Quà Từ Trong Nhà, Quà Ra Ngoài Ngõ
Chương 6: Em Trai Là Đại Gia.
Năm nó một tuổi, tôi tám tuổi.Năm nó mười lăm tuổi, tôi hai mươi ba tuổi.Khoảng cách giữa hai chị em tôi, cũng chính là cả một thế hệ. Lúc nó còn nhỏ như hạt đậu, tôi đã là một cô bé. Thế mà chỉ vài năm sau khi tôi đi học trở về nhà, nó đã cao hơn tôi một tấc. Con trai lớn thật nhanh. Còn nhớ ngày nào bụng mẹ tôi thật lớn, hai mẹ con ngồi chèo queo trên chiếc ghế gỗ ở phòng khách, mẹ tôi thủ thỉ:“Nhân có thích có em không?”“Con chẳng biết.”“Sao không biết, có em trai để bế em đi chơi nè.”“Con chẳng biết đâu.”“Thế Nhân đặt tên cho em trai đi?”“Đặt tên như thế nào ạ?”“Tên phải hợp với chữ Nhân và phải có chữ T.”Tôi hơi khoai khoái rồi, vì tên của em trai phải phụ thuộc vào tên của tôi để có vần, có điệu. Tôi đâu biết được, hóa ra số phận cái tên của những đứa em tôi đều dựa hết vào tôi, chứ không phải chỉ có duy nhất đứa em trai này. Chẳng là tên tôi do nội tôi đặt. Đến khi chú tôi sinh hai bé gái, bà nội tôi lại nổi hứng đặt tên, bà bảo:“Con nhà thằng Chương đã là Nhân rồi, thì đứa này đặt là Nhàn đi.”Và theo cái đà đó, đứa em họ tiếp theo của tôi tên là Nhã. Tóm lại thì, chỉ có mỗi mình tôi là sướng. Bởi vì Nhân Nhàn Nhã mà. Nhà tôi vẫn luôn có cái duyên đặt tên như thế.“Tại sao lại là chữ T mà không phải chữ nào khác?”“Vì chữ T thông minh. Hồi mẹ đi học, mấy bạn chữ T bạn nào cũng học giỏi hết. Chữ N học hành chán lắm. Phòng mẹ hồi đi thi chẳng có ai học giỏi cả.” Bởi vì tên của mẹ tôi cũng bắt đầu bằng chữ N.Tôi bật cười khanh khách, rồi sau đó mới ngộ ra điều gì, tôi xị mặt xuống như cái bánh tráng nhúng, khều khều vào tay mẹ.“Thế là con cũng sẽ học dốt sao?” Năm đó tôi mới học lớp ba, và chẳng có năm nào tôi được học sinh giỏi cả. May mắn thay, lời nguyền học dốt đó đã bị chính tôi đẩy lùi khi tôi lên lớp năm rồi.Mẹ lại cười rộ lên. Đến khi cái cục thịt trong bụng mẹ đạp đạp mấy cái, mẹ mới nhớ đến vấn đề đặt tên cho nó.“Có thể là Nhân Tài, Nhân Tuấn, Nhân Thiện… ”“Thiện có phải là chữ T đâu mẹ?”“Là chữ T mà.”“Sai rồi, là chữ thờ mà.” Tôi gân cổ lên cãi.“Kệ, có chữ T là được rồi.” Hóa ra yêu cầu của mẹ đơn giản như vậy. Nếu sau này thằng nhóc nhà tôi có học kém đi nữa, tôi sẽ chỉ nó trách mẹ là vì mẹ đặt tên nó chữ “thờ” chứ không phải là chữ “tờ” như đúng ý của mẹ ban đầu.Cuối cùng tên của thằng nhóc được quyết định. Sau này mẹ hay bảo, nhà mình đặt tên nghe cứ phúc đức thế nào ấy, hết Nhân lại Thiện. Tôi lại thấy buồn cười. Đến khi tôi gặp ông Nam (chồng của bà cô bên ngoại nhà tôi), ông Nam hay lẩm bẩm một câu có cả tên hai chị em tôi:“Nhân chi sơ tính bản thiện.”Sau này nữa, tôi lại phát hiện ra, tên của chị em tôi cùng nằm trong tên của Bộ trưởng bộ giáo dục, cũng nhờ vậy mà ông ấy là nhà chính trị đầu tiên trong nước mà tôi biết đến.Ngày mẹ trở dạ đi bệnh viện, là lúc tôi còn đang say ngủ. Đến lúc thức dậy thì nhà cửa vắng hoe, chẳng thấy bà đâu, cũng chẳng thấy mẹ đâu cả. Tôi lết cái khuôn mặt bơ bơ của mình đi vòng vòng quanh nhà, không thấy ai thì tôi lại tót đi chơi, chẳng có chút gì lo lắng. Mẹ nằm ở viện từ hai giờ sáng tới chín giờ sáng thì em bé đã được ra đời, là vì mẹ tôi đẻ mổ. Bây giờ trên bụng mẹ có một vết sẹo thật to, trông như một con rết, lớn hơn cả ngón tay út của tôi, lại dài cả một gang tay lận. Mỗi lần nhìn thấy nó tôi lại thấy sợ, đến bây giờ mỗi khi nhìn thấy tôi lại càng sợ hơn, mẹ lại cười bảo bây giờ người ta mổ đẹp lắm, không để lại sẹo đâu. Tôi mới thở phào nhẹ nhõm.Vết sẹo của mẹ lớn như vậy, nhưng thằng bé lại nhỏ chút xíu. Ngày mẹ mới về, mẹ với em nằm trong căn phòng thứ hai, tôi ló đầu vào cánh cửa nhìn lén xem em bé trông như thế nào. Chỉ thấy một cục đỏ hỏn, nhỏ tí xíu, trông rất gớm. Từ đó tôi không bao giờ dám lại gần cánh cửa đó nữa. Đến khi em tôi ú na ú núc vì sữa, cả người vừa trắng vừa thơm, tôi mới dám lại gần ôm nó một cái. Ba tôi cũng giống tôi như đúc, nhưng ba không ôm nó là vì ba sợ làm rớt nó xuống đất, chứ không phải là vì nó xấu xí và đỏ lòm như tôi vẫn nghĩ.Em trai rất xinh, vì thế rất nhiều người thích bế nó, nhưng hồi đó tôi lại chẳng thích thú gì với trẻ con. Tôi chỉ thấy nó vừa phiền toái, vừa ồn ào. Cứ suốt ngày lăn lăn bò bò, thỉnh thoảng lại khóc ré lên. Tôi thà đi sang nhà hàng xóm, chơi banh đao hoặc bắn bi với mấy đứa bạn tôi còn thích hơn nhiều. Nhưng các chị ở xóm tôi lại cực kỳ thích thú với nó. Các chị bảo thằng nhóc làm con gái sẽ xinh hơn nhiều. Thế là có chị chạy về nhà, lấy một cái áo dây màu đen với chấm bi trắng, mặc vào cho nó. Lại còn lấy cái tóc giả màu vàng hoe cài lên đầu nó. Úm ba la một cái, em trai đã thành một cô búp bê Pháp xinh đẹp. Mẹ cười ngả nghiêng tới mấy ngày sau.Hồi bé nó xinh, đáng yêu và nghe lời như thế. Nhưng mà càng lớn nó càng ranh mãnh và đáng ghét. Chị em tôi ở nhà lúc nào cũng chí chóe giành máy tính. Hồi đó mẹ mua lại một cái máy tính cũ của công ty mẹ. Tôi cũng không biết xài gì nhiều lắm, nhưng thằng em tôi thì trở thành game thủ chuyên nghiệp ngay từ năm nó học lớp hai. Kết quả thì chưa thấy đâu, nhưng hậu quả đã thấy rõ rành rành. Bây giờ hai con mắt của nó lúc nào cũng chỉ mở he hé, thẳng gần như một đường chỉ nhỏ. Thỉnh thoảng tôi nghiêng đầu săm soi khuôn mặt nó, lại dụ dỗ nó trừng mắt thật to lên cho tôi nhìn. Đau lòng thay, chỉ thấy trán thằng bé nhăn tít lại, còn hai con mắt vẫn là đường chỉ nhỏ huyền bí.Không giống như các nhà khác, chị phải nhường em hay đứa út hay được bênh. Ở nhà tôi thì tôi là số một. Mỗi lần tranh giành thứ gì mà có ba mẹ ở nhà thì tôi luôn được phần thắng. Lý do rất đơn giản, vì tôi ngoan. Em trai tranh cãi gì với tôi, nghĩa là do nó hư. Thực tế cũng đúng thế. Tôi chẳng bao giờ giành ăn giành uống với nó thứ gì cả. Chỉ là ở nhà, lâu lâu đi ngang qua buồn buồn lại giơ chân đạp mông nó một cái. Thế là hai chị em đuổi nhau quanh nhà. Có lúc còn cười muốn gập bụng lại. Nhà tôi có hai đứa trẻ, cười giỡn ầm ĩ, lại cảm thấy như thế mới trọn vẹn niềm vui.Đến khi tôi đi học xa nhà, thằng nhóc ở nhà được nuông chiều vô cùng. Đến lúc nó dậy thì, nhảy giò cũng thật nhanh, mặt thì dài nhẵng ra, không còn đáng yêu như trước nữa. Thế nhưng cái trò đùa giỡn, đạp mông, làm siêu nhân của chị em tôi thì dường như vẫn không có hồi kết. Chỉ khác là bây giờ nó lớn rồi, cao hơn tôi, khỏe hơn tôi. Tôi đu lên lưng nó, nó còn cõng được chị hai chạy một vòng quanh nhà. Dù cho em trai còn nhỏ, ham chơi, ngốc nghếch, lì lợm... đủ mọi thói hư tật xấu thì em trai vẫn là con trai mà.Thật ra tôi thích có anh trai, nhưng có em trai cũng thật tốt. Em trai tôi thông minh. Ít ra thì nó thông minh hơn chị nó. Nó học tại trường cấp một ngày xưa tôi học, cấp hai cũng vậy. Chị nó, là tôi, lúc đi học khá im lặng, học lực tốt nhưng không phải đặc biệt xuất sắc, nên thầy cô hầu như không ai nhớ tới tôi. Còn thằng nhóc thì khác. Nó quậy và tự tin hơn tôi nhiều. Về cái độ tự tin của nó, tôi có thể chứng minh bằng đoạn hội thoại vào một ngày đẹp trời của hai chị em tôi. Hôm đó thằng nhóc đang chơi facebook, tôi ngồi ngay bên cạnh, thằng nhóc hú lên:“Hai ơi, thằng này nè hai, nó học giỏi lắm.”“Ghê vậy, Thiện chơi với nó hả?”“Dạ, bạn thân em á.”“Thế nó giỏi hơn Thiện nhiều hề.”“Không có, vẫn thua em một tí.” Nhe răng nhìn tôi cười.Tôi quay qua nháy nháy nó một cái, hai chị em cười như nắc nẻ.Vậy nên nó nổi tiếng. Mặc dù thằng nhóc không thực sự là đứa giỏi nhất trong lớp, nhưng ít ra nó cũng khiến cho ba mẹ tôi được tự hào. Tôi thầm cảm thấy may mắn vì em trai đã giúp tôi hoàn thành những điều tôi còn tiếc nuối. Ít nhất, có nó, ba mẹ tôi còn có cái để nở mày nở mặt trước mặt hàng xóm láng giềng. Tôi được khen ngoan, còn nó được khen giỏi. Chắc ba mẹ tôi vui lắm.Lâu lâu mẹ gọi điện cho tôi, mẹ lại nhắc khéo:“Nhân gọi điện về cho em nhắc nó học hành đàng hoàng vào nhá, dạo này cô giáo phản ánh với mẹ là nó đi học hay không tập trung lắm.”“Mẹ nói đi chứ sao con nói được.”“Thì mẹ nói rồi, nhưng mà con cũng phải nói nữa, em nó mới nghe.”“Dạ, thì con cũng chỉ nói thế thôi, chứ mẹ đừng tạo áp lực cho nó quá.”“Thì mẹ cũng chỉ sợ nó ham chơi thôi, suốt ngày cắm đầu vào máy chơi game, đợt rồi thi học sinh giỏi còn suýt rớt kia kìa.”Hôm rồi em trai gọi điện cho chị, đòi chị mua đàn ghi-ta. Tôi sém nữa gào lên: "Mày có phải là em trai của tao không?" Thật lòng mà nói, cả nhà tôi có gene "kì thị" âm nhạc. Thằng em bỗng nhiên đổi tính, khiến tôi hơi bất ngờ một chút. Nhưng chầm chậm nghĩ lại, con trai mà, đi từ tương tư đến cây đàn, đánh một vòng thật lớn cũng chỉ để khoanh vùng "nàng thơ" thôi. Vỗ đùi cái đét, chị già lại thở dài một cái, dạo này em trai "lớn rồi", dẫu cho ba mẹ hay chị vẫn luôn coi em trai là bé bỏng nhất nhà, thì em trai cũng đã đủ lớn để hiểu chuyện và... biết yêu.Em trai bước vào thời kỳ nổi loạn, mẹ lo sốt vó cả lên. Tôi cũng không có cách nào để dạy bảo nó từ xa cả. Tôi không hy vọng em trai sẽ trở nên toàn năng, chỉ hy vọng nó ngoan và vâng lời ba mẹ. Lâu lâu chị em tôi có nói chuyện với nhau qua mạng, thằng nhóc hay lảng tránh khi tôi bắt đầu nghiêm túc giảng giải cho nó. Tôi cũng chẳng muốn làm cái việc mà đáng lẽ ra người phải làm là mẹ. Vậy nên tôi cũng không gặng hỏi gì nhiều, càng không ép buộc gì cả. Em trai tự có cách sống của riêng mình, tôi cũng chỉ cho nó biết, có nhiều người đang lo lắng cho nó mà thôi.Em trai là một món quà bất ngờ. Từ khi có thêm đứa em, tôi cảm thấy nhà tôi rực sáng. Cái không khí âm u của khói thuốc cũng được tan đi nhờ sự xuất hiện của nó. Sự yên lặng của ngôi nhà cũng bị phá hỏng bởi tiếng khóc của nó. Vậy nên, tôi mong rằng, sau này, nhà tôi cũng luôn tràn ngập tiếng cười nhờ sự thành công của nó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương