Nhu Phúc Đế Cơ

Chương 1-3: Giáng Ngạc



Phát hiện này khiến y nhớ tới một sự thật mà trước đây mình chưa từng để tâm: trong cung, phàm là nữ tử mang thân phận cao quý phần lớn đều có một đôi chân bé nhỏ, thậm chí ngay đến cung nữ có chút địa vị cũng bó chân. Phụ hoàng có vài phi tử xuất thân hàn vi, trước khi vào cung là chân tự nhiên nên đã trở thành trò cười cho các phi tần chân nhỏ. Bởi thế, những phi tử này bất chấp việc tuổi tác đã lớn, xương cốt đã định hình mà vẫn cố chấp bó chân, vắt óc tìm cách khiến cho đôi chân nhỏ lại. Mà những người thật sự chưa từng bó chân, hơn nữa còn hồn nhiên không coi đó là điều gì đáng xấu hổ, chỉ có những hạ nhân thô kệch như vị trù nương trước mắt.

Hóa ra đối với nữ tử mà nói, kích thước của đôi chân còn đại diện cho thân phận cao quý hay thấp hèn.

Bởi thế, một đế cơ tôn quý như Nhu Phúc, muội muội của y, làm sao có thể không bó chân được chứ. Lẽ nào để mặc cho đôi chân trở nên thô to giống như vị trù nương đó?

Y vừa nghĩ vừa quay về Giáng Ngạc, còn chưa bước vào phòng đã nghe thấy tiếng khóc sợ hãi của Nhu Phúc vọng ra từ bên trong. Y vội vã đi vào, chẳng ngờ trông thấy trong phòng đã có thêm rất nhiều người khác: Trịnh Hoàng hậu và lố nhố các cung nữ.

Hai tỳ nữ đang đứng trước giường của Nhu Phúc, vươn tay tóm lấy Nhu Phúc đang rúc vào góc giường. Mà Nhu Phúc vừa khiếp sợ níu lấy chăn màn vừa khóc lóc, liều mạng lắc đầu: "Ta không bó, ta không bó..."

Triệu Cấu quỳ xuống thỉnh an Hoàng hậu. Trịnh Hoàng hậu thấy y đột nhiên xuất hiện thì có chút kinh ngạc, song cũng không hỏi nhiều, chỉ gật gật đầu bảo y đứng lên, sau đó lại quay sang nói với Nhu Phúc: "Làm gì có vị đế cơ nào không bó chân cơ chứ? Nhân lúc không có ai bèn tháo vải trắng ra, con đúng thật là không hiểu chuyện." Đoạn lại ra lệnh cho tỳ nữ: "Còn không mau mời đế cơ đưa chân ra!"

Hai tỳ nữ vâng dạ rồi cưỡng ép bế Nhu Phúc ra ngoài. Nhu Phúc hét lên một tiếng, vùng vẫy nhìn về phía Triệu Cấu bằng ánh mắt cầu cứu.

Triệu Cấu thấy vậy liền lần nữa quỳ xuống nói với Trịnh Hoàng hậu: "Xin Hoàng hậu nương nương đừng trách Nhu Phúc muội muội, ban nãy là nhi thần giúp muội ấy tháo vải trắng ra. Nhi thần biết lỗi rồi, sẽ khuyên muội muội chịu bó chân."

Trịnh Hoàng hậu hơi bất ngờ, chăm chú nhìn y hồi lâu, cuối cùng hạ lệnh: "Được, con tới khuyên nó đi."

Triệu Cấu đi tới trước mặt Nhu Phúc. Nàng cơ hồ vẫn chưa kịp hiểu ý mà y vừa nói, nước mắt lưng tròng nhìn y: "Cửu ca..."

Triệu Cấu nhất thời cũng không biết phải khuyên nàng thế nào, trầm mặc hồi lâu mới lên tiếng: "Muội muội, con gái của Phụ hoàng đều phải có một đôi chân nhỏ, đây là chuyện không thể thay đổi được, sau này lớn lên muội sẽ hiểu. Mặc dù bây giờ sẽ đau, thế nhưng cố nhịn là được. Nếu như đau quá không ngủ được thì muội hãy nghe tiếng con dế này kêu, nghe mãi nghe mãi rồi sẽ ngủ thiếp đi."

Y đưa điểm tâm cho tỳ nữ đứng một bên, sau đó nhặt chiếc lồng lăn lóc trên giường do ban nãy Nhu Phúc giãy giụa lên, lặng lẽ nhét vào tay nàng.

Nhu Phúc cúi đầu nhìn con dế trong lồng, hai giọt nước mắt tủi thân chảy xuống, khiến chú dế sợ hãi kêu lên vài tiếng giữa căn phòng nhất thời tĩnh lặng.

Tỳ nữ thấy nàng không còn phản kháng nữa bèn bảo một cung nữ bế nàng lại gần, sau đó mỗi người nắm lấy một bàn chân, sau khi lau sạch liền rắc một lớp bột phèn chua lên rồi lần nữa dùng vải trắng quấn chặt lại.

Trịnh Hoàng hậu nở nụ cười, nói với Triệu Cấu: "Cửu quan nhân tuy tuổi còn nhỏ mà đã hiểu biết, thật là hiếm có. Giờ cũng muội rồi, con cũng mau quay về đi, mẫu thân chắc chắn đang sốt ruột đi tìm đấy."

Triệu Cấu chỉ đành cáo từ, trước lúc bước qua cánh cửa ngoảnh đầu lại nhìn Nhu Phúc. Chỉ thấy nàng đau tới mức không ngừng cau mày kêu la, gương mặt nhòe nhoẹt nước mắt, đôi tay nắm chặt chiếc lồng nhỏ mà y đưa cho, xem chừng đau tới mức bàn tay siết chặt, chỉ sợ chiếc lồng sẽ bị nàng bóp tới mức biến dạng.

Y không dám nhìn tiếp, cúi đầu rời đi.

Cung thất mà y chuẩn bị cho Nhu Phúc trong hoàng cung Lâm An cũng đặt tên là "Giáng Ngạc". Khi y dẫn nàng vào Giáng Ngạc cung, nàng đứng lại nhìn tấm biển treo trước cửa rất lâu, tựa hồ chìm vào suy nghĩ.

Trong vườn, hoa quế đang nở rộ, mùi hương theo từng cơn gió nhẹ ngào ngạt ùa tới. Nàng cảm nhận được, khẽ ngoái đầu lại mỉm cười: "Hoa quế thơm quá."

Triệu Cấu cũng nhìn nàng cười: "Không chỉ có hoa quế, bên trong sân vườn còn trồng đầy hoa cỏ bốn mùa, có nghênh xuân, hoa đào, hoa hạnh, hoa sầu riêng, tường vi, mẫu đơn, bách hợp, huyên thảo, dành dành, hoa cúc, mộc phù dung và hoa mai. Quanh năm đều có hoa để thưởng thức."

Y thoáng ngừng lại, "Trẫm còn nhớ muội muội rất thích hoa anh đào, đã lệnh cho người đi tìm giống tốt nhất đem về trồng rồi. Xuân tới, hoa anh đào ở đây nhất định sẽ nở đẹp như hồi ở cung Hoa Dương năm ấy."

"Hả? Muội từng nói với cửu ca là muội thích hoa anh đào à?" Nhu Phúc hỏi, thế nhưng không hề nhìn y, ánh mắt nổi trôi giữa muôn màu hoa cỏ trong vườn, ngữ khí bình thản.

"Muội quên rồi sao?" Triệu Cấu buồn bã nói: "Trước đây muội hay chơi đùa bên dưới gốc cây anh đào trong cung Hoa Dương. Có một hôm, muội chơi đánh đu giữa mưa hoa..."

Nàng mặc y phục mùa Xuân mỏng nhẹ ngồi trên chiếc xích đu bên dưới gốc cây, những cánh anh đào bay rợp trời, nhẹ nhàng đậu trên mái tóc, trên khuôn mặt, trên váy áo. Những sắc màu ấy lung linh dịu dàng, hệt như màu sắc xiêm y của nàng.

Nhu Phúc lặng lẽ lắng nghe, có vẻ rất đỗi nhập tâm, thế nhưng thấy y không nói nữa bèn truy hỏi: "Sau đó thì sao?"

"Sau đó?" Triệu Cấu vô cùng kinh ngạc, nhíu mày nhìn nàng: "Muội... thật sự quên mất rồi à?"

Nhu Phúc hé môi cười: "Mấy chuyện này đã trôi qua lâu lắm rồi, không phải chuyện nào muội cũng còn nhớ."

Sao nàng có thể trở nên xa lạ đến vậy? Ngay tới đoạn kí ức này cũng có thể lãng quên? Dường như chỉ còn sót lại lớp vỏ xinh đẹp ấy. Linh hồn bên trong sớm đã đổi thay.

Triệu Cấu và Nhu Phúc sóng vai lặng yên đứng dưới gốc cây hoa quế trước cung Giáng Ngạc, cách nhau chỉ vỏn vẹn vài tấc, mà khiến y cảm thấy bất lực vô cùng, tựa như khoảng thời gian ba năm kia đã khiến họ xa cách tận chân trời.

Từ mùa Thu năm ấy, mấy năm liền Triệu Cấu không còn gặp lại Nhu Phúc. Nhu Phúc được Trịnh Hoàng hậu nuôi dưỡng, quản giáo nghiêm ngặt, không cho phép nàng dễ dàng tiếp xúc với các huynh đệ. Năm Tuyên Hòa thứ ba, tháng Mười hai, Triệu Cấu 14 tuổi, được tấn phong Khang vương. Qua năm sau, y hành quan lễ, Triệu Cát ban cho phủ đệ, lệnh chuyển khỏi hoàng cung. Từ đó, y và Nhu Phúc càng chẳng có cơ hội gặp mặt nữa.

Năm Tuyên Hòa thứ bảy, quân Kim xâm lược phía Nam, mục tiêu nhắm thẳng vào Biện Kinh, tình thế vô cùng nguy ngập. Triệu Cát hoảng tới mức hoàn toàn rối loạn, bế tắc chủ ý. Quần thần bèn kiến nghị ông lệnh cho Thái tử giám quốc, còn Hoàng thượng lánh về phương Nam tránh nạn, đợi hung hiểm trôi qua rồi hẵng trở về kinh thành. Lý Cương dâng huyết thư can gián: "Danh không chính, ngôn không thuận. Giám quốc há có thể dẹp loạn trong giặc ngoài? Chẳng thà Bệ hạ hãy thiện nhượng. Thái tử anh minh, chắc chắn có thể vãn hồi thiên ý, thu phục lòng người."

Triệu Cát cũng sớm đã chẳng còn tâm trí trị quốc, bèn đồng ý nhường ngôi, tháng Mười hai năm Tuyên Hòa thứ bảy xuống chiếu triệu Thái tử Triệu Hoàn vào cung kế vị. Triệu Hoàn chật vật thoái thác, Triệu Cát kiên quyết không lui, bởi thế Triệu Hoàn chỉ đành chấp nhận số phận, tiếp nhận một triều đình mục nát mà Phụ hoàng giao lại, tôn Triệu Cát làm Giáo chủ Đạo quân Thái thượng hoàng đế, Trịnh Hoàng hậu làm Đạo quân Thái thượng hoàng hậu. Triệu Cát và Trịnh Hoàng hậu chuyển vào cung Long Đức, không còn hỏi tới chính sự nữa.

Năm tiếp theo, Triệu Hoàn đổi niên hiệu thành Tĩnh Khang năm đầu tiên. Mùa xuân năm ấy, người Kim lần nữa đổ bộ về kinh sư, đóng quân tại phía Tây Bắc kinh thành. Tướng Kim là Oát Ly Bất phái sứ giả vào thành, đòi thân vương Đại Tống và tể tướng tới trại Kim đàm phán. Ban đầu Triệu Hoàn cử đám người Đồng tri Xu mật viện sự Lý Chuyết đi sứ Kim, song Lý Chuyết kia nhát gan như cầy sấy, vừa bước vào trại trông thấy tướng sĩ Kim đã sợ tới mức hồn phi phác lạc, không ngừng run rẩy, còn nói chi tới "đàm phán" nữa. Người Kim nói gì bèn nghe nấy, chỉ biết gật đầu xin vâng. Với tình hình như vậy, ông ta quay về truyền đạt lại ba điều kiện hòa ước vô cùng nhục nhã mà người Kim đề ra.

Một, cống nạp cho Kim 500 vạn lượng vàng, 5000 vạn lượng bạc, một trăm vạn thước lụa, một vạn thớt ngựa.

Hai, cắt cho Kim ba trấn Trung Sơn, Thái Nguyên, Hà Gian.

Ba, hoàng đế Tống phải gọi hoàng đế Kim là bác.

Bốn, thân vương triều Tống và tể tướng phải sang trại Kim làm con tin, đưa quân Kim qua sông.

Triệu Hoàn đành bất lực chấp nhận, thế nhưng khi phải chọn ra vị thân vương đưa tới trại Kim vẫn không tránh khỏi do dự. Tuyên mấy vị đệ đệ ngày thường vẫn tự xưng là gan dạ vào cung thương nghị, Triệu Hoàn nhìn họ bằng ánh mắt dò xét, thế nhưng không một ai dám đứng ra nhận trách nhiệm, tất cả đều yên lặng cúi đầu không lên tiếng.

Triệu Hoàn lắc đầu thở dài: "Nay quốc gia lâm nạn, các hiền đệ lại không ai muốn phân ưu cùng trẫm ư?"

Lần này khi dứt lời, bèn nghe thấy có người lên tiếng: "Xin bệ hạ cho phép thần được đi sứ sang trại Kim, vì bệ hạ phân ưu."

Triệu Hoàn mừng rỡ, phóng tầm mắt xuống nhìn, trông thấy một thiếu niên hiên ngang cất bước vào điện, thần sắc kiên định, nghiêm trang điềm tĩnh.

Đó là cửu đệ của ngài, Khang vương Triệu Cấu, người mà khi ấy chưa tròn 19 tuổi.
Chương trước Chương tiếp
Vietwriter; Bongdaso; Bongdapro; Keonhacaivip; W88; NEW88; NEW88;
Tele: @erictran21
Loading...