Thời Gian Không Nghe Lời
Chương 61
Tp.HCM, 29/10/19Editor: Xiao HeSau khi xe Úy Phong rời đi, bầu không khí trong biệt thự vô cùng yên tĩnh đến bất thường. Sòng bài tản ra, không còn tiếng nói chuyện và âm thanh tách quả hạch nữa. Tất cả mọi người đều nhìn về phía Úy Minh Hải, không ai dám lên tiếng. Từ đầu đến cuối Úy Minh Hải đều đứng bên cạnh cầu thang không hề nhúc nhích, ánh mắt nhìn về phía cửa ra vào không còn bóng người. Chính ở nơi này, ông đã lớn tiếng với con gái mình. Tiếng quát lớn ấy, đã tạo ra một vết nứt sâu không thấy đáy giữa mối quan hệ của ông và Đào Đào, đẩy cha con hai người về hai bên khe nứt, không thể nào thấy được nhau. Trong lúc này chỉ mỗi Úy Lam dám bước lên nói chuyện, "Chú đừng lo lắng, cho em ấy một chút thời gian để bình tĩnh lại, rồi em ấy cũng hiểu được tấm lòng của chú thôi." Ánh mắt Úy Minh Hải cứ nhìn về căn phòng trống rỗng tràn ngập bi thương ấy. Lát sau, ông mới nói: "Đều trở về cả đi." Lúc này mọi người trong nhà mới dám phát ra tiếng động, mặc áo khoác của mình và xách túi bước đi. Úy Minh Hải không cần ai an ủi, mà cũng không ai có thể an ủi được chính ông lúc này, ai cũng hiểu rõ con người Úy Minh hải, thời điểm ông im lặng cũng chính là lúc ông không muốn mọi người xung quanh nhiều lời với mình. Mẹ Úy Lai không ngờ Thời Quang sẽ phản ứng kịch liệt với Úy Minh Hải như vậy, chặt đứt mối quan hệ của hai người, biệt thự sang trọng không thèm ở, người ba này cũng không cần, chỉ gọi một tiếng "chú". Bà không biết Úy Minh Hải đang suy nghĩ gì ngay lúc này, là áy náy với Thời Quang, hay con tim đã đóng băng rồi. "Xin lỗi chú út con đi." Bà liếc mắt nhìn Úy Lai một cái. Úy Lai không nhúc nhích, ánh mắt cự tuyệt, cô không muốn đi Bình thường cô chỉ dám làm nũng khi ông vui vẻ mà thôi, bây giờ ánh mắt và thái độ của Úy Minh Hải nhìn cô như vậy, khiến cô vô cùng sợ hãi, tê cả da đầu. Úy Lam không đi, dự định ở lại chăm sóc chú út. Cô lấy thẻ ra vào trong túi ra, "Chắc em ấy còn chưa quen với hình thức ở chung của nhà chúng ta, dù gì thì em ấy cũng ở Thời gia đã lâu, rất khó để thay đổi thói quen, chú đừng ép em ấy quá, lúc cần nhường nhịn thì nên cố gắng chiều theo em ấy, sau này khi tụi con tới sẽ nhờ bác quản gia mở cửa giúp." Úy Minh Hải chấn động, ông đã quên đưa thẻ ra vào cổng cho Đào Đào rồi, cũng không hề lưu dấu vân tay của cô. Úy Lam cầm tấm thẻ đưa cho Úy Minh Hải, thật ra cô cũng không biết Úy Minh Hải sẽ tỏ thái độ gì, sẽ lấy lại, hay tiếp tục để cô giữ thẻ. Mẹ Úy Lai liếc nhìn Úy Lam, a, chuyện tốt nào cũng bị cô ta dành lấy hết rồi. Úy Minh Hải không cầm lấy, chỉ nói bốn từ: "Đưa quản gia đi." Úy Lam sững lại, nhưng vẫn tỏ thái độ ôn hòa như cũ, "Được ạ." Cô không hề ngần ngại, gọi cho quản gia, đưa thẻ ngay trước mặt chú út. Quản gia không hiểu rốt cuộc đang xảy ra chuyện gì, cũng không hỏi nhiều, nhận lấy thẻ ra vào trong tay Úy Lam vô cùng thoải mái, mẹ Úy Lai không tình nguyện, nhưng cũng ráng tỏ vẻ bình thường, bà mỉm cười với quản gia nói: "Hôm nay Úy Lai để quên thẻ ở nhà rồi, để bữa nào con bé đem qua đưa cũng được." Úy Lai ngẩng đầu nhìn mẹ mình, cô luôn mang theo bên người mà. Thế nhưng cô không có ý định đưa lại thẻ, nên cũng không nói gì. Bữa nào là một thời gian không hề xác định, thế nên cô không cần phải vội vã. Úy Minh Hải thản nhiên nói: "Không cần đưa đâu." Úy Lam, mẹ Úy Lai, còn có những người còn lại trong nhà, đều ngỡ ngàng nhìn Úy Minh Hải. Sự bất công này có phải thể hiện hơi rõ ràng rồi không? Hai người cháu Úy Minh Hải thương nhất chính là Úy Lam và Úy Lai, thế nhưng đối với Úy Lai ông lại dành nhiều tình thương hơn cả, trong nhà ai cũng biết, nhưng bởi vì Úy Lai nhỏ nhất trong nhà, mà mối quan hệ giữa chú sáu và Úy Minh Hải lại vô cùng tốt, thế nên cho dù có ý kiến gì cũng chỉ dám để trong lòng. Khóe miệng Úy Lai cong cong, liếc mắt nhìn Úy Lam vô cùng đắc ý. Chú út đối xử với cô khác với mọi người trong nhà, cô với chú ấy đã ở chung nhiều năm như vậy, tình cảm sâu sắc ấy không ai có thể sánh bằng. Úy Minh Hải nói câu tiếp theo: "Dù gì thì tấm thẻ ra vào kia cũng sắp hết hiệu lực rồi." Người khác có thể không hiểu, thế nhưng quản gia lại hiểu ý nghĩa trong câu nói của Úy Minh Hải, không thể nào lấy được thẻ trong tay Úy Lai, Úy Lai là trẻ con, chỉ cần con bé không muốn đưa thì cho dù làm cách nào cũng không thể nào cầm về được. Quản gia liền tranh thủ câu nói của Úy Minh Hải mà tìm cớ: "Gần đây hệ thống an ninh của khu biệt thự này cũng cần nâng cấp rồi, nên sẽ thay đổi toàn bộ thẻ ra vào." Sắc mặt mẹ Úy Lai biến đổi, bây giờ nói lời nào cũng không có ý nghĩa nữa, điều cần nhất bây giờ chính là tranh thủ tình cảm của Úy Minh Hải, "Vậy thì phải đổi liền rồi, để lát nữa chị đưa qua cho, Lai Lai đúng là không biết phân biệt tốt xấu, phòng của người khác mà cũng tùy tiện bước vào." Bây giờ không chỉ là thẻ ra vào, mà sợ là toàn bộ hệ thống vân tay cũng sẽ thiết lập lại hết. Úy Minh Hải không muốn nói với bọn họ nữa, đi thẳng lên lầu. Ông không có ý muốn chỉ trích bất kỳ một ai, mọi lỗi lầm đều bắt nguồn từ ông. Lúc thư ký Trần nhận được điện thoại của Úy Minh Hải, ông đang đi dạo siêu thị mua đồ tết với vợ và con gái, Úy Minh Hải muốn ông tới biệt thự một chuyến, ông liền đồng ý. Cúp máy, thư ký Trần rất áy náy mà nhìn hai mẹ con bà. Con gái ông không che giấu được sự mất mát ở trong ánh mắt, đã nhiều năm trôi qua, đây là lần đầu tiên ba đi siêu thị mua đồ tết với hai mẹ con cô, trước đây mỗi năm tết đến, ông đều bận rộn tới tận đêm ba mươi, điện thoại vang lên không ngừng nghỉ. Hai mẹ con ở đây được ăn tết hạnh phúc, thì ở nửa bán cầu còn lại, ba lại vùi đầu trong đống công việc, mãi mãi cũng không thể nào xử lý hết được, điện thoại cũng nghe không xuể. Thế nhưng cô trao cho ông một cái ôm ấm áp: "Ba đi nhanh đi, nếu có đi xã giao thì uống ít rượu thôi nhé." Thư ký Trần ghi nhớ lời dặn của con gái, ông làm tới cấp bậc này rồi, chưa từng có ai dặn dò ông chuyện này. Vợ ông chỉ hỏi một câu: "Hôm nay không phải sinh nhật Úy Minh Hải à, sao ông ấy không ở cùng với con gái đi?" Thư ký Trần trầm ngâm một lát, lắc đầu, "Đào Đào không ở đó nữa, trở về Thời gia rồi." Vợ ông cũng không hỏi lý do, chỉ nói: "Rời đi cũng chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi, một cái gia đình như vậy ai có thể chịu nổi chứ? Về phương diện làm ăn, ông ấy đúng là vô cùng hoàn hảo, có thể cân bằng được lợi ích của các bên, lại vừa chiếm được rất nhiều lợi ích cho bản thân, thế nhưng trong ứng xử gia đình thì lại không như vậy, nếu Đào Đào chỉ muốn tiền của ông ấy, thì mọi chuyện quá dễ dàng rồi, nhưng hết lần đến lần khác thứ mà đứa trẻ ấy thiếu lại không phải là tiền." "Không nói tới ông ấy nữa, ông mau đi đi." Trên đường đi thư ký Trần đều suy nghĩ, ngoại trừ giỏi kiếm tiền ra thì Úy Minh Hải còn biết gì nữa chứ? Nghĩ cả nửa ngày cũng không thể tìm ra được. Biệt thự lại khôi phục lại bầu không khí trước kia, vắng vẻ và quạnh quẽ. Lúc thư ký Trần tới nơi, hai chân Úy Minh Hải đang buông thõng, thất thần dựa trên ghế sa lon, trên bàn trà để một ly cà phê đã sớm nguội lạnh, một ngụm cũng chưa hề uống. "Xảy ra chuyện gì rồi?" Thư ký Trần ngồi xuống đối diện ông. Úy Minh Hải: "Tôi là một người ba vô cùng thất bại." Thư ký Trần ngẫm nghĩ, bây giờ ông mới biết à. Khi ở trên máy bay ông đã nhắc đến điều ấy rất nhiều lần, không phải ông can thiệp quá nhiều, chỉ là ông muốn Úy Minh Hải thật lòng quan tâm mà tìm hiểu con người Đào Đào, hiểu và tôn trọng cô. "Đào Đào không gọi tôi là ba nữa, chỉ gọi tôi một tiếng chú Úy." Khi nghe được câu nói đó tim ông như bị ai móc ra vậy. Thư ký Trần sững sờ, nghiêm trọng vậy sao? Ông chỉ nghĩ là Đào Đào giận dỗi với Úy Lai, sau đó mới bỏ đi. "Con bé như vậy là oán trách tôi đến mức nào chứ." "Đời này tôi chỉ bội ước đúng một lần duy nhất, nhưng lại là bội ước với chính con gái mình." Ông hứa hẹn với cô rất nhiều thứ, nào là mặc kệ thời điểm nào, ông sẽ luôn đứng về phía cô, bênh vực cô. Thế nhưng tất cả đều chỉ là lời nói suông. Thư ký Trần nắm hai tay lại, vô cùng bất đắc dĩ, "Có nhiều người lớn cũng suy nghĩ như vậy, cảm thấy đều là con cái của mình, cho dù có khiến con bé thiệt thòi một chút cũng không sao, dù sao cũng là ruột thịt. Nếu một đứa trẻ bị thiệt thòi như vậy, chắc chắn cũng sẽ bỏ qua và nhanh chóng quên đi, không còn bất mãn với ba mẹ mình nữa. Thế nhưng ông lại không giống với bọn họ, người ta vừa có công sinh lại có công dưỡng, nên con cái có tha thứ cho họ cũng là một điều dễ dàng, ông thì khác, chỉ có công sinh, lại không hề nuôi nấng con bé trưởng thành." Những lời nói sắc bén như vậy, nếu không nói thì sẽ không có cách nào khiến cho Úy Minh Hải hiểu ra vấn đề mình đang gặp phải được. Thư ký Trần dừng vài giây, vẫn nói thật lòng mình, "Nói cách khác, ông không nuôi nấng cô bé từ nhỏ, thế nên sự quan tâm cũng như đau lòng của ông vô cùng nhỏ nhoi, không thấu đến tận tâm can." Câu nói này đã trực tiếp đâm vào vết thương trong lòng Úy Minh Hải. Ông không muốn thừa nhận, nhưng lại không thể nào phản bác được. Thư ký Trần vẫn tiếp tục nói: "Nếu những chuyện này xảy ra với Úy Lai, lúc con bé khóc rống lên như vậy, trước mặt người lớn trong nhà, ông sao có thể lớn tiếng với con bé như vậy được, nhưng với Đào Đào, ông lại không có tình cảm sâu sắc như vậy, nên trong lúc vô tình ông lại thiên vị Úy Lai hơn. Không chỉ thiên vị Úy Lai, mà còn cảm thấy Đào Đào sao có thể không hiểu chuyện như thế? Sao không hề hiểu cho người ba bất đắc dĩ này? Giống như trong nhà có hai đứa trẻ, đứa lớn thì ở với ông bà nội, lớn lên mà không có ba mẹ bên cạnh nên không hề thân thiết với gia đình, một năm gặp nhau không được mấy lần, đứa thứ hai lại được ba mẹ chăm sóc từ nhỏ tới lớn, đến tuổi đi học đứa lớn mới quay trở về với gia đình. Hai vợ chồng cảm thấy có lỗi với con lớn, muốn cố gắng để bù đắp lại, điều đó lại làm cho đứa thứ hai không hài lòng, cảm thấy thiệt thòi vô cùng, nó sẽ cảm thấy đứa lớn kia là người lạ xâm nhập vào nhà, chiếm hết những thứ vốn là của mình. Hai vợ chồng ngẫm lại, trước đây đứa thứ hai đã được nuông chiều đến như vậy, bây giờ lại chịu thiệt thòi như thế, nên đều cố gắng nhường nhịn con nhỏ, cho dù đứa nhỏ có làm loạn đến cỡ nào cũng chịu đựng, cảm thấy là vì chuyện kia nên mới trở nên như vậy. Lúc hai đứa nhỏ xảy ra mâu thuẫn, trong lòng không tự giác sẽ thiên vị đứa thứ hai hơn. Sẽ vô tình mà oán trách con lớn, sao có thể không hiểu chuyện như vậy? Vậy là có yêu đứa lớn hay không? Đương nhiên là yêu, đều là con cái do mình dứt ruột đẻ ra cả. Thế nhưng yêu bao nhiêu? Không thể nói chính xác được. Bởi vì không cần phải cố gắng chăm sóc, thế nên không có bao nhiêu phần tình thân. Có nhiều khi, chúng ta tha thứ cho người thân, thật ra không phải là tha thứ cho chính họ, mà chính là tha thứ cho những nỗ lực và tâm huyết mà mình đã hao tâm tổn sức." Thư ký Trần lấy danh phận là bạn bè lâu năm, còn lấy thân phận là một người cha, mà nói ra những lời từ tận trong đáy lòng mình cho Úy Minh Hải nghe. Úy Minh Hải một mực trầm mặc không nói, sau đó cầm ly cà phê đã nguội lạnh lên uống. Thư ký Trần nhắc tới con gái của mình, "Con gái tôi nhiều khi cũng rất bướng bỉnh, những lúc con bé làm sai, tôi sẽ không bao giờ la mắng mà chỉ ôm con bé một cái, cùng nhau phân tích những lỗi sai ấy. Như vậy sau này con bé sẽ không phạm phải những sai lầm cũ, tôi cảm thấy một cái ôm còn mạnh mẽ hơn bất kì đòn roi nào, cho nên con bé cũng không còn đối nghịch với tôi nữa." Nói xong, bỗng nhiên ông cười, "Rốt cuộc tôi cũng có cơ hội dạy cho ông một bài học." Trên công ty, ở phương diện kinh doanh, đều là Úy Minh Hải chỉ dạy cho ông, đương nhiên là ông được lợi không ít. Úy Minh Hải bưng lý cà phê trống không lên, bỗng nhiên nhìn về phía thư ký Trần, "Ngoại trừ biết kiếm tiền ra thì tôi còn biết gì chứ?" Thư ký Trần: "Thật trùng hợp, trên đường đi tới đây tôi cũng nghĩ tới việc này, nhưng đến bây giờ vẫn chưa nghĩ ra được." Ngón tay Úy Minh Hải vuốt ve dọc theo ly cà phê, "Đào Đào và mẹ con bé đều cảm thấy thất vọng về tôi rồi." Hai người đều cảm thấy ông không yêu thương bọn họ, sao có thể như vậy được? Thư ký Trần: "Vết rách giữa ông và Đào Đào không phải chỉ một hai câu là có thể hàn gắn được, lần trước con bé nguyện ý quay lại là đã cho ông một cơ hội rồi." Sao Úy Minh Hải có thể không biết được, cô sẽ không chừa mặt mũi cho ai bao giờ, một câu "chú Úy" kia đã thể hiện lên quyết tâm của cô, không muốn nhận người ba này nữa. Ông không nói đến chuyện trong nhà nữa, hỏi thư ký Trần: "Có mang tài liệu đến không?" Thư ký Trần đưa vài tập hồ sơ cho Úy Minh Hải, bên trong là bản kế hoạch của vài hạng mục, còn có vài văn kiện cần Úy Minh Hải ký vào. Đáng lý sau mùa xuân mới cần giải quyết, lúc Úy Minh Hải gọi tới đã nói ông mang tới đây hết. Ông ra hiệu thư ký Trần: "Ông về nhà đi, không còn chuyện gì nữa đâu." Thư ký Trần há hốc miệng, lời đến khóe miệng nhưng lại nuốt xuống. Có một số việc, nói không cũng không đủ, phải tự mình trải qua mới có thể lĩnh ngộ được. Sau khi thư ký Trần rời đi, Úy Minh Hải đi tới thư phòng trên lầu. Mười lăm phút trôi qua, ánh mắt ông từ đầu đến cuối đều nhìn vào dòng đầu tiên trong trang giấy. Ông xoa xoa mi tâm, không nào có được tinh thần như trước kia, tập trung hoàn toàn vô công việc. Trước khi có Đào Đào, không ai có thể làm ảnh hưởng tới tâm trí của ông được. Úy Minh Hải cầm hộp thuốc, rút một điếu thuốc ra ngậm trong miệng, theo thói quen cầm lấy bật lửa nhựa ở trên bàn, lại nhớ tới món quà mà con gái đã tặng mình. Cái bật lửa ấy còn ở trong túi áo khoác, ông xuống dưới lầu cầm lên. Cái bật lửa rất xinh đẹp, màu xanh đậm. Cả một sáng chỉ lo vui mừng, không để ý kĩ món quà, lúc này mới phát hiện trên bật lửa có một dòng chữ nhỏ, "Ba hút thuốc ít thôi nha." Hóa ra mua bật lửa không phải để ông dễ dàng hút thuốc hơn, mà là để nhắc nhở ông hút ít lại. Úy Minh Hải rút điếu thuốc ra cầm trong lòng bàn tay, sau đó ném vào thùng rác. Hôm nay không có tâm trạng, ông không về thư phòng nữa mà đi qua phòng ngủ của Thời Quang. Căn phòng đã trở lại dáng vẻ như lúc chưa có người ở. Vết tích duy nhất của Thời Quang còn trong phòng chính là những quyển sách ở trên bàn trà, là những quyển ông tìm cho cô, cô không mang theo, sắp xếp gọn gàng để ở đấy. Úy Minh Hải bước tới gần, không chỉ có sách, còn có một tấm thẻ đen mà ông từng đưa cho cô, cô chưa từng dùng tới, cũng trả lại cho ông. Đây là muốn hoàn toàn phân rõ giới hạn với ông. Úy Minh Hải dùng sức cầm lấy cái thẻ, móng tay lộ ra ba loại màu sắc: hồng phấn, trắng và đỏ. Ngồi một lúc lâu, ông gửi tin nhắn cho Thời Quang: [Đào Đào, có thể tha thứ cho ba một lần nữa không? Một lần cuối cùng.] Cô đã cho cơ hội, thế nhưng người không biết nắm giữ cơ hội đó lại là ông. Thời Quang đang ở trong nhà của Úy Phong, không có việc gì làm, ngồi ngẩn người trên sô pha. Nhà Úy Phong rất sạch sẽ, sạch sẽ đến mức cái gì cũng không có, trong tủ lạnh ngoại trừ mấy bình nước ra thì không còn gì nữa. Sau khi về tới nhà, Úy Phong đi về phòng mình, nói buổi trưa uống rượu nên có chút mệt, về phòng ngủ một lát, để TV lại cho cô xem, cô biết, anh muốn cho cô không gian để bình tĩnh lại. Bởi vì buổi trưa anh không hề uống rượu. Thời Quang nhắn tin trả lời Úy Minh Hải: [Chú Úy, sau này đừng nên liên lạc với nhau nữa, lãng phí thời gian và tình cảm của đôi bên.] Cô không hề phủ nhận, câu nói này đang thể hiện cảm xúc của cô bây giờ. Hai mươi mốt chữ, ba dấu câu, giống như hai mươi bốn thanh đao, cùng nhau cắm trên trái tim ông. Úy Minh Hải giả vờ như không thấy, xóa bỏ tin nhắn của cô, tiếp tục nói: [Người ba yêu thương nhất chính là con.] Nhưng tin nhắn này lại không thể chuyển đi được, một dấu chấm than màu đỏ hiện lên, biểu tượng này còn đau đớn hơn cả hai mươi bốn thanh đao khi nãy. Ông đã không còn là bạn bè của cô nữa, bị cô xóa mất rồi. Úy Minh Hải tỉnh táo lại, hơn mười phút sau, vẫn ngồi bất động ở chỗ đấy, toàn thân như bị rút sạch sinh khí. Bị từ chối cùng bất lực, đau khổ, còn có sự tuyệt vọng tột cùng, những loại cảm xúc này ông đều được trải nghiệm hết một lần. Mà Đào Đào, phải cảm nhận tất cả những điều ấy từ nhỏ đến lớn. Cổ họng ông như bị ai bóp lại, một cảm giác ngạt thở bỗng nhiên tràn tới, rất lâu không thể nào bình thường lại được. Úy Minh Hải vẫn để chồng sách và tấm thẻ kia ở chỗ đó. Lúc này ông vô cùng thèm hút một điếu thuốc. Trong phòng không có gạt tàn, ông liền gẩy thuốc trong thùng rác, trong đó chỉ có rất nhiều giấy, ông nhìn thấy được nét vẽ cổ tay, mà cái đồng hồ trên cổ tay ấy ông lại vô cùng quen thuộc. Nhìn tay trái mình một chút, đồng hồ trên bức vẽ rất giống với đồng hồ trên tay ông lúc này. Nhanh chóng dập tắt điếu thuốc trên bàn trà, ông nhặt lấy tất cả giấy trong thùng rác ra, mở bức tranh ông vừa nhìn thấy. Người trên giấy vẽ chính là ông, quần áo, áo sơ mi, cà vạt, thậm chí là kiểu tóc, đều là ông, nhưng toàn bộ khuôn mặt lại trống không, vẫn còn vết tích tẩy xóa trên đó, mà không chỉ tẩy một lần. Ông mở tiếp một tờ giấy khác, cũng không khác nhau mấy. Mở ra bức cuối cùng, đập vào mắt ông chính là hình ảnh của mẹ Đào Đào, ông trố mắt. Cô vẽ sinh động như thật, bà đang nghiêng đầu một chút, nhìn về trước nở nụ cười, trong mắt tràn ngập sự cưng chiều, người đứng cạnh chính là ông, nửa ôm lấy bà trong lồng ngực, nhưng khuôn mặt ông vẫn trống rỗng như cũ. Trên bức tranh còn có một hình ảnh khác, là một bé gái năm, sáu tuổi đang ngồi chơi xích đu, mặc váy công chúa màu trắng, thắt bím tóc rất đẹp, quay đầu nhìn bọn họ cười thật tươi. Hình dáng đáng yêu như thiên thần này chính là bộ dáng lúc nhỏ của Đào Đào. Ông vẫn nhớ, hôm nghỉ ngơi trong văn phòng của ông, Đào Đào luôn nhìn vào ảnh chụp trên đầu giường, chắc vậy nên muốn vẽ một tấm ảnh gia đình tặng ông. Bức tranh này chắc là bản thảo đầu tiên cả cô, nhưng mãi vẫn không thể vẽ được dáng hình ông, thế nên vẽ thêm vài tấm nữa, cố gắng vẽ ông, sau đó vẽ tiếp cô và mẹ. Có thể là vẽ từng bức từng bức một, nhưng cuối cùng vẫn không thành công. Cô không thể nào vẽ, không phải do dáng vẻ ông khó, mà là do có liên quan đến dáng hình tình yêu của ba trong tâm trí cô. Bức vẽ này chắc là khao khát khi còn bé của cô. Kết quả lại bị người ba này phá hủy tất cả.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương