Người Trộm Bóng
Phần 2 - Chương 09 (Hết)
Con sẽ không bao giờ gặp lại mẹ nữa, sẽ không bao giờ còn được nghe mẹ gọi con vào buổi sáng như ngày nào, con sẽ không còn ngửi thấy mùi long diên hương vốn hợp với mẹ đến thế. Con sẽ không còn có thể chia sẻ cùng mẹ mọi vui buồn, mẹ con mình sẽ không thể kể cho nhau nghe chuyện gì nữa. Mẹ sẽ không bao giờ cắm vào chiếc bình hoa to những cành mimosa con hái về ẹ cuối tháng Giêng, không bao giờ đội chiếc mũ rơm quen thuộc vào mùa hè, không bao giờ quàng chiếc khăn vải ca sơ mia lên vai khi những đợt lạnh đầu tiên của mùa thu tới nữa. Mẹ sẽ thôi không còn nhóm lò sưởi lên mỗi khi tuyết phủ kín vườn vào tháng mười Hai. Mẹ ra đi trước khi mùa xuân kịp về, mẹ để con lại mà không báo trước một lời, và sẽ không bao giờ trong đời mình con cảm thấy cô đơn trên sân ga đó vào khoảnh khắc con biết tin mẹ không còn nữa. “Mẹ mình đã mất hôm nay rồi”, câu nói ấy, tôi đã lặp lại với chính mình cả trăm lần, trăm lần mà không tài nào tin nổi vào điều đó. Cảm giác trống trải xuất hiện vào ngày mẹ ra đi không bao giờ rời khỏi tôi nữa. Trên sân ga, Luc kể lại cho tôi nghe những gì đã xảy ra. Cậu đã đề nghị qua đón mẹ tôi để tiễn bà lên tàu. Chính cậu đã phát hiện ra mẹ tôi nằm bất động ngay trước cửa. Luc gọi cấp cứu nhưng đã quá muộn, mẹ tôi đã ra đi từ tối hôm trước. Hẳn là trong lúc ra khóa cửa bà đã quỵ xuống vì một cơn trụy tim. Mẹ đã trải qua đêm cuối cùng của đời mình trên mặt đất vườn nhà, đôi mắt mở to nhìn lên các vì sao. Chúng tôi lên tàu quay về. Luc im lặng nhìn tôi, còn tôi nhìn phong cảnh trôi qua ngoài cửa sổ, thầm nghĩ không biết đã bao nhiêu lần mẹ tôi ngắm nhìn chúng trên đường tới thăm tôi. Tôi đã quên không hủy bàn đặt trước cho hai mẹ con ở nhà hàng bà ưa thích. Mẹ đợi tôi ở nhà tang lễ. Mẹ quả là một người chu đáo đến mức đáng kinh ngạc, người phụ trách dịch vụ tang lễ cho tôi hay bà đã lo liệu trước mọi thứ. Bà nằm đợi tôi trong chiếc quan tài. Làn da của bà nhợt nhạt, trên môi thoáng nở nụ cười khiến người khác yên lòng, một cách đầy tình mẫu tử để nói với tôi mọi việc sẽ ổn cả, rằng mẹ vẫn chăm lo cho tôi, giống như ngày khai trường năm nào. Tôi hôn lên hai má mẹ. Nụ hôn cuối cùng dành ẹ cũng giống như một tấm màn kéo xuống che đi vĩnh viễn thời thơ ấu của ta. Tôi ở lại suốt đêm trông nom mẹ, người đã từng thức trắng không biết bao đêm chăm lo cho tôi. Ở tuổi vị thành niên, ta mơ đến ngày được rời khỏi bố mẹ mình, nhưng rồi một ngày kia chính bố mẹ ta sẽ rời xa ta. Khi đó, ta chỉ ước gì có thể dẫu chỉ một khoảnh khắc thôi, quay trở lại là đứa trẻ sống dưới mái nhà cùng bố mẹ, được ôm lấy họ trong vòng tay ta để nói không chút ngại ngần xấu hổ rằng ta yêu họ, nép sát người vào bố mẹ để bố mẹ làm ta yên tâm lần nữa. Tôi lắng nghe bài nguyện vị linh mục đọc trước mộ mẹ tôi. Người ta không bao giờ mất đi bố mẹ mình, kể cả sau khi chết họ vẫn còn sống trong con người bạn. Những người đã sinh thành ra bạn, đã dành cho bạn trọn vẹn tình yêu để bạn tiếp tục sống sau họ, những người đó không thể nào mất đi được. Vị linh mục có lí, nhưng ý nghĩ họ không còn sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới này nữa, và bạn sẽ không bao giờ được nghe giọng nói của họ, rằng cánh cửa ngôi nhà tuổi thơ của bạn sẽ khép lại mãi mãi, ý nghĩ đó nhấn chìm bạn vào nỗi cô đơn mà đến cả Chúa cũng không làm nguôi ngoai đi được. Tôi chưa bao giờ thôi nghĩ về mẹ. Bà luôn hiện diện trong mỗi khoảnh khắc của đời tôi. Có những lúc tôi vừa xem một bộ phim vừa thầm nghĩ hẳn mẹ sẽ thích nó, nghe một bài hát bà từng hát, và vào một ngày tuyệt đẹp nọ chợt ngửi thấy thoang thoảng trong không khí mùi long diên hương nhắc tôi nhớ đến mẹ khi có một người phụ nữ đi ngang qua. Vị linh mục có lí, dù ta có tin vào Chúa hay không đi nữa, một người mẹ cũng sẽ không bao giờ hoàn toàn mất đi, sự bất tử của bà nằm ở ngay đây, trong trái tim đứa con bà từng yêu thương, tôi hi vọng một ngày kia cũng dành được phần vĩnh cửu đó của mình trong trái tim đứa con mà đến lượt mình tôi sẽ nuôi dạy nên người. Gần như cả làng đều có mặt tại lễ an táng, kể cả Marquès, và tôi vô cùng nhạc nhiên khi thấy nó đeo băng tam tài chéo qua vai. Gã ngốc đã xoay xở thành công để được bầu làm thị trưởng. Bố Luc cũng đóng cửa hàng để tới đưa tang. Bà hiệu trưởng cũng có mặt, bà đã thôi không còn dùng bộ đàm từ lâu, nhưng bà còn khóc nhiều hơn những người khác và gọi tôi là “cậu bé con”. Sophie cũng tới, Luc đã báo tin cho cô, thế nên cô đã bắt chuyến tàu đầu tiên vào buổi sáng. Nhìn hai người họ nắm tay nhau khiến tôi cảm thấy được động viên rất nhiều, cho dù tôi không thể lí giải nổi vì sao. Khi những người đến đưa tang đã về cả, tôi còn lại một mình trước ngôi mộ. Tôi lấy trong ví ra một bức ảnh chưa bao giờ rời xa tôi, bức ảnh bố đang bế tôi trên tay. Tôi đặt nó xuống mộ mẹ, để ngày hôm đó cả ba chúng tôi được đoàn tụ bên nhau một lần cuối cùng. Sau lễ tang, Luc đã dùng chiếc xe break cũ kĩ của cậu đưa tôi về nhà. Cuối cùng cậu bạn tôi cũng mua đứt nó từ tay người vẫn cho cậu thuê xe. - Cậu muốn tớ cùng vào trong với cậu không? - Không, cảm ơn cậu, ở lại với Sophie đi. - Nhưng dẫu sao bọn tớ cũng không thể để mặc cậu một mình, không phải vào một buổi tối như hôm nay. - Tớ tin rằng đó chính là điều tớ muốn. Cậu biết đấy, tớ chưa đặt chân trở lại đây từ nhiều tháng nay, hơn nữa, tớ vẫn còn cảm thấy sự hiện diện của mẹ tớ giữa những bức tường này. Tớ cam đoan với cậu, thậm chí dù bà đã yên nghỉ ngoài nghĩa trang, tớ cũng sẽ nghỉ lại đêm cuối cùng này với bà. Luc ngần ngừ chưa muốn đi ngay, cậu mỉm cười nói với tôi: - Cậu biết không, hồi còn ở trường ấy, tất cả bọn tớ đều phải lòng mẹ cậu đấy. - Thế mà tớ không biết chuyện đó. - Trong tất cả các bà mẹ của lớp mình, mẹ cậu là người đẹp nhất, hơn hẳn những người khác, tớ tin rằng cả gã ngốc Marquès cũng từng thổn thức một thời vì bà. Gã ngốc đó đã thành công trong việc làm tôi nở một nụ cười. Tôi xuống xe, đợi Luc lái xe đi khỏi rồi bước vào trong nhà. * Tôi phát hiện ra mẹ chưa từng bao giờ sơn lại ngôi nhà. Tôi đã đọc qua cuốn y bạ của mẹ tôi để trên chiếc bàn thấp ngoài phòng khách. Khi nhìn qua ngày tháng trên các tờ điện tâm đồ của bà, tôi hiểu ra tất cả. Tuần lễ đi nghỉ dưới miền Nam, mà bà từng nói với tôi được một người bạn rủ đi cùng, chưa bao giờ diễn ra; vào cuối mùa đông, mẹ tôi đã bị lên cơn đau tim, và trong khi Luc, Sophie và tôi lên đường ra biển, bà đã phải nhập viện để khám. Mẹ tôi bịa ra chuyến đi vì bà không muốn tôi lo lắng. Tôi đã theo học nghề y với hi vọng chữa khỏi ẹ mọi bệnh tật bà mắc phải, vậy mà tôi đã không hề phát hiện ra bà đang ốm. Tôi đi vào bếp, mở tủ lạnh ra và tìm thấy trong đó bữa tối mẹ đã chuẩn bị ình ngay trước khi… Tôi đứng thẫn thờ như một gã ngốc trước tủ lạnh mở toang, không tài nào kìm được dòng nước mắt. Tôi không hề khóc trong suốt lễ an táng, như thể mẹ đã cấm tôi không được làm như thế, vì bà muốn tôi kiên cường trước mặt những người khác. Nhưng chính những chi tiết nhỏ nhặt lại thường đột nhiên khiến ta thực sự ý thức được sự ra đi của những người ta yêu quý. Một chiếc đồng hồ báo thức trên mặt bàn đầu gường vẫn tiếp tục đều đặn chạy tích tắc, một chiếc gối nhô ra ngoài mép giường chưa xếp dọn, một bức ảnh đặt trên tủ mốt, một chiếc bàn chải đánh răng cắm trong cốc thủy tinh, một chiếc ấm pha trà để trên bệ cửa sổ nhà bếp, vòi ấm quay về phía cửa sổ như để ngắm nhìn khu vườn bên ngoài, và một chiếc bánh táo có phủ si rô vị cây thích ăn dở còn để trên mặt bàn. Tuổi thơ của tôi đang ở đó, ngủ yên trong ngôi nhà đầy ắp những kỉ niệm, những kỉ niệm về mẹ tôi, về những tháng năm mẹ con tôi sống bên nhau. * Tôi chợt nhớ mẹ từng nói với tôi về một cái hộp bà đã tìm thấy. Tối đó trăng đã tròn, và tôi leo lên tầng áp mái. Cái hộp được để ở vị trí rất dễ thấy trên sàn gỗ. Trên nắp hộp, tôi tìm thấy một tờ giấy với những dòng chữ viết tay của mẹ tôi. Tình yêu của mẹ, Lần gần nhất về đây, mẹ đã nghe thấy con leo lên tầng áp mái. Mẹ tin thế nào con cũng sẽ lại tìm lên đây, vì thế mẹ đã hẹn gặp con lần cuối cùng tại chính chỗ này. Mẹ biết chắc thỉnh thoảng có lúc con vẫn còn trò chuyện với những cái bóng của con. Đừng cho rằng mẹ đang giễu cợt, chỉ là điều đó nhắc mẹ nhớ lại thời thơ ấu của con. Khi con đi học, mẹ lại vào phòng con lấy cớ dọn dẹp ngăn nắp lại mọi thứ, và khi mẹ dọn giường cho con, mẹ ôm lấy chiếc gối con vẫn gối đầu để cảm nhận hơi ấm của con. Con chỉ mới ở cách nhà có năm trăm mét thôi mà mẹ đã bắt đầu thấy nhớ con rồi. Con thấy đấy, làm một người mẹ cũng chỉ đơn giản như vậy thôi, có nghĩa là không bao giờ thôi nghĩ tới những đứa con của mình; từ khoảnh khắc đầu tiên khi con mở mắt chào đời, con đã choán hết tâm trí của mẹ rồi. Và không có điều gì có thể khiến những người mẹ hạnh phúc hơn thế. Mẹ đã cố gắng một cách vô vọng để trở thành người mẹ tốt nhất trên đời, nhưng chính con mới là đứa con trai đã vượt xa tất cả những gì mẹ trông đợi. Con sẽ trở thành một bác sĩ tuyệt vời. Cái hộp này thuộc về con, đáng ra nó không bao giờ được tồn tại mới phải, mẹ mong con thứ lỗi ẹ. Mẹ của con, người luôn yêu con và sẽ mãi yêu con. Tôi mở cái hộp ra; trong hộp, tôi tìm thấy tất cả những bức thư bố đã gửi cho tôi, vào mỗi dịp Giáng Sinh cũng như tất cả các ngày sinh nhật của tôi. Tôi ngồi xếp bằng trước khung cửa sổ, nhìn mặt trăng đang lên trên bầu trời đêm. Tôi ôm những bức thư của bố vào lòng và thì thầm khe khẽ: “Mẹ, tại sao lại làm thế này với con!” Tôi ngồi xếp bằng trước khung cửa sổ, nhìn mặt trăng đang lên trên bầu trời đêm. Tôi ôm những bức thư của bố vào lòng và thì thầm khe khẽ: “Mẹ, tại sao lại làm thế này với con!” Thế rồi bóng của tôi dài dần ra trên mặt sàn gỗ, và bên cạnh nó, tôi tin đã nhìn thấy cả bóng của mẹ tôi, bà đang nhìn tôi vừa mỉm cười vừa khóc. Mặt trăng tiếp tục chuyến dạo chơi của nó, và bóng của mẹ cũng tan biến theo. * Tôi trằn trọc không sao ngủ được. Phòng ngủ của tôi hoàn toàn yên ắng, không còn tiếng động nào vọng lại từ bên kia vách ngăn nữa. Những tiếng động tôi đã quen nghe giờ đây đều biến mất, những nếp gấp của các tấm rèm ủ rũ đứng im. Tôi nhìn đồng hồ. Vào lúc 3 giờ sáng Luc sẽ nghỉ tay, tôi chợt muốn đi gặp cậu. Ý tưởng đó thôi thúc tôi, vậy là tôi khóa cửa ngôi nhà lại, không hề biết những bước chân sẽ dẫn tôi đi đâu. Tôi rẽ vào góc con hẻm. Đứng trong bóng tối của màn đêm, tôi thấy cậu bạn thân nhất của mình đang ngồi trên ghế trò chuyện với bố cậu. Tôi không muốn ngắt quãng câu chuyện giữa hai người, nên tôi lùi trở ra và tiếp tục bước đi. Không hề ý thức được mình đang đi đâu, tôi rảo bước tới tận hàng rào trường học, cánh cổng phụ vẫn hé mở, nên tôi đẩy cửa bước vào. Sân trường vắng tanh chìm trong thinh lặng, hay ít nhất tôi cũng tin như thế. Trong lúc bước lại gần cây dẻ, tôi chợt nghe thất một giọng nói gọi tôi. - Bác biết chắc sẽ gặp lại cháu ở đây. Tôi giật mình quay lại. Yves đang ngồi trên bằng ghế nhìn tôi. - Lại đây ngồi xuống bên bác đi. Trong suốt quãng thời gian đã qua, chắc chắn chúng ta có nhiều điều để nói với nhau. Tôi ngồi xuống bên cạnh ông và hỏi ông đang làm gì trong sân trường. - Bác đã tới dự tang lễ của mẹ cháu. Bác thành thật chia buồn cùng cháu, bà ấy là một phụ nữ rất đáng trân trọng. Bác đến hơi muộn, vì thế bác đã đứng vào cuối đoàn người đưa tang. Tôi thực sự xúc động khi được biết Yves tới dự lễ an táng mẹ tôi. - Cháu đến tìm cái gì trong sân trường này vậy? Ông hỏi tôi. - Cháu cũng không biết nữa, cháu vừa trải qua một ngày thật khó khăn. - Bác biết cháu sẽ tới. Bác quay về đây không chỉ để tiễn đưa mẹ cháu, bác còn muốn gặp lại cháu. Cháu vẫn giữ lại được nguyên vẹn cái nhìn đó; cả điều này nữa bác cũng đã biết chắc, cho dù bác vẫn muốn kiểm chứng lại. - Tại sao? - Vì bác nghĩ cả hai chúng ta đều đang tìm kiếm một vài kỉ niệm, trước khi chúng mất đi vĩnh viễn, và chúng cũng thế. - Bây giờ bác sống ra sao? - Cũng như cháu thôi, bác đã tìm ình một chân trời mới, xây dựng một cuộc sống mới. Nhưng cháu mới là học sinh ở đây, vậy cháu đã làm gì sau khi rời khỏi những bức tường này, khỏi thị trấn bé nhỏ này? - Cháu là bác sĩ, nói cho cùng… mới gần là như thế. Thậm chí cháu đã không thể phát hiện ra chính mẹ mình đang ốm. Cháu từng tin mình có thể nhìn thấy những thứ vốn vô hình trong mắt người khác, song hóa ra cháu còn mù lòa hơn cả họ. - Cháu còn nhớ chứ, bác từng hứa với cháu nếu một ngày kia cháu có điều gì đó đè nặng trong tim, điều gì đó cháu thấy không đủ can đảm để nói ra, cháu có thể chia sẻ với bác, và bác sẽ không phản bội cháu. Có thể lúc đó là đêm nay, hoặc không bao giờ nữa… - Hôm qua cháu đã mất đi mẹ mình, bà đã không nói gì với cháu về bệnh tật của bà, và tối nay cháu vừa tìm thấy trên tầng áp mái ngôi nhà của mẹ con cháu những bức thư của bố cháu mà mẹ đã giấu cháu. Người ta bắt đầu bằng một lời nói dối và rồi không biết phải dừng lại ở đâu nữa. - Thế bố cháu đã viết cho cháu những gì, nếu không có gì quá riêng tư? - Rằng mỗi năm ông đều đến để được nhìn thấy cháu vào ngày trao phần thưởng. Rằng ông luôn đứng từ xa, đằng sau hàng rào. Cháu đã từng ở thật gần ông, mà cũng lại thật xa. - Bố cháu không nói gì khác với cháu sao? - Có chứ, ông thú nhận với cháu cuối cùng ông đã đi đến chỗ bỏ cuộc. Người phụ nữ vì cô ta mà ông bỏ mẹ cháu, bố đã có một đứa con trai khác với cô ta. Cháu có một em trai cùng bố khác mẹ. Dường như cậu em cũng giống cháu. Lần này cháu có một cái bóng thực sự của mình rồi, thật thú vị phải không nào? - Vậy cháu định làm gì? - Cháu không biết nữa. Trong bức thư cuối cùng của ông, bố cháu nói với cháu về sự hèn nhát của ông, ông nói với cháu vì muốn đem đến một tương lai cho gia đình mới của mình, ông chưa bao giờ có đủ can đảm để buộc họ chấp nhận quá khứ của ông. Giờ thì cháu biết toàn bộ tình yêu của ông đã đi đâu. - Khi cháu còn nhỏ, điều khiến cháu trở thành một đứa trẻ khác biệt, đó là khả năng cảm nhận nỗi bất hạnh, không chỉ của riêng cháu, mà cả của những người khác nữa mà cháu sở hữu. Chỉ đơn giản là giờ đây cháu đã trở thành người lớn. Yves mỉm cười với tôi rồi hỏi tôi một câu hỏi thật lạ lùng. - Nếu cậu bé cháu từng là hồi nhỏ gặp người đàn ông cháu sẽ trở thành lúc này, cháu có tin rằng hai người sẽ hiểu nhau, sẽ trở thành những người bạn tâm tình thân thiết không? - Vậy thực ra bác là ai? Tôi hỏi ông. - Một người từng từ chối không chịu lớn lên, một ông bảo vệ ở trường học đã được cháu trả lại tự do, hay chỉ là một cái bóng cháu tưởng tượng ra khi cháu cần đến một người bạn, tùy cháu lựa chọn. Nhưng bác còn nợ cháu một món nợ chưa trả, và bác tin rằng tối nay chính là thời điểm thích hợp để trả lại món nợ ấy. Nhân nói về thời điểm thích hợp, cháu còn nhớ trước đây đã có lần bác nói gì với cháu về những cuộc gặp gỡ trong tình yêu không? Bác tin rằng vào lúc đó cháu vừa trải qua lần vỡ mộng đầu tiên của mình. - Vâng, cháu vẫn còn nhớ lúc ấy, hôm đó cháu cũng không được hạnh phúc cho lắm. - Cháu biết đấy, thời điểm thích hợp, khái niệm này cũng đúng cả với những cuộc tìm lại. Cháu cần tới tìm đằng sau nhà kho cũ của bác. Bác tin rằng cháu từng để lại đó một thứ, một thứ thuộc về cháu. Đi đi! Bác sẽ đợi cháu ở đây. Tôi đứng dậy đi ra đằng sau căn nhà gỗ, nhưng cho dù đã căng mắt ra tìm kiếm xung quanh mình, tôi vẫn không tìm thấy gì đặc biệt. Tôi nghe thấy giọng nói của Yves thúc giục tôi hãy tìm cho kĩ hơn. Tôi quỳ xuống, tối đó trăng đủ sáng để người ta có thể nhìn thấy mọi vật rõ gần như vào ban ngày, nhưng tôi vẫn không thấy gì cả. Gió bắt đầu thổi, một con gió thổi tung bụi lên tạt thẳng vào mặt tôi. Nhắm tịt hai mắt lại, tôi thò tay vào túi lần tìm mùi soa để lau mắt và lại có thể nhìn được ít nhiều bình thường. Trong túi áo vest của tôi, chính chiếc áo tôi đã mặc đi dự buổi hòa nhạc, tôi tìm thấy một tờ giấy, trên đó là chữ kí của một nghệ sĩ chơi violloncelle. Tôi nghe thấy giọng nói của Yves thúc giục tôi hãy tìm cho kĩ hơn. Tôi quỳ xuống, tối đó trăng đủ sáng để người ta có thể nhìn thấy mọi vật rõ gần như vào ban ngày, nhưng tôi vẫn không thấy gì cả. Gió bắt đầu thổi, một con gió thổi tung bụi lên tạt thẳng vào mặt tôi. Nhắm tịt hai mắt lại, tôi thò tay vào túi lần tìm mùi soa để lau mắt và lại có thể nhìn được ít nhiều bình thường. Trong túi áo vest của tôi, chính chiếc áo tôi đã mặc đi dự buổi hòa nhạc, tôi tìm thấy một tờ giấy, trên đó là chữ kí của một nghệ sĩ chơi violloncelle. Tôi quay trở lại băng ghế, Yves không còn ở đó nữa, sân trường lại vắng lặng như trước. Ở chỗ ông vừa ngồi lúc nãy có một phong bì được chặn dưới một hòn cuội nhỏ. Tôi mở phong bì ra, bên trong có một bản photocopy trên tờ giấy rất đẹp đã hơi ngả vàng theo thời gian. Ngồi một mình trên băng ghế đó, tôi đọc lại những dòng chữ trên tờ giấy. Có thể chính là câu trong đó mẹ viết cho tôi rằng mong ước lớn nhất của bà là tôi có được niềm vui trong cuộc sống; rằng bà hi vọng tôi sẽ tìm được một công việc làm tôi cảm thấy hạnh phúc, và cho dù tôi có lựa chọn thế nào cho cuộc đời mình đi nữa, chỉ cần tôi yêu và được yêu, vậy là tôi đã hoàn tất mọi hi vọng bà gửi gắm nơi tôi. Có thể chính những dòng chữ đó lần này đã giải phóng tôi khỏi những xiềng xích bó buộc tôi với tuổi thơ của tôi. * Hôm sau, tôi khóa cửa ngôi nhà và ghé qua chào tạm biệt Luc. Ngồi trong chiếc xe cũ của mẹ, tôi lái xe trên đường suốt ngày hôm đó. Đến cuối buổi chiều, tôi tới một khu bãi tắm nhỏ bên bờ biển. Tôi đỗ xe lại trước con đê chắn sóng. Tôi bước qua sợi xích chắn trước lối vào ngọn hải đăng cũ, leo lên tận mái vòm và lấy lại chiếc diều của tôi. Thấy tôi lại đến, bà chủ nhà dưỡng lão gia đình có vẻ còn ái ngại hơn cả lần trước. - Tôi vẫn không có phòng trống, bà thở dài nói với tôi. - Không quan trọng đâu, tôi chỉ ghé qua thăm một trong những người đang dưỡng lão ở đây, và tôi biết phải tìm người đó ở đâu. Bà Pouchard đang ngồi trong chiếc ghế bành của mình, bà đứng dậy tới gặp tôi. - Tôi không nghĩ là cậu lại giữ lời hứa, quả là một bất ngờ thú vị. Tôi thú nhận với bà thực ra lần này không phải tôi tới tìm gặp bà. Bà cúi xuống nhìn chiếc túi xách tôi cầm trong một tay rồi đưa mắt nhìn sang chiếc diều tôi cầm trong tay kia. Bà mỉm cười với tôi. - Cậu gặp may đấy, tôi không dám nói hôm nay ông ấy hoàn toàn minh mẫn, nhưng có vẻ ông ấy đang có một ngày tỉnh táo. Ông ấy đang trong phòng mình, tôi sẽ dẫn cậu lên đó. Chúng tôi cùng nhau leo lên cầu thang, bà lão gõ cửa và chúng tôi cùng bước vào phòng ông chủ cũ của quầy tạp hóa. - Ông có người đến thăm này Léon, bà Pouchard nói. - Vậy ư? Tôi chẳng đợi ai cả, ông lão vừa nói vừa đặt cuốn sách đang đọc xuống chiếc bàn kê đầu giường. Tôi bước lại gần, đưa cho ông lão xem con chim đại bàng của tôi trong tình cảnh thảm hại của nó. Ông lão ngắm nhìn chiếc diều hồi lâu, rồi khuôn mặt ông sáng lên. - Thật lạ, tôi từng tặng một cái diều giống hệt thế này ột cậu bé có bà mẹ bủn xỉn đến mức từ chối không mua quà sinh nhật cho nó. Cứ tối đến cậu bé lại mang nó về gửi lại tôi và đến lấy vào sáng hôm sau, để không làm mẹ khó chịu, cậu bé nói vậy. - Cháu đã nói dối ông, mẹ cháu là người rộng lượng nhất trong những bà mẹ, chắc chắn mẹ sẵn sàng tặng cho cháu tất cả những chiếc diều trên đời này nếu cháu hỏi xin mẹ. - Thực ra, tôi cũng tin rằng đó chỉ là câu chuyện bịa mà cậu bé đã bày đặt ra, ông lão nói tiếp, không hề lắng nghe những gì tôi vừa nói. Nhưng trông cậu bé có vẻ khổ sở khi không có được chiếc diều đến mức tôi không thể cưỡng lại ý muốn tặng cho cậu ta. À phải, tôi đã từng thấy không biết bao nhiêu cậu nhóc đứng mê mẩn trước giá bày hàng trong quầy tạp hóa của tôi. - Ông có thể sửa lại nó không? Tôi hồi hộp hỏi ông lão. - Cần sửa lại nó, ông nói với tôi, như thể chỉ nửa câu nói của tôi lọt được vào tâm trí ông. Trong tình trạng này, nó khó lòng bay lượn được. - Đó chính là điều chàng trai trẻ này muốn nhờ ông đấy, Léon, mà hãy cẩn thận đấy, trông nó ghê quá. - Bà Pouchard, nếu thay vì lên lớp tôi bà chạy đi mua cho tôi thứ gì đó để vá víu lại chiếc diều này, tôi sẽ có thể bắt tay vào việc ngay, vì đó là lí do khiến chàng trai trẻ này tới gặp tôi. Léon ghi lại trên một tờ giấy tất cả những thứ ông cần. Tôi cầm lấy bản danh sách và hối hả chạy tới hàng bán đồ ngũ kim. Bà Pouchard đi cùng tôi tới tận cửa và khẽ nói thầm vào tai tôi rằng nếu tình cờ tôi có đi ngang qua quầy bán thuốc lá, bà sẽ là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời. Tôi quay lại một giờ sau đó, cả hai nhiệm vụ được giao đều hoàn tất. Ông chủ cũ của quầy tạp hóa hẹn tôi ngày hôm sau quay lại, đúng giữa trưa trên bãi biển, ông không thể hứa gì, nhưng ông sẽ làm hết khả năng. Tôi mời bà Pouchard đi ăn tối. Chúng tôi cùng trò chuyện về Cléa, và tôi đã kể lại cho bà nghe tất cả. Khi tôi đưa bà quay lại nhà dưỡng lão, bà khẽ thì thầm một ý tưởng vào vai tôi. Tôi tìm được một phòng trong khách sạn nhỏ ở trung tâm thị trấn. Vừa ngả đầu xuống gối tôi đã ngủ thiếp đi ngay. * Đến trưa hôm sau, tôi đứng đợi sẵn sàng trên bãi biển. Ông chủ quầy tạp hóa tới cùng bà Pouchard, chính xác giờ đã hẹn. Đôi cánh đã được vá lại lành lặn, bộ khung được sửa chữa, và cho dù con đại bàng của tôi trông có vẻ hơi vá víu, ít nhất nó cũng đã tìm lại được bộ dạng khá tươm tất. - Cậu có thể cho nó bay thử một chút, nhưng cẩn thận đấy, đây không phải là một món đồ với mới ra lò đâu. Hai đường lượn chữ “S” nhỏ vào một vòng số “8” rộng. Ngay khi gặp cơn gió đầu tiên, chiếc diều lao vút lên. Tay quay của cuộn dây diều xoay tít hết tốc độ, còn Léon hào hứng vỗ tay hoan hô. Bà Pouchard kéo lấy tay ông lão và ngả đầu tựa vào vai ông. Ông lão đỏ mặt, bà lên tiếng xin lỗi nhưng vẫn giữ nguyên tư thế. - Không phải vì góa bụa mà người ta không còn muốn cảm nhận thêm một chút âu yếm nữa, bà nói. Tôi cảm ơn cả hai người và để họ lại trên bãi biển. Tôi còn một quãng đường dài phải đi, và tôi đang nóng lòng muốn quay lại thành phố. * * Tôi gọi điện cho ông trưởng khoa, lấy cớ rằng tang lễ của mẹ tôi buộc tôi phải lưu lại lâu hơn dự kiến, tôi sẽ quay lại bệnh viện chậm hơn hai ngày. Tôi biết, người ta bắt đầu với một lời nói dối rồi không biết phải dừng lại ra sao nữa, nhưng tôi mặc kệ, ai cũng có lí do của mình, và chí ít lần này tôi cũng có những lí do của riêng tôi. * Tôi tìm đến nhạc viên vào đầu giờ chiều. Ông gác cổng ngay lập tức nhận ra tôi. Cổ họng của ông đã bình phục, ông vừa cho tôi biết vừa dẫn tôi vào phòng ông. Tôi hỏi liệu ông có thể giúp tôi lần nữa không. Lần này, tôi muốn tìm xem ở đâu và khi nào Cléa Norman sẽ chơi buổi hòa nhạc tiếp theo. - Tôi không biết gì về chuyện đó cả, nhưng nếu cậu muốn gặp cô ấy, thì cô ấy đang ở trong phòng 105 ở tầng trệt cuối hành lang. Cần đợt một chút, vào giờ này cô ấy đang có giờ dạy, các tiết học sẽ kết thúc lúc 16 giờ. Lúc này tôi đang không ăn mặc đúng như cần thiết. Tóc tai bù xù, râu chưa cạo, tôi tự nghĩ ra cả nghìn lí do để không đi gặp cô. Tôi vẫn chưa sẵn sàng. Nhưng tôi không thể cưỡng lại được khao khát muốn nhìn thấy cô. Lớp học của cô có lắp cửa kính, tôi dừng lại một lát ngắm nhìn cô từ ngoài hành lang, cô đang dạy nhạc cho bọn trẻ. Tôi đặt một bàn tay lên khung cửa kính, một học sinh của cô quay đầu nhìn về phía tôi và không tiếp tục chơi đàn nữa. Tôi vội cúi đầu xuống và bò bốn chân tháo lui ra ngoài như một chàng ngốc. Tôi quay ra đợi cô ngoài đường. Khi ra khỏi nhạc viện, cô đưa tay lên buộc lại mái tóc rồi bước về phía bến xe buýt, cặp sách trong tay. Tôi đi theo sau cô, như thể đang lần theo bóng của cô, ánh sáng đang chiếu lại từ phía sau cô. Tuy nhiên, ngày hôm ấy Cléa là ánh sáng duy nhất của tôi, cô đi tới phía trước tôi vài bước. Cô lên xe buýt, tôi lên xe rồi ngồi xuống chiếc ghế đầu tiên gặp và quay đầu nhìn ra ngoài khung cửa kính. Cléa ngồi xuống băng ghế đằng cuối xe. Cứ mỗi lần tới điểm dừng, tôi lại có cảm tưởng tim tôi sắp ngừng đập. Qua sáu điểm dừng, Cléa xuống xe. Cô đi ngược lên đầu phố, không hề ngoái đầu nhìn lại phía sau. Tôi thấy cô đẩy cửa bước vào trong một tòa nhà nhỏ. Một lát sau, đèn bật sáng sau hai khung cửa sổ trên lầu ba, và cũng là tầng trên cùng của tòa nhà, bóng cô thấp thoáng đi lại giữa phòng bếp và phòng khách, chắc phòng ngủ của cô hướng vào phía sân trong. Tôi ngồi xuống một băng ghế chờ đợi, không rời mắt lấy một giây khỏi những khung cửa sổ đó. Đến 18 giờ, một đôi nam nữ đi vào trong tòa nhà, đèn lầu hai bật sáng, đến 19 giờ, tới lượt ông già sống ở lầu một. Đến 22 giờ, ánh đèn trong căn hộ của Cléa vụt tắt. Tôi nán lại thêm một lát trước khi ra về, tim như đang mở hội. Cléa sống một mình. Hôm sau, tôi quay lại từ lúc vừa sáng. Một cơn gió hây hẩy thổi trong buổi ban mai. Tôi mang theo cả chiếc diều. Vừa được mở ra, đôi cánh của con đại bàng đã căng đầy gió, đưa nó bay vút lên cao. Vài người qua đường tò mò dừng lại nhìn giây lát trước khi tiếp tục đi. Con đại bàng mới được vá víu lại lướt qua trướt mặt tiền tòa nhà và lượn vài vòng trước các khung cửa sổ lầu ba. Cléa đang pha trà trong bếp khi cô trông thấy chiếc diều. Cô không tin nổi vào mắt mình nữa, vậy là chiếc cốc đựng bữa ăn sáng của cô bị vạ lây, rơi xuống vỡ tan tành trên nền gạch men. Vài khoảnh khắc sau, cửa tòa nhà bật mở, Cléa bước tới gần tôi, nhìn đăm đăm. Cô mỉm cười rồi đặt bàn tay lên bàn tay tôi, không phải để nắm lấy nó mà để giành lấy tay cầm chiếc diều. Trên bầu trời của một thành phố lớn, cô điều khiển chiếc diều hình đại bàng vẽ thành từng đường chữ “S” và hình số “8” lớn hoàn hảo. Cléa vẫn giữ được năng khiếu của cô với những vần thơ trên không trung. Cuối cùng, khi tôi hiểu ra cô đang viết gì, tôi đọc theo: “Em nhớ anh”. Một cô gái có thể viết cho bạn “Em nhớ anh” với một chiếc diều, bạn sẽ không bao giờ quên được cô gái đó. Mặt trời lên. Trên vỉa hè bóng chúng tôi vươn dài ra sát bên nhau. Đột nhiên, tôi nhìn thấy bóng tôi cúi sang bên ôm hôn bóng Cléa. Vậy là, thách thức tính rụt rè của chính mình, tôi bỏ kính ra, và chỉ còn việc làm theo nó. Dường như cũng vào buổi sáng hôm đó, ở cuối một con đê chắn sóng, cây đèn của một ngọn hải đăng nhỏ bị bỏ rơi cũng bắt đầu quay trở lại, cái bóng của một kỉ niệm đã kể lại với tôi như thế. The end. Xin gửi lời cảm ơn tới: Pauline. Louis. Susanna Lea. Emmanuelle Hardouin. Raymond, Danièle và Lorraine Levy. Nicole Lattès, Leonello Brandolini, Atoine Caro, Élisabeth Villeneuve, Anne – Marie Lenfant, Arié Sberro, Sylvie Bardeau, Tine Gerber, Lydie Leroy, Joel Renaudat, và toàn bộ nhóm làm việc của Nhà xuất bản Bobert Laffont. Pauline Normand, Nathalie Lepage. Léonard Anthony, Romain Ruetsch, Danielle Melconian, Latrin Hodapp, Mark Kessler, Laura Mamelok, Lauren Wendelken, Kerry Glencorse, Moina Macé. Brigitte và Sarah Forissier. Thực hiện bởi nhóm Biên tập viên Gác Sách: Mai – Fuju – thao1011 (Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương