Quo Vadis

Chương 36



Ở Roma, người ta đều biết rằng dọc đường Hoàng đế muốn ghé thăm Oxtina, mà thực ra là ghé thăm chiếc tàu thủy vĩ đại nhất vừa chở ngũ cốc từ Alecxanđria tới, rồi từ đó mới đi theo Đường Bờ Biển(1)đến Anxium. Mệnh lệnh đã được ban bố từ mấy ngày trước, nên ngay từ tinh mơ, cạnh cổng Porta Oxtienxix đã tụ tập những đám đông tiện dân địa phương cùng đủ loại người tứ xứ để được ngắm nhìn thỏa thuê đoàn tùy giá Hoàng đế, thứ mà đám tiện dân La Ma chẳng bao giờ được nhìn cho thỏa. Đường đến Anxium không khó đi cũng chẳng xa là bao, ở chính cái thành phố gồm toàn lâu đài và biệt thự được bài trí tuyệt vời ấy cũng có thể tìm được tất cả các vật dụng cần thiết cho tiện nghi sinh hoạt, thậm chí cả những thứ xa hoa nhất thời ấy. Nhưng những khi đi đường, Hoàng đế có thói quen mang theo tất cả những đồ vật mà ngài ưa thích, từ những nhạc cụ và đồ gia dụng, tới các pho tượng và đồ khảm ghép. Những thứ ấy sẽ được người ta bày ra ngay cả khi ngài muốn dừng chân qua loa dọc đường để nghỉ ngơi hay dùng bữa. Vì thế, mỗi chuyến du ngoạn có hàng đoàn tôi tớ phục vụ riêng cho ngài, chưa kể các toán cấm vệ và đám cận thần, mỗi người trong bọn họ lại có riêng một đoàn nô lệ nữa.

Sáng sớm hôm ấy, đám mục phu ở Kampania, chân dận dép da dê, với nét mặt xạm nắng, xua qua cổng thành năm trăm con lừa cái, để ngày mai, khi tới Anxium, nàng Poppea đã có thể tắm bằng sữa của chúng theo thói quen. Dân chúng cười khoái chí khi nhìn những chiếc tai dài của đàn lừa ve vẩy trong đám bụi mù và sung sướng nghe tiếng roi quất cùng những tiếng hò hét man dại của đám mục phu. Sau khi đàn lừa cái đi qua liền có một đám đông các tiểu đồng lao ngay ra đường, dọn mặt đuờng, thật sạch sẽ, rồi rải hoa và những lá thông lên đó. Trong đám đông, người ta trầm trồ kháo nhau với một cảm giác đầy tự hào, rằng suốt dọc con đường, cho tới tận Anxium, đều được trải hoa như thế, những đóa hoa lấy trong các khu vườn tư nhân địa phương hoặc mua lại với giá cắt cổ của bọn con buôn ở cổng Porta Mugionix. Trời càng sáng, đám người mỗi lúc một đông thêm đông. Một số người dẫn theo cả bầu đoàn thê tử, và để khỏi cảm thấy thời gian chờ đợi quá dài, người ta bèn bày đồ ăn thức uống mang theo lên những phiến đá đã được xếp sẵn gần thần miếu mới của nữ thần Xerera và dùng bữa ăn điểm tâm(2) ngoài trời. Đây đó, người ta tụ tập thành từng nhóm trong đó có những tay giang hồ lão luyện dương cầm. Nhân chuyến đi của Hoàng đế, người ta bàn tán về chuyến du hành sắp tới của ngài và về chuyến du hành nói chung, trong đó có đám thủy thủ và binh lính đã mãn hạn quân dịch thuật lại chuyện lạ các vùng đất mà họ đã từng được nghe nói tới trong những chuyến viễn du: Những vùng đất chưa hề có một bàn chân La Mã nào đặt tới. Đám thị dân địa phương, những kẻ trong đời chưa một lần nào đi quá Via Appia, kinh ngạc hóng nghe những câu chuyện thần kì của xứ Ấn Độ và Ả Rập, về các quần đảo vây quanh Brytania, về hòn đảo nhỏ nơi Briarix giam giữ thần Xaturn đang say ngủ, về những xứ sở của ma quỷ, những đất nước miền cực bắc, về những mặt biển bị đông cứng lại, về tiếng rống và tiếng rít mà nước Đại dương phát ra khi mặt trời chìm xuống làn nước biển thẳm xanh. Những câu chuyện ấy chiếm ngay được lòng tin của đám tiện dân, thậm chí những kẻ như Plinius và Taxyt cũng tin. Người ta cũng nói về chiếc tàu thủy mà Hoàng đế sẽ viếng thăm, nó chở theo một luợng lúa mì đủ dùng trong hai năm, chưa kể đến bốn trăm du khách, cùng với ngần ấy người trong đoàn thủy thủ và cơ man là thú, đám thú được sử dụng trong dịp thế vận hội mùa hè. Chuyện đó đã gây nên sự ủng hộ chung của mọi người đối với Hoàng đế, ngài không chỉ nuôi sống mà còn giải trí cho dân chúng nữa. Họ sẵn sàng chào đón họ thật nồng nhiệt.

Vào lúc ấy xuất hiện một đám kị binh người Numidi thuộc đám lính cấm vệ. Họ mặc những chiếc áo dài màu vàng, thắt lưng đỏ, với những tấm che tai to tướng hắt ánh vàng lên những bộ mặt đen đúa của họ. Những ngọn giáo tre của họ sáng loang loáng trong ánh mặt trời, giống như những ngọn lửa. Sau khi họ đi qua, bắt đầu xuất hiện một đoàn người trông hệt một đám rước. Đám người dồn lấn nhau để có thể nhìn gần hơn con đường qua cổng thành, song những toán bộ binh cấm vệ đã tiến đến đứng dọc hai bên cổng thành để ngăn chặn. Dẫn đầu là những cỗ xe chở lều trại bằng vải màu đỏ thắm, màu đỏ và màu tím, những chiếc lều bằng vải byxu trắng như tuyết, khâu chỉ vàng, những tấm thảm tranh phương Đông, những chiếc bàn, những mảnh tranh ghép, các đồ dùng nhà bếp, những chiếc lồng chứa chim chóc phương Đông, phương Nam, phương Tây, mà bộ óc hoặc cái lưỡi của chúng sẽ được dâng lên bàn ngự; những chiếc vò lớn đựng rượu cùng những sọt hoa quả. Còn những đồ vật mà nguời ta sợ sẽ cong vênh, dập vỡ nếu xếp vào xe thì được các nô lệ xách tay. Người ta trông thấy hàng trăm người mang những chiếc độc bình và những pho tượng bằng đồng thau Korynto, những toán riêng biệt mang độc bình Etrux, độc bình Hy Lạp, các đồ dựng bằng vàng bằng bạc hoặc bằng thủy tinh Alecxanđria. Vây quanh họ là những tốp lính cấm vệ đi bộ hoặc cưỡi ngựa, mỗi toán nô lệ lại có các viên quản nô canh giữ, chúng được trang bị những chiếc roi, đầu có gắn một thỏi chì hoặc sắt thay cho cái vút. Đoàn diễu hành gồm toàn những con người đang chăm chú và thận trọng mang đủ các thứ vật dụng nom hệt như một đám rước tôn giáo trọng thể. Sự giống nhau ấy lại càng rõ rệt hơn khi đến lượt các nhạc cụ của Hoàng đế và đám quần thần diễu qua. Người ta trông thấy những chiếc thụ cầm, đàn luýt Hy Lạp, đàn luýt Do Thái và Ai Cập, đàn lia, đàn forming, đàn tranh, những chiếc sáo, những kèn buxyn và xymban dài lượt thượt bị gập lại. Nhìn cả một biển nhạc cụ đang lấp lánh trong nắng mặt trời với những ánh vàng, ánh đồng, những đá quí và ngọc trai, có thể ngỡ như thần Apolon hay thần Bacux đang lên đường du hành quanh thế giới. Rồi tiếp theo hiện ra những cỗ xe lớn, đẹp tuyệt vời, chở đầy bọn nhào lộn, vũ công, vũ nữ, chia thành nhiều nhóm lòe loẹt, với những thần truợng cầm tay. Theo sau chúng là đám nô lệ không dùng để phục dịch mà để phô trương sự xa hoa: nghĩa là những thị đồng, thị nữ được lựa chọn từ Hi Lạp và Tiểu Á mang về, tóc buông dài hoặc cuộn thành búi bọc trong lưới vàng, trông giống những thiên đồng, với những khuôn mặt đẹp tuyệt vời nhưng lại trát một lớp son phấn dày bự để ngọn gió của vùng Kampania khỏi làm sạm mất làn da mịn màng của chúng.

Rồi đến một đơn vị lính cấm vệ gồm toàn những người Xymkamper khổng lồ, râu quai nón, tóc trắng hoặc hung, mắt xanh. Đi trước họ là đám lính cầm cờ, được gọi là Imaginaria, mang theo những con đại bàng La Mã, cuối cùng là những pho tượng toàn thân hoặc bán thân của chính Hoàng đế. Từ dưới những lớp giáp bằng da và sắt lộ ra những cánh tay xạm màu sương gió của các chiến sĩ, lực lưỡng như những chiếc máy chiến chinh, có thể sử dụng nổi những loại vũ khí nặng nề mà bọn lính bảo vệ này được trang bị. Mặt đất như võng xuống dưới những nhịp bước chân nặng trình trịch và đều đặn của họ, còn họ, dường như cũng ý thức được sức mạnh của mình, sức mạnh mà họ có thể dùng để chống lại ngay cả các vị hoàng đế, họ cao ngạo nhìn đám thị dân, hẳn họ quên mất rằng nhiều kẻ trong bọn họ đã từng phải đeo xiềng xích khi đến thành phố này. Song tốp lính này không nhiều, bởi lực lượng chính của lính cấm vệ vẫn đóng quân nguyên trong các trại binh để canh phòng và duy trì trật tự thành phố trong hàm thiếc. Tiếp theo sau đó, người ta chở đám sư tử và hổ báo của Nerô, để nếu ngài có nảy ra ý định học đòi thần Đionixox, thì đã có sẵn súc vật để thắng vào cỗ xe diễu hành. Những người Hindu và A Rập kéo cũi đi bằng những sợi xích thép có vòng, nhưng được quấn nhiều hoa đến nỗi ngỡ như chúng được ghép lại toàn bằng những đóa hoa. Những con vật được đám nô lệ dạy thú thành thạo thuần hóa, nhìn đám đông bằng những đôi mắt xanh lè, như đang ngái ngủ, thỉnh thoảng lại vươn cái đầu to tướng thèm thuồng hít hít hơi người, hoặc the lưỡi lởm chởm những gai ra liếm mõm.

Đi tiếp theo sau là những cỗ xe và kiệu của Hoàng đế: lớn và nhỏ, vàng và đỏ, được khảm ngà voi, ngọc trai cùng những viên ngọc quý lóng lánh ánh sáng. Sau chúng lại đến một đơn vị nhỏ lính cấm vệ mặc sắc phục La Mã, gồm những người lính tình nguyện Italia(3), rồi lại tới một đám đông tiểu đồng và thị nữ phục sức sang trọng, và cuối cùng là chính hoàng đế, và tiếng hò reo náo nhiệt của dân chúng từ đàng xa báo tin ngài sắp tiến đến.

Trong đám đông, có mặt Đức Sứ đồ, người một lần trong đời muốn được thấy mặt Hoàng đế. Cùng đi với ông có Ligia, nàng che mặt bằng một chàng mạng dày và bác Urxux, sức mạnh của bác là sự bảo trợ chắc chắn cho nàng thiếu nữ giữa đám người nhốn nháo và đầy phấn khích này. Bác già người Ligi bê một tảng đá dùng để xây thần miếu mang tới cho Đức Sứ đồ, đứng trên đó Người có thể trông rõ hơn kẻ khác. Thoạt tiên, khi bác vần tảng đá, trông giống như một con tàu phá sóng, đám đông đã bắt đầu xì xào bàn tán, rồi tới khi một mình bác nhấc bổng cả tảng đá mà ngay cả bốn người khỏe nhất trong các cư dân của Hoàng đế cũng không thể lay chuyển nổi, thì tiếng xì xào biến thành kinh ngạc. Những tiếng kêu “Macle!” vang lên khắp bốn chung quanh. Song chính vào lúc đó Hoàng đế vừa tới. Ngài ngự trên một cỗ xe làm theo dạng chiếc lều, được sáu con ngựa bạch giống Iđumei đóng cương vàng kéo đi. Cỗ xe hình lều được cố ý chừa trống hai bên để dân chúng có thể được chiêm ngưỡng Hoàng đế của họ. Xe có thể ngồi được tới vài người, nhưng muốn người ta chỉ tập trung chú ý vào mỗi mình ngài cho nên Nerô chỉ đi một mình trong xe ngang qua thành phố, dưới chân ngài phủ phục hai chú lùn gù lưng. Ngài mặc một chiếc áo tunica trắng và một chiếc loga mầu ngọc tím, áo hất ánh xam xám lên mặt ngài. Đầu ngài đội một chiếc vòng nguyệt quế. Kể từ khi đi Neapolix về, ngài béo ra trông thấy. Mặt ngài mập bứ ra, phía dưới hàm chảy xệ chiếc cầm hai ngấn, khiến cho miệng ngài - vốn đã nằm quá gần lỗ mũi - giờ đây trông cứ như một vết phạt ngang ngay dưới hai lỗ mũi vậy, cái cổ nần nẫn như thường lệ được quấn một chiếc khăn lụa mà chốc chốc bàn tay trắng múp đầy mỡ của người lại sờ soạng sửa sang. Khủyu tay ngài mọc đầy lông màu hung hung đỏ, trông cứ như vạt máu, đám lông này ngài không cho phép bọn nô lệ sửa râu tóc nhổ đi, vì người ta bảo ngài rằng việc đó sẽ làm những ngón tay bị run, có ảnh hưởng xấu đến tài chơi đàn luýt. Một sự trống rỗng vô đáy hiển hiện như thường lệ trên mặt ngài, cộng thêm với vẻ mệt mỏi và chán chường. Nói chung đó là một bộ mặt vừa khủng khiếp vừa nực cười. vừa di chuyển, ngài vừa quay đầu sang bên nọ bên kia chốc chốc lại khép mi mắt chăm chú lắng nghe xem người ta chào đón mình ra sao.

Chào đón ngài là một cơn bão của những tiếng tay vỗ và tiếng kêu: “Xin kính chào! Vị thần linh! Hỡi Hoàng đế, Thánh thượng! Xin chào người chiến thắng! Xin chào con người vô song - con đẻ của thần Apolon, xin chào chính Apolon!”. Nghe những lời chào ấy, ngài mỉm cười. Song chốc chốc dường như lại có những bóng mây đen lướt qua mặt ngài, bởi đám dân chúng Roma vốn hay đả kích, cậy vào chỗ người đang đông đúc nên họ tự cho phép mình nói những lời châm chích, ngay cả với những người mà chiến thắng rất vĩ đại, những người mà thực ra dân chúng vốn mến yêu và kính trọng. Ai cũng biết rằng trước kia đã từng có lúc người ta hét lên khi Julius Xezar tiến vào Roma: “Hỡi các công dân, hãy giấu vợ đi, thằng cướp đầu hói đang tiến vào đấy!”. Tuy nhiên lòng tự ái kinh khủng của Nêro không sao chấp nhận nổi một lời châm chọc hay chỉ trích. Thế mà giờ đây trong đám đông, bên cạnh nhữnh tiếng kêu gợi ca lại vang lên tiếng gọi: “Gã Râu đỏ! Râu đỏ! Người mang bộ râu lớn của người đi đâu đấy? Người không sợ nó đốt cháy cả thành Roma à?” Và chính những người kêu lên câu đó cũng không hề biết rằng lời nói đùa của họ chứa đựng một điều tiên tri khủng khiếp biết bao. Thực ra, những tiếng kêu kia cũng chẳng khiến Hoàng đế bực mình mấy nỗi, nhất là khi ngài không còn mang bộ râu cắm nữa, ngài đã hiến dâng nó cho thần Jupiter Kapiton từ lâu rồi, đựng trong một chiếc hộp bằng vàng. Nhưng những kẻ khác, nấp sau các đống đá và gỗ của thần miếu lại kêu lên: “Matriciđa(4). Nerô! Orextex Alkmeon!”, và những người khác: “Oktavia ở đâu rồi?” “Trả lại màu đỏ đây!”. Còn đối với hoàng hậu Poppea đi ngay sát sau Hoàng đế thì người ta thét to: “Flava coma!” - đó là cái từ dùng để chỉ lũ gái điếm. Cái tai sành âm nhạc của Nêro thu lấy tất cả những tiếng kêu thét ấy. Và khi đó những ngón tay của ngài liền đặt ngay viên ngọc bích đánh bóng lên mắt để nhìn cho rõ và nhớ mặt kẻ nào đã phát ra những tiếng kêu ấy. Chính bằng cách đó, cái nhìn của Hoàng đế chợt dừng lại ở Đức Sứ đồ đang đứng trên tảng đá cao. Trong chớp mắt hai con người ấy nhìn nhau, song không một ai - cả kẻ đang ở trong đám rước tuyệt vời kia lẫn người đang ở trong đám đông đảo nọ - lại nghĩ rằng đó là giây phút đọ nhãn quang của hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó sẽ biến đi như một giấc mơ đẫm máu, còn người kia - chính cụ già mặc chiếc áo thô kệch nọ - sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời sau cả thế gian lẫn cái thành đô này.

Hoàng đế đã đi qua, liền ngay sau ngài là tám tên Phi châu khiêng chiếc kiệu đẹp tuyệt vời, trong đó nàng Poppea - kẻ vốn bị dân chúng căm ghét - ngồi chễm chệ. Cũng giống như Nêro, hoàng hậu mặc một chiếc áo dài màu ngọc tím, với một lớp son phấn dầy bự trên mặt, ả ngồi bất động, suy tư và hờ hững, giống như một nữ thần vừa xinh đẹp vừa ác độc, được rước đi trong đám tế thần. Kèm theo sau lại đến cả một bầu đoàn phục dịch nam và nữ, cùng một dãy xe chở dụng cụ phục vụ cho tiện nghi và phục sức của ả. Mặt trời đã ngả quá sang phía trời tây mới đến lượt các vị cận thần diễu qua, một đám tuyệt mỹ, nhấp nhoáng, đổi màu như da rắn, kéo dài vô tận. Ông Petronius biếng nhác, được đám đông chào hỏi thân thiện, đi với nàng nô tỳ đẹp như thần nữ của mình trong cùng một chiếc kiệu. Tygelinux đi trên một chiếc xe nhiều chỗ do bốn con ngựa nhỏ xíu kéo đi, chúng được trang điểm bằng những ngù lông màu trắng và đỏ thắm. Người ta thấy hắn đứng bật dậy, vươn cổ cố ngó xem Hoàng đế có ra hiệu cho hắn chuyển sang ngồi cùng ngài hay chăng.

Trong số những người khác, đám đông quần chúng vỗ tay hoan hô Lixynianux Pizon, cười nhạo Vitenius, huýt sáo đón Vatynius. Đối với hai vị chấp chính quan đang chức là Lixynius và Lekanius người ta giữ vẻ bàng quan. Song Tulius Xenexion, kẻ không hiểu sao lại được ưa chuộng, cũng như Vextynux thì lại được đám đông dân chúng vỗ tay hoan hô. Quần thần đông không tính xuể. dường như tất thảy những ai giàu có nhất, xinh đẹp nhất hoặc nổi tiếng nhất của Roma đều di cư đến Anxium. Nêro chẳng bao giờ đi du hành mà không có hàng nghìn cỗ xe đi cùng, còn đám tùy tùng của ngài hầu như bao giờ cũng vượt quá số đầu lính của một chiến đoàn(5. Người ta chỉ trỏ cho nhau hai lão Đomixius Apher và Luxius Xaturninux già lụ khụ; người ta nhìn thấy ông Vexpanzian, người chưa kịp lên đường đi một chuyến nữa tới xứ Judei, nơi ông vừa mới từ giã để trở về ngay sau lễ đăng quang của Hoàng đế, các con trai của ông, và chàng trai trẻ Nerva, cả chàng Lunka, Annius Ganlon, Giutianux, cùng hằng hà sa số những phụ nữ nổi tiếng hoặc vì của cải, hoặc vì sắc đẹp, hoặc bởi quá xa hoa và trụy lạc. Mắt của đám người chuyển từ những khuôn mặt người nổi tiếng sang các bộ dây cương, những cỗ xe, đàn ngựa, những bộ quần áo kỳ dị của đám gia nhân mang dòng máu của tất thảy các dân tộc trên thế giới. Trong dòng lũ cuồn cuộn những thứ xa hoa và kỳ vĩ ấy người ta không biết đến nên nhìn thứ gì. Không chỉ riêng mắt mà cả đầu óc của người ta cũng bị lóa bởi những ánh vàng, bởi ánh lóng lánh của những hạt cườm, ngọc trai, ngà voi. Tưởng chừng chính ánh mặt trời cũng đã tan lẫn trong cái biển thẳm tuyệt diệu kia. Mặc dù trong đám đông dân chúng không hiếm chi những kẻ bần hàn, với cái bụng lép kẹp và cái đói chứa đầy hốc mắt, thế nhưng cảnh tượng cao sang kia không những chỉ đốt cháy lên trong họ sự khát khao hưởng thụ và lòng ghen tỵ, mà còn khiến họ tràn đầy khoái cảm và tự hào khi nó cho cảm giác về sức mạnh và sự vô dụng của La Mã, vốn do thế giới tạo nên đồng thời lại được thế giới thần phục. Trên đời hẳn không kẻ nào dám ngờ rằng sự hùng mạnh kia sẽ không tồn tại đời đời, không thọ hơn tất thảy các dân tộc, rằng trên thế giới có cái gì dám cưỡng chống lại sự hùng mạnh ấy.

Vinixius đi ở cuối đoàn hộ giá. Nhìn thấy Đức Sứ đồ và Ligia, người mà chàng sẽ không ngờ sẽ được gặp, chàng nhảy vội khỏi xe, rồi sau khi chào hỏi cả hai với nét mặt bừng sáng, chàng nói vội vàng như người không muốn phí hoài giây phút nào:

- Nàng đã đến đấy ư? Tôi không biết phải cảm ơn nàng thế nào như thế nào cho xứng đây, hỡi Ligia! Thượng đế không thể gửi cho tôi lời tiên tri nào tốt lành hơn nữa. Một lần nữa xin cầu chúc nàng mạnh khỏe. Xin tạm biệt, nhưng chẳng lâu đâu.Tôi đã sai đặt ngựa trạm dọc đường, ngày nào được rảnh, tôi cũng sẽ có mặt bên nàng, cho tới lúc tôi xin được trở về hẳn.

Cầu chúc nàng luôn mạnh khỏe.

- Xin chúc chàng sức khỏe, Marek! - Ligia đáp, rồi nàng khẽ nói thêm:

- Cầu Đức Chúa Crixtux dẫn dắt và mở rộng tâm chàng đón những lời của đức Paven.

Lòng chàng vui sướng dạt dào vì nàng tha thiết mong chàng chóng trở thành tín đồ Thiên chúa giáo, chàng bèn đáp:

- Ocelle mi! Cầu cho được như lời nàng chúc! Đức Paven muốn đi lẫn trong đám gia nhân của tôi, nhưng ông sẽ luôn ở bên tôi, ông sẽ là người thầy, người bạn của tôi... Xin nàng hãy ghé chàng mạng ra một chút, hỡi niềm vui sướng của tôi, để tôi được nhìn nàng một lần nữa trước lúc lên đường. Sao nàng lại che mặt kín thế?

Nàng đưa tay vén chàng mạng, hé cho chàng thấy khuôn mặt trắng mịn cùng đôi mắt đẹp tuyệt đang tươi cười và hỏi:

- Như thế không hay sao, chàng?

Nụ cười của nàng chứa một chút bướng bỉnh thiếu nữ, nhưng chàng Vinisiux nồng nhiệt đang say ngắm nàng đáp lại:

- Không hay cho đôi mắt của tôi, đôi mắt chỉ biết nhìn mỗi mình nàng, duy nhất, cho đến chết!

Rồi chàng quay sang bác Urxux và nói:

- Bác Urxux, bác hãy giữ gìn nàng như con ngươi mắt nhé, bởi nàng không chỉ là nữ thánh mà còn là của tôi nữa đấy.

Nói đoạn, chàng cầm tay nàng ghé môi hôn trước sự kinh ngạc của đám tiện dân, họ không sao hiểu nổi cái biểu hiện thành kính của vị cận thần tuyệt vời xinh đẹp nọ dành cho người thiếu nữ mặc áo dài dân dã, gần như áo bọn nô lệ này.

- Nàng khỏe nhé...

Rồi chàng vội vã rời chân, vì cả đoàn ai tùy tùng của Hoàng đế đã đi khá xa rồi. Đức Sứ đồ Piotr khẽ làm dấu thánh giá từ biệt chàng, còn bác Urxux tốt bụng thì hết lời ca ngợi chàng, bác rất vui sướng khi cô chủ trẻ chăm chú lắng nghe và nhìn bác đầy vẻ biết ơn.

Đoàn tùy giá đã đi xa và khuất sau những đám bụi vàng nhưng họ còn nhìn theo mãi, cho tới khi chủ cối xay bột là Đemax, người mà đêm đêm bác Urxux vẫn tới làm thuê, tiến lại gần.

Sau khi hôn tay Đức Sứ đồ, ông mời họ rẽ qua nhà ông dùng bữa, ông nói rằng nhà ông ở gần Emporium, mà họ thì chắc đã khá đói vì mệt và vì đứng gần suốt ngày bên cổng thành rồi.

Họ bèn cùng nhau về nhà ông Đemax, rồi tới gần tối, sau khi nghỉ ngơi và ăn uống, họ quay về khu Zalybre. Đi ngang sông bằng cầu Emilius, họ đi theo Clivux Publicux, ngang qua ngọn đồi Anventyn, giữa các thần miếu Điana và Merkurơ. Từ trên cao, Sứ đồ Piotr nhìn xuống những tòa nhà chung quanh những ngôi nhà lờ mờ xa tít chân trời và trầm tư suy nghĩ về sự to lớn của cùng quyền bá chủ của thành đô này, nơi ông đã đặt chân đến để truyền lại những lời răn của Đức Chúa. Cho tới lúc này, ông mới thấy được sự thống trị của La Mã, với những chiến đoàn đóng tại các vùng đất mà ông đã đi qua, nhưng đó chỉ giống như những cái chi riêng lẻ của cái sức mạnh tập trung vào một hình hài mà hôm nay ông mới trông thấy lần đầu. Thành phố này vô độ, tàn ác và tham lam, nó tàn tạ, thối nát đến tận xương tủy, song dường như không hề bị suy suyển trong sức mạnh siêu nhiên của nó. Hoàng đế - kẻ giết mẹ, thằng giết em, tên giết vợ - kéo theo sau một dãy dài những bóng ma đẫm máu, không ít hơn đám quần thần của hắn, tên phóng đãng, thằng hề, song đồng thời lại là chúa tể của ba mươi chiến đoàn, và qua đó - chúa tể của toàn trái đất. Đám triều thần phủ đầy vàng và lụa đó, không dám chắc ngày mai, song vẫn quyền thế hơn cả các bậc đế vương. Đối với ông, tất thảy những thứ đó gộp thành một vương quốc khủng khiếp của cái ác và sự vô lý. Trái tim chất phác của ông ngạc nhiên tại sao Đức Chúa lại giao phó cái quyền lực không thể hiểu nổi kia cho một con quỷ sa tăng, sao Đức Chúa lại trao cho hắn trái đất này để hắn mặc sức nhào lặn, xoay lật, dày vò, bóp lặn ra máu và nước mắt. Hắn xoay giật như gió lốc, tàn hại như bão tố, triệt phá như ngọn lửa. Những ý nghĩ ấy khiến trái tim sứ đồ của ông run rẩy, ông thầm gọi lên thầy: “Chúa ơi tôi biết làm gì với cái thành phố mà Người đã phái tôi tới? của y cả biển cả và đất liền, của y cả muông thú trên mặt đất và thủy tộc dưới nước, của y cả những quốc vương và thành quách, cả ba mươi chiến đoàn đang canh giữ; còn tôi, thưa Chúa, chỉ là một tên ngư phủ ở ao hồ! Tôi biết làm gì đây? Tôi làm sao thắng được sự dữ của y?”

Lòng nhủ thầm như thế, đầy ưu phiền và lo lắng, ông ngẩng mái đầu bạc run run của mình lên trời thành tâm cầu nguyện và kêu tên xin Người Thầy Thiêng Liêng của ông.

Đột nhiên những lời cầu nguyện của ông bị tiếng Ligia cắt ngang, nàng thốt lên:

- Cả thành phố như đang chìm trong lửa...

Quả thực, chiều hôm ấy mặt trời lặn một cách khác thường. Cái đai khổng lồ của vầng thái dương đã khuất một nửa sau ngọn đồi Janiku và toàn bộ bầu trời ngập tràn ánh đỏ. Từ nơi họ đứng, tầm mắt bao quát cả một không gian rộng lớn. Hơi chếch về bên phải, họ trông thấy bức tường dài của Đại Hý Trường, bên trên là tầng tầng lớp lớp những tòa ngang dãy dọc của cung điện Palatyn. Thẳng ngay trước mặt, phía sau Forum và Velabrum, là đỉnh đồi Kapitol với thần miếu Jupiter. Song tất thảy những hàng cột, những bức tường và đỉnh nhọn của các tòa thần miếu kia dường như đều ngập chìm trong ánh sáng của màu vàng và đỏ rực. Những đoạn sông nhìn rõ ở xa xa giống như dòng sông máu, và mặt trời càng lặn xuống sau đồi thì ráng chiều mỗi lúc một thêm đỏ rực, mỗi lúc một thêm giống quầng lửa của đám cháy, nó mạnh lên, lan rộng ra, và rốt cuộc trùm phủ cả bảy ngọn đồi, từ đó dường như nó đang lan tràn ra những vùng chung quanh.

- Cả thành phố như đang chìm trong lửa - Ligia lặp lại

Ông Piotr đưa tay che mắt và nói:

- Cơn giận dữ của Đức Chúa đang ở trên thành phố!

Chú thích:

(1) Via Littoralis

(2) Nguyên văn: Prandium (Latinh).

(3) Cư dân Italia của Hoàng đế Anguxt miễn cho nghĩa vụ quân sự, nên các đơn vị của họ - thường được gọi là Cohors Elalica, chỉ gồm toán lính tình nguyện. Trong đội cấm vệ cũng vậy, nếu không phải người ngoại quốc thì là lính tình nguyện (chú thích tác giả)

(4) Thằng giết mẹ (La tinh)

(5) Vào thời các Hoàng đế La Mã, mỗi chiến đoàn khoảng 6000 người (Chú thích của tác giả).

Hết tập 1
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...