Edit: Sel
Cuối tháng 6, Trì Thanh Chước về nhà cũ, cùng trưởng bối là Trì Kiến Nghiệp đi Lĩnh Sơn viếng mộ, đó cũng chính là ông nội của Trì Thanh Chước.
Nắng sớm mờ mờ, không khí của vùng ngoại thành tươi mát khiến tâm trạng của con người cũng trở nên thanh thản thoải mái, đi dọc theo con đường lát đá mỏng cùng hai hàng cây xanh rì, đến khi tới khu lăng mộ, mặt trời cũng vừa mới nhú.
Xuống xe, Trì Kiến Nghiệp với Trì Thanh Chước được dẫn lên thềm đá rửa sạch sẽ định kỳ, chậm rãi đi về phía khu B2.
Hôm này chính là ngày sinh nhật của bà nội Trì Thanh Chước – Phạm Tinh Anh. Từ sau khi Phạm Tinh Anh qua đời, năm nào anh với ông nội cũng đến đây thăm bà.
Trì Kiến Nghiệp mặc trên người kiểu áo Tôn Trung Sơn màu đen cắt may khéo léo, tuy đã có tuổi nhưng tinh thần quắc thước, anh khí giữa hai hàng lông mày cũng khó nén.
Dáng người Trì Thanh Chước cao gầy, khuôn mặt lạnh lùng, có tinh thần phấn chấn của thiếu niên, cũng có cảm giác lạnh nhạt xa cách của người trưởng thành.
Rõ ràng chênh lệch tuổi tác của cả hai rất lớn, nhưng khí chất lại cực kỳ hợp.
Xuyên qua từng tấm bia đá màu đen, cuối cùng cũng đến nơi.
Trên mộ bia là bức ảnh đen trắng, nụ cười của Phạm Tinh Anh rất bình yên, khóe mắt còn có nếp nhăn thon dài.
Trì Kiến Nghiệp nhớ rõ ngày chụp bức ảnh này, là Phạm Tinh Anh chủ động yêu cầu, bà cười nói với ông rằng muốn đi chụp ảnh. Lúc ấy đã là những ngày đếm ngược cuối cùng trong sinh mệnh của bà, ung thư giai đoạn cuối, Trì Kiến Nghiệp thấy hiếm khi bà có hứng thú nên đã đi chụp ảnh cùng bà.
Chờ đến khi chụp xong, Phạm Tinh Anh nhìn bức ảnh rồi nói: “Tấm này rất hợp làm di ảnh đấy.”
Càng là người tuổi lớn lại càng kiêng dè khi nhắc đến chuyện sống chết, mỗi khi nói đến những từ liên quan, cũng sẽ chủ động lảng sang chuyện khác.
Nhưng Phạm Tinh Anh lại chẳng hề kiêng kị, bình tĩnh thản nhiên nói ra những lời này.
Trái tim Trì Kiến Nghiệp như bị ai nắm chặt, mãnh liệt co rút lại.
Trì Kiến Nghiệp và Phạm Tinh Anh đều là những người dám nghĩ dám làm, quen biết từ thuở hàn vi, từ thời kỳ hỗn loạn đến lúc hài hòa yên bình như hôm nay, hai người đều là người chứng kiến mỗi một khoảnh khắc vui buồn đau khổ của đối phương, cũng là lời nhắc nhở bản thân khi leo được lên đỉnh núi không được quên sơ tâm.
Bạn đồng hành trong suốt cuộc đời, không chỉ là tình cảm vợ chồng, càng là người thầy dạy nhau biết trân trọng, là người bạn tri kỷ không có gì giấu giếm.
Trên tay Trì Thanh Chước là bó hoa hồng trắng, nửa ngồi xổm xuống đặt trước bia mộ, ngẩng đầu nhìn ánh sáng sáng ngời, là gương mặt của người bà đã lâu không thấy.
Trì Thanh Chước nhớ rõ, lúc sinh thời Phạm Tinh Anh thích nhất là hoa hồng trắng. Vườn hoa ở nhà cũ, Trì Kiến Nghiệp sai người gieo trồng cả một vườn, mỗi mùa hoa đến, chỉ cần đi trên đường mòn vào cửa chính, mùi hoa sẽ quanh quẩn trên người.
Trì Kiến Nghiệp lấy trong túi ra một chiếc khăn tay trắng tinh, chậm rãi chà lau bức ảnh, giọng điệu trầm khàn đặc trưng của người có tuổi: “Bà vẫn trẻ như vậy, còn tôi thì già rồi.”
Vừa dứt lời, người biết kiềm chế như Trì Kiến Nghiệp cũng không nhịn được mà đỏ mắt.
Rốt cuộc nhân sinh này dài thế nào, phải dùng cái gì để cân đo đong đếm, là dùng thời gian hay là thành tựu, hoặc giả như thứ khác?
Trì Thanh Chước không biết đáp án.
Chờ đến khi xuống núi, hoàng hôn cũng dần buông xuống.
Ngồi trên xe, Trì Thanh Chước im lặng rất lâu mới mở miệng: “Bà với ông quen nhau năm bao nhiêu tuổi?”
“17 tuổi.” Trì Kiến Nghiệp nhìn ra ngoài cửa sổ: “Ông làm người khuân vác đồ ở bến tàu, bà ấy là nhân viên phục vụ ở tiệm cơm gần đó.”
Ký ức của Trì Kiến Nghiệp dần dần được gợi lên, nói cho Trì Thanh Chước nghe rất nhiều chuyện năm đó.
Đến cuối cùng, Trì Thanh Chước hỏi: “Ông thấy chuyện hôn sự của ba cháu thế nào?”
Trì Kiến Nghiệp: “Đấy là do nó tự lựa chọn.”
Hỏi đến đây, ý đồ của Trì Thanh Chước cũng lộ rõ, trong đôi mắt đen nhánh của anh đầy cố chấp: “Nếu một ngày cháu không có quyền lợi lựa chọn, ông sẽ đứng về phía cháu sao?”
“Cháu nghĩ ông là người sẽ hiểu cảm giác đó nhất, ông nội.”
Trì Thanh Chước còn cố ý gọi thêm một tiếng “ông nội”.
Trì Kiến Nghiệp nhìn về phía Trì Thanh Chước, sau một lúc lâu mới cho câu trả lời khẳng định: “Ông sẽ đứng về phía cháu.”
“Cảm ơn ông.”
Trì Thanh Chước rất thông minh, biết tiến biết lùi đúng thời cơ, hiểu rõ thế nào là mượn lực, càng biết làm cách nào đơn giản nhất để đạt được mục tiêu của bản thân.
Gen tốt đẹp của nhà họ Trì ở trên người anh không hề bị mai một, có lẽ đó là hiệu quả của việc bậc cha chú nghiêm khắc, hoặc có thể là bản năng trời sinh.
Mặc kệ thế nào đi nữa, Trì Kiến Nghiệp là thật lòng thích đứa cháu đích tôn này.
Trì Thanh Chước chưa từng để những lời nói của Lâm Tề Dung ở trong lòng, nhưng anh vẫn muốn dựa vào Trì Kiến Nghiệp, lại lần nữa xác định chính mình có được quyền lợi lựa chọn.
Chuyện này không đơn giản chỉ vì Chung Linh, mà là đến thời khắc thích hợp để làm một người trưởng thành, ai cũng muốn nhảy ra khỏi gông cùm xiềng xích của ba mẹ.
Anh không đồng ý cũng không cho phép ai có quyền sắp xếp bài bố cuộc đời của mình.