Mùa Hạ Năm Xưa

Chương 27: Tết.



Nếu hỏi mỗi người rằng họ bắt đầu cảm thấy rung động từ khi nào, chắc chắn sẽ cho ra rất nhiều câu trả lời khác nhau. Tình cảm rung động đầu đời thường đến khi tâm hồn con trẻ non nớt nhất, thuần khiết nhất, không pha lẫn bất kỳ tạp chất gì, là một trong những điều đẹp đẽ nhất của mỗi con người. Tình cảm đó khó để diễn tả bằng lời nói, đối với một số người đó có thể là viên kẹo ngọt ngào nhất, là ánh sáng nhỏ bé chiếu rọi vào vùng đất không màu hay chỉ đơn giản là một thứ như ánh mắt hay câu nói của một người.

Lần đầu tiên chúng ta rung động là khi nào?

Hoài An hay đòi mẹ kể về chuyện tình của bố và mẹ. Cậu bé rất thích câu chuyện đó, nó đẹp hơn bất kỳ câu chuyện cổ tích nào mà cậu bé từng biết đến, rằng hai người đã gặp gỡ và yêu nhau ra sao, cuối cùng vượt qua mọi ngăn cách của gia đình để lấy nhau và sinh con. Cậu bé không nghe đi nghe lại mà không thấy chán, đôi khi có một vài suy nghĩ lóe lên, nhỏ bé và yếu ớt, rồi biến mất rất nhanh.

Khi nghe Chí Uy nói rằng bản thân mình là hạnh phúc của cậu nhóc. Phản ứng đầu tiên của Hoài An là nghiêng đầu ra chỗ khác, vì lỗ tai cậu đang dần nóng lên.

Chí Uy quay người đi về phía ngăn tủ, tựa như vừa rồi chỉ là câu nói đùa thường ngày, không mấy quan trọng.

Nhóc mở ngăn kéo, lấy ra một phong bao lì xì đỏ tươi rồi mỉm cười đưa cho cậu: “Chúc mừng năm mới, tuổi mới ăn nhanh chóng lớn.”

Xong còn so chiều cao giữa hai người: “Cố gắng cao hơn, nhìn cậu lùn thế này, tớ cứ tưởng cậu nhỏ tuổi hơn.”

Cậu lùn nhất trong ba đứa, lập tức xì khói cãi lại: “Cậu cao hơn tớ có bao nhiêu đâu. Mẹ tớ bảo sau này tớ còn phát triển tiếp!”

“Thế cậu có lấy lì xì không?”

Hoài An giận lắm, cậu định nói thêm nhưng nhìn phong bao lì xì đỏ tươi trước mắt, vật chất quyết định ý thức mà nuốt nước bọt, sau đó đưa tay nhận lì xì: “Cảm ơn cậu, mai tớ sẽ đưa lại cho cậu một bao.”

“An ơi, người lớn tuổi hơn phải lì xì cho người nhỏ tuổi hơn. Người nhỏ hơn không cần lì xì lại.”

“Vì sao?” Hoài An thắc mắc: “Tớ với cậu cùng tuổi mà.”

“Tớ sinh trước cậu.” Chí Uy tự hào nói.

“Sinh trước vài tháng…”

“Thì cũng là sinh trước.”

Cuối cùng, Hoài An đành ngậm ngùi cầm bao lì xì đi về, miệng còn lầm bầm: sinh trước thì ghê gớm lắm sao? Mỗi năm đều phải lì xì, cho cậu lỗ chết luôn.

Lúc Hoài An ra đến cổng bỗng nhớ đến điều gì đó, quay ra sau bập bẹ nói: “Chúc mừng năm mới.”

Đổi lấy nụ cười rực rỡ lộ rõ lúm đồng điếu một bên của Chí Uy.

“Năm mới bình an.”

“…”

Sáng sớm, Hoài An đã đứng sẵn trong phòng khách để đợi điện thoại từ ngoài quê. Ba mẹ là người vùng khác, vì thế gọi điện là phải gọi hai lần cho cả nhà ngoại lẫn nội. Mỗi lần như thế cậu bé phải cố gắng vắt óc ra để nghĩ câu chúc mới, không bị trùng lặp lại năm cũ.

“Năm mới con chúc bà thật nhiều sức khỏe, sống lâu trăm tuổi ạ.”

“Cháu ngoan!” Chất giọng khàn khàn vang lên từ đầu dây bên kia, có lẽ bà cụ mới thức.

Gia đình xa quê, nên tình cảm họ hàng đối với những đứa trẻ cũng không quá mặn nồng, mỗi lần gọi điện đều xoay quanh vài câu hỏi thăm xã giao rồi lại thôi, cậu không biết cách nũng nịu với người bà xa lạ, ngập ngừng một hồi rồi kiếm cớ đánh bài chuồn. Anh trai cậu thì thoải mái hơn, có lẽ là trai cả trong dòng nên cuộc nói chuyện kéo dài hơn một tẹo. Sau cùng chuyển qua chuyển lại thì cũng đưa sang cho mẹ. Bên kia lại lí nhí điều gì đấy, chỉ thấy mẹ cậu dạ thưa một hồi rồi mới cúp máy, bà ngồi xuống thở dài như vừa trải qua điều gì mệt mỏi lắm.

Tết năm nay thiếu vắng người ba nên mọi thứ có vẻ buồn bã và nặng nề hơn hẳn.

Sau khi gọi điện chúc tết một vòng, ba người lại ngồi xuống ghế xem TV. Họ hàng đều ở dưới quê hoặc phân tán ở các tỉnh thành khác, nên nhà cậu không cần vội vàng qua nhà ai. Mãi đến gần trưa, Hoài An mới bắt đầu nghe tiếng xe máy dừng trước cửa nhà. Mẹ vội vàng chạy ra mở cổng, trước khi đi còn không quên nhắc khéo hai anh em ở yên một chỗ.

Khách đến ngày càng đông, hết lượt này lại đến lượt khác, bao lì xì trong tay cậu ngày càng dày. Đến người anh ít thể hiện cảm xúc của cậu cũng phải híp mắt vui vẻ khi nhìn chồng bao đỏ thắm trước mắt.

Khách khứa chủ yếu là họ hàng thân thiết nên thường đến vào mùng một, họ hàng trong trấn cũng ít, đến chiều cũng đã vãn khách dần. Sang mùng hai mùng ba chủ yếu là người quen, xóm làng đến chúc tết.

Từ đêm ba mươi ngắm pháo hoa chung cậu không còn gặp lại Chí Uy nữa, mấy hôm ghé qua đưa đồ cũng không thấy ai ở nhà, cậu đoán là bạn mình đã được ba mẹ đón đi. Con xóm trong một thời gian ngắn mà đã thiếu vắng mất hai bóng dáng của người bạn thân khiến Hoài An bỗng cảm thấy không chân thật.

“…”

“Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua”.

Ông Năm đầu xóm rất thích đọc câu này, mỗi lần tình ngờ ngang qua cậu đều nghe được nhưng chưa bao giờ nghe ông đọc sang câu thứ hai. Ông mở tiệm sửa xe trong xóm, có lẽ tết nên việc làm ăn cũng ế ẩm hơn. Cổng nhà ông mở rộng, trước thềm chỉ bày vài dụng cụ con con và chiếc xô nhỏ đựng tẩu thuốc, ông Năm vẫn đang nhàn nhã vừa đùa mèo vừa đọc đi đọc lại câu thơ đó.

Hoài An nhân lúc rảnh rỗi, bèn đánh bạo chạy lại hỏi: “Xuân đang đến, nghĩa là xuân đang qua rồi gì nữa hả ông?”

Ông Năm nghe cậu hỏi bèn cười to: “Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.”

Rồi ông nói thêm: “Xuân đến xuân đi nhanh như gió, người đến người đi tóc vương sương.”

“Thằng An dạo này lớn tướng rồi nhỉ, nay đang độ xuân về, cây nhà ông hết xoài rồi, không có mà xin đâu.”

Hoài An bụm mặt: “Cháu có đến xin xoài của ông đâu. Cháu sang chơi với ông đấy chứ.”

“Chứ không phải hai thằng bạn của mi đi hết, có mình mi ở cái xóm con con này nên mới nhớ đến ông già này à?” Ông Năm ra vẻ giận dỗi mà vặn lại.

“Đâu có.”

Cậu đến bên chân ông, giơ tay sờ đầu con mèo mướp đang cuộn tròn. Con mèo có linh tính, không lạ người, thấy tay cậu bèn lè lưỡi liếm hai cái rồi lại rúc đầu ngủ tiếp.

Ông Năm đứng dậy chậm chạp đi vào trong, lúc ra ngoài trên tay còn cầm một cái hộp mứt để xuống trước mặt cậu: “Hôm nay nóng quá, ông cháu ta ngồi ngoài này cho mát.” Rồi ông giơ chiếc quạt mo lên phe phẩy vài cái.

Giờ đang là ban trưa, nhà nhà đang nghỉ ngơi, chỉ có hai ông cháu ngồi trong khu vườn nhỏ lặng lẽ trò chuyện về tháng năm qua. Ông lớn tuổi nên cũng lẩm cẩm rồi, có mỗi một chuyện cũng kể đi kể lại nhiều lần, thường Khôi Vĩ chả bao giờ thích, nó sẽ gào lên mỗi khi ông bắt đầu câu chuyện đó một lần nữa. Tính cách của Hoài An thì trầm lặng hơn cậu chàng, ông kể thì kể, cậu chỉ lặng lẽ ngồi nghe, tâm hồn lại bắt đầu bay lung tung lên tít trời mây.

Lúc ra khỏi cửa, ông Năm đưa cho cậu một bao lì xì màu đỏ, còn chép miệng: “Đây bao lì xì đầu tiên đấy, cả cái xóm này chả thằng nào chịu ngồi nghe ông nói cả.” Rồi ông cụ lại còng lưng đi vào nhà.

“…”

Đúng như lời ông cụ nói, tết đến tết đi nhanh đến chóng mặt, mới đó mà quanh đi quẩn lại đã chẳng còn mấy ngày nghỉ nữa. Mọi người lại bắt đầu rục rịch trở lại công việc của mình.

Trước khi nghỉ tết còn chồng bài tập cũng được Hoài An làm dần dần, đến ngày đi học cũng sắp xong. Hai anh em cậu vào thời gian này khá rảnh rỗi, nên tụ lại đếm tiền lì xì, chủ yếu là anh trai đếm, cậu ngồi xem. Hoài An tinh mắt còn thấy anh thó vài tờ màu xanh đút vào túi quần. Sau khi đếm xong thì đưa hết cho mẹ.

Năm nay cũng như năm ngoái, thu nhập ngày tết có vẻ khá khẩm. Đừng hỏi vì sao cậu biết, mẹ cười sắp không thấy mặt trời đâu rồi.

Trong một buổi chiều cuối cùng của ngày nghỉ, Hoài An đương lúc làm xong một tờ đề thì nghe tiếng bước chân ngoài sân. Cậu cứ nghĩ là anh trai hoặc mẹ nên không nhìn, vẫn ngồi dán mắt vào bài vở trên bàn.

Đến khi một bàn tay hơi gầy nhưng vẫn có lực bế cậu lên.

“A!” Hoài An mới ngớ người chới với trong không trung.

Khi quay đầu liền nhìn thấy một người đàn ông đang độ trung niên, khuôn mặt người này từng bị một lớp bụi mỏng giăng đầy trong ký ức của cậu bé, nhưng giờ đây lớp bụi ấy lại được một bàn tay vô hình phủi đi.

“Ba!”

Cậu bé reo lên trong sự kinh ngạc xen lẫn vui mừng.
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...