Kỳ thật, Tống Thiêm Tài lúc trước đã có ý định thuê người. Quán trà nhìn nhỏ nhưng công việc lại không ít. Bản thân Tống Thiêm Tài bận rộn còn chưa tính, nhìn Trần Quế Chi và Tống Đại Sơn cả ngày không lúc nào ngơi tay, hắn vẫn luôn cảm thấy băn khoăn. Hơn nữa, Tống Thiêm Tài chỉ biết nói miệng, rất nhiều món chỉ biết mỗi cách làm, Trần Quế Chi lại làm không ra. Tống Thiêm Tài vẫn luôn muốn mời một người biết nấu nướng tới giúp, như vậy sinh ý của quán trà mới có thể càng thêm tốt.
Nhưng Tống Thiêm Tài đã từng ám chỉ chuyện thuê người, không nói Tống Đại Sơn vội vàng lắc đầu, ngay cả Trần Quế Chi luôn luôn thiên vị cũng không tán đồng. Bởi vậy, Tống Thiêm Tài đành không đề cập tới nữa. Bây giờ Tiểu Bảo không ai trông coi, Tống Thiêm Tài vừa nhắc đến thuê người, Tống Đại Sơn và Trần Quế Chi cũng bèn không phản đối.
Tống Thiêm Tài đặt ra mấy yêu cầu cho Tống Đại Sơn và Trần Quế Chi xem thử: Thứ nhất, người này phải có trách nhiệm, thành thật, tâm tính tốt, tốt nhất là biết rõ tận gốc gác. Tống gia có già có trẻ, không chịu nổi kẻ có mưu đồ xấu. Thứ hai, người này tốt nhất có chút tài nấu nướng. Quán trà bây giờ phần lớn bán thức ăn, biết đứng bếp mới càng được việc. Thứ ba, người này tốt nhất là nam. Tuy rằng hiện giờ dân phong rộng mở, nhưng Tống Thiêm Tài cũng không có ý định thuê nữ. Dù gì thì hắn cũng là người độc thân, nếu mời nữ về làm, trong thôn e là sẽ xuất hiện nhàn ngôn toái ngữ.
Nhưng đàn ông biết nấu ăn vốn đã không nhiều lắm, hiểu tận gốc rễ lại càng ít. Bọn họ cũng không có khả năng trả tiền công quá cao. Cứ thế, thuê người thì dễ, nhưng để chọn được một người vừa ý thì lại rất khó. Tống Đại Sơn muốn chọn trong số các thân thích ở Tống gia thôn bên này, Trần Quế Chi lại hơi thiên về phía nhà mẹ đẻ bên kia.
Tống Thiêm Tài khá đau đầu, không nghĩ tới cha mẹ nhà mình cũng có một ngày sẽ Sở hà Hán giới như vậy. Không còn cách nào, cuối cùng, Tống Thiêm Tài nghĩ tới nghĩ lui, quyết định đến nha môn ở trấn trên lướt qua một lượt xem có bán đầu bếp của nhà giàu phạm tội hay không, tốt nhất có thể mua một người về. Tuy rằng Tống Thiêm Tài không tán thành chuyện mua bán người, nhưng có khế bán thân trong tay, xác thật có thể giúp Tống Thiêm Tài tương đối yên tâm. Bằng không nếu như thật sự đưa thân thích tới đây, làm tốt thì thôi, làm không tốt lại phải mất công náo loạn một hồi.
Tống Thiêm Tài vừa trình bày suy nghĩ của mình cho Tống Đại Sơn và Trần Quế Chi ông nói ông có lý, bà nói bà có lý xong, hai người lập tức im lặng. Cuối cùng, tuy rằng còn có chút không cam lòng, nhưng ngẫm lại người mua về hẳn sẽ không dám lừa đảo phá bĩnh, cả hai cuối cùng cũng đồng ý.
Vì thế, ngày hôm sau, Tống Thiêm Tài bèn ngồi xe bò, cầm theo năm mươi lượng bạc của mình lên trấn trên. Lần đầu tới nha môn, Tống Thiêm Tài theo bản năng mang dư ra một ít tiền, dự định có cơ hội thì kết thân với một vài người trong nha môn, về sau làm chuyện gì cũng thuận tay hơn. Đương nhiên, để ngừa vạn nhất, Tống Thiêm Tài còn mang theo cả tấm danh thiếp mà tri phủ cho hắn.
Tới nha môn, Tống Thiêm Tài thuyết minh ý đồ đến đây, lại nhét cho nha dịch canh cửa một túi tiền, bên trong có 200 văn. Nha dịch kia lập tức đưa Tống Thiêm Tài vào gặp Thái sư gia. Tống Thiêm Tài là tú tài công, chỉ cần chắp tay chào Thái sư gia một cái là được.
Thái sư gia cũng không phải người khó nói chuyện, Tống Thiêm Tài lại có công danh trong người, thấy Tống Thiêm Tài lễ nghĩa chu toàn, còn tặng túi tiền, thái độ của hắn cũng thân thiện hơn rất nhiều. Tống Thiêm Tài còn chưa mở miệng đã toi mất 1 lượng 200 văn, trong lòng hơi đau thịt. Nhưng nghĩ đến bỏ công mài dao chẻ củi nhanh hơn, có thể quen thân với người trong nha môn cũng có thể xem như một loại đầu tư.
Hàn thuyên vài câu, Tống Thiêm Tài vừa mới định mở miệng giải thích ý đồ đến đây, kết quả lại có nha môn vào cửa, bẩm với Thái sư gia: "Sư gia, tiểu tử Triệu gia kia đến giờ vẫn chưa có ai giao tiền chuộc tội. Ngài xem ngày mai có phải bán hắn đi không."
Thái sư gia vuốt chòm râu, trầm ngâm nói: "Triệu Tài Thanh là người tốt, hắn chết oan. Đứa con nuôi này của hắn tuy rằng làm sai, nhưng về tình cảm lại có thể tha thứ. Ta và Triệu Tài Thanh cũng coi như là đồng học. Như vậy đi, ngươi lại tới báo cho mấy nhà có giao hảo với Triệu Tài Thanh trước, xem có ai nguyện ý ra bạc chuộc tội không."
Tống Thiêm Tài đứng bên cạnh lúc trước nghe còn không cảm thấy cái gì. Tiền chuộc tội là một loại trừng phạt do Thái Tổ thiết trí dành riêng cho các thiếu niên dưới mười lăm tuổi, nói là bởi vì một số thiếu niên, niên thiếu vô tri, phạm phải lỗi không quá nghiêm trọng thì có thể dùng tiền bạc để xoá tội, nếu không thì phải bán kẻ phạm tội đi lấy tiền bồi thường cho người bị hại.
Nhưng sau khi nghe được ba chữ Triệu Tài Thanh, trong đầu Tống Thiêm Tài lập tức nổ tung. Thầy của Tống Thiêm Tài ở thư viện trước kia chính là Triệu Tài Thanh, đối Tống Thiêm Tài có thể nói ân trọng như núi. Lúc trước hắn bị vu hãm nhốt trong lao ngục, rất nhiều bạn bè tránh còn không kịp, sư tòa thân bằng xấu hổ không dám nhắc đến.
Nhưng Triệu Tài Thanh lại hao tiền phí lực tới nhà lao gặp bằng được Tống Thiêm Tài, sau khi hỏi rõ ngọn nguồn, ông tin tưởng Tống Thiêm Tài bị oan uổng. Từ đó, Triệu Tài Thanh vì Tống Thiêm Tài khắp nơi bôn ba, hết trần tình lại tặng lễ. Triệu Tài Thanh ở thư viện giảng dạy nhiều năm, tiếng thơm khắp thiên hạ, ông ngày thường đối nhân xử thế lại vô cùng hiền hoà, thực sự có không ít người bị ông lay chuyển, liên danh cầu tình giúp Tống Thiêm Tài.
Cuối cùng, Tống Thiêm Tài mới có thể oan sâu được rửa, còn bảo vệ công danh. Có thể nói, không có công cứu trợ to lớn của Triệu Tài Thanh thì không có Tống Thiêm Tài hôm nay. Chẳng qua lúc trước Tống Thiêm Tài bệnh nặng, vợ bỏ trốn, không muốn tiếp tục đến thư viện đối mặt với bạn bè cùng trường ngày xưa, cũng chưa từng đi gặp Triệu Tài Thanh, chỉ gửi một chút bạc thi họa tự mình tích góp đưa qua báo đáp ân tình. Còn Tống Thiêm Tài xuyên qua tới đây lại một lòng ở Tống gia thôn trái lo phải nghĩ xem nên làm giàu như thế nào, không nhớ tới phải đi gặp người thầy cũ. Kỳ thật hắn cũng là chột dạ, sợ bị người quen nhìn cái gì bất đồng.
Nhưng Tống Thiêm Tài trăm triệu không nghĩ tới, Triệu Tài Thanh đã không còn, hình như trong đó còn có ẩn tình, Tống Thiêm Tài sao có thể bỏ mặc. Không đoái hoài tới chuyện mua người nữa, chờ nha dịch kia đi rồi, hắn lập tức hỏi Thái sư gia: "Sư gia, tiểu sinh bất tài, từng được Triệu tiên sinh dạy dỗ mấy ngày. Tiểu sinh ở nông thôn, không nghe chuyện bên ngoài đã lâu, Triệu tiên sinh làm sao lại chết oan? Còn đứa nhỏ Triệu gia kia đã phạm phải tội gì? Kính xin sư gia giúp tiểu sinh giải thích một vài nghi hoặc."
Nói đoạn lại đưa qua một cái túi tiền. Lần này, Thái sư gia lấy cả túi tiền ban nãy ra đồng thời trả về cho Tống Thiêm Tài, mặt lộ vẻ khó xử nói với Tống Thiêm Tài: "Ta với Tài Thanh có tình nghĩa cùng trường, bạc này ngươi lấy về đi thôi. Ai, nếu như có thể, còn xin Tống tú tài giúp đứa nhỏ Triệu gia kia một phen."
Nói xong bèn kể hết sự tình Triệu gia.
Triệu Tài Thanh sinh ra tại Triệu gia, một phú thương ở Vĩnh Nhạc trấn. nhưng mẹ đẻ ông mất sớm, cha ruột sủng ái một thiếp thị họ Đường trong phủ. Cũng may mẹ đẻ Triệu Tài Thanh để lại của hồi môn, lại có người hầu trung thành giữ gìn, lúc này mới có thể trưởng thành, thi được công danh. Sau đó, ông cưới con gái tiên sinh vỡ lòng của mình làm vợ, cuộc sống trải qua cũng coi như hoà thuận vui vẻ.
Vợ Triệu Tài Thanh thân thể yếu đuối, không dễ có mang. Vừa lúc Triệu Tài Thanh ra ngoài nhặt được một đứa trẻ mới sinh, hai người bèn nhận đứa trẻ này về nuôi, đặt tên là Triệu Ngôn Tu. Từ nhỏ, quan hệ giữa Triệu Tài Thanh với Triệu phụ đã không tốt, cho nên sau khi cưới vợ ông liền trực tiếp dọn ra khỏi Triệu phủ.
Triệu Tài Thanh thân là trưởng tử, lại dọn ra Triệu phủ, đồn đãi vớ vẩn cũng theo đó nổi lên vô số. Sủng thiếp Đường thị kia được cổ động liền nóng đầu muốn cáo Triệu Tài Thanh bất hiếu. Đáng tiếc, Triệu Tài Thanh ngày thường làm người vô cùng thành công, lí luận của Triệu phụ rõ ràng có vẻ như vô cớ gây rối. Tuy rằng không xé ra to chuyện, nhưng chung quy vẫn khiến Triệu Tài Thanh dừng bước tại cử nhân.
Triệu Tài Thanh hận thấu Triệu phụ không màng tình nghĩa phụ tử, hủy tiền đồ của ông, tìm cữu gia thân thích của mình trực tiếp cáo Triệu phụ không phân biệt đích thứ, sủng thiếp diệt thê. Vì thế, Triệu phụ bị phạt 40 trượng, mất hết thể diện. Sinh ý cửa tiệm của Triệu gia kéo theo đó cũng xuống dốc không phanh.
Tộc nhân Triệu gia một đám nhảy vào chỉ kém chỉ thẳng mũi Triệu phụ mắng. Vì thế, phụ tử hai người xem như hoàn toàn trở mặt. Cũng may Triệu Tài Thanh có công danh lại rất có nhân duyên, trực tiếp vào thư viện làm phu tử, lại có phần hồi môn của mẹ đẻ, cuộc sống tương đối không tệ.
Vốn dĩ hai bên nước giếng không phạm nước sông, tường an không có việc gì, nhưng cố tình là trưởng tử, Triệu Tài Thanh lại không thân thiết với Triệu phụ, nhưng chỉ cần Triệu Tài Thanh không xuất tông, ông vẫn chính là đích trưởng tử, gia nghiệp của Triệu gia Triệu Tài Thanh nói ít cũng phải được phân đến bảy phần. Đặc biệt là có những vị tộc lão đó ở đây, để không chứng thực tin đồn Triệu gia sủng thứ diệt đích, ông chắc chắn được phân càng nhiều hơn.
Sủng thiếp Đường thị sinh một trai, tên là Triệu Tài Hưng, chỉ nhỏ hơn Triệu Tài Thanh ba tuổi. Đường thị được sủng ái, ở trong Triệu phủ cũng chỉ thiếu mỗi cái danh phận chính thất. Triệu Tài Hưng sớm đã coi Triệu gia như vật sở hữu trong tay gã, giờ lại được biết phải chia mất hơn phân nửa ra ngoài, lại còn là phân cho tên huynh trưởng vẫn luôn đè nặng gã một đầu kia.
Triệu Tài Hưng hận, Triệu phụ cũng vô cùng tức giận, hai phụ tử tính toán rồi nảy sinh ra lòng xấu xa. Lấy danh nghĩa Triệu phụ bệnh nặng để bắt Triệu Tài Thanh hầu bệnh, bức Triệu Tài Thanh tới Triệu phủ tẫn hiếu. Sau đó, Triệu phụ lại nghĩ ra đủ loại dày vò Triệu Tài Thanh. Thân thể Triệu Tài Thanh vốn đã suy nhược lâu ngày, bị Triệu phụ yêu cầu làm này làm kia, liên tục gặp phải tiểu nha đầu không hiểu chuyện hất đổ bồn nước lên người, một lần hai lần, thân mình cũng liền không chịu nổi, ngã bệnh.
Đúng lúc này, Triệu phụ lại lấy lí do vợ Triệu Tài Thanh không có con để hưu nàng. Triệu Tài Thanh đương nhiên không chịu, Triệu Tài Hưng bèn mỗi ngày dẫn theo người tới giả ý khuyên bảo Triệu Tài Thanh hiếu thuận Triệu phụ, kỳ thật là quấy nhiễu Triệu Tài Thanh chữa bệnh. Triệu Tài Thanh cũng nhìn ra, đánh đuổi người ra ngoài, dứt khoát đóng cửa từ chối tiếp khách.
Kết quả, Triệu phụ lập tức lấy tội bất hiếu trục xuất Triệu Tài Thanh khỏi gia môn.
Bởi vì lúc trước Triệu Tài Hưng tặng bào muội của mình cho Huyện thái gia làm tiểu, rất được Huyện thái gia yên thích, cho nên khi Triệu phụ làm như vậy, lại có cái gọi là "Chứng cứ", hết thảy cũng liền danh chính ngôn thuận. Các tộc lão được một ít chỗ tốt bèn không cần phải nhiều lời nữa. May mắn Triệu Tài Thanh nhân duyên không tồi, lại thân có công danh, việc này liền đình chỉ tại đây.
Triệu Tài Thanh đã bệnh đến nỗi không xuống nổi giường rồi, lại bị mấy lời đồn đãi hỗn loạn vớ vẩn kia dày vò, không được mấy ngày đã hồn quy địa phủ. Triệu Tài Thanh phu nhân thâm hận Triệu phủ vô tình, mua được hạ nhân Triệu phủ, phóng hoả thiêu hơn phân nửa cái Triệu phủ. Sau đó, nàng đâm đầu chết ngay trước cửa Triệu gia khiến Triệu phụ sợ tới mức thật sự bệnh nặng một trận. Vốn dĩ việc này đến đây là kết thúc.
Nhưng con nuôi Triệu Ngôn Tu của Triệu Tài Thanh được đưa ra bên ngoài học võ nghệ sau khi trở về, thừa dịp đêm tối trèo tường vào Triệu phủ, đánh gãy tứ chi Triệu Tài Hưng, lại lột sạch áo ngoài của Đường thị, treo trên người tấm ván gỗ tường thuật tóm lược tất cả những chuyện ác mà ả đã làm, trói ả trước cửa lớn Triệu gia, lại dùng máu của Triệu Tài Hưng viết lên đại môn Triệu gia: Phụ bức tử vong, sủng thứ diệt đích, công bằng ở đâu, thiên lý ở đâu.
Vừa nháo một trận này xong, Triệu phụ sau khi biết được vừa tức vừa thẹn lại vừa hận, không nói câu nào bỏ đi. Đường thị mặt mũi quét rác, trinh tiết mất hết, bị các tộc lão buộc đưa tới Phật đường thanh tu. Triệu Tài Hưng bẩm báo Triệu Ngôn Tu lên công đường. Tiểu thiếp của Huyện thái gia, bào muội Triệu Tài Hưng Triệu thị hận Triệu Ngôn Tu thấu xương, kêu gào bắt Triệu Ngôn Tu đền mạng. Nhưng Huyện thái gia ngược lại có đầu óc, chỉ dựa theo luật pháp phán Triệu Ngôn Tu phạt trượng cộng thêm giao nộp tiền chuộc tội.
Nhưng Triệu thị và Triệu Tài Hưng ngầm truyền ra tiếng gió, ai dám cứu Triệu Ngôn Tu chính là đối nghịch với Triệu gia bọn họ và Huyện thái gia. Mấy nhà có giao tình với Triệu Tài Thanh có thể lấy ra tiền thì không muốn đắc tội Huyện thái gia, mà những người nguyện ý cứu người thì lại không có đủ tiền, đủ loại băn khoăn cộng lại, Triệu Ngôn Tu cuối cùng bị nhốt ở trong nhà lao.
Triệu Tài Thanh phu nhân trước khi chết đã bán sạch gia sản Triệu gia, sau khi chết, số tiền đó cũng không thấy bóng dáng. Cho nên, một nhà Triệu Tài Hưng vốn định nhân cơ hội chiếm gia sản Triệu Tài Thanh thành công dã tràng. Bây giờ ngay cả Triệu Ngôn Tu cũng không biết rõ, dù chỉ một xu cũng không ai lấy được.
Triệu gia bèn ngăn chặn người khác mua Triệu Ngôn Tu, sau đó chờ đến khi Triệu Ngôn Tu bị bán thì mua về để dễ bề tra tấn. Một lương dân với một nô bộc, đương nhiên là chênh lệch quá nhiều.
Thái sư gia được Huyện thái gia mời tới làm phụ tá, nhân có vài phần giao tình với Triệu Tài Thanh, hắn đã vì Triệu Ngôn Tu che chở nhiều mặt, nhưng lại không thể đánh mặt Huyện thái gia quá mức. Rốt cuộc, hắn cũng có gia đình cần chăm lo, vì Triệu Ngôn Tu mà đắc tội Huyện thái gia, Thái sư gia vẫn luôn phải cân nhắc ước lượng.
Những người khác làm sao không có suy nghĩ như thế. Có vài kẻ lương bạc, hận không thể làm bộ như chưa bao giờ quen biết Triệu Tài Thanh, chứ đừng nói gì tới chuyện tiêu tiền cứu người đắc tội Huyện thái gia. Mắt thấy kỳ hạn sắp đến, trong lòng Thái sư gia cũng vô cùng khó xử.
Tống Thiêm Tài sau khi nghe xong, trong lòng quả muốn cảm thán một câu, hổ dữ không ăn thịt con, Triệu phụ và Triệu Tài Hưng bị như vậy là xứng đáng. Thủ đoạn ăn miếng trả miếng của Triệu Ngôn Tu tuy rằng đơn giản thô bạo, nhưng lại rất hợp với ý của Tống Thiêm Tài. Chẳng qua nếu là Tống Thiêm Tài, hắn tuyệt đối sẽ không đơn giản thô bạo như vậy. Làm thế tuy rằng hả giận thật, nhưng lại dễ dàng dồn mình lâm vào khốn cảnh. Đánh rắn không chết, cuối cùng xui xẻo tuyệt đối chính là mình, tỷ như vị Triệu Ngôn Tu này.
Tâm tư Tống Thiêm Tài xoay chuyển vài vòng. Hắn cũng có già có trẻ, còn không có gia thế, đắc tội chủ của một huyện, vụ mua bán này xác thật hại nhiều hơn lợi, quá không có lời. Đương nhiên, đây là bản năng đánh giá nguy hiểm của thương nhân, nhưng nếu là bản thân Tống Thiêm Tài, Triệu Ngôn Tu hắn nhất định phải cứu.
Nếu không có Triệu Tài Thanh, Tống Thiêm Tài đã sớm lưng cõng tội danh chết trong nhà lao. Sau đó, dựa theo nhân phẩm của Tống Tiến Bảo và Phùng Kim Hoa, cuộc sống của lão phu thê Tống gia và Tống Tiểu Bảo trở thành cái dạng gì cũng có thể tưởng tượng.
Lúc trước, Tống Thiêm Tài đắc tội người còn to hơn Huyện thái gia, Triệu Tài Thanh chẳng lẽ không có băn khoăn. Nhưng ông cuối cùng vẫn phí tâm phí lực cứu Tống Thiêm Tài ra ngoài, ý đồ chính là gì? Tống Thiêm Tài nếu như hôm nay bởi vì bản thân băn khoăn mà khiến con trai của ân nhân lâm vào khốn cảnh, trơ mắt nhìn con trai ân nhân bị kẻ thù tra tấn, vậy thì về sau cũng chớ nên oán trách mình bị kẻ khác vong ân phụ nghĩa, bị thấy chết mà không cứu. Bởi vì chính hắn tự thân bất chính, bởi vì hắn phí hoài tấm chân tình cùng sự trợ giúp của người khác.
Tống Thiêm Tài làm người vẫn luôn rất rõ ràng, có ân, hắn nhất định phải báo; có thù, hắn sẽ tuyệt không buông tha. Cho nên, Triệu Ngôn Tu lần này hắn phải cứu. Nghĩ đến tấm danh thiếp trên người, Tống Thiêm Tài cảm thán một câu, lúc trước nếu không phải Triệu Tài Thanh vì hắn thu xếp, tri phủ kia cũng sẽ không cho thứ này, hiện giờ e là phải dựa vào nó cáo mượn oai hùm một phen.
Đôi khi, mọi chuyện lại kỳ diệu như vậy đấy, từ đâu đi tới, cuối cùng cũng đều trở về lại nguyên điểm.
Một Vài Chuyện Nông Hộ - Lãng Lãng Minh Nhật
Chương 22: Triệu gia
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương