Có hai từ cho “ký ức”. Một là “Da Qinan”, kí ức của cá nhân, hay kí ức truyền miệng. Cái còn lại là “Pei Jianan”(1), ký ức viết, ghi chép. Tôi chọn “ký ức” thứ hai, các linh mục cũng không phản đối, tuy đây không phải là một cái tên truyền thống thường được đặt cho người phiên dịch, người ghi chép hay người trông coi sách, và nó phù hợp với một linh mục hơn, nhưng công bằng mà nói, tôi cũng không phải là một người phiên dịch, người ghi chép hay người trông coi sách theo nghĩa truyền thống.
(1) Raw là 裴加南, mình tra nghĩa của từng từ thì thấy không có cái nào liên quan đến nghĩa mà tác giả nói cả nên có lẽ đây chỉ là phiên âm tiếng Trung của một cái tên nước ngoài nào đó khác thôi, nhưng mình tra lại cả cụm lần nữa thì vẫn không thấy hiện ra từ nào có vẻ là từ gốc của nó nên đành để tạm như vậy. Từ “Da Qinan” cũng tương tự, raw là 达其南.
Giống như người dân Đảo Lớn kỷ niệm lễ trưởng thành, chúng tôi cũng kỷ niệm ngày đặt tên của các thành viên trong gia đình. Thói quen của mỗi gia đình sẽ hơi khác nhau một chút, nhưng quá trình thực hiện thì đều giống nhau: chuẩn bị đồ ngọt và mỗi phụ huynh sẽ tặng một món quà. Thế là tôi nhận được bảy món quà, hầu hết đều đã thất lạc, chỉ có chiếc vòng cổ do cha Cormoran tặng là vẫn còn nguyên vẹn vì thường xuyên được đeo, nó đã cùng tôi đi đến tận tảng đá hoang vắng này. Tôi quấn chiếc vòng cổ quanh cổ tay để có thể nhìn thấy khi viết, điều đó khiến tôi bớt cô đơn hơn một chút.
Hôm qua tôi mới chuyển da thú và gối đến phòng thư tịch, ở đấy ấm áp hơn, căn phòng bằng đá sáng sủa hơi chìm xuống đất, tránh gió lạnh tốt hơn phòng ngủ bên cạnh. Cách bài trí của căn phòng có phần giống căn phòng mà chúng tôi đã sống một thời gian ngắn ở Quần đảo phía Nam: rộng rãi nhưng được trang trí sơ sài, có bàn làm việc và ghế bành, phần còn lại của không gian chứa đầy kệ và tủ. Tôi ngồi dưới giếng trời, từ bình minh đến hoàng hôn, có rất nhiều kỷ niệm, không biết có viết ra được một nửa hay không.
Thỉnh thoảng tôi lại ra biển vào sáng sớm, khi trời chưa sáng hẳn, những ngọn núi lửa phía xa sẽ hiện rõ hơn, những đám lửa giận dữ cuồn cuộn sau những đám mây đen. Lần nào tôi cũng mong sẽ có một chiếc thuyền xuất hiện, nhưng cho đến hiện tại – vẫn chẳng thấy đâu.
——
Hôm nay tôi đã lục lọi hết các tủ, cuối cùng cũng tìm thấy một bộ hoàn chỉnh của “Biên niên sử về những ngọn núi lửa”, tôi đã cười như điên và phải dựa vào tủ để thở. Để có mặt ở đây, cho đến thời điểm này, tôi không thể bỏ được bộ kinh văn tôn giáo cực kỳ nhàm chán này. May mắn thay, trong tủ sách còn có “Tuyển tập thơ về các hòn đảo” do Quần đảo phía Nam biên soạn, với bản dịch sang ba thứ tiếng. Khi muốn thoát khỏi những suy nghĩ, tôi ôm cuốn sách này và cuộn tròn trên giường. Cuốn “Tuyển tập thơ” này rõ ràng không được thiết kế để đọc hàng ngày, nó được đặt trong một chiếc hộp gỗ đặc biệt, bọc trong một chiếc bìa da tẩy trắng, ngoài ra còn có trang trí bằng kim loại ở gáy và hai mặt của cuốn sách. Nó khá nặng, nếu chẳng may bị va vào ngực thì sẽ để lại những vết bầm nhỏ màu đỏ như máu.
Trong cuốn sách này, tôi đã đọc “Thủy thủ kì lạ Gotta”. “Gotta” trong ngôn ngữ của Quần đảo phía Nam có nghĩa là “mực”, toàn bài thơ được sáng tác bằng nhịp trống và múa, trong sáng, ngắn gọn, đầy vần điệu xảo quyệt, và sẽ thú vị hơn nếu hát bằng giọng Quần đảo phía Nam. Đó là phiên bản mà chúng tôi đã nghe, được trình bày bởi một cặp nhà thơ du hành. Người đàn ông đến từ Quần đảo phía Bắc, mái tóc và lông mày màu xám mang tính biểu tượng của anh ta có thể được nhìn thấy rõ ràng ngay cả khi nhìn từ xa. Anh ta chơi trống lắc. Nữ thi sĩ thì rất có thể đến từ Đảo Lớn hoặc gần đó, với đôi mắt nâu sẫm và mái tóc đen. Cô hát bằng ngôn ngữ của rừng rậm, và khi cốt truyện tiến triển, cô búng ngón tay và biến làn khói trắng dày đặc từ lư hương thành những con cá heo đang nhảy, những con mực có xúc tu vẫy, những con hải âu và những người đàn ông nhỏ bé chèo thuyền, khiến khán giả vỗ tay bật cười tán thưởng. Đây khó có thể coi là phép thuật, chỉ có thể nói là một trò lừa đường phố để thu hút khách hàng, nhưng nếu cô ấy làm điều này ở các hòn đảo phía bắc, “Đội tuần tra Tuyết” mặc đồng phục sẽ sớm đến trục xuất những người biểu diễn táo bạo này, và nếu họ tìm được cơ hội đút lót một ít tiền, đội tuần tra có thể sẽ tha cho trống lắc và đàn lia của họ, nhưng không có ngoại lệ, những người bị buộc tội là “pháp sư” sẽ bị dồn lên thuyền, vứt trên những tảng đá gần đó, cách duy nhất để rời khỏi những tảng đá đó là thuê thuyền đánh cá. Những người đánh cá lảng vảng quanh các tảng đá như những con kền kền tuyết, chờ cướp những đồng tiền cuối cùng từ túi của các linh hồn tội nghiệp này. Tuy nhiên, với phép thuật đã tuyệt chủng ở phương Bắc, công việc kinh doanh này không hề dễ dàng thực hiện.
Xem một buổi biểu diễn không nằm trong kế hoạch ban đầu của chúng tôi. Vừa xuống tàu không lâu, cậu đã bị bệnh, có thể là do khí hậu ở Quần đảo Rừng Xanh, nhưng tôi nghi ngờ chính là do con cóc đỏ như máu khủng khiếp kia hơn, nó nằm lặng im co ro trên bậu cửa sổ, giống như một miếng xác chết lạnh lẽo, đột nhiên nó nhảy dựng lên khi chúng tôi đang xách hành lý qua cửa, đập vào mặt cậu, ngã phịch xuống đất rồi nhảy ra khỏi cửa nhanh đến mức không thể nhìn rõ. Vùng da dính đầy chất nhầy lập tức sưng lên, cậu nói mình cảm thấy ổn nhưng đến tối thì lại bắt đầu sốt. Tôi đã đến gặp vu y nhưng bà ấy khẳng định rằng cóc vô hại và người dân địa phương thường dùng chất tiết ra màu đỏ như máu của chúng để chữa say sóng. Bà thuyết phục tôi mua hai chai rượu lên men, một dãy niêu đất tròn chất thành đống ở góc lều, bịt kín bằng bùn trộn cỏ khô. Tôi mua một chai rồi đi bộ dọc theo con đường rừng mờ ảo, đi thật chậm để tránh làm vỡ cái chai.
Rượu trong suốt, có màu xanh nhạt, có mùi thơm hỗn hợp kỳ lạ của rễ cỏ, ớt và trái cây thối, mỗi người chúng tôi nhấp một ngụm, rồi cùng nhau phát ra âm thanh ói mửa. Tôi lấy làm tiếc về số tiền tôi đã lãng phí vào việc này và cậu nói rằng cậu chỉ hy vọng chúng ta không gặp phải một lời nguyền nào đó. Rõ ràng, một số vu y trong rừng thường trộn một số tạp chất “ít độc hại” vào “thuốc” để đảm bảo khách hàng buộc phải quay lại “chữa bệnh” do nghe thấy ảo thanh hoặc nôn mửa.
Vì vậy, sáng hôm sau, khi nhận thấy tình trạng sức khỏe của cậu ngày càng trầm trọng, tôi không biết có nên đến gặp vu y lần nữa hay không. Các thành viên khác trong đoàn đã dậy sớm và đang chuẩn bị đi chợ chăn nuôi. Tôi đã chặn người trưởng đoàn lại và thuyết phục anh ta đến nhìn cậu. Anh ấy nghĩ rằng cậu “chỉ cần nghỉ ngơi và chúng ta không thể làm được gì nhiều hơn.”
Chắc chắn là trông cậu không có vẻ chỉ cần nghỉ ngơi nên tôi quyết định ở lại chăm sóc cậu. Tôi hầu như không rời khỏi căn nhà đó trong hai ngày tới, và cậu có thể không nhớ điều này, nhưng cơn sốt của cậu chưa bao giờ nguôi. Tôi ngồi ở mép giường, thỉnh thoảng thay khăn lau trán cho cậu, nghĩ xem nên nói thế nào với gia đình cậu nếu cậu không may chết ở đây. Tôi biết trong nhà người dân Đảo Lớn chỉ có một mẹ một cha, tôi nên viết một hay hai lá thư thôi? Làm thế nào để mở đầu? Bằng giọng điệu nào? “Thưa ngài, tôi rất tiếc phải thông báo với ngài rằng Tuhfa đã chết vì sốt cao không rõ nguyên nhân trong nhiều ngày…”
Buổi tối bên ngoài luôn có tiếng trống lục lạc, khi đến gần cửa sổ, tiếng trống dường như phát ra từ bụi cây đối diện với cửa sổ, nhưng khi đến gần cửa thì lại nghe như là tiếng ở bên ngoài cửa. Đây có lẽ là một trò lừa của rừng rậm, tôi nghĩ đến những bài thơ tự sự đã đọc trong thư viện lạnh lẽo lộng gió của đền, tôi chợt hiểu tại sao các anh hùng của Quần đảo phía Nam luôn lạc vào rừng hoang. Sau này, khi tôi kể cho các thành viên khác trong đoàn về sự việc này, hoá ra không ai nghe thấy tiếng trống. Có lẽ tôi nhớ nhầm, hoặc có thể là ảo giác do vò rượu lên men gây ra.
Ngày thứ ba cậu dậy sớm, vỗ nhẹ vào tay và tóc tôi, cũng đánh thức tôi dậy. Trời vẫn chưa tối hẳn, chỉ còn lại một đoạn nến ngắn, vừa đủ để thắp sáng bấc đèn. Chúng tôi nhìn nhau trong ánh sáng, cuối cùng lại cười một cách khó hiểu, cậu hỏi tôi có mua được con vẹt nổi tiếng – mặt hàng xuất khẩu phổ biến nhất của Quần đảo phía Nam không, trên đường đến đây tôi đã nói về nó rất nhiều lần. Đáng tiếc chợ chăn nuôi đã buôn bán được ba ngày rồi, hải cẩu, sói đồng cỏ và vẹt được huấn luyện qua một chút chắc đều đã bán hết, chỉ còn lại những con vật ốm yếu với dáng vẻ bơ phờ và uể oải.
Tôi nói không rồi hỏi cậu có muốn xem cây cầu treo để đền bù không.
Thế là chúng tôi đi chơi, lần đầu tiên sau ba ngày. Chúng tôi ở gần nhau không phải để tỏ ra thân mật mà là vì chân cậu còn chưa vững, một bên mặt dính đầy chất nhầy cóc còn hơi sưng tấy như bị lửa đốt. May mắn thay, cầu treo không xa và rất dễ tìm, chỉ cần đi về phía cái cây cao nhất đảo là được. Tất cả những cây cầu treo đều dẫn đến cây cổ thụ, hơn trăm năm qua, cư dân trong rừng đã từng chút một xây dựng lối đi trên không giống như mạng nhện này, ban đầu là để tránh dã thú và các loại côn trùng độc không tên ở dưới gốc cây, về sau lại trở thành một phần của lối sống. Chúng tôi đi vòng quanh gốc cây cổ thụ, vừa đi vừa ngước nhìn những cây cầu treo và những ngôi nhà trên cây đủ hình thù, cho đến khi phải thu hồi tầm mắt vì choáng váng.
Sau đó, giữa tiếng kêu không ngớt của con vẹt, tôi nghe thấy tiếng trống lục lạc nhịp nhàng. Chúng tôi leo lên một trong những cây cầu treo và loạng choạng đi về phía nguồn phát ra âm thanh. Trống đánh từ trái sang phải, nhưng luôn ở phía trước, cây cầu treo men theo những cành ngang dày đặc rồi bất ngờ đi xuống, chúng tôi loạng choạng trượt về phía bãi rừng trống như hai hạt đậu. Nhà thơ du hành đã ở đó, hương đã được thắp và có một vòng người nghe, tất cả đều mặc áo choàng màu xanh lục với những sắc thái khác nhau, đến nỗi những người ngoài cuộc đột nhiên xen vào trong số họ – bao gồm cả hai chúng tôi – trông như những cây nấm mọc lệch giữa đống cỏ khô.
Lúc đầu cậu cũng vui vẻ như tôi, vỗ tay khi nhìn thấy con mực bốc khói, nhưng một lúc sau nụ cười nhạt dần. Tôi chạm vào tay cậu, lo cậu lại sốt, nhưng không phải, “Tôi lại nghĩ đến chuyện khác”, cậu nói. Tôi đại khái hiểu nó là gì, và có lẽ nó giống như những gì tôi nghĩ. Phép thuật không tránh khỏi gợi nhớ đến lệnh cấm đối với các hòn đảo phía bắc, những pháp sư lang thang ở các cảng ăn xin, và những tin đồn mà chúng tôi đều đã nghe nhưng không muốn đào sâu, về những “pháp sư” bị đày xuống biển vốn không hề có tài năng phép thuật nào cả mà chỉ vì họ bất mãn với nhà vua hoặc có tranh chấp cá nhân với các thành viên Đội tuần tra Tuyết. Lệnh cấm này cũng có xu hướng dần dần di chuyển về phía nam, trên đảo Icahn và thậm chí trên Đảo Lớn đều có những tiếng nói cấm phép thuật, những tiếng nói này hiện tại vẫn còn rất nhỏ và ngượng ngùng, nhưng chúng tôi không thể đảm bảo rằng chúng sẽ không trở nên lớn hơn.
Mọi người không quan tâm chuyện gì đã xảy ra với các pháp sư. Phép thuật và hóa học, pháp sư và dược sư có thể hoán đổi cho nhau trên hầu hết các hòn đảo, nếu mất cái này, bạn có thể tìm đến cái kia. Và phép thuật không đáng tin cậy đến mức khó có thể phân biệt được sự khác biệt giữa một pháp sư thực sự và một lang băm đường phố tồi tàn.
Tiếng trống chấm dứt. Người phương Bắc tóc bạc và nhà thơ tóc đen nắm tay nhau và cúi chào, chào những khán giả. Người ta ném vỏ sò và đồng xu vào gáo dừa, tôi đếm số tiền mang theo và bỏ một đồng xu vào đó. Không có màn biểu diễn tiếp theo, nhà thơ cất chiếc gáo dừa chứa đầy tiền lẻ, giơ tay lên lư hương thả một đàn cá chuồn gồm tia lửa và tro lao thẳng về phía khán giả, làm dấy lên một tràng cảm thán và tiếng vỗ tay khác. Khi tôi định thần lại, nhìn mặt đất bùn làm sân khấu, người, nhạc cụ, lư hương đều đã biến mất.
Chúng tôi đi bộ trở lại qua một cây cầu treo khác, và tất nhiên là chúng tôi bị lạc trong mạng nhện khổng lồ gồm dây thừng, rêu và những tấm ván gỗ. Trong lúc cố gắng quay lại gốc cây cổ thụ, chúng tôi phát hiện ra suối nước nóng và lại vui mừng khôn xiết. Những dòng suối đầy khói được điểm xuyết bằng những ngọn núi lửa thấp – không đủ để gọi là “núi”, vì ngọn nhỏ chỉ tới ngực, còn ngọn lớn thì không cao hơn cây cối xung quanh. “Đá khói”, chúng tôi đồng thanh nói, bằng phương ngữ của Quần đảo phía Nam. Cậu nháy mắt với tôi, cởi quần áo rồi bước xuống nước.
Tôi đứng đó, không biết phải làm gì, hơi nước cuồn cuộn như sóng biển táp vào mặt tôi, đặc và nóng, thoang thoảng mùi lưu huỳnh. Cậu dùng hai tay bưng nước lau mặt và cổ, tôi nhìn dòng nước chảy qua bờ vai và bộ ngực trần của cậu, suýt chút nữa đã vấp phải bãi đá. Cậu ngước nhìn tôi và nói: Đến đây đi, cá nhỏ.
Chỉ có cha mẹ và chị gái tôi mới gọi tôi là cá nhỏ, ngoài ra tôi cũng không còn dùng cái tên này nữa. Nhưng tôi không phản đối, cậu có quyền gọi tôi bằng bất cứ cái tên nào cậu thích. Có vẻ như qua nụ cười của cậu, cậu cũng hiểu được điều này. Tôi cuộn áo và quần lại rồi đặt chúng lên phiến đá. Nước suối nóng đúng như tôi mong đợi, mang lại cảm giác ngứa ran dễ chịu. Những viên sỏi trượt dưới chân, và những chiếc lá giống như sợi chỉ của một loại thực vật chịu nước nào đó đung đưa một cách uể oải trong các kẽ đá. Hơi nước che mắt tôi như một trò nghịch ngợm rồi nhanh chóng tan biến. Lẽ ra tôi nên tiến tới và hôn cậu, nhưng tôi đã không làm thế. Mọi người không phải lúc nào cũng nhận ra rõ ràng cảm xúc của mình và họ thường chỉ tỉnh ra khi xem xét lại ký ức của mình. Tôi để lại một khoảng cách rộng bằng bàn tay giữa chúng ta, và cậu không bình luận gì cũng như không đến gần hơn. Chúng tôi nói về cây cầu treo, về địa chất tuyệt vời của Quần đảo phía Nam, chỉ những chú cóc trong suốt đang bơi lội trong làn nước nóng với nhau và kêu lên vui sướng như trẻ con.
Tôi không nhớ rõ bằng cách nào mà chúng tôi tìm được đường về, có lẽ là người dân địa phương đã thương hại những thương nhân lạ đang lang thang trên cầu treo và đưa chúng tôi về. Nhưng tôi nhớ rõ rằng vào lúc chạng vạng, cây cầu treo trông như sợi nấm phát sáng, treo lủng lẳng giữa những tán cây, người dân địa phương trồng cây Sihe – nghĩa là “lửa trắng” – trên dây treo, một loại cây nho nở hoa quanh năm. Bản thân những “ngọn lửa trắng” không phát ra ánh sáng nhưng sau khi trời tối, chúng sẽ thu hút một lượng lớn ong sữa phát sáng, đủ để thắp sáng cây cầu treo. Vừa đi, chúng tôi vừa giơ tay dọa những con côn trùng nhỏ ăn phấn hoa, nhìn chúng bay đi từng đàn rồi từ từ quay trở lại dây treo, như những tia lửa từ từ rơi xuống.
Đêm đó tôi mơ thấy một đàn ong trắng vo ve vỗ cánh, lóe sáng trên vịnh tối tăm, cây cầu treo chìm trong sương đêm ẩm ướt, không thấy điểm cuối. Rất lâu sau khi tôi rời Quần đảo phía Nam, giấc mơ này thỉnh thoảng vẫn ghé thăm tôi. Đôi khi cậu ở trên cầu treo, đôi khi không, và tôi hy vọng cậu sẽ ở đó tối nay. Để tiết kiệm dầu cá voi, những ngày này tôi cố gắng chỉ viết vào ban ngày. Còn về việc phải làm gì sau khi dầu cá voi cạn kiệt hoàn toàn, tôi không biết.
Chúc ngủ ngon, Tuhfa, dù cho cậu ở đâu.