Phiêu Miểu 7 - Quyển Thần Đô

Chương 12



Bạch Cơ đi xuống khu vực ngầm của chợ Quỷ, Ly Nô vào bếp nấu ăn, Nguyên Diệu một mình ngồi trong hoa sảnh, ngồi một lúc cảm thấy mình nên đi thăm phu nhân Tâm Nguyệt Hồ mới phải phép.

Nguyên Diệu bước ra khỏi hoa sảnh, chặn lại một nữ hầu hồ ly ở hậu hoa viên để hỏi về phòng của phu nhân Tâm Nguyệt Hồ rồi đi thăm bà.

Phu nhân Tâm Nguyệt Hồ đang nằm trên giường La Hán, hôn mê không tỉnh, hơi thở yếu ớt.

Từ khi trở về Lầu Tâm Nguyệt vào buổi sáng, Hồ Thập Tam Lang vẫn luôn chăm sóc phu nhân Tâm Nguyệt Hồ, nó lo lắng, uể oải, sợ rằng phu nhân Tâm Nguyệt Hồ sẽ không thể tỉnh lại.

Con hồ ly nhỏ xoa mặt, buồn bã nói: "Quỷ y nói rằng, dù đã giảm bớt độc của chim trĩ nhưng cô cô đã rơi vào tâm ma, có lẽ sẽ không bao giờ tỉnh lại."

Nguyên Diệu an ủi con hồ ly nhỏ, nói: "Thập Tam Lang đừng lo lắng quá, phu nhân Tâm Nguyệt Hồ ở hiền gặp lành, bà ấy sẽ không sao đâu. Từ lúc trở về đến giờ ngươ không hề nghỉ ngơi, hãy đi nghỉ ngơi một chút, đừng để bản thân mệt mỏi đến phát bệnh."

Con hồ ly nhỏ ngáp một cái, nói: "Mỗ sẽ canh cô cô thêm một lát nữa rồi đi nghỉ."

Nguyên Diệu hỏi: "Thập Tam Lang, Bạch Cơ đã đi xuống khu vực ngầm của chợ Quỷ, dưới đó có gì vậy?"

Con hồ ly nhỏ xoa mặt, nói: "Dưới khu vực ngầm của chợ Quỷ có một con sông ngầm, là một nhánh của sông Tam Đồ, bên bờ sông ngầm có một tòa thành, gọi là U Đô chợ Quỷ. Trong U Đô tập trung những yêu quái không thể lên mặt đất, giờ đây còn có một số vu sư ngoại quốc chạy trốn vào Đại Đường sống ở đó... U Đô chợ Quỷ là một vương quốc ngầm tách biệt với thế giới, yêu quái trong U Đô rất tàn nhẫn, khát máu, giết người không gớm tay, những người phi nhân bình thường chúng ta nếu không có chuyện gì thì không nên xuống dưới. U Đô chợ Quỷ, càng đi sâu càng nguy hiểm."

Nguyên Diệu có hơi lo lắng, nói: "Không biết Bạch Cơ có gặp nguy hiểm không…"

Con hồ ly nhỏ nói: "Nguyên công tử không cần lo lắng. Chợ Quỷ U Đô chẳng khác nào là sân sau của Phiêu Miểu các với Bạch Cơ cả. Dù ở Đông Đô hay Tây Kinh, trên mặt đất hay dưới lòng đất, Bạch Cơ vẫn là sự tồn tại khiến mọi người phải kính sợ và khiếp đảm nhất, nàng ấy rất an toàn."

Nguyên Diệu vẫn còn lo lắng.

“Sao mọt sách lại đến đây?"

Con mèo đen chạy vào, ngắt lời con hồ ly nhỏ.

Nguyên Diệu nói: "Ly Nô lão đệ, tiểu sinh đến thăm phu nhân Tâm Nguyệt Hồ."

Con mèo đen nhìn phu nhân Tâm Nguyệt Hồ từ xa, nói: "Bà ấy vẫn còn hôn mê. Trong bếp của lũ hồ ly chẳng có gì ăn, chỉ có ít gạo và bột. Ngoài vườn rau phía sau bếp có vài con gà. Giữa đêm khuya, gia lười đun nước giết gà nên đã làm một nồi canh mì hoành thánh trứng. Mọt sách, gia đã múc cho ngươi một bát, đặt ở hoa sảnh rồi. Ngươi nhanh đến ăn khi còn nóng đi."

Nguyên Diệu nghe vậy, nói: "Đa tạ Ly Nô lão đệ."

Con hồ ly nhỏ có hơi áy náy, nói: "Nguyên công tử, dạo gần đây Lầu Tâm Nguyệt đã đóng cửa, đầu bếp và một số gia nhân đều được nghỉ về nhà. Hôm nay lại xảy ra chuyện với cô cô, mọi việc đều rối loạn, tiếp đón không chu đáo, xin ngài thứ lỗi."

Nguyên Diệu vội nói: "Không sao đâu. Là chúng ta đã làm phiền."

Con mèo đen nói với con hồ ly nhỏ: "Hồ ly thối, ngươi có muốn ăn một bát canh mì hoành thánh không?"

Con hồ ly nhỏ xoa mặt, buồn bã nói: "Mỗ không có tâm trạng để uống."

Nguyên Diệu và Ly Nô bèn quay trở lại hoa sảnh.

Nguyên Diệu ngồi xuống bên bàn gỗ, bắt đầu ăn canh mì hoành thánh mà Ly Nô đã làm.

Ly Nô quay lại bếp, múc một bát canh mì hoành thánh, đặt lên khay rồi mang đến cho Hồ Thập Tam Lang và kiên quyết bắt nó ăn.

Hồ Thập Tam Lang không muốn cãi nhau với Ly Nô nên đành miễn cưỡng ăn.

Những con hồ ly khác ngửi thấy mùi thơm của canh mì hoành thánh bèn chạy đến bếp tìm Ly Nô xin uống. Ly Nô không còn cách nào khác, đành phải bắt đầu nhào bột, cắt sợi mì, đánh trứng làm thêm một nồi canh mì hoành thánh lớn để cho lũ hồ ly ăn.

"Nếu không có gia, cả đám hồ ly này chắc chắn sẽ chết đói hết..."

Con mèo đen vừa vã mồ hôi bận rộn trong bếp vừa nói.

Khi Nguyên Diệu và những con hồ ly đang ăn canh mì hoành thánh trong hoa sảnh, Bạch Cơ quay trở lại.

Bạch Cơ thấy mọi người đang ăn canh mì hoành thánh, cười nói: "Ôi, thơm thật đấy."

Nguyên Diệu và những con hồ ly chào hỏi Bạch Cơ rồi tiếp tục ăn canh mì hoành thánh.

Bạch Cơ ngồi xuống đối diện Nguyên Diệu, cười nói: "Hiên Chi ăn nhanh đi, lát nữa chúng ta đi chùa Phù Đồ. Ly Nô đâu?"

Nguyên Diệu nói: "Ly Nô lão đệ đang ở trong bếp nấu canh mì hoành thánh cho mọi người. Bạch Cơ không ăn một bát sao?"

Bạch Cơ nói: "Ta không ăn đâu. Không có tâm trạng."

Nguyên Diệu tò mò hỏi: "Bạch Cơ sao thế?"

Bạch Cơ chống cằm, nói: "Lúc nãy, ta đã đi xuống khu vực ngầm của chợ Quỷ để tìm Bốc Lão hỏi thăm vài chuyện."

Nguyên Diệu tò mò hỏi: "Bốc Lão là ai? nàng hỏi thăm chuyện gì?"

Bạch Cơ có hơi u sầu, nói: "Dưới khu vực ngầm của chợ Quỷ có một tòa thành ngầm tên là U Đô, Bốc Lão sống ở U Đô. Bốc Lão là một cây cỏ xạ hương đã sống hàng ngàn năm, tinh thông thuật bói toán, mọi thứ lưu thông trong chợ Quỷ, sau khi bói toán hắn đều biết rõ quá khứ. Ta đến tìm Bốc Lão để hỏi về tung tích của sách Cực Lạc từng được bán ra ở chợ Quỷ."

Nguyên Diệu hỏi: "Nàng đã hỏi ra chưa?"

Bạch Cơ gật đầu, nói: "Ta đã hỏi ra. Ta đã bán sách Cực Lạc vào thời Nam Bắc triều, lúc đó ta bán nó cho một thương nhân du hành ở chợ Quỷ, sau đó ta quên luôn chuyện này. Sau khi Bốc Lão bói toán, phát hiện sách Cực Lạc mà ta đã bán qua tay thương nhân du hành và cuối cùng rơi vào tay một vị hòa thượng tên là Diệt Uế. Diệt Uế là trụ trì của chùa Phù Đồ lúc bấy giờ. Hiện nay, sách Cực Lạc vẫn còn ở chùa Phù Đồ."

Nguyên Diệu nói: "Vậy lời đồn về sách Cực Lạc trong tiệc Cực Lạc, quả đúng là sách Cực Lạc mà ngươi đã từng bán sao?"

Bạch Cơ gật đầu rồi lại lắc đầu, nói: "Phải nhưng cũng không phải. Sách Cực Lạc mà ta đã bán là giả, không thể khiến người ta nhìn thấy thế giới Cực Lạc."

Nguyên Diệu ngừng uống canh mì hoành thánh, nói: "Bạch Cơ, lúc đó sao ngươi lại bán sách Cực Lạc giả?"

Bạch Cơ nhớ lại, nói: "Chuyện này dài lắm. Lúc đó Nam Bắc chia cắt, mười sáu quốc gia chiến tranh liên miên, các nước thường xuyên đánh nhau, bách tính sống trong cảnh lầm than, bị tàn phá bởi chiến tranh, đói kém, bệnh tật. Vì chiến tranh, con người ngày ngày đối mặt với cái chết, áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn, cuộc sống tràn đầy đau khổ. Do đó, người ta rất mong mỏi một thế giới Cực Lạc, một vùng đất thanh tịnh không có chiến tranh, không có đói kém, không có bệnh tật, không có đau khổ... Lúc đó ở Lạc Dương cũng có một phong trào Cực Lạc nổi lên, các quý tộc đều dùng ngũ thạch tán để làm tê liệt bản thân, tìm kiếm niềm vui tột đỉnh. Vì lúc đó Cực Lạc rất thịnh hành, mọi thứ liên quan đến Cực Lạc đều bán rất chạy nhưng ta lại không có thứ gì có thể mang đến Cực Lạc nên thỉnh thoảng cũng bán vài món hàng giả."

Nguyên Diệu nói: "Bạch Cơ, thương nhân cần phải lấy chữ tín làm đầu, có như vậy mới làm ăn phát đạt, không nên lừa lọc khách hàng..."

Bạch Cơ nói: "Hiên Chi nói đúng. Bây giờ, ta không bao giờ bán hàng giả nữa... Nói về sách Cực Lạc giả, lúc đó để làm cho sách Cực Lạc trông giống thật, ta đã thêm một ít yêu lực vào cuộn giấy trắng, và còn tẩm thêm phấn hoa Mạn Đà La gây ảo giác vào các kẽ vân của cuộn giấy. Người cầm cuộn giấy trắng ban đầu sẽ có một số trải nghiệm kỳ diệu, cụ thể là như thế nào thì tùy từng người. Nhưng nhiều nhất là mười năm, yêu lực và phấn hoa Mạn Đà La sẽ mất tác dụng, sách Cực Lạc sẽ trở về là một cuộn giấy trắng bình thường. Hiện giờ đã mấy trăm năm trôi qua kể từ thời Nam Bắc triều, theo lý mà nói, sách Cực Lạc mà ta đã bán chỉ còn là một cuộn giấy trắng bình thường không thể khiến người ta nhìn thấy thế giới Cực Lạc."

Nguyên Diệu có hơi ngờ vực, nói: "Vậy chuyện sách Cực Lạc là thế nào?"

Bạch Cơ nói: "Phải đến chùa Phù Đồ điều tra cho rõ. Ta cảm thấy rất bất an, luôn có cảm giác rằng phong trào Cực Lạc gần đây ở Thần Đô, dù là Cực Lạc Tán hay yến tiệc đều liên quan đến sách Cực Lạc."

Nguyên Diệu và Ly Nô lại quay về phòng của phu nhân Tâm Nguyệt Hồ, định gọi Hồ Thập Tam Lang cùng đi đêm. Ai ngờ, sau khi uống canh mì hoành thánh, Hồ Thập Tam Lang lại ngủ thiếp đi. Đêm qua, nó đã phải vật lộn suốt đêm trong mê cung ngàn cửa, sáng nay trở về lại chăm sóc cho phu nhân Tâm Nguyệt Hồ nên chưa có thời gian nghỉ ngơi. Nguyên Diệu và Ly Nô thấy con hồ ly nhỏ cuộn tròn trên giường La Hán, ngủ rất say, không nỡ đánh thức nó.

Vì vậy Bạch Cơ, Nguyên Diệu và Ly Nô rời khỏi Lầu Tâm Nguyệt, đi đến chùa Phù Đồ.

*

Núi Hương Phong, chùa Phù Đồ.

Bạch Cơ, Nguyên Diệu và Ly Nô đứng bên ngoài chùa Phù Đồ.

Nguyên Diệu có hơi lo lắng, nói: "Bạch Cơ, liệu chúng ta có bị mắc kẹt trong mê cung ngàn cửa như đêm qua không?"

Bạch Cơ cười, nói: "Không đâu. Ta còn mượn của Bốc Lão một thứ."

Bạch Cơ lấy một chiếc gương đồng cổ nhỏ bằng bàn tay ra. Chiếc gương đồng có những hoa văn xanh loang lổ, được khắc chạm tinh xảo và có những ký tự mà Nguyên Diệu không hiểu.

"Đây là kính Chi Phản. Có chiếc kính Chi Phản này, cho dù chúng ta có lạc vào mê cung ngàn cửa, cũng có thể ngay lập tức tìm thấy cánh cửa thực để trở về."

Nguyên Diệu nghe xong thì an tâm hơn.

Ly Nô đã sớm không kiên nhẫn được nữa bèn trèo tường vào trong chùa Phù Đồ rồi từ bên trong mở cổng lớn của chùa Phù Đồ.

"Chủ nhân, mọt sách, nhanh vào đi."

Bạch Cơ cất kinh Chi Phản bước vào chùa Phù Đồ.

"Có vẻ như đêm nay ngoài chùa Phù Đồ không có thiết lập mê cung ngàn cửa..." Bạch Cơ lẩm bẩm.

Đêm đã khuya, trong chùa Phù Đồ không có một bóng người, Bạch Cơ, Nguyên Diệu và Ly Nô đi nhờ ánh trăng. Vì ban ngày đã thăm dò chùa Phù Đồ, quen thuộc với bố cục bên trong, Bạch Cơ, Nguyên Diệu và Ly Nô dễ dàng đi qua các sân, tiến về phía tòa Tàng Kinh Các.

Tháp Phật đen kịt, lá phong đỏ rực như lửa, trên mái hiên của Tàng Kinh Các treo một mảnh trăng lưỡi liềm, nhuộm đỏ bởi lá phong.

Từ bên ngoài nhìn vào, bên trong Tàng Kinh Các có ánh đèn, dường như có không ít người. Những bóng người đó có kẻ vặn vẹo, có kẻ lơ lửng, có kẻ cứng đờ, họ phát ra những âm thanh kỳ lạ, có lúc đau đớn, có lúc vui vẻ, không rõ đang làm gì.

Một cơn gió đêm thổi qua, lá phong rơi từng chiếc, trong không khí lan tỏa một mùi máu tanh nồng nặc.

Ly Nô nhìn chăm chú vào Tàng Kinh Các, nói nhỏ: "Chủ nhân, bên trong có vẻ không ổn..."

Bạch Cơ nói: "Vào xem thử."

Nguyên Diệu nhìn quanh, nói: "Bạch Cơ, chúng ta làm sao vào được đây? Có cần lén trèo lên tầng hai rồi lẻn vào từ cửa sổ không?"

"Hiên Chi, đêm qua trong mê cung ngàn cửa, ta đã nén một bụng tức. Hôm nay, bùa giấy của ta cũng bị phá hủy. Giờ ta không còn kiên nhẫn gì với chùa Phù Đồ nữa."

Bạch Cơ giơ tay, một cơn gió cuốn lên từ mặt đất, quét thẳng vào cửa lớn của Tàng Kinh Các.

"Rào rào..."

Cửa lớn của Tàng Kinh Các lập tức vỡ vụn.

Bạch Cơ bước vào Tàng Kinh Các, nói: "Chúng ta vào thẳng làm khách không mời vậy."

Nguyên Diệu và Ly Nô cũng theo vào.

Khoảnh khắc bước vào Tàng Kinh Các, Nguyên Diệu cảm thấy mơ hồ như bước vào cõi hư không, không thật chút nào.

Nguyên Diệu ngửi thấy một mùi hương.

Mùi hương này thoang thoảng rất dễ chịu vừa giống như hương phấn thoảng thoảng vừa giống như hương thơm của cỏ cây lại như mùi hương khói nhang trong chùa, mang một cảm giác trang nghiêm và tôn kính.

Bên trong Tàng Kinh Các, không gian rất rộng lớn, không biết có phải vì đêm đã khuya hay không mà nhìn như kéo dài vô tận. Từng giá sách hình trụ trông như những ngọn tháp Phật, từng ngọn tháp Phật mọc lên từ mặt đất, vươn xa vào cõi hư không đen tối. Trên giá sách chất đầy các loại kinh văn, trong hư không mọc ra những dây leo xanh biếc, dây leo quấn quanh các cuốn kinh, nở ra những bông hoa Mạn Đà La yêu kiều.

Bạch Cơ, Nguyên Diệu và Ly Nô đi qua từng giá sách, tiến sâu vào bên trong.

Đi một lúc, Nguyên Diệu nghe thấy những âm thanh kỳ lạ.

Khi Nguyên Diệu đi vòng qua một giá sách, trước mắt hắn hiện ra một khoảng đất trống. Trên khoảng đất đó, có nhiều người đang ngồi, dường như họ đang tổ chức một bữa tiệc.

Những người này có nam có nữ, có già có trẻ, người thì ngồi trên đệm, người thì nằm rạp trên đất, người thì nằm dài, người thì quỳ gối, có người tỉnh táo, có người đang mơ màng... Biểu cảm của họ vô cùng hạnh phúc nhưng cũng rất mơ hồ như đang nửa say nửa tỉnh, nửa sống nửa chết, mỗi người đều chìm trong giấc mộng riêng của mình.

Trước mặt những người này là những chén rượu và một số gói giấy đỏ. Một số gói giấy đỏ đã được mở ra, bên trong là bột thuốc.

Nguyên Diệu ngửi thấy mùi của Cực Lạc Tán.

Giữa đám người say sưa, điên loạn kia, có một vị hòa thượng lông mày trắng đang ngồi. Phía sau vị hòa thượng lông mày trắng, Thành Giác đang cầm một cuộn tranh, im lặng quỳ gối.

Vị hòa thượng lông mày trắng ngồi yên tĩnh nhắm mắt, khi Bạch Cơ, Nguyên Diệu và Ly Nô xuất hiện trong bữa tiệc, ông ta bỗng mở mắt nhìn thẳng vào Bạch Cơ.

Bạch Cơ cũng nhìn chằm chằm vị hòa thượng lông mày trắng qua khoảng không.

Ánh mắt của Bạch Cơ và vị hòa thượng lông mày trắng gặp nhau, trong khoảnh khắc, không gian xung quanh dường như bị vặn vẹo nhưng cuối cùng lại trở về bình thường.

Nguyên Diệu ngửi thấy một mùi máu tanh nồng nặc. Hắn nhìn quanh nhưng không thấy xác chết hay vết máu nào, cũng không tìm ra nguồn gốc của mùi máu tanh.

Ly Nô vẻ mặt cảnh giác, đôi mắt xanh biếc như lưỡi dao sắc bén.

Hòa thượng lông mày trắng nhìn lướt qua mọi người trong buổi tiệc rồi nói: "A Di Đà Phật! Thành Giác à, thời gian đã đến, đã đến lúc mở cửa Tây Phương Cực Lạc cho chúng sinh khổ nạn này rồi."

Thành Giác đáp: "Vâng, sư tổ Diệt Uế."

Thành Giác quỳ ngay ngắn, từ từ mở cuốn sách Cực Lạc trên tay.

*

Khi cuốn sách Cực Lạc từ từ mở ra, những người nam người nữ đột nhiên trở nên điên loạn, bất an. Có người trong cơn hoan lạc cực độ đã cắn đứt lưỡi mình, có người lao đầu vào bức tường gần đó, có người rút trâm cài tóc ra và đâm vào cổ họng mình, có người lấy dao găm và rạch bụng mình ra.

Trong đại sảnh, mọi người bất chợt rơi vào cơn cuồng loạn, buổi yến tiệc biến thành một bữa tiệc xác chết đầy máu, mùi tanh ngọt tràn ngập không gian, cực kỳ nồng nặc.

Nguyên Diệu muốn ngăn mọi người tự hại mình nhưng không hiểu sao, dường như có một rào cản vô hình ngăn cản hắn khiến hắn không thể tiến lên phía trước.

Trên đầu những người nam nữ, từng sợi linh hồn màu vàng bay lên, những linh hồn này dường như bị một sức mạnh vô hình kéo dẫn, lần lượt bay vào cuốn sách trên tay Thành Giác.

Những linh hồn bám vào cuốn sách, trên cuốn sách bèn hiện ra thêm nhiều bức họa.

Vì khoảng cách quá xa, Nguyên Diệu không thể nhìn rõ những bức họa trên cuốn sách.

Nguyên Diệu đột nhiên cảm thấy sợ hãi, hắn muốn lại gần Bạch Cơ hơn. Nhưng khi hắn nhìn sang bên cạnh thì bên cạnh đã trống trơn.

Bạch Cơ không biết đã biến mất từ lúc nào.

Nguyên Diệu nhìn xuống con mèo đen trên đất, run rẩy hỏi: "Ly Nô lão đệ, Bạch Cơ đâu rồi?"

Mèo đen đáp: “Mọt sách à, từ khi chúng ta bước vào Tàng Kinh Các, chúng ta đã rơi vào ảo cảnh rồi. Chủ nhân đã phát hiện và đi tìm ‘lối ra’. Chúng ta cứ ở đây đợi thôi."

Nguyên Diệu gật đầu.

Những người trong buổi tiệc lần lượt chết trong cơn hoan lạc mộng mị, điên đảo hỗn loạn, những đóa hoa Mạn Đà La đỏ rực trôi nổi trong bóng tối vô phong, an ủi những linh hồn xao động.

Chẳng bao lâu, Diệt Uế đột nhiên ngẩng đầu lên, dùng ánh mắt trống rỗng nhìn chằm chằm vào Nguyên Diệu.

Nguyên Diệu rùng mình.

Bất ngờ, đèn trong đại sảnh vụt tắt, xung quanh lập tức chìm vào bóng tối.

Âm thanh của mọi người biến mất, không còn nghe thấy cả tiếng gió, không gian im ắng đến mức còn đáng sợ hơn cả cái chết.

Nguyên Diệu bắt đầu sợ hãi.

"Ly Nô lão đệ, đã xảy ra chuyện gì vậy? Tiểu sinh hơi sợ..."

Mèo đen căng thẳng đáp: "Ta cũng không biết đã xảy ra chuyện gì... Mọt sách đừng sợ, lát nữa cứ làm theo hiệu lệnh của ta."

Nguyên Diệu cúi đầu nhìn quanh, buồn rầu nói: "Ly Nô lão đệ, xung quanh tối đen thế này, ngươi lại là mèo đen, tiểu sinh không thể nhìn thấy hiệu lệnh của ngươi đâu!"

"Vậy ngươi cứ nghe theo hiệu lệnh của ta."

"...Được thôi."

"Bá...meo...aaa..."

Đột nhiên, Ly Nô phát ra một tiếng thét thảm thiết.

"Ly Nô lão đệ làm sao vậy? Hiệu lệnh này có nghĩa là gì?!"

Nguyên Diệu run rẩy hỏi.

Xung quanh tối đen như mực, không có ai trả lời Nguyên Diệu.

Ly Nô dường như đã biến mất chỉ còn lại Nguyên Diệu đứng một mình trong bóng tối vô tận.

Nguyên Diệu trong lòng đầy sợ hãi, hét lớn: "Ly Nô lão đệ ở đâu thế?"

Bóng đen như đêm đen, xung quanh im ắng đến đáng sợ chỉ còn lại tiếng gió rỗng không.

Đứng yên tại chỗ khiến Nguyên Diệu cảm thấy lo lắng, hắn nhấc chân lên, bước vài bước về phía trước.

"Mọi chúng sinh, tâm vốn không khác, vì chấp mê mà thành, huyễn hóa thành địa ngục. Chúng sinh trong sáu cõi, nhận quả báo theo nghiệp, luân hồi xoay chuyển. Sa đọa vào ba đường, chìm đắm trong sáu dục, chịu khổ vô cùng..."

Bên tai Nguyên Diệu vang lên tiếng tụng kinh, nghe có vẻ là giọng của Diệt Uế.

Nguyên Diệu tiến về phía trước, trong bóng tối hắn thấy những ảo cảnh hiện ra.

Chiến loạn khắp nơi, non sông nhuốm máu, một ngôi làng hoang tàn đổ nát, những ngôi mộ mới dựng lên khắp nơi.

Một nhóm dân làng cầm những thanh dao còn sót lại trên chiến trường, đuổi theo một đôi mẫu tử rách rưới. Cả hai người đều vàng vọt, gầy gò, quần áo rách rưới, trên da họ đầy những vết lở loét, mủ máu chảy ra, trông như đã mắc phải một loại bệnh dịch nào đó.

Cậu bé và mẫu thân đi chân trần trên con đường đất vàng, họ bị trói chặt bằng dây thừng. Gương mặt mẫu thân đờ đẫn như chết, ánh mắt vô hồn, cả cuộc đời chìm trong vô tận đau khổ, trái tim bà đã nguội lạnh.

Vì bị đói khát và bệnh tật dày vò, dưới lớp áo rách rưới của cậu bé, gầy gò đến mức có thể nhìn thấy xương sườn. Cậu bé lảo đảo bước đi, đôi mắt đầy đau đớn và sợ hãi.

Cha của cậu bé đã chết vì bệnh tật năm ngoái, nương cậu bé phải khó nhọc nuôi cậu và đệ đệ. Để sinh tồn, nương góa con côi đành đi nhặt xác trên chiến trường cũ gần đó, gỡ lấy những mảnh giáp và những vật có giá trị trên xác chết.

Mùa hè năm nay rất nóng bức, một loại dịch bệnh truyền nhiễm lan truyền từ những xác chết đang phân hủy, nhiều người nhặt xác đã mắc phải dịch bệnh.

Dịch bệnh bùng phát, nhiều người ở các tòa thành và làng mạc gần chiến trường cổ đã chết.

Vì mưu sinh bằng việc nhặt xác, đệ đệ của cậu bé cũng nhiễm bệnh, không có tiền chữa trị nên đã chết. Đáng tiếc, trong quá trình chăm sóc đệ đệ, hắn và mẫu thân cũng bị lây nhiễm.

Dân làng phát hiện họ đã bị bệnh, sợ bị lây nhiễm nên đã đuổi họ đi. Nhưng họ là nương góa con côi, không có một xu dính túi lại bị bệnh tật hành hạ, không có nơi nào để đi, chỉ còn một căn nhà đổ nát trong làng có thể che mưa chắn gió.

Bên ngoài loạn lạc khắp nơi, dân chúng đói khổ, họ lại mang trong mình dịch bệnh, dù đi đâu cũng là con đường chết. Thà rằng ở lại trong ngôi nhà của mình chờ chết còn hơn là như chó hoang phải chịu đựng gió mưa ngoài hoang dã rồi cuối cùng chết đói, chết bệnh, hoặc bị người ta đánh chết khi tới gần tòa thành hay làng mạc.

Mẫu thân cậu tâm hồn đã nguội lạnh, chỉ muốn ở lại căn nhà đổ nát đó, giữ gìn phần mộ của chồng và đứa con nhỏ mà sống nốt những ngày còn lại. Vì vậy sau khi bị đuổi đi, bà đã nhiều lần lén lút dẫn con trai lớn quay về.

Trong thời loạn lạc, mạng sống của con người chẳng khác gì cỏ rác.

Dân làng không thể đuổi mẫu tử họ đi, lại sợ bị lây nhiễm bệnh dịch nên quyết định giết họ.

Một nhóm dân làng trói chặt hai mẫu tử rồi dẫn họ ra khỏi làng, đến vùng hoang dã, ép họ quỳ xuống.

Mẫu tử họ quỳ trên mặt đất.

Ánh mắt mẫu thân trống rỗng, vô hồn. Đôi môi nứt nẻ, chảy máu của bà khẽ nhúc nhích, dường như đang thì thầm điều gì đó.

Cậu bé vô cùng sợ hãi, run rẩy. Hắn quay đầu nhìn nương, run run nói: "Nương ơi, con sợ quá..."

Mẫu thân quay đầu nhìn con trai, ánh mắt vô hồn.

"Thế gian này như địa ngục, nhân gian đầy dày vò, chúng sinh đều khổ.." Bà thì thầm.

Trưởng lão ra lệnh, một dân làng to khỏe giơ thanh dao lên. Hắn đứng ngay phía sau cậu bé, định giết hắn trước. Với hắn, giết ai trước cũng vậy, dù sao chỉ là chuyện của một cái chớp mắt, hai nhát dao là xong.

Một tia sáng lóe lên, thanh dao chém xuống.

Cậu bé không nhìn thấy nhát dao sau lưng, chỉ cảm thấy vô cùng tuyệt vọng, vô cùng thê lương.

Mẫu thân nhìn thấy dao chém xuống, trong khoảnh khắc ấy, ánh mắt vô hồn của bà lóe lên một chút sắc mặt, tình yêu nương bản năng khiến linh hồn đã bị đè nặng bởi khổ đau bỗng tỉnh táo trong chốc lát.

Mẫu thân lao mình về phía cậu bé, che chắn cho hắn khỏi nhát dao.

"Rắc!"

Thanh dao chém đôi đầu của mẫu thân.

Máu tươi ấm nóng văng ra như cơn mưa đỏ thẫm.

Cậu bé nhìn thấy đầu nương bị chém đôi, bà kêu lên: "Chạy mau..."

Cậu bé đầu óc trống rỗng, vô thức đứng dậy, mang theo máu me trên mặt và cơ thể, chạy thục mạng.

Người dân làng vừa giết mẫu thân cậu bé ngẩn ra, đến khi hắn chạy xa rồi, hắn mới bừng tỉnh.

Những người dân làng nhìn thi thể mẫu thân nằm trong vũng máu, lưỡng lự không biết có nên đuổi theo giết cậu bé hay không.

Trưởng lão thở dài một tiếng, nói: "Thôi bỏ đi. Nó chạy thoát được rồi. Đúng là tạo nghiệt! Chôn nàng ấy đi. Chôn trên núi, cách xa đất làng một chút, nàng ấy bị bệnh dịch, đừng để lây nhiễm cho người trong làng."

Cậu bé lang thang trong vùng hoang vu như một con chó hoang, bệnh tật và đói khát, chẳng còn sống được bao lâu.

Ở những nơi có người tụ tập như tòa thành và làng mạc, cậu bé không dám đến, vì đến đó hắn sẽ bị giết chết. Hắn không biết nên đi đâu, có thể đi đâu nên đã đến chiến trường cổ nơi hắn từng nhặt xác.

Cậu bé nằm giữa đống xác chết, ngước nhìn bầu trời đầy sao rộng lớn.

Hắn nhớ lại lời mẫu thân trước khi chết, rằng thế gian này như địa ngục, chúng sinh đều khổ. Hắn còn quá nhỏ, chưa hiểu hết ý nghĩa của câu nói đó nhưng hắn hiểu khổ đau, vì trong ký ức của hắn, cuộc sống chỉ toàn là khó khăn. Nghèo đói, vất vả, đói khát, lạnh lẽo, bệnh tật, chiến loạn, cái chết, buồn đau, đau khổ, sợ hãi, đó là tất cả những gì trong cuộc đời ngắn ngủi của hắn, hắn chưa bao giờ biết đến niềm vui, chưa từng một phút giây nào vui vẻ.

Cậu bé nằm trong đống xác chết nhìn lên bầu trời sao, những cơn đau trên thân thể, cái đói cồn cào trong bụng và nỗi trống rỗng trong lòng hòa quyện vào nhau khiến hắn chìm trong đau đớn và tuyệt vọng, hắn đã thấy những con chó hoang chết một cách thê thảm trong cơn đói và bệnh tật bên lề đường, và hắn cảm thấy mình lúc này chẳng khác gì những con chó hoang đó.

Một giọt nước mắt lăn qua khóe mắt hắn, giống như một ngôi sao băng.

Cậu bé tự an ủi mình, có lẽ chỉ cần chịu đựng thêm một chút nữa là có thể bay lên trời và cảm nhận được niềm vui.

"A Di Đà Phật! Chiến loạn khắp nơi, dịch bệnh hoành hành, nhân gian này như một lò luyện, chúng sinh đều khổ..."

Một giọng nói khàn khàn vang lên.

Cậu bé nghe thấy bốn chữ "chúng sinh đều khổ", nghĩ đến mẫu thân rồi mở mắt, ngồi dậy từ đống xác chết.

"A! Sư phụ, ở đây còn một người sống, là một đứa trẻ."

Một giọng nói trẻ trung khác cất lên.

Cạu bé nhìn về phía phát ra âm thanh, vì quá đói và suy nhược lại thêm thân thể đau nhức, hắn thấy đầu óc choáng váng, hoa mắt. Hắn nhìn thấy trên chiến trường cổ, có một nhóm Phật tử sáng chói đang hạ xuống cõi trần gian đầy khổ nạn này.

Cậu bé ngất đi.

Thực ra, cậu bé thấy là một nhóm hòa thượng.

Nhóm hòa thượng này đến từ chùa Phù Đồ, đứng đầu là lão sư có pháp danh Khô Đăng, trụ trì của chùa Phù Đồ. Cứ mỗi ba năm, Khô Đăng lại dẫn đệ tử ra ngoài hành hương, truyền bá Phật pháp, cứu độ chúng sinh trong thời loạn lạc. Đêm đó, họ tình cờ đi qua chiến trường cổ, định niệm kinh siêu độ cho các linh hồn đã chết trận, thì gặp được cậu bé.

Có lẽ nhờ ánh sáng Phật soi rọi, hoặc có thể do trẻ nhỏ chỉ cần không bị đói, cơ thể sẽ tự nhiên khỏe lại, bệnh dịch của cậu bé đã kỳ diệu khỏi hẳn nhờ sự chăm sóc của Khô Đăng và các đệ tử.

Cậu bé sống sót và trở thành đệ tử của Khô Đăng, thuộc phái “Diệt” trong hệ thống tên gọi của chùa. Vì khi gặp hắn, toàn thân hắn đầy vết thương, máu mủ dơ bẩn nên Khô Đăng đặt pháp danh cho hắn là Diệt Uế.

Từ đó, Diệt Uế luôn theo chân Khô Đăng tu hành. Phần lớn thời gian, họ ở lại chùa Phù Đồ, nghiên cứu kinh sách, thỉnh thoảng ra ngoài hành hương, truyền bá Phật pháp.

Sau khi thông hiểu Phật pháp và nhìn thấy đủ loại khổ nạn của nhân gian trong những lần hành hương, Diệt Uế có sự thấu hiểu sâu sắc hơn về lòng người và khổ đau. Sự giác ngộ về Phật lý của Diệt Uế cũng vượt trội hơn nhiều so với các sư huynh đệ, Khô Đăng thường khen ngợi rằng Diệt Uế có tâm hồn trong sáng và căn duyên tốt.

Trong lòng Diệt Uế vẫn luôn có một nghi vấn: Hắn không thể quên được lời nương nói trước khi chết: “Chúng sinh đều khổ.” Hắn không cứu được nương, không thể mang lại niềm vui cho nương, điều đó khiến hắn rất buồn nên hắn đã phát nguyện muốn cứu độ chúng sinh, đưa họ đến cõi Niết bàn.

Năm đó, khi Bắc Ngụy tấn công Nam Tống, Khô Đăng dẫn đệ tử đến thành Diễn, nghỉ lại ở chùa Viên Thông.

Lúc này, Diệt Uế đã đến tuổi trung niên còn Khô Đăng thì đã già yếu. Đây là lần cuối cùng Khô Đăng dẫn đệ tử ra ngoài hành hương. Sau chuyến đi này trở về chùa Phù Đồ, Khô Đăng dự định sẽ truyền lại chức trụ trì cho Diệt Uế còn mình sẽ đóng cửa tĩnh tu, không ra ngoài nữa.

Thành Diễn là một thành nhỏ, chùa Viên Thông là ngôi chùa lớn nhất trong thành.

Quân Bắc Ngụy bao vây thành Diễn, chủ thành và tướng quân không chịu mở cửa đầu hàng, hy vọng đợi quân Tống đến cứu, hai bên cứ giằng co như vậy. Khô Đăng, Diệt Uế và các đệ tử cũng bị mắc kẹt trong chùa Viên Thông.

Từ đầu mùa thu đến giữa mùa đông, sự giằng co kéo dài suốt ba tháng, quân Tống bị kẹt ở sông Vị, không thể tới cứu. Nhưng người trong thành Diễn không biết điều đó nên vẫn cố thủ kiên quyết chờ đợi.

Lương thực trong thành Diễn đã cạn kiệt từ lâu, mọi nhà đều không còn một hạt gạo, gia súc như bò, ngựa, chó cũng bị giết sạch và ăn hết từ đợt tuyết đầu tiên. Mùa đông khắc nghiệt, ngay cả lá cây và cỏ dại cũng không còn gì ăn được. Từ binh sĩ đến dân chúng, tất cả đều đói khát đến cùng cực, phải ăn đất để cầm cự.

Có người thân thể suy yếu, vì ăn đất mà bụng trương phình rồi chết. Những xác chết này bị đặt trước chùa Viên Thông, sáng hôm sau chỉ còn là những bộ xương trắng đẫm máu.

Đó là lần đầu tiên Diệt Uế chứng kiến cảnh người ta chia xác và ăn thịt người.

Diệt Uế gần như sụp đổ.

Tuy nhiên, điều khiến Diệt Uế hoàn toàn sụp đổ là những gì xảy ra sau đó.
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...