Thông tin truyện

Tà Dương

Tà Dương

Thể loại: Xuất bản, Truyện phương đông
Edit/Dịch: Hoàng Long
Tình trạng: Hoàn 12 chương

Văn án

Quyển sách của tác giả được xem là một trong những tiểu thuyết Nhật Bản hay nhất thời hậu chiến, là một tác phẩm văn học kinh điển của thời đại đó.

Tiểu thuyết không chỉ nói về sự suy tàn của gia đình quý tộc, còn là sự biến động, buộc phải thay đổi, thích nghi để tồn tại. Mọi thứ sau chiến tranh đều chìm vào u ám, mang đến thảm khốc cho biết bao gia đình, nó lấy đi hết thảy tài sản, người thân, và cả sự sống.

Niềm kiêu hãnh của những gia đình quý tộc đã bị tước mất.

Dựa trên nhật kí của Kazuko, bức thư gửi Uehara và edi chúc của Naoji, ba nhân vật tiểu thuyết, ba số phận cuộc đời nhuốm màu của tà dương theo những cách khác nhau, nhưng đều để lại dư vị đắng chát, trăn trở với câu hỏi: "Sống hay không sống?"

Lời Dịch Giả

Sau "Thất lạc cõi người", chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý độc giả một kiệt tác khác của nhà văn Dazai Osamu, tiểu thuyết "Tà dương".

"Tà dương", một trong những quyển tiểu thuyết Nhật Bản hay nhất thời hậu chiến, đã đưa Dazai lên hàng tác gia nổi tiếng nhất thời bấy giờ, góp phần khai sinh một từ ngữ mới cho tiếng Nhật vẫn còn được sử dụng đến tận ngày hôm nay: "Tà dương tộc" (斜陽族).

Từ điển "Quảng Từ Uyển"(広辞苑) đã định nghĩa như sau:

(太宰治の小説「斜陽」から)急激な社会の変動によって没落した上流階級を目 指す語

(Từ tiểu thuyết "Tà dương" của Dazai Osamu): Từ này dùng để chỉ giai cấp thượng lưu sa sút vì một biến chuyển gấp gáp của xã hội.

Câu chuyện không chỉ nói về sự sa sút của một gia đình quý tộc phải sống cuộc đời thường dân mà còn tượng trưng cho tâm thức của toàn Nhật Bản sau tan hoang thời hậu chiến.

Được xây dựng trên nhật ký của Kazuko, thư gửi Uehara và di chúc của Naoji, quyển tiểu thuyết cho ta một cái nhìn ba chiều kích về cảm nhận và sự đối mặt của con người trước hiện thực.

Sau chiến tranh, hai mẹ con Kazuko phải rời bỏ ngôi nhà ở khu phố Nishikata để dọn về một sơn trang hẻo lánh nơi miền quê Izu. Naoji, người em trai đi lính trở về sa đọa rượu chè nghiện ngập và cuối cùng tự sát. Người mẹ sống trong khắc khoải nhung nhớ về một thời vàng son đã qua để cuối cùng cũng chết mòn vì bệnh lao phổi. Kazuko sau cuộc hôn nhân tan vỡ cũng quay về sống cuộc đời lay lắt như "trẻ con chơi đồ hàng" cùng với mẹ. Nhưng không thể nào chịu nổi cuộc sống tẻ nhạt đó, nàng đã đứng lên đấu tranh, làm một cuộc "cách mạng" về đạo đức. Sự vượt thoát đầy nhọc nhằn và cô độc của Kazuko cuối cùng kết thúc bằng một tia sáng le lói của bình minh đến. Một mầm hy vọng đang lớn dần trong người Kazuko, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, dù đứa bé rồi cũng sẽ chỉ trở thành một nạn nhân.

Hình ảnh người mẹ, một phụ nữ quý tộc cuối cùng của Nhật Bản cùng cái chết của bà có thể xem là sự cáo chung của giai đoạn lịch sử vàng son không bao giờ còn lặp lại. Naoji tượng trưng cho sự vỡ mộng của Nhật Bản sau chiến tranh, không còn tìm thấy đường sống, bắt buộc phải chết trong tự hủy. Kazuko tượng trưng cho sự vượt thoát lên trên hoang tàn và đổ vỡ. Bằng cách yêu Uehara, một nhà văn sống cuộc đời phóng đãng, một tượng trưng cho tinh thần vỡ mộng tuyệt vọng và đồi phế của tâm thức Nhật Bản; quyết tâm sinh một đứa con như thêm một nạn nhân mới của cuộc cách mạng, Kazuko đã trút bỏ con người cũ thuở vàng son để trở thành một con người hành động của thế kỷ mới và bước đầu hoàn thiện cuộc cách mạng đạo đức của mình.

Bức thư cuối cùng mà Kazuko viết gửi Uehara có thể được xem như một thắng lợi của cuộc vượt thoát đầy ám ảnh và bài ca huy hoàng về nữ quyền với nhiều câu nói vang vọng:

"Em nghĩ mình đã thắng cuộc.

Cho dù Đức mẹ Maria không sinh ra đứa con của chồng mình nhưng với lòng kiêu hãnh ngời sáng, hai mẹ con họ đã trở nên thần thánh.

Em điềm nhiên mà khinh thường cái thứ đạo đức cổ hủ, và mãn nguyện vì có một đứa con ngoan."

Và:

"Đứa con hoang và mẹ nó.

Tuy nhiên hai người chúng em sẽ đấu tranh đến cùng với thứ đạo đức cổ hủ, sẽ sống như mặt trời.

Dù thế nào đi nữa, ông cũng phải tiếp tục cuộc chiến đấu của mình đi nhé.

Cách mạng vẫn chưa được tiến hành một chút nào cả. Và vẫn cần nhiều hơn nữa, thêm nữa những nạn nhân cao quý và đáng thương.

Cái đẹp đẽ nhất trong cuộc đời chính là nạn nhân. Lại có thêm một nạn nhân bé bỏng nữa.".

Chúng tôi cũng muốn viết riêng một bài cảm nhận về "Tà dương" nhưng sau khi đọc xong bài viết giải thích về tác phẩm của nhà văn - dịch giả Kakuta Mitsuyo thì thấy mình phải dừng bút.

Hơn hai mươi năm, Kakuta mới thẩm thấu được "Tà dương", sau ba giai đoạn trắc trở. Thật đúng như bài thơ của cư sĩ Tô Đông Pha:

Lô sơn yên tỏa Chiết Giang triều,

Vị đáo bình sinh hận bất tiêu.

Đáo đắc bản lai vô biệt sự,

Lô sơn yên tỏa Chiết Giang triều.

Mà Phạm Công Thiện đã dịch rất hay và tuyệt mù thơ mộng:

Lô sơn bảng lảng khói mưa,

Chiết Giang con nước triều đưa rạt rào?

Sống chưa đến đó nghẹn đau,

Tới rồi về lại thấy nào khác xưa?

Lô sơn bảng lảng khói mưa,

Chiết Giang con nước triều đưa rạt rào.

Cái Lô sơn của khói mưa trước và sau, về hiện tượng không có gì khác. Nhưng như nước lạnh và nước đun sôi để nguội, cái Lô sơn sau thật đã sạch tuyệt vi trùng của vô minh và sân hận.

Tác phẩm của Dazai được nhiều người nữ yêu thích đến tận ngày hôm nay vì ông rất am hiểu tâm lý phụ nữ và đưa vào trong tác phẩm của mình một cách chân thành, tự nhiên. Ngoài tiểu thuyết "Tà dương", chúng tôi có đưa vào phần phụ lục một truyện ngắn "Không ai hay biết" và bài giải thích tác phẩm của nữ nhà văn Kakuta Mitsuyo để minh chứng thêm cho điều đó.
Xem thêm
Thu gọn

Danh sách chương

Truyện cùng tác giả

Maxvin

W88

Tele: @erictran21
Loading...