Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 24



Trong thư phòng có ba vị a ca đã dọn ra khỏi cung gồm Tam, Tứ, Ngũ; mỗi người lại có một, hai đứa em trai, luôn tỏ tình huynh đệ thuận hòa, tôn kính lẫn nhau. Chính vì đã dọn ra cung, nên cơ hội được thể hiện bản thân trước mặt hoàng a mã cũng giảm thiểu đáng kể, vì thế hằng ngày ba người này đều không màng cực nhọc dậy từ rất sớm, chịu khó ở lại đến tận giờ cửa cung đóng mới chịu đi.

Tứ a ca dẫn dắt Thập Tam a ca của Chương Giai thị và em ruột Thập Tứ a ca. Chàng không đặt ra quá nhiều yêu cầu với Thập Tam a ca, còn Thập Tứ a ca thì quả thật không khác gì sao Thiên Ma* giáng thế! Có lẽ vì biết đây là anh ruột mình, mới liên tục bày ra đủ các trò bịp bợm xảo trá, làm Tứ a ca chỉ muốn vung gậy đánh một trận nên thân!

*Sao Thiên Ma: một chòm hung tinh trong chiêm tinh học cổ đại.

Bất đắc dĩ, vì phải biểu hiện ra bản chất của bậc huynh hòa ái này, nên cần nhẫn nhịn ngay. Lại tự an ủi mình trong bụng: Không sao, đệ đệ càng vô lễ, càng cho thấy rõ chàng có thể trao đi nhiều tình yêu thương cỡ nào!

Bên kia, Ngũ a ca với Cửu a ca cũng y thế, khiến Tứ a ca nảy sinh cảm giác đồng bệnh tương liên. Nhưng khi chàng gửi gắm ánh nhìn cầu xin sự đồng cảm đến Ngũ a ca, người kia lại không nhận thấy.

Ngũ a ca đương vật vã đối phó với loạt câu hỏi oái oăm mà tiểu huynh đệ vẽ ra, hết cách thôi, tài Hán học của y thực sự không đỡ nổi...

Tam a ca đã để mắt tới, bên cạnh y là Thập Nhị a ca. Thập Nhị a ca được Tô Ma Lạt Cô* nuôi nấng từ bé, bình thường học hành không mắc vấn đề gì. Nhưng chung quy về tuổi tác vẫn thua Tam a ca nhiều, bộc lộ sự ưu việt ấy ra khiến Tam a ca thấy tương đối là sung sướng, khi hành Thập Nhị a ca cũng chẳng gặp bất kỳ trở ngại nào. Y phe phẩy phiến quạt, nhìn Tứ, Ngũ a ca cười đến là khoái chí.

*Thị nữ hầu cận của Hiếu Trang Văn hoàng hậu (Hiếu Trang Văn hoàng hậu là bà nội Khang Hi).

Thất, Bát, Thập a ca vừa không muốn dạy dỗ ai, vừa không muốn bị các anh bắt lại chỉ bảo, nên ba người trốn đi thật xa. Cửu a ca nhận ra chuyện hành xác Ngũ a ca không lấy gì làm hay ho như trong tưởng tượng, chơi một hồi xong bèn bỏ Ngũ a ca chạy đi chơi cùng ba người này. Ngũ a ca bó tay, nhưng nhìn bốn đứa em, thấy mình càng không sao giải quyết nổi, đành chuyển sang chỗ Tứ a ca.

Đương lúc Tứ a ca nói điều gì, Ngũ a ca lại ở ngay bên cạnh gật đầu ra chiều ngợi khen.

Vất vả lắm mới đến trưa, dùng bữa xong vẫn còn một canh giờ nữa để nghỉ trưa. Ngũ a ca tỏ ý muốn sang chỗ thái hậu hồi máu chút đỉnh. Bất cứ lúc nào cung Nghi phi cũng phải chuẩn bị sẵn sàng đón Khang Hi giá lâm, y không nên lại mà làm vướng bận thêm cho ngạch nương mình. Tam, Tứ a ca cũng ngỏ lời cùng đi.

Đến Từ Ninh cung, hương Phật ở hậu điện lượn lờ bay ra. Tứ a ca bất đồ nhớ tới trang truyện ngắn thiếu đứng đắn hết sức của Lý Vi.

Tứ a ca: "Phụt..."

Chàng vội vàng che miệng lại, ho khan hai cái, làm bộ không hề gì. Tam a ca vỗ lưng chàng: "Lão Tứ, sao thế? Đừng nói là cảm lạnh đấy? Lúc nữa uống thêm mấy bát canh. Đệ gầy quá."

Ngũ a ca khó hiểu nhìn hai người, nói: "Tháng sáu ai cảm lạnh?"

Tam a ca nói: "Thế thì đệ chưa biết rồi lão Ngũ ạ. Cảm lạnh vào mùa hè mới là nghiêm trọng nhất, khó hết lắm."

Tứ a ca vội nói: "Tam ca, lão Ngũ, ta không sao."

Nhưng chủ đề câu chuyện đã quay ngoắt sang hướng khác. Ngũ a ca đương xoắn xuýt tự hỏi rốt cuộc mùa hè có bị cảm lạnh được không, vì thuyết phục y, Tam a ca không ngại đem mình ra làm ví dụ: mùa hè năm ấy y nhai nhiều đá quá, lại đi bơi lội, thế là mắc cảm lạnh ngay, bệnh khoảng độ hơn hai chục ngày.

Tứ a ca cũng nhớ, nhưng chàng muốn nói: Tam ca, chẳng phải huynh bị tiêu chảy ư? Sau nghĩ thấy nhắc tiêu chảy thì thực là bất nhã, nên thôi không nói nữa.

Ngũ a ca lại tưởng thật.

Lúc ba người nghỉ trưa xong dắt díu nhau đi tìm bọn đệ đệ, Cửu a ca và Thập a ca đương lôi kéo Thập Tam, Thập Tứ định ra chỗ ao trong cung bơi lội. Ngũ a ca mau chóng ngăn cản, lần lượt hỏi từng đứa trưa nay đã ăn đá chưa?

Bốn tiểu a ca bày tỏ: Trời nực nội, dùng xong bữa trưa đã nhai một bát đá lạnh.

Ngũ a ca bèn nói không được đi bơi.

Đến đây thì chọc phải tổ ong vò vẽ rồi.

Tam a ca che mặt, Tứ a ca bước tới khiển trách, song chỉ bảo được mỗi Thập Tam a ca, ba đứa còn lại gào giọng kêu la oai oái. Ngũ a ca nóng lên là nói tiếng Mông, xổ một tràng xì xà xì xồ cho ba tiểu a ca nghe mặt mày xây xẩm.

Ngũ a ca sực tỉnh lại, phát hiện ba tiểu đệ đệ đều đang ngửa mặt nhìn mình, lão Cửu vẫn ra vẻ không phục, mặt hầm hầm hừ hừ. Dù sao cũng là đệ đệ ruột thịt, y cũng thấy xót lòng, bèn lôi Tam a ca ra làm minh chứng sống.

Tam a ca thấy cuối cùng lửa đã lan đến chỗ mình, giờ đâu thể nói rằng: Ngũ đệ này, thực ra chuyện ban nãy huynh nói không nghiêm trọng thế đâu, huynh bị tiêu chảy kéo theo sốt, sốt xong tiêu chảy tiếp, hết tiêu chảy lại lên cơn sốt, lặp đi lặp lại như thế, bệnh mới kéo dài ra hơn hai mươi hôm; hơn nữa huynh không chỉ ăn mỗi một bát đá, vừa nãy lúc về cung ngạch nương thương huynh quá, cho huynh ăn luôn bảy, tám bát liền.

Thế nên cùng với vẻ "ta là người hiền lành tốt bụng", Tam a ca gật đầu với ba tiểu a ca hãy đang rưng rưng nước mắt, nói: Đúng, Ngũ ca của các đệ nói đúng cả đấy.

Vậy là Ngũ a ca thành công bị lừa đội cái nồi này, nghiêm túc kéo bốn đứa trẻ ra bãi thả ngựa, nói: Nếu các đệ muốn vận động, chẳng bằng chúng ta chơi phóng phi tiêu đi?

Bốn tiểu a ca đen mặt, ai thèm phóng phi tiêu chứ? Không thấy mặt trời như đổ lửa đấy à? Chỗ này còn không có lấy một cái cây nào, định phơi thây cho chết nóng hay sao!

Nhưng Ngũ a ca đã rất nhiệt tình sai người đem phi tiêu đến. Cửu a ca thấy đây dẫu sao cũng là anh ruột mình, ba tên huynh đệ kia không đứa nào chịu xung phong chơi trước, cậu chỉ đành bước ra cổ vũ, coi như chữa cháy cho Ngũ a ca. Lúc đón lấy chiếc phi tiêu Ngũ a ca thân thiết đưa sang, nhìn khuôn mặt cười tươi roi rói không nào sánh bằng của y, nghĩ bụng: Để về rồi xem đệ có mách tội huynh với ngạch nương không!

Nhập cuộc chơi rồi lại thấy vui. Huống chi phi tiêu còn là một món vũ khí mang lực sát thương nhất định, ba chàng a ca lớn cũng xúm vào cùng chơi, còn gọi cả Thất, Bát và Thập Nhị lại chung vui. Tam a ca thấy ba đứa trẻ không còn cự nự nữa, vì khiến chúng quên mất chuyện bơi lội đi, còn cố ý sai người tới Khánh Phong ti xin mấy lồng gia cầm; sau khi thả lồng, hô hào cả lũ cầm phi tiêu phóng vào đám vịt gà tháo chạy tán loạn.

Chẳng mấy chốc, sức chiến đấu hung hãn của quân đội gia cầm đã bộc phát rõ ràng. Gà vịt bay tứ lung tung làm bụi đất xộc vào mắt Cửu a ca, còn bị một con gà nhảy bổ lên người. Thập a ca và Thập Tứ a ca khóc kêu trời réo đất vì bị mấy con gà đuổi theo mổ. Thập Tam bị cả đàn gà bắt nạt ngã lăn quay ra đất; Thập Nhị cởi cái áo choàng ngắn, miệng ố á xua đuổi lũ gà, trên mặt còn in hằn vài đường xước đỏ do móng gà cào trúng.

Bát a ca nhảy ra, cũng cởi áo choàng, trùm lên đầu Cửu a ca; Thất a ca lùng sục khắp nơi tìm cây chổi định đi dọa gà.

Hiện trường biến thành một mớ hỗn độn.

Cuối cùng đến cả bộ ba Tam, Tứ, Ngũ cũng bị kéo luôn vào trận. Lão Tam gọi tiểu thái giám đi bắt gà, lão Tứ xông lên cứu thằng em cũng đang bị đàn gia cầm hiếp đáp, lão Ngũ sai người lấy cung tên để y bắn bỏ cha cái giống súc sinh lông dẹt này! Lại bị bọn tiểu thám giám ôm rịt, can lại.

Sau đó nữa, một đám cả lớn lẫn bé bị dẫn đến trước mặt Khang Hi. Khang Hi sa sầm mặt dỗ lũ bé trước; về phần ba đứa lớn, không tha cho đứa nào, tất cả bị phạt quay về kéo cung năm chục lần!

Hai vị Thất, Bát a ca buộc phải đi theo hộ tống.

"Bị một lũ gia cầm ăn hiếp! Đến nhục mặt!"

Thái tử và Đại a ca đều chạy tới khuyên lơn, thái tử nói: "Xin hoàng a mã bớt nóng, giao ba kẻ kém cỏi này lại cho con và Đại ca, người hãy nguôi giận."

Đại a ca khinh thường liếc sang đám em trông sao mà thảm hại quá thể, mũi hừ mạnh một cái: "Có mỗi lũ gà mà các đệ đã thành ra nông nỗi này, thế nếu là hổ hay sư tử, các đệ lại chẳng quỳ bò ra mà hô Hổ đại vương tha mạng luôn?"

Ba người không dám thẳng thừng vặc lại y, ứ đầy bụng bất bình.

Tam a ca nghĩ thầm: Nhà huynh thì nhất rồi! Quẳng huynh vào lũ gà ấy, huynh nhắm huynh chọi được bao lâu?

Tứ a ca: Gà vừa bé vừa nhảy tưng tưng, vỗ cánh một phát là người quay cuồng giữa bụi mù. Vả lại lúc ấy còn có đám trẻ kia, không được dùng cung cũng chẳng được dùng dao. Năm chục con kê chung một chỗ, khéo là khó bắt hơn cả hổ!

Ngũ a ca: Hình như Tiểu Cửu bị gà mổ khá nặng, trước khi về phải đi thăm nó mới được.

Thất a ca: Thực là đen đủi!

Bát a ca: "... Ha ha, Đại ca dạy phải."

Đại a ca nhìn sang Tiểu Bát, nói cho cùng vì được nuôi chung một cung, nên cũng gần gũi hơn, bèn bước qua kéo lại gần xoa đầu y bảo: "Không như đệ, cả một đám lớn đầu ở đấy, chẳng qua đệ chỉ tình cờ dịp ấy mà vương phải điều xúi quẩy. Lần tới có đụng lại những chuyện này, hãy nhớ chạy đi tìm Đại ca ngay."

Khang Hi đuổi đám huynh đệ không khiến người ta bớt lo ra ngoài hết, ba vị a ca đã ra cung đều bị phát về nhà đóng cửa học bài.

"Đừng tưởng ra ngoài rồi là khỏi cần học nữa! Lần sau trẫm sẽ khảo bài các anh! Không trả bài được thì các anh cứ chuẩn bị tinh thần chịu phạt! Gộp cả lần này vào phạt luôn một thể!" Khang Hi cả giận nói.

Nhưng khi đến lượt Thất a ca, Khang Hi chỉ bảo một câu "Chịu khó mà học" là thôi, đến Bát a ca lại là "Chịu khó mà luyện thêm chữ! Mỗi ngày viết năm mươi trang chữ!".

Trước khi ra cung, Tứ a ca và Ngũ a ca chia tay nhau đi thăm Tiểu Cửu và Tiểu Thập Tứ, sau đó cả hai đều bị mẫu phi mắng một chập. Nghi phỉ vừa thở than vừa mắng: "Con không biết ẵm nó nâng nó lên à? Thế thì lũ gà ấy sao mà mổ được nữa? Con nhìn mặt Tiểu Cửu kìa, bị mổ cho hẳn bảy, tám cái lỗ!"

Ngũ a ca nhìn Cửu a ca ngồi bên cạnh, đau lòng sáp lại xoa đầu, bị Tiểu Cửu bực mình gạt ra.

Cửu a ca nói: "Ngạch nương đừng mắng Ngũ ca nữa, càng mắng huynh ấy càng ngố thêm thôi. Shhh... tối nay tiểu gia muốn ăn gà!" Ngũ a ca ở cạnh luôn miệng đỡ lời, "Ăn, chúng ta ăn gà, tối nay ca ca cũng ăn gà."

Nghi phi cười lạnh, nói với hai đứa con: "Tiểu Cửu không được ăn, mặt mũi con bị thương, tạm thời ăn chay mấy ngày. Cứ rau xanh, đậu hũ là được. Lão Ngũ, con không được nuông nó hoài như thế! Con là ca ca, phải ra dáng ca ca!"

Ngũ a ca gật đầu cười khổ, có thằng em tinh ranh ma mãnh thế này, y cũng phải làm cho ra dáng ra hình bậc anh. Bên kia, Cửu a ca lén làm mặt hề với Ngũ a ca sau lưng Nghi phi.

Trong Vĩnh Hòa cung, Đức phi đã phạt Thập Tứ a ca một trận, lúc Tứ a ca đến, nó đương đứng úp mặt vào tường. Đây là cách phạt từ thời Đức phi còn là cung nữ, được các ma ma chỉ dạy. Tiểu Thập Tứ bị Khang Hi nuông quá đâm hư, Đức phi lại không tiện đánh nó, vì uốn nắn lại tính nết này nên mới phạt đứng luôn.

Nhìn thấy Tứ a ca, Đức phi không nhắc một câu nào về chuyện của Tiểu Thập Tứ, nào ban trà nào cho ngồi, còn sai ma ma cầm vài món đồ ra cho chàng, nói: "Đây là những món gần đây thái hậu và hoàng thượng ban thưởng, chỗ ta không dùng đến được. Con vừa mới dựng phủ, ắt vẫn còn hạn chế. Con cầm lấy mà dùng."

Tứ a ca nói: "Ngạch nương ở đây cũng đâu thoáng hơn, nhi tử ở ngoài, các thứ đồ rẻ hơn nhiều, khoản phí tổn cũng thực ít hơn trong cung."

Đức phi nói: "Được rồi, với ngạch nương còn khách sáo gì nữa? Hiện giờ hoàng thượng đối đãi với bọn bà già chúng ta rất tốt, vả chăng ta ở đây đương còn nuôi dưỡng Tiểu Thập Tứ, đồ là không thiếu rồi."

Hai mẹ con đẩy đưa một hồi, Tứ a ca mới chịu nhận đồ. Sau đó nhắc tới chuyện Tiểu Thập Tứ lần này, chàng đứng dậy nói: "Chuyện lần này do nhi tử không suy xét vẹn toàn, mới để Tiểu Thập Tứ bị thương."

Đức phi phất tay, nói: "Con không phải một mình chịu trách nhiệm chuyện gì cả, dù bây giờ con gánh thay nó, nhưng ngày sau đâu thể để con gánh cho nó suốt đời. Có câu này ta bảo với cả hai con: có một số chuyện, người khác làm được, nhưng các con thì không thể. Ngạch nương của các con xuất thân từ phận cung nữ, so từ gốc rễ đã kém cỏi hơn người một bậc. Vậy nên, các con càng phải tỉnh táo."

Tứ a ca đành đứng nghe lời răn.

Đức phi nói qua qua đôi ba câu mới dặn: "Nếu hoàng thượng bảo con về phủ học, thì đừng nán lâu trong cung. Về mau đi."

Sau khi Tứ a ca cáo lui, Đức phi gọi Tiểu Thập Tứ lại bên mình, nhìn gương mặt bé nhỏ đầy vẻ bướng bỉnh của nó, thở dài: "Con đã hiểu chưa?"

Thập Tứ a ca gật đầu, lệ đong ầng ậng trong đôi con mắt.

Đức phi nói: "Ngạch nương phạt con không phải vì con làm sai. Mà vì chuyện này sai. Nên ngạch nương mới phạt con, hoàng a mã mới phạt ba ca ca của con."

Thập Tứ a ca tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cũng biết đường suy một ra ba, nói: "Vậy nếu chuyện này là đúng, thì con có làm sai cũng không sao ư?"

Đức phi cười hài lòng, không trả lời, bảo Tiểu Thập Tứ tự trở về suy ngẫm. Sau đấy bảo nó rằng vì hoàng thượng phạt ba ca ca, nên trước lúc Tứ a ca được vào cung lần nữa, nó sẽ không được bước chân ra khỏi cửa, hằng ngày chỉ được thẳng tiến qua ba điểm: Thượng thư phòng - A Ca Sở - Vĩnh Hòa cung.

Báo tin xấu này xong, Đức phi lại an ủi: "Chẳng phải con bảo muốn ăn gà ư? Để ta dặn với thiện phòng, tối này làm cho con ăn nhé?"

Thập Tứ a ca cất giọng dặt dè: "Con không ăn gà đâu... cho con ra ngoài chơi được không ạ..."

Đức phi tủm tỉm cười: "Không được."

Thập Tứ a ca cay đắng chén hết bữa cỗ toàn gà là gà ở chỗ Đức phi xong mới về A Ca Sở. Bên kia, Tứ a ca về phủ, sầm mặt vào thư phòng.

Tô Bồi Thịnh chứng kiến từ đầu đến đuôi, bấy giờ đoán Tứ a ca lại tức bụng, bèn quay đi dặn mọi người ở tiền viện phải hết mực cẩn thận, không có chuyện gì thì đừng ra ngoài la cà; lỡ đụng phải Tứ a ca, bị đem ra làm thớt, cũng chẳng ai cứu nổi nhà ngươi đâu.

Trong hậu viện, mấy hôm trước phúc tấn đương nghĩ phải để ý Tứ a ca kỹ hơn, nên lần này Tứ a ca vừa về đã vào thư phòng ngay, không đi thăm Lý cách cách, là nàng đã nhận thấy sự việc có điều bất thường.

Lẽ nào trong cung xảy ra chuyện rồi?

Nhưng phía tiền viện toàn những người được Tứ a ca dẫn theo từ trong cung ra đây, không kẻ nào đến sau, thực sự không cách nào chen vào nghe ngóng. Tô Bồi Thịnh và người dưới trướng hắn nhất quán như nhau, hỏi tới chuyện gì, chỉ cần là chuyện không thể nói, lại quỳ xuống dập đầu chết không hé răng.

Bình thường không cảm thấy gì, song khi nàng muốn hỏi thăm ít chuyện của Tứ a ca từ tiền viện, mới nhận ra đây chẳng khác nào chó ngoạm đầu rùa, không biết đường nào mà lần.

Mãi sang ngày hôm sau, nàng phát hiện Tứ a ca không vào cung, mà hai học sĩ ban đầu hầu Tứ a ca học tại thư phòng lại chuyển lên tiền viện, đang dùi mài cày cuốc cùng Tứ a ca. Đến đây nàng mới thấy việc này có lẽ là ý của hoàng thượng.

Hoàng thượng giận Tứ a ca ư?

Phúc tấn ngồi bần thần cả buổi, mới đưa thẻ bài vào cung. Nhoáng cái đã có cỗ kiệu của Vĩnh Hòa cung tới đón. Chỉ là lúc gặp Đức phi, Đức phi chỉ hàn huyên dăm câu về chuyện trong phủ với nàng, hỏi đến tiểu cách cách, lại nghe nói Lý cách cách có thai, dặn nàng hãy chăm nom chu toàn.

Nàng nhắc Tứ a ca, lo lắng nói: "Ngạch nương, Tứ gia nhà chúng con..."

Đức phi ngắt lời nàng, nói: "Hoàng thượng quan tâm lão Tứ thôi, sợ nó vừa ra ngoài được đà làm biếng. Con đừng lo nhiều, lão Tứ học của nó, con cứ chuẩn bị thức ăn, đồ dùng nhiều cho nó là được."

Ngồi chưa đầy hai khắc, Đức phi đã sai người tiễn nàng ra ngoài.

Trở về phủ, phúc tấn ngồi xuống ngẫm kỹ lại. Theo thái độ của Đức phi, đây không như là chuyện lớn. Có điều Đức phi kín miệng quá, không chịu tiết lộ thông tin gì cho nàng.

Tuy nàng sống trong cung hai năm, nhưng cũng chỉ thân thuộc với A Ca Sở và Vĩnh Hòa cung. Giờ đây rời khỏi A Ca Sở, Vĩnh Hòa cung lại giữ kín chuyện như bưng, nàng coi như trở thành kẻ điếc người mù.

Nàng muốn lo toan việc ăn uống, sinh hoạt thường ngày của Tứ a ca như Đức phi dạy, nhưng phía thư phòng ngoài thiện phòng và nhà kho ra thì mọi nơi khác đều nằm ngoài tầm tay nàng. Ngay cả chuyện hôm nay Tứ a ca ăn gì cũng không dò la được, bảo nàng quan tâm bằng đường nào? Đành chuyển sang biếu chút cơm áo cho hai vị học sĩ hầu học, biếu ít cái ăn cái dùng cho người nhà của họ thôi.

Tứ a ca biết chuyện phúc tấn mãi chạy vạy khắp nơi. Thấy nàng lại chạy một chuyến vào Vĩnh Hòa cung, trong bụng ít nhiều cho rằng nàng thừa hơi quá, định bảo đại ma ma đi răn nàng một trận, dạy cho nàng biết đàn bà con gái nên đoan trang, trầm tĩnh mới phải đạo. Nhưng thấy việc này có vẻ như vả mặt phúc tấn quá, đành thôi bỏ qua. Nghĩ bụng: hãy trẻ dại lắm, sức chịu đựng còn non kém.

Sau lại biết nàng biếu đồ cho nhà cả hai vị học sĩ hầu học, vừa kín đáo mà cũng vừa cho thấy lòng mến yêu, mới vừa lòng gật đầu. Có thể thấy phúc tấn vẫn vô cùng chu đáo.
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...