Thằn Lằn
2. Thằn Lằn - Phần 1
Thằn Lằn Trong câu chuyện này, tôi gọi nàng là Thằn Lằn, hoàn toàn không phải vì nàng có hình xăm con thằn lằn nhỏ xíu trên đùi. Mắt nàng đen tròn. Đôi mắt của loài bò sát. Đôi mắt ngơ ngác, thờ ơ. Nàng bé nhỏ, toàn thân giá lạnh, lạnh đến nỗi tôi chỉ muốn ấp ủ nàng trong hai lòng bàn tay mình. Không phải như ôm một con gà chiếp hay một chú thỏ con, mà để tôi cảm thấy trong lòng bàn tay mình đôi chân sắc nhọn lạ thường đang nhộn nhột động cựa, rồi khi hé nhìn vào tôi sẽ thấy cái lưỡi bé tí xíu màu đỏ thè ra, trong đôi mắt như hai viên bi thủy tinh tôi sẽ thấy phản chiếu khuôn mặt âu lo dường như đang mong muốn được yêu thương vỗ về một vật gì đó của chính mình. Nàng gợi cho tôi cảm giác như thế. "Em mệt." Bằng giọng không vui, Thằn Lằn vừa nói vừa bước vào phòng. Tôi không nhìn rõ khuôn mặt nàng, chỉ thấy tấm áo choàng trắng tỏa sáng. Nhìn đồng hồ đã hai giờ sáng, tôi lên giường chuẩn bị đi ngủ. Tôi định với tay bật đèn lên thì Thằn Lằn đã nhanh hơn, trườn lên người tôi. Rồi nàng dụi thật mạnh đầu mình vào khoảng giữa hai và ngực tôi, lòng bàn tay lạnh buốt luồn vào trong áo ngủ. Bàn tay giá lạnh như băng chạm vào làn da trần đem lại cảm giác thật dễ chịu. Tôi, hai mươi chín tuổi, là một chuyên gia tư vấn và điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em tại một bệnh viện nhỏ, và đã quen Thằn Lằn được ba năm. Chẳng biết tự khi nào, Thằn Lằn hầu như không thể nói chuyện với ai ngoài tôi. Về cơ bản, con người không thể sống mà không trò chuyện với người khác. Vì vậy, tôi cho rằng mình chính là phao cứu sinh của nàng. Nàng dụi mặt thật mạnh vào ngực tôi, ngay dưới xương quai xanh. Lúc nào nàng cũng làm vậy. Mạnh khủng khiếp, giống như nàng muốn xuyên vào người tôi vậy, đến phát đau lên. Khi nàng áp chặt vào ào tôi như thế, tôi đoán chắc là nàng đang khóc, nhưng không phải. Khi Thằn Lằn ngẩng mặt lên, khuôn mặt nàng vẫn tưới tắn, cặp mắt nàng vẫn ngọt ngào, mềm dịu. Có lẽ buổi trưa nàng đã trút bỏ được một chuyện gì đó khó chịu rồi, như kiểu đã vùi mặt vào gối mà khóc chẳng hạn, hoặc có thể đơn giản là nàng đã mệt đến nỗi không muốn suy nghĩ thêm gì nữa, và việc nàng dụi đầu mạnh vào tôi chỉ là một cách tách rời y thức ra khỏi bản thể hiện đã quá mệt mỏi của mình. Tôi nghi vậy. Nhưng đêm hôm đó Thằn Lằn đột ngột giải đáp thắc mắc của tôi. "Thật ra, hồi nhỏ, em đã có thời gian bị mù." Lời thổ lộ của nàng vang lên bất ngờ trong bóng tối. "Em bảo sao? Hoàn toàn không nhìn thấy gì hết à?" Tôi ngạc nhiên hỏi nàng. "Đúng thế đấy, hoàn toàn." "Có chuyện gì xảy ra thế?" "Bác sĩ nói đó là do chấn động thần kinh. Suốt từ lúc em năm tuổi cho tới khi tám tuổi." "Thế sao em lại nhìn lại được?" "Nhờ được chăm sóc tận tình tại một bệnh viện nhỏ, giống như bệnh viện anh đang làm bây giờ." "À ra thế." Tôi đáp. "Anh hỏi em điều này có được không? Tại sao em lại bị mù?" Thằn Lằn thở thật sâu rồi nói. "Anh ạ, một việc khủng khiếp đã xảy ra ở nhà em. Và em đã tận mắt chứng kiến việc đó..." "Nếu không thấy thoải mái thì em không cần phải nói đâu," tôi bảo nàng. Dường như nói ra điều đó có vẻ rất khó khăn đối với nàng, nhưng tôi không hiểu sao lại thế. Bố mẹ Thằn Lằn hãy còn khỏe cả và hiện đang sống hạnh phúc cùng nhau. Tôi đã có lần gặp họ. Nàng là con một, nên cũng chẳng phải lo lắng gì cho anh chị em. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy gia đình nàng gặp phải chuyện gì trong quá khứ. "... Thật ra vì lúc nhỏ đã từng bị mù, nên nếu chỉ chạm vào thôi thì không yên tâm, em phải ấn thật mạnh. Nhất là lúc mệt mỏi, giác quan không còn nhạy bén, nếu không nhắm chặt mắt, rồi ấn thật mạnh, hay nắm thật chặt thì em không thể yên tâm được." Nàng nói và siết chặt tôi. "Anh bị đau à? Em xin lỗi nhé." "Anh không sao, đừng lo cho anh. Ở bệnh viện cũng có rất nhiều em nhỏ rất bám người lớn vì chúng cảm thấy bất an. Anh rất hiểu những điều em nói" "Em biết là anh hiểu mà." "Mình lấy nhau đi, em chuyển tới đây, mình sống chung." "Mình lấy nhau đi, em chuyển tới đây, mình sống chung." Tôi đột ngột nói ra điều mình vẫn nghĩ từ trước tới giờ. Thằn Lằn vẫn áp mặt lên ngực tôi, tiếp tục im lặng. Xuyên qua im lặng, tôi cảm nhận được nàng đang căng thẳng, tim đập thình thịch. Bên dưới lớp da khác lạ bao bọc một trái tim khác lạ. Tôi cảm nhận rõ rệt về một người xa lạ hằng đêm vẫn mơ những giấc mơ khác biệt với tôi. "B..." Thằn Lằn thì thầm, nhưng rõ từng tiếng. Rồi cô ngưng lại, không nói tiếp. Chúng tôi lại chìm vào im lặng. Tôi phán đoán một hồi. Bạc ác? Bị bỏ lại một mình? Biện pháp ngừa thai? Búp bê? B... là cái gì mới được chứ? Cuối cùng, từ đôi môi đang áp chặt vào ngực mình, tôi đã nghe thấy câu trả lời. "Bí mật của em." Lần đầu tiên gặp Thằn Lằn là thời gian tôi đi tập ở câu lạc bộ thể thao. Tôi đi bơi ở đó hai tuần một lần, còn Thằn Lằn làm huấn luyện viên thể dục nhịp điệu. Một cô gái kỳ lạ, tôi thường nghĩ thế mỗi khi nhìn thấy Thằn Lằn. Nàng nhỏ bé, thân hình săn chắc với đôi mắt xếch u sầu, so với vẻ tươi vui của những huấn luyện viên khác, sự khác biệt chẳng biết là tốt hay xấu ấy khiến tôi thấy rất lạ lùng. Chẳng biết có phải là tình yêu hay không, nhưng thoạt đầu tôi bị lôi cuốn bởi vẻ dị biệt ấy. Lần nào lên khỏi bể bơi tôi cũng thấy nàng đang dạy thể dục nhịp điệu tại phòng tập. Đối diện với một biển thân hình nung núc thịt đang chuyển động của các bà các mợ, hình dáng nhỏ bé quá mức, lúc nào cũng như đang bất động trong đủ các tư thế khó của nàng trông tựa như một tác phẩm điêu khắc của Dali 1. Tôi dùng từ "bất động" bởi nàng chuyển động uyển chuyển đến nỗi trông như không hề chuyển động chút nào. Mặc cho tiếng nhạc trong phòng có kích động đến dâu, riêng nàng vẫn như đang ở trong một thế giới hoàn toàn tĩnh lặng, một mình.Trong lúc tôi tiếp tục quan sát nàng, một chuyện đã xảy ra. Hôm đó, sau khi bơi xong, tôi cũng đi ngang qua trước cửa phòng tập. Nàng đứng trong phòng như thường lệ, hướng dẫn học viên viên bài tập trên thảm. Tôi vừa uống nước hoa quả, vừa lơ đãng nhìn cảnh tượng ấy, thầm nghĩ nếu một ngày nào đó, cô gái này mà nghỉ không dạy nữa thì chán thật. Thời gian đấy, tôi vừa mới chấm dứt cuộc tình dài với một phụ nữ đã có chồng, hơn thế nữa lại còn bị người ta ruồng bỏ nên thấy mệt rã rời, chẳng còn hơi sức đâu mà tơ tưởng tới chuyện yêu đương. Thế nên việc tự dưng có suy nghĩ như vậy khiến tôi cảm nhận có một cái gì đó đang nảy mầm trong mình. Tôi có thể miêu tả chính xác cảm giác của mình khi đó - hồ hởi như một thiếu niên. Cảm giác đó rất giống với cảm giác tôi từng có vào một buổi tối mùa xuân ấm áp nhiều năm về trước, hẹn hò với một cô gái mới quen nhưng đã thầm cảm mến, ngồi trên tàu điện và nghĩ xem sẽ đưa nàng đi ăn tối hay đi uống nước ở đâu, không cần băn khoăn xem đêm nay có làm chuyện đó hay không, chỉ cần nhìn thấy những cử chỉ quan tâm, những họa tiết trên chiếc khăn quàng nàng làm dáng vì mình, nếp gấp của tấm áo choàng hay nụ cười rạng rỡ, giống như được ngắm cảnh đẹp xa vẫn, là đã đủ để tâm hồn mình cũng trở nên tươi đẹp.. Và khi tôi nhìn thấy Thằn Lằn ngày hôm đó, tất cả những niềm vui tưởng đánh mất tù rất lâu rồi ấy bỗng đột ngột trở lại như hương hoa xuân sực nức ngày xưa. "Nào, về nhà thôi." Khi tôi vừa nghĩ vậy và định cất bước đi khỏi thì bỗng nghe thấy tiếng kêu thét lên: "Ôi, đau quá..." Quay đầu lại, tôi thấy trong phòng tập, một bà đang ôm chặt lấy chân. "Điệu này chắc là bị chuột rút rồi," tôi nghĩ. Thằn Lằn tức tốc chạy đến bên cạnh, đặt tay lên chân bà ta. Trong phòng tập lờ mờ tối, tiếng nhạc vẫn đang vang lên, Thằn Lằn bình tĩnh xoa bóp chân cho người đàn bà đó, thành thục như một thầy thuốc. Khoảnh khắc tôi lặng ngắm nàng làm việc đó dường như kéo dài bất tận. Trong bóng tối, Thằn Lằn ngồi đó với cánh tay vươn ra, trông như pho tượng loang loáng tuyệt đẹp, tỏa sáng lung linh. Ngay lập tức khuôn mặt người đàn bà đó tươi tỉnh trở lại, Thằn Lằn cũng mỉm cười, môi đỏ thắm. Qua tấm kính, tôi chi nghe lõm bõm được vài tiếng động và giọng nói, nên cảnh tượng trước mắt lại thêm phần huyền bí. Rồi Thằn Lằn đứng dậy. Khi nhìn thấy trên đôi chân đang duỗi ra, ở khớp đùi bên phải có hình xăm một con thằn lằn nhỏ xíu, tôi đã bị hạ gục hoàn toàn. Mối tình kỳ lạ của tôi và Thằn Lằn đã bắt đầu như vậy. Quả thật công việc hiện tại đôi khi khiến tôi bải hoải. Nếu thật sự muốn giúp bệnh nhân, tôi không được hòa đồng, cộng hưởng với họ. Nhưng việc tránh né bước sóng của những người bệnh đang thiết tha yêu cầu sự cảm thông ấy thật khổ vô cùng. Việc này khó khăn như khi bụng đang đói, nhìn thấy một bàn bày đầy đồ ăn trước mắt mà phải ngoảnh mặt làm ngơ vậy. Những bệnh nhân của tôi tập trung toàn bộ năng lượng của họ vào việc yêu cầu tôi chia sẻ những cảm xúc của mình, thông báo với tôi từng ly từng tí mỗi khi họ giận dữ hay đau đớn. Những tôi vẫn luôn phải bình thản, khách quan. Nói một cách hình ảnh, tôi phải giữ gìn ý thức của mình giống như nhân viên phục vụ bàn chuyên nghiệp, nghĩ rằng đó không phải của mình. Việc của tôi là phớt lờ những chiếc đĩa đầy món ngon và đơn giản là mang chúng đến nơi chúng cần tới. Tôi luôn cố gắng tập trung vào mục tiêu của mình: giúp người bệnh khỏe lại. Nếu tôi kiểm soát được mình, tôi có thể duy trì sự khách quan đó. Tôi nhận ra rằng kỷ luật với bản thân như thế cũng là một kỹ năng thiết yếu trong công việc của mình. Người bệnh thì không bao giờ chịu hợp tác. Việc này đôi khi làm tôi thấy mệt mỏi quá chừng. Nhất là những khi có điều gì đó khiến mình phải bận tâm như lúc này. Vừa ăn trưa, tôi vừa nghĩ mãi không hiểu điều bí mật của Thằn Lằn là gì... Có khi chỉ đơn giản là vì nàng không muốn lấy tôi cũng nên. Tôi hay ăn trưa ở tiệm mỳ bên cạnh công viên khá xa bệnh viện. Có lẽ vì ở đó tôi không phải chạm trán với bệnh nhân. Bên ngoài cửa sổ, cây cối xanh tôi thơm ngát, công viên tĩnh lặng, ngập tràn ánh nắng ban chiều. Trên những băng ghế dài, những nhân viên bán hàng và các cụ già đang thảnh thơi ngồi sưởi nắng, trông hoàn toàn hòa hợp, hoàn toàn đồng điệu, và có thể nói là đẹp... Mọi người, đàn ông, phụ nữ, đã già hay còn trẻ, ai ai trông cũng đều đẹp đẽ. Điều đó khiến tôi bình tâm trở lại, nhớ ra vì sao từ đầu tôi đã chọn nghề này và tại sao nó lại khiến tôi hài lòng. Tôi tự nhủ "Tiếp tục làm việc thôi." Dưới cùng một bầu trời, có lẽ Thằn Lằn cũng suy nghĩ giống tôi, và đang chăm chỉ làm việc. Lần đầu tiên tôi mời Thằn Lằn đi ăn chính là buổi tối hôm tôi chứng kiến nàng chữa khỏi chân một cách thần kỳ cho bà học viên đó. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nàng trong trang phục dạo phố. Nàng mặc một chiếc áo len đen với quần Jeans giản dị, là như đang che giấu một điều gì đó. Cởi bỏ bộ đồ tập, nàng giống như mọi người khác, không có gì nổi bật. Thằn Lằn chẳng bao giờ thèm che miệng e lệ khi cười. Gò má nàng lấm tấm tàn nhang và trang điểm cũng đậm quá mức. Nhưng tôi không quan tâm. Thậm chí cả dáng đi của nàng nữa. Tôi yêu nó, chỉ đơn giản là yêu thôi. Mỗi lần nhìn nàng, không hiểu sao tôi luôn nghĩ đến từ "Sứ mệnh". Giống như nàng đang phải mang một gánh nặng trên vai, bắt buộc, không thể chối từ, một sứ mệnh nghiêm trọng đến mức cảm nhận được. Không rõ tại sao tôi lại có cảm giác như vậy về nàng, chỉ biết nàng hấp dẫn tôi chính ở điểm đó. Khi một người như nàng cười hết cỡ, điều đó thật tuyệt vời, có cảm giác đấy mới là khuôn mặt tươi cười thực sự. Thằn Lằn rất biết cách mỉm cười. Chúng tôi ăn tối tại một tiệm ăn Nhật nhỏ. Ngồi đối diện nhau. Quán ăn vắng lặng chỉ có hai chúng tôi. Tôi hồi hộp như chưa tưng hồi hộp bao giờ. Thằn Lằn im lặng, ăn nhỏ nhẻ, hầu như không uống chút rượu nào. Khi tôi nói với Thằn Lằn rằng tôi thấy nàng là một huấn luyện viên giỏi, nàng đột ngột nói. Ừm, nhưng tôi sắp thôi việc rồi. Từ tháng sau." Quá bất ngờ, tôi hỏi. "Sao thế?" "Có việc khác tôi muốn làm hơn." Thằn Lằn mỉm cười. "Việc gì vậy?" "Việc gì vậy?" Tôi hỏi. "Hi vọng cô không phiền khi tôi hỏi như vậy. Chỉ vì cô thật sự có tài, nên tôi thấy tiếc thôi mà." "Có gì đâu, tôi sẽ theo học ở trường dạy châm cứu." Thằn Lằn nói. "Sao cơ?" Tôi hỏi lại, thậm chí còn ngạc nhiên hơn. "Tại sao lại thế?" "Vì tôi biết trong chuyện đấy mình còn có năng khiếu hơn rất rất nhiều. Chỉ cần nhìn qua là tôi đã phát hiện ra chỗ không ổn của người đối diện. Tôi cũng có thể chữa bệnh chỉ bằng cách chạm tay vào cơ thể. Vì thế tôi muốn nâng cao khả năng đó..." "Lại có cả năng khiếu như thế nữa cơ à?" "Có chứ anh!" Trong lúc ăn món kem tráng miệng, nàng say sưa triết lý. "Aerobic là một phương tiện tốt để biểu đạt bản thân bằng cơ thể, nhưng tôi đã nhận ra rằng thay vì tiếp tục dùng thân thể để biểu đạt cái bên ngoài, tôi cần phải giải phóng được cái có ở bên trong mình, nếu không tôi sẽ không bao giờ thấy thỏa mãn. Tôi đã luôn cố gắng duy trì sức khỏe bằng cách tích cực vận động, nhưng tôi vẫn nghĩ mình sẽ tìm một cách khác. Dù sao, tôi cũng đã ba mươi ba rồi mà." "Cái gì? Ba mươi ba tuổi á?" Tôi tưởng nàng chỉ mới hăm nhăm. "Đúng thế đấy, tôi lớn tuổi hơn anh nhiều." Thằn Lằn cười. Khi chia tay tại nhà ga, Thằn Lằn nói với tôi: "Cảm ơn anh đã mời tôi đi ăn. Anh thấy đấy tôi vốn chẳng có bạn bè, mà hầu như cũng ít khi gặp bố mẹ. Lâu lắm rồi tôi mới lại nói chuyện với người khác nên hình như nói quá nhiều rồi thì phải." Màn đêm tối thẫm. Vài người bước qua đường. Ngọn gió đêm. Cửa sổ các cao ốc. Tiếng chuông báo hiệu giờ khởi hành của tàu điện từ đâu đó vọng lại. Khuôn mặt bình thản của Thằn Lằn. Và đôi mắt đen. "Anh muốn gặp lại em." Tôi nói, rồi nắm lấy tay nàng. Ôi, tôi muốn được chạm vào nàng, muốn tưởng như phát điên lên được. Thượng Đế ơi, chỉ cần được chạm vào tay nàng, tôi có thể làm bất cứ điều gì. Nên tôi đã làm thế. Tôi đã chạm vào tay nàng. Đơn giản là tôi không thể làm khác được. Đó là điều tôi thực sự cảm thấy khi đó. Khởi đầu của chúng tôi không phải tình cờ, không phải như kiểu bạn tình cờ bị một cô gái cuốn hút, rồi hẹn hò với cô nàng, khi trời tối hai người cùng đi ăn, uống chút gì đó, rồi nhìn nhau băn khoăn. "Mình sẽ làm gì tiếp nhỉ?", và bạn chỉ biết rằng có lẽ mình sẽ làm tình với cô ấy hàng đêm. Với Thằn Lằn, tôi bị choáng ngợp bởi khao khát muốn chạm vào nàng, hôn nàng, làm tình với nàng, không cần biết là làm thế nào để thực hiện được điều đó, tôi nhất định phải có nàng, Thằn Lằn chứ không phải ai khác. Ngay lập tức, ngay tại đây. Nước mắt dâng lên trong mắt tôi. Tôi quá muốn có nàng. "Vâng, gặp lại sau nhé." Nàng nói, cho tôi số điện thoại. Không ngoái đầu nhìn lại, nàng leo lên cầu thang của nhà ga. Dáng nàng biến mất trong làn sóng người đi lại trên sân ga. Đi mất rồi. Tôi bỗng có cảm giác mất mát giống như ngày tận thế. Thằn Lằn đi học ở trường dạy châm cứu, rồi được cấp bằng. Trong khi theo học ở trường, nàng đã được một bậc thầy khí công phát hiện ra năng khiếu đặc biệt và nhận làm đệ tử. Sau khi đi du học nửa năm tại Trung Quốc, nàng về nước, mở một phòng điều trị nhỏ. Nàng nổi tiếng chữa bệnh mát tay nên phòng điều trị rất đông bệnh nhân, phải tuyển thêm nhân viên. Mỗi ngày, các bệnh nhân từ khắp nước Nhật đổ về chỗ nàng để chữa bệnh, trong đó có rất nhiều người mắc bệnh nặng. Họ đều nghe đồn mà tìm đến đây. Mặc dù ngày càng bận rộn nhưng khả năng điều trị của nàng không vì thế mà giảm đi Chỉ có điều nàng ngày càng ít nói hơn. Có một lần, tôi đã thử ghé qua phòng điều trì của nàng. Đó là một căn phòng trong khu chung cư, chỉ có độc một chiếc giường. Bệnh nhân lặng lẽ xếp thành hàng dài chờ đến lượt vào khám. Phòng điều trị sơ sài đến nỗi nếu ai không biết có thể tưởng đây là phòng khám chui. Thằn Lằn mặc áo choàng trắng đi lại nhẹ nhàng trong phòng. Tôi có một cảm giác rất kỳ lạ. Thằn Lằn không dùng những lời lẽ ngọt ngào, vồn vã để chào đón bệnh nhân. Vì thế, nếu là người bệnh nhẹ, không cần thiết phải điều trị lắm thì lập tức sẽ không quay lại đây lần thứ hai. Nhưng những người mắc bệnh nặng, đã từng bị những cơ sở khác trả về rồi trôi dạt đến đây, đau đớn, cực khổ, bất an, thì lại bước ra khỏi phòng bệnh với cặp mắt rưng rưng lệ ngước nhìn nàng đầy biết ơn. Khi những bệnh nhân vốn bị liệt ra khỏi phòng khám trên đôi chân chính họ, dựa vào Thằn Lằn, người nhà đang đợi bên ngoài bỗng rơi nước mắt vì mảng vui. Nhưng Thằn Lằn chỉ hơi mỉm cười rồi lại tiếp tục chữa bệnh cho người tiếp theo. "Nàng thật sự tận tâm với công việc," tôi nghĩ. Nàng chỉ mong muốn được chữa bệnh. Nàng có thực tài, và không quá quan tâm tới lòng biết ơn hay sự mến mộ của người khác. Tôi cảm thấy ngực mình thắt lại, và thầm tự hào về Thằn Lằn. Tôi tự cảm thấy có đôi chút hổ thẹn, và muốn được như nàng. Đêm đó, tôi về nhà và đợi Thằn Lằn trong phòng. "Tám giờ em đến nhé." "Tám giờ em đến nhé." Nàng nói trong điện thoại. "Anh đặt pizza đi, loại cay ấy." Thằn Lằn rất thích bánh pizza giao tận nhà. Nàng ghét ra ngoài ăn. Nàng nói nàng không ghét con người, chỉ không muốn gặp ai nữa sau giờ làm việc thôi. Tôi hiểu cảm giác của nàng. Làm công việc có đối tượng là con người như cả hai chúng tôi dễ khiến người ta mệt mỏi khi tiếp xúc với mọi người. Vì thế hầu hết thời gian ở nhà chúng tôi thường chỉ ở trong phòng, không để đèn, hầu như không cả nói chuyện, chỉ bật nhạc, ngồi yên lặng lắng nghe trong bóng tối. Đi du lịch cũng chỉ đến những vùng núi xa xôi hẻo lánh thưa vắng bóng người. Một mối quan hệ kỳ lạ. Đã tám giờ ba mươi mà Thằn Lằn vẫn chưa thấy đến. Tôi ăn pizza trước, một mình, vừa uống bia vừa nghĩ ngợi. Có khi nàng không đến nữa cũng nên. Nàng đang chuẩn bị kể cho tôi một bí mật thì bị tôi cầu hôn. Tôi nghĩ với tính cách của Thằn Lằn, nếu muốn chia tay với tôi thì đêm nay nàng sẽ không đến.. Đúng là giữa chúng tôi, nhân tình cảm mãnh liệt buổi ban đầu đã biến mất, nhưng đó không phải là lý do. Tôi vẫn muốn có nàng bên cạnh. Tôi thấy buồn. Với một mối quan hệ như của tôi với nàng, đừng trông đợi sự vui tươi hay thanh thản. Nói thật là ở bệnh viện, đôi khi tôi cũng thấy bị cám dỗ bởi các cô y tá tươi xinh vây quanh, những chẳng ai có thể thay thế được Thằn Lằn. Không ai có cái mà nàng có. Tuyệt vọng, tôi ngồi uống tới say. Đến khoảng mười một giờ hơn, cửa mở ra đánh sầm một tiếng. Thằn Lằn bước vào phòng. "Xin lỗi nhé, em đến muộn quá." Thằn Lằn nói và choàng tay ôm tôi. Từ mái tóc dày rậm của nàng tỏa ra hương thơm của tưng ngọn gió. "Anh cứ tưởng em sẽ không đến nữa." Tôi nói, một cách bình tĩnh (Nếu là ngày trước, thì miệng tôi đã méo xệch đi rồi). "Em bối rối quá." Vừa nói, Thằn Lằn vừa ngồi xuống ghế nuốt vội vàng miếng pizza nguội ngắt. "Anh hâm nóng tại cho em nhé?" "Không cần đâu anh, cứ nguội thế này cũng được." Thằn Lằn đáp. "Em chỉ có thể nói chuyện với mỗi mình anh." "Anh biết. Nhưng dù thế thì em vẫn nói chuyện với bệnh nhân cơ mà? Không phải lo đâu." Tôi nói. "Thế nhưng em vẫn còn điều chưa nói nói anh. Một điều rất quan trọng." "Em nói thử xem nào." Tôi bảo nàng. Thằn Lằn im lặng. Rồi nhìn chằm chặp lên bức tường sơn trắng nàng thở thật sâu. Lúc này, nàng có dáng dấp của hình nhân rối bóng. Nàng giống như một sinh vật khác loài với tôi, lặng lẽ sống trong bóng tối. "Em từng kể là có thời gian em bị mù rồi, đúng không anh?" Thằn Lằn hỏi. Những ám ảnh thời thơ ấu. Tôi đã đoán đúng. "Hồi em năm tuổi, một tên điên đã đột nhập vào nhà em. Tự dưng hắn xuất hiện ở cửa, rồi gào lên những câu gì không rõ. Hắn ta chộp lấy con dao cắm trong nhà bếp đâm thẳng vào đùi và cánh tay mẹ em. Rồi hắn trốn mất. Em gọi điện đến công ty cho bố, bố bảo bố sẽ gọi xe cấp cứu, con cứ ngồi đó chờ một lát nhé. Tới khi xe cấp cứu đến, em ở bên cạnh mẹ suốt. Em biết mẹ sắp chết, em sợ, sợ ghê lắm, em áp tay mình vào miệng vết thương chí mạng mong cầm được máu ẹ. Lúc đó, em phát hiện ra mình có khả năng chữa bệnh. Không có cảnh máu ngừng chảy ngay hay vết thương biến mất như trong phim hay truyện tranh đâu, nhưng rõ ràng em cảm thấy tay mình phát sáng. Vết thương của mẹ có phản ứng. Dường như máu chảy ra ít hơn. Sau đó xe cấp cứu đến, chở cả em lẫn mẹ, người bê bết máu vào bệnh viện. Em vô cùng hoảng sợ, không mở miệng ra được, ngồi chết trân một chỗ. Bố chạy bổ đến chỗ em, cảnh sát cũng tới, nhưng em chẳng nói được lời nào. Bác sĩ bảo máu chảy ít như có phép lạ, nên cứu được mẹ. Tuy mẹ không được cầm máu một cách đàng hoàng. Ông khen em làm tốt." Tôi im lặng lắng nghe và nhớ tới hình ảnh mẹ của Thằn Lằn hơi lệch người về một bên lúc bước đi, còn khi đứng dậy thì chân phải trông rất nặng nề. "Sau đó mẹ bị sức nặng, tâm trí khôn bình thường suốt một thời gian. Em bị mù, bố thì thần kinh có vấn đề, lúc nào cũng lo khóa chặt cửa nẻo một cách bệnh hoạn. Nhà em hồi ấy khổ ghê lắm. Đó đúng là một cơn ác mộng. Đến một ngày em bắt đầu nhìn lại được, mẹ tự đi loanh quanh được một mình, bố không cần phải khóa đến bảy lần cửa mà vẫn có thể yên tâm ra ngoài. Qua nhiều năm thì từng chuyện một rồi cũng quay trở lại như xưa. Một thời kỳ đen tối của gia đình em. Nhưng chính trong thời gian đó, em hiểu được bí mật của sinh mệnh. Em cảm nhận điều đó bằng chính cơ thể mình. Dạo ấy, mẹ là cả vũ trụ mà em tôn thờ. Mẹ có cãi vã với bố, rồi khóc lóc nữa, nhưng với em mẹ vẫn là một người mẹ hoàn hảo, là điểm tựa vững chắc cho em. Thế nhưng ngày hôm đó, khi em thấy mẹ gào khóc, và chạy trốn, rồi bị chảy máu, rồi ngã xuống, khắp người đầy máu, em thấy mẹ là một cái gì đó khác, như một thân thể không có linh hồn, một vật thể. Sau đó em hiểu ra rằng thân thể chỉ đơn thuần là vật chứa đựng mà thôi. Vì thế nên em nghĩ cũng có thể chữa khỏi bệnh cho thân thể giống như là sửa xe ơ tô. Để tâm nhìn ra xung quanh trên đường phố, em thấy những người sắp chết có màu đen. Nếu gan có vấn dề cùng gan đen kịt. Mỏi vai thì vai có màu xám. Em tiếp tục tập aerobic để không phát điên do phải thấy quá nhiều. Cuối cùng, từ khi em quen anh, em đã lấy lại thăng bằng. Em cảm thấy mãn nguyện lắm rồi. Hơn nữa, em được làm công việc vốn là sứ mệnh của mình."
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương