Tam Quốc Diễn Nghĩa
Chương 16: Cửa Nha Môn, Phụng Tiên Bắn Kích Sông Vị Thủy, Mạnh Ðức Thua Quân
Dương Ðại-tướng xin dâng một kế để bắt Lưu Bị. Viên Thuật hỏi kế ra làm sao. Ðại-tướng nói: - Lưu Bị đóng quân ở Tiểu Bái. Tuy rằng dễ lấy nhưng còn Lữ Bố giữ ở Từ Châu. Lần trước ta đã hứa đem vàng, lụa, lương và ngựa cho Lữ Bố, nay vẫn chưa đưa thì có lẽ hắn giúp Lưu Bị. Chúa công nên sai người đưa lương cho hắn, trước nữa mua chuộc lấy lòng hắn, để ta có sang đánh Lưu Bị hắn đừng động binh, họa chăng ta mới bắt được Lưu Bị, rồi sau ta đánh Lữ Bố, đánh Lữ Bố rồi sau lấy Từ Châu. Thuật nghe lời, liền sai Hàn Dận đem hai mươi vạn hộc thóc và một bức mật thư đưa cho Lữ Bố. Bố mừng lắm, trọng đãi Hàn Dận, Dận về cáo với Viện Thuật. Thuật sai Kỷ Linh làm đại tướng, Lôi Bạc, Trần Lan làm phó tướng, đem vài vạn quân sang đánh Tiểu Bái. Lưu Bị nghe tin bàn với chư tướng. Trương Phi xin ra đánh. Tôn Càn nói: - Nay Tiểu Bái binh ít, lương hiếm, nên đưa thư về Từ Châu, cầu cứu Lữ Bố. Trương Phi nói: - Lữ Bố nào hắn chịu cứu mình! Lưu Bị nói: - Càn nói phải đấy. Liền đưa thư sang Từ Châu, thư rằng: Từ khi được nhờ tướng quân nghĩ đến cho tôi nương thân ở đất Tiểu Bái, tôi thực bái phục đức cao của ngài. Nay Viên Thuật muốn báo thù riêng sai Kỷ Linh đem binh đến huyện. Nguy ở sớm tối. Phi tướng quân không ai cứu được. Xin tướng quân đem quân đến, cứu cho nạn gấp này, thì chúng tôi được hân hạnh lắm. Lữ Bố xem xong thư, bàn với Trần Cung rằng: - Mới rồi Viên Thuật đưa lương và gửi thư cho ta để cầu ta đừng cứu Lưu Bị. Nay Lưu Bị lại cầu cứu. Ta nghĩ Lưu Bị đóng ở Tiểu Bái vị tất có bao giờ hại được ta. Chứ Viên Thuật nếu đánh được Lưu Bị, chắn hắn lại kết liên với các tướng ở Thái Sơn để đánh ta, ta sẽ không yên được với hắn. Không bằng đi cứu Lưu Bị. Nói rồi liền điểm quân đi. Kỷ Linh cất quân kéo bừa đi, đi đến mé sông Nam huyện Bái, lập doanh trại đóng quân, ban ngày cắm cờ đỏ ối cả trên núi dưới sông; ban đêm đốt lửa sáng choang cả trên trời dưới đất. Trong huyện Lưu Bị chỉ có hơn năm ngàn người, miễn cưỡng ra ngoài huyện bố trí lập doanh trại. Chợt có người đến báo: - Lữ Bố dẫn quân đến mé Tây Nam, cách huyện có một dặm, lập trại đóng quân. Kỷ Linh thấy Lữ Bố đến cứu Lưu Bị, sai ngay người đưa thư trách rằng thất tín. Lữ Bố xem xong thư cười nói rằng: - Ta có một kế làm cho Viên, Lưu không bên nào trách được ta. Nói rồi sai sứ sang mời cả Kỷ Linh và Lưu Bị đến ăn yến. Lưu Bị thấy Bố mời, muốn đi ngay, Quan, Trương can rằng: - Anh không nên đi. Lữ Bố có bụng bất lương gì chăng? Lưu Bị nói: - Ta đối đãi hắn tử tế, tất hắn không hại ta. Lưu lên ngựa đi, Quan, Trương cũng đi theo đến trại Lữ Bố. Khi vào chào Bố, Bố nói: - Nay tôi đến đây để gỡ nạn cho ông. Ngày khác ông đắc chí, đừng quên tôi nhé! Lưu Bị tạ ơn, Lữ Bố mời ngồi. Quan, Trương cầm kiếm đứng đằng sau, chợt có người báo: - Kỷ Linh đã đến. Lưu Bị nghe thấy, giật nẩy mình, muốn lánh mặt đi. Lữ Bố nói: - Nay ta mời hai ông đến để cùng bàn, không được nghi hoặc gì cả. Lưu Bị chưa rõ tình ý làm sao, trong bụng nghi nghi hoặc hoặc. Kỷ Linh xuống ngựa vào trại, trông thấy Lưu Bị ngồi trong trướng cũng mất vía, quay mình trở ra. Lữ Bố bước lên kéo lại, như kéo đứa trẻ con. Kỷ Linh sợ nói rằng: - Thế ra tướng quân định giết tôi à! Bố nói: - Ðâu lại thế! Linh lại hỏi: - Hay là tướng quân định giết thằng tai to kia? Bố lại nói: - Cũng không phải. Linh lại hỏi: - Thế thì ra làm sao? Bố nói: - Lưu Bị cùng ta như anh em một nhà vậy. Nay bị tướng quân sang đây đe dọa, nên ta đến cứu. Linh lại sợ, nói rằng: - Nếu thế thì tướng quân giết tôi rồi! Bố nói: - Có lẽ đâu thế. Tính tôi không hay đánh nhau, chỉ muốn làm cho thôi đánh nhau. Tôi nay định giải hòa cho hai ông. Linh nói: - Xin dám hỏi cách giải hòa thế nào? Bố nói: - Tôi có một phép, nhưng còn tùy lòng trời! Nói rồi kéo Linh vào trong trướng, để hai người gặp nhau, Lưu Bị, Kỷ Linh đều có lòng nghi kỵ lẫn nhau. Lữ Bố ngồi giữa, mời Kỷ Linh ngồi bên tả, Lưu Bị ngồi bên hữu, rồi sai mở tiệc yến, uống rượu. Rượu được vài tuần, Bố nói: - Hai bên cùng nể mặt ta thì cùng bãi binh cả. Lưu Bị không nói gì. Kỷ Linh nói: - Tôi phụng mệnh chúa công tôi, đem sang đây mười vạn quân chỉ cốt bắt Lưu Bị, bãi binh thế nào được? Trương Phi đứng sau lưng Lưu Bị nghe nói nổi giận, tuốt ngay kiếm ra quát to lên rằng: - Binh ta tuy ít, nhưng ta coi các ngươi như đàn trẻ mà thôi, ngươi có bằng lũ giặc khăn vàng hàng trăm vạn không, mà dám toan hại anh ta? Quan Công vội vàng ngăn nói rằng: - Hãy xem chủ ý của Lữ tướng quân định thế nào, bấy giờ về trại đánh nhau cũng không chậm. Lữ Bố nói: - Ta mời hai bên đến để giải hòa, chứ không có mời đến đây để đánh nhau. Bên này Kỷ Linh tức giận lắm, mà bên kia Trương Phi chỉ lăm lăm muốn đánh. Lữ Bố cũng nổi giận lên mà bên kia Trương Phi chỉ lăm lăm muốn đánh. Lữ Bố cũng nổi giận lên mà truyền rằng: - Quân đâu! Ðem kích ra đây! Quân đem kích ra đưa cho Lữ Bố. Kỷ Linh, Lưu Bị không biết thế nào, cùng sợ mất vía. Bố nói: - Ta can hai bên mãi không nghe. Vậy để tùy lòng trời định quyết việc này! Không ai hiểu Lữ Bố định làm gì. Lữ Bố sai quân mang họa kích ra ngoài cửa nha môn, cắm tận đằng xa cùng kiệt, rồi ngoảnh lại bảo hai người rằng: - Từ đây ra đó, cách 150 bước. Ta xin bắn một phát tên, nếu trúng vào ngạnh kích thì hai bên phải bãi binh; nhược bằng bắn không trúng thì mặc ý hai bên đi mà đánh nhau. Ta định như thế, ai không nghe thì ta gồm sức với bên kia để đánh. Kỷ Linh thấy kích cắm xa thế mười phần chắc cả mười rằng: Lữ Bố tài đến đâu cũng không sao bắn tin được, liền ưng theo ý Lữ Bố. Lưu Bị thì vẫn đành muốn thế rồi. Lữ Bố mời hai bên ngồi xuống, mỗi người uống một chén rượu, rượu cạn chén rồi, Bố sai đem cung lại. Huyền Ðức khấn thầm, chỉ muốn cho bắn trúng là hay. Lữ Bố vén tay áo bào, đặt mũi tên, giương hết sức cung. Dây cung bật đánh tạch một tiếng, tên ra vùn vụt, mười mắt nhìn theo; chớp mắt một cái trúng ngay ngạnh kích. Các tướng trên trướng dưới thềm đều reo ầm vỗ tay. Ðời sau có thơ khen rằng: Ôn Hầu bắn giỏi thật diệu kỳ! Từng ở nha môn gỡ được nguy. Trời rụng quả nhiên hơn Hậu Nghệ! Vượn kêu hơn hẳn sức Do Cơ. Dây gân hổ kéo cung căng thẳng, Tên cánh diều bay vụt vụt đi. Ðuôi báo lung lây xuyên ngạnh kích. Hùng binh mười vạn có làm chi? Lữ Bố bắn trúng họa kích rồi miệng cười ha hả, vứt cung xuống đất, cầm tay Lưu Bị và tay Kỷ Linh nói rằng: - Ỵy là trời bắt hai bên phải bãi binh đó! Nói rồi, truyền quân sĩ rót rượu, mời mỗi người uống một cốc to làm bằng sừng trâu rừng. Lưu Bị trong lòng mừng rỡ. Kỷ Linh thì ngồi ngẩn nửa giờ, rồi nói với Lữ Bố rằng: - Lời tướng quân dạy thì tôi phải nghe, nhưng bây giờ về nói với chúa công tôi, sao chúa công tôi tin? Bố nói: - Ðể ta viết thư cho Viên Công Lộ thì xong chứ gì? Rượu uống được vài tuần nữa, Kỷ Linh xin lĩnh thư về trước. Linh về rồi, Bố bảo Lưu Bị rằng: - Không có tôi thì ông nguy nhé! Lưu Bị lạy tạ rồi cùng với Quan, Trương trở về. Hôm sau quân mã ba nơi cùng kéo về cả. Lưu Bị về Tiểu Bái, Lữ Bố về Từ Châu, còn Kỷ Linh về Hoài Nam vào ra mắt Viên Thuật, kể hết Lữ Bố bắn kích ở nha môn để giải hòa, rồi dânh trình thư của Lữ Bố. Thuật xem thư giận lắm nói rằng: - Lữ Bố lấy bao nhiêu lương thóc của ta, nay lại lấy trò trẻ con này để mà bênh Lưu Bị. Phen này ta quyết đem đại quân đi đánh Lưu Bị, xong rồi đánh Lữ Bố nhân thể. Kỷ Linh nói: - Chúa công không nên vội vàng: Lữ Bố dũng lực hơn người; vả lại có tất cả đất Từ Châu. Ví bằng Lữ Bố, Lưu Bị cả hai người, đầu đuôi cùng cứu giúp lẫn nhau, chưa dễ đánh được hắn đâu. Tôi nghe vợ Lữ Bố là họ Nghiêm có đứa con gái, đã đến tuổi cập kê rồi. Chúa công thì có con trai. Nên sai người sang Từ Châu cầu thân với hắn. Nếu Lữ Bố thuận gả con cho con chúa công, tất y phải giết Lưu Bị, kế ấy gọi là kế: "sơ bất gián thân". Viên Thuật nghe kế ấy, lập tức sai Hàn Dận đem lễ vật sang Từ Châu cầu hôn. Dận đến Từ Châu, vào ra mắt Lữ Bố, thưa rằng: - Chúa công tôi mộ tiếng tướng quân, muốn cầu lệnh ái làm dâu để kết duyên Tần Tấn. Bố vào bàn với vợ. Nguyên Lữ Bố có hai vợ, một thiếp. Vốn chỉ có họ Nghiêm làm vợ cả, Ðiêu Thuyền làm thiếp. Sau đến Tiểu Bái lới lấy con gái Tào Báo làm vợ hai. Họ Tào chết trước không có con; Ðiêu Thuyền cũng không có con nào. Duy chỉ có họ Nghiêm sinh được một con gái. Lữ Bố yêu con gái ấy lắm. Khi Bố vào bàn với vợ thì họ Nghiêm nói rằng: - Tôi nghe Viên Công Lộ trấn Hoài Nam đã lâu, binh nhiều, lương lắm, có thể làm nên thiên tử nay mai. Nếu y thành được nghiệp lớn thì con ta mới có phận làm được hậu phi. Nhưng chẳng biết hắn ta có mấy con? Bố nói: - Chỉ có một mống mà thôi! Vợ nói: - Như thế thì nên gả đứt đi. Mai sau con ta dầu chẳng hậu phi, Từ Châu ta cũng chắc được vững bền không phải lo gì. Bố nghe lời vợ, đãi Hàn Dận tử tế, nhận lời gả con. Hàn Dận về trình với Viên Thuật. Thuật lập tức sắm đủ đồ sính lễ, lại sai Hàn Dận đưa sang Từ Châu. Lữ Bố nhận lễ, mở tiệc thiết đãi, lưu ở nhà khách nghỉ ngơi. Hôm sau Trần Cung đến tận nhà khách, vào chào Hàn Dận, ngồi rồi đuổi tả hữu ra, mà bảo với Dận rằng: - Ai hiến kế ấy, để Viên Công cùng Phụng Tiên kết dâu gia? Có phải định lấy đầu Lưu Bị chăng? Dận giật mình, đứng dậy tạ mà nói rằng: - Xin Công Ðài đừng hở chuyện ấy. Cung nói: - Ta thì không nói ra, nhưng chỉ sợ việc châm tất có người khác biết thì hỏng mất mà thôi. Dận nói: - Thế thì làm thế nào, xin ông dạy cho. Cung nói: - Ðể ta vào hầu Phụng Tiên, nói để đưa ngay con gái y sang. Như thế được không? Dận mừng lắm, tạ ơn mà nói rằng: - Nếu được thế thì Viên Công đội ơn ngài nhiều lắm. Cung từ Dận, vào hầu Lữ Bố mà nói rằng: - Tôi nghe ông gả con gái cho con Viên Công Lộ, thực là hay lắm. Nhưng bao giờ mới cho cưới? Bố nói: - Hãy để thong thả sẽ bàn. Cung nói: - Ngày xưa, từ hôm dạm đến hôm cưới bao lâu có định lệ cả; thiên tử thì một năm; chư hầu thì nửa năm; đại phu thì một mùa; thứ dân thì một tháng... Bố nói: - Viên Công Lộ, trời cho được quốc bảo, nay mai sắp làm vua, thì theo lệ thiên tử có được không? Cung nói: - Không nên. Bố hỏi: - Thế thì theo lệ chư hầu? - Cũng không nên. - Thế thì theo lệ đại phu? - Cũng không nên. Bố tức hỏi rằng: - Thế anh muốn bảo tôi theo lệ thứ dân hay sao? - Không phải thế! - Thế thì ý anh ra làm sao? Cung thưa: - Nay chư hầu trong thiên hạ tranh hùng với nhau. Ông cùng Viên Công Lộ kết thân, đã chắc không ai ghen ghét chưa? Nếu mà để lâu còn kén ngày lành tháng tốt, ngộ có người rình lúc giờ tốt ấy, phục binh ở nửa đường, toan chuyện bất lương, thì làm sao? Vậy bây giờ chúa công đã không cho thì thôi, mà đã ưng cho thì nhân lúc chư hầu chưa biết, đưa ngay con gái đến Thọ Xuân, cho ở riêng một biệt quán, rồi sẽ chọn ngày thành thân, thế có phải muôn phần vững cả, không ngại gì nữa? Bố mừng nói rằng: - Công Ðài nói chí phải. Bố vào bảo với họ Nghiêm ngay đêm hôm ấy sắm sửa đồ cưới, thu xếp ngựa quý xe thơm; sai Tống Hiến, Ngụy Tụch, cùng Hàn Dận, đưa con gái đi, tiếng trống tiếng nhạc rầm rĩ, đưa ra khỏi thành. Bấy giờ cha Trần Ðăng là Trần Khuê, dưỡng lão ở nhà, nghe thấy tiếng nhạc, hỏi đày tạ việc gì, đày tớ kể chuyện cưới xin là thế. Khuê nói: - Mẹo đó là mẹo Sơ bất gián thân đó. Lưu Bị nguy đến nơi! Nói thế rồi tuy bệnh chưa khỏi cũng gắng gượng lại gặp Lữ Bố và nói rằng: - Tôi nghe tướng quân sắp chết, nên tôi đến viếng. Lữ Bố giật nẩy mình hỏi: - Vì sao lại thế? Khuê nói: - Bữa trước Viên Thuật cho đem vàng lụa đến biếu ông, là có ý để giết Lưu Huyền Ðức, ông mới lấy chuyện bắn kích giải hòa. Nay tự dưng đến cầu kết dâu gia, ấy là muốn lấy con gái ông để làm tin đó. Khi nào con ông đã về nhà y, y lại sang đánh Lưu Bị để lấy Tiểu Bái. Tiểu Bái mất thì Từ Châu cũng nguy. Vả lại khi đã kết thân với y rồi, hoặc có khi đến vay lương, có khi y đến mượn binh. Ông mà cho y mượn ra, thì ông đã vất vả về y, lại còn kết oán với người khác; nếu ông không giúp, thì thân thích lìa nhau và lại gây ra sự đánh nhau. Huống chi ông đã biết rằng Viên Thuật có ý muốn xưng đế. Muốn xưng đế là làm phản, thế ra ông còn kết thân với phản tặc, thiên hạ ai còn dung ông nữa? Bố nghe nói thất kinh mà rằng: - Trần Cung hắn làm lỡ ta! Vội vàng sai Trương Liêu đem binh đuổi theo, đến ngoài ba mươi dặm, lôi con gái trở về, và bắt Hàn Dận đem giam lại, rồi sai người sang nói với Viên Thuật rằng: Ðồ nữ trang sắm chưa đủ. Khi nào sắm sửa xong sẽ đưa con gái sang. Trần Khuê lại xui Lữ Bố cho giải Hàn Dận sang Hứa Ðô nộp cho triều đình. Lữ Bố còn đang tần ngần chưa định bề nào, thì có người đến báo rằng: - Lưu Bị ở Tiểu Bái chiêu quân tậu ngựa, không biết có tình ý gì. Bố nói: - Ðó là việc thường của người làm tướng thôi, có lạ gì? Ðang nói chuyện thì Tống Hiến, Ngụy Tục chạy vào báo rằng: - Hai chúng tôi vâng mệnh minh công sai sang Sơn Ðông mua ngựa, có tậu được hơn ba trăm ngựa tốt, đi về đến đầu địa giới huyện Bái, bị kẻ cướp ra cướp mất một nửa. Hỏi dò ra thì đám cướp ấy là Trương Phi, là em Lưu Bị giả làm giặc núi đến ăn cướp. Lữ Bố giận lắm, lập tức điểm binh đến Tiểu Bái đánh Trương Phi. Lưu Bị nghe thất kinh, vội vàng dẫn quân ra đón. Khi hai bên bày trận rồi, Huyền Ðức cưỡi ngựa ra mà hỏỉ rằng: - Huynh trưởng có việc gì đem quân đến đây? Bố trỏ mắng rằng: - Ở nha môn ta vừa bắn kích để cứu ngươi khỏi được nạn lớn, nay cớ sao ngươi lại cướp ngựa của ta? Lưu Bị nói: - Tôi nay thiếu ngựa có sai người ra bốn mặt tìm mua, chứ có đâu dám cướp của huynh trưởng? Lữ Bố giận mắng rằng: - Ngươi sai em là Trương Phi ra cướp của ta một trăm rưởi con ngựa tốt, bây giờ lại chối à? Trương Phi vác mâu cưỡi ngựa ra nói rằng: - Chính ta cướp ngựa đấy! Ngươi làm gì nổi ta? Bố nói: - Tên giặc mắt tròn kia, ngươi đã bao nhiêu lần khinh ta? Phi nói: - Sao ta cướp ngựa của ngươi thì ngươi biết tức, ngươi cướp Từ Châu của anh ta, sao không nói? Bố vác kích lại đánh Trương Phi. Phi cũng vác mâu lại địch. Hai người đánh nhau hơn một trăm hiệp, chưa phân được thua. Lưu Bị sợ lỡ việc ra, vội vàng khua chiêng thu quân về thành. Lữ Bố chia quân vây bốn mặt. Lưu Bị về gọi Trương Phi trách rằng: - Chỉ tới ngươi cướp ngựa của hắn nên sinh sự thế này. Thế thì ngựa ở đâu? Phi nói: - Gởi cả vào các chùa. Huyền Ðức sai ngay người đến trại Lữ Bố, xin đem nộp trả ngựa rồi hai bên cùng bãi binh. Lữ Bố muốn cho, Trần Cung nói: - Nay không giết Lưu Bị đi, ngày sau tất hắn hại mình. Bố lại nghe, không cho nữa lại càng ra riết đánh thành. Lưu Bị về bàn với Tôn Càn, My Chúc, Càn nói: - Tào Tháo giận Lữ Bố. Không bằng ta bỏ thành chạy sang Hứa Ðô, về với Tào Tháo, rồi mượn quân đánh Lữ Bố, kế ấy là hơn cả. Lưu Bị hỏi: - Ai dám ra trước, phá vòng vây bây giờ? Trương Phi xin đi. Lưu Bị sai Trương Phi đi trước, Quan Công đi sau. Còn mình thì ở giữa, giữ gìn vợ con già trẻ, đương đêm canh ba, nhân bóng trăng sáng, ra cửa Bắc chạy, gặp ngay Tống Hiến, Ngụy Tục. Hai tướng ấy bị Trương Phi đánh một trận phải lui. Lưu Bị ra khỏi vòng vây. Mặt sau Trương Liêu chạy đuổi. Quan Công đánh cho phải đứng lại. Lữ Bố thấy Lưu Bị đi rồi không đuổi theo nữa, vào thành yên dân, rồi sai Cao Thuận giữ Tiểu Bái; mình lại về Từ Châu. Lưu Bị chạy sang Hứa Ðô, đóng trại ở ngoại thành, trước hết sai Tôn Càn vào ra mắt Tào Tháo, nói rằng: - Vì bị Lữ Bố đánh, xin đến nương nhờ. Tháo nói: - Huyền Ðức với ta như anh em. Liền mời vào tương kiến. Hôm sau Lưu Bị để Quan, Trương ngoài thành, dắt Tôn Càn, My Chúc vào yết kiến Tào Tháo, Tháo đãi làm bậc khách quý. Khi Lưu kể hết chuyện Lữ Bố, Tháo nói rằng: - Bố là đồ vô ơn, ta với hiền đệ phải hợp sức lại để trừ hắn mới được. Lưu Bị tạ ơn. Tháo mở yến thiết đãi, đến chiều tiễn ra về. Tuân Úc vào nói rằng: - Lưu Bị là người anh hùng. Nay không trừ sớm đi, tất để lo về sau. Tháo chẳng bảo làm sao, Úc ra, Quách Gia vào. Tháo hỏi: - Úc xui ta giết Lưu Bị. Nên không? Gia nói: - Không nên, chúa công cất quân nghĩa binh, vì trăm họ trừ kẻ hung bạo, giữ điều tín nghĩa, để mời hào kiệt còn lo người ta chẳng đến, nay Huyền Ðức có tiếng anh hùng, vì cùng khốn, mới về với ta, nếu lại giết đi, chẳng hóa ra mình hại người hiền. Những người chí sĩ trong thiên hạ nghe thấy sinh ngờ còn ai bước chân vào cửa chúa công nữa, chúa công cùng với ai mà định việc thiên hạ? Trừ được cái lo một người, mà làm cản trở lòng trông ngóng của bốn bể. Cái cơ yên nguy, xin chúa công phải xét mới được. Tháo mừng nói rằng: - Người nói chính hợp bụng ta. Hôm sau Tháo dâng biểu tiến Lưu Bị, xin cho lĩnh chức mục Dự Châu. Trình Dục can rằng: - Lưu Bị về sau tất không chịu ở dưới người khác đâu, không bằng giết trước đi. Tháo nói: - Nay đương lúc dụng anh hùng, không nên giết một người để mất lòng thiên hạ. Ta với Quách Gia cùng một ý kiến. Tháo không nghe lời Trình Dục, lại lấy ba ngàn quân và một vạn hộc lương, giao cho Lưu Bị, sai ra Dự Châu nhận chức, tiến quân đóng ở Tiểu Bái, chiêu tập những binh cũ của mình để rồi đánh Lữ Bố. Huyền Ðức đến Dự Châu, sai người về hẹn với Tào Tháo định ngày cất quân cùng đi đánh Lữ Bố. Khi Tháo sắp đi, có ngựa lưu tinh đến báo rằng: - Trương Tế từ Quan Trung dẫn quân đến đánh Nam Dương, lỡ phải tên bay bắn chết. Nay cháu Tế là Trương Tú cầm quân, dùng Giả Hủ là mưu sĩ, kết liên với Lưu Biểu đóng quân ở Uyển Thành, muốn đem quân lại phạm cửa Khuyết để cướp giá. Tháo tức lắm, muống đem binh ra đánh, lại sợ Lữ Bố đến cướp Hứa Ðô, mới hỏi Tuân Úc xem có kế gì. Tuân Úc nói: - Việc ấy thực dễ, Lữ Bố là đứa vô mưu, thấy lợi thì hoa mắt lên, minh công nên sai sứ sang Từ Châu, thăng quan thưởng hậu cho hắn, bắt hắn phải hòa với Lưu Bị. Lữ Bố được thưởng tất không nghĩ xa xôi gì nữa. Tháo ưng ý, liền sai Phụng Quân Đô Úy là Vương Tắc đem bằng sắc cùng tờ giải hòa sang Từ Châu. Một đường thì cắt ngay mười lăm vạn quân đi đánh Trương Tú, chia quân ra làm ba đường; cho Hạ Hầu Ðôn làm tiên phong, quân mã đến Vị Thủy đóng trại. Giả Hủ thấy vậy khuyên bảo Trương Tú rằng: - Quân Tào thế lớn lắm, ta không địch nổi. Chi bằng đem quân đầu hàng. Tú nghe, sai Giả Hủ đến trại Tháo nói trước, Tháo thấy Giả Hủ ứng đối nhanh nhảu, có bụng yêu mến, muốn dùng làm mưu sĩ. Hủ nói: - Tôi trước theo Lý Thôi, mắc tội với thiên hạ; nay theo Trương Tú, tôi nói gì, bày kế gì Trương Tú cũng theo, nên không nỡ bỏ. Hủ nói rồi ra về; hôm sau đưa Tú vào yết kiến Tào Tháo. Tháo tiếp đãi thực hậu. Tú dẫn binh vào đóng trong Uyển Thành, lập doanh trại liên tiếp nhau, dài hơn mười dặm. - được vài ngày, Tú mỗi hôm mở yến một lần mời Tháo. Một bữa Tháo uống rượu say, vào giường ngủ, hỏi nhỏ tả hữu rằng: - Trong thành có kỹ nữ không? Ðứa cháu, con của anh Tháo, tên là Tào An Dân, biết ý Tháo, vào thưa thầm rằng: - Thưa chú, chiềm hôm qua, cháu trông thấy ở cạnh quán sá có một người đàn bà, mười phần xinh đẹp. Cháu hỏi ra thì là vợ Trương Tế, thím Trương Tú. Tháo nghe nói, liền sai An Dân đem 50 giáp binh ra đòi vào. Ðược một lát, binh dẫn vào. Tháo trông ra quả nhiên là xinh đẹp, hỏi họ chi, thì người đàn bà thưa rằng: - Thiếp họ Châu, vốn là vợ Trương Tế. Tháo hỏi: - Phu nhân có biết ta không? - Thiếp được nghe uy danh Thừa Tướng đã lâu. Nay mới được bái kiến. - Ta cho Trương Tú hàng cũng vì phu nhân đó, nếu không ta đã giết cả họ hắn rồi. Thực đội ơn tái sinh của ngài. Tháo nói: - Hôm nay trời xui được gặp phu nhân, thực là may quá. Ðêm hôm nay xin cùng chăn chiếu, rồi sẽ theo ta về kinh đô, yên hưởng giàu sang. Phu nhân có thuận không? Châu thị lạy tạ. Ðêm hôm ấy cùng ngủ trong trướng. Hôm sau Châu thị nói: - Thiếp ở lâu trong thành, Trương Tú tất sinh nghi, vả sợ miệng tiếng người ngoài. Tháo nói: - Ðến mai tôi xin cùng phu nhân ra ở trại ngoài thành. Hôm sau Tháo ra nghỉ ở ngoài thành, sai Ðiển Vi canh giữ bên ngoài, ai vào phải báo trước, cho vào mới được vào. Vì thế, tin tức trong ngoài không thông. Tào Tháo mỗi ngày cùng họ Châu vui thú, không tưởng gì đến về nữa. Người nhà Trương Tú, có người mật báo với Trương Tú. Tú giận lắm nói rằng: - Thằng giặc Tháo hắn làm nhục ta quá! Bèn mời Giả Hủ đến bàn. Hủ nói: - Việc ấy đừng tiết lộ ra vội. Ngày mai đợi lúc Tào Tháo ra trướng bàn việc, thời nên làm thế này... thế này... Hôm sau Tào Tháo ngồi ở trong trướng. Trương Tú vào bẩm rằng: - Những binh lính mới hàng, nhiều đứa đi trốn, xin Thừa Tướng cho đem đồn vào trung quân. Tháo ưng thuận. Tú liền dời đồn vào, chia làm bốn trại rồi định ngày khởi sự. Nhưng Tú còn lo Ðiển Vi khỏe mạnh, khó lòng gần được, bàn với thiên tướng là Hồ Xa Nhi. Hồ Xa Nhi sức đội được 500 cân, một ngày đi được 700 dặm cũng là một người tài. Khi ấy Tú hỏi, Hồ Xa Nhi nói: - Ðiển Vi chỉ giỏi về đôi thiết kích. Ngày mai chúa công cho mời hắn đến uống rượu, cho uống thực say hãy để về. Bấy giờ tôi sẽ lộn vào đám quân sĩ đi theo hắn, lẻn vào trong phòng, ăn trộm được đôi kích thì không sợ gì hắn nữa. Tú mừng lắm, sai chuẩn bị cung tên, giáp binh, bảo trước các trại, đến hẹn sai Giả Hủ mời Ðiển Vi đến chơi, khẩn khoản mời rượu. Vi đến, tối sai về. Hồ Xa Nhi đi lẫn trong đội quân, lẻn vào trong trại. Ðêm hôm ấy, Tào Tháo cùng họ Châu đang uống rượu ở trong trướng, chợt nghe ở ngoài có tiếng xôn xao và tiếng ngựa kêu. Tháo sai người ra coi xem có việc gì, quân vào báo rằng: quân Trương Tú đi tuần đêm. Tháo không nghi gì nữa. Ðến canh hai ở sau trại lại có tiếng reo, rồi quân lại vào báo rằng: - Trên những xe cỏ có lửa cháy. Tháo truyền rằng: - Ấy là chúng nó lỡ đánh rơi lửa, không ai được xôn xao. Ðược một hồi thì bốn mặt lửa cùng cháy cả. Bấy giờ Tháo mới hoảng sợ, vội vàng sai gọi Ðiển Vi. Ðiển Vi say rượu đang ngủ, trong mơ màng chợt nghe tiếng chiên trống và tiếng người reo hò, giật nẩy mình vùng dậy, sờ đến đôi thiết kích thì không thấy đâu cả. - Ngoài giặc đã đến cửa. Vi vội vàng giật lấy đao lưng của lính canh, chạy ra, ở ngoài đã thấy vô số quân mã, cầm chặt giáo dài đánh bừa vào trại. Vi phải nhất sống nhì chết mà lăn sả vào đám quân ấy, chém giết một lúc chết hơn hai mươi người, quân mã ấy mới lui, lại có quân bộ kéo đến. Hai bên giáo mác tua tủa như ngọn lau, mình Vi không một mảnh giáp, trên dưới bị vài mươi nhát đâm. Vi vẫn cứ lăn sả vào đánh; đao mẻ không dùng được, Vi bỏ đao, hai tay vạ ngay lấy hai người làm khí giới, quăng đập một lúc chết tám chín người. Giặc thấythế không dám đến gần, chỉ đứng đằng xa bắn tên lại. Tên bắn như mưa, Ðiển Vi vẫn liều chết giữ cửa trại, nhưng quân giặc đã kéo được vào cửa sau, Ðiển Vi lại bị một mũi giáo đâm trúng giữa lưng. Vi kêu to một tiếng, máu chảy đầy đất rồi chết. Hắn chết được nửa giờ rồi mà vẫn không ai dám đi qua cửa trước. Tào Tháo nhờ có Ðiển Vi chẹn giữ của trước mới lẻn ra sau trại lên ngựa trốn thoát, chỉ có Tào An Dân đi bộ chạy theo. Lúc chạy, ngựa Tháo bị một mũi tên, nhưng may được con ngựa tốt, ngựa Ðại Uyên, càng đau càng chạy khỏe. Chạy gần đến bờ sông Dục Thủy thì giặc đuổi kịp. An Dân bị băm nhỏ ra như bùn, Tháo vội quất ngựa lội qua sông mà chạy. Vừa sang đến bờ bên kia, thì giặc bắn một tên, trúng vào mắt ngựa. Ngựa ngã gục xuống đất. May đâu, giữa lúc ấy thì con trưởng Tháo là Tào Ngang đem ngay con ngựa đang cưỡi nhường cho cha. Tháo lên ngựa chạy. Tào Ngang bị tên lạc bắn chết, Tháo đi đường gặp các tướng mới thu thập tàn quân lại. Bấy giờ, quân Thanh Châu do Hạ Hầu Ðôn quản lĩnh, thừa thế về các thôn quê cướp bóc nhân dân. Quan binh lỗ hiệu úy là Vu Cấm đem ngay quân bản bộ dẹp bắt, vỗ yên nhân dân. Quân Thanh Châu chạy về đón Tào Tháo, khóc lóc lạy xuống đất kêu rằng: - Vu Cấm làm phản đuổi giết quân mã Thanh Châu. Tháo thất kinh. Ðược một hồi thì Hạ Hầu Ðôn, Hứa Chử, Lý Ðiển, Nhạc Tiến đều đến. Tháo truyền: - Vu Cấm làm phản, chư tướng nên đem quân ra đánh. Vu Cấm thấy cả bọn Tào Tháo đến, đem quân ra dàn thành góc trận, đào hào cắm trại. Có kẻ thấy vậy bảo Cấm rằng: - Quân Thanh Châu vu cho ông làm phản, nay thừa tướng đã đến, ông chưa ra nói cho minh bạch, sao lại lập trại trước? Vu Cấm nói: - Nay giặc đuổi ở sau lưng, đã sắp đến nơi. Nếu không phòng bị trước thì lấy gì mà đối địch với giặc. Minh biện là việc nhỏ, đánh giặc là việc quan hệ hơn. Lập trại vừa xong thì quân Trương Tú hai đường kéo đến. Vu Cấm thân ra trước nghênh địch. Tú vội lui quân. Các tướng thấy Vu Cấm xông lên trước, bèn dẫn quân đánh ào lên, đuổi giết hơn một trăm dặm. Quân Tú thua to. Tú thế cùng, nhặt nhạnh tàn quân về theo Lưu Biểu. Tào Tháo thu quân điểm tướng. Vu Cấm vào hầu, kể hết cả chuyện quân Thanh Châu đi ăn cướp, làm mất lòng dân, nên y mạp phải dẹp đi. Tháo hỏi: - Sao ngươi không nói gì với ta, mà lập trại trước là ý thế nào? Cấm lại đem lời đã nói trước mà giải thích minh bạch để Tào Tháo nghe. Tháo khen rằng: - Tướng quân trong lúc bối rối, thế mà nghiêm được binh, bền được lũy, mặc người gièm pha, chịu khó nhọc làm cho đang thua hóa ra được, dù danh tướng đời xưa, vị tất đã có ai hơn. Tháo thưởng cho Vu Cấm một bộ đồ vàng, phong cho làm Ích Thọ Đình Hầu; lại trách Hạ Hầu Ðôn trị quân không nghiêm, rồi làm lễ tế Ðiển Vi. Tháo thân ra cúng tế khóc than, rồi ngoảnh lại bảo các tướng rằng: - Ta mất một con trưởng và một cháu yêu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi. Các tướng ai cũng cảm thương. Hôm sau Tháo hạ lệnh rút quân về Hứa Ðô. Nay hãy nói chuyện Vương Tắc đem chiếu đến Từ Châu. Lữ Bố mời Tắc vào phủ, mở đọc chiếu thư, thì chiếu phong cho Bố làm Bình Đông tướng quân, cho ấn thụ, lại đưa thư riêng của Tháo. Vương Tắc nói đi nói lại mãi với Lữ Bố rằng Tào công kính trọng. Bố mừng lắm. Chợt có người báo Viên Thuật sai người sang. Bố gọi vào hỏi, người ấy nói rằng: - Viên công nay mai sắp lên ngôi hoàng đế, lập ngôi đông cung, sai tôi sang thúc hoàng phi về Hoài Nam. Bố nổi giận quát rằng: - Phản tặc sao dám thế? Liền giết kẻ sứ của Viên Thuật và đóng gông Hàn Dận, sai Trầng Ðăng mang tờ tạ biểu và giải Hàn Dận cùng Vương Tắc đến Hứa Ðô để tạ ân vua và đáp thư Tào Tháo, và xin thực thụ chức mục ở Từ Châu. Tháo biết việc kết hôn Viên Thuật với Lữ Bố đã lỡ làng rồi, mừng lắm, đem Hàn Dận ra chém ngoài chợ. Trần Ðăng nói nhỏ với Tháo rằng: - Lữ Bố là giống sài lang, khỏe mà vô mưu, khinh đường việc lui và tới, nên sớm liệu trừ đi. Tháo nói: - Ta vẫn biết Lữ Bố là một loài sói lòng tham, không nên nuôi lâu. Nhưng phi cha con nhà ông thì không ai dò hết được tình hình hắn. Ông nên cùng với ta mưu toan việc ấy. Ðăng nói: - Thừa tướng định làm gì, tôi xin nội ứng. Tháo mừng lắm, biểu tâu cho Trần Khuê là cha Trần Ðăng ăn lộc trung nhị thiên thạch và cho Ðăng làm Thái Thú ở Quảng Lăng. Ðăng từ tạ rồi về, Tháo cầm tay Ðăng dặn rằng: - Việc ở phương Ðông tôi giao phó cho ông đó. Ðăng gật đầu xin vâng, về Từ Châu vào gặp Lữ Bố. Bố hỏi chuyện. Ðăng cũng kể việc Tào Tháo cho cha ăn lọc và mình được làm thái thú. Bố giận lắm nói rằng: - Ta sai ngươi sang để cầu chức mục Từ Châu cho ta, ta chẳng được gì, mà cha con ngươi đều được hiển quý, thế là ta bị cha con ngươi đem bán để làm lợi cho mình. Lữ Bố nói xong rút kiếm toan chém Trần Ðăng. Ðăng cười ha hả mà nói rằng: - Sao tướng quân lại tối hiểu như thế! Thế nào là tối hiểu? Ðăng thưa: - Tôi vào gặp Tào công, nói rằng: Nuôi tướng quân như nuôi hổ, nên cho ăn no thịt, nếu không ăn no thì tất cắn người. Tào công cười nói rằng: Ta đãi Ôn Hầu như nuôi chim cắt, cáo thỏ chưa trừ được chưa dám cho ăn no vội, bởi vì đói thì còn dùng được, chớ no thì bay mất. Tôi hỏi: Cáo thỏ là gì? Tào công nói: Viên Thuật ở Hoài Nam, Tôn Sách ở Giang Ðông, Viên Thiệu ở Ký Châu, Lưu Biểu ở Kinh Châu, Lưu Chương ở Ích Châu, Trương Lỗ ở Hán Trung, tuyền là cáo thỏ cả. Bố nghe nói, ném kiếm xuống đất, cười rằng: - Tào công thực biết ta đó! Giữa lúc ấy thì có người lại báo rằng: - Viên Thuật đem quân đến lấy Từ Châu! Lữ Bố thất kinh. Thế thực là: Hôn nhân gây sự can qua, Tưởng là Tần - Tấn, hóa là Việt - Ngô. Chưa biết rồi ra thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương