Tên Của Đóa Hồng

Chương 30



ĐÊM

Tác giả: Umberto Eco

Cuối cùng lọt vào Mê Cung.

Những người xâm nhập thấy ảo giác lạ lùng

và cũng như trong các Mê cung,

họ lạc đường.

Lần này, thầy trò tôi leo trở lên phòng thư tịch theo lối cầu thang phía đông dẫn đến lầu cấm. Giơ cao ngọn đèn lên soi trước mặt, tôi nghĩ đến lời của cụ Alinardo về Mê Cung, và đón chờ những điều kinh khủng xảy ra.

Bước lên cấm địa, tôi ngạc nhiên thấy mình lọt vào một gian phòng không lớn lắm, có bảy bức tường không cửa sổ, nồng nặc mùi ẩm mốc, thứ mùi ấy lan tràn khắp tầng lầu. Chưa có gì đáng sợ cả.

Căn phòng có bảy bức tường, nhưng chỉ có bốn bức có cửa dẫn ra lối đi, kê giữa hai hàng cột nhỏ sát tường. Lối ra khá rộng, có vòm trên đầu. Kê sát ba bức tường không cửa sổ là những chiếc kệ khổng lồ, chất đầy sách, được sắp xếp rất gọn gàng. Mỗi kệ, mỗi ngăn, đều có gắn một bảng đánh số hình cuộn, các số này hẳn nhiên trùng với các số tôi đã thấy trong thư mục. Ở giữa phòng là một chiếc bàn cũng chất đầy sách. Tất cả sách đều phủ một lớp bụi mỏng, chứng tỏ ít khi được phủi sạch. Sàn nhà cũng phủ đầy bụi. Trên một vòm cửa là một bảng hình cuộn, vẽ lên tường mang dòng chữ “Apocalypsis Iesu Christi ” (1). Hàng chữ tuy cũ nhưng không phai mờ. Sau đó, chúng tôi nhận thấy trong các phòng khác, các bảng hình cuộn này đều được khắc khá sâu vào trong đá, rồi được tô màu theo kiểu các hoạ sĩ vẽ bích hoạ trong giáo đường.

Chúng tôi bước qua một cánh cửa và lọt vào một gian phòng khác. Phòng này có một cửa sổ không gắn khung kính mà gắn những phiến thạch cao mỏng, hai bức tường không cửa sổ và một cánh cửa hình dáng giống như cửa chúng tôi vừa bước qua. Cửa này dẫn vào một căn phòng khác, cũng có hai bức tường không cửa sổ, một bức tường nữa có đục một cửa sổ, và một lối đi mở ra đối diện chúng tôi. Tại hai phòng này cũng có hai bảng hình cuộn, hình dáng tương tự như bảng chúng tôi đã nhìn thấy ban nãy, nhưng mang dòng chữ khác. Bảng ở phòng thứ nhất ghi: “Super thronos viginti quatuor ” (2) ở phòng thứ hai ghi: “Nomen illi mors ” (3). So kích thước thì hai phòng tứ giác này nhỏ hơn phòng bảy cạnh mà thầy trò tôi vào đầu tiên, còn phần đồ đạc, kệ tủ thì cũng giống như nhau.

Chúng tôi bước vào phòng thứ ba. Phòng này không có sách và cũng không có bảng hình cuộn. Dưới cửa sổ có một bàn thờ bằng đá. Phòng có ba cửa ra vào: cửa thứ nhất là cửa chúng tôi vừa mới vào, cửa thứ nhì dẫn vào phòng bảy cạnh mà chúng tôi đã đi qua, và cửa thứ ba dẫn vào một phòng khác. Phòng này cũng giống các phòng kia, ngoại trừ bảng hình cuộn mang dòng chữ “Obscuratus est sol et aer ” (4), báo hiệu trời và đất trở nên tối sầm lại. Từ đây, người ta đi vào một phòng mới, bảng khắc mang chữ “Facta est grando et ignis ” (5), đe doạ sẽ có lửa loạn. Phòng này không có lối ra vào nào khác: đã vào thì không tiến thêm được nữa mà phải quay lại.

Thầy William nói: - Thử nghĩ xem nào. Năm phòng tứ giác gần như hình thang, mỗi phòng có một cửa sổ. Những phòng này xếp chung quanh một phòng bảy cạnh không cửa sổ, có cầu thang dẫn lên. Thầy thấy có vẻ ấu trĩ quá. Chúng ta đang ở trong ngọn tháp phía đông. Từ ngoài nhìn vào, thế là đúng. Phòng trống quay mặt về hướng đông, cùng một hướng với khu hát kinh của giáo đường, ánh bình minh sẽ soi rạng bàn thờ, thầy thấy như thế là phải cách và tôn nghiêm. Theo thầy, ở đây chỉ có duy nhất một ý hay, đó là việc dùng những phiến thạch cao mỏng thay cho những khung kính. Ban ngày, nó nhận ánh sáng dịu, còn ban đêm thì ngay một ánh trăng cũng không lọt vào được. Giờ xem thử hai cửa ra vào của phòng bảy cạnh dẫn đến đâu.

Thầy tôi đã lầm. Những người xây Thư viện đã tinh khôn hơn chúng tôi tưởng. Tôi không thể giải thích rõ chuyện gì đã xảy ra, vì khi chúng tôi rời phòng trong tháp thì trật tự của các phòng trở nên hỗn loạn. Có phòng có hai cửa sổ, có phòng có ba. Mỗi một phòng đều có một cửa sổ, cho nên từ phòng có cửa sổ đi vào, chúng tôi cứ ngỡ tiến vào bên trong của Đại dinh. Phòng nào cũng có cùng một loại bàn, loại kệ, sách được sắp xếp gọn gàng trông giống nhau như đúc, cho nên thoạt nhìn không thể biết được mình đang ở đâu. Chúng tôi cố gắng đọc những bảng hình cuộn để định hướng. Một lần, chúng tôi băng qua một phòng mang bảng “In diebus illis ”(6), và sau khi đi lang thang một lát, chúng tôi ngỡ mình đã quay trở lại phòng đó. Nhưng chúng tôi nhớ cánh cửa đối diện cửa sổ dẫn vào một phòng có bảng ghi: “Primogenitus mortuorum ” (7) nào ngờ chúng tôi chợt lọt vào một phòng khác cũng mang bảng ghi: “Apocalypsis Iesu Christi ” (8), nhưng đó lại không phải là phòng bảy cạnh, nơi chúng tôi khởi hành. Sự kiện này cho thấy đôi khi có vài phòng mang bảng khắc chữ giống nhau. Chúng tôi đã gặp hai phòng mang bảng “Apocalypsis ” kế liền nhau, và ngay sau chúng là một phòng với bảng chữ “Cecidit de coelo stella magna ”(9).

Nguồn gốc của các dòng chữ khắc trên bảng thật quá hiển nhiên, đó là những câu thơ trong sách Khải huyền của Thánh John, nhưng quả thực chúng tôi mù tịt không biết tại sao lại vẽ chúng lên tường và đằng sau cách sắp xếp chúng có ẩn giấu một lôgíc nào chăng. Chúng tôi càng hoang mang khi phát hiện có vài bảng được sơn màu đỏ chớ không phải màu đen.

Có lúc chúng tôi lại đi lạc lại vào phòng bảy cạnh đầu tiên, điều này dễ nhận ra vì cầu thang dẫn lên phòng này. Chúng tôi tôi tiếp tục đi về hướng phải, cố tình đi xuyên thẳng từ phòng này sang phòng khác. Đi được ba phòng thì bị một bức tường trống chặn lại. Lối ra duy nhất dẫn vào một phòng khác cũng chỉ có độc một lối ra. Chúng tôi đi ra bằng lối này và qua được bốn phòng nữa thì bị một bức tường khác chặn lại. Chúng tôi ngược trở về phòng trước – phòng này có hai cửa – theo cánh cửa ban nãy chưa đi để sang một phòng khác và lại một lần nữa lọt vào chính cái phòng bảy cạnh của điểm xuất phát.

Thầy William hỏi: - Phòng mới nãy chúng ta đi ngược lại tên là gì?

Tôi vắt óc nhớ lại và trong đầu hiện lên hình ảnh một con ngựa trắng, bèn đáp: - “Equus albus ” (10)

- Tốt. Ta hãy quay lại tìm phòng đó.

Thật là dễ. Từ đây, nếu chúng tôi không muốn đi ngược lại như nãy, chúng tôi có thể xuyên qua căn phòng mang tên: “Gratia vobis et pax ” (11). Từ phòng này, phía bên phải, chúng tôi tìm ra một lối đi mới, không dẫn về chỗ cũ. Nhưng nào ngờ chúng tôi đột nhiên quay lại phòng “In diebus illis ” và phòng “Primogenitus mortuorum ”. Phải chăng đây là phòng chúng tôi vừa mới tới cách đây vài phút hay phòng nào khác? Cuối cùng chúng tôi đến một phòng hình như chưa đặt chân đến bao giờ, mang tên “Tertia pars terae combusta est ” (12). Nhưng cho dù có biết phần thứ ba của trái đất đã bị cháy rụi, chúng tôi vẫn mù tịt không biết mình đang ở đâu so với ngọn tháp phía đông.

Giơ cao đèn lên, tôi mạnh dạn bước vào những phòng kế. Một hình hài khổng lồ khủng khiếp, lắc lư run rẩy đi về phía tôi như một hồn ma.

- Quỷ sứ! – Tôi hét lên và suýt đánh rơi ngọn đèn khi quay phắt lại, chạy trốn vào vòng tay của thầy William. Thầy giằng lấy cây đèn trong tay tôi, gạt tôi sang một bên rồi kiên quyết bước tới khiến tôi vô cùng thán phục. Thầy cũng trông thấy một cái gì đó, vì thầy giật bắn người lùi lại. Đoạn thầy chồm tới và giơ cao đèn lên. Thầy phá lên cười.

- Tinh vi thật. Chẳng qua chỉ là một tấm gương!

- Tấm gương à?

- Đúng thế, chiến sĩ hiên ngang của ta. Mấy phút trước đây trong phòng thư tịch, con đã can đảm phóng theo một kẻ thù bằng xương bằng thịt, mà nay lại sợ chính bóng mình. Đó chỉ là một tấm gương phản ánh, phóng lớn và bóp méo hình bóng con.

Thầy nắm tay tôi dắt đến bức tường đối diện cửa vào phòng. Trên một tấm gương gợn sóng, dưới ánh đèn gần hơn, tôi thấy hiện lên hai hình thể thô kệch và méo mó của thầy trò tôi, chúng thay hình đổi dạng mỗi khi chúng tôi tiến gần hoặc lùi xa.

Thầy William thích thú nói: - Con nên đọc vài bài khảo cứu về quang học. Những người xây dựng thư viện hẳn đã nghiên cứu nó. Những nhà quang học giỏi nhất là những người Ả rập, Alhazen đã viết bài khảo luận “Luận về những hình bóng ” (13), trong đó, dùng những chứng minh hình học rất chính xác, ông đã nói đến mãnh lực của những tấm gương. Tuỳ thuộc vào cách chế tạo mặt gương, vài loại có thể phóng to những vật li ti nhất. Thí dụ như loại kính của thầy. Những loại khác làm đảo ngược hoặc làm xiên xẹo hình ảnh, soi một vật thành hai, hai vật thành bốn. Còn những loại khác, chẳng hạn như tấm gương này, biến tên lùn thành người khổng lồ hay ngược lại.

- Lạy Chúa tôi! Như thế có phải đây là những hình ảnh mà vài người bảo đã gặp trong Thư viện không?

- Có thể. Quả là một ý rất hay, - Thầy đọc bản khắc trên tường, phía trên kính: “Super thronos viginti quatuor ” (14). Chúng ta đã gặp bảng khắc chữ này rồi, nhưng trong một cái phòng không có gương. Còn phòng này lại không có cửa sổ và không phải hình bảy cạnh. Chúng ta đang ở đâu nhỉ? - Thầy nhìn quanh và đến một kệ sách – Adso ơi, không có cặp mắt kỳ diệu đó, thầy không thể hình dung được những sách này viết gì. Con đọc cho thầy nghe vài tựa sách đi.

Tôi vớ lấy một quyển sách – Thưa thầy, sách này không có chữ!

- Con nói gì vậy? - Thầy thấy chữ mà - Vậy con đọc cái gì?

- Con không đọc. Những cái này không phải là mẫu tự, cũng không phải tiếng Hy Lạp để con có thể nhận ra. Chúng trông giống như sâu bọ, rắn rít, ruồi, muỗi, phẩn…

- À, đó là chữ Ả rập. Có những cuốn sách khác như thế không?

- Thưa, có vài (cuốn?). Tạ ơn trên, cuốn này bằng tiếng La tinh đây. Al… Al – Kuwarizmi, “Tabulae ”.

- Những bản thiên văn của Al – Kuwarizmi do Adelard xứ Bath dịch. Một tác phẩm cực hiếm! Tiếp đi con.

- Isa Ibn – Ali “Luận về mắt ” (15). Alkindi, “Luận về những tinh tú sáng ngời ” (16)

- Bây giờ nhìn trên bàn xem.

Tôi giở một quyển sách lớn ở trên bàn ra. “Luận về muôn thú ” (17), tình cờ lật ra một trang sách vẽ một con kỳ lân đẹp mắt bằng những màu sắc rạng rỡ ngoạn mục.

- Đẹp quá, - thầy William nhận xét vì vẫn còn thấy rõ hình ảnh minh hoạ - Còn quyển sách kia?

Tôi đọc: “Cuốn sách về đủ loại quái vậ t”. Sách này cũng có hình ảnh đẹp, nhưng con thấy cũ hơn.

Thầy William cúi sát mặt xuống quyển sách - Quyển này do các tu sĩ Ái Nhĩ Lan minh hoạ cách đây ít nhất năm thế kỷ. Còn quyển sách có kỳ lân thì gần đây hơn, dường như làm theo kiểu Pháp - Lại một lần nữa, tôi thán phục tài uyên thâm của thầy tôi.

Chúng tôi vào phòng kế và xuyên suốt bốn phòng nữa, phòng nào cũng có cửa sổ, chất đầy sách viết bằng ngôn ngữ lạ lùng, kể cả những sách viết về khoa học huyền bí. Rồi chúng tôi đụng đầu một bức tường, nên buộc phải quay lại, vì năm phòng cuối này thông suốt với nhau và không có lối ra nào khác.

Thầy William nói:- Căn cứ vào góc cạnh của bức tường, thầy nghĩ chúng ta đang ở trong khối ngũ giác của một ngọn tháp khác, nhưng lại không có phòng bảy cạnh ở trung tâm. Có lẽ chúng ta đã nhầm.

- Thế còn cửa sổ thì sao? Sao có nhiều cửa sổ thể? Mọi căn phòng không thể đều nhìn ra ngoài được.

- Con quên cái lồng cầu thang ở trung tâm, từ trên nhìn xuống như cái giếng. Nhiều cửa sổ chúng ta đã thấy hướng vào lồng cầu thang hình bát giác này. Ban ngày, nhờ ánh sáng, chúng ta sẽ phân biệt được cửa sổ nào hướng ra ngoài, cửa sổ nào quay vào trong, nhờ đó chúng ta có thể biết vị trí của mỗi phòng theo hướng mặt trời. Nhưng khi hoàng hôn xuống thì không phân biệt được. Thôi ta trở lại.

Chúng tôi trở về phòng có tấm gương và trực chỉ cửa thứ ba. Chúng tôi nghĩ trước đây mình chưa qua lối này. Trước mắt chúng tôi hiện lên một dãy ba hay bốn phòng, và hướng về phía phòng cuối có ánh đèn.

- Có người đàng đó! – Tôi nghẹn giọng nói.

- Nếu thế, hắn đã trông thấy ánh đèn của chúng ta – Thầy William nói, nhưng vẫn lấy tay che đèn. Chúng tôi ngần ngừ một lát. Ánh đèn kia vẫn tiếp tục lung linh, không tỏ hơn cũng không mờ hơn.
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...