Thời Xa Vắng

Chương 6: Chương 6



Nhưng nó giống như ông nói. Biết tất cả mọi cái để mà rút kinh nghiệm thôi. Cái gì xảy ra, nó vẫn cứ xảy ra. Cái gì đã qua, nó vẫn phải qua đi. Nghĩa là, cả hai cái tin: không được kết nạp Đảng trong năm nay và Hương đã đi lấy chồng tháng trước vẫn cứ đến với Sài, và anh vẫn không thể phát điên, không thể nổi khùng, không thể nằm ỳ, không thể nói năng vô trách nhiệm và thiếu tính tổ chức. Sáng dậy tập thể dục, chiều tăng gia, vẫn soạn bài đầy đủ, lên lớp đều đặn. Tối thứ sáu sinh hoạt đoàn, tối thứ năm học hát ... Không thể uể oải, không thể thiếu vắng, dù đã gần một tuần nay, hầu như không đêm nào anh chợp mắt được!

Cho đến bây giờ chưa ai lý giải được chính xác và sâu xa về một lý tưởng thiêng liêng của người chiến sĩ thời bấy giờ. Đấy là cuối năm một chín sáu tư. Những đơn vị bổ sung cho chiến trường đã lên tới quy mô cỡ trung đoàn. Nhưng những tiếng ”đi B“ còn là tiếng thì thầm, những người đi ”B“ còn phải chọn lựa, lựa mười người trong số hàng dăm bảy trăm, lựa hàng trăm trong số vài ba nghìn lá đơn tình nguyện. Người đã là quân nhân viết đơn tình nguyện đi ”B“. Người đang là thanh niên ở nông thôn, ở nhà máy, ở trường học viết đơn xin nhập ngũ. Hầu như đã là thanh niên hồi bấy giờ ít ra ai cũng đã một lần tình nguyện cầm súng sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, cho thắng lợi của miền Nam. Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt, những lá đơn viết bằng bút mực, những lá đơn viết bằng bút chì, có cả những lá đơn viết bằng máu. Hàng vạn, hàng triệu lá đơn chân thành sôi sục không ai biết hết nguyên nhân mà ta vẫn hay gọi là động cơ, nhưng chắc chắn những cái tên: Ma đốc, Hạm đội bảy, khu trục hạm, những máy bay phản lực oanh tạc ”trả đũa“, những quả bon rơi xuống Lạch Trường, Hòn Gai ngày mồng năm tháng tám như một sự kích thích để nổ bùng lên lòng căm giận và chí khí quật cường vốn là dư thừa của mỗi người dân. Cái sức bùng nổ ấy ầm ầm trên đài phát thanh, choán đầy trên các tờ báo hàng ngày. Ngoài sự sôi sục ở tất cả đều có ra, mỗi con người còn có một cái gì đấy mà người khác khó biết hoặc có biết cũng coi như không, cũng phải bỏ qua. Nó giống như chiếc xe đang đi không thể dừng lại vì một hạt bụi bám vào mắt xích. Từ hơn một năm trước chính uỷ Đỗ Mạnh đi chiến trường, trung đoàn bộ đã xôn xao, dò hỏi và nghe ngóng xem ai sắp được ra đi, bao giờ đến lượt mình vinh dự lên đường làm cái nghĩa vụ thiêng liêng bất chấp gian lao, sẵn sàng đổ máu và không hề nghĩ đến ngày trở về ấy. Trong số những người cuồng nhiệt phải kể đến Sài đầu tiên. Anh đã viết ba lá đơn lên Đảng uỷ trung đoàn, Đảng uỷ và Bộ tư lệnh quân khu. Hai trong số những lá đơn ấy anh viết bằng máu chích từ tay mình. Hành động của Sài không thể gọi là đột xuất trong lúc này. Người ta vẫn nhắc nhở tên anh cùng với hàng trăm người khác trong những thông báo trong các buổi mít tinh, hội họp ở Quân khu như những người chiến sĩ tiên phong trong nhiệm vụ chiến đấu. Cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn nhìn Sài trìu mến và khâm phục con người lặng lẽ đầy chí khí và nghị lực. Chỉ riêng có Hiểu và Hiền thì hiểu rõ Sài qua từng dòng trong mỗi lá đơn. Không thể không công nhận lòng sôi sục và khát vọng trở thành dũng sĩ ngoài mặt trận của anh như hàng vạn thanh niên khác. Nhưng ở đây đang thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy giỏi như Sài. Phần khác họ thấy thương Sài và muốn làm tất cả mọi việc cho ”chú em“ trong cái nhóm ba người ấy. Đặc biệt là Hiểu, Sài có thể nhận thấy một người duy nhất trên đời này lại chứa đọng đầy đủ tình cảm của cha, của mẹ, của một người thầy, một người bạn, một người anh, người yêu và thậm chí như một đứa em ngoan ngoãn của Sài nữa. Hiểu băn khoăn về việc của Sài. Rất lâu sau, nhân một đêm đi chơi anh gợi ý: ”Mình nghe nói sắp tới có thể điều nguyên cả một E, một F đi. Hay là ở lại khi nào đi một thể Sài ạ“- ”Thôi, em xin anh, các anh cứ đề nghị dấn lên hộ em. Đi sớm ngày nào em đỡ khổ ngày ấy“. Hiểu lại im lặng như người phạm lỗi. Gần một năm nay, kể từ khi cô Tuyết đã đẻ thằng con trai, như vồ được hạnh phúc của cái nhà này thì Sài lại càng đau buồn thêm. Anh buồn cho anh, và lo cho cả số phận của đứa con sau này rồi không biết sẽ ra sao. Chỉ có điều chắc chắn là nó chỉ có một trong hai người: bố hoặc mẹ. Dường như ở cái trung đoàn này, chỗ cách nhà chưa đầy hai trăm cây số chỉ đi và về hết vài ngày đường không thể là chỗ dấu thân ”biệt tăm“ như ý nghĩ thơ dại hồi mới đi bộ đội. Vả lại, sau cái lần cắn răng làm theo Hiền ”chỉ thị“ Sài thấy đời mình không thể ”dũng cảm“ lần thứ hai như thế. Nhưng bỏ nhau ư? Đến lúc này thì lại càng không thể nào được. Sài nghĩ ra cách khác: Đi Nam. Vượt qua giới tuyến bên kia không ai có thể chạy theo tóm anh lại. Cuộc chiến tranh vừa công khai vừa giấu giếm cũng không ai bắt anh cứ phải viết thư về, cứ phải ”đoàn kết“ với vợ. Trong chiến đấu có bao nhiêu lý do để không ai hành hạ anh chuyện vợ con. Được yên thân cái đó thì khổ cực có là gì, hy sinh có là gì đối với anh. Hiểu biết tất cả những chuyện ấy. Anh biết cả từ khi có con, Sài sẵn sàng gửi hết tiêu chuẩn đường hàng tháng, mua tôm he nõn gửi về giã nấu cháo cho con, nhưng Sài rất sợ phải về nhà. Về nhà chơi với con lại phải nhìn thấy mặt mẹ nó. Sài ước có lần nào cô ta đi đâu, kể cả đi tằng tịu với ai đó càng hay. Cô ta đi, để thằng con ở nhà với ông bà và Sài xin nghỉ phép về bế con, chơi đùa với nó.

Cái việc đó không xảy ra thì Sài vẫn phải về. Anh là một trong số năm mươi hai cán bộ, chiến sĩ trong trung đoàn được chọn bổ sung cho đơn vị đi B. Hiểu đi ”công tác“ và ”tranh thủ“ để đi cùng Sài suốt cả mười lăm ngày phép của cậu ta. Biết đâu, đây chả là lần chia tay cuối cùng. Vì thế cả hai đều thấy bịn rịn im lặng, cái tình thương yêu nhau chứa chất ở mỗi người lúc nào cũng chỉ chực có cớ gì đấy để được bộc lộ. Họ về đến nhà lúc chập tối. Lần này không có trẻ con theo, cũng không có chuẩn bị trước. Ông đồ là người nhận ra đầu tiên. Từ trong nhà, ông hỏi ra phía ngõ, nơi có bóng người nhập nhoạng đang giảng giải điều gì cho nhau: ”Ai như Sài về hở con“. Bà đồ từ trong bếp nhao ra mắng ông: ”Sài đẹn gì mà ông cứ đứng ngây ra thế. Nó đâu rồi“. Bà chạy ra phía ngõ, vừa lúc hai người đi vào và cùng ”chào mẹ“. Vẫn như mọi lần, bà nắn nắn hai tay rồi từ đầu đến lưng con, cười, nước mắt chảy ràn hai má: ”Đây là bác Hiền hở em?“- ”Dạ, con là Hiểu ạ“- ”Lần này anh Hiểu, chắc anh Tính đã nói với thầy mẹ“- Có, có anh Hiểu quê ở Mỹ Đức bên Hà Đông. Em ơi quý hoá quá, cả nhà cứ mong em với em Sài“. Chị Tính như là vô tình đi qua chào ”Bác về chơi, chú Sài!“ rồi chị đi vào mãi tận xóm trong chừng nửa cây số gọi thằng em họ vừa được Tính xin cho đi công nhân đường sắt: ”Chị lại nhờ chú việc này quan trọng lắm. Chú đạp xe vào ngay huyện bảo anh Tính có anh Sài và anh Hiểu về“. Chị về qua nhà anh cả: ”Chú Sài mang bạn về, anh ra xem thế nào“. Chị cả lạnh nhạt: ”Thì đã có ông bà, chú Tính rồi. Nhà tôi đang dở tay một tý“. ”Thôi, anh cứ bỏ đấy chạy ra tiếp người ta một lúc. Nhà em chưa về. Ông nhà mình già, nói năng theo lối mới bây giờ không hợp, chả nhẽ lại để người ta ngồi không“- ”Có ai đi tìm chú Tính chưa? Thôi được, thím cứ về lát nữa tôi ra“. Dù anh đã liều quyết định khi chưa hỏi ý kiến vợ nhưng quay về vợ Tính cũng dủm dỉm cười nghĩ bụng: ”Lát nữa“ của anh ấy cũng được đến nửa đêm“. Chị về đến nhà thì mẹ chồng gắt: ”Con mẹ Tính này hay nhỉ. Định bỏ kệ mụ già này đấy à?“. Chị thản nhiên: ”Động tý bà cứ cuống lên. Thế không đi nhờ người tìm con giai bà về à?“ Bà đồ mới ớ ra cái việc quan trọng bậc nhất ấy bà đã quyên khuấy đi mất. Bà hỏi giọng vẫn hơi gắt để chữa ngượng ”Thế bây giờ định thế nào?“- ”Còn thế nào nữa. Cứ bảo thím Tuyết làm gà nấu cơm, xào thêm đĩa su hào, nấu bát canh miến“- ”Thế nào thì chị quàng quàng lên hộ tôi, không khéo rồi đến đêm mới được miếng ăn“. Biết tính mẹ chồng hay cuống cuồng chị đủng đỉnh vào nhà làm tuần tự các công việc như đã thành nếp quen của chị.

Vợ chồng chị đã ra ăn riêng hàng chục năm nay, không hề ”liên quan“ gì kinh tế với bố mẹ và em chồng nhưng mỗi khi có khách, nhất là khách của chú Sài, ”nhà dưới“ (anh chị đã xây một ngôi nhà cao rộng khang trang gọi là ”nhà trên“) chỉ việc có bắt gà, nấu cơm còn mọi thứ chị phải lo. Cũng phải nói thêm, giữa ”nhà dưới“ với ”nhà trên“ chỉ cách nhau một khoảng sân và khách xa về không thể biết có sự tách biệt nào nhưng ”nhà dưới“ vẫn là ngôi nhà nghèo khó toạ tệch của cái làng Hạ Vị lụt lội ngày xưa. Còn ”nhà trên“ bầy biện và cung cách ăn ở như bất cứ một nhà khá giả lịch sự nào trên tỉnh. Mấy năm nay trồng cây nông sản bán cho nhà nước và được cung cấp gạo hàng tháng, làng Hạ Vị không hề biết đến cái đói, nhà nghèo đến đâu thì cũng có con lợn, dăm bẩy con gà, vài chục ba cân gạo. Ngoài mấy thứ đó ra khi có khách sang trọng đến ”nhà dưới“ cũng chỉ còn món muối trắng trộn với tiết luộc để chám làn nên đặc điểm sâu xa, có người đi khỏi làng đến ba đời vẫn không thể chấm thịt gà luộc bằng bất cứ thứ nước chấm gì ngoài muối trộn tiết luộc. Trong khi đó ở ”nhà trên“ bao giờ cũng có đủ hành tỏi, riềng mẻ, gừng nghệ từng chùm, từng khóm hoặc ở ngoài vườn hoặc treo trên gác bếp, để ở lọ trong xó buồng. Hồ tiêu và bột ka ri, ớt tươi, ớt khô và chanh, dấm, đường và mỡ, dâu ngâm, bột sắn dây và rượu thuốc, nước lọc đầy chai và phíc đầy nước sôi... Bất cứ lúc nào có khách sang của chồng và bạn bè đơn vị chú Sài đến, vợ Tính cũng phải biết tiếp thứ gì cho hợp mùa, hợp thời, vừa lịch sự vừa thoả thuê. Khách ”nhà dưới“ ở lại ăn cơm, thì mẹ chồng chỉ làm thịt con gà còn chị sẽ ”cung cấp“ gia vị. Nếu tính về ”tổ chức chuyên đề“, thì phải gọi chú em con bà gì hơi nghễnh ngãng nhưng rất tinh nhanh đã được Tính ”tập huấn“ và cho lên cửa hàng ăn của huyện ”tham quan“. Thành ra khách đến ăn cơm hoặc chỉ uống cốc bột sắn ở nhà Tính đều không có cảm giác làng Hạ Vị lúi xùi, ”chém to kho mặn“. Khách thật sang, chỉ nhìn vào cốc nước, bữa ăn đã phải khâm phục đây là một làng quê văn minh.

Vợ Tính bày đĩa bánh quy và đặt phong kẹo lạc đưa xuống ”nhà dứơi“ gọi Sài ra cửa: ”Chú mời ông và bác Hiểu xơi tạm kẻo đói“. Nó và đặt vào tay Sài đĩa bánh xong chị lẳng lặng quay đi. Sài kính nể chị như một người mẹ, không bao giờ anh từ chối hoặc cãi lại chị bất cứ việc gì. Chị ra vườn nhổ mấy củ su hào, khóm hành hoa, vào buồng lấy gừng, hồ tiêu rồi rượu thuốc, mâm bát, ớt tươi, ớt khô... Giao tất cả mọi thứ cho Tuyết và hướng dẫn cô thứ tự từng việc, từng cữ mặn nhạt xong chị rửa chân tay lên nhà sắp chăn chiếu, màn gối trên chiếc giường giải quạt ở gian ”buồng khách“ rồi mới gọi cả hai đứa con rửa chân tay mặt mũi cho chúng. ”Nhanh lên, bố Tính sắp về“. Việc ăn uống khách khứa ra sao chị không hề biết đến. Sớm ngày mai chị dậy đun nước, đánh rửa ấm chén để khi khách dậy có nước nóng rửa mặt pha trà. Xong những thứ công việc đó không bao giờ chị ăn một miếng thịt, húp một lưng canh sau khi khách ”nhà dưới“ đã ăn uống. Ngay cả những đứa trẻ cũng không được lai vãng, trừ phi các cháu cùng bà giấu giấu giếm giếm mà chị không biết. Hồi đầu bà đồ cứ dấm dứt không yên, sau Tính phải gắt lên: ”Bà làm để tiếp khách hay tiếp con mẹ Tính và bọn trẻ. Nó thèm, làm lấy mà ăn. Gà đấy, mọi thứ đấy, không thiếu gì cả“. Bà biết bố Tính nó chúa ghét ai tạ thế có khách để trẻ mỏ bấu sấu vào. Vả lại, các cháu nhà bà cũng ngoan, không thèm nhạt gì cho lẵm thành ra bà cũng yên lòng. Phần Tính, mẹ nó cũng dễ dãi, phần khác nó cũng sợ chị em mất đoàn kết. Con mẹ cả không bao giờ dòm ngó đến công việc nhà này và nó ở tận cuối xóm mà một tý gì ở nhà này nó cũng biết. Của đáng tội, có một lần, cũng đến dăm bảy năm về trước, nhà có khách mà chả có lấy một hột gạo. Con mẹ Tính chạy ngược, chạy xuôi vay gạo, ”mượn“ gà về làm cơm. Người ta ăn xong, còn thừa dăm miếng cổ cánh, bà phải co kéo gắt gỏng mãi con mẹ mới chịu vào bếp húp nửa bát canh bí, và nhai cái đầu và cánh gà. Chỉ có thế, mấy ngày sau ra đồng chị cả đã chì chiết ”Khách ba, chủ nhà bẩy. Thời buổi này ông bà cứ chịu khó vay mượn, có một vài người khách cũng làm vài ba con gà. Khách ăn hương ăn hoa vài ba miếng còn bao nhiêu con dâu con giai đánh cho kỹ thì tôi cũng xăm xắn công việc của ông bà được bằng thím Tính“. Từ ngày ấy, ngày tư ngày Tết, có khách có bạn, thừa cái gì đổ đi thì đổ con mẹ Tính không hề nhúng lấy một đầu đũa. Được cái con mẹ nó cũng tốt nhịn thành ra chị em cũng vui vẻ. Tính về nhà lúc sắp bưng mâm ra. Hiểu nghe tiếp líp xe đạp vào sân liền chạy ra: ”Anh Tính hả“, Tính quẳng chiếc xe đạp ngả vào liếp ôm chầm lấy Hiểu. Họ đã thư từ cho nhau hằng năm nay. Cả hai người đều gặp nhau ở tình yêu thương thằng Sài, một thằng bé đã làm cho bất cứ người thân thiết nào cũng vừa thấy tự hào về nó vừa thấy ân hận về mình. Vồ vập nhau, tranh nhau nói đến những vất vả, những may mắn để có cuộc gặp gỡ này xong, Tính cầm đèn xuống nhà bếp soi vào mâm cơm. Hai đĩa thịt gà xếp ngửa ở đĩa khác rồi ụp lại phẳng phiu, vàng ngậy một màu da, trông như con gà không hề có xương. Một đĩa xu hào, đĩa miến xào, hai bát canh cũng miến và xu hào. Một bát muối tiết dầm chanh, ớt, hồ tiêu. Đĩa bát, mâm đũa, bình rượu, mỗi lòng bát một tờ giấy... Tất cả những thứ này anh biết có sự ”bổ sung“ và hướng dẫn cách làm, cách bày biện của vợ anh. Anh gật gù hài lòng: ”Thế này được rồi. Tốt lắm. Bê lên đi“. Nói xong, anh đưa đèn cho mẹ cầm, tự tay mình bê mâm cơm. Đến cửa anh đã nói một thôi, một hồi: ”Thôi mời thầy, Mời anh Hiểu, Sài vào đi em. A bác cả đây rồi. Bác vào ăn cơm luôn. Thôi nay lỡ ta ăn tạm. May quá, tôi vừa ở dưới xã về thì chú em nó vào báo, không kịp thay cả cái áo, báo cáo anh Hiểu, năm nay toàn huyện tôi được mùa chưa từng thấy. Bình quân 37 phẩy năm cân thóc một đầu người. Ngay như ngoại bối trồng đay trồng đậu tương trồng mía bán cho nhà nước, ăn gạo ”bông“ cũng bình quân mười hai, mười ba cân đầu người. Khối nhà hiện nay còn dăm tạ gạo. Ngô, khoai lang, dong diềng ngày trước là thức ăn chính của người, có khi một bữa không đủ, nay dùng để chăn nuôi. Nào ta bắt đầu đi. Mời thầy, mời anh. Bác cả để chân lên cho đàng hoàng. Cái rượu thuốc này chú em nó xẻ gỗ trên rừng về cho một bộ tắc kè, tôi lại ngâm với ba cân thục địa. Báo cáo anh, huyện tôi năm nay có xã thu hàng tấn thục địa. Nào mời anh, tự nhiên đi. Năm nay huyện tôi tuyển quân gấp ba lần của số quân từ mười năm nay cộng lại. Quân đi nhiều, đời sống bà con hậu phương no ấm, không còn gì phấn khởi cho bằng. Bác cả với hộ em cái đóm. Anh Hiểu về đây cứ coi các cụ và anh chúng tôi như người nhà nhé. Sài ăn đi em. Kỳ này nếu em thấy cần thiết thì mang xe đạp đi...

Dường như cả bữa cơm anh chỉ ngồi nói và tiếp cho khách cho bố. Ăn cơm xong chỉ còn anh và Hiểu ngồi nói chuyện. Ông đồ và anh cả đều ngủ gật, nhưng vẫn phải ngồi ở tràng kỉ để ”tiếp khách“. Mãi khi thấy câu chuyện chỉ cần hai người với nhau Tính mới giục bố và anh đi ngủ. Cả hai như được ”giải phóng“, ”xin phép bác ngồi chơi“... Hiểu nói cho Tính nghe những lý do Sài chưa được kết nạp. Đã hơn một năm xem xét rồi vẫn còn thấy phức tạp. ”Vấn đề lịch sử“ biết làm thế nào. Tất cả những người có trách nhiệm của chi bộ, của liên chi đều than vãn, đều tiếc, đều thấy quý mến Sài. Nghĩa là từ chính uỷ Đỗ Mạnh trước đây cho đến anh em cùng một bộ phận đều yêu mến Sài, một tình yêu không nhưng không giảm bớt mà càng ngày càng tăng lên, càng thấy sức chịu đựng của nó là ghê gớm. Tất cả những cái đó làm cho Tính yên tâm về khả năng phấn đấu của em mình. Anh cũng như Hiểu đều cảm thấy chắc chắn trước sau thằng Sài sẽ và Đảng, sẽ làm được mọi việc. Khi Hiểu nó với anh cái tin Sài ”đi B“, Tính thấy bàng hoàng. Khắp người anh nóng lên, choáng váng. Anh luôn luôn khát vọng những người thân thiết của mình có mặt ở những nơi nguy hiểm. Em anh là người đầu tiên của xã này đi Bê, cái nơi còn chứa đầy bí mật của những xa cách và hy sinh nhưng đầy niềm kiêu hãnh, nó thực sự thiêng liêng như người anh hùng ra trận. Anh viết thư đầy lời lẽ trang trọng ”kín kín hở hở“ cho người đem xuống tỉnh tìm ông Hà. Anh tìm mua đồng hồ Polzốt, mua thêm pin, mua thuốc bổ, mua sâm củ, sâm viên... Tất cả những thứ nó cần, nó muốn hoặc nghe phong phanh ở chiến trường cần phải có cái gì, anh sắm cái đó hoàn hảo cho em mình. Hàng chục bạn bè chạy vạy mua sắm cấp tốc giúp anh. Nếu cần phải dỡ nhà mà sắm sửa cho nó anh cũng làm.

Năm đêm ở nhà, Sài toàn nằm chung với Hiểu. Không ai giục giã săn đuổi gì anh phải đi ngủ với vợ. Ông bà đồ phần thấy mình ít còn tác dụng, phần đã thoả mãn về thằng cháu giai khoẻ mạnh giống bố như lột. Dù nó có đi đâu (ông bà và cả nhà chưa hề biết chuyện Sài đi B) thì ông bà cũng yên tâm ”Thằng bố con mẹ mày thế nào kệ xác. Chauy ông, cháu bà) đếch cần đứa nào“. Cái hạnh phúc Tuyết đã ”vồ“ được cũng có phần nào làm cô yên tâm. Nhưng Tuyết lúc nào cũng thấy hao háo thèm thuồng, thèm cả từ câu quát mắng, thèm một quả đấm, một cái tát... Những cái ấy là tục tằn, thô lỗ vẫn là được tiếng là cô có chồng, chồng đánh, chồng chửi, chồng giận hờn, hắt hủi. Đằng này, có chồng cũng như không. Hai người gặp nhau như là gỗ xếp vào đá không bao giờ nhếch mép nói lấy nửa câu trông thấy mình như trông thấy một con hủi anh ấy phải né người quay đi lối khác. Có lúc chỉ có anh ấy ở ”nhà trên“ Tuyết ở ”nhà dưới“ cô bế con lên bảo nó gọi ”ố ố“. Anh ấy vội vàng chạy ra cửa như có người đuổi. Ra tận nhà anh cả sai các cháu vào bế em ra đấy chơi với bố. Không bao giờ anh ấy đón con từ tay Tuyết. Cơ cực là thế, tủi nhục là thế, Tuyết đành chịu. Cô biết lần này anh ấy về, mọi áp lực để giúp cô được yêu thương hình như không có nữa. Anh Hiểu cũng hỏi han chuyện trò vui vẻ với cô nhưng tịnh không đả động gì đến chuyện vợ chồng ăn ở với nhau ra sao? Đơn vị sẽ giúp đỡ anh Sài như thế nào? Còn anh Tính, cũng không nhắc nhở gì em trai và anh có vẻ xa lánh bực bội Tuyết. Hay là đã có chuyện gì? Đêm nào cũng phải nghĩ một mình, ôm con khóc mà nghĩ. Cuối cùng, cô cũng bất cần với cái lý của bố và anh trai cô đã dặn: ”Nhà nó có năm đầu, sáu tay cũng không bỏ được mày. Cả lão Hà và thằng Tính, thằng Sài có muốn về đuổi gà thì cứ giỏi bỏ mày đi. Thách cả lò nhà nó đấy“.

Sau năm ngày ở nhà, hôm ra đi, cả chú Hà từ tỉnh về, cả bạn bè của Tính ở huyện và uỷ ban, cả bao bạn bè thân thiết và gia đình tiễn Sài lên đường. Còn những mười lăm ngày phép nữa anh mới lên đường đến nơi tập trung quân. Hiểu biết Sài không muốn ở nhà lâu. Anh định những ngày còn lại Sài ở nhà mình. Bằng sự yêu mến chăm lo của bố mẹ, của vợ, Hiểu hy vọng những ngày ở quê anh Sài sẽ khuây khoả. Sài cũng chỉ ở đấy ba ngày. Anh đòi Hiểu về Hà nội: ”Thôi đừng ở nhà ai, mất tự do anh ạ“. Sài giao hẹn, Hiểu lại chiều. Họ vào ở trong trạm 66. Ngày ngày Hiểu đi đặt mua sắm một số dụng cụ câu lạc bộ, đi lĩnh sách giáo khoa và nằm đọc sách. Sài đi tàu điện lên Cầu giấy rồi lững thững đi bộ về phía Mai Dịch. Anh cứ đi, không vào nhà ai, không mua bán gì. Cả bốn ngày trời đều lên phía ấy và cũng đều không để làm gì. Chiều ngày thứ tư ăn cơm xong Sài mới rủ Hiểu: ”Anh lên Cầu Giấy với em đi“ Hiểu làm như không biết gì hỏi lại: ”Để làm gì?“- ”Anh có biết chỗ Hương ở không?“- ”Có“-”Đi với em đến đấy“. Chưa hề có ý định đến thăm Hương dịp này nên Hiểu không biết sẽ ăn nói thế nào khi có cả Sài và vợ chồng cô ta. Mà để làm gì? Nếu thái độ của Hương như lá thư cuối cùng gửi cho anh trước khi lấy chồng? Nó khổ sở ở chỗ là Sài chưa hề biết đến lá thư đó. Tất cả những điều khó xử ấy anh không thể nói ra. Còn Sài chỉ cần nhìn thấy Hương một lần trước khi rời khỏi miền Bắc là như đã thấy tất cả thành thị, cả ruộng đồng làng xóm, cả bãi bồi ngập lụt và làng Bái Ninh giàu có, cả những ngày hè ồn ào như bão của biển và cái trung đoàn 25 vừa khắc nghiệt vừa yêu thương da diết ghi dấu cả một thời tràn đầy sức lực và những khát khao trong im lặng đau đớn của mình.

Hai người dắt nhau đi từ năm giờ chiều nhưng mãi hơn bảy giờ tối họ mới đến nơi. Vợ chồng Hương ở ngay gian đầu của cơ quan. Khu nhà xây lớp lá giữa vườn chuối um tùm cạnh một làng ngoại thành. Trông nó ẩm thấp và ngổn ngang những gỗ, lá đã ủi mọt. ít nhất cái nguyên liệu thừa thãi này đã để hàng năm ở ngoài vườn chuối quanh dãy nhà chừng mười hai gian và một nhà ngang kiểu như thước thợ, dáng chừng là nhà bếp. Hiểu chưa biết sẽ nên thế nào khi được chỉ đích xác vào gian phòng của Hương. Sài thì thào: ”Hay là anh ở ngoài này em vào trước“- ”Thế cũng được“- ”Hay là anh cùng vào với em!“- Nghe giọng Sài đã lạc đi Hiểu biết là cu cậu đang run nhưng anh không thay đổi ý định. Sài sửa quần áo, lấy năm đầu ngón tay cào cào mái tóc rối bù dưới lòng chiếc mũ cứng. Hương đang ngồi tựa vào thành giường, hơi cúi, đọc mê mải một quyển sách bìa cứng dày cộp, chốc chốc cô ngẩng mặt lẩm nhẩm rồi ghi vào quyển sổ con ở bên cạnh. Qua khe cửa khép hờ nhìn vào ánh điện sáng loá trong phòng, một nửa khuôn mặt cô lại bị che khuất bởi mái tóc uốn ngắn, nhưng Sài vẫn thấy đôi mắt rất long lanh lúc nào cũng như cười, cái miệng với hàm răng rất trắng và đều đặn, khi cười dù sảng khoái đến đâu đôi môi tươi mòng mọng không bao giờ để lộ đến chân răng khiến không cho ai cái quyền được quên cái miệng cười ấy dù chỉ được thấy một lần. Hương có hơi gầy đi, nhưng lại càng xinh ra. Chao ơi, sao đêm nay đẹp thế này. Phía trong cái màn gió buông ở sát tường kia có phải là chồng em không? Anh ta là ai mà phúc đức, may mắn đến thế! Sài muốn đẩy tung cửa vào nhà ôm chầm lấy Hương, hai người rón rén dắt tay nhau nhẹ nhàng khép cửa lại, đi với nhau suốt đêm nay, cả đêm nay anh sẽ gục đầu vào lòng em, chỉ cần một đêm sống với nhau là có tất cả, rồi từ ngày mai trở đi toàn có đi bộ, nhịn đói, sốt rét và chỉ có bom đạn, nào đã thấm gì với sự sung sướng đêm nay em dành cho anh! Mồ hôi anh đã toá ra ướt đầm áo, anh thở gằn và bấu tay vào bờ tường. Dường như Hương đã có cảm giác có người đứng ngoài sân, chốc chốc cô lại quay ra. Khi cô đứng dậy thì Sài vội vã đi bằng mũi giầy chạy ra chỗ Hiểu. Hương bê ca nước ra ngồi vào chỗ cũ, cắm cúi đọc như cũ.Hiểu suýt bật cười vì cái cảnh luống cuống tội nghiệp của Sài. Đã biết tất cả, anh vẫn hỏi: ”Hương đang làm gì?“- ”Có lẽ đang học ngoại ngữ“- ”Một mình à?“- ”Có lẽ chòng nằm giường trong“- ”Thôi về nhỉ?“- ”Khoan đã anh!“- ”Làm gì?“- ”Có lẽ anh vào nhà một tý. Em ra ngoài kia chờ anh“- ”Theo mình thì không nên“. Nói xong câu đó Hiểu mới ra ý định của Sài. Cậu ta muốn xem cô nhắc nhở những gì, dò hỏi Sài sống ra sao và có nhắn gửi, hẹn hò gì không! Thôi thì lần cuối cùng chiều nó. Khuya khoắt thế này vào thật bất tiện. Nhưng bản thân mình việc gì phải lo, cốt được việc cho nó. Cố không để nó phải ân hận điều gì. Sài đi thật xa ra ngoài đường chính. Hiểu đi vào. Anh điềm tĩnh gõ cửa. Hương vẫn cầm quyển sách trên tay, quay ra: ”Ai“? ”Xin lỗi tôi hỏi, đây có phải nhà cô Hương không ạ?“- ”Hương nào cơ bác“- ”Hương bách khoa mới về cơ quan này“- ”Xin lỗi, bác hỏi có việc gì ạ“- ”Tôi là Hiểu bộ đội“- ”Trời ơi anh Hiểu, Kim ơi, anh Hiểu, Kim ơi“. Hương vứt quyển sách xuống giường chạy ra mở cửa. Từ phía trong màn gió Kim bật dậy, xô tấm vải chắn, hỏi không kịp để anh trả lời. Nào anh có biết em ở đây không, nào anh Hiền có nhắn gì em? Hàng tháng nay cũng chưa nhận được thư của anh ấy. Hương cũng vồn vã giải thích rằng từ ngày đi học bác sỹ đến giờ chủ nhật nào Kim cũng về với cô. Rằng chồng cô độ này phải đi thư viện, anh ấy sắp đi thi nghiên cứu sinh, rằng cô về ở đây còn bừa bộn chưa đâu vào đâu nhưng cả hai vợ chồng cùng chúi đầu vào học ngoại ngữ. ”Anh ấy học để đi, còn em phải đọc nhiều tài liệu kỹ thuật và những thông tin khoa học bằng tiếng nước ngoài. Bắt buộc phải học mới làm việc được. Rằng chủ nhật chúng em và Kim mới nấu ăn với nhau còn ngày thường báo cơm tập thể để có thời gian học tập. Rằng tối nay anh nghỉ ở đâu, ở lại đây với chúng em! ”Anh ấy nhà em còn quý bạn hơn cả quý em đấy, anh đừng ngại“. Hiểu nói anh lên khu văn công quân đội làm việc tiện qua đây sực nhớ Hương nói ở khu này mới vào cho biết chỗ khi khác anh đến thăm lâu. Anh nói rất nhiều chuyện vui vẻ và đều có ý nhắc nhở đến những ngày Hương đi nghỉ hè ở bờ biển và những công việc của anh em trong đó có Sài. Nhưng Hương không hề để ý hoặc cố lướt qua những gì có liên quan đến người anh vừa nhắc tới. Ngay cả khi anh bảo: ”Sài đi B rồi đấy Kim ạ“. Kim mới kêu lên ngạc nhiên và hỏi dồn dập bao nhiêu chuyện. Hương vẫn coi như không biết đến chuyện đó, không hề quen biết người đó. Cuối cùng Hiểu gợi ý: ”Tôi vẫn còn ”nợ“ Hương đấy, có lẽ khi nào có điều kiện tôi sẽ trả ”nợ“- Khi nào có điều kiện đến đây chơi với vợ chồng em lâu lâu anh nhé. Còn ”chuyện ấy“ có lẽ cũng chả cần nói nữa anh ạ. Em hiểu cả rồi!“. Hương vẫn chưa dịu bớt nỗi căm giận. Ngay cả khi mới đến, chuyện gì cô cũng cố gán ”nhà em“ ”chúng em“ và khéo léo khen chồng, cũng muốn biểu hiện lòng mình chưa hề nguôi ngoai, chưa thể tha thứ cho con người phụ bạc. May mà Sài không vào đây. Nhưng người Hiểu cứ thấy ”chết“ dần đi, nguội lạnh dần đi. Anh muốn quát lên khi gặp Sài: ”Việc quái gì cậu phải nghĩ ngợi cho mệt xác. Hạng người như thế không đáng cho cậu phải nhớ nhung, đau khổ“. Đến lúc thấy cậu ta anh lại không nỡ nói, đúng ra là không dám làm việc đó. Sài vẫn lẳng lặng đi cạnh anh, anh hiểu cậu ta rất muốn hỏi, rất muốn anh kể càng nhiều càng tốt, càng tỉ mỉ càng tốt. Cố giết cái chết đã ở trong lòng mình anh tươi cười: ”Vui lắm!“- ”Thế hả anh. Hương có buồn phiền gì về người chồng mới của mình không“- ”Chắc là có nhưng có người khác ở đấy nói ra không tiện“- ”Hương có bực em lắm không?“- ”Chắc là có!“- ”Liệu Hương có hiểu hết hoàn cảnh của em không?“ ”Có lẽ cũng không hiểu hết đâu“. Sài im lặng, nén những hơi thở dài xong, không kìm nổi sự im lặng: ”Hương có biết em đi xa không?“- ”Mình có nói“- ”Liệu Hương có phàn nàn gì chuyện em đi!“- ”Cô ta vẫn phục cậu là người có ý chí“- ”Tại sao Hương lại gầy đi anh nhỉ?“- ”Phải học, vừa làm việc, vừa tranh thủ học ngoại ngữ. Trường học ở tận giữa nội thành“- ”Không hiểu thế nào Hương lại lên ở tận đây. Tính Hương cũng rát tối lắm anh ạ. Lại đi học đêm hôm khuya khoắt!“- ”Thì cơ quan người ta ở đấy mà mình lại chưa có nhà riêng“- ”Khổ, liệu anh chồng có quan tâm gì đến chuyện đi lại của Hương không? Im lặng. ”A anh này, em sẽ biên thư cho anh Tính em. Nhưng... sợ anh ấy lại không ưa Hương lắm... Thôi được, em sẽ nói bằng mọi giá anh phải giúp Hương hộ em. Nếu không giúp Hương thì coi như anh từ bỏ em đấy. Em sẽ bảo: Anh cứ yên chí, Hương không ”làm hại“ em anh nữa đâu mà phải lo. Em sẽ biên thư nó với anh Tính em như thế. ở nhà anh thư từ hoặc có dịp nào lên Hà nội, anh cố về gặp anh Tính em nói thêm vào- ”Chuyện gì kia“- ”Các cụ về tản cư nhà em hồi xưa hiện có nhà rất rộng còn thừa hai phòng chưa có người ở. Các cụ hứa với nhà em nếu em hoặc bạn bè thân thiết của em được đi học, đi làm ở Hà nội không có chỗ ở, đến nhà các cụ dành cho một buồng. Anh nói với anh Tính tìm mọi cách, mà cũng chả cần tìm, chỉ cần anh ấy thương em“- ”Anh Tính có thể sẻ người cho cậu anh ấy đâu có tiếc“ ”Em biết thế. Anh phải nói hộ em là nếu không làm được việc này cho Hương thì không bao giờ cần làm bất cứ việc gì cho em nữa“- ”Thôi được, cậu cứ yên tâm ra đi. ở nhà mình sẽ bàn với anh Tính, tuỳ tình hình cụ thể sẽ làm theo ý của Sài“- ”Tại sao lại tuỳ ạ“- ”Ngộ nhỡ cô ta kiếm được nhà khác thuận lợi hơn thì sao?“- ”Vâng! Như thế cũng được. Nhưng nhất thiết phải tạo điều kiện cho Hương đi học đỡ trở ngại. Có khi vì ngại tối, sợ ma, sợ đường vắng mà cô ấy bỏ học“.

Có thể hàng chục năm sau giữa bom đạn cực khổ của người lính anh vẫn hăm hở bất chấp hết thảy vì niềm khoan khoái của đêm nay. Hiểu im lặng đi bên cạnh sự sung sướng của người sắp sửa ra đi tràn đầy niềm tin và khát vọng như là sự mô tả của những bài ghi nhanh trên báo chí, đài phát thanh lúc bấy giờ nói rằng người chiến sĩ ra mặt trận như đi xem hội! Anh biết rằng điều đó cũng rất thật và rất cần như thế.

Không có ai dại dột đi nuối tiếc cái cũ khi đang tràn trề với hạnh phúc mới. Cũng chẳng việc gì cứ phải gào lên phô trương tất cả sự đầy đủ tốt đẹp nếu quả thực nó có như thế. Bởi vì, nó giống như kẻ có miếng ăn ngon không bao giờ khoe khoang chiềng bầy ra trước mặt những người đang đói. Hương chán người chồng của mình ngay từ khi chưa cưới. Có thể nói như thế nếu ai đã từng học ở Bách Khoa những năm ấy. Hàng ”trung đội“ bị cô ”bắn“ ra vừa đủ cự ly làm thầy, làm bạn một cách vui vẻ, hoặc ít ra cũng phải cố mà vui vẻ để chứng tỏ mình không phải là kẻ thất bại. Trong những người ”cùng thời“ ấy có thầy Thịnh, chồng cô bây giờ. Chẳng những không bị ”bắn“ Thịnh còn được vồ vập. Thịnh chịu khó học hành và làm việc. Anh vào loại cán bộ giảng dạy lâu năm của trường. Không tài hoa cũng chẳng kém cỏi, anh là con người ”đều đều“, ”nhàn nhạt“ trong tất cả mọi lĩnh vực. Đã hơn ba mươi lăm tuổi anh chưa hề ”cùng ai“. Bọn con gái độc miệng lúc đầu gọi là ”giám đốc“ sau chuyển thành ”tiến sĩ hấp“. Hoặc thầm vụng một mình hoặc được gán ghép trêu trọc anh có tất cả các ”hoa khôi“ của trường trong nhiều khóa là ”người yêu“ của mình. Với Hương, anh có cả hai phía: thầm vụng ngẩn ngơ và sự trêu chọc của xung quanh. Ngay chính Hương, rất nhiều lần cười nó trước bạn bè: Mình ”đá“ anh bộ đội rồi, yêu ”tiến sĩ“ thôi. Kệ, cốt mình yêu là được. Cô nào ”hưởng ứng“ thì tốt, mà không cũng chẳng quan trọng gì. Anh chung thuỷ dai dẳng với ”tình yêu một mình“ không hề lay chuyển. Anh sẵn sàng đạp xe ròng rã cả năm học theo sau một đôi sinh viên đang yêu nhau. Kệ họ. Anh yêu cô bé thì theo. Họ vừa đi vừa nói ríu rít ở phía trước. Anh cứ thủng thẳng đạp theo sau. Về nhà, đợi cho cô vào hẳn phía trong cửa anh mới quay về. Cả hàng năm không cần hỏi han, chuyện trò, không cần cả cô ta có để ý đến mình đi phía sau hay không. Đến khi ”yêu Hương“ anh lại hăm hở mang từ nhà mình đến cho cô bi đông nước sôi để nguội, cái ba lô bộ đội cũ để cô đi ”cắm trại“ ở chỗ Sài đóng quân mà chẳng cần biết cô ta có cần những thứ ấy hay không! Có lần Hương đi thực tập ở một cơ sở cách Hà nội bốn chục cây, chủ nhật nào anh cũng đạp xe đến ”thăm“ ở phía ngoài cổng nhà máy. Lần thì Hương ”đi vắng“ lần thì ”ốm“. Có một hôm anh ta ”bắt được“ Hương ngay phía ngoài cổng buộc Hương phải đứng lại nói chuyện. Biết là không đùa được nữa và cũng không cần ý tứ, cô bảo: ”Em biết là thầy rất nhiệt tình nhưng em đã có người yêu, thầy thông cảm“- ”Không sao, không sao, em cứ yêu đồng chí bộ đội của em. Tôi không hề làm gì ảnh hưởng đến em. Nhưng em cũng cho tôi cái quyền tự do của tôi, tôi có thể làm những gì tôi muốn. Nếu em không muốn gặp tôi cũng không sao kia mà“. ừ thì ông cứ làm cái việc ông muốn đi. Hương xin phép về để kệ con người tự do ấy đứng ngoài cổng hàng giờ mới đạp xe về Hà nội. Mấy hôm sau Hương ốm. Không biết cách nào anh ta lại mang đến cho Hương nửa cân đường và chục quả chanh. Hương từ chối. Anh ta bảo. ”Độ này chanh rẻ, có bảy hào một chục, Hương cứ dùng đi đừng ngại“. Hương cười phá lên rồi nghiêm mặt nói như ra lệnh: ”Em yêu cầu thầy bỏ tất cả những thứ này vào túi xách đi hộ em. Thầy thông cảm, giữa trưa, chị em mệt đều muốn ngủ, thầy ngồi đây không tiện“. Anh ta theo lệnh Hương lùi lũi xách túi ra khỏi cửa. Chị em mắng Hương ”Tệ“ nhưng cô thấy không thể để lão ta ”nhờn“ được nữa. Nhưng ”thầy“ không hề tự ái. Suốt mấy năm trời chân thành và ngoan ngoãn ông ta không hề đòi hỏi, không hề mong đợi ở Hương một điều gì. Còn Hương, vì không mấy ai biết rõ hoàn cảnh của Sài nên luôn luôn đem đến cho cô ”anh bộ đội đẹp trai và thông minh của mày“ làm cô bất chấp hết thẩy để giữ gìn thiêng liêng một mối tình hiện tại thì câm lặng mà tương lai thì mịt mùng. Chỉ biết trượt theo cái đà của những năm kỷ niệm, những ấn tượng về một tấm lòng chân thật, đầy nỗi đắng cay và một nghị lực phi thường chứa chất trong im lặng thăm thẳm ở con người bề ngoài hiền lành, nhút nhát. Cô còn chờ đợi ở Sài những việc đột ngột làm cô phải ngỡ ngàng khâm phục như sự lặng lẽ nhường chỗ học cho cô. Lặng lẽ đi bộ đội, lại lặng lẽ vào đại học, và trở thành sinh viên xuất sắc mà nhiều năm sau người ta còn nhắc nhở... Không ngờ. Thật không thể ngờ cái đột ngột như sét đánh ấy lại là cái tin anh ta đã trở lại yêu vợ rất tha thiết. Ngày hôm ấy Hương và cô bạn cùng lớp từ nhà mình đã qua sông còn đi đò trở lại làng Hạ Vị tìm cách gặp Tuyết. Lúc ấy Tuyết đang kiêu hãnh vác cái bụng chửa như vác một quả bom đi đến đặt vào lồng ngực của Hương. Dù đã cố giữa không cho bạn biết chuyện gì, mặt Hương cũng tái đi. Cô đứng chết lặng, Tuyết đi qua một đoạn xa cô mới như tỉnh lại. Trở về trường cô nằm li bì suốt ba ngày. ”Tiến sĩ“ lại mang cho cô mấy quả chanh. Hai mắt cô nhìn như tên bắn vào người khiến hai chân anh run run. Cô muốn quát ”Cút đi, đồ khốn nạn!“ Nhưng cô là người đang quyết chí trả thù mà không có vũ khí. Tất cả những người cô có thể yêu, có thể tạo nên hành phúc cho cô, có thể còn hơn cả Sài, trong suốt mấy năm qua cô đều ”loại“ mà không hề vương vấn. Đến bây giờ... Kẻ sôi sục mù quáng chỉ còn cái que gai cũng coi là vũ khí, vẫn có thể đâm mù mắt người khác. Cô cười, tiếng cười nghe ma quái làm cho người thầy giáo phải đi giật lùi ra phía cửa. Tiếng cười tắt lạnh trên môi, cô hỏi: ”Thầy yêu tôi thật không?“ Người đàn ông bỗng run rẩy quỳ xụp xuống, chắp hai tay lạy như thể cô gái đang ở trước mặt mình đã biến thành ma quái: ”Sợ à? Nói đi. Anh có yêu tôi thật không? Giọng Hương đã bình tĩnh trở lại. Anh ta cũng bình tĩnh trở lại. ”Xin em đừng hỏi câu đó. Nếu được chết ngay lúc này dưới chân em tôi cũng không ngần ngại“- ”Thôi thầy ạ, cải lương lắm. Đứng dậy đi báo cáo tổ chức đi. Đứng dậy báo cáo tổ chức là tôi yêu anh và chúng ta chuẩn bị cứơi!“ Tất nhiên lúc bấy giờ dù có choáng váng đến đâu thì anh ta cũng phải đứng dậy đi làm ngay cái việc mà cô đã ra lệnh, như chúa ban phát tình thương cho lũ con chiên. Và nửa tháng sau cả trường rùm beng trong đám cưới rất giản dị diễn ra trong vòng mười lăm phút tại nhà bố mẹ chú rể. Để đến bây giờ trước mặt mọi người cô phải cố trở thành người vợ dịu dàng, hãnh diện về người chồng biết chiều chuộng, biết lắng nghe từng cử động của vợ. Và, cái trách nhiệm làm mẹ đã lớn dần trong cô từ ba tháng nay thì không thể nào khác những cử chỉ, lời nói cô đã làm chứng tỏ cho Hiểu nhận ra cái hạnh phúc tràn trề mới mẻ trong cái gia đình tưởng như tạm bợ, hờ hững của cô.

Nếu cứ để cho Sài biết tất cả sự đối xử của Hương trong thời gian qua có lẽ đỡ khổ hơn. Anh có thể gục ngã để không bao giờ đứng dậy nổi như một đoạn đời tươi đẹp và đau khổ đã được chấm dứt, được ngã ngũ để rồi những năm tháng sau thành kẻ què quặt bệnh hoạn để anh sẽ có một lối sống, một nhân cách dù nó là cung cách lề lối của kẻ bệnh hoạn, què quặt thì vẫn là của kẻ ấy, không chung chiêng pha tạp. Không dám làm, không dám mất một cái gì, chỉ bằng sự yên lặng và tránh né, sự tránh né gần như chốn chạy vừa chiều ý mọi người vừa toại nguyện cho mình, rốt cục chẳng những không tránh né nổi, anh lại tự giác làm cái công việc lúc ban đầu khi còn là đứa trẻ con cố sức giãy giụa. Lớn lên càng đi xa, chuyện vợ con của anh càng bế tắc. Bé hy vọng lúc lớn lên sẽ vượt ra khỏi roi vọt của bố mẹ và các anh. Đi bộ đội tưởng được thăm thẳm xa vời, cô ta và gia đình không thể tìm đến. Bây giờ lại hy vọng vào bom đạn, chết chóc của cuộc chiến đấu ác liệt sẽ là hàng rào ngăn cách giữa anh và vợ, giữa quá khứ và mai sau. Nhưng như thế để làm gì khi anh đã có con và Hương đã lấy chồng? Không thể biết điều gì sẽ xảy ra trong tháng sau, năm sau nhưng đến bây giờ thì anh không thể thay đổi, anh sẽ đi, đi suốt cả đời mình trong gian truân, trong chết chóc, chỉ cần để không phải làm chồng của cô Tuyết, không thể ”đội trời chung“ với cô ta. Một lần nhu nhược đã nuôi nỗi đắng cay cả đời rồi. Còn với Hương, anh không thể trách móc, không thể đòi hỏi gì hơn những điều Hiểu đã nói lại với anh: Hương vẫn hỏi han, vẫn lo Sài đi B gian khổ. Chỉ cần có thế là anh có thể sung sướng trong đau khổ, nuối tiếc và hy vọng, đôi khi cũng chẳng biết hy vọng vào đâu, hy vọng cái gì. Nhưng vẫn cứ khắc khoải chờ đợi nó.

Nhìn cái dáng tất bật quê mùa của anh ai cũng tưởng Sài là người ăn no vác nặng vào loại nhất nhì đại đội. Nhưng với việc rèn luyện ngặt nghèo: ”Vai trăm cân, chân ngàn dặm“, cái nghề ”dài lưng tốn vải“ của những năm đi học và dạy học ở trung đoàn bộ, anh trở thành ”đối tượng“ có nguy cơ phải rớt lại ngay từ đầu. Suốt tám tháng trời tập đeo đất, đeo gạch, tập bắn súng, tập tiểu đội, trung đội tiến công, đánh chiếm từng căn nhà trong thành phố, tập giấu mình giữa đồng bằng, tập vượt núi, lội sông đuổi địch... Hàng mấy chục khoa mục anh đều cắn răng để chịu đựng, cắn răng lại để đạt tới mục tiêu: đi ”B“. Cái khó nhất của Sài là sức khoẻ, sức chịu đựng dẻo dai của cơ thể. Phương châm của anh vẫn chỉ là: cắn răng mà chịu. Hành quân, hai chân phồng như phải bỏng. Khi những ”bọc nước“ vỡ ra, hai gót và xung quanh bàn chân tuột hết một lượt da rồi lại đến lượt khác, máu tứa ra như cây sung vạc vỏ ứa nhựa. Anh vẫn nhắm mắt, nghiến răng lại chịu đau để không bị rớt lại. Khoác sọt đất ba bốn chục cân trên vai đi cả ngày, cả đêm có lúc cả hai chân run, mắt hoa, đầu óc quay cuồng choáng váng, ngã dúi xuống bờ ruộng, thấy vẫn có thể ngồi dậy được là anh lại chống gậy đứng dậy chạy theo đơn vị. Cả tám tháng tập và bốn tháng đi bộ ròng rã vào chiến trường anh trở thành cán bộ trung đội tin cậy của đồng đội và cấp trên. Chiến trường, giáp mặt với kẻ thù, cầm súng bắn trực tiếp vào nó đã là chuyện có thực. Chỉ cách hai ki lô mét rưỡi, có chỗ chỉ cách dăm bảy trăm mét là có thể nổ ra cuộc chiến đấu dữ dội giữa ta và địch. Nhưng nhiệm vụ của đơn vị lần này ”giao quân cho B2“ thành ra phải tránh địch mà đi cho tới đích. Đã hơn một năm ròng khoác lên vai nỗi vất vả nặng nề của người lính, cái mơ ước từng ngày thật giản dị, được một đêm nghỉ cho thoả thuê, một giấc ngủ cho tròn đã là vô cùng hạnh phúc. Cũng không thể nghĩ ngợi gì nữa ngoài những nhẩm đếm ước tính đã đi thêm được mấy cây số, vượt qua được mấy ngọn núi, đêm nay, ngày mai sẽ bơi qua con sông nào, liệu còn đủ sức lên đến doocs ”ông cụ“ không? Kiếm măng ở đâu, khu rừng nào có nhiều rau môn thục, vượt qua bãi B52 bằng cách nào, nấu cơm làm sao không có khói, mắc võng ở ”bãi khách“ theo kiểu nào để tháo cho nhanh cũng là những tính toán chi li. Vì cái chết lại có thể xảy ra ngay ở những công việc thông thường nhỏ nhặt ấy. Giữa sống chết, người lính không có gì ngoài tình yêu thương đùm bọc của người xung quanh mình mà người ta vẫn quen gọi là đồng đội, đồng chí. Nó không giống như khi còn ở hậu phương lúc người ta nổi khùng định choảng nhau mới gọi nhau bằng đồng chí. ở đây hai tiếng ấy thật sự thiêng liêng, thật sự là sống chết, mất còn, không thể cách biệt, thù oán. Thù oán nhau, đẩy cái chết đến cho nhau dễ dàng như một phút rong chơi và nó cũng lại dễ dàng bóc trần những thủ đoạn thâm hiểm, lúc ấy tiếng đồng chí không thể nào che đậy nổi, bằng cách gì cũng không thể lẩn trốn nổi sự phán xét.

*

Vượt qua sông Bạc được một đêm Sài phải nằm lại. Đã ba ngày lên cơn sốt li bì bỏ cơm, đến chiều anh vẫn cuốn võng chống gậy ra đi. Đêm nay anh không còn biết gì nữa. Mắt đã dại đi, da tím bầm và quai hàm cứng ngắc không thể nuốt nổi chén sâm cô y tá vừa pha. Đợi tiêm một loạt ba mũi thuốc xong hai chiến sĩ của đơn vị phải ở lại cùng cô y tá, người còn lạ cuối cùng ở bãi khách khiêng Sài đến trạm quân y binh trạm cách đấy một ngày đường. Như tất cả những người chiến sĩ ra mặt trận lúc bấy giờ mục đích thiêng liêng và cao cả của họ là được giết giặc lập công nhưng hai người đã phải ở lại trạm quân y suốt sáu tháng trời. Khiêng Sài đến nơi, họ phải nuôi quân thay cho một cô nuôi quân bị thương trên đường đi lấy nước và một cô đang lên cơn sốt. Mới đầu do yêu cầu của trạm và không nỡ bỏ bạn đang từng giờ không biết sống chết ra sao, về sau trạm phải di chuyển liên miên và thương binh càng nhiều hai chiến sĩ nhận quyết định thành quân số chính thức của binh trạm 37.

Những ngày sốt liên miên, những cơn co giật của trận sốt ác tính tưởng không thể nào qua được, sáu tháng Sài mới ra khỏi bệnh viện. Anh được điều làm trung đội trưởng thuộc đại đội công binh giữ ngầm ông Thao ở phía Nam Xê Băng Hiêng. Vốn là con người sôi sục bao nhiêu dự định, bao nhiêu khao khát phía trong cái vẻ ngoài ít nói, đến bây giờ tính anh lại lặng lẽ như một ông già. Những mơ ước cầm súng đánh giặc, trở thành người anh hùng như bất cứ người nào vào Nam chiến đấu, anh bằng lòng với nhiệm vụ được giao, nói đúng ra anh sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì. Điều đó hoàn toàn không phải anh cố lên. Đã gần một năm kể từ ngày rời khỏi miền Bắc vào chiến trường, anh chưa hề làm được việc gì. Bao nhiêu anh em đồng đội đã khó nhọc, khốn khổ vì anh. Nếu anh làm được bất cứ việc gì như là sự trả ơn, như để xứng đáng với họ anh cũng không nề hà. Về đến đơn vị anh ra mặt đường ngay. Đại đội trưởng quyết định anh ở nhà nghỉ thêm một tuần. Có một người trình độ văn hoá cao, đã từng là giáo viên và công tác ở ban chính trị trung đoàn, đại đội trưởng chắc sẽ có người giúp mình được nhiều việc. Trước mắt, Sài phải dạy cho anh em lính mới người dân tộc học chữ và viết hộ mấy bản báo cáo của đại đội. Được nghỉ thêm ít ngày Sài có khoẻ ra nhưng anh thèm rau quá và rất muốn đi kiếm, bất kể là rau gì. Còn là lính mới anh không thể vượt qua những núi đá và rừng cây đã bị chất độc hoá học làm cháy khô. Chiều ý anh, ngày hôm sau đại đội trưởng cho liên lạc dẫn Sài đi kiếm rau, kiếm măng, nấm và quả chua. Đi và về phải hai ngày nhưng cứ mang ruốc, lương khô đủ tiêu chuẩn cho bốn ngày. Hai anh em khoác súng, ba lô đi từ sáng sớm, khoảng quá chiều đã đến khu rừng thưa, cao ráo, phần nhiều là lim, săng lẻ và cây bông tàu tròn thẳng tuồn tuột, vỏ trắng nhợ nhưng lại rắn đinh. Cậu liên lạc tên là Thêm. Cậu ta đi thoăn thoắt, nói thoăn thoắt dường như khu rừng này là vườn của nhà cậu ta. Chỗ nào có rau, con suối ở dưới chân chảy đi đâu, chỗ nào sẽ có nấm mới? Anh có thích uống mật ong không? Thôi để đến mai, lúc nào uống hết nước có bi đông đựng mật ong ta mới ”dứt điểm“. Cứ tưởng cậu ta đã ở vùng này nhiều, sau mới biết Thêm cũng chỉ đến đây lần đầu. Vừa tinh nhanh, vừa liều lĩnh, đi đến bất cứ chỗ nào Thêm cũng không bỏ qua một chi tiết nhỏ. Chỉ cần vài tiếng buổi chiều hai người đã lấy được một ba lô măng nứa và một bọc phải đến hai cân mộc nhĩ. Chuyến đi có thể gọi là vô cùng thắng lợi nếu không có trận mưa đêm mà họ không thể ngờ tới. Thực ra cơn mưa rừng đã có sự chuẩn bị từ lúc chín giờ sáng. Họ đi trong oi nồng ướt dầm hai lần áo. Lúc chập tối rừng cũng xào xạc sáng lên màu vàng nhợ. Nhưng cả ngày đi hăm hở, lúc gặp khu rừng còn là nguyên sơ, lại chăm chú tìm kiếm rau, măng, ngay những điều cần làm thân của hai người họ cũng không kịp nghĩ đến thì còn để ý gì đến nắng, gió. Chiều tối, ngồi nhai lương khô, chiêu nước xong, trèo lên võng là cả hai đều ngủ không hề biết trời đất xoay chuyển ra sao. Mãi đến gần sáng nước dềnh lên, thấy lạnh ở lưng, Sài sờ tay đã thấy nước òng ọc ở trong võng. Anh quay sang lay gọi Thêm. Hai người bấm đền. Nhìn xung quanh đã trắng đầy nước và một dòng chảy cách họ vài chục mét nước đang cuồn cuộn lao đi. Tiếng nước ào ạt át cả tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tăng. Họ nhảy ào xuống nước khoác súng, ba lô, cởi tăng chùm lên người rồi cuốn màn, võng tìm đường kéo nhau lên núi. Leo được đến chỗ đất bằng, từ đàu đến chân nhây nhớt bùn, võng màn, quần áo đều ướt và bẩn. Cũng đã ngấm lạnh, không thể mắc võng nằm, họ kiếm củi gây lửa sưởi. Không có gì chật vật khốn khổ bằng gây lửa giữa trời đang mưa mà củi lại sũng nước. Chật vật mãi, xoay sở hì hụi mãi hai anh em cũng nhóm được đốnglửa mù mịt khói. Khói từ lúc trời chưa sáng và ngay cả khi sáng ra máy bay cũng chưa thể phát hiện được khói. Họ không nghĩ ra việc giấu khói giữa mưa gió, rét mướt ở khu rừng hoang vắng. Có nghĩ tới, họ cũng sẽ tin là máy bay không thể ngửi thấy mùi khói để mới tờ mờ sáng một tốp phản lực đã ném bom quanh đống lửa. Bom nổ từng loạt đột ngột, chỉ cách chỗ họ ngồi chừng mươi lăm mét. Hai mắt tối sầm Sài nằm vào khe của một múi cây chò đồ sộ. Có lẽ nhờ nó mà mảnh bom găm hết vào cây, dù chưa nằm kịp Sài cũng không việc gì. Thêm ngồi chếch ra ngoài một chút bị ngay từ loạt đầu tiên. Dứt loạt cuối cùng Sài nhổm dậy, vẫn thấy Thêm nằm phủ phục không động đậy. Anh vội vã nhảy qua đống lửa, ôm chầm lấy bạn. Một mảnh bom đã vạc cả mảng quần và mảng thịt gần bằng bàn tay ở phía mông bên trái của Thêm. Phía đùi bên ấy cũng bị ba miếng nữa. Máu chảy thành vũng ở phía dưới. Cuống cuồng chùi hai tay vào áo, vào màn, Sài gỡ cả hai cuộn băng cá nhân băng cho bạn. Chỉ đủ băng được ba vết thương. Vết còn lại anh lấy gói thuốc lào đã sũng nước ở túi áo ngực của mình đắp vào đấy rồi cởi chiếc áo lót cộc tay xé buộc. Băng bó xong cho Thêm, sờ ngực bạn vẫn thấy thở anh mới hoàn hồn về những gì vừa xảy ra. Nhưng chính lúc này nghe tiếng nước chảy ầm ầm anh tưởng như nó đang thúc vào ruột gan mình. Nước bao quanh dưới chân, đi bằng đường nào? Bằng cách gì để đưa Thêm về? Máu ra nhiều liệu Thêm có chịu đựng nổi đến khi về đến đơn vị và đi viện không? Đây là đâu, máy bay địch còn đánh nữa hay thôi. Tại sao nó lại đánh khu đồi này sớm! Để làm gì. Sự nguy hiểm nào sẽ xảy ra trong ngày hôm nay và có thể ngày mai, ngày kia? Anh không dám nghĩ tiếp. Anh lấy áo, lấy màn lau sạch tấm tăng trải trên hai chiếc màn ở hõm cây rồi bê bạn đặt nằm vào đấy. Chiếc tăng còn lại cũng được lau sạch căng phía trên che mưa. Thêm vẫn rên nho nhỏ. Nó cố nén đau, chỉ rên nhỏ để mình khỏi sốt ruột và đỡ hoảng. Anh dặn bạn nằm im cho đỡ mệt để mình quanh quẩn xem tình hình thế nào còn liệu. Những câu anh lẩm bẩm ấy không hiểu Thêm có nghe thấy không. Cậu ta vẫn nằm im. Như thể nói cốt để lệnh cho mình nên anh vẫn lặng lẽ xách súng đi. Được dăm bước Thêm kêu ”nước“, cho em hớp nước!“ Nghe tiếng ”em“ tội nghiệp quá. Khắp người Sài như nhủn ra. Anh quay lại lấy bi đông nước chiết một ít sang chiếc bi đông không, như kiểu chiết rượu. Anh giấu bi đông đầy nước sang ngách cây bên kia rồi đem chiếc bi đông có chừng hơn chén nước đổ vào miệng cho bạn. Hai bàn tay Thêm bỗng vươn ra bấu lấy bi đông, giữ chặt cái miệng nó vào miệng mình như thể sợ Sài giằng ra mất. Chỉ nuốt ực hai lần đã hết chỗ nước Sài đưa. Thêm mút mút miệng bi đông rồi liếm cả ra xung quanh. Nước mắt Sài ứa ra, nhưng không thể để Thêm uống cho đã cơn khát được. Tay vẫn giữ chiếc bi đông giốc xuống miệng bạn anh lẩm bẩm như van lạy nó. Trong tiềm thức của nó, Thêm cũng biết nguy cơ của việc uống nhiều nước lúc này. Nó chỉ liếm miệng chiếc bi đông cho đến khi lưỡi và môi khô đi, nó nằm lả thiếp như người ngủ và bật lên tiếng rên nho nhỏ. Sài xách súng chạy đi các sườn đồi um tùm cây gai. Những tầng lá mục dưới chân phùng phìu như một chiếc đệm mút, mỗi bước đi người lại thấp xuống. Bốn xung quanh nước vẫn cuồn cuộn lao sầm sập, đâm vào cá mỏm đá bắn tung toé để rồi đổ xuống ầm ầm nghe như thúc vào lòng núi. Chạy cuống cuồng đến đứt cả hơi vẫn chưa thể tìm thấy dấu hiệu của lối đi. Sự đe doạ về vết thương của Thêm mỗi lúc lại như chẹn lấy hơi thở của Sài làm anh không thể bước tiếp, anh ngồi sụp xuống một hòn đá, úp mặt vào cái vật cứng lạnh ấy, như muốn thỉu đi. Chừng vài phút sau anh quyết định phải bắn súng cấp cứu. May ra quanh đây có đơn vị trú quân hoặc có ai đó đi kiếm rau, lấy gạo! Không buồn nhấc súng lên, anh tì vào đá lên quy lát. Hơi nghếch nòng lên bắn liền hai điểm xạ. Cả núi rừng ầm ào giây lát theo đường đạn bay. Anh lại gục xuống báng súng. Vẫn không thể nằm thiếp đi theo ý muốn, anh vùng dậy cầm súng giơ lên chừng mười lăm độ phía trước thấp thoáng hai bóng người đang lội qua bên kia. Nhìn bộ quần áo rằn ri anh chắc chắn là hai tên lính nguỵ! Thì ra đêm qua chúng cùng ngủ chung một quả đồi với Sài và Thêm. Chính sáng nay nó gọi máy bay đến bỏ bom chứ không thể ai khác. Sài đứng dậy, tỳ súng vào một chạc cây lựa theo khe rừng anh bắn thêm hai loạt nữa. Cả hai tên giặc đều đã sang bờ bên kia, men theo sườn núi chạy về phía trái. Không trông thấy chúng, anh vẫn quay súng bắn về phía đó một điểm xạ dài đến dăm viên. Biết mình không còn đủ sức truy kích chúng, bắn cốt đuổi nó đi để mình có đường chạy. Nó đã dò giúp mình lối sang bên kia mà anh đi tìm dòng suối phồng lên sôi sục từ sáng đến giờ không biết chỗ nào có thể sang được. Vượt qua lối ấy và lại đi theo hướng chúng chạy, như là đùa với cái chết, nhưng bắt buộc phải đi theo hướng nước chảy mới có thể tới đường được. Nhẩm tính xong anh chạy về lay gọi bạn. Cơn khát vẫn đang hoành hành Thêm. Anh lấy bi đông nước đổ cho Thêm hai hớp rồi nâng lên. Thêm liếm liếm khoé môi nhưng không lấy thay giữ bi đông lại. Sài lấy chiếc võng trong ba lô buộc hai đầu vào với nhau, khoác chéo qua vai, một tay giữ vào vai Sài một tay Thêm chống gậy, cái chân bị thương đặt trên võng. Hơi nhũng nhẵng khó đi nhưng với sức lực của Sài không thể có cách nào khác hơn để vượt khỏi khu rừng này. Hai người dò dẫm xuống núi, dò dẫm như người mù lội qua suối. Đặt đầu gậy xuống trước, dò dò không thấy bị hẫng, Sài nhích chân đi. Nhích một chân làm trụ để khỏi lạng rồi nhích chân thứ hai. Đồng thời với anh, chân Thêm và gậy của cậu ta cùng nhích đi. Nước đã rút xuống dưới thắt lưng nhưng sóng chao ướt cả áo, vết thương của Thêm cũng bị nước ngấm vào. Cả hai đều không ai để ý đến chuyện đó. Đến bờ, vẫn phải đi nặng nhọc, dè dặt, mỗi bước chân đặt xuống nghe phì phọp trong những chiếc giầy õng nước. Đêm nay nếu không tìm thấy đường mòn, không gặp đơn vị nào qua đây thì hai tên không rõ biệt kích hay thám báo có tha cho các anh không? Nguy hiểm đè nặng vai anh, cái chết của bạn và của chính mình có thể xảy ra bất cứ lúc nào! Anh không dám dừng lại. Nhưng Thêm thì không thể chịu đựng nổi những cơn đau, cơn khát. Lên cách bờ chừng nửa giờ Thêm đã buông thõng cây gậy trong tay, cả trọng lượng của người cậu đổ theo từng bước run lẩy bẩy của Sài. Đi thêm được nửa giờ nữa Thêm bỗng thở hồng hộc, ẩy Sài ngã dúi đi, còn mình cũng ngã lăn ra, miệng há hốc: ”Nước, nước... ước. Giời... ời... ước...“. Sài cố chống tay ngồi dậy mở bi đông nước đổ vào miệng cho Thêm. Lần này cái sức của tay Thêm mạnh hơn cả Sài. Cậu ta ghì chặt lấy bi đông. Dòng nước chảy ồng ộc vào miệng ứa ra hai bên, ràn xuống ướt đẫm cổ áo. Sài để im chừng mười giây rồi dùng sức bẻ bi đông nằm ngang và giật khỏi tay Thêm. Bị hẫng Thêm chửi tục rồi nhìn Sài trừng trừng bằng đôi mắt đầy vẻ căm thù. Sài không dám nhìn vào sự khổ sở tội nghiệp hiện lên mặt bạn, anh quay đi xoáy nắp bi đông cho thật chặt lại. Ngồi lặng lẽ cởi băng vắt kiệt nước rồi băng lại cho Thêm, Sài hoảng hốt thấy máu ở đùi Thêm vẫn chảy ra ri rỉ. Không có chỗ để ”ga rô“ không có thuốc, có băng. Cũng không biết tìm thứ lá gì đắp. Nhìn những giọt máu cứ ứa ra loang đỏ ở đùi bạn anh không thể biết mình phải làm gì ngoài việc phải nhanh chóng tìm đường về đơn vị. Lúc này mặt trời đã đứng bóng. Ngoài những tiếng ồn ào của suối, không thấy một động tĩnh gì. Vắng lặng quá. Mỗi bước đi Sài có cảm giác hai tên địch buổi sáng như hai con hổ ở một hang hốc, một mỏm đá, một bụi gai góc um tùm nào đấy, sẵn sàng nhẩy ra vồ lấy hai con người yếu đuối không thể chống đỡ này. Bao nhiêu tâm trí, sức lực đều dồn cả vào việc luồn lách, chống, bám vượt qua những mỏm đá, những bụi gai, có chỗ phải lội hẳn xuống suối mới đi được. Phải cố sức trông từng bước. Bước này qua được là chỗ tựa cho sức lực để cố lên bước nữa. Bất chấp gai cào, bất chấp đầu đập vào cây, vào đá, bất chấp đầu mình và chân tay như rời ra không liên quan gì với nhau, bất chấp cả đói và mồ hôi chảy ròng ròng như tắm. Nửa là cõng, nửa là kéo bạn đang nén hết mức cơn đau để theo mình. Rừng đã khép lại. Thêm vẫn ngoẹo đầu vào vai anh yên lặng. Chắc là Thêm ngủ thiếp đi. Gặp một tảng đá phẳng phiu to bằng cả gian nhà. Chỉ cao đến ngang đầu gối mà Sài không đủ sức bước lên. Anh nằm gục xuống lấy sức. Nhưng còn sức đâu nữa mà lấy. Tất cả những cái cần cho một cơ thể sống đã mất đi. Anh nằm mê mệt không còn biết gì kể cả bom nổ hất người bay đi, lúc rơi xuống chỗ nào hoạ may anh mới tỉnh ra được.

Nằm im được một lúc, sự tĩnh lặng gọi cả cơn đau cơn khát cháy người làm Thêm không thể nén nổi tiếng thở và tiếng kêu. Kêu mãi vẫn không thấy Sài động đậy. Có cảm giác Sài đang ngủ, Thêm chống tay rời khỏi lưng Sài, kéo lê cái chân bị thương theo hai bàn tay bò. Đêm mù mịt không thấy gì. Tiếng nước chảy như lời kêu gọi anh bò đến với nó. Cơn khát nổ bùng không thể nào kìm giữa dù có bất cứ một nguyên tắc gì cũng không thể kìm giữ. Hãy chết ngay sau cái phút được uống nước thoả thuê thì cũng còn hơn để sống một trăm năm nữa mà đêm nay lửa của cơn khát đang đốt người mình thành than. Thêm vẫn cố sức bò theo kiểu bò nghiêng, kéo lê cái chân bị thương theo. Cái sức mạnh của dòng suối đã đưa anh đến bên nó. Chống hai tay xuống phiến đá, úp mặt vào mặt nước, anh uống lấy uống để, không kịp thở. Uống đến căng bụng vẫn chưa hết cơn thèm. Anh cứ áp mặt mình với mạt nước mát lạnh chốc chốc lại xô lên đầu như đùa rỡn với anh, con người đang giang hai tay, áp mình vào phiến đá và áp khuôn mặt cháy bỏng vì cơn khát vào dòng nước suối hào phóng và vô tình đã đem đến cho anh niềm sung sướng mãn nguyện mà cả cuộc đời từ bé đến bây giờ chưa có một lần nào có được cái hạnh phúc lớn lao ấy để rồi vĩnh viễn chấm dứt mọi gian khổ và hy vọng, chấm dứt cái lý tưởng và tình yêu từ đêm nay, cái đem kể từ khi anh tiếp xúc với chậu sành nước ấm nóng đầu tiên của bà đỡ đến giờ phút này đã là hai mươi năm hai tháng, sáu ngày.

Không hiểu mới nửa đêm hay đã gần sáng. Không hiểu mình đang nằm ở bãi biển hay trong gian buồng xây kín quanh năm ngày cũng như đêm! Chỉ thấy hơi lành lạnh ở lưng. Muốn giơ tay lên nhưng không tài nào nhấc nổi. Phải ú ớ như muốn giãy giụa, muốn vùng đạp mới mở được mắt ra. Sài sờ lên lưng. Không có Thêm. Quờ ra xung quanh cũng không thấy. Mồ hôi anh toá ra, hai chân muốn khuỵu xuống. Anh bấm đèn loang loáng ra tứ phía. Chỗ nào cũng thấy um tùm đen tối, cũng như là nơi rình rập của kẻ địch. Định cất tiếng gọi , lưỡi ríu lại cổ họng nghẹn khô, Sài không sao cất nổi một lời, dù là nhỏ nhoi. Sau phút choáng váng, anh lội xuống suối bấm đèn tìm bạn. Lội giật lùi được đến đầu gối nước anh nhận ra Thêm đang giang hai tay nằm sấp ở bờ suối. Sài mừng rỡ xô đến gọi bạn. Vừa chạm đến người Thêm, anh đã run bắn lên. Nhìn bạn gục xuống mặt nước anh hiểu vì sao nên nông nỗi này. Anh muốn kêu lên. Không kêu nổi. Anh muốn khóc, khóc không ra nước mắt. Nỗi căm giận chính mình trào lên trong anh. Bất chấp cả sợ hãi anh xốc bạn lên cổ cõng Thêm lội theo bờ suối. Lúc bấy giờ anh chưa hề có cảm giác hoặc không còn cảm giác là bạn đã chết, chỉ thấy có bạn trên lưng, anh thấy vững tâm hơn. Và cũng không hiểu, mãi sau này cũng không ai giải thích được tại sao anh lại cõng nổi người bạn đã hy sinh trên người luồn rừng, lội suối suốt mười lăm tiếng đồng hồ. Đến con đường giao liên, anh ngã vật ra. Hai người nằm nghiêng úp mặt vào nhau như hai người bạn tri kỷ đang trò chuyện, tay anh ôm ngang lưng bạn, và bạn gác cái chân bị thương qua người anh. Đến gần mới biết cả hai người lính trẻ ấy đều như đang ngủ rất ngon lành.

*

Hương quyết định về quê viếng cụ đồ Khang, bố Sài. Một người cùng quê học với Hương và Sài hiện cũng đang công tác tại Hà Nội đến báo cho Hương tin đó. Hương là người đàn bà không hề yêu chồng nhưng lại vô cùng thương con, người đàn bà ”của gia đình“ ấy thật sự đảm đang lo toan chu đáo với chồng con, với họ hàng hai bên, với bạn bè. Có thể nói cái hạnh phúc mà anh chồng cô, cũng giống như Tuyết, ”vồ“ được quả là vàng, là mặt trời soi sáng cuộc sống lạnh nhạt và buồn tẻ của anh. Cô bảo với chồng: ”Hôm nay em cho các con về quê thăm bà ngoại, tuần sau ra. ở nhà các thứ có sẵn rồi, tôm và thịt ăn hai ngày, trứng ăn hai ngày với lạp sườn. Chủ nhật em đã gửi bác An mua cá. Bác ấy làm và rán hộ, khi nào xong bác ấy gọi sang bê về. Mỗi ngày chịu khó nấu hai bữa cơm nóng và luộc rau mà ăn khỏi xót ruột“ - ”Để đến hôm khác đi cho khỏi cập rập được không?“- ”Có gì mà cập rập“- ”Anh cũng về thăm bà một thể“- ”Thôi, không thể thức gì cả. Lần khác“. Biết mình nói hơi quá, cô đi lại gài chiếc cúc áo cổ và vuốt lại những nếp nhăn trên áo chồng: ”Em nói bao nhiêu lần ăn mặc phải gọn gàng, anh toạ tệch lắm!“. Người chồng lại đần mặt lặng lẽ tận hưởng niềm sung sướng được ban phát, để rồi lại ngoan ngoãn câm lặng, không được bàn cãi, không được thay đổi những quyết định của cô.

Hương bảo xích lô dừng lại ở cửa Nam mua chục hoa huệ và dăm bó hương. Xuống ô tô chợ Vàng, hai người bạn học cũ đã chờ sẵn lai hai mẹ con Hương. Ba cây số mới ra bến đò và từ bến về nhà Sài cũng phải hơn một cây. Trên đoạn đường gần năm cây số ấy đã thấy những người mang hương và nến, hoa huệ và hoa vòng từ Hà Nội về đám tang ông cụ Đồ. Nghe người đi đường bàn tán Hương và bạn cô biết là họ về còn kịp. ”Phải đến bốn năm giờ cơ. Đang giờ ”phòng không cao điểm“ đã đưa làm sao được. Chao ơi, cơ man nào là người“.

Quả là đám tang của cụ đồ Khang là hiện tượng có một không hai ở vùng này. Ngày xưa đám ma bố tổng Lợi mổ hàng trăm con lợn, trâu bò, giã giò ăn uống rậm rịch cả hàng mười ngày giời cũng không đông được như đám này. Cái đó có nhiều lý do. Thứ nhất, cụ đồ có nhiều học trò ở khắp nơi, ai cũng chứng tỏ mình có hiếu với người thầy vừa yêu thương vừa hiền lành. Với lại việc tôn sư trọng đạo vẫn là cái đức của các cụ thời bấy giờ. Thứ hai, cụ là bố của dũng sỹ đang chiến đấu ở trong Nam, một mình bắn rơi máy bay giặc Mỹ và bao nhiêu công trạng khác. Báo đăng là chiến sỹ quân giải phóng quê ở làng V, bên con sông H nhưng ai cũng biết anh Sài ấy là con trai cụ đồ Khang. Từ trên tỉnh, trên Quân khu và những người ở đơn vị cũ của Sài đều đến viếng cụ đồ. ”Cụ là người cha đã nuôi dạy và giáo dục cho người con trai út của mình lập nên chiến công vẻ vang, cả nước biết đến“, thư chia buồn của ông chủ tịch tỉnh nói thế. Thứ ba, họ hàng đông, làng xã ai cũng kính nể đức độ của cụ ”giấy rách phải giữ lấy lề“, đói thì ăn rau ăn cháo chứ đừng ăn trộm ăn nhặt của ai. Hồi các em và các con còn nhỏ cụ dạy dỗ đe nẹt thế. Lớn lên đi hoạt động, cụ lo toan, chạy vạy, theo đuổi vào tù ra tội và hầu hạ mỗi khi có khách của con, của em, hoạ hoằn cụ chỉ nhắc một điều: ”ăn ở nên để phúc đức về sau. Chú và anh Tính làm việc gì phải nhớ để lúc lui về vẫn có người vồ vập vị nể mình“. Cả đời cụ chỉ có một lần ân hận là đã đuổi thằng Sài ra đồng để con suýt chết đói, chết rét. Nỗi ân hận ấy trước khi tắt thở cụ còn gọi: ”Sài ơi, con tha lỗi cho bố. Bố ăn ở ác với con nên lúc nhắm mắt bố không được gặp con, Sài ơi!“. Xóm mạc ai cũng oà ra nức nở thương tiếc cụ, thương nhớ thằng con út của cụ đang biền biệt ở tận đâu đâu, có biết đến cái giờ phút vĩnh viễn xa rời người cha kính yêu này không?

Những lẽ ấy đã đem đến nườm nượp đông đúc sự thương tiếc, kính trọng, sự linh thiêng của mất, còn toả ra từ đám tang cụ đồ. Nhưng cũng còn cơ man nào là người không biết từ huyện xã nào ngơ ngác và thậm thụt, cung kính và cười cợt, nghênh ngang và khúm núm, họ là vô số người chưa hề biết cụ đồ là ai, cũng không phải vì lòng ngưỡng mộ một gia đình cách mạng, một cuộc sống mẫu mực hoặc vì sự yêu mến chân thật người em, người con của cụ.

Họ đi đám chỉ vì không đi sẽ không tiện. Thành ra không phải họ đi đưa đám cụ đồ mà đưa đám ông Hà đã về làm bí thư huyện uỷ được nửa năm nay và đưa đám anh Tính uỷ viên trực phụ trách nội chính của uỷ ban hành chính huyện. Có người đến ngay từ chiều hôm kia, khi vừa phát tang. ở ngoài đường họ đùa nghịch huyên náo, vào đến nhà họ lặng lẽ nghiêm trang. ở ngoài đường họ còn dò la xem phong tục làng này ra sao, vào đến nhà họ thành thạo mọi nghi lễ và làm mọi việc tự nhiên như một người chủ. Họ phải liếc mắt xem thắp hương và khấn vào lúc nào, đứng đâu để ông Hà hoặc Tính chứng kiến nỗi lòng đau khổ, cung kính của họ: ”Con là Trần văn Đật phó chủ nhiệm phụ trách chăn nuôi thôn Thượng, xã Hồng Thuỷ kính viếng lin hồn cụ Đồ sống khôn chết thiêng chút lòng thành nhỏ mọn của con... ”Tút Tam Thanh và chục bó hương dâng lên trước mặt anh khấn rồi quỳ sụp xuống lễ ba lễ, đứng dậy, hai mắt đỏ hoe anh lẩy bẩy đặt lên bàn thờ chỗ đã chồng chất hương hoa khiến Tính sau khi vái đáp lễ phải cám ơn anh và nhận lấy tấm lòng thành cung kính ấy.

Đi quay ra Đật vẫn cúi vẻ đau đớn nhưng trong bụng đã có thể chắc chắn về cái đơn xin hai nghìn ngói đang nằm ở chỗ Tính mà hai tuần sau anh sẽ đến xin hẳn là Tính không thể từ chối. Và nếu cần, anh sẽ ”khấn“ lại tên tuổi của anh để Tính khỏi quên. Lại có người đến từ sáng nhưng cứ quanh quẩn ngoài ngõ đợi ông Hà lên trực bên linh cữu mới vào thắp hương viếng. Hầu hết những người không quen thuộc với cụ Đồ trước hoặc sau khi đưa đám đều tạt vào thăm ông Hà, nắm lấy bằng được bàn tay ông để chia buồn. Với Tính cũng thế. Tất cả những cử chỉ ấy cốt để hai con người không thể quên rằng họ đã có mặt trong cái đám tang lớn của gia đình các anh. Người xa lạ đã vậy, ngay con cháu và anh chị em gần xa, ai hàng năm hàng đời không lai vãng, không bẻ cho nửa của khoai lúc đói kém thì gào khóc to nhất, thảm thiết đến nẫu lòng. Trong những tiếng khóc của người thân thích ai cũng cảm động về nỗi đau đớn, sự mất mát lớn lao ở người con dâu cả. Chị vật vã, đã có lúc ngất đi và tiếng đã khản, chị vẫn kêu van thống thiết ”ối cha ơi, cha chết đi, con lớn con bé của cha biết trông cậy vào ai, cha ơi ời...“ - ”ối cha ơi, từ nay các cháu của cha biết tìm đâu thấy ông, để ông dạy bảo các cháu lớn khôn như ông đã nuôi dạy con cái, có đi đến chân trời góc biển nào cũng không thua anh kém chị... cha ời...“- ”ối cha ơi, mới trưa hôm kia con hỏi cha có thèm của ngon vật lạ gì con hầu cha, cha bảo con rằng cha đã đầy đủ rồi bây giờ cha đã bỏ chúng con, bỏ đàn cháu thơ dại, cha đi đâu rồi cha ơi...“

Tuyết cũng là người khóc ”thường trực“ cùng chị cả. Duy chỉ có vợ Tính chỉ oà khóc như gào lên lúc ông cụ vừa tắt thở và khi liệm, còn chị phải chạy tất bật với bao công việc: cau trầu, chè thuốc, lo cơm phường kèn, phường trống... Chỗ nào cần, việc gì thiếu hụt chị đều phải làm, phải lo. Nhiều khi bạn bè đến không thấy vợ Tính, anh ngượng tìm gọi chị: ”Mẹ Tính cứ đi đâu thế“ - ”Thế bao nhiêu việc cứ bỏ đấy à? Bố nó xem những việc dưới này có ai giúp tôi được việc gì không!“ Anh lại phải bảo vợ: ”Thì mẹ nó lại phải trông nom cho chu tất hộ tôi“. Anh biết rằng sẽ không ai chê cười vợ anh bất hiếu vì cả làng, cả xã đều nói với anh suốt mấy tháng trời về việc vợ anh trông nom phụng dưỡng bố chồng ốm như thế nào.

Hương và hai bạn về đến nơi khi mọi người đã bắt đầu khiêng linh cữu ra nơi trồng đòn. Nỗi tang thương cồn lên theo dần ra ngõ. Cô vào bàn thờ đặt hương hoa, ngước mắt nhìn tấm ảnh của cụ giữa lặng vắng, lạnh lẽo, phút linh thiêng rào lên mắt cô. Cô nhìn lên tấm ảnh hồi còn trẻ của cụ như bắt gặp Sài của mười lăm, hai mươi năm sau. Đứa con gái như sợ hãi cảnh vắng vẻ, nó túm lấy áo mẹ. Cô lén lau nước mắt quay ra. Hai anh bạn vẫn đứng chờ ở cửa, cả ba người lặng lẽ lẫn vào đám đông đang ùn ùn giạt xô lại phía nhà. Trên đường ra nơi an táng, Hương không thể cầm được nước mắt. Cô cố giấu mình giữa đám đông đảo ồn ào. Cô khóc về nỗi đau thương do bao nhiêu tiếng khóc quanh mình, do tiếng kèn cũng thảm thiết như tiếng khóc, tiếng trống, tiếng thanh la, tiêng hai thanh tre cách cách làm chịch...

Tất cả đều như là sự chia li, cách trở, sự mất mát không thể bù đắp. Cô khóc vì thương tiếc cụ đồ. Cô khóc vì sự xa vắng của Sài. Cô khóc cho cả nỗi đau đớn của mình vì sao gắn bó với gia đình này, giờ phút thiêng liêng cô tự coi mình như một đứa con dâu, phải khóc cho cả nỗi đau đớn của người đi xa. Anh Sài ơi, anh có hiểu lúc này em khổ sở như thế nào vì tình yêu trắc trở của chúng ta, vì sự hờ hững của hai đứa mình. Chiếc khăn mùi xoa ướt đầm nước mắt cô vẫn phải giấu mọi người, giấu cả đứa con gái bốn tuổi đang túm chặt lấy đuôi áo mẹ. Gần đến huyệt chú Hà từ dưới len lên. Đến chỗ Hương chú dừng lại: ”Chú biết cháu về từ lúc ở trong nhà. Bấn quá, thông cảm cho chú“. Chôn cất xong, Hương và các bạn chào anh Tính, rẽ đường về chợ bái. Anh cảm ơn tấm lòng tốt của những người bạn Sài rồi hỏi Hương ”Em còn được ở nhà mấy ngày? Chủ nhật anh sẽ đến rồi lên cơ quan anh chơi“. Tất cả sự âu yếm, trìu mến của chú, của anh sao không có được từ dăm bảy năm trước? Hay đến bây giờ, biết là tôi không thể phá vỡ sự nghiệp và hạnh phúc của con em các người, các người mới hỏi han. Hay vì một cái gì? Hay các người đã thương xót thằng cháu, thằng em khốn khổ ấy và nuối tiếc? Để làm gì lúc này nữa! Ăn cơm xong ”con đi ngủ với bà, mẹ bận việc“, Hương ngồi với ngọn đèn và tờ báo trên mặt bàn. Một tờ báo quân giải phóng đã nhầu mà anh bạn đến báo tin cụ đồ mất, đã cho Hương. Đầy hai trang giữa đăng ảnh của Sài và bài viết nói về chiến công của anh. Cô đọc đã thuộc từ cái dấu chấm, dấu phẩy nhưng vẫn đọc lại từ chữ đầu đến chữ cuối cùng. Đọc xong lại nhìn tấm ảnh mù mờ, càng nhìn càng mờ đi, chả nhận ra đặc điểm gì. Nhưng để xa, nhìn đại thể cô vẫn tháy đôi mắt buồn buồn xa xôi, vẫn thấy đôi môi dầy dặn mím lại lặng lẽ mà vẫn như gợi mọi người phải nhìn vào nó, tìm ở phía trong nó một cái ”duyên thầm“ và bao nhiêu điều sâu xa. Người ta bảo đường nhân trung sâu là ăn ở phúc hậu, có trước có sau phải không? Kim ơi, sao bạn nói với tôi những chuyện đó muộn thế. Đã hàng trăm đêm phá núi lấy đá tôn ngầm, phá bom lấp đường giữa ác liệt trung đội trưởng công binh do anh phụ trách không để một chiếc xe phải chờ ngầm, không để một cân hàng ra phía trước rơi vãi vì dốc ”bung trôi“ và ngầm ”mất tích“. Trước đây không mấy đêm là không có xe đổ, hàng bung ra vì đoạn đường ngầm và đoạn đường dốc quá hiểm trở. Hàng năm nay chốt giữ trên khu vực ấy các anh phải đối phó với bom đạn địch mà đêm nào cũng xảy ra. Có đêm năm lần bị oanh tạc, cả năm lần chỉ trong vòng nửa giờ đoàn xe đã được giải phóng. Các anh đã tôn ngầm, cải tạo cả hai bờ, biến nó thành con ngầm dễ đi nhất trên tuyến đường vận tải chiến lược. Dốc ”bung trôi“ cũng được thay bằng con đường tắt qua rừng Khôộc vừa ngắn vừa bằng phẳng thành đường ”êm trôi“. Bằng kiến thức khoa học và ý chí kiên cường, trung đội anh làm đến ba đoạn ngầm và đường ”êm trôi“ như thế.

Bọn địch không ngờ ở một khu liên hoàn trọng điểm nối hai con đường A và H trước đây mà dựa vào sự hiểm trở của nó, chúng có thể khống chế dễ dàng, hàng năm nay lại không có cách gì ngăn chặn nổi. Tên đại uý tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Năm khai: ”Chúng tôi dự đoán đã có từ hai đại đội đến một tiểu đoàn chốt giữ cho hai khu vực ngầm và cung đường quanh núi nên đã bố trí lực lượng hành quân một trung đoàn có phi pháo oanh kích yểm trợ cùng với các đơn vị tại chỗ nống ra chiếm giữ khu vực trọng điểm cắt đứt cái mắt xích quan trọng trên con đường vận chuyển bằng cơ giới và đường giao liên của các ông“.

Trung đội trưởng Giang Minh Sài kể rằng có hai điều khả nghi. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên chúng đánh bom vào lúc năm giờ sáng, khác hẳn cái quy luật đánh từ trưa ngày hôm trước đến ba giờ sáng ngày hôm sau. Tất nhiên có lúc khả nghi chúng cũng đánh phá vô tội vạ. Thứ hai: hàng trăm quả bom dội xuống chỉ có năm quả vào khu vực ngầm và dốc còn hầu hết tập trung vào khu rừng sau lưng chỗ ở của chúng tôi quanh một khu đồi trọc. Chắc chắn hiện tượng gì sẽ xảy ra. Tôi báo động tập hợp trung đội. Tất cả sẵn sàng chiến đấu. Một tiểu đội ở lại làm lực lượng dự trữ và bám ngầm, bám vào đường bảo đảm xe đi trong đêm. Hai tiểu đội sẵn sàng cơ động ứng phó với tình hình mới. Được chừng nửa giờ có tiếng máy bay trực thăng. Linh tính báo cho tôi biết chắc chắn là chúng sẽ đổ bộ. Tôi hô anh em chạy lên phía đồi trọc.

Do chủ động nên tôi vác khẩu trung liên chạy ngay sau tiếng hô của mình. Anh em chạy theo. Tôi phân công mỗi tiểu đội thành một mũi chiếm hai khu rừng ở hai phía cách đồi trọc một con suối. Tiểu đội do tôi chỉ huy chiếm ở phía nam tức là phía chúng tôi trú quân. Rừng còn cháy. Khói bo còn xộc vào đắng cả mũi, tôi hô anh em nhanh chóng chọn vị trí có lợi, dùng súng trường bắn tỉa nếu chúng thả thang, còn tiểu liên trung liên thì nhằm vào máy bay khi chúng hạ cánh. Tôi vừa tìm được phiến đá chỉnh khẩu trung liên thì ba chiếc trực thăng đã xoáy cái âm thanh như đinh đóng vào đầu. Trời ơi, ví von. ở nhà có bao giờ dám cãi lại ai câu nào. ức cái gì, hai vành tai chỉ đỏ nhừ như hơ lửa. Càng ức, càng chết lặng đi để rồi làm gì, đi đâu không hé răng nói nửa lời. Đã nghĩ chỉ có mình mới hiểu hết anh, đến cái việc quyết định nhất thì lại không hiểu gì. ảnh chụp có thật người hay không mà già và gầy gò đến mức ấy! Chiếc thứ nhất hạ độ cao quay ngang bay dọc suối. Tôi bám nó qua tấm kính buồng lái tên giặc nằm gọn trong vòng ngắm của tôi. Đây là cơ hội thuận lợi nhất, nếu chậm một chút, nó chỉ hơi lạng đi thì chỉ còn máy bay mà mất thằng lái. Tôi nghiến răng lại siết cò. Cùng với tiếng nổ của tôi chiếc máy bay chao lạng và cứ thế rơi nghiêng xuống sườn núi, lặn ụp xuống suối. Anh em nhảy lên reo hò, còn tôi thì toát mồ hôi, không dám tin vào cái điều đang xảy ra nữa. Hai chiếc sau vội vã vọt lên. Tôi bắn hết già nửa băng còn lại. Bắn đuổi ”xua” nó đi để mình còn trấn tĩnh chứ ”vuốt“ theo đuôi nó có trúng chưa chắc đã rơi. Tên đại uý là một trong ba tên còn sống trong số ba mươi mốt tên trên chiếc máy bay ấy. Được lôi ra, mặt mũi còn xám ngoét đã khinh khỉnh và bất cần. Tôi đoán hắn là người thành phố hoặc ít ra hắn đã từng ăn học ở đấy. Nói nhỏ với hai chiến sĩ nhưng tôi cố tình để cho hắn nghe. Quả nhiên mặt hắn nhợt hẳn đi. Hắn tiến đến gần tôi lắp bắp: ”Thưa ông... chỉ huy...“- ”Ông chỉ được sống khi nói rõ kế hoạch của các ông“- ”Tôi xin phép gặp riêng ông“ Hắn nói nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe. Tôi và hắn đi cách các chiến sĩ và hai tên nguỵ một đoạn nữa. Trong vòng năm phút tôi và hắn đã đối thoại xong về kế hoạch của một cuộc hành quân và sự cam kết về tính chính xác trong lời khai của hắn. Tôi cũng biết hắn có một vợ, một con ở Sài Gòn. Vợ hắn đã xin cho hắn được chuyển về biệt khu thủ đô trong tháng tới. Một kế hoạch tác chiến được vạch ra. Một trung đội thiếu sẵn sàng chờ đánh một trung đoàn đủ của đối phương. Sao những ngày ở nhà anh không thể táo bạo đến liều lĩnh được như thế? Có phải trước khi đi anh đã tha thẩn suốt một tuần lễ ở gần chỗ em không? Anh đã nhìn em hàng giờ đồng hồ trước khi anh Hiểu vào nhà ư?

Anh giục anh Hiểu vào cốt để xem em có nói gì đến anh! Nhưng lúc ấy nào em có thể nhắc đến anh mà không đầy nỗi uất ức căm giận. Cũng chỉ tại anh thôi. Nếu không dũng cảm thì có thể làm được việc gì! Sau ba giờ độc lập chiến đấu với một lực lượng gấp hơn hai mươi lần có bom pháo yểm trợ trung đội của họ đã bắn rơi bảy máy bay và diệt hàng trăm tên lính. Họ giữ vững trận địa cho đến khi có lực lượng chi viện của ”bãi khách“, của trạm và các chiến sĩ lái xe. Quân địch phải tháo chạy trước sự áp đảo của quân ta, bỏ lại mười hai máy bay lên thẳng và hai trăm bảy mươi ba xác chết. Người trung đội trưởng của Trung đội Anh hùng ấy trở thành chiến sĩ ưu tú và vinh dự đứng trong hành ngũ của Đảng nhân dân cách mạng ngay đêm chiến thắng. Giá anh cứ đi chiến trường trước đấy một vài năm làm gì đến nỗi. Anh Hiền ơi, anh có đến nỗi nào! Sao anh bắt người ta làm cái việc tội lỗi ấy. Mà tại sao Kim không nói với tôi ngay từ những lần đến bệnh viện thăm chị gái để tôi khỏi phát điên lên khi nghe tin anh trở lại yêu vợ, phản bội tôi. Gặp bất cứ cán bộ, chiến sĩ nào ở binh trạm YN này cũng đều biết đến Giang Minh Sài, biết đến con người bất chấp gian khổ, bất chấp hy sinh hay nói một cách khác đối với anh trong cuộc chiến đấu một mất một còn từng giây, từng phút này không hề có gian khổ, hy sinh bởi vì không bao giờ anh nghĩ tới nó, cũng không bao giờ, ở đâu những hy sinh gian khổ lại có thể cản được nhiệt tình cách mạng, ý chí kiên cường của anh.

Cái làm nên bản lĩnh kiên cường của người dũng sĩ ưu tú ấy đơn giản thế này thôi. Cũng chính những ngọn núi cây rừng và dòng suối cách đây ba năm về trước đã chứng kiến cái chết cay đắng của người bạn anh. Thương anh thèm một bữa rau bạn đã dẫn anh đi lấy! Rau chưa lấy được máy bay giặc Mỹ theo toạ độ chỉ điểm của bọn thám báo đến bỏ bom giết chết bạn anh. Nỗi đau vô cùng thành lòng căm thù vô hạn với bọn giặc cướp nước và bán nước. Và sâu xa hơn nữa, cái làng V suốt đời ngập lụt của anh, bọn đế quốc phong kiến đã bóc lột đến tận xương, tuỷ người nông dân, mối hận thù nuôi lớn từng ngày, vừa đến tuổi mười tám anh đã xung phong nhập ngũ và tìm mọi cách xin ra chiến trường giết giặc lập công. Còn một nguyên nhân nào khác nữa không? Cái đêm trăng giữa ngày lụt ấy anh đã bảo em: anh sẽ đi bộ đội càng đi xa càng tốt, càng làm việc gì nguy hiểm càng tốt. Dù lao vào lửa vào bom mà chết còn hơn là phải sống với ”cô ta“. Anh kể hay nhà báo ”bịa ra“! Nhưng nên như thế thì hơn. Không hiểu những năm tháng qua tận thăm thẳm xa xôi anh đã nghĩ những gì? Đừng nên liều lĩnh như những lời đã nói với em anh nhé. Em vẫn ở bên anh, một người đàn bà đã có chồng, bỏ con để trở về với anh nhưng em vẫn là tình yêu suốt đời của anh cũng như anh mãi mãi là tình yêu duy nhất đời của đời em.

Đừng khóc khi trở về thấy em âu yếm vỗ về chồng con mà câm lặng, lẩn tránh em. Anh bé bỏng của em ơi. Nhưng... anh ơi... Nhưng đến bao giờ em mới có thể để anh hiểu nỗi lòng em, để anh bớt đau đớn, tủi hận. Bao giờ! đến bao giờ hở anh!!!
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...