Thiên Thần - Barbara Taylor Bradford

Chương 12



Hai người phụ nữ ra về đã lâu, Johnny vẫn còn bồi hồi vì phản ứng kỳ quái của mình đối với Rosie. Chả nhẽ nàng đã làm cho anh trở nên mềm yếu như thế này?

Khi mới thấy nàng, anh ghét cay ghét đắng, thế mà bỗng nhiên anh hoàn toàn thay đổi. Anh không hiểu nổi mình, trên người mặc đồ ngủ, anh nằm ra giường, cố phân tích tâm trạng của mình.

Bỗng tiếng chuông điện thoại reo vang cắt đứt dòng suy tư của anh. Anh đưa tay cầm lấy ống nghe (trên đường dây riêng của anh), mắt nhìn vào chiếc đồng hồ trên bàn ngủ, tự hỏi không biết ai gọi vào giờ này. Đã quá 11 giờ rồi. Chắc là một người nào đó trong nhóm làm việc thân cận hay là ai đó thân thích, vì chỉ một vài người trong số này mới có số điện thoại đặc biệt này.

Tuy vậy, khi cất tiếng nói, giọng anh vẫn uể oải:

- Xin chào, ai đấy?

- Johnny hả, mạnh khỏe không? - Giọng người trả lời bên kia đầu dây nghe ồm ồm cáu kỉnh.

- Cậu Vito? Lạy Chúa, cậu làm gì mà thức khuya thế này? Ở New York chắc là quá hai giờ sáng rồi.

- Đúng. Giờ xấu à, cháu? Không cản trở công việc chứ?

Johnny cười:

- Không, cháu đang một mình.

- Tội nghiệp chưa. - ông già thở dài. - Cháu nhớ lời cậu rồi chứ? Tìm một cô gái đẹp, một cô người Ý xinh đẹp, cưới cô ta, sinh một bầy nhóc xinh xắn, sống hạnh phúc cho rồi. Tại sao cháu không nghe lời cậu, Johnny?

- Có ngày cháu sẽ lấy, cậu Vito à, có ngày.

- Hứa rồi đấy nhé?

- Cháu hứa.

- Cậu đang ở trên đảo. Ăn bữa cơm gia đình. Cháu nhớ là luôn luôn vào những ngày thứ năm. Lần nào "ông lớn" cũng hỏi thăm cháu hết đấy, cháu là người ông ấy thương mến nhất, cháu đừng quên đấy. Ông đợi chúng ta vào dịp lễ Tạ ơn. Cháu còn nhớ chứ Johnny?

- Dạ nhớ chứ. Bộ cháu không thường đến ăn bữa cơm đoàn tụ tiểu gia đình đấy hay sao? Cháu không để cậu thất vọng đâu. Hay là để "ông lớn", thất vọng. Cậu này, cậu gọi ở đâu đấy?

- Đừng lo, điện thoại trả tiền mà.

- Cậu làm ơn đi ngủ cho rồi. Cậu không cần gì nữa chứ? Cậu mạnh khỏe cho.

- Cậu rất khỏe, cháu à. Không bao giờ khỏe bằng ở New York xa xôi, ông Vito Carmello đang đứng trên vỉa hè, ngươi hơi run vì trời đêm lạnh, ông ta cười - Những người khác ở đây bậy lắm, Johnny à. Ồn ào lắm, họ nói bai bải. Thật tệ. Tệ không làm gì được, đúng không?

- Dạ, Johnny đáp rồi cười với cậu anh. - Thôi, bây giờ cậu hãy nghe cháu, đi ngủ di. Cháu sẽ gặp cậu vào tuần sau. Cháu sẽ đến vào tối thứ tư.

- Cháu sẽ ở đâu?

- Khách sạn Waldorf.

Một lần nữa, anh nghe giọng cười của cậu anh vang lên ở đầu dây xa xôi bên kia.

- Chúc cháu ngủ ngon, Johnny.

- Chúc cậu ngủ ngon, cậu Vito.

° ° °

Johnny cứ nghĩ về cậu anh mãi một hồi. ông Vito đã gần tám mươi - nói chính xác thì cũng 79 tuổi - quá già rồi không làm nổi công việc trước mắt. Đã đến lúc ông về hưu. Nhưng ông già rất bướng bỉnh, ông không nghe lời anh; mà cũng không chịu nhận tiền anh đưa cho. Cứ mỗi lần anh đề nghị đưa tiền cho ông tiêu, ông lại nói:

- Cậu không cần tiền của cháu. Cậu có nhiều rồi. Nhiều tiêu không hết. Cháu giữ lấy, khi nào cậu kẹt, hẵng hay.

Cậu anh là người Sicily kiêu hãnh, và rất trung thành với ông "bạn già" của mình, ông Salvatore Rudolfo, người mà nhiều người gọi là "ông lớn", do đó ông không muốn về hưu. Vito thường nói với Johnny rằng:

- Cậu không về hưu chừng nào ông trùm còn nắm quyền. Khi nào ông về hưu, cậu mới về. Cậu và ông ấy cùng nhau bắt đầu, thì cũng cùng nhau chấm dứt.

Và thế là Vito Carmello vẫn làm Caporegime, làm đội trưởng, trong tổ chức của Rudolfo, như lâu nay.

Vito và Salvatore là bạn bè từ thời thơ ấu. Họ xuất thân ở Palermo, hai gia đình đã cùng rời quê hương trên một chiếc thuyền khi họ mới 8 tuổi. Đó là vào năm 1920, và hai gia đình cùng định cư ở vùng ngoại ô Hạ Manhattan, sống bên nhau như hồi còn ở Sicily vậy.

Johnny đã nghe cậu anh kể nhiều chuyện về những ngày ban đầu ấy, những ngày khi gia đình Carmello và gia đình Rudolfo mới đến thành phố lớn New York.

Những người di cư mới này gặp rất nhiều khó khăn, và bố mẹ của hai cậu chẳng bao lâu sau nhận thấy họ không giàu hơn, không thành công hơn và có lẽ không hạnh phúc hơn thời gian họ sống ở Palermo, và họ thường ước ao được quay trở về cố hương.

Những lần hai gia đình có dịp tụ tập lại, thì Guido Carmello và Angelo Rudolfo than vãn với nhau, tự hỏi tại sao họ lại quá ngu ngốc đến Mỹ làm gì, họ cứ tưởng đất Mỹ là đất giàu có, hè đường lát bằng vàng. Bây giờ mới ngã ngửa ra là không phải thế, mà nước Mỹ có "giàu" như họ đã nghe nói là giàu cho ai kia, chứ không phải cho họ. Hai người đàn ông đã cùng lớn lên với nhau, là bạn bè thân thiết với nhau, làm việc cật lực bằng nghề đóng bàn ghế, nhưng đời sống vẫn không khá hơn; phần lớn, họ cố phấn đấu để có tiền thuê nhà và mua thực phẩm cho gia đình thôi.

Nhưng hai cậu bé thì lại thích thành phố, và khi hai cậu đã nói thành thạo tiếng Anh, họ biến đường phố ở Manhattan thành nhà của mình, các cậu mê say vẻ sinh động của thành phố, mê say tiếng ồn ào, mê say sự náo nhiệt, tất cả những cảnh tượng ở nơi đây rất khác xa xứ Palermo trầm lặng. Các cậu chán trường học; đường phố đem lại cho các cậu nhiều điều hấp dẫn khiến các cậu thích mạo hiểm - Và cuối cùng là đem lại tiền bạc.

Lúc lên 13 tuổi, hai cậu thành lập băng đường phố, tiếng ý gọi là Borgata. Thành lập băng là do sáng kiến của Salvatore; trong hai người thì cậu ta là người khỏe hơn, liều lĩnh hơn. Công việc của họ đương nhiên phải phạm các tội nhỏ nhặt, đường đời họ thế thì việc phải xảy ra như thế, họ ăn cắp của những người buôn bán trên phố ở các quầy bán hàng, ở các nhà máy sản xuất, nhiều cách khác nhau, kể cả của những người say đi không nổi, rồi còn mang tin tức vặt cho những tay Ma- phi- a ở địa phương, họ thường mang về nhà nhiều tiền hơn những ông bố làm việc cật lực lương thiện của họ.

Với tài thông minh và tháo vát, cuối cùng Salvatore tiến từ vai trò thủ lĩnh băng nhóm lên hàng găng tơ Ma- phi- a cấp thấp, phục vụ cho Capo, ông chủ Ma- phia thích cậu bé người Sicily này, ông ta thấy cậu có tài thiên bẩm: đó là tính lanh lợi khôn ngoan và bản chất thô bạo, cứng rắn. Salvatore kéo theo Vito với mình, hết lòng ca ngợi "ông chủ , và xem cậu ta như Goombah, bạn thân nhất trong nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn, Salvatore vươn lên hàng người tổ chức, mặc dù còn trẻ, nhưng cậu ta đã chính thức trở thành một thành viên của Ma- phi- a, và Vito cũng thế.

Dần dà, Salvatero Rudolfo trở thành nổi tiếng là một tay "anh chị" còn trẻ sừng sỏ trong giới tội phạm, một kẻ chỉ biết vươn lên hàng đầu sỏ. Ngoài tài khôn ranh trên đường phố, Salvatero còn có tài kinh doanh, tàn bạo đến rợn người, bản chất phản phúc, lại thêm khả năng độc đáo là thuyết phục được kẻ khác trung thành tuyệt đối với gã. Không kể Vito, gã qui tụ quanh gã một nhóm trung thành với gã đến chết gọi là Goombata, nhóm người này sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho gã, kể cả giết người vì gã, nếu cần. Mà việc này gã thường cần đến.

Thời gian trôi qua, đến lúc Salvatore thấy phải tách ra khỏi gia đình tội phạm đã dùng gã, vì gã bị lòng tham thúc dục, lòng khao khát quyền lục thúc đẩy, gã cùng Vito chia tay chủ cũ, thành lập tổ chức riêng của mình.

Yếu tố làm cho đôi bạn này thành công là do họ chọn được lúc và gặp may mắn. Việc chia tay xảy ra năm 1930, khi hai người được 18 tuổi, và khi xảy ra một hoàn cảnh đặc biệt trong giới Ma- phi- a ở New York, đây là một điều may mắn cho hai người.

Một nhóm thanh niên Thổ có xu hướng hưởng lạc, chống lại các trùm lãnh đạo - thường được gọi một cách châm biếm là các ông Hoàng Râu Mép - họ chống lại những tên thủ lĩnh mẫu mực lạc hậu của mình.

Khi cuộc cách mạng chấm dứt vào năm 1931, hầu hết những ông trùm già cỗi đều bị loại sang một bên hay là bị thủ tiêu. Cách điều hành của họ theo lối "Cựu Thế giới" bị dẹp bỏ; một giới Ma- phi- a Mỹ hiện đại như hiện nay thành hình. Và gia đình tội phạm Rudolfo nhờ thế mà thành hình. Vì Salvatore và Vito đã có công trong việc thanh trừng này, nhóm thanh niên Thổ hiện có quyền lực bằng lòng cho họ đi tiên phong theo các kế hoạch riêng của Salvatore.

Gia đình Rudolfo chóng trở nên lớn mạnh, bề thế, và qua nhiều năm sau trở thành vai trò chủ đạo trong "xã hội đáng kính", trong giới huynh đệ của Ma- phi- a, còn được biết là La Cosa Nostra, nghĩa là "giới buôn bán ma túy". Salvatore làm chủ, em trai Charlie làm phó chủ, người em họ Anthony làm Consigliere, hay là cố vấn và Vito làm đội trưởng, đồng thời là người được Salvatore tin cậy, gần gũi nhất.

Khi còn nhỏ, Johnny Fortune không biết chính xác cậu Vito làm gì, anh chỉ biết cậu anh làm việc trong gia đình với mấy ông cậu của anh - Cậu Salvatore, cậu Charlie và cậu Toni. Khi đã lớn hơn, anh biết mấy ông cậu của mình đều là dân "anh chị" và là thành phần của giới tội phạm. Nhưng việc này không làm cho anh ngạc nhiên lắm, vì anh đã lớn lên trong một khu vùng ven nghiêm ngặt của người Ý, một nơi đầy dẫy Ma- phi- a. Anh biết rất ít những gì xảy ra ngoài thế giới nhỏ bé này, thế giới mà những Amici, những thanh niên trong "xã hội đáng kính", được người ta nói bằng lời lẽ hết sức kính nể. Hay là hết sức lo sợ.

Theo luật lệ từ lâu của giới Ma- phi- a, không bao giờ người ta bàn công việc làm ăn ở nhà, cho nên anh không biết gì về công việc hàng ngày của cậu Vito hết, hay là không biết cậu anh làm việc gì. Mà thực ra anh cũng không cần lưu tâm đến. Chỉ một điều quan trọng cho anh là bốn người đàn ông thường thương yêu anh, che chở anh, và bảo đảm cuộc sống cho anh. Bất kỳ khi nào Vito cần có thêm tiền cho anh, để mua áo quần giày dép, đi bác sĩ, nha sĩ, đóng học phí âm nhạc hay ăn một bữa tiệc đặc biệt, cậu Salvatore sẵn sàng cung cấp. Còn ngôi nhà ở phố Mulberry mặc dù chật chội tối tăm, nhưng Johnny vẫn được chăm sóc kỹ lưỡng, luôn luôn được ăn uống đầy đủ và áo quần không thiếu.

Chính cậu Salvatore là người đầu tiên nhận ra tài năng của Johnny, và là người đã tuyên bố anh hát như một thiên thần, rồi tặng cho anh tờ ngân phiếu 5 đô la. Khi anh bắt đầu hát chuyên nghiệp, Salvatore mua cho anh bộ côm- lê đầu tiên và nhận ra anh thường đăng ký hát trong những hộp đêm quanh vùng, những hộp đêm do bạn bè cũ của cậu ấy làm chủ.

Kể từ đó, Johnny được Salvatore Rudolfo để mắt canh chừng, trong khả năng giới hạn nào đấy, ông ta xem đứa cháu đẹp trai, có tài của Vito là người ông có trách nhiệm bảo trợ.

Mặc dù lớn lên trong không khí sinh hoạt của giới Ma- phi- a Sicily ở New York, nhưng Johnny không phải là thành viên của tổ chức tội phạm quốc tế, mà anh cũng không bao giờ muốn tham gia. Âm nhạc là lẽ sống của anh. Cậu Vito và cậu Salvatore rất hài lòng về việc này, họ khuyến khích anh trau dồi nghề nghiệp - và giữ anh xa cách với công việc của họ, không muốn anh dính dáng vào chuyện gì của họ hết.

Họ biết chắc chắn rằng không ai biết Johnny có mối liên hệ gia đình thân thiết với họ và đấy chính là điều họ mong muốn. Họ không muốn có gì làm lu mờ hình ảnh của anh đi. Và quả không có cái gì làm lu mờ thật.

Về phần công lao bảo trợ anh suốt những năm trời qua, Salvatore không hề đòi hỏi Johnny đáp lại gì cả. Ngoại trừ việc ra mắt vào bữa tiệc mừng lễ Tạ ơn hàng năm. Vào ngày Lễ này, anh được mời đến nhà cậu Salvatore ở Đảo Staten, và giữa lúc mọi người chúc mừng vào buổi tối, anh được yêu cầu hát vài bài ông Trùm thích nhất. Việc này chỉ diễn ra rất bình thường, thoải mái, và họ thường rất vui thích.

Johnny chợt nghĩ đến, anh phân vân không biết cậu Salvatore muốn nghe bài gì đây. Dĩ nhiên là sẽ có những bài ông ưa thích đã cũ rồi, như là Sorrenlo và O Soloe Mio. Nhưng Johnny nghĩ anh cũng phải chọn lựa một vài bài hiện đang nổi tiếng, những bài mà những người trẻ tuổi trong gia đình ưa thích. Anh phải làm cho mọi người hài lòng cũng như ông Trùm hài lòng, làm cho họ say sưa khoảng nửa giờ anh hát.

Johnny cười thầm, nghĩ đến Salvatore với tất cả lòng thương mến. Giữa hai người có một sự ràng buộc rất quan trọng. Sự ràng buộc không nói ra, nhưng nó nằm sờ sờ ra đấy, thật vậy, luôn luôn nằm sờ sờ ra đấy từ khi anh còn là một chú bé còn mặc quần xà lỏn. Đứng vào một vài phương diện nào đấy, anh cảm thấy anh gần gũi với ông ta còn hơn là với cậu Vito nữa, và anh thương yêu kính trọng ông. Mặc dù từ bố già hiếm khi được dùng trong giới Ma- phi- a, nếu có cũng ít, những Johnny cứ nghĩ về Salvatore như thế. Ông ta quả là bố già của anh, nói theo nghĩa hoàn hảo nhất. Và anh xem Salvatore là một người vĩ đại theo cách riêng của ông ta. Theo cách ông ta là bá chủ một vương quốc tội phạm rộng lớn, chứ không kể đến một Capo di tuti Capi của tất cả mọi gia đình Ma- phi- a ở bờ Đông, từ này không bao giờ nghĩ đến. Rất đơn giản vì Salvatore Rudolfo là ông cậu mà anh mang ơn rất nhiều.

° ° °

Một lát sau, Johnny nhìn đồng hồ, anh thở dài đưa tay bấm tắt máy ti vi phát hình không có âm thanh đã hơn nửa giờ rồi hay lâu hơn thế. Đoạn anh chui người vào chăn và cố ngủ.

Nhưng đêm nay giấc ngủ hóa ra không đến với anh.

Johnny Fortune nằm yên lặng trong bóng tối một hồi lâu, không nghĩ đến Salvatore và Vito nữa, mà tập trung vào Rosalind Madigan. Anh nhận thấy hình ảnh nàng không ra khỏi tâm trí anh.

Bây giờ hình dung lại khuôn mặt nàng, anh bỗng cảm thấy người nhẹ lâng, mọi lo âu buồn phiền trong người tan biến hết. Rồi một cảm giác ấm áp bất ngờ tràn ngập lòng anh, anh thấy niềm hạnh phúc sâu xa đè lên người anh đến ngộp thở. Anh kinh ngạc vô cùng. Anh, con người chưa bao giờ trải qua cảm giác ấy trong đời, thế mà bây giờ anh lại thấy hạnh phúc vì nàng. Johnny thấy đây là một hiện tượng kỳ lạ như là một phép mầu.

Anh không biết tí gì về nàng hết: không biết nàng còn độc thân hay đã có chồng, hay ly dị hay cái gì nữa. Mà thực ra thì anh cũng cóc cần biết. Rosalind Madigan là người đàn bà đầu tiên, người đàn bà duy nhất, đã làm cho anh có cảm giác như thế, một cảm giác không bao giờ muốn rời khỏi mình. Ý nghĩ này ở trong tâm trí anh một hồi thật lâu cho đến lúc anh bắt đầu thiu thiu ngủ.

Mình hy vọng gặp lại nàng.

Mình mong muốn gặp lại nàng.

Mình phải gặp lại nàng.

Mình sẽ gặp lại nàng.
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...