Tuhfa - vallennox

Chương 2: Trang 5 - 9



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

May mắn thay, lần thứ hai chúng tôi gặp nhau không có ai bị thương. Một lần nữa trên Đảo Lớn, bốn năm đã trôi qua. Vết thương do ngọn giáo gây ra đã lành từ lâu mà không để lại dấu vết, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Tôi không nói cho ai biết nguyên nhân thực sự khiến tôi bị thương, khi được hỏi thì tôi nói rằng mình bị xe bán hàng ở chợ làm trầy xước, không ai thắc mắc về câu trả lời này. Tôi thực sự không cần phải nói dối, nhưng tôi không buồn giải thích lý do tại sao tôi lại có mặt ở chỗ lửa trại. Và chị gái tôi có lẽ sẽ chộp lấy điều đó để không ngừng cười nhạo tôi.

Về đến nhà, vết thương đã đóng vảy. Tôi kể lại câu chuyện tương tự cho các bà mẹ, và mẹ Pucia nhận xét rằng vết sẹo phẳng đến mức trông giống như vết đâm hơn, nhưng bà đã không truy hỏi tiếp. Ngôi nhà luôn trong tình trạng hối hả, nhộn nhịp như thường lệ khi một thủy thủ trở về, cha Cormoran mang quà cho mọi người, hôn từng người mẹ và được kéo đến để nhận nụ hôn từ hai người cha còn lại. Mỗi khi nghĩ về cha mẹ, điều đầu tiên hiện lên trong đầu tôi luôn là cảnh tượng này: ngọn lửa bập bùng trong lò sưởi đá, ngôi nhà thơm mùi chiếu rơm, cá nướng, vải bông mới, và mọi người đều ở đó, mỉm cười, ôm nhau, hôn nhau, chia sẻ những viên đường mía và lợn rừng khô từ Đảo Lớn.

Tôi cứ tưởng năm sau mình có thể ra khơi lần nữa nhưng không ngờ cha Cormoran lại không có dự định như vậy. Chị gái tôi hiện là thủy thủ chính thức của đội tàu buôn và được mệnh danh là “Sanggu”, có nghĩa là “khả năng phi thường”. Khi đã trưởng thành, cô chuyển đến căn nhà riêng của mình mà bố Sinta và cô đã cùng nhau xây dựng vào mùa hè năm ngoái. Tôi muốn lẻn vào qua cửa sổ khi Sanggu đi vắng, nhưng không may con chó của cô ấy luôn đuổi tôi ra ngoài, cuối cùng, bố Sinta đã tóm lấy con chó, trói nó vào cây dừa rồi đuổi tôi ra bãi biển để vớt tảo đỏ dính nhớp.

Khi tôi mười bốn tuổi, tôi dành nhiều thời gian ở ngoài trời vào mùa hè. Nếu không làm việc trên cánh đồng mía với bố Lira thì tôi cũng đang học cách làm mồi và bắt cá từ bố Sinta, ông cũng cố dạy tôi cách nhận biết hàng chục loài động vật có vỏ và rong biển xuất hiện ngoài biển khơi, nhưng tôi không nhớ nhiều lắm. Tôi không có tài trồng trọt, cũng không có tài chèo thuyền, đó là điều chắc chắn, thậm chí có đêm tôi còn nghe thấy cha mẹ tôi lặng lẽ nói chuyện, bàn bạc xem liệu cá nhỏ có nên học dệt vải hay không, nhưng tôi không nghe được kết luận. Họ đóng cửa phòng ngủ lại và âm thanh biến thành những tiếng vo ve không thể xác định được.

Càng về cuối hè, thời tiết càng xấu đi rõ rệt, đoàn tàu buôn vẫn chưa từ Đảo Lớn trở về, muộn hơn những năm trước mấy ngày, nhưng đây không phải là vấn đề, thậm chí có lúc đoàn tàu còn chậm tận hai tuần. Tôi bắt đầu đi đến đền với mẹ Noor mỗi ngày. Bà dạy tôi đọc và viết, rồi bảo tôi tập viết chữ Đảo Lớn – ngôn ngữ của cậu – trên biên bản thu hoạch sắn đã bỏ đi. Vào đêm chúng ta gặp nhau lần đầu tiên, cậu đã viết nó trên cát. Mảnh mai, quanh co, được điểm xuyết bởi những nốt nhạc đóng mở và các chấm nhỏ li ti, giống như dấu vết do côn trùng nhiều chân bò trên bãi cát ẩm để lại.

Chính trong ngôi đền, tôi đã khám phá ra niềm đam mê thực sự của mình: ngôn ngữ. Tôi có thể ngồi đó suốt bốn năm tiếng đồng hồ, nhai ngấu nghiến một tập thơ viết bằng ngôn ngữ của các hòn đảo bên ngoài kia. Tôi không hề thích thơ ca chút nào, chỉ thích nghiền ngẫm những từ xa lạ, nghiền ngẫm cách viết và phát âm rồi chép lại nó. Khi còn nhỏ, tôi bị ám ảnh bởi việc sưu tầm những chiếc vỏ sò xinh đẹp với nhiều hình dạng khác nhau và cẩn thận giấu chúng trong những chiếc hộp gỗ nhỏ, giờ đây tôi cũng thu thập từ vựng mới theo cách tương tự. Đôi khi đi dạo trên bãi biển, hay nằm trên chiếu rơm vào ban đêm, tôi không khỏi chơi đùa với những “vỏ sò” mà mình có, xâu từng cái một vào chiếc vòng cổ cấu tạo từ ngữ pháp và thưởng thức những câu từ mới.

Ngôn ngữ giống như một cánh cửa sổ, hay một cuộc sống mới. Thế giới đã tan vỡ và được ghép lại với nhau theo logic mới. Ví dụ, theo cách hiểu của Icahn, núi lửa là sự kết hợp giữa “ngọn lửa” và “núi”, điều tương tự cũng đúng trong cách hiểu của Đảo Lớn. Nhưng trên quần đảo băng giá xa hơn một chút về phía bắc, người ta hiểu nó là “núi tan”, dùng magma tương tự như tuyết tan. Ở phía nam, ngôn ngữ chung của Quần đảo Rừng Xanh không đề cập đến lửa hay núi mà chỉ nói đến “đá khói”, có lẽ là do núi lửa ở khu vực đó nhỏ và hầu hết đều không hoạt động, qua nhiều thế hệ họ chỉ nhìn thấy khói và hiếm khi gặp magma.

Tôi đọc mọi thứ, những lời cầu nguyện, cáo phó, những lời tiên tri, hồ sơ thương mại, kế hoạch đóng tàu, sách hướng dẫn làm đường. Khác với Đảo Lớn, chúng tôi hầu như không có sách chuyên sưu tầm truyện. Truyện hư cấu là truyền miệng chứ không phải viết, thường là do cha mẹ kể. Dù trong cùng một bối cảnh, các gia đình khác nhau sẽ kể những cốt truyện khác nhau và họ tùy ý thay đổi, mối quan hệ của các nhân vật cũng được điều chỉnh để phù hợp với nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Mọi thứ viết ra đều là thơ. Trong ngôn ngữ của tôi, “thơ” và “lịch sử” là những từ cùng nguồn gốc. Thơ là ký ức, ghi lại những sự kiện có thật trên thế giới. Điều quan trọng là nội dung và tác động vô hình của những nội dung này đối với con người. Kỷ luật, nhịp điệu và vẻ đẹp chiếm ưu thế sau. Chính vì vậy mà khi lần đầu đọc thơ của những hòn đảo bên ngoài, tôi rất ngạc nhiên, tôi tưởng tất cả những chuyện tình bất ngờ đó đều là sự thật lịch sử, không hiểu sao “lịch sử” của những hòn đảo bên ngoài lại bị thống trị bởi các nàng tiên đầm phá(1) và những bản tình ca. Bài thơ dài về cô gái dập tắt ngọn núi lửa khiến tôi đặc biệt bối rối: Làm sao một người có thể thách thức được ngọn núi lửa? Ai có thể sống sót trở về sau khi chứng kiến điều kỳ diệu như vậy?

(1) Đầm phá: là một loại hình thủy vực ven bờ, nước lợ, mặn hoặc siêu mặn, thường có hình dáng kéo dài, được ngăn cách với biển bởi hệ thống đê cát dạng cồn đụn và có cửa thông với biển.



Đương nhiên, tôi hỏi mẹ Noor, bà cười một lúc rồi dừng lại, chậm rãi giải thích cho tôi về thơ của người dân đảo ngoài, khái niệm “hư cấu”, “giải trí” là gì và đôi khi mọi người viết ra những tưởng tượng của mình rồi chia sẻ chúng với nhau. Trong trường hợp của chúng tôi, truyện là những thứ truyền miệng, thanh tao và là “thứ yếu”, nhưng điều này không xảy ra ở tất cả các đảo, trên Đảo Lớn đều có những người chuyên viết truyện để kiếm sống. Trên các hòn đảo phía nam có rừng nhiệt đới bao phủ, kể chuyện là một nghề được tôn trọng và người ta có thể được bầu vào hội đồng cùng với các thương nhân hàng hải.

Điều này có thể có nghĩa rằng những gì tôi đang viết là một bài thơ theo nghĩa chặt chẽ nhất của Icahn.

Vào mùa đông, tôi là người duy nhất leo núi lên ngôi đền mỗi ngày. Mẹ Noor có thai trước mùa buôn bán, và việc ra ngoài không còn thuận tiện nữa khi thời tiết trở lạnh rõ rệt. Có bốn con đường lên núi lửa, không có con đường nào dễ đi, những con đường tương đối bằng phẳng bị gió lạnh thổi dữ dội, trong khi những con đường núi được che chở bởi những tảng đá khổng lồ lại vô cùng hiểm trở. Cân nhắc hai nỗi đau, tôi chọn con đường lộng gió, không những rộng hơn ba con đường còn lại mà còn được lát đá. Mỗi buổi sáng, tôi quấn mình trong chiếc áo khoác len bồng bềnh, che đầu, mặt và tai bằng chiếc khăn quàng cổ của mẹ Pucia, rồi cúi đầu đi lên và nghiêng người sang một bên để chống lại sự lấn chiếm liên tục của gió mạnh.

Lối vào đền thấp như hầm mỏ, tỏa ra mùi muối và mùi gỗ, phải đi khoảng hai mươi bước thì nó mới dần dần mở ra. Không khí ấm áp ùa ra, bàn tay và đôi má lạnh cóng của tôi bắt đầu hơi râm ran. Tôi cởi khăn quàng cổ và từng lớp quần áo, chỉ để lại chiếc áo cotton và quần dài. Núi lửa của Đảo Icahn đã không hoạt động trong nhiều năm, nhưng ít nhất một “mạch” magma vẫn chạy xuyên qua ngọn núi, có lẽ đó là thứ khổng lồ đã kết nối chúng tôi với Đảo Lớn. Nham thạch liên tục tỏa nhiệt.

Để đến thư viện, trước hết phải đi vòng qua hồ nước ở trung tâm ngôi đền. Khi tôi nói “hồ nước”, người ta có thể tưởng tượng ra một tác phẩm được sắp xếp bằng đá hình vuông hoặc tròn, khảm bằng đá cuội hoặc khảm trắng, nhưng “hồ nước” của ngôi đền chỉ đơn giản là một vùng trũng hình chữ bát(2) với nước chỉ ngập đến mắt cá chân ở điểm sâu nhất, không có ranh giới rõ ràng, hòa quyện với những phiến đá màu cát xung quanh. Người đến cầu nguyện ném những mảnh pha lê núi lửa nhỏ xuống nước nên đáy hố luôn đầy những mảnh đá đen cỡ ngón tay. Ánh nắng nhạt và những giọt nước nhỏ xuống từ khe hở hình tròn trên đỉnh hang, vùng nước nông bị đá nướng chín, bốc hơi thành sương mù.

(2) Hình chữ bát: 凹

Để ngăn hơi nước, thư viện có hai cánh cửa, sau khi đi qua cánh cửa thứ nhất, hành lang rẽ sang bên phải, không có đuốc nhưng mọi người có thể di chuyển về phía trước bằng cách cảm nhận những lỗ thông hơi mảnh mai, những lỗ thông hơi này được khoan xuyên qua tường đá, để núi đón không khí lạnh tràn vào. Cánh cửa thứ hai thấp hơn, vừa vặn với tôi mười bốn tuổi, vài năm nữa tôi sẽ phải cúi xuống. Cửa đá rất nặng, khi đẩy ra sẽ luôn làm phiền người bên trong, bình thường sẽ là linh mục tập sự, nhưng tôi thường đến rất sớm nên bên trong không có người. Không khí lạnh và khô – điều kiện cần thiết để bảo quản sổ sách và hợp đồng. Các lỗ thông gió trên tường đá rộng bằng hai lòng bàn tay và được trang bị vách ngăn bằng gỗ có thể đóng lại khi trời quá lạnh hoặc có tuyết. Nhưng theo những gì tôi có thể nhớ, những vách ngăn này chưa bao giờ bị đóng. Tôi mặc lại quần áo, hết lớp này đến lớp khác, quấn chiếc khăn quàng lên tận cằm.

Tại đây tôi đã đọc xong cuốn “Biên niên sử về những ngọn núi lửa”, lẽ ra không nên nói “đã đọc” mà phải là “liếc nhanh từng tập rồi trả nhanh lại, thề không bao giờ đụng đến nữa”. Cuốn sách này cực kỳ nhàm chán, nếu cậu nói rằng cậu đã đọc nó, tôi rất nghi ngờ rằng cậu thực sự mới đọc trang đầu tiên của tập đầu tiên, đó chỉ là lời khoe khoang. Nhưng hầu hết mọi người sẽ không vạch trần cậu, bởi bản thân họ cũng chưa đọc cuốn sách đó. Chỉ có những linh mục tập sự mới chịu khó nghiên cứu từng từ dưới sự giám sát chặt chẽ và ghi nhớ nó với nỗi khổ sở gấp đôi. Đôi khi những người bạn tập sự của tôi sẽ lén đưa cho tôi những món quà nhỏ – thường là những món ăn không có trong làng và nhờ tôi chép lại một hoặc hai chương cho họ để họ lẻn ra ngoài chơi.

Tôi không theo đạo, và niềm tin của tôi vào núi lửa đã biến mất từ lâu trước khi tôi sẵn sàng thừa nhận điều đó với chính mình. Bất cứ khi nào mọi người kìm nén sự tò mò và lịch sự hỏi tôi tại sao tôi lại quen biết nhiều linh mục như vậy, tôi đều thành thật trả lời: “Khi tôi còn nhỏ, họ đã hối lộ tôi và tôi đã viết một nửa số kinh thánh cho họ”. Phản ứng đầu tiên của mọi người sau khi nghe điều này là bật cười, cho rằng tôi là một kẻ xảo quyệt không chịu chia sẻ bí quyết nịnh nọt.

Ảo tưởng đeo bám trong ký ức tuổi thơ của tôi là núi lửa và đại dương đều sẽ mãi mãi yên bình. Nhưng sự thật là tranh chấp đã bắt đầu từ trước khi chúng tôi ra đời, hoặc khi những người định cư đầu tiên đốt đống lửa trại đầu tiên trên hòn đảo đầu tiên. Năm mà cậu và tôi gặp nhau trên Đảo Lớn, phép thuật chính thức bị cấm ở Quần đảo phía Bắc, các pháp sư cùng với các tàu buôn chạy trốn và hầu hết đều định cư trên Đảo Lớn. Bọn họ buôn bán độc dược và bùa chú, lấn át việc kinh doanh của dược sư, đại diện của dược sư lập tức đến hội đồng phản đối, pháp sư tiếp tục phân tán về phía đông nam. Đồng thời, đảo Icahn không chỉ có tranh chấp về nghề cá với các đảo phía Bắc mà còn gần như phá vỡ hiệp định thương mại với Đảo Lớn do tuyến đường vận chuyển. Hai hòn đảo lớn và nhỏ ở phía đông đang trên bờ vực nội chiến. Một cuộc chiến đã bắt đầu ở đâu đó phía nam. Tôi không nhớ họ là hai bộ tộc nào. Cả hai bên đều đã chết hết. Một nhóm cướp biển chiếm đóng hòn đảo quê hương của họ trong một thời gian ngắn. Nhưng chỉ chưa đầy một năm, họ đã chết vì bệnh dịch, không có ai sống sót. Không ai đến gần hòn đảo nữa và rừng nhiệt đới lại nuốt chửng nó.

Sau này chúng tôi thường nói rằng muốn quay trở về thời thơ ấu, về cái thời đại dương này vẫn còn “hợp lý”. Nhưng sự thật là cái thời đó chưa bao giờ tồn tại. Trong những năm tháng yên bình trên đảo buôn bán, núi lửa vẫn phun trào xóa sổ một, hai ngôi làng hẻo lánh, liệu có ai viết thơ về chúng không?

——

Lần thứ hai tôi đến thăm Đảo Lớn là vào mùa thu. Tôi mười bảy tuổi và từ lâu tôi đã không còn thích chơi cờ. Ngày trước ngày khởi hành là ngày thu hoạch, mọi người đều bận rộn chặt mía hoặc hun khói, tôi chuẩn bị mảnh pha lê núi lửa, viên đường mía và cá hồi khô, ngoài ra tôi còn mang theo lưỡi câu tôi làm hồi hè, hai cuộn dây câu, một con dao và vài mảnh gỗ nhẵn – mực và giấy được dành riêng cho các linh mục, những người khác phải sử dụng mảnh gỗ hoặc phiến đá để thay thế. Tôi định ghi lại một điều gì đó, mặc dù tôi không biết chính xác nó là gì.

Lần này chỉ có một chiếc tàu, không phải để kinh doanh, hoàn toàn không có không khí lễ hội của mùa buôn bán. Khi đi qua núi lửa, thuyền dừng lại lâu hơn tôi nhớ, hai vị linh mục đọc kinh dài trước khi vẫy tay ra hiệu cho những người khác ném pha lê núi lửa xuống nước. Tôi kêu lên một cách thiếu kiên nhẫn, nghĩ rằng sẽ không có ai nghe thấy mình, nhưng cha Cormoran đã quay đầu lại như một con cá heo cảnh giác và nháy mắt với tôi.

“Tại sao các linh mục lại đến Đảo Lớn?” Tôi hỏi vào cuối ngày hôm đó trong cabin của thuyền trưởng. Cha Cormoran đang đan một chiếc áo len nhỏ cho em gái tôi. Mùa đông sắp đến rồi.

“Thảo luận gì đó.” Cha trả lời mà không rời mắt khỏi kim đan.

“Có chuyện gì thế?”

“Ta không biết, cá nhỏ.”

“Con tưởng đàm phán là công việc của một thương nhân.”

“Đôi khi không.” Cha liếc nhìn tôi rồi đưa tay điều chỉnh góc độ của ngọn đèn dầu cá voi để ánh sáng có thể chiếu sáng bộ quần áo chưa dệt xong tốt hơn, “Hơn nữa, cha tin chắc con sẽ biết nhiều hơn cha.”

“Tại sao? Con thậm chí còn không biết họ bắt con để làm gì.”

“Con sẽ sớm biết thôi, phải không?”

Tôi không nói nữa. Cha Cormoran ngân nga khe khẽ, đan tay áo trái một cách khéo léo. Một lúc sau, ông hắng giọng: “Cá Nhồng?”

Tôi nhìn ông ấy.

“Khi chúng ta trở lại đảo Icahn, có lẽ con có thể đặt cho mình một cái tên, hiểu không? Đừng hỏi quá nhiều. Hãy làm theo những gì các linh mục bảo con.”

Tôi trả lời “Con hiểu” mặc dù tôi chẳng hiểu gì.

Đảo Lớn vào mùa thu nhìn từ xa có màu xanh xám thay vì màu xanh tươi vào mùa hè. Bến tàu vắng tanh, ít thuyền và người, chợ cũng vắng, không có người bán hàng, thùng chở hàng hay những tấm rèm sặc sỡ bắt mắt, những sạp đá trông như những dãy tổ ong khoét rỗng. Tất nhiên là không có lửa trại ở quảng trường, nhưng có thể dễ dàng biết được lửa ở đâu qua những vết cháy sém trên gạch đá.

Cha Cormoran vẫn ở trên tàu cùng các thủy thủ. Nhưng vị linh mục đã đưa tôi đi cùng với những người học việc và đi thẳng đến Hội đồng Đảo Lớn. Cả hai giáo sĩ đều mặc áo choàng dùng cho những dịp trang trọng, phần thân trên có màu đỏ tươi, càng xuống phía dưới màu càng đậm, viền áo hoàn toàn chuyển sang màu đen carbon. Màu núi lửa. Thỉnh thoảng có một tín đồ cúi chào họ, nhưng hầu hết đều không nhìn chúng tôi. Người lạ là chuyện bình thường ở đây và cư dân của Đảo Lớn đã nhìn thấy những điều kỳ lạ hơn chúng tôi.

Hội đồng là một tòa nhà đơn giản bằng gỗ và đá, những viên đá trên các bức tường bên ngoài có cũ có mới không đồng nhất. Có vẻ như ban đầu nó được dự định xây dựng như là một nơi tụ tập che mưa một cách vội vàng, nhưng khi được sử dụng, người ta nhận ra rằng cần phải bổ sung thêm nhiều phòng hơn, rồi vài căn phòng khác được xây dựng một cách bừa bãi trên mặt đất, cuối cùng những căn phòng không ngừng tăng lên tạo thành một hành lang kết nối với hội trường.

Một người đàn ông đang dựa vào cửa, tôi tưởng cậu ta là lính canh, nhưng người đàn ông này không có vũ khí và trông có vẻ lười biếng. Khi chúng tôi nhìn thấy vị linh mục, anh ấy đứng thẳng dậy, lau mái tóc đen bù xù, chào đón chúng tôi rồi giải thích rằng đại biểu của Quần đảo phía Nam vẫn chưa đến và yêu cầu chúng tôi đợi bên trong. Anh ấy nói ngôn ngữ của chúng tôi, với giọng hơi nhẹ, nhưng cú pháp của anh chính xác và cách lựa chọn động từ của anh mang tính thành ngữ.

Cho đến thời điểm này, tôi đã không nhận ra cậu, sau bốn năm trôi qua, và thành thật mà nói, tôi hiếm khi nghĩ đến cậu. Nhưng khi cậu quay lại và bước vào tiền sảnh, có thể vì nét mặt cậu, hoặc vì những chiếc lông chim hải âu ló ra dưới chiếc cổ áo rộng, tôi chợt nhớ ra. Cậu dường như không nhận ra tôi, đôi mắt cậu quét qua tôi không ngừng. Tảo Lam(3), người bạn linh mục tập sự của tôi, nhẹ nhàng kéo khuỷu tay tôi, lúc đó tôi mới nhận ra mình đang đứng yên, lúng túng chạy vài bước để đuổi kịp vị linh mục.

(3) Tảo lam: hay còn gọi là vi khuẩn lam hoặc tảo lục lam, là một ngành vi khuẩn có khả năng quang hợp.

Phòng hội đồng được trải đầy đệm, tạo thành một vòng tròn lỏng lẻo xung quanh ngọn lửa. Gỗ thông dày hơn cánh tay được xây thành hình tháp, kêu tanh tách và cháy, khói bay thẳng lên và thoát ra ngoài qua giếng trời. Không hiểu sao trong không khí lại có mùi rong biển luộc, có lẽ nó đến từ bên ngoài. Các linh mục ngồi khoanh chân trên những chiếc đệm gần đống lửa, theo sau là những người học trò của họ. Tôi thực sự có thể chọn ngồi bên phải, xa ngọn lửa nhất và gần cửa nhất. Nhưng tôi đã đi sang bên trái và ngồi cạnh cậu. Cậu liếc nhìn tôi và mỉm cười, với ngọn lửa nhảy múa trong đôi mắt đen của cậu, giống như bốn năm trước. Kể cả khi ngồi xuống, cậu vẫn cao hơn tôi, và tôi phải hơi nghiêng đầu mới nhìn được mặt cậu, điều đó thật thô lỗ, nhưng cậu cũng đang nhìn tôi nên chắc là bỏ qua vậy. Tôi hồi hộp quan sát đường nét gò má và chiếc mũi của cậu, mơ hồ lo lắng rằng mình đã nhận nhầm người.

“Xin chào.” Cuối cùng, cậu lên tiếng trước, “Tên mình là Tuhfa.”

Tôi muốn trả đũa bằng một câu châm biếm, khôi phục lại một số điểm mà không ai quan tâm và bằng cách nào đó bù đắp cho sự xấu hổ của bốn năm trước. Hoặc tôi nên hỏi làm sao cậu có thể quên nạn nhân bất ngờ của một ngọn giáo theo cách dễ dàng như vậy, nhưng sự ứng biến chưa bao giờ là thế mạnh của tôi, không phải bây giờ, chắc chắn không phải ở tuổi mười bảy, và tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trả lời thành thật.

“Mình biết.”
Chương trước Chương tiếp
Vietwriter; Bongdaso; Bongdapro; Keonhacaivip; W88; SAO WIN; NEW88; NEW88;
Tele: @erictran21
Loading...