[Vô Hạn Lưu] Hồi Ký Của Kẻ Lưu Hành Thời Gian

Chương 14



“ Dậy mau! “

Giọng nói đanh tai nhức óc không thể nhầm lẫn là của Mụ Cóc khiến tôi chậm chạp mở mắt. Chị Hồng đứng bên cạnh, lay lay tay tôi một cách thúc giục.

Nhưng có vẻ như tất cả các nha đầu a hoàn hay người hầu khác đều đã thức giấc rồi, cho dù bây giờ bên ngoài trời vẫn tối mịt. Theo tôi đoán thì giờ mới chừng bốn năm giờ sáng gì đấy. Và tôi thì vốn là một kẻ quen ngủ nướng đến phút cuối cùng mới dậy mặc đồ đi học. Nhưng bây giờ thì việc đó đã không còn. Nói đúng hơn là tôi đã không còn đi học nữa, vì giờ tôi đang làm người hầu trong cái gia đình đáng ghét này.

Có lẽ tôi nên dậy, kẻo khỏi ngủ tối mai luôn nếu Mụ Cóc bắt tôi phải lau lại toàn bộ gian đại sảnh hay tất cả các hành lang như mụ đã làm với mấy đứa khác hôm trước. Chúng chỉ vô tình chạm vào mụ khi đang mang đống chăn màn mới giặt xong vào. Đó là một cái hành lang bé tí, nhưng khi đã chạm tới Mụ Cóc thì coi như mất một đêm ngủ.

“ Dậy đi em... “ _ Chị Lý Hồng nói như van nài.

Tôi ghét cái nơi này.

Mụ Cóc tất nhiên có một hình phạt tương xứng với việc tôi đã dậy muộn: dọn cái chuồng phân. Nghĩ tới là muốn nôn ọe.

Tại sao trong tất cả các gia tộc hay gia đình giàu có đi mua người hầu ở cái chợ hôm ấy, tôi lại bị Mụ Cóc chọn cơ chứ?

Mụ Cóc là quản gia của nhà này, một gia tộc danh giá nào đó ở thành Lổ Coa. Đừng hỏi tôi cái thành này ở đâu. Vì tôi mù lịch sử địa lí.

Vâng, lịch sử địa lí. Tức là cái mảng mà lịch sử và địa lí cùng đứng với nhau. Nó học về sự thay đổi của các vùng khác nhau trong Đại Á. Đa số là sự thay đổi tên từng vùng là chính. Vì mấy ông Hoàng Kim Đại Đế có một sở thích rất độc ác là mỗi khi có một ông mới lên ngôi, ông đó sẽ bắt đầu đi đổi tên vùng. Một thành phố có thể tên A ngày hôm nay và được đổi tên là B ngay ngày hôm sau. Và. Tất. Cả. 114. Ông Hoàng Đế. Đều. Làm. Vậy.

Tôi rất rất căm thù lịch sử địa lí. Cái thành phố này hình như ở đâu đó phía tây. Khi tôi bị bắt về nhà này, tên béo kia đã bịt mắt tôi, khiến tôi không thể nào biết được đường mình đang đi. Chỉ trong chút giây lát để ăn tôi mới có thể nhìn ra ngoài xe ngựa và mỗi lần như vậy, phong cảnh thay đổi xòanh xọach. Tôi ít nhất cần một tấm bản đồ để định vị mình đang ở đâu. Những người hầu khác thì biết thành phố này đang ở đâu đấy, nhưng họ dùng toàn tên gọi của các vùng thời này thì làm sao mà tôi hiểu được. Nhưng tất nhiên là một người hầu không được phép động vào bất cứ loại văn thư nào, những thứ đấy chỉ dành cho các vị công tử và tiểu thư của gia đình này cũng như là những người đứng đầu dòng họ.

Nhưng tôi đang dự tính bỏ đi, chạy trốn, đại loại vậy... và tôi tất nhiên là cần một tấm bản đồ.

- Linh...

Tôi không mắc nợ cái gia tộc này như một số người hầu khác, tôi cũng không có gì nhiều để mất. Tất nhiên suy nghĩ về việc đi ra khỏi bốn bức tường tuy ngột ngạt nhưng an toàn của một dòng họ danh giá đến thế kỉ 17 tất nhiên là khiến tôi sợ vãi linh hồn. Nhưng nếu bạn phải sống trong một cái nơi thế này, bạn có rất rất nhiều lí do để ra đi.

- Linh!

Tôi cũng từng đi du lịch với bạn bè rồi mà, cũng không khó lắm... Tất nhiên là giờ tôi hoàn toàn nhẵn túi, không thể đọc chữ Việt cổ, không biết gì về địa lí thời này, luật cấm sử dụng và tàng trữ vũ khí trái phép vẫn chưa tồn tại, tôi chưa bao giờ thực sự bước ra khỏi Việt Nam nửa bước trong khi tôi giờ đang rất chắc chắn tôi không còn ở trong Việt Nam nữa...

Nghĩ lại, có lẽ tôi nên ở lại nhỉ?

- LINH!

- Á!

Chị Lý Hồng nhìn tôi một cách chăm chú, như rằng có thể tôi lại một lần nữa suy nghĩ mông lung trong lúc làm việc. Cả hai đang ở chỗ giặt rửa và phơi phóng tại khu vực của những người hầu. Cái sân sau này hòan toàn thuộc quyền quản lí của Mụ Cóc. Nó là nơi làm việc, ăn uống, giặt giũ, nói chung là tất tần tật những thứ người hầu trong gia đình này phải làm.

- Em nghĩ gì mà lâu vậy, từ nãy giờ cứ nhìn chăm chú vào cái chậu nước như ý nghĩa của cuộc sống được viết vào trong đấy vậy _ chị Lý Hồng mỉm cười nghẹo tôi.

Tôi cười trừ:

- Em... em xin lỗi.

May là chị Lý Hồng chứ không phải ai khác bắt gặp tôi suy nghĩ mộng lung trong lúc đang làm việc. Tôi cùng chị đang phải rửa sạch hết mười ba bộ đồ ngủ của mười ba chị tiểu thư nhà này. Sau đó thì phơi chúng lên rồi chạy vào bếp chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa cho mười ba cô tiểu thư, hai chục cậu quí tử cùng một bà già, chín cô vợ và ba ông tướng. Việc đơn giản ấy mà.

Tôi nhẹ thở dài rồi quay lại với cái áo làm lụa hồng lượt là. Lụa thượng hạng, tất nhiên, phải giặt bằng tay một cách cẩn thận, không được vò quá mạnh hay rũ quá tay. Chị Lý Hồng nhờ tập trung vào công việc nên từ nãy đến giờ đã giặt gần hết đống của mình, còn tôi vẫn chỉ mới ở cái thứ hai. Chị nhìn qua, mỉm cười ái ngại:

- Em cần chị giúp không? Nhìn em làm khó khăn quá.

Mà quá khó rồi còn gì. Nhà tôi có bộ đồ bằng lụa thượng hạng nào như mấy cái này đâu, tôi chưa từng mặc đồ gì bằng lụa ấy chứ. Chị Lý Hồng vào ngày đầu tiên dạy tôi cách giặt đồ lụa thế nào nhưng sau hai tuần tôi vẫn chưa thực sự thành thạo, cứ phải chậm chạp vò từng tí một.

- Không cần đâu chị, em... em làm được mà...

Chị Lý Hồng khẽ nhăn mặt, chị chà tay cho hết bọt rồi nhìn qua tôi. Tôi cố gắng như đang chăm chú lắm, để chị hiểu là tôi ổn cả. Nhưng chỉ cần chị Lý Hồng quan sát trong mười giây là toàn bộ màn kịch đổ bể hết, đặc biệt khi tôi vừa suýt nữa làm rách cái áo lụa hồng. Chị cười cười còn tôi thì bẽ hết cả mặt.

- Chị giặt giúp em ba cái nhé?

- Vâng.. vâng ạ _ Tôi lí nhí trả lời.

Thôi thì, có người muốn giúp mình thì mình cũng không nên khước từ họ. Nói vậy thôi, nhưng nhờ chị Lý Hồng mà chồng quần áo lụa của tôi vơi đi nhanh chóng. Do lụa không thể phơi dưới nắng như các loại vải khác, tôi phải mắc chúng lên trong bóng râm của cây đa đại thụ trong khu vực sân sau này. Nó giống như một cái ô khổng lồ, cực kì thích hợp. Thời này chưa có mắc hay kẹp nên khi phơi đồ lên, hai chị em phải dùng dây để giữ những bộ quần áo lại không cho chúng bay đi. Những bộ áo lụa bảy màu bay nhẹ nhàng trong bóng râm, như chúng là những con bướm đang thư giãn dưới bàn tay của ai đó.

Làm xong là vừa đến gần giờ ăn trưa. Và khi tôi nói ăn trưa, tức là tôi đang nói đến lúc các vương tôn quí tộc trong gia đình này đi ăn, chứ người hầu thì phải chừng ba tiếng sau mới bắt đầu. Vừa phôi giặt quần áo xong là hai chị em chạy thẳng tới phòng bếp mà chuẩn bị bưng bê. Một bữa trưa của gia đình này gồm ít nhất năm mươi món mặn khác nhau, ba mươi loại rau tất cả, mười hai loại súp cho từng thành viên và chừng vài chục kí hoa quả các loại để làm tráng miệng. Đặc biệt là Hồ Quí Lữ _ mẹ của Hồ Quí Trừng _ người đứng đầu toàn bộ gia tộc này luôn muốn ăn cùng với toàn thể con cháu chút chít, nên ba bữa cơm của nhà này đều được ăn tại một cái bàn lớn đặt tại khu nhà chính giữa.

Khi tới bữa, các gia nhân phục vụ sẽ khiêng cái bàn làm từ gỗ trầm ra khu nhà chính, phủ một tấm vải thêu hình con phượng có màu tím lên trên ( đây là biểu tượng của dòng họ Hồ này) rồi bày thức ăn ra. Mỗi người trong gia đình này từ khi sinh ra đã được phân cho một chỗ ngồi riêng, và chỉ khi họ trở thành quan to hay thắng ai đấy trong mấy vụ đánh nhau thì mới được thay đổi chỗ ngồi, thường là gần về phía đầu con phượng hơn.

Tất nhiên là ngày hôm đấy chẳng có gì nhiều để nói. Chị Lý Hồng và tôi được phân công bày dọn bàn với chừng mười lăm người hầu khác, từ sáng tới giờ tôi chẳng được ăn cái gì cả, đang bưng đĩa thịt rán thơm nức thật là quyến rũ mà. Ước chi tôi có thể ăn một miếng nhỉ? Một miếng gặm nhỏ thôi...

- Linh! _ tiếng chị Lý Hồng ngay sát bên tai làm tôi giật cả mình, chị ấy đến bên cạnh tôi từ lúc nào mà tôi không biết _ em đang định làm gì vậy? Tổng quản gia đang đứng nhìn em từ nãy đến giờ kìa, cẩn thận bị mụ đưa ra đánh đòn để làm gương cho mấy người hầu khác đấy.

Lời chị nói nghe như sấm đánh ngang tai, tôi he hé nhìn mắt qua trái, Mụ Cóc đúng là đang nhìn trừng trừng về phía chúng tôi. May mà có chị Lý Hồng:

- Cám ơn chị nhé.

Chị chỉ cười mỉm, rồi để bát canh sườn nghi ngút khói lên bàn trước khi rút lui về phía sau. Tôi làm theo, và phải làm nhanh, vì vừa lúc tui bước giật lùi ra đằng sau theo đúng lễ nghi thời này, các gia chủ của gia tộc Hồ bước vào. Như bình thường, người bước vào đầu tiên là Hồ Quí Trừng.

Với tư cách là người đứng đầu gia tộc, người đàn ông cao hơn mét chín này luôn đi trước tất cả, kể cả mẹ mình. Hồ Quí Trừng là một Võ quan trong triều, đứng hàng Mộc. Mặt vuông vức, hàng lông mày rậm rạp khiến khuôn mặt như tối đi. Hơn nữa, người đàn ông này gần như không bao giờ cười khiến cho người nào nhìn vào cũng thấy khiếp sợ. Người duy nhất mà Hồ Quí Trừng không tỏ ra thái độ khinh thường là mẹ mình. Đến cả hai người anh em của ông cũng gần như thích tránh xa người anh cả này hơn. Tôi từng một lần bị phái mang đồ ăn đêm đến cho ông này, sợ bắn người. Lúc đi vào thấy ổng đang ngồi lau cái trường kiếm của mình, mắt lườm tôi như tôi là kẻ thù khiến tôi suýt chút nữa là đổ cả bát súp. May thay là từ đó tôi chẳng bao giờ phải đến gần Hồ Quí Trừng nữa.

Chị Lý Hồng thì khác, hình như rất được người này quí mến, thường xuyên được yêu cầu mang đồ đến cho Hồ Quí Trừng. Có lẽ vì vậy mà hai bà vợ của ông này không thích chị Lý Hồng lắm. Mụ Cóc nghe lời họ thường hay bắt chị làm những việc như một thân một mình lau rửa hết toàn bộ đống chén bát khổng lồ của gia tộc này đêm hôm qua làm chị mất hết cả ngủ. Tôi cũng lẻn ra làm giúp chị ấy nhưng chị nằng nặc không cho, cuối cùng tôi phải về lại. Nhưng chị ấy cũng có thể nói là có sức thật, sáng hôm sau vẫn có thể dậy đúng giờ và làm việc như thường. Tưởng như nụ cười mỉm chi không bao giờ rời khỏi khuôn mặt của chị ấy.

Đi theo sau Hồ Quí Trừng là Hồ Quí Lữ, một người đàn bà nhăn nheo, nhỏ thó, thích quát người khác, đặc biệt là các người hầu. Lũ con cháu của bà già này lúc nào cũng cười cười quanh bà già, nhưng lúc về phòng riêng thì... Tôi có hôm phải mát-xa chân cho cô nàng Hồ Liên Hương, cô này phàn nàn liên hồi về bà của mình với cô bạn từ một gia tộc khác trong thành. Nào là “ mụ cứ cằn nhằn về việc tao không biết cách chọn màu sắc cho quần áo. Trong khi đó bả cứ mặc một màu quanh năm, đúng là rỗi hơi “ hay là “ bả chết càng sớm càng tốt, bố tao lên đứng đầu rồi thì tao chẳng phải sợ ai nữa. Trừ khi tên kia trở về “.

Thậm chí bây giờ khi đang bước vào bàn ăn, Hồ Quí Lữ vẫn tiếp tục cằn nhằn về việc cái cửa sao mà mở lâu thế với con trai cả của mình. Ông này thì có vẻ nghe rất chăm chú. Đi theo hai người là bầu đoàn thê tử của ông này, người em thứ hai Hồ Quí Lâm và người em út, Hồ Quí Tường. Họ đi vào theo hàng, như một đoàn vịt đủ màu sắc và hình thái đang đi diễu hành. Luật lệ duy nhất của cái nhà này là cho dù có định làm gì, định đi đâu, phải luôn có mặt vào bữa trưa và bữa tối đầy đủ. Tuy vậy, hiện giờ có năm người đang vắng mặt.

Và điều này tất nhiên là không thoát khỏi tầm mắt của mụ già. Ngoại trừ hai chỗ ngồi bên phải mụ già là đã trống từ khi tôi đến đây, còn ba chỗ nữa không có người ngồi. Ba chỗ đó vốn là của bà vợ thứ năm của ông Hồ Quí Lâm, bà Đan Thanh và hai người con của họ, Tiểu Thuyết và Tiểu Tuế. Ba mẹ con bỗng dưng biến mất trong giờ ăn trưa vốn rất nghiêm ngặt này thực sự là khiến người ta phải nhíu mày suy nghĩ mà. Đặc biệt là khi bà Đan Thanh là một trong những người hay xun xoe bà mẹ chồng nhất. Hai cô con gái thì chắc chắn không phải thuộc loại tiểu thư ngỗ nghịch chạy đi chơi. Nói đúng hơn là hai cô này thích sống trong bốn bức tường của phòng mình và thêu thùa gì đó hơn là tận hưởng cái mùa xuân mà họ đang thêu về.

Là một trong những người hầu đứng ở góc, tôi phải cụp mặt xuống và không được ngẩng lên. Nhưng không cần nhìn cũng có thể nhận ra những cái liếc trao đổi suy nghĩ giữa những người trên bàn lớn đầy thức ăn. Họ không nói gì, một số chắc chắn là cũng đang cụp mặt xuống như tôi, số còn lại thì chờ đợi ông Hồ thứ hai mở miệng giải thích cho sự biến mất của vợ con mình hoặc là ông Hồ thứ nhất quyết định xem họ có nên ăn hay không.

Nhưng trước khi bất kì ai có thể nói gì, một tiếng ngựa hí rõ to bỗng dưng vang lên từ cửa. Và tiếng vó ngựa dữ dội ngày một gần hơn, như rằng có ai đó đang cưỡi ngựa chạy thẳng tới trước khu nhà chính. Phản ứng bằng bản năng, mọi người trong gian phòng ngước nhìn ra cửa. Các gia nhân như tôi nhân dịp này cũng ngẩng mặt lên để xem có chuyện gì. Từ khóe mắt mình, tôi thấy Hồ Quí Trừng đã đặt tay lên cán kiếm của mình, khuôn mặt như tối sầm lại. Như rằng ông ra biết rằng người cưỡi ngựa đó là ai.

Cho dù người đó có là ai đi nữa, tôi cũng phải nói rằng kẻ đó cũng phải là kẻ có gan. Vì gia tộc họ Hồ có ba đứa con trai đều là làm Võ quan trong Hoàng Kim triều. Tuy chỉ có Hồ Quí Trừng là làm đến hàng Mộc, nhưng họ phải nói là có thanh có thế trong triều và là gia tộc duy nhất có ba người con làm việc trong triều đình. Gia đình quân sự này nguyên tắc rất chỉnh chu, kẻ phạm phải bị đuổi ra khỏi nhà là nhẹ, nặng hơn thì tôi không dám nói, chỉ mới được chị Lý Hồng và một số gia nhân khác kể cho nghe.

Tiếng vó ngựa rồi cũng dừng lại ngay trước gian nhà. Tôi cá là nếu đã là gia đình khác thì họ đã đổ xô ra xem rồi, nhưng với gia đình này thì không. Họ vẫn tiếp tục ngồi đấy, chỉ nhìn ra ngoài. Từ chỗ tôi không thể thấy gì cả. Nhưng tôi đoán là một người một ngựa mà thôi. Hồ Quí Trừng đứng dậy, tay phải vẫn để lên đai trường kiếm nạm vàng lúc nào cũng kề bên và đi ra khỏi cửa. Hai người em trai của ông cũng đứng dậy, họ cũng để tay lên hai cây kiếm của mình rồi đi ra cửa để xem kẻ quấy rỗi bữa ăn trưa của gia tộc họ Hồ là ai.
Chương trước Chương tiếp
W88

SAO WIN

NEW88

NEW88

Tele: @erictran21
Loading...