Sói Thảo Nguyên

Chương 6



Trong lúc hai gã Harry này cãi vã thì tôi hầu như quên bẵng ông giáo sư; nên bây giờ sự hiện diện của ông đột nhiên khiến tôi lại thấy khó chịu và tôi hối hả tìm cách dứt khỏi ông cho rảnh nợ. Tôi nhìn theo ông một lúc lâu, khi bóng ông khuất dần trên đại lộ trơ trụi, với dáng đi hiền lành và hơi kỳ quái của một con người có lý tưởng cao, một kẻ sùng tín. Cuộc gấu ó kia sôi sục trong lòng tôi; trong lúc co vào, duỗi ra như máy những ngón tay cứng đơ bị chứng thống phong âm thầm hành hạ, tôi phải thú nhận rằng mình đã bị phỉnh nịnh nên đã tròng vào cổ lời mời ăn chiều lúc bảy giờ rưỡi, cùng với bó buộc về lịch sự, tán gẫu về khoa học và ngắm nhìn hạnh phúc gia đình người khác. Tôi điên tiết đi về nhà, uống ly rượu Cognac pha với nước, ngoài ra còn nuốt vài viên thuốc trị bệnh thống phong, rồi ngả người trên đi văng, cố đọc sách. Cuối cùng, khi đã đọc được một lúc quyển Chuyến du lịch của Sophie từ Memel đến Sachsen, một câu chuyện giải trí mê ly của thế kỷ 18, tôi sực nhớ đến lời mời nọ, mà tôi chưa cạo râu, lại còn phải ăn vận nữa. Chỉ Chúa biết sao tự dưng tôi lại tròng vào cổ những chuyện này! Nào, Harry, đứng lên, bỏ sách xuống, xát xà phòng cạo râu, gọt cằm cho tóe máu, đóng bộ vào và hãy hài lòng nơi con người! Trong lúc xát xà phòng tôi nghĩ tới cái hố bùn bẩn thỉu trong nghĩa trang, nơi hôm nay họ đã thòng dây hạ huyệt kẻ xa lạ nọ, đến những khuôn mặt nhăn nhó của những tín hữu Cơ Đốc giáo buồn tẻ, nghĩ mà không nhếch mép cười nổi. Tôi thấy dường như tại cái hố bùn bẩn thỉu nọ, trong những lời ngu muội lúng ba lúng búng của nhà thuyết giảng, trong nét mặt lúng ba lúng búng ngu muội của tang chúng, trong cảnh hoang liêu của mọi cây thập giá và bia mộ bằng sắt thép và cẩm thạch, trong hết thảy những bông hoa giả bằng dây kẽm hoặc thủy tinh, không chỉ kết thúc đời kẻ xa lạ nọ, nơi đó không chỉ tôi cũng sẽ kết thúc ngày mai hoặc ngày kia, bị vùi lấp vào bùn đất dưới vẻ bối rối và dối trá của những kẻ tham dự; không, tất cả đều sẽ kết thúc như thế, mọi kỳ vọng của chúng ta, toàn bộ văn hóa của chúng ta, toàn bộ niềm tin của chúng ta, mọi nỗi sống vui và tính yêu đời của chúng ta, cái tính yêu đời đã quá bệnh hoạn và chẳng mấy chốc cũng sẽ bị chôn vùi. Thế giới văn minh của chúng ta là một bãi tha ma, trong đó Chúa Jesus Ki-tô và Socrates, Mozart và Haydn, Dante(1) và Goethe chỉ còn là những tên tuổi phai mờ trên những mộ bia han gỉ; đám người đưa tang bối rối và giả trá bu quanh sẵn sàng trả khối tiền, nếu họ còn tin tưởng nổi vào những tấm mộ bia bằng kim loại từng là thiêng liêng đối với họ; họ sẵn sàng trả khối tiền, dù ít nhất có thể nói được một lời trung thực, nghiêm chỉnh về nỗi u buồn và niềm tuyệt vọng đối với cái thế giới đã tiêu vong, nhưng thay vào những thứ ấy họ chẳng còn gì khác hơn là gượng gạo cười, đứng vơ vẩn bên một tấm mộ. Bực bội nên tôi lại làm trầy trụa chỗ xưa nay vẫn thường bị ở cằm, phải tẩy rửa vết thương mất một lúc, và lại phải thay chiếc cổ áo vừa mới đeo(2) mà hoàn toàn chẳng hiểu tại sao mình lại làm tất cả những điều ấy, vì tôi chẳng chút hứng thú với lời mời. Nhưng một phần của Harry lại giở trò, bảo rằng ông giáo sư là kẻ đáng mến, khao khát được tiếp xúc, chuyện vãn và giao tế đôi chút với con người, hắn nhớ tới bà vợ xinh xắn của ông ta, thấy về cơ bản cái ý tưởng trải qua một buổi tối với những người chủ nhà khả ái thật là đáng phấn khởi và hắn giúp tôi dán lên cằm một miếng băng của Anh, giúp tôi mặc quần áo, thắt chiếc ca vát lịch sự và nhẹ nhàng khuyên tôi từ bỏ điều mong muốn thật sự là được ở nhà. Đồng thời tôi lại nghĩ: giống như tôi thắng bộ lúc này rồi đến thăm ông giáo sư, trao đổi với ông những điều lễ độ mang ít nhiều giả dối mà tôi thật lòng không muốn, thì phần lớn con người ta hằng ngày, hằng giờ phải sống và hành động tương tự như thế, bó buộc chứ không hề muốn; họ thăm viếng, trò chuyện với nhau, ngồi cho hết giờ ở bàn giấy, dù trong công sở hay hãng tư, tất cả đều miễn cưỡng, máy móc, gượng gạo, tất cả những chuyện này để máy móc làm cũng tốt không kém hoặc bỏ cũng chẳng sao; chính cái cơ chế chạy hoài hủy đó đã ngăn cản họ, giống như trong trường hợp tôi, phê phán chính cuộc sống của mình, ngăn cản họ cảm nhận sự ngu muội và hời hợt, sự khả nghi đáng tởm, sự buồn rầu tuyệt vọng và nhạt nhẽo của cuộc sống ấy. Chà, họ - những con người ấy - có lý, có lý quá, khi họ sống như thế, chơi trò chơi của họ, đeo đuổi những việc quan trọng của họ thay vì cưỡng lại cái cơ chế ảo não và đăm đăm nhìn tuyệt vọng vào cõi hư vô, như tôi - một kẻ lầm đường lạc lối - đang làm. Nếu trong những trang giấy này thỉnh thoảng tôi khinh thị và cả giễu cợt con người, xin đừng ai nghĩ rằng tôi đổ lỗi cho họ, lên án họ, quy trách nhiệm cho người khác về nỗi khốn khổ của cá nhân tôi! Nhưng mà tôi, kẻ đã dấn bước quá xa và nay đứng bên rìa cuộc sống, nơi nó rơi vào cõi tối đen thăm thẳm, sẽ sai trai và dối trá nếu cố lừa mị mình và người khác, làm như thể cái cơ chế kia vẫn quay đều với cả tôi trong đó, như thể cả tôi cũng vẫn thuộc về thế giới trẻ thơ đẹp đẽ nọ của trò chơi miên viễn.

1. Haydn: nhạc sĩ Áo vào thế kỷ 18; Dante: nhà thơ Ý vào thế kỷ 13, 14.

2. Cổ áo cứng rời, để gắn vào loại sơ mi chuyên dùng đóng bộ với áo smoking hoặc đuôi tôm.

Cho nên buổi tối hôm ấy cũng tuyệt vời tương ứng. Tôi dừng lại một lúc trước ngôi nhà của ông giáo sư, ngước nhìn những khung cửa sổ. Người đàn ông này sống ở đây, tôi thầm nghĩ, ông ta không ngừng làm công việc của mình hết năm này sang năm khác, hứng thú đọc và chú giải những văn bản, tìm kiếm những liên hệ những thần thoại vùng Tây Nam Á với Ấn Độ, vì ông tin tưởng vào giá trị của việc mình làm, tin vào khoa học mà ông là kẻ phục vụ, tin vào giá trị của kiến thức đơn thuần, của sự thu thập nó, vì ông tin vào sự tiến bộ, vào sự phát triển. Ông không phải trải qua cuộc chiến tranh(1), không trải nghiệm sự chấn động tận nền tảng của sự tư duy - cho tới bây giờ - mà Einstein(2) đã gây ra (ông nghĩ rằng điều này chỉ liên quan đến các nhà toán học), ông không mảy may thấy chung quanh mình cuộc chiến tranh sắp tới đang được chuẩn bị ráo riết như thế nào, ông cho rằng người Do Thái và Cộng sản là đáng thù ghét, ông thật không khác một đứa trẻ vô tư lự, ham đùa nghịch, tự cho mình là quan trọng, ông thật đáng ganh tị xiết bao. Gạt bỏ do dự, tôi bước vào, được một cô người làm đeo tạp dề trắng ra đón; chẳng hiểu linh cảm thế nào mà tôi lại ghi nhớ rõ chỗ cô treo mũ cùng măng tô của tôi; cô mời tôi vào một căn phòng sáng sủa ấm cúng, yêu cầu tôi ngồi đợi; rồi tôi, thay vì cầu nguyện hay nhắm mắt ngơi một lát, lại chiều theo bản năng nghịch ngợm của mình, vớ ngay lấy một vật gần nhất trong tầm tay. Đó là một bức hình nhỏ lồng khung đứng nghiêng nghiêng trên chiếc bàn tròn nhờ cái chân chống bằng giấy bồi cứng, một bản khắc đồng diễn tả thi hào Goethe, một cụ già đầy cá tính, mái tóc hết sức chải chuốt với khuôn mặt được tạo hình thật đẹp và không thể thiếu đôi mắt rực lửa nổi tiếng cùng đường nét thoa phấn trắng hơi cô đơn và đau khổ của người sống trong cung đình mà nhà nghệ sĩ đã đặc biệt dày công tô điểm. Y đã thành công trong việc tạo nên một vẻ thản nhiên và trung thực khá mô phạm lẫn kịch cỡm mà không làm tổn hại đến sự sâu sắc nơi cụ già quỷ quái này; nói chung, nhà nghệ sĩ nọ đã biến Goethe thành một con người đẹp lão thật sự, đáng trưng bày trong mỗi ngôi nhà trưởng giả. Có lẽ tấm hình này không ngô nghê hơn mọi bức cùng loại của các thợ thủ công cần cù về nghệ thuật, như những bức hình đấng Cứu thế xinh đẹp, hình các tông đồ, các vị anh hùng, những thiên tài về tư tưởng và những chính khách tài ba; nhưng nó khiến tôi bực mình có lẽ chỉ do một sự thành thạo điêu luyện nào đấy; dẫu vì lý do gì thì cái hình ảnh diễn tả vô nghĩa và tự mãn này về cụ Goethe đã như quát ngay vào mặt tôi - nghe rất chói tai và hậu quả thật đáng tiếc, vì tôi đang cáu tiết do sẵn khá bực dọc - rằng tôi đã đến nhầm nơi, rằng đây là chỗ dành cho những bậc lão thành được cách điệu hóa tuyệt mỹ và những vĩ nhân của đất nước, chứ không phải cho lũ sói thảo nguyên.

1. Tác giả muốn nói đến cuộc Thế chiến I (1914-1918).

2. Ý tác giả nói đến thuyết Tương đối do Albert Einstein (1879-1955) đề ra vào những năm 1905 và 1915.

Giá lúc ấy ông chủ nhà bước vào thì may ra tôi có thể viện những lý do có thể chấp nhận để rút lui. Nhưng người bước vào lại là bà vợ ông, nên tôi đành phó mặc cho số phận, dù đã linh cảm chuyện chẳng lành. Vừa chào hỏi nhau xong thì tiếp theo điều lạc điệu đầu tiên chỉ toàn là những lạc điệu mới. Bà khen vẻ mặt tôi tươi tốt, mà tôi quá rõ rằng mình đã già đi biết bao trong mấy năm qua, kể từ lần gặp gỡ cuối cùng. Chỉ cần bắt tay bà thôi là những ngón tay nhức buốt do chứng thống phong đã nhắc nhở tôi đau xót nhớ tới điều ấy. Đúng thế! rồi bà hỏi thăm về sức khỏe người vợ yêu quý của tôi, tôi phải trả lời rằng vợ tôi đã bỏ tôi và chúng tôi ly dị nhau rồi(1). Nên cả bà lẫn tôi đều mừng rỡ, khi ông giáo sư bước vào. Ông cũng niềm nở chào tôi và vở kịch nhanh chóng mang vẻ khôi hài nhất mà ta có thể hình dung được. Ông cầm tờ nhật báo đặt mua dài hạn của cái đảng quân phiệt và kích động chiến tranh(2); bắt tay xong, ông chỉ vào tờ báo kể rằng trong đó viết đôi điều về một người trùng tên với tôi, một nhà báo Haller; hẳn y là một kẻ đê tiện và vô Tổ quốc, vì y đã chế nhạo Đức Hoàng đế(1) và cho rằng trong việc gây ra cuộc chiến tranh, Tổ quốc của y cũng gánh trách nhiệm không kém những nước thù địch. Hẳn y phải là một kẻ tồi tệ nhường nào! Đây, trong tờ báo này y đã bị vạch mặt chỉ tên, ban biên tập đã đập y tơi bời và bêu riếu phải biết! Nhưng khi thấy tôi không quan tâm đến chuyện ấy, ông liền đổi qua đề tài khác; vợ chồng ông thật chẳng mảy may nghĩ tới khả năng có thể tên ác ôn kia đang ngồi ngay trước mặt họ. Đúng vậy đấy, tên ác ôn nọ chính là tôi. Chà, khua chiêng gióng trống khiến người ta bất an mà làm gì! Tôi cười thầm, nhưng không còn hy vọng tối hôm đó có được đôi chút thoải mái. Tôi vẫn nhớ rõ giây phút ấy, vì đúng lúc đó, khi ông giáo sư nói về tên phản quốc Haller, cái cảm giác phiền muộn và tuyệt vọng tồi tệ không ngừng chất chứa trong tôi từ lúc dự đám tang càng lúc càng dữ dội thêm, trở thành một sức ép điên cuồng, một tình trạng cùng quẫn mà tôi cảm thấy rõ trong cơ thể mình (nơi bụng dưới), một cảm giác sợ hãi đến ngạt thở về định mệnh. Có gì đó đang rình rập, tôi cảm thấy thế, một mối nguy cơ đang lẻn tới tôi từ phía sau. May thay chúng tôi được thông báo bữa ăn đã sẵn sàng. Chủ khách cùng kéo vào phòng ăn; trong lúc tôi luôn cố gắng nói hoặc hỏi những điều vô thưởng vô phạt, tôi lại ăn nhiều hơn bình thường, nên càng lúc càng cảm thấy thảm hại hơn. Lạy Chúa, tôi không ngớt thầm nghĩ, sao chúng ta cứ phải gắng sức thế này? Tôi cảm thấy rõ chính vợ chồng chủ nhà cũng không thoải mái; họ phải cố gắng mới tươi tỉnh được, hoặc vì tôi đã khiến họ bị tê liệt đến mức ấy, hoặc vì trong nhà này có điều chi bất hòa. Họ hỏi tôi toàn những điều mà tôi không trả lời thẳng thắn được; chẳng mấy chốc tôi buộc toàn phải nói dối thật sự, để rồi phải chống chịu nỗi kinh tởm sau mỗi lời mình thốt ra. Cuối cùng, để lái sang đề tài khác, tôi kể về đám tang đã chứng kiến bữa nay. Nhưng tôi ăn nói tẻ nhạt nên những cố gắng gây hài hước của mình chỉ tạo ra bực dọc, khiến chủ khách lại càng thêm xa cách; con sói trong tôi liền nhe răng cười. Lúc ăn tráng miệng cả ba chúng tôi đều lặng lẽ hẳn.

1. Năm 1923, Hesse ly dị người vợ đầu, Maria Bernouilli.

2. Đảng Quốc xã Đức của Hitler, thành lập năm 1921 - thoát thai từ một đảng cực khác - chủ trương “bài Do Thái, chống Cộng sản”, gây chiến tranh để báo thù sự thất trận trong Thế chiến I và rửa mối nhục bị Đồng minh áp đặt.

1. Wilhelm II (gọi theo tiếng Pháp là Guillaume) hoàng đế Phổ (1886-1918); thoái vị ngày 28.11.1918, sau khi bại trận trong Thế chiến I, chấm dứt nền quân chủ ở Đức.

Rồi chủ khách cùng quay lại căn phòng đầu tiên để dùng cà phê và rượu; biết đâu hai món này sẽ giúp chúng tôi được chút gì chăng. Nhưng ở đó, bậc thái sơn bắc đẩu của làng thơ lại đập vào mắt tôi; cụ đã được mời sang một chiếc tủ chè bên cạnh. Tôi không dứt khỏi cụ được nên đã lại cầm lấy, bắt đầu tranh luận với cụ, dù không phải không nghe thấy tiếng cảnh báo trong lòng mình. Tôi như bị ám ảnh bởi cảm giác rằng bây giờ tình thế đã trở thành khôn kham và tôi phải hoặc làm cho vợ chồng chủ nhà sôi nổi lên bằng được, lôi cuốn họ vào sự cao hứng giống như tôi hoặc đưa đến đổ bể hoàn toàn.

“Chúng ta hãy hy vọng,” tôi nói, “rằng Goethe thật sự trông không như thế này, không mang cái dáng điệu kiêu căng và quý tộc này, cái phẩm cách làm duyên làm dáng này đối với quý vị quan khách tham quan và ẩn dưới bề ngoài có vẻ nam tính là cả một thế giới đa cảm rất yếu đuối. Đương nhiên người ta có thể phản bác cụ nhiều thứ, chính tôi cũng thường không ưa ông già làm bộ làm tịch này, nhưng diễn tả cụ như vầy thì không được, thế là quá lố.”

Với khuôn mặt cực kỳ thiểu não, bà chủ nhà rót xong cà phê liền hối hả đi ra; ông chồng thổ lộ với tôi - nửa bối rối, nửa trách móc - rằng bức hình Goethe này là của vợ ông và bà đặc biệt yêu quý nó. “Ngay cả ông đúng về mặt khách quan, điều mà tôi phủ nhận, thì ông cũng không nên nói toạc ra như thế chứ.”

“Ông nói đúng,” tôi công nhận. “Rất tiếc đó là một thói quen, một tật xấu của tôi, cứ luôn chọn lối nói thẳng thừng nhất, điều mà Goethe cũng từng làm trong những giờ phút thoải mái của mình. Cụ Goethe dễ thương và thiển cận trong phòng khách này dĩ nhiên chẳng bao giờ dùng một lối nói thành thật trực tiếp. Tôi tha thiết mong ông bà tha lỗi cho - xin ông nói giúp với bà nhà rằng tôi là một kẻ mắc chứng tâm thần phân liệt. Đồng thời tôi cũng xin phép cáo từ.”

Chủ nhà luống cuống vài lời chống chế, nhắc cả chuyện ngày trước chúng tôi từng có những buổi mạn đàm thú vị và gây cảm hứng; đúng thế, điều phỏng đoán hồi đó của tôi về Mithras và Krishna(1) từng gây ấn tượng sâu đậm cho ông và ông đã hy vọng hôm nay cũng sẽ lại … vân vân. Tôi cảm ơn ông về những lời rất mực thân ái ấy, nhưng tiếc thay sự quan tâm của tôi tới Krishna đã tan biến, cũng như tôi hoàn toàn chẳng còn hứng thú gì với những buổi mạn đàm khoa học, rằng hôm nay tôi đã nhiều lần nói dối ông, chẳng hạn không phải tôi đến thành phố này mới vài ngày, mà đã nhiều tháng rồi, nhưng sống một thân một mình và không tiện giao du với những gia đình trưởng giả nữa, vì một là tôi rất xấu tính, lại mắc bệnh thống phong và hai là tôi rất thường say sưa. Ngoài ra, để làm sáng tỏ và ít nhất không từ giã như một kẻ dối trá, tôi phải giải thích cho ông chủ nhà quý mến rằng hôm nay ông đã rất miệt thị tôi, vì ông đã lấy quan điểm của một tờ báo phản động về những suy nghĩ của Haller làm của mình, những quan điểm ngu xuẩn, đầu bò đầu bướu, thích hợp với một viên sĩ quan vô công rồi nghề, nhưng không xứng với một học giả như ông. “Gã vô Tổ quốc” Haller đó lại chính là tôi và có lẽ sẽ tốt hơn cho đất nước chúng ta và thế giới, nếu có được ít ra dăm ba kẻ biết suy nghĩ chịu đứng về phía lý trí và yêu chuộng hòa bình, thay vì mù quáng và điên cuồng nhắm tới một cuộc chiến tranh mới. Thôi, đành vâng theo ý Chúa!

1. Mithras: thần Thái Dương ở Ba Tư cổ đại; Krishna: hóa thân thứ tám của Vishnu, một trong ba ngôi thần chúa tể trong đạo Bà La Môn.

Thế là tôi đứng lên, từ biệt cụ Goethe và ông giáo sư, giật phăng mũ áo treo trên móc ở nhà ngoài rồi bỏ đi. Con sói trong lòng tôi tru lên hể hả; giữa hai gã Harry nổ ra một trận đấu khẩu kịch liệt. Vì buổi tối kém vui vẻ này mang nhiều ý nghĩa với tôi hơn là với ông giáo sư đang phẫn nộ kia, tôi rõ ngay điều ấy; với ông nó chỉ là một sự thất vọng và một chút bực mình, còn với tôi đó là một thất bại và một cuộc tháo chạy cuối cùng, là sự giã từ của tôi với thế giới trưởng giả, đạo đức và thông thái, một thắng lợi hoàn toàn của con sói thảo nguyên. Tôi giã từ như kẻ đào tẩu và chiến bại, như một lời tuyên bố phá sản trước chính mình, giã từ không lời an ủi, không kênh kiệu, không hài hước. Tôi đã giã từ thế giới cũ, quê hương xưa của mình, lối sống trưởng giả, tập quán, sự uyên bác không khác một kẻ đau bao tử giã biệt món thịt heo chiên. Tôi giận dữ bước đi dưới những ngọn đèn đường, giận dữ và buồn thắt ruột. Thật là một ngày buồn nản, đáng xấu hổ, tồi tệ, từ sáng đến tối, từ nghĩa trang đến những biến cố trong nhà ông giáo sư! Để làm gì chứ? Tại sao? Có ý nghĩa gì không, khi chất lên mình thêm nhiều ngày như thế này nữa, hứng chịu thêm nhiều hậu quả tồi tệ như thế này nữa? Không! Thế thì đêm nay tôi sẽ kết thúc vỡ hài kịch này. Về nhà thôi, Harry, về mà cắt phăng cái họng mi đi! Mi đã chờ đợi chuyện này đủ lâu rồi.

Tôi lang thang qua các phố xá, lòng dằn vặt khổ đau. Đúng là tôi đã quá ngu xuẩn, ngu xuẩn và bất lịch sự, khi phỉ nhổ vật trang hoàng phòng khách của những con người tử tế, nhưng tôi hoàn toàn không thể làm khác được, tôi không thể chịu đựng nổi lối sống dễ bảo, giả trá và ngoan ngoãn kia. Và vì tôi, chừng như thế, cũng không thể chịu nổi sự cô đơn nữa, vì xã hội của riêng tôi cũng đã trở nên đáng ghét và kinh tởm khôn xiết đối với tôi, vì tôi ngạt thở giãy giụa trong cái địa ngục thiếu vắng không khí của mình, vậy hỏi còn lối thoát nào nữa chứ? Không còn lối nào cả. Hỡi mẹ cha, hỡi ngọn lửa thiêng thời trẻ xa xôi của tôi, hỡi muôn và niềm vui, công trình và mục tiêu của đời tôi! Tôi chẳng còn gì trong tất cả những thứ ấy, không có nổi một sự ân hận, chỉ toàn kinh tởm và đau đớn. Chưa bao giờ, dường như thế, cái việc duy nhất là phải sống lại khiến tôi đau khổ như trong giờ phút này.

Tôi ngồi nghỉ một lúc trong cái quán buồn tẻ ở ngoại ô, uống rượu Cognac pha nước, rồi tiếp tục đi như bị ma đuổi lên những con đường dốc quanh co của khu phố cổ, rồi lại xuống dốc, qua những đại lộ, băng qua quảng trường Nhà Ga. Mình đi nơi khác! tôi nghĩ thế, rồi bước vào trong ga, nhìn đăm đăm vào bảng giờ tàu chạy trên những bức tường, uống chút vang, cố ngẫm nghĩ. Tôi bắt đầu nhận ra, càng lúc càng gần hơn, càng lúc càng rõ rệt hơn, cái bóng ma đã khiến tôi khiếp sợ. Bóng ma đó chính là về nhà, là quay về trong căn phòng mình, là sự phải bình thản trước nỗi tuyệt vọng! Tôi không sao thoát nổi bóng ma ấy; dù đi loanh quanh thêm nhiều giờ nữa tôi vẫn không thoát nổi phải trở về với cái cửa phòng mình, tới cái bàn đầy sách, tới cái đi văng với tấm hình người yêu dấu của tôi treo phía trên, không thoát nổi giây phút tôi rút dao cạo và tự cắt cổ. Hình ảnh này hiện ra càng lúc càng rõ rệt trước mắt tôi và tôi cảm thấy càng lúc càng rõ, với trái tim hối hả, nỗi sợ hãi nhất trong mọi sợ hãi: sợ cái chết! Vâng, tôi sợ chết kinh khủng. Cho dù tôi không thấy một lối thoát nào khác, dù sự kinh tởm, đau khổ và tuyệt vọng chồng chất quanh tôi, dù chẳng còn gì khêu gợi được tôi, tạo nổi cho tôi niềm vui và hy vọng, tôi vẫn cứ khiếp sợ không thốt nên lời trước sự hành hình, trước giây phút cuối cùng, trước vết cứa lạnh lẽo toang hoác vào chính da thịt mình! Tôi không thấy lối nào thoát khỏi điều đáng sợ này. Hôm nay sự hèn nhát có thể thắng trong trận đấu tranh giữa tuyệt vọng và hèn nhát, ngày mai và mọi ngày khác tôi sẽ lại vẫn đối diện với nỗi tuyệt vọng, nhiều hơn nữa, do tự khinh bỉ. Tôi sẽ cứ hết cầm lưỡi dao rồi lại quăng nó đi, cho đến lúc rốt cục sẽ thực hiện ý định. Thế thì là làm quách hôm nay! Tôi lựa lời tự nhủ, như vỗ về một đứa trẻ đang sợ hãi, nhưng nó không nghe mà bỏ chạy, nó muốn sống. Rùng mình từng cơn, tôi tiếp tục đi qua thành phố, vòng thật xa căn hộ của mình, luôn nghĩ đến việc trở về, nhưng luôn trì hoãn. Chỗ này chỗ nọ tôi dừng chân ở một quán rượu, vừa đủ lâu để uống một hai ly, rồi nó lại tiếp tục săn đuổi tôi vòng quanh thật xa mục tiêu, quanh lưỡi dao cạo, quanh cái chết. Thỉnh thoảng tôi mệt rũ ngồi trên băng ghế, trên một bờ giếng, trên một cái bệ chống va, nghe tim đập, lau mồ hôi trán, rồi lại tiếp tục đi, lòng đầy nỗi sợ ghê gớm, đầy nỗi khát khao khắc khoải được sống.

Tôi lang thang như thế, lúc ấy đã khuya, tới một vùng ngoại ô tít tắp và gần như xa lạ đối với tôi, vào một quán trọ có tiếng nhạc khiêu vũ xập xình hắt ra từ những cửa sổ. Khi bước vào, tôi thấy bên trên cổng treo một tấm bảng hiệu cũ kỹ: “Đến với quán Đại Bàng Đen”. Buổi tối miễn phí nên quán đầy nghẹt người cùng với khói thuốc, hơi rượu và tiếng la ó; người ta khiêu vũ ở căn phòng phía sau, nơi phát ra tiếng nhạc điên cuồng. Tôi dừng lại trong căn phòng trước, nơi toàn những kẻ ăn mặc xuềnh xoàng, nghèo nàn cũng có, còn trong phòng nhảy phía sau thấy có cả những bộ áo quần thanh lịch. Tôi bị đám đông xô đẩy tới sát một cái bàn bên cạnh quầy rượu; một cô gái xinh xắn, xanh xao mặc y phục dạ hội mỏng, hở cổ thật sâu, tóc cài một bông hoa đã héo đang ngồi ở đấy trên chiếc ghế dài dựa sát tường. Thấy tôi tới, nàng thân mật chăm chú nhìn rồi mỉm cười nhích qua một bên, nhường chỗ.

“Tôi được phép chứ ạ?” tôi hỏi và ngồi xuống cạnh nàng.

“Đương nhiên, anh được phép,” nàng nói, “anh là ai thế?”

“Cám ơn cô,” tôi nói, “tôi không thể nào trở về nhà; tôi không thể, tôi không thể, tôi muốn ở lại đây, với cô, nếu cô cho phép. Không, tôi không thể trở về nhà.”

Nàng gật đầu như thể hiểu ý tôi; lúc nàng gật đầu, tôi quan sát lọn tóc từ trán nàng xõa qua tai, thấy bông hoa héo kia là một đóa hoa trà. Từ bên kia vang tới tiếng nhạc chát chúa, còn ở quầy mấy cô bán hàng hối hả xướng lên những món khách gọi.

“Thì anh cứ ở đây,” giọng nàng khiến tôi thấy dễ chịu. “Mà sao anh lại không thể về nhà?”

“Tôi không thể. Ở đó có gì đấy đang chờ đợi tôi - không, tôi không thể, khủng khiếp lắm.”

“Thế thì cứ để nó chờ, còn anh ở lại đây. Này, trước hết anh lau kính đi đã, anh có nhìn gì được đâu nào. Thế, đưa em cái khăn tay của anh. Mình uống gì nào? Vang Burgund nhé?”

Nàng lau kính cho tôi; lúc ấy tôi mới nhìn rõ nàng, khuôn mặt xanh xao, cương nghị, đôi môi tô đỏ chót, đôi mắt xám nhạt, vầng trán láng nhẵn, tươi mát, một lọn tóc ngắn và căng phía trước tai. Nàng gọi vang, chăm sóc tôi với vẻ hiền lành, pha chút giễu cợt; trong lúc cụng ly nàng ngó xuống đôi giày của tôi.

“Chúa ơi, anh từ đâu đến vậy? Trông cứ như thể anh đã cuốc bộ từ Paris tới đây. Chẳng ai đến một buổi khiêu vũ với bộ dạng như thế này cả.”

Tôi ừ hữ, khẽ cười, còn cứ để nàng nói. Tôi thấy nàng rất khả ái và điều ấy khiến tôi thật sự ngạc nhiên, vì xưa nay tôi toàn tránh xa những thiếu nữ kiểu này, nghi kỵ nữa là khác. Nàng đã cư xử với tôi đúng theo cái cách tốt nhất cho tôi trong lúc này - ôi, từ đó nàng luôn như thế đối với tôi, vào bất cứ lúc nào. Nàng chăm chút tôi như tôi cần, nàng giễu cợt tôi như tôi cần. Nàng gọi một ổ bánh mì kẹp, bảo tôi ăn. Nàng rót rượu cho tôi, bảo tôi uống, nhưng đừng quá nhanh. Rồi nàng khen tôi biết vâng lời.

“Anh ngoan lắm,” nàng khích lệ tôi, “anh không làm khó dễ ai. Em đánh cuộc là đã lâu rồi anh mới lại phải nghe lời ai đấy, đúng không?”

“Đúng. Cô thắng cuộc. Sao cô biết được nhỉ?”

“Có gì khó đâu. Nghe lời cũng như ăn uống thôi - ai thiếu thốn nó lâu, sẽ thấy chẳng có gì hơn được nó. Anh sẵn lòng nghe lời em đúng không?”

“Rất sẵn lòng. Cô biết hết.”

“Anh làm nó thành dễ dàng cho em mà. Anh bạn ạ, có thể em còn nói cho anh được cái gì đang chờ anh ở nhà và cái gì làm anh sợ đến thế nữa cơ. Nhưng chính anh biết mà, mình chẳng cần nói về điều đó nữa, nhé? Vớ vẩn! Hoặc là một người treo cổ, ừ thì y treo cổ, y có lý do của y. Hoặc y vẫn sống, lúc ấy y chỉ phải quan tâm đến cuộc sống thôi. Chẳng có gì đơn giản hơn.”

“Ôi chao,” tôi kêu lên, “phải chi nó đơn giản như thế! Còn tôi, có Chúa biết là tôi đã quan tâm đầy đủ đến cuộc đời, mà chẳng ăn thua gì. Treo cổ có thể là chuyện khó, tôi không rõ. Nhưng sống khó hơn gấp bội! Chúa ơi, khó biết mấy!”

“Dào, anh sẽ thấy nó dễ như bỡn. Mình đã làm được bước đầu rồi, anh đã lau kính, đã ăn, đã uống. Bây giờ mình đi, chải quần với giày của anh một chút, cần đấy. Rồi anh sẽ nhảy với em một bản Shimmy.”

“Cô thấy đấy,” tôi hăm hở kêu lên, “tôi nói đúng! Không gì khiến tôi lấy làm tiếc hơn là không thực hiện mệnh lệnh của cô. Nhưng mệnh lệnh này tôi không thể thi hành được. Tôi không nhảy được Shimmy; Valse không, Polka cũng không, tất cả đều không, dù chúng tên gì đi nữa, tôi chưa từng học nhảy trong đời mà. Bây giờ cô thấy rằng không phải tất cả đều đơn giản như cô tưởng chứ?”

Đôi môi đỏ chót của người con gái xinh xắn mỉm nụ cười, nàng lắc lắc cái đầu cương nghị, mái tóc cắt như con trai. Nhìn nàng, tôi ngỡ nàng giống Rosa Kreisler, người con gái đầu tiên tôi phải lòng thời là một chú bé, nhưng Rosa da hơi nâu, tóc sẫm. Không, tôi không biết cô gái xa lạ này gợi nhớ đến ai, chỉ biết đó là một người thời tôi rất trẻ, thời thơ ấu.

“Khoan đã,” nàng kêu lên, “khoan đã! Vậy là anh không biết nhảy à? Hoàn toàn không? Cả điệu onestep cũng không luôn? Chúa ơi, thế mà anh dám cả quyết rằng đã cố gắng biết mấy cho cuộc đời! Anh chỉ bịa. Bồ tèo ơi, ở tuổi này anh đừng nên thế nữa nhé. Thật đấy, làm sao anh dám nói đã nỗ lực sống, khi ngay chỉ một chuyện nhảy thôi anh cũng không muốn?”

“Nhưng nếu tôi không thể nhảy thì sao! Tôi chưa từng học bao giờ.”

Nàng cười.

“Nhưng đọc và viết thì anh có học, nhỉ? Làm tính và có lẽ cả tiếng Latin, tiếng Pháp và đủ thứ linh tinh? Em đánh cuộc anh đã ngồi mười đến mười hai năm trong nhà trường, biết đâu đã theo học cả đại học nữa và thậm chí có bằng tiến sĩ và biết cả tiếng Hán hoặc Tây Ban Nha cũng nên. Đúng không? Đấy. Nhưng chút thời gian và tiền bạc cho vài ba giờ học khiêu vũ thì anh không có nổi! Chà!”

“Tại bố mẹ tôi,” tôi chống chế, “các cụ cho tôi học tiếng Latin, tiếng Hy Lạp và đủ mọi thứ. Nhưng không cho tôi học nhảy; ở gia đình tôi nó không được ưa chuộng, chính bố mẹ tôi cũng không khiêu vũ bao giờ.”

Nàng lạnh lùng nhìn tôi, đầy miệt thị, và một lần nữa trên gương mặt nàng phảng phất nét gì gợi tôi nhớ tới thời thanh xuân của mình.

“Ra thế, lỗi là do bố mẹ anh! Thế anh có hỏi các cụ xem hôm nay anh được phép đến quán Đại Bàng Đen không? Có không? Anh bảo các cụ mất lâu rồi à? Thôi được! Nếu thời niên thiếu anh không muốn học nhảy vì vâng lời bố mẹ - em không phản đối! Tuy em không tin hồi đó anh là một đứa trẻ gương mẫu. Nhưng rồi sau đó - sau đó anh đã làm những gì suốt bao nhiêu năm ấy?”

“Chậc,” tôi thú nhận, “chính tôi cũng không còn nhớ nữa. Tôi đã nghiên cứu, chơi nhạc, đọc sách, viết lách, đi du lịch…”

“Quan niệm của anh về cuộc đời mới quái lạ làm sao! Nghĩa là anh đã luôn làm những việc khó khăn và phức tạp, còn những chuyện đơn giản anh hoàn toàn không học à? Không có thì giờ à? Không hứng thú à? Em không phản đối, đội ơn Chúa, em không phải là mẹ anh. Nhưng rồi anh làm như thể đã nếm trải hết cuộc đời, rồi bảo rằng chẳng tìm thấy gì cả; không, như thế không được!”

“Đừng trách móc tôi mà!” tôi năn nỉ. “Tôi dư biết mình điên mà.”

“Thôi đi, đừng than thở nữa! Anh hoàn toàn không điên, thưa giáo sư, theo em thấy thì anh thậm chí còn điên quá ít! Em thấy anh thông minh theo một kiểu ngu xuẩn, hệt như một giáo sư. Này, ăn thêm một ổ bánh mì nữa đi! Rồi hẵng kể tiếp.”

Nàng gọi cho tôi một ổ bánh mì nữa, rắc ít muối, phết một chút mù tạt, tự cắt cho mình một miếng nhỏ rồi bảo tôi ăn. Tôi ăn. Tôi sẵn sàng làm hết mọi điều nàng ra lệnh, mọi điều, trừ khiêu vũ. Thật thích thú vô cùng được vâng lời người nào đấy, được ngồi cạnh người nào đấy, được người ấy vặn hỏi, ra lệnh, mắng mỏ. Giá vài giờ trước đây ông giáo sư và bà vợ làm như thế này, hẳn tôi đã đỡ phải chịu khối chuyện. Nhưng không, như thế lại hóa may, bằng ngược lại tôi sẽ hụt mất nhiều thứ!

“Anh tên gì mới được chứ?” đột nhiên nàng hỏi.

“Harry.”

“Harry à? Tên của con nít! Mà anh cũng đúng là một chú nhóc, Harry ạ, dù mái tóc đã hoa râm đôi chút. Anh là một chú nhóc nên anh cần có người chăm sóc cho anh chút ít. Em không nói gì về khiêu vũ nữa. Nhưng xem anh chải tóc kìa! Anh không có vợ, không có cục cưng à?”

“Tôi không còn vợ nữa, chúng tôi đã ly dị. Tôi có cục cưng chứ, nhưng nàng không ở đây, thỉnh thoảng tôi mới gặp nàng, chúng tôi không hợp nhau lắm.”

Nàng khẽ huýt sáo qua kẽ răng.

“Xem chừng anh là một người rất khó tính, nên không ai ở với anh được. Nhưng bây giờ hãy cho em biết: tối hôm nay đã xảy ra chuyện gì đặc biệt, đến nỗi anh chạy quanh như hóa rồ vậy? Phá sản à? Thua bạc à?”

Thật khó trả lời.

“Thế này nhé,” tôi nói, “đúng ra chỉ là một chuyện nhỏ nhặt thôi. Tôi được mời tới nhà một ông giáo sư - chứ bản thân tôi chẳng phải giáo sư, giáo siếc gì - lẽ ra tôi không nên đến, tôi không còn quen ngồi tán gẫu với người khác, tôi đã quên cái đó rồi. Tôi vào đấy sẵn với cảm giác sẽ có chuyện không hay - khi treo mũ, tôi đã nghĩ ngay có lẽ tôi sẽ lại sớm cần tới nó. Vâng, trong nhà ông giáo sư này, trên bàn có một tấm hình, một bức hình ngớ ngẩn khiến tôi bực mình…”

“Hình gì? Sao anh lại bực mình?” nàng ngắt lời tôi.

“À, đó là một bức tranh vẽ Goethe, cô biết chứ, nhà thơ Goethe ấy. Người trong tranh không giống như người thật - tất nhiên không ai biết được chính xác, vì cụ đã mất đã cả trăm năm rồi. Nhưng một họa sĩ tân thời nào đấy đã chăm chút Goethe thành ra giống như hắn đã hình dung về cụ, và bức hình này làm tôi bực mình và kinh tởm - tôi không biết cô có hiểu không?”

“Em hiểu rất rõ, cứ yên trí. Anh kể tiếp đi!”

“Trước đó tôi đã bất đồng với ông giáo sư; như hầu hết các giáo sư, ông ta là một người rất yêu nước và trong thời chiến tranh đã thật thà tiếp tay dối dạt nhân dân(1) - họ thành thật tin, tất nhiên. Còn tôi là một kẻ chống chiến tranh. Nhưng điều này không quan trọng.” Tôi kể tiếp. “Lẽ ra tôi không cần nhìn bức tranh đó…”

1. Vì thế, năm 1931 – hai năm trước khi Hitler nắm quyền ở Đức, tám năm trước khi nổ ra Thế chiến II – Hesse đã rút tên khỏi Viện Hàn lâm Nghệ thuật Phổ, với lý do: “Tôi có cảm tưởng khi cuộc chiến tranh sắp tới nổ ra, Vận Hàn lâm này sẽ cống hiến cả một đám đông cho số 90 hoặc 100 nhân vật nổi tiếng được Nhà nước giao trọng trách dối gạt nhân dân về mọi vấn đề cốt tử như vào năm 1914.”

“Lẽ ra anh không cần thật.”

“Nhưng trước hết nó khiến tôi tội nghiệp Goethe, vì tôi rất quý cụ; rồi chuyện như thế này: tôi nghĩ, vâng, tôi nghĩ hoặc cảm thấy đại khái như sau: mình ngồi đây với những người mình coi là giống như mình, những người mà mình nghĩ là họ cũng yêu quý Goethe giống như mình và hình dung tương tự như mình về chân dung của cụ; vậy mà họ lại trưng bày một bức hình nhạt nhẽo, sai lệch, tô vẽ và cho thế là tuyệt vời chứ không nhận thấy cái hồn của Goethe. Họ thấy tấm hình là tuyệt đẹp, họ muốn thế thì tùy họ thôi - nhưng với tôi đột nhiên mọi tin tưởng vào những con người này, mọi tình bạn dành cho họ, mọi cảm giác gắn bó về quan hệ người với người chấm dứt. Nói thêm là tình bạn giữa tôi với họ không sâu đậm gì mấy. Thế là tôi liền nổi giận lẫn buồn rầu và thấy mình hoàn toàn cô đơn, không ai hiểu mình. Cô hiểu chứ?”
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...