Mùi Hương Trầm

Chương 21: Phổ Đà Sơn (Putuoshan)



Lên thuyền từ Ninh Ba về Nhật không phải chỉ có Tối Trừng, Vinh Tây, Đạo Nguyên mà còn một vị khác mà tên tuổi còn lưu truyền đến ngày nay. Đó là Huệ Ngạc. Vị tăng sĩ Huệ Ngạc này không học Thiên Thai tông, cũng chẳng học Thiền tông mà đến tận núi Ngũ Đài sơn xa xôi vùng tây Trung Quốc để cung thỉnh từ đó một bức tượng Quan Âm, đưa về Nhật. Đó là năm 916 [57]. Ông mang được tượng về đến Ninh Ba và lên tàu đi về Nhật.

[57] - Có tài liệu ghi là năm 858

Thế nhưng rời bờ không được bao xa thì thuyền bị kẹt lại, dưới đáy biển bỗng trồi lên những bông hoa sen bằng sắt, chận đường ông đi. Huệ Ngạc thấy vậy mới lập nguyện sẽ xây chùa thờ Quan Âm ngay tại đảo gần nhất, bông sen liền biến mất. Huệ Ngạc cho thuyền tấp đến hòn đảo lân cận, lên bờ xây am tu hành tại đó, thành thật đặt tên am là "Quan Âm bất khẳng khứ" (Quan Âm không chịu đi). Hòn đảo đó là Phổ Đà sơn thuộc quần đảo Chu sơn, đi tàu cánh ngầm từ Ninh Ba mất khoảng một tiếng đồng hồ.

Pho tượng Quan Âm linh ứng như thế nên dần dần Phổ Đà sơn trở thành đạo trường của Ngài. Khách thập phương đến đây chiêm bái bức tượng, tu bổ chùa Quan Âm bất khẳng khứ thành một tự viện to lớn và khám phá thêm trên hòn núi này nhiều điều kỳ lạ.

Tìm hiểu kỹ nguồn gốc của Phổ đà sơn ta mới biết một ngàn năm trước Huệ Khả đã có một người tu đạo tiên đến đây, đó là An Kỳ Sinh thuộc đời Tần Thủy Hoàng. An Kỳ Sinh sống ở vùng ven biển, chuyên chế thuốc trường sinh bất tử. Ông được Tần Thủy Hoàng mời nói chuyện "ba ngày ba đêm" nhưng không chịu nhận chức tước, chỉ hẹn một ngàn năm sau đến tìm ông trên một hòn đảo ngoài biển. Hẹn như thế thì ngay cả Tần Thủy Hoàng cũng chịu thua, nhà vua cho Lư Sinh, Từ Sinh đi tìm nhưng sóng gió quá đành trở lui [58]. Vài trăm năm sau An Kỳ Sinh còn Mai Phúc đời Hán và Cát Hồng đời Tấn đến Phổ Đà tu tiên.

[58] - Theo Sử ký Tư Mã Thiên, bản dịch Nguyễn Hiến Lê. Điều thú vị là theo truyền thuyết của Việt Nam thì An Kỳ Sinh về sau đến núi Yên Tử, Quảng Ninh Việt Nam để tu tiên. Yên Tử là tổ đình của Thiền Trúc lâm. Trên Yên Tử có một khối đá tự nhiên, nhìn giống như tượng đạo sĩ mặc áo choàng. Gần tượng đá có động Dược am (am thuốc) và Thung am (am luyện thuốc)

Năm 847 thuộc đời Đường Đại Trung có một nhà sư người Ấn Độ tên là Thiên Trúc đến Phổ Đà, xuống một động đá nằm sát nước biển mà ngày nay ta gọi là động Hải Triều Âm, đốt ngón tay để cúng dường Quan Âm. Huyền sử chép rằng Quan Âm tu luyện tại một hòn núi gần đó, sau khi đắc đạo Ngài nhảy một bước để đến Phổ Đà. Chỗ Ngài nhảy đến để lại một dấu chân lớn trên đá, tới nay vẫn còn, gọi là "Quan Âm khiêu" (cái nhảy Quan Âm). Từ thế kỷ thứ 10 đến 12, tại Phổ Đà sơn có 218 tự viện được xây dựng, trong thời gian đó có 3000 tăng sĩ tu học nơi đây và trong thời cận đại có một cao tăng nổi tiếng sẽ được kể đến sau.

Quan Âm là vị đại bồ-tát được Phật tử châu Á thờ cùng nhiều nhất. Trong bốn vị Bồ-tát thì Văn-thù là vị đại trí, chủ trí huệ, nằm trên bình diện trí thức, xa xôi với tâm lý dân giã. Vị Phổ Hiền là vị đại hạnh, hạnh nguyện của Ngài quá mênh mông quá to lớn, người thường mấy ai nối gót được như Ngài. Vị Địa Tạng là người chủ động cứu loài hữu tình trong địa ngục, đối với ta thì xem ra cảnh này còn xa vời, có thể không bao giờ xảy ra cho mình. Còn Quan Âm, Ngài là vị đại bi, chuyên cứu độ cảnh khổ nhân sinh, ban bố niềm phúc lạc trên trần thế. Do lực niệm Quan Âm mà:

Xô mình vào lửa lớn,

Hầm lửa biến thành hồ...

Hoặc trôi giạt biển lớn,

Sóng gió không thể chìm...

Hoặc bị kẻ ác đuổi,

Mảy lông không tổn hại...

Hoặc giặc cướp vây quanh,

Giặc tức khởi tâm từ...

Bị xử sắp mất mạng,

Đao gẫy thành từng đoạn...

Hoặc tù ngục gông cùm,

Mở tung được giải thoát...

Bùa chú các độc dược,

Trở lại hành người hại...

Hoặc ác thú vây quanh,

Liền bỏ chạy tứ tán...

Quán Thế Âm tịnh thánh,

Chính là nơi nương tựa,

Trong khổ não chết chóc...[59].

[59] - Trích Diệu pháp liên hoa kinh, Phẩm Phổ Môn thứ 28, Việt dịch của Thích Nhất Chân

Quan Âm là người đưa mắt nhìn chúng sinh, lắng tai nghe mọi điều than thở để đi cứu giúp. Quan Âm không hề chỉ có dạng nữ nhân "Phật Bà" như Trung Quốc Việt Nam hay trình bày, Ngài là một vị đại bồ-tát phát tâm rộng như không gian nên thân Ngài cũng bao la vô tận. Tranh tượng hay trình bày Quan Âm "nghìn tay nghìn mắt" để nói lên khả năng ứng hiện của Quan Âm.

Tôi đến Phổ Đà để chiêm bái đạo trường của vị bồ-tát rất thông hiểu tâm tư con người này. So với Ngũ Đài của Văn-thù, Nga Mi của Phổ Hiền, Cửu Hoa của Địa Tạng, núi Phổ Đà sơn của Quan Âm chỉ là một ngọn núi thấp nằm ngoài biển. Có ý nghĩa thay, vị trí của núi và đại nguyện của Quan Âm muốn cứu độ quảng đại con người bình thường nhất. Biển cả tượng trưng cho phiền não luôn luôn bao trùm đời thường của kiếp nhân sinh và ngọn núi không quá cao nằm ngay giữa biển phù hợp tầm với của tất cả mọi người chịu nghe tiếng rào rạt của "hải triều âm".

Trên Phổ Đà sơn, am cỏ Quan Âm bất khẳng khứ ngày nay đã trở thành Phổ Tế tự, ngôi chùa lớn nhất toàn đảo, rộng hơn 36.000 m2, diện tích xây cất khoảng 11400m2. Phổ Tế được xây dựng năm 1080, ngày nay gồm có 7 điện, 12 tòa tháp và 16 các điện khác như Già lam điện, Tổ sư điện, Tàng kinh các, La hán đường, Bạch vân lầu...Điện quan trọng nhất là Viên Thông do vua Khang Hy cho xây dựng, thờ tượng Quan Âm cao 8,8m. Tôi đi dọc hai bên tường, nhìn ngắm "Quan Âm tam thập nhị ứng tùy hình", đó là 32 dạng tiêu biểu của bồ-tát tùy cơ ứng hiện.

Quan Âm có thể mang hình ông quan văn, kẻ ăn xin, bà nội trợ, cô tiểu thư, vị võ tướng...Nét mặt của các vị đó diễn tả những con người thông thường như ta hay thấy trong nhà ngoài ngõ, không có nét gì của thần thánh cả. Những khuôn mặt người thường đó có một nét chung là hiền hậu gây cho ta lòng thân cận với Quan Âm. Tôi bỗng nhớ đến Đạt-lai lạt-ma mà tôi đã gặp tại Đức. Vị này cũng được xem là hiện thân của Quan Âm, ông cũng có một khuôn mặt bình thường tốt bụng, có một tiếng cười sảng khoái và một tiếng nói rất quen thuộc với tôi.

Sau Phổ Tế tự là Pháp Vũ tự, đó cũng là một ngôi chùa rất lớn với 8800m2. Chùa này được kiến lập từ năm 1508, đó là năm tăng sĩ Đại Trí từ Tây Thục đến Phổ Đà đảnh lễ, lập am gọi là Hải Triều am. Trong chùa này có bức tranh đá nổi tiếng của họa sĩ Diêm Lập Bản đời Đường [668] vẽ hình Quan Âm. Trên núi Phổ Đà còn Cửu Long Quan Âm điện và Cửu Long bích, bức tường đá vẽ chín con rồng.

Hãy ra bờ biển để nghe tiếng sóng hải triều âm, từ dưới vọng lên, từ trong các động đá vọng ra, từ những khe núi mà nhìn lâu ta thấy dường như hình Quan Âm ẩn hiện. Ôi đây chính là Nam Hải Quan ÂÂm, chỗ mà Tôn Ngộ Không hễ gặp hoạn nạn là đằng vân về xin cứu giúp. Nơi đây là nơi cầu nguyện của biết bao thế hệ, từ những chuyện cao quí nhất đến nỗi lòng thường nhật nhất. Tại chỗ này ta còn thấy bia đá kỷ niệm nhà sư Thiên Trúc đốt tay cúng dường, cầu Quan Âm hiện tiền.

Ngoài khơi là một hòn đảo dài thấp, nhìn như hình người nằm dưới biển nhìn lên trời cao, hòn đảo đó cũng được khách hành hương xem là tượng Quan Âm thiên tạo để tập trung cầu nguyện. Bất ngờ thay, tôi đến tảng đá có ghi dấu "Quan Âm khiêu" còn rõ dấu chân của Ngài. Vị bồ-tát Quan Âm mà một chân co lại tượng trưng cho sự tĩnh lặng, một chân duỗi ra biểu diễn lòng từ bi sẵn sàng đi cứu độ, phải chăng chân ấy đã ghi lại nơi đây bằng một lõm đá có đầu có gót hẳn hoi. Không ai biết được điều đó, điều chắc chắc là nếu có ai được Quan Âm cứu độ thì bản thân người đó cũng chẳng hay biết, bồ-tát ở hay đi đâu cần lưu dấu.

Ngài có đủ hình tướng để xuất hiện thì cũng có muôn cách để cứu độ, kể cả nhắc nhở bằng tư tưởng, bằng sáng kiến, bằng trực giác. Người đời cứ đợi hoạn nạn xảy ra trước mắt mới trông chờ cứu độ, đâu có ai ngờ cuộc đời bình thường không có biến cố trong lúc tai họa có khả năng xảy ra, chính nó đã là một phép lạ. Tôi nhớ nước Đức của năm 1989 trong quá trình biến động chính trị ở phía đông. Ngày nay một nhân vật cao cấp kể lại, trong những ngày đó chỉ cần một tiếng súng duy nhất nổ ra là đã bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Cả triệu người vận động trong mấy tuần liên tiếp mà không có tiếng súng nổ. Ai dám cho là một sự bình thường? "Người đời, trong sự vô minh của nó, nó cứ tưởng mình là người tạo tác duy nhất", tôi nhớ tới câu đó của Aùo Nghĩa Thư của Ấn Độ giáo.

Từ An Kỳ Sinh của thời Tần Thủy Hoàng hãy về với thế kỷ 20. Trong thời kỳ cận đại này cũng có một vị đại sư tu hành ở trên Phổ Đà, đó là Ấn Quang đại sư. Ấn Quang sinh năm 1862, là tổ thứ 13 của Tịnh Độ tông Trung Quốc. Ông quy y với Đạo Thuần ở Ngũ Đài sơn năm 21 tuổi. Khoảng từ năm 26 tuổi Ấn Quang về trụ trì chùa Pháp Vũ trên núi Phổ Đà. Tại đây ông đã hai lần đóng cửa nhập thất rất lâu. Năm 1918 vì quyên tiền in kinh nên sư Ấn Quang hay về Thượng Hải. Về sau Ấn Quang xây dựng lại chùa Linh Nham ở Tô Châu và mất tại đó năm 1940.

Tại Phổ Đà tôi được thăm lại chỗ ẩn tu của Ấn Quang trong Pháp Vũ tự. Nơi đây ông sống gần 30 năm, ngày nay người ta còn giữ lại bàn viết, phòng ngủ, giường chiếu hài vớ của ông. Trong Ấn Quang Đại sư kỷ niệm đường ngày nay ta đọc được câu đối: "Mạc nhạ nhất xưng siêu thập địa, Tu tri lục tự quát tam thừa" (Đừng ngờ một câu qua thập địa, Phải hay sáu chữ phủ tam thừa). "Sáu chữ "ở đây tức là "Nam mô A-di-đà Phật", sáu chữ đó bao quát cả ba thừa Phật giáo, thâu trọn tất cả các phép tu học.

Ấn Quang đã lĩnh hội lòng từ bi của Quan Âm, để biết rằng trong thời đại ngày nay không còn mấy ai đủ sức tự lực để đạt Phật quả mà cần phải dựa trên phép tu tịnh độ để được vãng sinh cực lạc bằng cách thành tâm niệm A-di-đà. Ấn Quang biết người thường không phải ai cũng được như An Kỳ Sinh, như Tây Thiên, Huệ Ngạc, Bạch Ẩn hay Suzuki. Họ chỉ là những người bình thường, có họa thì lo, có phúc thì mừng, ngồi thiền thì mỏi lưng, tụng kinh thì buồn ngủ. Đối với họ đại trí của Văn-thù quá cao xa, đại hạnh của Phổ Hiền quá to lớn. Họ chính là đối tượng giải cứu của Quan Âm khi sống và khi chết thì chỉ A-di-đà mới cứu được họ. Đừng bắt họ hiểu Tính Không, họ không giải nổi công án, họ không thuộc hơn chục câu kinh. Có cách nào cho họ giải thoát không? Ấn Quang nói chỉ cần niệm "sáu chữ" là "phủ tam thừa". Đó là lòng đại bi của Ấn Quang đại sư.

Rời Phổ Đà để trở lại đất liền, tôi đi qua rừng tử trúc, đó là một vùng mọc toàn thứ trúc màu đỏ tía. Đứng cao trên rừng tử trúc kỳ lạ đó là tượng Quan Âm cao 33m nhìn ra biển cả mênh mông:

Mắt từ nhìn chúng sinh,

Tụ phúc biển vô lượng,

Cho nên đáng đảnh lễ[60].

[60] - Trích Diệu pháp liên hoa kinh, đã dẫn

Đó là lời của Thích-ca mâu-ni trả lời Bồ-tát Vô Tận Ý hỏi về Quán Thế Âm.

GIÃ TỪ TRUNG QUỐC

Trung Quốc với một cõi đất mênh mông và một Hán tộc lâu đời hiển nhiên là một nước lớn trên thế giới. Mặc dù còn biết rất ít về Trung Quốc và lịch sử nước này nhưng tôi dám nói đây phải là một dân tộc với một nền văn minh cổ nhất và một nền học thuật sâu sắc nhất của loài người. Trước công nguyên hàng trăm năm, lúc con người còn mơ ngủ thì người Trung Quốc đã bắt đầu nghĩ đến việc trị thủy, bắt đầu xây những công trình vĩ đại mà ngày nay không ai dám nghĩ có thể hoàn thành. Đó cũng là thời kỳ mà nước Trung Quốc đã được thu về một mối với hàng trăm triệu dân, từ thời đó ý thức thống nhất của họ luôn luôn ngự trị trong những đầu óc tầm cỡ.

Trong lịch sử dài của Trung Quốc, những cuộc nội chiến của họ thường được chấm dứt bởi những nhân vật kiệt xuất và sau đó thường là một thời kỳ phát triển rực rỡ về văn hóa. Đời nhà Đường, nhà Tống, lúc châu Aâu còn nằm trong giấc ngủ dài của thời Trung Cổ thì nền văn hóa nghệ thuật của Trung Quốc đã lên tới tột đỉnh. Qua đến thời nhà Nguyên, Minh, Thanh, mặc dù có khi kẻ cai trị là người "ngoại tộc" nhưng nền văn minh Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển.

Và đến đầu thế kỷ này, châu Aâu đã phát triển qua được ba trăm năm sau thời kỳ phục hưng, súng ống của họ đã mạnh hơn sức sáng tạo của văn quan nho sĩ thời nhà Thanh và đã xâu xé nước Trung Quốc. Người Hán tỉnh giấc mộng dài và sực thấy ngoài rợ Hồ ngày xưa còn có người phương Tây sẵn sàng xâm chiếm mình. Người Trung Quốc phản ứng theo cách của họ và ngày nay ta có một nước Trung Quốc rộng mênh mông hơn bao giờ cả, nhưng nền văn hóa ngày xưa cũng chưa bao giờ bị lãng quên như bây giờ.

Hai nền tảng vĩ đại của tòa nhà văn minh Trung Quốc là Lão giáo và Khổng giáo đã làm gốc cho một nền học thuật khoảng 2500 năm. Nó là hai thái cực luôn luôn bổ túc lẫn nhau trong đầu óc của người Hán. Nếu Khổng Giáo lấy xã hội nhân sinh này làm đối tượng của nhận thức và hành động thì Lão Giáo tìm hiểu cái gốc của trời đất, của muôn vật và thuận theo đó mà ứng xử. "Nội thánh ngoại vương" như thế là đầy đủ, về tư tưởng hầu như họ không còn gì để bổ túc nữa. Về giang hà, sơn lâm, hồ hải thì Trung Quốc tự nó là một thế giới, họ không cần tìm kiếm xa xôi. Về dân tộc thì Hán tộc của họ có số lượng cực lớn nhưng tương đối thuần chủng, ngôn ngữ, chữ viết khá thống nhất.

Vì những lẽ đó mà đi khắp các vùng Trung Quốc, từ Bắc Kinh Thượng Hải tráng lệ đến những vùng quê hẻo lánh, đời sống lầm than, tôi luôn luôn có cảm giác Trung Quốc là một cây cổ thụ vĩ đại sống đã ngàn năm. Nó bắt rễ từ những mảnh đất rất xa xôi, rất khác nhau; lam lũ thu hút những chất bổ dưỡng trong lòng đất tối tăm để cho một thân cây sum sê lá cành. Và trên những cành đó là nghệ thuật nở hoa đủ thứ màu, sinh trái đủ thứ vị. Từ hàng triệu con người cần cù không tên đó, qua những thế hệ mà ta hay đếm hàng trăm năm, một nền học thuật phong phú được sinh ra như đạo học, thi ca, văn học, thư pháp, âm nhạc, hội họa, gốm sứ...

Người Trung Quốc vì những lẽ đó thường quá tự hào, cho rằng mình có thể là một thế giới riêng, không cần phải du nhập điều gì từ bên ngoài cả, nội cái tên nước đã phản ánh tâm lý này rồi.

Chính vì thế mà tôi càng ngạc nhiên hơn về cách mà người Trung Quốc tiếp nhận đạo Phật, một tôn giáo được du nhập từ Ấn Độ. Chúng ta hãy nhớ rằng Phật giáo đến Trung Quốc trong thế kỷ thứ nhất, khi Khổng Giáo và Lão Giáo đã định hình hơn năm thế kỷ, khi nước Trung Quốc đã thống nhất dưới thời Tần Thủy Hoàng, khi chủ trương bảo vệ bờ cõi đã rõ với việc xây dựng Vạn lý trường thành. Thế thì tại sao những người Trung Quốc đầy tự hào đó lại mở rộng vòng tay đón chào các loại kinh điển "ngoại lai" từ Tây Vực tới và thờ cúng một "người nước ngoài" là Thích-ca mâu-ni. Tôi phải tự trả lời cho mình câu hỏi này.

Từ thế kỷ thứ nhất đến nay gần 2000 năm, Phật giáo để một dấu ấn quá đậm tại Trung Quốc tới mức khó hiểu. Từ phía cực tây như Đôn Hoàng với các thạch động nổi tiếng đến các quần đảo cực đông như Phổ Đà sơn, từ vùng Bắc Kinh lạnh lẽo với Linh Quang tự đến miền Hồ Nam với Huệ Năng xuất chúng, đi tới đâu ta cũng thấy chùa chiền tự viện của Phật giáo, nhiều hơn hẳn đền đài thờ đạo sĩ hay nho sĩ.

Hãy nhớ lại công lao hoạt động của người xưa mà ta chỉ có thể kể vài người tiêu biểu. Đó là công trình phiên dịch và truyền giáo của các "Phạm tăng" Ấn Độ như Ma-đằng và Trúc Pháp Lan trong thế kỷ thứ nhất, An Thế Cao sau đó khoảng 100 năm. Trong thế kỷ thứ 4 có Phật Đồ Trừng đến Lạc Dương năm 310, Cưu-ma-la-thập đến Hậu Lương năm 386. Năm 520 Bồ-đề Đạt-ma đến Trung Quốc, khai sáng dòng Thiền ở đó và từ đó Phật giáo vươn lên sống mãi với thời gian. Ngược lại tăng sĩ Trung Quốc đi Ấn Độ cũng không thiếu mà những người nổi danh nhất là Pháp Hiển, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh. Đến thế kỷ thứ 11, 12 lúc Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ thì tại Trung Quốc, Phật giáo còn rực rỡ hơn tám trăm năm nữa.

Tôi chỉ có thể lý giải sự hưng thịnh này của Phật giáo bằng cách cho rằng tư tưởng đại thừa đã đáp ứng đúng đòi hỏi học thuật và tôn giáo của người Trung Quốc. Một mặt thì Khổng giáo quá chú ý đến xã hội thế gian, cho cái siêu thế gian không thể tiếp cận được. Mặt khác Lão Giáo quá ít lời về Đạo, cũng cho rằng không thể nói về Đạo. Hơn thế nữa Lão giáo cho triết lý hành động một nội dung "vô vi", hành động nhưng không có bất cứ chủ đích gì, điều này gây không ít hoang mang cho con người, nhất là con người mang đầy tính xã hội của Trung Quốc. Về sau người đạo sĩ Trung Quốc thường có hình ảnh một vị luyện linh đan, sống trường sinh bất tử, thường cưỡi hạc đi chơi với mây gió.

Khi Phật giáo đến Trung Quốc trong thế kỷ thứ nhất, có người hiểu lầm đây là đạo Lão vì Phật giáo cũng nói về một cái Đạo "bất khả tư nghì", nhưng ấn tượng đó sớm biến mất. Vì nếu Lão Tử bỏ đời ra đi và được người đời tôn thành Thái Thượng Lão quân thì các tăng sĩ Phật giáo từ phương xa lại, dịch kinh điển và tìm cách nói về cái "không thể nghĩ bàn". Người Trung Quốc lắng nghe và thấy đây là cái có thể chấp nhận được.

Trong thời Nam Bắc Triều [420-588] nhờ Cưu-ma-la-thập, tư tưởng Trung quán của Long Thụ được truyền bá và Chân Đế [61] là người đưa Duy thức đến Trung Quốc. Đến thời nhà Đường, Thiền tông và Hoa Nghiêm rực lên như một ánh đuốc trong nền văn hóa tôn giáo tại Trung Quốc. Hiển nhiên là Phật giáo đã trộn với Lão giáo để thành Thiền tông Trung Quốc và với Hoa Nghiêm tông, người Trung Quốc thấy rằng có thể nói về một Tính Không, ít nhất là về cái "dụng" của nó.

[61] - Paramartha, 499-569, dịch các tác phẩm của Duy thức tông như Nhiếp đại thừa luận, Duy thức nhị thập tụng

Giáo lý đại thừa còn thích hợp với người Trung Quốc ở chỗ nó cho con người một hình ảnh lý tưởng, đó là hình ảnh bồ-tát. Đó là những người tuy hành động không vướng mắc nhưng có "tác ý" hẳn hoi, không quá khó hiểu như "vô vi" của Lão giáo. Hơn thế nữa, hình ảnh bồ-tát thõng tay vào chợ để cứu độ con người rất thích hợp với đầu óc thực tiễn của người Trung Quốc. Họ không thể quay lưng với xã hội, cưỡi hạc rong chơi mà nghĩ rằng đời mình phải làm gì cho có ích và nếu không phải để dạy dỗ giáo hóa thì để làm gì. Hành động dạy dỗ là thái độ của Khổng giáo và nội dung giáo hóa là tư tưởng đại thừa.

Thú vị thay, nếu Thiền tông là sự tổng hòa của Phật giáo và Lão giáo, thì ý niệm bồ-tát có một yếu tố của Khổng giáo. Hình ảnh của các vị La Hán của Trung Quốc trong các đại hùng bảo điện nói lên điều đó. Có vị thì như cây khô ngồi trên cành thông mang hình ảnh của đạo sĩ, có vị da đen tóc quăn quên cả tam thế mang hình ảnh của A-la-hán Ấn Độ và cũng có vị tươi cười nhìn người đời, khuôn mặt như một vị sư biểu với lòng sẵn sàng dẫn dắt. Cả hai nền tảng Lão giáo và Khổng giáo tìm lại trong nền Phật giáo Trung Quốc dấu ấn của mình và đều làm cho triết lý đại thừa lớn mạnh hơn cả Ấn Độ. Các thiên tài tôn giáo Ấn Độ cần phải có một miếng đất đã cày bừa sẵn như Trung Quốc để tư tưởng họ có thể đơm hoa kết trái.

Từ nền Phật giáo đại thừa đó của Trung Quốc mà các dòng truyền thừa lan qua Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại các nước đó, dĩ nhiên Phật giáo lại hòa nhập với nền văn hóa bản xứ để thành một nền Phật giáo với bản sắc riêng, trong đó Thiền tông, Hoa Nghiêm, Tịnh Độ, Thiên Thai, Mật tông có thể hòa quyện với nhau để ra những bồ-tát, thiền sư bản xứ. Tuy khác nhau, nhưng trong ba nước đó đều có chung những nét giống nhau về giáo pháp, về triết lý nhận thức và hành động.

Do đó trên bước đường tại Trung Quốc có khi tôi thấy mình như ở trong một ngôi chùa nào quen thuộc, tiếng tụng kinh, mùi nhang trầm như vọng lại từ một mối chung. Trung Quốc đã đóng vai trò đầu nguồn Phật giáo cho các nước vùng Đông Á, điều đó ta phải khâm phục thừa nhận. Ngày nay có nhiều tranh cãi liệu Phật giáo Việt Nam từ Trung Quốc du nhập hay từ Ấn Độ trực tiếp truyền qua, dù coi trọng tính chất nghiêm túc của lịch sử nhưng tôi không thấy các cuộc tranh luận đó đóng vai trò gì đáng kể trong triết lý tôn giáo.

Trung Quốc là một nước với một nền học thuật thâm sâu, xứng danh ngang hàng với Ấn Độ, là những chiếc nôi của văn minh loài người. Hai nước đó nằm sát bên nhau có chung một dãy Hy-mã lạp sơn đầy huyền bí, cùng có chung một mái nhà mà từ đó những con sông thiêng băng núi rừng chảy ra biển cả. Giữa Trung Quốc và Ấn Độ là Tây Tạng, đó lại là một vùng đất kỳ lạ, một nơi mà Phật Giáo phát triển lên một mức độ siêu việt hơn cả đại thừa.

Vì thế tôi thấy mình phải đi Tây Tạng.
Chương trước Chương tiếp
Maxvin

W88

Game bài nhiều người chơi
Tele: @erictran21
Loading...