tàn phế, bố muốn ăn những gì do mình làm ra.

- Nếu có khó khăn hơn cũng không thể dựa vào việc quỳ lạy để mà sống qua ngày.

- Chuyện này… chuyện này bố cũng đã muốn nói với mày.

- Thế tại sao bố lại không chịu cắt tóc?

- Bởi bố không thể chịu đựng được sự thương hại, thậm chí khinh bỉ của người khác, nhưng bố không thể chấp nhận được chuyện con mình không nhận được sự kính trọng của người khác.

- Cho dù con có khổ gấp trăm lần hiện tại cũng không để cho bố phải xấu hổ đâu.

Uông Hòe ngước đầu lên. Uông Trường Xích thấy nước mắt đã ràn rụa trên gương mặt bố. Đến lúc ấy, hai người mới đủ dũng cảm để cho ánh mắt họ gặp nhau. Kể từ khi bắt đầu đấu khẩu với nhau, một người thì nhìn xuống đũng quần của mình, một người thì phóng ánh mắt ra ngoài bờ sông như sợ ánh mắt của người này sẽ làm thương tổn ánh mắt người kia. Nhưng lúc ấy họ lại khát khao được nhìn vào mắt nhau, khát khao được nhìn thấy quầng mắt trũng sâu nhưng tâm hồn thì trong sạch của người đối thoại. Uông Hòe nói:

- Trường Xích à, con làm ăn được rồi phải không?

Uông Trường Xích ôm chặt lấy bố nhấc lên, đưa thẳng vào cửa hiệu cắt tóc. Kỳ lạ làm sao, đôi chân của Uông Trường Xích lúc này lại bước đi thật chậm, chậm như những cảnh quay chậm trong tường thuật bóng trên ti vi mỗi khi cầu thủ ghi bàn, không biết là Uông Trường Xích đang do dự hay là cậu ấy cố tình kéo dài thời gian được ôm bố trong vòng tay mình.

Cắt tóc xong, diện mạo của Uông Hòe đã gần giống với ngày xưa. Trên đường về, Uông Hòe luôn mồm nói:

- Trường Xích, bố có lỗi với con, có lỗi vơi tổ tông họ Uông, cũng có lỗi với cháu nội chuẩn bị chào đời của bố…

Đường xa bao nhiêu thì lời xin lỗi của Uông Hòe càng dài bấy nhiêu. Trước đây, chỉ có Uông Trường Xích nói lời xin lỗi với bố mình, còn lúc này thì ngược lại, chỉ có Uông Hòe nói lời xin lỗi với con mình. Uông Trường Xích có cảm giác mình đã chinh phục được bố, có điều trong lòng cậu lại chẳng gợi lên một chút khoái cảm nào về sự chinh phục cả. Cậu biết, người nói lời xin lỗi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng người nhận lời xin lỗi thì trách nhiệm lại nặng nề hơn. Uông Trường Xích thấy lòng bỗng nhiên trống vắng, có cảm giác không thích ứng với việc bố con cứ khách sáo với nhau mãi như thế này nên cố gắng đẩy xe đi nhanh hơn. Về đến nhà trọ, Lưu Song Cúc vẫn còn đang ngồi thừ trên giường, tư thế ngồi của bà ấy giống hệt với tư thế hai người đã từng nhìn thấy lúc rời khỏi nhà., hình như trong hơn một tiếng đồng hồ vừa rồi, Lưu Song Cúc không hề cử động. Uông Trường Xích kêu mẹ ba tiếng, hồn vía Lưu Song Cúc mới quay trở lại, nói:

- Trường Xích à, con buộc bố mẹ phải về quê sao?

- Có lẽ nào mẹ vẫn còn muốn ở lại đây để làm công việc đáng xấu hổ ấy sao?

- Buồn giận thì nói vậy thôi, nhưng thực ra thì mẹ cũng đã bắt đầu là quen với chuyện này.

- Quen với việc nhặt ve chai sao?

- Một năm cực khổ ở nông thôn không bằng thu nhập một tháng ở đây. Con nhìn đi, những hộp giấy này, những cái chai này, những cuốn tạp chí, những tờ báo, những chiếc đèn điện, những đôi giày, những nồi cơm điện, những chiếc ti vi này vẫn còn có thể dùng được…

- Đều là đồ thừa thãi của những kẻ giàu có, nhìn là đã thấy chướng mắt.

- Ruồi thích được sống sạch sẽ hay là thích chết đói?

- Mẹ là mẹ của con, không phải ruồi.

- Con cứ nghĩ lại mà xem, cuộc đời đã qua của mẹ có khác gì với ruồi không?

- Nói vậy thì con chính là hậu duệ của ruồi sao?

- Nói bậy! Con rất sạch sẽ. Con cứ đuổi theo tiền đồ của con, đừng quan tâm đến bố mẹ.

- Con từ trong thân thể mẹ mà ra, có thể không bận tâm được không?

Lòng Lưu Song Cúc rung lên vì bị những lời của Uông Trường Xích làm cho cảm động. Bà ngoái cổ nhìn Uông Hòe. Ông ấy nói:

- Về thôi. Làm nông dân có vẻ dễ nghe hơn là làm hành khất.

- Nhưng… thu nhập của nông dân không chắc là nhiều hơn hành khất.

- Đừng có nghĩ đến mỗi chuyện tiền bạc… Còn phải nói đến chuyện danh dự cho con cháu nữa. Thằng Xích có hiếu đến như vây, bà còn lo cái đói, cái khốn cùng cứ bám lấy bà mãi sao?

Lưu Song Cúc thở dài, nói:

- Không nờ là bố mẹ đưa con lên thành phố, con lại đứng ở địa vị người thành phố chê bai bố mẹ.

- Bà phải biết thế nào là đủ chứ! Bao nhiêu tiền có thể mua được lòng hiếu thảo và danh dự của con người.

Tất cả những đồ ve chai mà Lưu Song Cúc nhặt hoặc mua được đều được bán thốc bán tháo. Dọn dẹp hành lý xong, họ gửi chìa khóa lại cho bà chủ nhà trọ rồi lập tức ra bến xe. Trước khi lên xe, Lưu Song Cúc hỏi:

- Con không ghé về nhà thăm một chút sao?

Uông Trường Xích lắc đầu. Thực ra, không phải là Uông Trường Xích không muốn trở về thăm cái nơi mà cậu ngày đêm nhớ nhung ấy, nhìn căn nhà tồi tàn, thăm luống rau, thăm chuồng lợn, ghé qua cây phong, bóng núi và ruộng lúa, thăm cả chú thím Hai, thậm chí còn thèm được ăn một bữa rau tươi. Nhưng… Uông Trường Xích không còn mặt mũi nào mà quay về nữa vì sợ người trong thôn đã biết chuyện bố mẹ cậu người thì đi ăn xin, người thì nhặt ve chai… Cửa xe đóng đánh rầm, ngồi trên chiếc xe lăn, Uông Hòe bị khuất lấp trong mấy chục cái đầu, Uông Trường Xích chỉ còn kịp nhìn thấy gương mặt Lưu Song Cúc đang dính vào cửa kính, dán khít đến độ mũi vẹo hẳn về một bên. Ba tiếng còi vang lên, chiếc xe rùng mình chuyển động. Uông Trường Xích đừng thẫn thờ nhìn theo xe với bao nhiêu là cảm xúc khó nói nên lời.

Nhìn theo chiếc xe cho đến khi nó mất hút, Uông Trường Xích mới lân la đến tiệm sửa xe bên cạnh bến xe, ngồi xuống tảng đá mà cậu từng ngồi trước đây. Thợ sửa xe vẫn là người cũ nhưng ông không nhận ra Uông Trường Xích. Cậu nhìn con đường trải dài trước mắt, tưởng tượng chiếc xe đưa Uông Hòe và Lưu Song Cúc vượt qua thôn Ma, thôn Giá Lý rồi ủy ban xã, tưởng tượng cảnh Lưu Song Cúc lấy chiếc băng ca gửi trong nhà người chị họ tên là Căn Anh ra rồi nhờ người khiêng Uông Hòe vượt qua hồ chứa nước, rừng trà, khiêng về đến nhà, tưởng tượng đến cảnh Lưu Song Cúc lận trong túi áo lấy ra chiếc chìa khóa rồi mở cánh cửa đã mục lỗ chỗ của ngôi nhà…

Tời đã bắt đầu tối, tiệm sửa xe đã đóng cửa, đèn đường từng bóng từng bóng đua nhau bật sáng, đều tăm tắp như hai hàng nến, Người thợ sửa xe trước khi ra về đã liếc nhìn Uông Trường Xích mấy lần nhưng không phát hiện điều gì khả nghi. Uông Trường Xích quay lại căn phòng trọ mà bố mẹ đã thuê, những chiếc lọ chứa nước đủ màu sắc cẫn còn trên khung cửa sổ, chiếc chuông gió hoen rỉ leng keng trong gió. Hình như mùi vị của cơ thể Uông Hòe vẫn còn lưu ở đây, vết chân của Lưu Song Cúc vẫn còn lưu lại trước cửa. Uông Trường Xích đi một vòng quanh căn phòng, hít một hơi thở thật sâu rồi đưa hai tay đẩy mạnh lên tường. “Rầm”. Bức tường đổ nhào xuống, bụi từ dưới đất bốc lên cao. Uông Trường Xích nghĩ, nếu bố mẹ không rời khỏi chỗ này thì sớm muộn gì cũng sẽ bị bốn bức tường này đè chết, nếu cậu ấy không xô đổ căn phòng này thì biết đâu rằng một ngày nào đó, Uông Hòe và Lưu Song Cúc sẽ lại khăn gói rời nhà lên đây để tiếp tục sống cuộc đời của một hành khất và một kẻ nhặt ve chai. Hoặc là, cũng có thể đó không phải là lý do để Uông Trường Xích xô đổ căn phòng, liệu có phải là cậu muốn chôn vùi một giai đoạn không lấy gì làm vinh quang trong cuộc đời mình, hay muốn loại trừ những ký ức không đẹp về quãng thời gian qua của bố mẹ mình?

Đúng vào lúc Uông Trường Xích xô bức tường đổ sập ở huyện thì Uông Hòe đã ngồi ngay tại gian nhà chính trong nhà mình. Chú Hai, thím Hai, Trương Ngũ, Trương Tiên Hoa, Vương Đông, Lưu Bách Điều đều đến hỏi han, ngay cả người ở bên kia thôn là Quang Thắng cũng đến. Họ ân cần hỏi chuyện trên trời dưới đất rồi cuối cùng quay về với mục tiêu chính là hỏi thăm Uông Trường Xích kiếm có được nhiều tiền không? Tiểu Văn bao giờ thì sinh?... Lưu Song Cúc rót rượu, rót trà, mời thuốc, chia quà, thực ra chỉ là mấy viên kẹo cho mọi người. Sau mấy cốc rượu, mặt Uông Hòe đã đỏ gay, phấn khích đền độ cởi thắt lưng rút hai tập giấy bạc đặt lên bàn. Đôi mắt của mọi người đồng loạt trợn tròn, căn nhà đột nhiên yên lặng đến cả tiếng muỗi vo ve cũng có thể nghe thấy được. Lưu Bách Điều cất giọng khàn khàn:

- Ông… ông lấy đâu ra nhiều tiền thế?

- Của thằng Xích đưa cho đấy.

Mọi người “Oà!” lên kinh ngạc rồi mồm năm miệng bảy hỏi Uông Trường Xích có phải đã trở thành ông chủ hay chưa? Uông Hòe chỉ cười cười đến độ mặt mày nhăn nhúm khó coi.
Chương trước Chương tiếp
Vietwriter; Bongdaso; Bongdapro; Keonhacaivip; W88; NEW88; NEW88;
Tele: @erictran21
Loading...